There is a temperate zone in the mind, between luxurious indolence and exacting work; and it is to this region, just between laziness and labor, that summer reading belongs.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Thế Uyên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2305 / 19
Cập nhật: 2015-07-16 13:43:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 Những Tháng Ngày Qua…
ỗi một người đều cần có một quê hương để trở về vào tuổi già hay vào những thời kỳ mệt mỏi hay chán nản trong đời. Các con người quốc tế hay những kẻ bốn biển là nhà, thực ra cũng vẫn có một quê hương – dù một quê hương quan niệm khác thường. Giả thử trong vài thế kỷ nữa, con người ngao du dễ dàng trong vũ trụ, thì vẫn sẽ còn còn trái đất làm nơi muốn trở về sau cùng… Bởi thế, ai mất quê hương thực sự của mình, đều phải tạo ra quê hương mới bằng cách này hay thế khác.
Rời miền Bắc sau 1954, tôi mất tới hai quê một lúc: quê nội và quê ngoại. Và cũng như nhiều người khác, tôi vô tình tạo ra một phần và mẹ tôi tạo ra một phần khác một quê hương tạm thời là Đà Lạt. Mỗi lần mỏi mệt, buồn rầu hay chán nản vì làm việc quá nhiều, vì thất tình hay vì một lần nữa lý tưởng lùi xa vời tầm sức nhỏ bé của mình, tôi đều trở về nơi này. Những đồi thông thanh tao bất tận, những lũng nhỏ im vắng, những làn sương mù mùa mưa đã từng làm say mê tâm hồn thiếu thời, bao giờ cũng mang lại cho tôi cảm giác yên ổn và được vỗ về. Cuối năm Âm lịch năm nay, tôi mong muốn trở về thành phố đó hơn bao giờ hết, cần đồi thông ngàn đời cũng như cần những di tích những kỷ niệm của gần mười năm đầy tháng ngày qua trở lại bao phủ, êm đềm và buông thả. Bởi vì những năm đi lính và những năm thất bại mới đây trên con đường đã chọn lựa đã làm thấm mệt, và nhất là bởi vì mẹ tôi đã chọn lựa đã làm thấm mệt, và nhất là bởi vì mẹ tôi đã dứt khoát chọn nơi cư ngụ là thành phố miền núi ấy từ mấy năm nay. Mẹ tôi đã già – như vậy kể như tôi đã tạm có một quê hương mới: không cần đợi tới các cháu chắt, ngay các con tôi trong tương lai chúng có thể tuyên bố với bạn bè là: “Tết năm nay tụi tôi về quê ăn Tết với bà…”. Vậy dĩ nhiên Thi và tôi năm nay hai đứa chuẩn bị chuyến về quê ăn Tết Mậu Thân rất cẩn thận, đan trước từng chiếc áo len, mua sẵn vé máy bay từ đầu tháng Chạp, viết thư cho người anh còn tại ngũ nơi xa và đứa em trai mới giải ngũ nhưng lập nghiệp cũng một nơi xa, hẹn cùng về ăn Tết với mẹ. Cẩn thận hơn, tôi còn biên thư dặn mẹ tôi hoãn ngày gói bánh chưng lại đợi ngày các con cháu về.
Vào cuối năm các đường bay, cũng như các chuyến xe đò, dầy đặc những người đi một mình, hai mình hay bồng bế con cháu về quê. Dậy sớm từ lúc mới hết giới nghiêm mà xế chiều phi cơ mới đáp xuống phi trường Liên Khương, tôi không hề bực bội bởi vì những khung cảnh quen thuộc đã hiện ra. Con đường lên đèo dài dặc mà không hề sốt ruột như nhiều lần bao năm trước, tôi từ nơi dạy trẻ về thăm Thi khi nàng còn là sinh viên ngày ngày đi học ở một viện đại học nhiều hoa nhất. Lý do thật giản dị: lần này tôi không còn đi một mình. Chiến tranh vẫn có đấy, đang tiếp diễn khủng khiếp, nhưng ốc đảo vẫn còn đó ít nhất cho những kẻ đang dắt nhau về quê mẹ cuối năm.
Mỗi người thường thiết tha với một góc cạnh, một người hay hình bóng một người ở quê nhà. Đối với người này là một bờ tre phủ cành lá xuống mối tình đầu hay ao bèo xanh ngắt, đối với người khác là một góc thềm gạch cũ có một viên gạch long che giấu một hố nhỏ nơi chứa đựng kho tàng báu vật của trẻ thơ… Đà Lạt, quê hương mới của hai đứa tôi còn mới quá, không có những thứ di tích ấy. Chỉ có những tục lệ, ước lệ xây dựng trên quá khứ tình yêu, nhưng bấy nhiêu cũng là tạm đủ. Hai đứa đến uống cà phê Tùng vào tối đầu tiên như bao lần đã làm, nhấm nháp chất lỏng đắng, vơ vẩn nhìn khung cảnh gần như không đổi từ những ngày xưa khi hai kẻ mới là hai tình nhân thường ngồi thật khuya, đến giờ quán đóng cửa mới ôm nhau ra về, leo qua sườn một quả đồi cỏ thấp để rồi lên cao giữa sương mù dầy đặc, đặt môi lên nhau chờ đợi cho nóng dần lên trong chiếc hôn như muốn kéo dài cho tới sáng. Ngày hôm sau, ăn phở điểm tâm, vẫn theo tục lệ hai đứa đến uống cà phê tại quán Domino tồi tàn sau lưng một dãy nhà, ngồi lẫn lộn trên ghế dài với những người lái xe, những người lính và nhiều loại khác nữa… Thú vị và thoải mái, có lúc đưa ly lên từng hớp nhỏ cà phê nóng, tôi nghĩ hơi tiếu lâm và rất tiểu tư sản rằng ít nhất chống Cộng cũng có lý do: để bảo vệ cái cuộc sống có thể hôn người yêu trong sương mù, nghe thổi sáo trong lũng thông, ăn sáng vào lúc mặt trời ngang con sào và nằm lơ đãng ven hồ chẳng làm gì cả hay chỉ để mân mê một cọng cỏ… Đã có đôi chút kinh nghiệm sống với những-người-bên-kia, tôi biết chắc chắn rằng những điều trên không thể có và không được phép có trong bất cứ một chế độ cộng sản nào.
Từ những năm đã lâu vào tận quá khứ miền Bắc, mẹ tôi vẫn có lệ bắt đầu nấu bánh vào lúc xế trưa và thời khắc được tính toán như thế nào để vào nửa đêm những chiếc bánh nhỏ đầu tiên đã chín, bóc ra ăn khói bốc nghi ngút. Năm nay cũng thế. Căn nhà tôn mẹ tôi thuê ở đầu một lũng nghèo có tên chẳng thơ mộng chút nào là Hố Bò, đồ đạc chẳng có gì ngoài những chiếc nệm nhỏ nhiều màu vải bọc khá đẹp lấy từ những quần áo chăn nệm nước-bạn-Hoa-Kỳ bán xôn ngoài chợ. Một chiếc lọ sứt khá đẹp chẳng biết mẹ tội “sưu tầm” ở đâu cắm một cành đào đầy hoa đang nở. Mẹ tôi quả vẫn có tài biến chế và lần này vượt bực bằng cách tạo vẻ Tết thực sự thanh bình bằng những phương tiện thanh bạch cho các con cháu từ các nơi xa về. Đêm đến và sương xuống, lửa chụm thật to không phải mong bánh chóng chín mà để đỡ lạnh, mọi người cùng nhau nói chuyện không cần đề tài, cắn hạt dưa tí tách như than nổ. Vào lúc nào đó tôi thoáng buồn khi nghĩ vào một năm nào đen tối trong tương lai, mẹ tôi về lòng đất và tục lệ nấu bánh chưng sẽ chẳng còn. Các em gái tôi cũng như Thi, không người nào học được nghệ thuật ấy và dù sau này tôi có mua được cả tạ bánh mứt, Tết cũng chẳng còn hương vị cũ. Không phải chỉ vì lúc ấy mẹ tôi đã qua đời mà vì sẽ biết nấu bánh vào đâu trong thành phố mỗi ngày một theo nếp sinh hoạt của bên kia đại dương… Lấy chiếc gậy dài cời than hồng, tôi thoáng thấy rằng có lẽ ở cao ốc chọc trời, ăn bánh kẹo thật ngon của Tây phương, ở phòng có máy lạnh cũng chẳng thú vị gì so với hương vị xưa cũ của xã hội Việt Nam với dưa chua, thịt đông, pháo và bánh chưng đang sôi sùng sục trong nồi. Nghĩ xa thêm tôi tự hỏi về sau con cháu chúng ta sẽ sống như thế nào đây? Nếu chỉ như một anh chàng Mỹ-thuộc-địa hay con kiến lao-động-anh-hùng-vô-sản thì thật đáng buồn và vô nghĩa cho những nỗ lực cách mạng hay cải tạo xã hội bây giờ. Thật chưa bao giờ tôi thấy tương quan mật thiết giữa sự sinh tạo văn hoá mới và cách mạng xã hội bằng lúc này, trước nồi bánh chưng nước bên trong sôi ầm ì trên bếp lửa giữa sườn đồi. Và tôi tự nhủ trong cuốn sách đang viết về những vấn đề căn bản của cách mạng, trong phần dự phóng cho xã hội mới, sẽ không được quên vấn đề tạo dựng một khung cảnh nhân bản cho cuộc sống bằng cách tân tạo hay phục hồi một số tục lệ cổ truyền. Nếu một danh nhân nào đó đã nói con người ta không phải chỉ sống bằng bánh mì thì tôi, một anh chàng da vàng mũi tẹt nhược tiểu ngồi canh nồi bánh cho mẹ vào một đêm cuối năm Âm lịch muốn bổ túc thêm vào: con người không phải chỉ sống bằng bánh mì mà còn bằng cách thế, hình dáng và nơi chốn tạo dựng của các bánh mì nữa. Người Nhật quả thật đã phạm một lầm lỗi trọng đại trên đường canh tân và kỹ nghệ hoá của họ khi họ bỏ không ăn Tết theo cổ truyền.
Những ngày trước Tết, trung tâm Đà Lạt đông đảo khác thường, ngày cũng như đêm. Đến sáng, hàng hoá, bánh mứt, hoa lá tràn đầy… Và tôi được chứng kiến cảnh chắc chưa bao giờ có ở Đà Lạt từ khi thành lập thành phố: cảnh binh phải chỉ đường cho từng đợt người và xe đi như ở một ngã tư Sài Gòn. Nhưng tại nơi đây hơn cái đô thành lúc nhúc đầy bụi ở điểm không hề có du đãng cao bồi phá phách hay làm truyện gai mắt. Những hành động quá trớn nhất vẫn chỉ là đốt pháo ném tung nổ trên đầu mọi người – tôi không làm bởi vì đã quá già cho trò đó, đốt pháo bông cây sáng lòe tứ phía – tôi có làm bởi vì yêu cái khoảnh khắc hư ảo và ngắn ngủi của thứ hoa ánh sáng ấy, hay mua chùm bóng cột dây pháo vào dưới rồi thả lên cao, pháo nổ dần lên tới bóng và bóng nổ đốp trên không gian – tôi muốn làm nhưng không làm bởi vì quá tốn tiền. Nhưng không sao bởi vì đứng nhìn người khác thả cũng được, vào những đêm thế này chia sẻ nỗi vui với kẻ khác không khó khăn gì… Nhưng đêm khuya trên con đường dốc ngoằn ngoèo với chiếc xe scooter cũ nổ vang và lọc xọc như một thiết vận xa về già, tôi ý thức rõ rệt sự mong manh của các nỗi vui ấy – một sự đe doạ mơ hồ bay lượn đâu đây trên đầu tất cả những người dân đang vui Tết, những kẻ bình an trong các ốc đảo thành phố. Tôi nhớ lại những lời quảng cáo cho Thái độ số trước về chủ đề kinh tế: Hãy tìm đọc… để hiểu tại sao dân Việt năm nay ăn Tết phong phú như vậy… để hiểu đó là bữa tiệc thịnh soạn của kẻ chịu tử hình trước khi lên đoạn đầu đài. Dĩ nhiên đó là truyện quảng cáo nhưng chúng đủ phản chiến, nguỵ hoà, chủ bại, thiếu chiến tranh chính trị để người bạn chủ bút một báo của quân đội phải đăng nhỏ xíu lẫn vào các mục linh tinh rao vặt… Nguyên nhân của những lời quảng cáo đó thật không có gì bí hiểm hay tiên tri: với tình trạng như hiện tại diễn biến mỗi ngày một tồi tệ hơn, thật không khó gì mà không tiên đoán được rằng Tết sang năm sẽ khó còn được như năm nay… Hay nói một cách khác bi thảm hơn, sự sụp đổ hay tan rã của một xã hội sắp bước vào thời kỳ sau cùng.
Có những sụp đổ tan vỡ rất chậm chạp kéo dài trong thời gian tương tự sự mục nát dần của một căn nhà cổ, những người sống bên trong khó ý thức được. Chỉ nhìn thấy rêu xanh gạch vỡ nhiều hơn một chút, nghe tiếng cánh cửa cót két hơn một chút… Có những sụp đổ khác ồn ào ngoạn mục hơn, người ở trong cũng như người ở ngoài đều nhìn thấy rõ để có thể tìm cách chống đỡ hay xô cho chóng sập hơn. Sự sụp đổ của xã hội miền Nam mang cả hai cách thế ấy.
Dĩ nhiên tôi không tiếc thương gì cái xã hội mục nát thối tha ấy và đã góp nỗ lực nhỏ bé của mình đẩy cho nó chóng sập hơn để xây dựng lại cho tốt đẹp hơn. Có những người khác cũng đang làm điều đó nhưng với sức mạnh vô kể và trên một kích thước lớn lao hơn nhiều. Trước hết là những người cộng sản đang vung tay bạo động đập nát tất cả – tôi không chống sự đập nát này nhưng tôi chống cách thế họ đập: họ đốt luôn tất cả, và tôi hoàn toàn không đồng ý với họ về cái mô hình xã hội mới họ dự trù. Nhìn trở lại chế độ Bắc Việt, thấy công bình xã hội hơn, đường sá sạch sẽ hơn, hiện năng sản xuất cao hơn… nhưng tất cả ở trong một bầu khí lạnh lùng, không hương hoa không trăng sao, không có chất ẩm quyến rũ của cuộc đời… Tất cả dựa trên một căn bản, kiểu mẫu nhập cảng từ Tây phương tới: máy móc, chính xác, hiệu năng. Con người có vẻ trở nên giống như một con mối hay một con kiến. Tổ mối tổ kiến quả có sạch sẽ, xã hội mối và kiến quả có tổ chức có công bình có sự làm việc theo khả năng hưởng thụ theo nhu cầu, nhưng quả thật tôi không ham thứ đời sống ấy.
Nhưng tôi không tiếc thương gì cái xã hội mục nát thối tha hiện nay và đã góp nỗ lực nhỏ bé của mình đẩy cho nó chóng sập để xây dựng lại cho tốt đẹp hơn. Những người cộng sản cũng đã làm, như đã trình bày – nhưng không phải chỉ có những người cộng sản mới làm công việc ấy. Còn có người Hoa Kỳ cũng đang góp phần đáng kể trong việc tiếp tay làm chóng đổ căn nhà… và góp bằng cách thế ồn ào hơn, sặc sỡ hơn, lộ liễu hơn… Nếu tôi không chấp nhận sự đập nát của người cộng sản, tôi cũng không chống sự tiếp tay của người Hoa Kỳ – nhưng tôi tự hỏi mô hình xã hội mới nước-bạn-đồng-minh-vĩ-đại này định mang lại cho chúng ta là như thế nào đây.
Đã nhiều khi thật hết sức khách quan, tôi xét lại các đóng góp của người Hoa Kỳ cho Việt Nam hiện tại và tương lai, thấy chẳng có gì. Chẳng có gì ngoài võ khí đủ loại, ngoài snack-bar, cao ốc, mini jupe áo montagut, quần jean… Nếu không phải là người có đọc sách báo và hiểu phần nào nước Mỹ, nếu tôi chỉ là người nông dân hay tiều phu ở đồng ruộng xa hay sườn núi khuất nẻo trở về đây, chắc tôi dám có thể kết luận rằng dân tộc Hoa Kỳ chẳng có văn hoá nghệ thuật, văn hoá văn minh gì cả – trừ phi gọi các vũ khí tràn ngập lãnh thổ Việt, các snack-bar cùng điếm, quần áo khiêu dâm… là văn hoá hay văn minh Hoa Kỳ.
Sau khi cố đô Huế bị tàn phá, tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố sẽ xây dựng lại hộ. Nước Mỹ thừa tiền làm được, nhưng xây dựng lại như thế nào đây? Đường sá thẳng thước thợ đèn xanh đèn đỏ chạy dọc các cao ốc, ăng ten tua tủa? Nếu quả dự án là như thế thì chỉ còn việc đặt một tên Mỹ cho cố đô nữa là xong việc xây cất một thành phố trong… một tiểu bang Mỹ. Hay sẽ căn cứ vào các đồ bản còn lưu trữ mà xây là từng bức tường thành, từng cửa thành nội bằng bê tông cốt sắt như người Nhật đã làm với các kiến trúc cổ bị phá hủy hay quá hư nát vì chiến tranh? Như thế có vẻ được hơn một bực nhưng có ai làm lại được thực sự quá khứ bao giờ – dù quá khứ đây chỉ là một cố đô tan nát. Xây dựng lại như thế chỉ là một thứ giả trá nguỵ tạo chỉ có thể làm hài lòng du khách ngoại quốc mà thôi. Nếu tôi ở vị trí nguyên thủ Hoa Kỳ, tôi sẽ im lặng trước biến cố đau buồn này, im lặng để chia sẻ nỗi buồn của một dân tộc bạn, hay ít nhất cũng để tôn kính nỗi bi thảm của một dân tộc đang suy tư về cái giá đã phải trả cho cuộc chiến tranh này.
Các cuộc tấn công vào tiểu khu Tuyên Đức đã xảy ra nhưng mẹ tôi không tản cư dù nhà ở gần vị trí quân sự ấy. Một phần vì tính trầm tĩnh của bà, một phần vì lũ lính cựu đông đảo trong nhà là bọn chúng tôi và các con rể đều cả quyết rằng vị trí căn nhà ở một chỗ trũng khoét vào sườn đồi như thế, tên bay đạn lạc khó tới. Ở cùng Thi tại một chỗ khác, khi nghe tin các trận đánh xảy ra, nỗi lo ngại lớn nhất về căn nhà đó là e các người-bên-kia vào ăn hết bánh chưng mà thôi… Đêm cuối cùng ở Đà Lạt, tôi và Thi sang ở với bà để tiện đường tới Air Việt Nam. Thung lũng Hố Bò chưa trở lại bình thường, lính nằm phục rải rác, chó cắn liên tục. Đêm khuya tất cả đã ngủ, mẹ tôi pha trà uống và hỏi tôi về những chuyện đã làm và sẽ làm. Vào một lúc nào đó, mẹ tội đặt câu hỏi: Đã không đồng ý với cả cộng sản và Hoa Kỳ như thế, vậy cái xã hội mới ấy sẽ như thế nào?
Câu hỏi làm tôi khá lúng túng vì chưa định hình được cho rõ rệt các dự phóng của mình. Nhưng rồi cũng trả lời được, miêu tả được – một cách khá rườm rà. Bà mẹ tôi nghe, gật đầu, thế thôi… Làm tôi có cảm tưởng mình bé hẳn lại: đã bao lần trong ấu thời và thiếu thời, tôi đã trình bày những dự định to lớn (đối với tuổi tác lúc đó): đi xa vào vùng núi thẳm danh lam thắng cảnh, lẻn vào vùng kháng chiến để coi cho biết chế độ bên kia hay gia nhập đảng phái…, lần nào bà cũng có thái độ như thế. Một bộc lộ lo ngại và tin cậy, một chấp nhận bao dung dù hiểu hay không điều các con định làm.
Sau cùng, để chấm dứt vấn đề, tôi hứa sẽ trình bày rõ hơn qua cuốn biên khảo đang viết dở dang chương đầu. Nhưng lời hứa này làm nhớ tới một câu nói tránh của tôi khi bà hỏi về chuyện tái ngũ: tôi đã nói là chưa chắc… Thực ra, nghe giọng điệu đài phát thanh, tôi đã biết chắc lần này hai anh em rời căn nhà của mẹ, chỉ là để mặc lại những bộ quần áo trận cũ kỹ bạc mầu cất trong một hộc tủ. Và trong vài tháng nữa tất cả con trai con rể, trừ một kẻ đã là thương phế binh, sẽ mỗi đứa một phương – cho tới ngày nào chưa ai biết. Căn nhà tôn nhỏ nằm trong góc sườn đồi của lũng nghèo này của mẹ, sẽ còn lâu lắm mới có lũ con cháu vừa chạy vừa la vừa tuột dốc chạy vào. Và Tết sang năm, chắc chắn vào một ngày nào cuối tháng Chạp, người mẹ già sẽ tiếp tục bắc bếp nấu bánh chưng như thường để gửi cho các đứa con rải rác khắp nước – đã có năm đứa con Tết ở xa tận cùng cao nguyên, vẫn nhận được bánh mẹ gửi như thường. Nghĩ tới hình ảnh đó, tôi thật buồn khi từ giữa bà sáng sớm hôm sau và đột nhiên tôi nói thật lần này về cầm chắc đi lính lại – và bao nhiêu lần từ hồi nhỏ, tôi khuyên bà cứ yên tâm vì tử vi tôi rất tốt! Chẳng biết mẹ có tin bao giờ ở thứ lời bảo đảm đó không, nhưng chưa bao giờ bà khóc vào những lúc như sáng nay, trong một thời gian ngắn tiễn hai con một rể trở lại guồng máy chiến tranh đang ầm ì dữ tợn hơn bao giờ hết.
Lên tới mặt lộ cao, nhìn xuống căn nhà người mẹ khiêm tốn sau vài cây thông già, tôi thấy đã để lại nơi này nhiều dở dang. Mấy ngày hôm trước đây, tôi còn cùng các em đứng ngoài sân chỉ trỏ từ phía mà trù tính mua một miếng đất nhỏ, chung nhau làm một căn nhà gỗ cho mẹ. Một căn nhà chưa làm đã bị chiến tranh tiêu hủy rồi! Như tập sách tôi đang viết dở về vấn đề cách mạng, như một vài nỗ lực nhỏ bé đang xúc tiến thuận lợi…
Trong những ngày kế đó ở Sài Gòn, tôi cố gắng chống lại những hậu quả của những chiến trận vừa qua bằng cách duy trì vài nỗ lực nhỏ bé đã hình thành. Nhưng một sự kiện hiển nhiên xuất hiện: tôi cần phải được ở lại một đơn vị thuộc Sài Gòn mới hy vọng tiếp tục… Kinh nghiệm bản thân cho biết nếu phải túi quân trang vác vai ra đi một đường cung kiếm điêu linh nơi xa thì đừng hy vọng làm được gì khác hơn là viết thư tán vợ và thư tình cho bồ. Lo tới việc này, tôi mới chợt nhận rõ nếu trong xã hội, tôi là đứa con nổi loạn đáng nghi cần phải coi chừng và kiềm chế, thì đối với quân đội tôi chỉ là kẻ cùng đinh lạ mặt. Tôi kiểm điểm lại xa gần, chỉ thấy có một người bạn đang giữ một chức vụ cao trong binh chủng. Tới thăm, người bạn cho biết với quy tắc của thứ binh chủng ưu tú này và cấp bậc tôi có khi tái ngũ, thì chỉ có thể vác AR 15 ra đường mòn Hồ Chí Minh… Tôi cám ơn và trở về bởi vì hai năm thành phố chiến đấu bằng ngòi bút, thể xác đã già nua đi nhiều, võ nghệ binh thư xao xác, không còn đủ sức đủ tài mà đi tiếu ngạo giang hồ như thế. Như vậy chỉ còn một việc là chuẩn bị vào guồng máy với tư cách cùng đinh lạ mặt như xưa, như bao đồng đội khác để guồng máy chiến tranh tuỳ nghi định đoạt.
Trong khi chờ đợi tới ngày giầy cỏ gươm cùn ra đi, tôi yên tâm trở lại với bè bạn tiếp tục làm việc – dù chiến trận vừa qua đã phá hủy nhiều thứ, chẳng còn gì hơn là việc duy trì tờ đặc san. Và nhiều lúc ngồi trong quán uống cà phê nhìn khói thuốc bay trên đầu bè bạn, tôi thấy rằng mình chưa phải là người quốc gia đã lâm vào tình trạng tuyệt vọng như nhiều người đã lầm tưởng… Tôi còn có thể tiếp tục mơ ước tới một xã hội mới, một nước Việt Nam mới trong đó không có những loài mối kiến hay những con lang sói, một quốc gia sau này cho phép khi chiến tranh kết liễu, lũ con trai của mẹ tôi có thể trở về, bỏ súng bỏ bút xúm nhau lại cưa gỗ rừng mà đóng cho mẹ tôi tóc bạc như sương mù một căn nhà gỗ nằm ở sườn đồi vắng hay đầu một lũng nghèo – tất cả như thế nào để các con cháu sau này có được thực sự một quê hương để trở về.
1 tháng 3 năm 1968
Đoạn Đường Chiến Binh Đoạn Đường Chiến Binh - Thế Uyên Đoạn Đường Chiến Binh