Mỗi con người có 03 loại tính cách: tính cách anh ta phô bày, tính cách anh ta có, và tính cách anh ta nghĩ anh ta có.

Alphonse Karr

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Kỳ Cà Kỳ Cục
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3673 / 63
Cập nhật: 2015-07-07 01:57:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 - Hồi Phát Đạt
hằm tiết tháng sáu. Một buổi chiều, bầu trời sơn màu xanh lét, ngọn gió động lá phất phơ, gây ra cái không khí mát mẻ phi thường, làm cho cây cỏ tốt tươi, mà cũng làm cho con người khỏe khoắn.
Trên khúc lộ Vĩnh Long xuống Trà Vinh ngang qua xóm Mê Phốp, là xóm nhà cửa đông đặc, cách chợ Vũng Liêm chừng ba ngàn thước, người đi đường qua lại dập dìu, lại người trong xóm cũng chòm nhom trên lề, kẻ đứng người ngồi mà hứng mát, nên cảnh xem có vẻ náo nhiệt, mà mặt người nào coi cũng có sắc hân hoan.
Cái không khí mát mẻ khỏe khoắn ấy nó làm cho người ta đã vui vẻ mà lại hăng hái về nẻo lợi đường danh, bởi vậy trong nhà thầy Cai tổng Lê Thái Bình, ở dựa lộ, nhằm chánh giữa xóm Mê Phốp, có tiếng nói om sòm xen lộn với tiếng cười inh ỏi.
Nhà nầy cất đã trên mười lăm năm rồi, ngói bị rong rêu đóng nên trỗ màu đen, vườn bị nắng mưa táp hóa ra màu xám; nhưng mà nền đúc thật cao, cửa cuốn bán nguyệt, bên tay mặt có cất một cái lẫm (1) lúa rộng lớn, bên tay trái có cất một cái nhà để xe ngựa, phía sau có cất nhà bếp sạch sẽ, phía trước có dọn một cái sân, trồng sắp kiểng mấy hàng, ngoài trồng bông đủ thứ, giữa sân lại có trồng một cây huỳnh mai gốc lớn nhánh nhiều, hễ qua tiết xuân nó đơm bông vàng khè, chung quanh cuộc đất (2) lại có trồng dừa bao vòng, làm cho thêm vẻ trù mật, bởi vậy ai đi ngang ngoài lộ dòm thấy cũng biết đó là chỗ ở của một người giàu có.
Thầy Cai tổng Lê Thái Bình mới bốn mươi tám tuổi vóc trung trung, tướng thanh nhã; hồi nhỏ thầy cứ học chữ nho, lớn rồi thầy mới học chữ quốc ngữ, còn chữ Pháp thiệt là thầy không biết. Thầy ngồi tại bộ ghế cẩm lai (3) để giữa nhà, thầy cười ngất mà nói lớn rằng: "Hả, hả, con người ta hễ có thời, thì trời khiến gặp cái may như vậy đó. Hôm trước chú Phùng dưới chợ Vũng Liêm chú lên hỏi mà mua lúa của tôi. Chú trả bốn đồng tám cắc một tạ (4). Tôi nài năm đồng bạc. Chú nói lỗ chú không dám mua. Bữa nay lúa lên giá tới năm đồng rưởi, coi sướng hôn? Phải mà hôm trước tôi bán thì tôi mất tiền nhiều quá".
Hương sư Diệu đi theo xã trưởng Phú đến hầu thầy Cai tổng đặng xin phép xuất công kho tu bổ nhà việc (5) làng, ông ngồi cái ghế trường kỷ để đàng chái, ông nghe thầy Cai tổng nói như vậy, thì ông khen rằng:
- Bẩm thầy, sao thầy biết lúa lên giá, thầy trằn (6) lại, thiệt thầy giỏi quá. Hôm lúa lên bốn đồng tám, nhiều người lật đật bán hết, không dám chờ nữa.
- Không phải giỏi. Làm chủ điền, mình phải biết nhắm thời thế chớ.
- Bẩm thầy, không biết lúa của thầy còn được bao nhiêu?
- Còn nhiều mà. Hôm tháng tư tôi bán đỡ vài ngàn giạ mà đóng thuế, còn bao nhiêu tôi vựa hết lại đó, chưa có bán.
- Nếu vậy thì gặp giá nầy thầy có lợi nhiều lắm.
Bà Cai tổng, tên là Lý Thị Ngọc, trạc chừng bốn mươi lăm tuổi, tánh nết ôn hòa, sắc mặt hiền hậu, bà đương ngồi ăn trầu nơi bộ ván phía bên kia, bà xen vô mà nói rằng: "hôm tháng tư thầy nó lật đật bán hai ngàn giạ lúa, giá có bốn đồng bạc, thiệt uổng quá. Theo giá bây giờ, mất lợi gần một ngàn đồng bạc ".
Thầy Cai tổng cười ngất mà đáp rằng:
- Bà nó tiếc làm chi. Mình làm lớn, mình phải làm gương cho dân sự trong tổng
bắt chước chớ. Mình lỗ một hai ngàn đồng mình cũng phải bóp bụng mà chịu, chớ mình trằn lại, mình không đóng, điền chủ khác họ phân bì họ không đóng, rồi cái làng có thuế đâu mà đăng kho.
- Từ ngày thầy nó ra làm quan tới giờ, tôi coi việc nào cũng bị thiệt hại hết thảy.
Chớ chi thầy nó đừng có làm tổng thì bây giờ làm giàu biết bao nhiêu.
- Nói như bà nó vậy sao được. Ở đời phải có chút công danh với người ta chớ.
Giàu mà đi đến đâu thiên hạ họ khinh khi, thì giàu làm gì.
- Tôi tưởng ở đời hễ vô sự thì vô lự, tranh đua lắm càng mệt trí, chớ không ích gì.
- Ở thế gian, ai cũng vậy, không ham danh thì cũng ham lợi; nếu không ham thứ nào hết, thôi thì đi tu cho rồi, chớ ở thế gian sao được.
- Danh lợi ai mà không ham, tiếc vì cầu danh mà phải tốn hao nhiều quá, tôi
mới nói chớ.
- Muốn có danh với người ta thì phải tốn hao chút đỉnh chớ sao.
- Danh cũng có nhiều thứ. Có thứ danh khỏi phải tốn hao gì hết.
- Danh gì vậy? Phải danh hà tiện hay không?
- Mình lấy nhơn nghĩa mình đối đãi vơi mọi người, tự nhiên thiên hạ họ kính trọng mình, cần gì phải cầu cái danh nào khác.
- Nhơn nghĩa thì tự nhiên mình phải làm chớ sao. Mà mình làm nhơn nghĩa thì
bất quá người ta khen mình là người tử tế, chớ có ai kính phục. Làm người phải có phẩm cao tước lớn mới có danh chớ.
- Tại thầy nó hiểu cái danh như vậy đó nên thuở nay mới tốn hao không biết
mấy muôn mà kể! Thiên hạ họ bẩm dạ mà có ích gì? Họ làm bộ trước mặt, rồi sau lưng họ khinh khi mình có hay đâu. Theo ý tôi cái danh người biết nhơn nghĩa đó là quí rồi, Đòi danh cao chức lớn hao tốn quá chẳng ích gì.
Hương sư Diêu thấy vợ chồng thầy Cai tổng không đồng ý kiến, sợ để hai ông bà cãi lẽ dài rồi sanh mích lòng, nên ông xen vô mà hỏi rằng:
- Bẩm thầy, bữa nay lúa lên giá như vậy đó, không biết thầy nhứt định bán hay chưa?
- Để rồi tính lại coi. Nếu bán, sợ trong vài bữa giá lên cao hơn nữa, thì tức.
- Bẩm, giá năm đồng rưởi cũng là cao quá rồi.
Thầy Cai tổng ngồi suy nghĩ một hồi rồi day qua hỏi vợ rằng:
- Bà nó muốn bán hay chưa? Như muốn bán thì biểu bày trẻ đạp xe máy xuống chành (7) Vũng Liêm kêu nó lên mà tính giá cả.
- Thầy nó nhứt định lấy chớ?
- Bà nó tính coi lúa mình còn được hết thảy là bao nhiêu hay không?
- Con Ba nó có biên sổ, để hỏi nó coi, chớ tôi có nhớ đâu. Ba à, con ra đây cho thầy con hỏi một chút, con.
Nghe có tiếng dạ rất dịu dàng ở phía trong, rồi một người mỹ nữ, chừng mười tám mười chín tuổi, thủng thẳng bước ra, mình mặc một bộ đồ lụa trắng, chơn mang một đôi dép da đen, môi đỏ như thoa son, da trắng như dồi phấn, mặt sáng rỡ như hoa nở, tóc láng mướt như huyền giồi (8). Ấy là cô Túy Nga, con gái của thầy Cai tổng Bình.
Cô Túy Nga chúm chím cười, miệng lại càng có duyên, mặt lại càng tốt tươi thêm nữa. Cô thấy có khách nên cúi đầu mà chào, rồi hỏi bà Cai tổng rằng: "thưa, má kêu con có chuyện chi?"
Bà Cai tổng đáp rằng: "Thầy con hỏi lúa trong lẫm bây giờ còn hết thảy là bao nhiêu. Con biết hay không?"
Cô Túy Nga đương tươi cười, mà nghe hỏi như vậy, thì cô liền nghiêm sắc mặt, coi ra cô có vẻ tề chỉnh hòa hưỡn (9) vô cùng. Cô thủng thẳng đáp rằng:
- Con nhớ còn mười bốn ngàn mấy trăm giạ, số lẽ con không nhớ. Sổ lúa con
đưa cho anh Hai con cất. Để con vô hỏi anh Hai con coi.
- Anh Hai con làm giống gì ở trỏng?
- Anh Hai con nằm trên võng giỡn chơi với cháu Càng, chớ có làm chi đâu.
- Con biểu nó đưa sổ lúa coi.
Cô Túy Nga trở vô buồng, tướng đi coi rất dịu dàng thanh nhã.
Hương sư Diêu hỏi thầy Cai tổng rằng:
- Bẩm thầy, cô Ba thi đậu bằng cấp rồi, thầy không tính cho cô học thêm nữa sao?
- Thôi, con gái học cho biết lễ nghĩa ở đời vậy thôi. Nó cũng lớn rồi, nên mẹ nó không cho nó học nữa.
- Bẩm thầy có tính làm sui chỗ nào chưa?
- Có ông bá hộ Thiện trên Vĩnh Long gấm ghé xưa rày, ông nói chuyện muốn làm sui với tôi hai ba lần rồi, mà tôi nghe cậu nhỏ đó xài tiền dữ lắm, nên tôi còn dục dặc. Để thủng thẳng coi, không gấp gì.
- Bẩm, thầy làm sui với ông bá hộ trên châu thành (10) thì xứng lắm.
- Ai cũng nói như vậy hết, mà bà nó ý không muốn.
Một người trai trạc chừng hai mươi lăm tuổi, ở trong buồng bước ra, sau lưng có cô Túy Nga đi theo, cô bồng đứa cháu trai mới hai tuổi. Người trai ấy tên là Lê Thái Hòa, con trưởng nam của thầy Cai tổng, có vợ rồi và có một đứa con trai mới biết đi lững chững đặt tên là Càng.
Cô Túy Nga bồng cháu Càng lại ngồi trên bộ ván với bà Cai tổng, còn cậu Thái Hòa thì thẳng lại bàn viết, lấy một cuốn sổ giở ra coi rồi nói rằng: "Thưa, lúa mình thâu góp cộng chung hết thảy là mười sáu ngàn bốn trăm năm mươi ba giạ. Hôm tháng tư bán hết hai ngàn giạ, thì còn lại trong lẫm mười bốn ngàn bốn trăm năm mươi ba giạ".
Hương sư Diêu nói rằng: "Lúa của thầy còn nhiều quá. Theo giá nầy bán có hai mươi mấy ngàn đồng bạc".
Thầy Cai tổng cười và đáp rằng: "Nhờ bà nó mua lúa chịu, nên góp mới tới số đó, chớ lúa ruộng đâu có nhiều dữ vậy. Mà còn có mười bốn ngàn giạ, có phải là nhiều đâu. Bề nào cũng phải để nhịn lại vài ngàn giạ cho tá điền ăn. Còn trong số bán thì cũng có việc xài, chớ để dành sao được..."
Thầy nói tới đó, kế dòm ra ngoài cửa ngõ thấy có người biện của thầy, là Nguyễn Hải Yến, đương xâm xâm đi vô với người con trai, là Nguyễn Hải Đường, hai mươi mốt tuổi, học trên Sài Gòn, mới thi đậu bằng Tú tài khoa này. Thầy Cai tổng bèn cười mà nói rằng: "Chú biện Yến đi rước con chú về kia. Con chú thi đậu tú tài kỳ nhì, chú mừng quá, nên lên Vĩnh Long đón rước, không đợi nó về. Con nhà nghèo mà nó học thành danh như vậy thiệt là đáng khen lắm chớ".
Cả nhà ai nấy đều ngó ra sân. Cô Túy Nga ngồi trên ván, tay vịn cháu, mà cô cũng ngóng dòm.
Cha con biện Yến bước vô cửa và cúi đầu chào vợ chồng thầy Cai tổng. Thầy Cai tổng vụt nói: "Thầy mừng cho cháu... Giỏi đa".
Biện Yến chận mà nói lớn rằng: "Bẩm thầy, thầy được thăng chức rồi. Có giấy của quan trên lại tới hồi sớm mơi".
Thầy Cai tổng chưng hửng, nửa mừng nửa nghi, thầy đứng dậy ngó sửng biện Yến mà hỏi rằng:
- Sao chú biết, ai nói với chú?
- Bẩm, hồi sớm mới lên tới Vĩnh Long tôi đi thẳng vô toà bố. Tôi gặp thầy năm thầy cho tôi hay. Thầy nói giấy mới lại tới hồi chiều hôm qua. Sớm mơi nầy quan lớn dạy gởi giấy xuống cho quan Chủ quận. Có lẽ sáng mai mình được trát.
- Thiệt như vậy sao?
- Bẩm thiệt. Tôi nghe thầy năm nói tôi mừng quýnh. Tôi ra bến xe đón thằng nhỏ tôi rồi tôi đi riết về đây cho thầy hay, tôi chưa kịp về nhà.
- Kỳ hầu lệ tháng trước quan lớn hứa xin thăng chức cho tôi. Tôi tưởng ngài nói thôi, té ra có thật chớ.
Hương sư Diêu với xã trưởng Phú bước lại chúc mừng thầy. Hương sư Diêu nói: "Thầy lãnh chức Cai tổng mấy năm nay thiệt cực nhọc hết sức. Quan trên thăng thưởng thì xứng đáng không biết chừng nào. Hai bà con tôi nghe tin thiệt là mừng quá, mà hương chức mấy làng họ hay đây chắc ai cũng vui mừng hết thảy".
Ông Cai tổng mới chúm chím cười và nói rằng: "Tôi làm tổng mới có chín năm, mà năm ngoái lên hạng nhứt, hôm Tết được mề đay (11), rồi bây giờ được thăng chức nữa. Được như vậy thiệt tôi cũng vui lòng, bởi vì có nhiều ông Tổng khác, người thì hai mươi tám năm công nghiệp, người thì hai mươi lăm năm, mà họ Tổng cũng còn Tổng hoài, coi buồn quá. Ở đời ai có số mạng nấy, nên tôi đi mới mau như vậy".
Biện Yến đi lại bàn đứng rót nước trà mà uống, còn Tú tài Hải Đường thì lại gần bàn viết ngồi nói chuyện với cậu hai Thái Hòa.
Biện Yến vừa bưng chén nước và nói rằng:
- Bẩm, thầy làm trong ít năm nữa đây rồi sẽ được ban khen nữa.
- Thôi, có chút đỉnh với người ta thì đủ rồi, trông mong cao quá làm chi.
- Bẩm, được chớ. Có nhiều ông Cai tổng lên tới chức cao lận chớ.
- Chú khéo bày chuyện cho bà nó thêm ghét. Tôi làm Cai tổng mà bà nó còn cằn nhằn hoài. Tôi thăng chức đây chắc là không vui rồi.
Bà Bình mới ngồi ăn trầu xỉa thuốc, bà nghe chồng nói tới bà thì bà cười mà đáp rằng:
- Nói chuyện lợi hại mà nghe, chớ cằn nhằn giống gì. Còn ông nó được lên chức, sao tôi lại không vui. Tôi than thở, là vì tôi lo hễ cao sang chừng nào càng tốn hao chừng nấy. Tôi lo là lo chỗ đó chớ.
- Ở đời nếu mình muốn có chút danh vọng với người ta, thì tự nhiên phải tốn hao chút đỉnh chớ sao.
- Sợ tốn nhiều, chớ chút đỉnh mà nói làm chi.
- Bà nó đừng có lo mà.
- Không lo sao được. Có khách mà đem chuyện nhà ra nói, thì coi cũng kỳ.
Song ông Hương sư với chú biện đây cũng như bà con trong nhà, để tôi nói hết cho mà nghe. Hồi trước ông nó ra tranh chức Cai tổng, tôi can gián hết sức không được. Ông nó tranh được chức Cai tổng rồi phải đền ơn đầu nầy, phải đáp nghĩa đầu kia, phải làm tiệc ăn mừng, phải đãi đằng hương chức, tôi tính ra tốn hao hết thảy trên ba chục ngàn đồng bạc, chớ phải ít ỏi gì sao. Nợ tới bây giờ mà trả cũng chưa dứt. Nếu hồi trước đừng thèm tranh chức Cai tổng thì mấy năm nay khỏe biết chừng nào. Bây giờ còn bày lên chức, đố khỏi mắc nợ lại nữa cho mà coi.
- Bà nó đừng có lo. Lúa có giá mà sợ nỗi gì. Nếu muốn cho người ta kêu bằng
"ông", thì phải vậy chớ sao.
- "Ông" rồi chém giết gì ai hay sao mà ham. Tôi tưởng ở đời mình có đủ tiền xài, khỏi mắc nợ mắc nần, khỏi cực lòng cực trí, thấy việc quấy mình tránh, gặp việc phải mình làm, được như vậy thì sung sướng hơn ông gì hết thảy.
Hương sư Diêu cười mà nói rằng: "Bẩm bà, bà không chịu se sua nên bà nói như vậy, chớ thiên hạ ai cũng muốn chức phận hết, dầu tốn mấy muôn họ cũng chịu, mà họ muốn không được, chớ phải chơi sao. Thầy được như vầy thì là có phước hết sức, dầu tốn hao chút đỉnh có hại gì".
Ông Lê Thái Bình nói rằng: "Tốn thì tốn chớ sợ gì. Để tôi xuống cám ơn quan Chủ quận và cậy ngài dắt lên cám ơn quan lớn Chánh. Sẵn dịp đi Vũng Liêm tôi hỏi dọ giá lúa luôn thể".
Biện Yến chen vô nói rằng: "Thế nào thầy cũng phải làm một tiệc cho long trọng coi mới được".
Ông Bình gật đầu đáp rằng:
- Chớ sao. Tự nhiên mình phải làm tiệc long trọng cho xứng đáng mới được chớ. Phải mời các quan Tây quan Nam trong tỉnh cho đủ, mời hết các Cai, Phó Tổng, Ban biện, Hội Đồng, Thông ngôn, Ký lục, thầy giáo, Điền chủ.
- Bẩm, có lẽ cũng phải mời Hương chức các làng phần tổng mình nữa chớ.
- Ừ, phải mời đủ các làng chớ. Tiệc đãi sợ tới ba bốn trăm người. Có lẽ phải chia mà đãi hai ba ngày mới tiện.
Cậu hai Thái Hòa hỏi:
- Bẩm thầy, thầy tính đãi tiệc mà đặt cho khách trú (12) nấu, hay để ở nhà làm?
- Úy! Tiệc lớn mà ở nhà nấu sao đựơc. Mà đặt cho khách trú nấu cũng không ra gì. Hễ làm thì phải làm cho hẳn hòi, chớ làm quẹt lọ sao được. Hồi ông Kim ăn tiệc mừng ổng đặt cho nhà hàng trên Sài Gòn nấu đồ Tây mà đãi. Mình cũng phải làm như vậy, nếu không hơn thì cũng phải làm cho bằng ổng, chớ lẽ nào mình lại thua ổng.
- Đặt cho nhà hàng Sài Gòn nấu sợ tốn hao nhiều lắm.
- Nghe nói mỗi người ăn, giá chừng mười lăm đồng bạc, có rẻ lắm cũng phải
mười hai đồng bạc.
- Cha chả! Nếu vậy thì đãi bốn trăm người, phải tốn tới năm sáu ngàn đồng bạc!
- Chớ sao, con! Tốn thì tốn, mình phải làm cho đúng coi mới được chớ. Bà nói rằng: "Nếu đãi đồ Tây giá mắc như vậy, thôi thì mình chia ra đãi hai cách. Khách thường như hương chức với Điền chủ nhỏ nhỏ thì mình đãi đồ Nam, hoặc đồ Quảng Đông, còn khách quí thì mình đãi đồ Tây, được hôn?"
Ông Bình trề môi lắc đầu đáp rằng: "Ông Kim ổng làm như vậy đó, coi không được. Làm như vậy thành ra kẻ khinh người trọng. Phải đãi đồ Tây hết thảy, tốn bao nhiêu thì tốn chớ. Làm cho đúng lấy tiếng chơi. Chừng đó tôi sẽ đặt cho thợ trên Vĩnh Long làm năm trăm đồng bạc pháo bông đặng đốt cho thiên hạ xem; có lẽ tôi biểu rước hát Tiều hoặc hát bộ nó hát ít đêm cho dân sự coi chơi nữa".
Bà ngồi buồn hiu. Ông Bình tiếp rằng: "Đây rồi còn phải mua một cái xe hơi, chớ còn đi xe đò nữa thì coi sao được. Có lẽ qua sang năm cũng phải cất nhà lại nữa chớ".
Bà cũng ngồi lặng thinh hoài.
Biện Yến nói rằng: "Tôi mừng quá nên lật đật ghé báo tin cho ông hay, tôi chưa về nhà. Xin phép ông bà đặng dắt thằng nhỏ tôi về cho mẹ nó mừng".
Ông Bình gật đầu nói: "Ừ, thôi về đi kẻo thím biện thím trông. Còn Tú tài, thầy khen cháu lung lắm đa. Thôi, ở nhà nghỉ ít ngày rồi kiếm việc mà làm đặng giúp đỡ cho cha mẹ. Cháu ở nhà có buồn thì lại đàng nầy nói chuyện chơi".
Hải Đường dạ rồi cúi đầu từ giã mỗi người. Khi chàng lại mà từ giã bà Bình thì bà ngó chàng trân trân. Cô Túy Nga ngồi một bên bà, cô cũng ngó mà miệng lại cười chúm chím.
Chừng cha con biện Yến ra khỏi cửa, bà nói rằng: "Vợ chồng chú biện Yến nghèo mà có một đứa con đáng quá. Tướng Tú tài đó có thế nào mà hư được. Vậy đó là có phước".
Hương sư Diêu với xã trưởng Phú cũng từ giã mà về. Hai người vừa ra tới sân thì thấy có một cái xe hơi ngừng ngoài lộ. Ông Bình ngó ra và nói rằng: "Xe của quan chủ Quận. Có bà đi với ông nữa. Chắc ngài được giấy rồi, nên hai ông bà lên mừng mình chớ gì".
Thiệt quả quan chủ Quận với bà xuống xe rồi dắt nhau vô cửa ngõ. vợ chồng ông Bình không dám sái lễ tôn ti, nên ra sân mà tiếp rước. Quan chủ Quận vừa thấy ông Bình thì ngài nói rằng: "Mừng ông! Tôi mới tiếp được giấy của quan lớn Chánh cho hay ông được thăng chức, nên lật đật chạy lên mừng cho ông".
Ông Bình vừa cười vừa nói: "Cảm ơn ông, biện của tôi đi Vĩnh Long, nó nghe nói, nó mới ghé cho tôi hay đây. Tôi tính để tối sẽ xuống tạ ơn ông, tôi chưa đi, mà ông lên trước, thiệt tôi lỗi quá".
Bà Bình tiếp mời bà Quận vô nhà.
Quan chủ Quận vịn vai ông Bình mà bước lên thềm, vừa cười và nói rằng: "Tôi làm gắt lắm, nên mới được đó. Ông khoái chí chưa?"
Ông Bình cười và đáp rằng: "Cảm ơn ngài lung quá".
Chú biện Nguyễn Hải Yến ở một cái nhà lá nhỏ hai căn xông (13), cột dầu, vách ván, dựa đầu cầu Mê Phốp, nhà tuy chón hón (14), song trong ngoài dọn dẹp đều vén khéo sạch sẽ. Trước cửa có đắp một cái sàn (15) cũng nhỏ, mà có trồng ớt, cà, rau sống đủ thứ, lại đường vô nhà có trồng cây tây hai hàng, cây đơm lá đủ màu nên coi rất đẹp mắt.
Trời chạng vạng tối. Tú tài Hải Đường bưng một cây đèn tạ đăng đem để trên bàn rồi lấy một cuốn sách lại ngồi gần đèn mà coi.
Vợ chồng biện Yến nằm tại bộ ván ngang đó mà chơi, liếc mắt ngó con tướng mạo ôn hòa, mặt mày sáng sủa, trán rộng, môi dày, mắt lớn, mày rậm, lại nhớ con đã thi đậu Tú tài đủ hai khoa rồi, đậu với lời khen của hội khảo thi cho là "thiệt giỏi", thì chồng hân hoan đắc chí, vợ khoan khoái vui lòng, tuy nằm trong cái nhà nhỏ sơ sài, song bụng chứa chan hạnh phúc.
Cách một hồi một tên tùng giả bước vô nói cô Ba con ông Bình, sai mời chú biện lại cho cô nói chuyện.
Biện Yến biểu tùng giả về trước rồi mình sẽ theo sau, lại biểu Hải Đường dẹp sách mà đi lại nhà ông Bình chơi một chút.
Vợ biện Yến hỏi chồng rằng:
- Nghe nói ông Bình đã đi Sài Gòn mà, phải hôn?
- Ông, bà với cậu hai đi Sài Gòn hồi sớm mơi, đi mua xe hơi.
- Nếu cậu hai đi nữa, thì còn có mợ Hai với cô Ba ở nhà, hai người sợ nên kêu mình lại ngủ coi nhà dùm chớ gì.
- Bạn bè đầy nhà, thiếu gì người ta. Lại điếm nào dám kéo đến nhà ông mà sợ.
- Biết chừng đâu.
Cha con biện Yến bước vô nhà ông Bình thì thấy đèn măng-song (16) đốt hai cái phía truớc sáng lòa, mợ hai Thái Hòa đương nằm trên một bộ ván với con mà quạt cho con ngủ, còn cô ba Túy Nga thì ngồi dựa bên cây đèn mà thêu khăn. Hai chị em chào rồi mời hai cha con biện Yến ngồi, kêu đứa ở biểu nấu nước chế trà uống chơi.
Cô Túy Nga ngó biện Yến vừa cười vừa nói rằng:
- Hồi sớm mơi, trước khi ra đi, thầy tôi có dặn mượn chú ngủ coi nhà dùm một
đêm, mà ngày nay tôi quên nói với chú. Nhà có người ở đông, song họ ngủ nhà sau, còn phía trước không có ai nên hai chị em tôi sợ. Vậy xin chú ngủ dùm một đêm, chắc mai thầy má tôi mới về.
- Ông bà đi mua xe hơi mà mai về sao kịp. Lên tới Sài Gòn phải đi lại mấy hãng mà lựa xe rồi chạy thử. Như chịu mua thì trả giá cả cho xong rồi phải vẽ số, phải làm giấy phép. Tôi sợ ba ngày cũng chưa rồi.
- Mấy ngày cũng vậy, chú cũng phải coi nhà dùm cho tới chừng nào thầy tôi
về, chớ biết làm sao.
- Cô với mợ Hai biểu, thì tôi phải vưng, coi nhà bao lâu cũng được. Ông bà với
cậu Hai đi khỏi tự nhiên ở nhà tôi phải lo chớ, bởi vậy hồi chiều tôi có dặn thầy Hương quản ban đêm phải cho dân đi tuần khúc nầy cho thường.
- Không biết mua một cái xe hơi mới giá chừng bao nhiêu?
- Cái đó không có chừng. Họ nói giá mắc rẻ tùy theo hiệu xe, có thứ hai ngàn
mấy, có thứ ba ngàn mấy, có thứ bốn năm ngàn, có thứ tới chín mười ngàn.
- Thầy tôi nói lắm nên má tôi mới chịu đi đó, chớ thiệt ý má tôi không muốn
lắm xe hơi chút nào hết. Không biết thầy tôi lên trển rồi mua xe thứ nào.
- Hôm qua ông có nói chuyện với tôi, ý ông muốn mua xe chừng bốn ngàn, hoặc bốn ngàn rưởi.
Mợ hai Thái Hòa nói: "Ý thầy tôi thì muốn sắm xe cho thiệt tốt, còn ý ở nhà tôi thì không chịu xe nhiều tiền, tính lên trển đốc thầy tôi mua xe chừng vài ngàn thôi".
Biện Yến cười và nói: "Ý cậu Hai ít chịu se sua, bởi vậy cậu là con nhà giàu mà ai cũng kính mến cậu hết thảy".
Cô Túy Nga nói rằng:
- Anh Hai tôi giống ý má tôi, má tôi cực chẳng đã phải đi đó, chớ vái hãng đừng còn chiếc xe nào hết, cho thầy tôi mua đừng được. Hổm nay má tôi than thở hoài, nói thầy tôi lên chức, phải đền ơn đáp nghĩa, đãi đằng thiên hạ, tốn hao nhiều quá, rồi còn mua xe hơi nữa, chịu sao nổi.
- Ông thăng chức sang trọng biết chừng nào, phải sắm xe hơi đi coi mới được chớ. Còn đãi tiệc tốn hao nhiều thiệt, nhưng mà ông làm đúng quá, thiên hạ ai cũng ngợi khen hết thảy, bởi vậy tốn hao cũng không mất đi đâu. Mợ Hai với cô Ba nghĩ coi, thuở nay có ai ăn lễ mừng mà làm long trọng được như vậy hay không. Đãi gần bốn trăm khách, đãi đồ Tây hết thảy, mướn nhà hàng Tây trên Sài Gòn xuống nấu, mỗi người khách nhà hàng tính giá muời ba đồng bạc. Hương chức đều ăn cơm Tây hết thảy cũng như các quan, thiệt đúng quá. Hổm nay tôi gặp Hương chức làng nào họ cũng phục lắm. Đã vậy mà còn đốt pháo bông cho nhơn dân coi chơi trót một giờ đồng hồ, còn hát bộ, hát Tiều ba đêm, thiên hạ mê lắm.
- Làm thì đúng thiệt, ngặt tốn tiền nhiều lắm chớ.
- Không biết hổm nay ông bà có tính thử coi nội cuộc tốn chừng bao nhiêu?
- Má tôi tính tiền nầy tiền nọ xê xích một muôn lận, chớ phải ít ỏi gì.
- Tốn một muôn mà đáng lắm chớ. Tốn tiền mà được danh tiếng, chẳng hơn có nhiều người họ chơi tầm bậy mà cũng tốn một hai muôn đó sao.
- Thầy tôi thì ưa danh tiếng, làm việc gì cũng muốn được người ta khen. Còn má tôi thì không chịu se sua, nên hổm nay cằn nhằn hoài.
- Tôi tưởng nếu không có tiền thì thôi, chớ có tiền cũng nên làm cho có danh tiếng chơi chớ.
- Má tôi nói lúc mình có quyền thế hơn, có tiền bạc nhiều, mình làm việc gì họ
cũng khen hết thảy, dầu làm bậy họ cũng cho là phải. Đến chừng mình suy sụp, yếu thế hết tiền rồi, họ đã không khen nữa, mà sợ e họ lại khinh khi mình chớ.
Biện Yến ngồi suy nghĩ mà nói rằng: "Bà nghĩ xa như vậy cũng phải. Thiệt thế tình thường có như vậy".
Mợ Hai Thái Hòa thấy con ngủ mê, bèn bồng đem vô buồng. Cô Túy Nga đứng dậy rót nước trà mà mời biện Yến với Hải Đường uống. Trên đầu xóm có tiếng chó sủa om sòm. Ngoài lộ dân đi tuần nhịp sanh lắc cắc. Cô Túy Nga ngồi thêu, nước da trong bóng, gò má ửng hồng, miệng như hoa bán khai, mày như nguyệt mới rạng, hình vóc điềm đạm, cặp mắt hiền từ, tay lần rút chỉ thêu, bàn tay đã dịu mà ngón lại dài, cườm tay tròn vo, phao tay ửng đỏ. Cô mặc một cái áo bà ba màu bông hường dợt, ánh đèn măng-song dọi vào áo, rồi áo dọi lại mặt cô, làm cho sắc cô càng thêm tươi, duyên cô càng thêm đẹp.
Tú tài Hải Đường từ nhỏ chí lớn ở gần cô Túy Nga, thường hay gặp cô, song có đêm nay mới có dịp ngồi ngó kỹ như vầy. Chàng ngó một hồi rồi nghe trong lòng khó chịu, nên day mặt ngó chỗ khác, tính không ngó cô nữa. Trí chàng quyết như vậy mà lòng lại không muốn như vậy, nên ngó quanh ngó quất rồi cặp mắt như bị đá nam châm hút, thế nào cũng phải ngó lại cô Túy Nga; mà hễ ngó cô thì lại gặp cô cũng ngó chàng, làm chàng sượng sùng ngần ngại hết sức. Chàng muốn đi về đặng tránh cái cảnh vừa vui vẻ vừa khó chịu ấy, song chàng không biết phải nói tiếng chi mà đi về, lại cũng không nỡ bỏ cái cảnh mới thấy lần đầu, mà thấy một cách khỏe khoắn tiêu diêu quá.
Hải Đường đương ngần ngại, thình lình cô Túy Nga cất tiếng hỏi rằng: "Anh Tú học trên Sài Gòn có lẽ anh biết cậu Từ Đăng Cao là con của ông bá hộ Thiện ở trên Vĩnh Long chớ?"
Hải Đường bợ ngợ nên ú ớ đáp rằng:
- Từ Đăng Cao... Con của ông bá hộ Thiện... Tôi biết.
- Nghe nói cậu đó cũng thi Tú tài kỳ nầy mà.
- Cậu học dưới tôi một lớp. Cậu ở nhà ngoài mà đi học, chớ không có ở trong truờng. Phải, nghe nói kỳ thi nầy có cậu thi, mà cậu mới thi phần thứ nhứt.
- Rớt hay đậu?
- Tôi nghe dường như cậu rớt thì phải.
Biện Yến chen vô hỏi cô rằng:
- Cậu Đăng Cao tôi biết rồi. Hôm ông đãi tiệc, vợ chồng ông bá hộ Thiện xuống
dự tiệc có dắt theo một cậu chừng hai mươi tuổi, chắc là cậu đó chớ gì, phải hôn cô Ba?
- Phải, cậu đó đa.
- Sao cô biết cậu đó mà hỏi thăm?
- Hôm xuống ăn tiệc đó, bà bá hộ có kêu vô nhà trong mà chào má tôi.
- Cha chả, ý bà bá hộ muốn làm sui với bà ở nhà đây rồi chớ gì.
Cô Túy Nga châu mày, chăm chỉ ngồi thêu, cô không trả lời. Biện Yến thấy vậy bèn nói tiếp rằng: "Ông bà ở nhà đây làm sui với ông bá hộ trên châu thành thì xứng lắm. Ông thiệt là sang trọng quyền thế. Quan lớn Chánh yêu ông hết sức, đi đâu cũng dắt ổng theo, ổng nói giống gì quan Chánh cũng nghe hết thảy, bởi vậy ổng muốn ai sống thì sống, muốn ai chết thì chết. Đã vậy mà họ nói ổng giàu lắm, có mua ruộng miệt Bạc Liêu nhiều, mà lại còn cho vay cũng nhiều nữa. Nói lén đây mà nghe quan Chủ quận của mình đây thua quan Chủ quận châu thành xa lắm, bởi vậy nếu ông ở nhà làm sui với ông ở châu thành thì đúng rồi có kém bao nhiêu đâu".
Cô Túy Nga ngó Hải Đường, miệng chúm chím cười, rồi ngó biện Yến mà nói rằng:
- Chú tưởng quyền tước lớn, tiền bạc nhiều, vậy là đúng, không có cái gì hơn
được hay sao? Quyền tước lớn mà không biết cứu vớt ai, tiền bạc nhiều mà không chịu giúp đỡ ai, thì quyền với tiền đó có ích gì đâu? Ở đời sang hay hèn, nghèo hay là giàu, không có chi là chắc chắn hết. Vậy chớ chú không nghe nói ông Hội Đồng Kế với ông Cả Huynh đó sao? Họ nói ông Hội Đồng Kế hồi trước ổng giàu sang trong xứ mình không ai dám bì, mà bây giờ ổng suy sụp đến nỗi không có nhà mà ở, đi theo bọn bài bạc bữa đói bữa no. Còn họ nói ông Cả Huynh hồi nhỏ ổng ở đợ giữ trâu, mà bây giờ ổng giàu có, ai cũng phải vay bạc của ổng hết thảy, ổng đi tới đâu ổng cũng ăn trên ngồi trước, coi sang trọng quá. Ấy vậy mình chẳng nên thấy giàu sang mà ham, còn thấy nghèo hèn mà phụ. Theo ý tôi, cưới vợ lấy chồng phải vì tình vì nghĩa, chớ không nên vì quyền thế, vì bạc tiền. Nếu cưới gả mà không chủ tâm về tình nghĩa, lại chủ tâm về bạc tiền thì cái đạo vợ chồng thấp thỏi quá. Tôi nói như vậy đó, anh Tú nghĩ coi có phải không, anh Tú?
Hải Đường ngó dạng cô ngồi, nghe tiếng cô nói, hiểu ý cô luận, thì mê mẩn, nửa tỉnh nửa say; thình lình nghe cô hỏi, thì chàng giựt mình lúng túng, nên đáp rằng:
- Thuở nay tôi mắc lo học, không để ý tới việc vợ chồng, nên tôi không hiểu. Mà cô Ba luận như vậy thì phải lắm chớ.
Biện Yến giành nói nữa rằng:
- Cô Ba còn nhỏ, mà cô luận việc đời nghe hơi như người lớn tuổi vậy. Đời nầy mà nói tình nghĩa làm chi nữa cô Ba. Hễ có bạc cho nhiều, thì thiên hạ kính phục, không cần tình nghĩa gì hết.
- Thiệt, đời khốn nạn lắm, ai cũng lo tranh danh đoạt lợi. Mà có lẽ cũng còn một
số người biết trọng tình nghĩa chớ.
- Số ấy ít lắm. Mà dầu có ai nói chuyện nhơn nghĩa tôi sợ e họ mượn danh nhơn nghĩa đặng cầu danh cầu lợi chớ trong bụng họ cũng không có nhân nghĩa thiệt đâu.
- Nói như chú vậy thì đời nầy hoá ra dã man rồi! Thế thì nên đi tu cho rồi, chớ ở chung lộn với thế gian như vậy làm chi.
- Không, thiên hạ văn minh tấn bộ lắm chớ, văn minh theo vật chất, tấn bộ về
lợi danh.
Cô Túy Nga ngồi trầm ngâm một hồi rồi cô thở dài mà than rằng:
- Đời thiệt là khổ, mà nhứt là đời của một con gái!
Biện Yến ngó cô mà bảo rằng:
- Sao cô lại than như vậy? Phận cô thì sung sướng đệ nhứt rồi. Ông bà là bực giàu có sang trọng. Một vài năm nữa đây cô lấy chồng chắc cũng ở trong hạng thượng lưu. Đời của cô rực rỡ đã thấy mòi rồi, có sao đâu mà cô buồn.
- Đường đời của tôi, ở xa mà ngó thì thấy bông hoa chớn chở; mà tôi sợ chừng
bước chơn vào đó rồi chông gai đẫy dầy, đó chú...
- Cô còn nhỏ tuổi, cô không nên chán đời như vậy, cô Ba. Phải hăng hái mà đi
tới, đặng nếu rủi gặp chông gai, cô mới có đủ nghị lực mà bước khỏi chớ.
- Tại chú mở việc vợ chồng mà nói, nên tôi phải trả lời với chú, chớ tôi có chán
đời đâu.
- Cô than thở như vậy mà cô nói cô không chán đời, hay là cô chê con của ông bá hộ Thiện trên châu Thành?
Cô Túy Nga lặng thinh, mà sắc mặt cô buồn hiu. Cách một lát cô mới đáp rằng:
- Làm thân con gái Việt Nam mình bị cái chế độ gia pháp bó buộc, nhứt là về duyên phận trăm năm thì mình không được tự do chút nào hết. Gả nơi nào tự cha mẹ định, mình có phép chê khen ai đâu.
- Xin lỗi cô, không biết vợ chồng ông Thiện đã có cậy mai mối nói mà xin làm sui với ông hay chưa?
- Việc đó tôi không hiểu. Song tôi lóng nghe thì in như ổng đã có nói chuyện
với thầy tôi. Còn hôm đãi tiệc, bà Thiện có dắt cậu Đăng Cao xuống. Đó là có ý muốn cho thầy má tôi thấy cậu và cho cậu coi mắt tôi luôn thể.
- Nếu vậy, thì chắc ông bà chịu làm sui rồi nên mới cho coi đó chớ.
- Tôi không hiểu, song tôi nghe thầy tôi nói làm sui chỗ đó xứng đáng lắm.
- Ông nói như vậy thì phải lắm. Không biết ý bà với cậu Hai thế nào?
- Anh Hai tôi ảnh chim bỉm (17) hoài, ảnh có nói cho đâu mà biết. Còn má tôi thì không muốn.
- Còn theo ý cô thế nào?
- Tôi đã có nói, tôi đâu có quyền chọn lựa. Nếu tôi được tự do thì nói gì...
- Duyên nợ là việc trăm năm của cô, nếu cô có điều chi không vừa ý thì cô phải thưa lại với ông đặng cho ông bà liệu định chớ.
Cô Túy Nga châu mày rồi liếc mắt ngó Hải Đường mà đáp rằng: "Khó nói lắm!"
Cô ngồi thêu một hồi nữa rồi mới hỏi Hải Đường rằng:
- Tôi hỏi anh Tú phải nói cho thiệt đa nghe hôn. Cậu Đăng Cao thi rớt đó là tại
số mạng hay là tại cậu học dở?
- Tôi không hiểu.
- Còn tánh nết cậu ta thế nào?
- Tôi cũng không đựơc biết.
- Anh không muốn nói cái tệ của người khác, chớ có lý nào anh không hiểu.
- Tại học khác lớp, nên thiệt tôi không hiểu chớ.
- Anh muốn dấu diếm, đặng anh hại tôi phải hôn?
- Có lẽ nào tôi lại đê tiện quá như vậy.
Cô Túy Nga nghiêm sắc mặt, rồi ngó ngay Hải Đường mà nói rằng: "Anh dấu tôi, nếu cái đời tôi sau nầy mà gặp việc chẳng may, thì anh mang tội lớn lắm, nói cho anh biết".
Mấy lời ấy làm cho Hải Đường càng thêm rối trí bận lòng, không thể ngồi lâu nữa được, nên đứng dậy thưa với cha rằng: "Thôi, ba ở đây ngủ coi nhà dùm cho ông, để con về kẻo má chờ".
Chàng liền từ giã cô Túy Nga mà bước ra cửa. Cô ngó theo, sắc mặt coi buồn hiu.
Thuở nay Hải Đường một là mắc lo học, hai là biết xét phận thấp hèn, nên chẳng bao giờ để ý đến cô Túy Nga. Nay ngồi ngó cô một lát, nghe cô nói những lời đạo nghĩa, hiểu ý cô không ỷ giàu sang mà khinh khi kẻ nghèo hèn, thì trong lòng chàng sanh mối cảm tình chứa chan, ra khỏi cửa rồi chàng thơ thẩn bâng khuâng như ngây dại.
Về đến nhà, chàng vẫn còn buồn xo.
Thiếm biện Yến hay chồng mắc ở coi nhà dùm cho ông Bình thì thím đi ngủ, không chờ nữa.
Hải Đường lấy một cuốn sách ngồi dựa đèn mà coi, mặt ngó vô cuốn sách mà mắt tại thấy hình dạng của cô Túy Nga hoài, tai văng vẳng nghe những tiếng cô nói, trí cứ nhớ những câu chuyện hồi nãy.
Cậu Đăng Cao là con nhà giàu. Từ khi mới lọt lòng thì cậu đã nằm trong cái địa vị cao sang, cậu muốn việc chi cũng được, cậu đòi thứ chi cũng có hết thảy.
Đến chừng lớn khôn, cậu dòm thấy chung quanh cậu chẳng có một người nào không thương yêu, không bợ đỡ cậu, lần lần cậu quen cái thói coi thiên hạ đều thấp hèn hơn cậu, tưởng thiên hạ là tay sai của cậu. Bởi vậy cậu đến nhà trường, đối với chúng bạn thì cậu lấn lướt kiêu hãnh, làm cho chẳng có một trò nào mà ưa cậu. Mà theo cậu, thì sự đi học là cái chước để cho cậu có thế xài phá bạc tiền của cha mẹ, chớ không phải là cái chước để cho cậu mở trí sửa lòng, bởi vậy đi học mà cậu không cần cố chi hết, chỉ lo sắm áo quần cho tốt để chúa nhựt thả đi chơi, hoặc ngồi nhà hàng, hoặc coi hát bóng.
Cậu thi rớt ấy là lẽ tự nhiên, tại học không cần nên thi không đậu, chớ không phải tại số mạng nào hết. Có lẽ cậu xét phận của cậu, nên cậu tính cưới vợ chớ không thèm học nữa. Cậu tính như vậy cũng hay, bởi vì nếu cậu học nữa thì bất quá tốn tiền thêm cho cha mẹ, chớ không chắc cậu thi đậu được. Tánh nết với tài học của cậu Đăng Cao như vậy đó, mình có nên nói rõ ra cho cô Túy Nga biết hay không? Có lẽ nào mình lại đem việc xấu của người mà nói cho thiên hạ biết. Huống chi ông Bình đã muốn gả con cho Đăng Cao, nếu mình khai chỗ tệ của cậu, té ra mình dèm siểm, làm như vậy thì mình còn xấu hơn người mà mình nói xấu đó nữa.
Mà việc nầy là việc trăm năm của một cô thiếu nữ, theo con mắt mình xem thì là một cô đứng đắn về tánh tình, lại xinh đẹp về nhan sắc nữa. Mình có nên sợ mang tiếng "Dương nhơn chi ác"(18) mà để cho cô thiếu nữ, mình vừa yêu vừa trọng đây, phải mang một người chồng bất lương, bất tài trọn đời hay không?
Hai vấn đề ấy thật là khó giải quyết. Đã vậy mà tại sao cô Túy Nga lại nói rằng nếu mình dấu cô, hễ sau nầy có việc chi chẳng may thì mình phải mang tội?
Tại sao trước mặt mình cô lại than thở về sự cha mẹ tính gả cô cho Đăng Cao?
Tại sao cô than việc lấy chồng cô không được tự do mà chọn lựa?
Tại sao cô lại nói: "Chẳng nên thấy giàu sang mà ham, còn thấy nghèo hèn mà phụ?" Cô có tình riêng với mình chút nào hay sao, mà nay cha mẹ định gả lấy chồng, cô thất vọng nên than thở với mình như vậy?
Đó là một vấn đề nữa, mà vấn đề nầy còn khó giải hơn vấn đề trước bội phần. Canh khuya, đêm vắng, Hải Đường ngồi ngó sửng ngọn đèn, nghe tiếng dế gáy rân ngoài thềm, với tiếng thằn lằn chắc luỡi (19) trong vách, thì chàng bâng khuâng lơ lửng, lén hỏi thầm trong trí rằng mình có duyên nợ gì với cô Tuý Nga hay không? Chàng hỏi như vậy rồi chàng giựt mình, ngó quanh trong nhà thấy cái nhà lá túm húm xịch xạc, đồ đạc sơ sài, còn chàng nhớ cái nhà của cô Túy Nga kinh dinh (20) rực rỡ, thì chàng teo gan héo ruột, ủ mặt châu mày, chàng lắc đầu mà đáp rằng: "không thể có duyên nợ được, bởi vì cha mình là bộ hạ của ông Bình, mà ông lại đương tính làm sui với một ông bá hộ, thì còn gì mà ước mơ."
Mang ái tình vào lòng thì đã khó chịu lắm rồi, mà cái ái tình ấy lại không có hy họng thỏa mãn được, thì càng đau đớn nhiều hơn nữa. Hải Đường vừa mới ra khỏi nhà trường thì đã sa vào cái đường khổ não rồi!
Từ nay chàng lững đững lờ đờ, buồn mà không tỏ với ai được, muốn viết thơ mà tỏ tánh nết Đăng Cao cho Túy Nga biết, rồi dụ dự cũng không dám viết.
Cách chừng một tháng, một buổi chiều, biện Yến đương ngồi ăn cơm với vợ con, chú nói rằng ông Bình đã nhứt định gả cô Túy Nga cho con ông bá hộ Thiện, ngày cưới đã định rồi, bà Bình đã đi Sài Gòn mua hột xoàn và đặt may áo quần sữa soạn đưa con về nhà chồng.
Hải Đường hay tin ấy thì đau đớn như kim châm ruột. Khối tình đã rã, hy vọng đã tan, đường đời chẳng còn mục đích gì nữa. Chàng suy nghĩ trong mấy ngày, rồi quyết dập tắt lửa lòng, định lấy sự học vấn mà làm chủ hướng, không thèm kể việc gia thất. Chàng bèn thưa với cha mẹ rằng mấy ông thầy dạy chàng học đều thương chàng, thuờng hay khuyên chàng nên xin học bổng đặng qua bên Pháp mà học thêm ít năm nữa, lại hứa nếu chàng xin học bổng thì mấy ổng sẽ lập thế nói dùm cho, bởi vậy chàng muốn nghe lời thầy mà xin qua Pháp học thêm năm bảy năm nữa, lấy bằng cấp Cao Đẳng về mới vinh quang, làm việc ăn lương mới lớn.
Biện Yến không rõ tâm sự của con, lại thấy con có chí muốn học cao hơn nữa, thì lấy làm hiệp ý mình, bởi vậy chú đã không ngăn cản, mà lại còn xúi thêm con.
Hải Đường là một học trò giỏi nhứt trong lớp, bởi vậy từ đốc học tới giáo sư ai cũng đều yêu mến. Chàng lên Sài Gòn làm đơn xin học bổng, cậy mấy ông giúp lời. Đám cuới cô Túy Nga vừa rồi thì chàng cũng được giấy của quan trên cấp cho chàng học bổng mỗi năm sáu ngàn quan, đặng chàng qua pháp mà học.
Hải Đường từ giã cha mẹ mà đi, tuy thất tình, song đắc chí.
Một bữa chúa nhựt, lối mười một giờ trưa, có một cái xe hơi cũ, nước sơn đã dợt (21), máy chạy không êm, chạy chậm chậm trong châu thành Sài Gòn, bóp kèn inh ỏi; bọn xe kéo ngó nhau mà cười và nói: "Xe lục tỉnh coi dơ dáy quá, mà bóp kèn làm chi không biết"!
Cái xe nầy chạy qua đường Lagrandière rồi ngừng ngay một căn phố lầu, ở phía sau chợ mới Bến Thành. Một cô mỹ nữ trên xe bước xuống, hình dung tuấn tú, tướng mạo nghiêm chỉnh, y phục đúng theo thời trang, mình mặc áo màu bông phấn, quần hàng trắng, đầu choàng khăn ê sạt (22), chơn mang giày thêu Hạ Châu. Cô đi ngay vô căn phố lầu, thấy cửa đóng, thì vỗ cửa kêu lớn rằng: "Anh Cánh à, anh Cánh, mở cửa coi nào. Làm giống gì chừng nầy mà đóng cửa kín mít vậy?"
Một người đàn ông, chừng ba mươi tuổi, ra mở cửa rồi chấp tay xá cô.
Cô hỏi:
- Thầy đi đâu?
- Bẩm, thầy đi chơi.
- Đi hồi nào?
- Bẩm, hồi chiều hôm qua, thầy đi làm việc về, thầy thay áo quần mới rồi thầy
lấy xe hơi đi luôn cho tới bây giờ, không có về.
Cô châu mày suy nghĩ một chút, rồi lột khăn ra biểu người mở cửa đó rằng: "Thôi, anh ra ngoài xe vác vali với bao gạo vô".
Cô nầy là cô Túy Nga, còn nhà nầy là nhà của thầy Đăng Cao. Số là khi Đăng Cao cưới cô Túy Nga được ít tháng, ông Thiện muốn cho con có chức có phận với người ta, nên lo đem cậu vô làm Ký lục tại Kho bạc chánh, lương mỗi ngày một đồng bốn cắc, trừ chúa nhựt nghỉ thì không ăn tiền. Kiếm được chỗ làm rồi bà Thiện mới lên sắm đồ dọn nhà cho vợ chồng Đăng Cao ở. Ông Bình muốn làm cho xứng đáng mặt cha vợ, nên ông cũng lên mua cho con rể ít món đồ, lại mua cho một cái xe hơi nhỏ hai chỗ ngồi đặng cho con rể đi chơi.
Vợ chồng Đăng Cao ở Sài Gòn đã hơn một năm rồi, lương thì ít, mà xài thì nhiều, bởi vậy mỗi tháng thường xúi vợ về xin tiền. Cách năm ngày trước cô Túy Nga đi xe đò về Mê Phốp rồi bữa nay ông Bình cho xe nhà đưa cô trở lên đó, cũng là tại Đăng Cao xúi cô về xin tiền nên cô mới đi.
Anh Cánh là người ở vừa làm bồi, vừa nấu ăn, xách vali và vác bao gạo vô nhà rồi, cô Túy Nga mới kêu anh sớp phơ mà đưa sáu đồng bạc và nói rằng: "Anh lấy tiền đây ra đổ ba đồng bạc xăng, anh cất hai đồng đặng bận về trả tiền đò, còn lại một đồng anh ra chợ mà ăn cơm cho no rồi về. Anh ăn cơm, nghỉ một chút rồi về cho sớm, kẻo ở nhà thầy tôi có đi đâu không xe mà đi".
Cô thay áo rửa mặt rồi nằm trên ghế xích đu mà nghỉ.
Anh Cánh bước lại nói rằng: "Thưa, cô cho tiền đặng tôi ra chợ mua đồ về nấu cơm dọn cho cô ăn".
Túy Nga ngồi dậy, miệng chúm chím cười và hỏi rằng:
- Vậy chớ hồi sớm mai nầy anh không có đi chợ hay sao?
- Thưa, hồi chiều hôm qua thầy không có đưa tiền. Tôi tưởng thầy đi chơi rồi sáng thầy về như mấy bữa trước, nên tôi không dám hỏi.
- Hổm nay tôi đi khỏi, thầy ở nhà đêm nào thầy cũng đi chơi tới sáng thầy mới
về hay sao?
Anh Cánh tự hối về sự mình nói không dè dặt, nên anh ta bối rối đứng lặng thinh.
Cô Túy Nga hiểu ý, cô không nài phải trả lời về việc ấy, mà cô lại hỏi câu khác rằng:
- Thầy không có nói với anh bữa nay tôi về hay sao?
- Thưa, không. Phải thầy nói thì tôi lo cơm nước sẵn rồi.
- Thôi, anh khỏi lo nấu cơm. Tôi ăn cơm dưới nhà tôi mới đi, nên tôi chưa đói.
Anh Cánh vô nhà bếp. Cô Túy Nga đi lên lầu. Cô mở cửa sổ, vẹt tấm màn ren mà ngó xuống đường. Nam thanh nữ tú qua lại dập dìu, xe kéo xe hơi tới lui không dứt.
Cô ở giữa chốn phiền ba đô hội (23) mà cô coi cũng như ở nơi cùng cốc thâm sơn, cô ngó thiên hạ cô không biết vui, cô thấy ngựa xe cô càng áo não.
Cô bước lại một cái bàn nhỏ, mặt lót đá cẩm thạch, để phía trên đầu giường ngủ, rồi cô rót một ly nuớc lạnh mà uống. Cô ngó quanh quất trong nhà, nào giường đồng, mùng lưới, nào tủ gõ kiến dầy, nào ván cẩm lai để nằm chơi, nào đèn bao lụa cho khỏe mắt. Cô ngó đồ dạc thì trong lòng cô lại càng buồn hơn nữa, đồ tốt mà lòng không vui thì đồ ấy không ích gì. Bấy lâu nay cô đọc trong sách, hoặc cô nghe nguời ta nói: "muốn hưởng hạnh phúc không cần phải lo cho được giàu sang, mà nhứt là cần phải cho được thỏa lòng mãn ý, bởi vì nhiều khi giàu mà mình cứ buồn rầu, còn nhiều khi nghèo hèn mà mình lại vui vẻ." Bây giờ cô mới biết câu luận thuyết ấy không phải là câu của mấy nhà đạo đức bày ra để dạy đời, mà chánh là câu hạp với thế sự lắm vậy.
Cô Túy Nga bèn mở tủ lấy đồ may ra rồi cô ngồi trên bộ ván cẩm lai mà thêu. Phần ngồi xe lâu mệt mỏi, phần gió thổi hiu hiu, nên cô thêu tới ba giờ chiều rồi cô buồn ngủ, cô mới lấy gối nằm tại bộ ván ấy mà ngủ quên hết thế sự, quên cả gia đình.
Đến tối, tiếng giầy lên thang lầu rầm rầm làm cho cô Túy Nga giựt mình mở mắt ra, cô thấy dưới đường đèn khí cháy sáng, còn trong nhà thì vẫn lờ mờ.
Cô lồm cồm ngồi dậy, thì đèn trên lầu bựt lên sáng lòa, Đăng Cao quần áo bàu nhàu, tóc tay chôm bôm, chàng quăng cái kết (24) lên bàn và hỏi rằng: "Lên hồi nào đó"?
Túy Nga Đáp: "Tôi lên hồi trưa", rồi cô đi rửa mặt. Đăng Cao thay đồ đi tắm.
Chừng chàng tắm rồi, thì Túy Nga sai anh Cánh mua đồ dọn cơm tối cũng gần xong. Túy Nga mời chồng ăn cơm. Đăng Cao bước lại dòm bàn ăn, rồi trề môi nói rằng: "đồ bậy bạ ai ăn cho được. Hồi chiều ở dưới Cấp về có mua đồ bỏ theo xe ăn no rồi. Thôi, ăn đi. Tôi không ăn nữa đâu".
Lời nói xẳng xớm như vậy, mà Túy Nga không lộ sắc phiền giận chút nào hết, cô hòa huỡn đáp rằng:
- Ăn trên xe bất quá mình ăn bánh mì sơ sài. Phải ăn thêm một chén cơm cho chắc bụng chớ.
- Không. Tôi đi chơi mệt lắm, ăn không được. Hồi chiều ăn bánh mì, mà ăn nhiều rồi.
Đăng Cao nói dứt lời rồi bỏ đi lên lầu, không hỏi thăm vợ coi đi đường thế nào, ở dưới nhà mạnh giỏi hay không.
Túy Nga ngồi ăn cơm một mình, tuy ăn không biết ngon, song cũng rán ăn hết một chén. Ăn cơm rồi cô đi ra đi vô, dẹp cái nầy, quét chỗ kia, vì cô đi khỏi mấy bữa, đồ đạc để lộn xộn, có nhiều món bụi bặm đóng dơ dáy. Thình lình Đăng Cao ở trên lầu kêu lớn rằng: "Ăn cơm rồi chưa? Lên đây đặng hỏi thăm một chút coi".
Túy Nga men men lên lầu. Đăng Cao nằm trong giường, vừa thấy mặt vợ thì hỏi rằng: "Về dưới kiếm tiền được hay không?"
Túy Nga nghe hỏi việc ấy thì miệng chúm chím cười, song mắt không dám ngó chồng, mà sắc coi cũng không vui chút nào hết. Cô đáp nhỏ nhỏ rằng:
- Được.
- Đủ năm trăm đồng bạc hay không?
-... Không đủ.
- Không đủ sao được. Ta biểu xin cho đủ năm trăm đồng bạc đặng trả cho dứt
nợ chớ.
- Dưới nhà thầy với má túng tiền quá.
- Hứ! Dữ hôn! Tưởng đâu dăm bảy ngàn hay sao! Thứ có năm trăm đồng bạc, nhiều nhõi gì đó mà than túng.
- Mình không hiểu, chớ thầy má túng lung lắm.
- Than túng, mà rồi cho bao nhiêu?
Túy Nga lặng thinh, bước lại bộ ván mà ngồi, rồi đáp nhỏ rằng: "Thầy nói không phải thầy tiếc với mình, ngặt vì lúc nầy thầy túng nên không thể cho số bạc nhiều như vậy được. Hồi sáng tôi đi, má mót trong tủ còn có bảy chục đồng bạc, má đưa cho tôi năm chục đồng bạc tôi đi đây".
Đăng Cao khoát mùng bước ra, châu mày trợn mắt, nói lớn rằng:
- Năm chục mà làm cái gì được! Thôi, đem về dưới mà trả lại đi. Không thèm
đâu.
- Mình đừng có nói như vậy. Của cha mẹ cho, dầu nhiều hay là ít mình cũng phải lấy, có lẽ nào mình dám trả lại.
- Tôi biết mà. Thầy với má để dành tiền mà đút cho anh Hai. Tôi là rể, cho một
đồng bạc coi bộ tiếc lắm.
- Mình nói sao vậy? Anh Hai ảnh lo làm ruộng cho thầy với má, chớ ảnh không làm tư làm riêng gì. Ảnh dầm mưa dãi nắng cực khổ hết sức, mà cũng không ăn xài chi hết. Theo tôi biết thì từ hồi nào cho tới bây giờ, vợ chồng ảnh làm lợi cho thầy với má, chớ không có làm tốn hao như người ta. Còn mình đây, từ ngày mình dọn nhà ở trên nầy làm việc, chưa đầy hai năm mà thầy má tốn hao với mình gần năm ngàn đồng bạc, chớ phải ít hay sao. Mình còn phân bì với anh Hai nỗi gì.
- Bây giờ mình kể mà đòi tôi hả?
- Nói chuyện mà nghe chớ kể giống gì.
- Dữ hôn! Thứ cho trong hai năm mà kể có mấy ngàn đồng bạc, tưởng đâu nhiều lắm đa! Mà cho đó có một mình tôi ăn hay sao?
- Thì thầy má cho một trăm, khi hai trăm, vợ chồng mình xài chung với nhau, chớ tôi có nói một mình mình xài đâu mà mình sân si.
- Thầy má cho tiền bây giờ mình kể với tôi, vậy chớ tôi mướn phố lầu cho mình
ở, tôi để cho mình may quần nầy áo kia, mua giày Hạ châu, sắm dù Nhựt bổn, khi dắt đi Long Hải, khi dắt đi Vũng Tàu, mấy cái đó sao mình không kể. Được, muốn kể với tôi, thôi để tôi về xin tiền ba tôi rồi tôi trả lại cho. Thằng nầy không phải mạt như họ, đưa đồng bạc ra thì chắc lưỡi hít hà như họ vậy đâu.
Túy Nga nghe chồng nói những lời nặng bề cay đắng ấy, chẳng khác nào như chồng cầm búa mà đập vô đầu; cô đau đớn tức tối hết sức, ngặt vì ý nghĩa những lời ấy không hạp với gia phong của cô, bởi vậy cô không thể đối đáp được, cô chỉ rưng rưng nước mắt ngồi lặng thinh mà chịu.
Đăng Cao thọc hai tay vào túi áo pyjama (25) đi lên đi xuống một hồi, rồi nói nữa rằng: "Hứ! Khoe mười lăm hai chục ngàn giạ lúa, mà biểu xin năm trăm đồng bạc nói không có! Vậy mà khoe giàu giống gì?"
Túy Nga lau nước mắt mà đáp rằng:
- Tôi có khoe hồi nào đâu? Thầy tôi góp lúa ruộng nhiều, song cũng phải xài nhiều việc, chớ phải góp bán rồi cất bạc được hay sao.
- Bây giờ tôi mới biết tôi lầm!
- Mình lầm cách nào?
- Lầm đủ cách hết thảy.
- Hồi trước có phải tôi năn nỉ xin mình cưới dùm tôi đâu.
- Phải, mình không có năn nỉ, mà họ nói nghe đúng lắm, nên tôi mới lầm chớ.
- Mình nói tới câu đó thì không còn nghĩa vợ chồng gì nữa hết. Đã biết làm thân nhi nữ may rủi một chồng mà thôi. Nhưng mà bây giờ mình nói mình cưới tôi đó là mình lầm, nên mình ăn năn, vậy thì mình muốn bỏ tôi cũng được, tôi chẳng dám đeo theo làm bận chân xốn mắt mình đâu mà mình ngại. Bởi ba má trên nhà đứng nói với thầy má tôi mà cưới tôi cho mình. Bây giờ mình không bằng lòng thì mình thưa với ba má xuống nói một tiếng với thầy má tôi thì tôi về liền.
- Mình thách đố tôi hả?
- Tôi nói thiệt, chớ có nói thách đâu.
- Được. Thách tôi thì tôi sẽ làm cho mà coi.
Đăng Cao chun vô mùng mà nằm lại. Túy Nga nằm chèo queo ngoài bộ ván, nước mắt tuôn dầm dề.
--------------------
1 kho chứa lúa
2 khu Đất
3 loại gỗ quý
4 100 cân ta = 60 kg
5 cơ quan hành chánh
6 giữ
7 kho lúa
8 trau giồi cho đen, chãi tóc công phu
9 chậm rải và khoan thai
10 thành phố lớn
11 (medaille), huy chương
12 người Tàu ở Việt Nam. Còn gọi là «Các chú »
13 xông= chái. Hai căn xông= hai căn một chái
14 cân xứng, vừa nhau
15 sân trồng rau cải
16 (manchon), Đèn dầu Đốt theo nguyên tắc đèn khí, tim đèn là một cái lưới bằng carbon.
17 không nói, không có ý kiến
18 phô bày sự ác độc của con người
19 tiếng kêu của con thằn lằn
20 ngăn nắp và đầy đủ
21 vợt, phai màu
22 (écharpe), khăn quàng vai hay băng choàng vai của người có địa vị ( vua, hoa hậu...)
23 phồn hoa Đô hội, nơi tụ tập của nhiều tinh hoa ánh sáng
24 (casquette), nón có rìa phía trước
25 áo ngủ may theo lối Nhựt Bổn
Đóa Hoa Tàn Đóa Hoa Tàn - Hồ Biểu Chánh Đóa Hoa Tàn