A good book is always on tap; it may be decanted and drunk a hundred times, and it is still there for further imbibement.

Holbrook Jackson

 
 
 
 
 
Tác giả: Vệ Tuệ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3625 / 63
Cập nhật: 2015-07-07 01:56:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lời Giới Thiệu - Bản Tự Bạch Chân Thành Của Tuổi Trẻ
ăn học thế giới từng biết đến nhiều cuốn sách ghi lại những băn khoăn khắc khoải của lớp thanh niên khi bước vào đời. Tác phẩm lớn nhất của J.W.Goethe là “Faust”, nhưng kiệt tác đó rất kén độc giả, tức là chỉ những ai có nhu cầu suy tư về những vấn đề siêu hình mới tìm đọc. Trong khi đó, nếu cần kể một cuốn tiểu thuyết khiến Goeth trở nên thân tình với mọi người thì đó chính là “Những đau khổ của chàng tuổi trẻ Werther” (thiên truyện, theo sự ghi lại của người đương thời, đã khiến bao thanh niên tự tử). Gần với chúng ta hơn, “Buồn ơi chào nhé” của Françoise Sagan trở thành sách bán chạy, hơn nữa có thể bảo nó trở thành một sự kiện của văn học Pháp. Tại sao như vậy? Đơn giản chỉ vì qua cuốn tiểu thuyết này, người ta có thể nhận ra cả bộ mặt tinh thần của những thanh niên mười tám đôi mươi trong những năm 50 thế kỷ XX. Họ lớn lên trong một thời điểm mà sự chuyển mình của xã hội hiện đại đạt tới điểm chín. Khác với con người cổ điển vững vàng chắc chắn trong niềm tin cũng như hành động, họ luôn khổ sở vì gần như không hiểu tại sao mình lại như thế này mà không như thế khác. Ngay bản thân, họ cũng không làm chủ nổi. Họ có thể lười biếng độc ác mà chẳng có lý do nào rõ rệt. Ngày họ cảm thấy trưởng thành cũng là ngày họ nhận ra một cách chắc chắn rằng cuộc đời vô lý không phương cứu chữa và họ muốn vượt lên trên sự vô lý ấy để tồn tại.
“Điên cuồng như Vệ Tuệ” cũng đi theo cái mạch đã được gợi mở từ Goethe đến Sagan. Nhân vật chính trong các thiên truyện dưới đây thường là những nữ thanh niên trẻ tuổi của nước Trung Hoa thời cải cách và mở cửa, lòng đầy hăm hở bước vào cuộc sống. Và đón chào họ là gì? Là một cuộc sống đang mất dần đi những giáo điều – vốn bảo là thiêng liêng cũng được mà bảo là phù phiếm cũng được – để trở lại với những yêu cầu tự nhiên và trần tục. Trong khi xã hội như một cỗ máy chạy hết tốc lực cốt làm ra của cải vật chất thì mỗi người tìm lấy cách để tự lo cho bản thân mình, và việc đó được chung quanh sẵn sàng khuyến khích, miễn nó không đi ngược trào lưu chung và ngăn cản tự do người khác, tức không vi phạm luật pháp là được. So với xã hội Trung Hoa cũ đầy húy kỵ và khuôn mẫu ràng buộc con người, thì tinh thần chủ yếu chi phối xã hội hiện đại là tinh thần giải phóng. Lớp trẻ không giấu diếm rằng họ muốn được giàu sang sung sướng; muốn được nếm trải mọi niềm lạc thú trên đời. Hơn thế nữa, họ muốn khẳng định mình; muốn tự khám phá và trình ra cho thế giới thấy mình là người thế nào; muốn nổi tiếng bằng mọi giá có thể có. Khi tự nhiên khi thì cố ý, họ hăm hở tự bộc lộ, để buộc người ta phải chú ý đến mình. “Triết lý cuộc sống của tôi là tiêu xài vật chất giản đơn, tinh thần không bị gò bó, bất cứ lúc nào cũng chỉ tin ở sự xúc động nội tâm, phục tùng nỗi cháy bỏng trong sâu thẳm tâm hồn, không cưỡng lại những cảm hứng điên cuồng, sùng bái mọi dục vọng, tận tình giao lưu với mọi cuồng vui của cuộc đời bao gồm cao trào giới tính, đồng thời kính nhi viễn chi đối với tác phong nịnh hót hời hợt tiểu thị dân, côn đồ”. Những câu bộc bạch loại đó nằm rải rác đây đó trong các trang sách; người ta có thể đồng tình hay phản đối, song phải nhận là chúng được nói ra thành thật và chính chúng tạo nên một phần lớn sức lôi cuốn của những trang sách.
Làm nền cho mọi sinh hoạt của lớp trẻ ở đây là một xã hội với bộ mặt thực sự hiện đại. Con người lăn lộn giữa tiện nghi vật chất, các loại rượu, các loại chất kích thích. Họ nói chuyện với nhau trực tiếp thì ít mà qua điện thoại cầm tay thì nhiều. Nơi làm việc của họ là các loại nhà hàng, trên cái nền nhạc gấp gáp lấy ra từ các loại băng đĩa mới nhập từ Anh Mỹ. Một chi tiết có vẻ nhỏ nhưng không nên bỏ qua, ấy là trong các thiên truyện bạn đọc sẽ đọc sau đây, truyện nào cũng thấy có một nhân vật Tây phương khi thì da đen khi thì da trắng khi thì người Pháp khi người Hà Lan (trong một tác phẩm quan trọng khác của tác giả mang tên “Cục cưng Thượng Hải”, nữ nhân vật chính cũng như con lắc dao động giữa một bạn nam người Trung Hoa là Thiên Thiên và một người đàn ông Đức có tên là Mark). Văn minh phương Tây như vậy đã trở thành một bộ phận của đời sống mọi người dân bình thường. Ai người có thói quen co mình lại trong tư duy cũ chắc tự hỏi thế thì nếp sống Trung Hoa đã ổn định từ ngàn đời có bị đe doạ? Nhưng những người ấy đã lo quá xa. Vốn từ thời trung đại đã có sự giao lưu rộng rãi với cả thế giới, giờ đây văn minh Trung Hoa lại đang tiếp tục làm giàu cho bản sắc của mình bằng những cuộc đối thoại thông minh với mọi nền văn minh khác, trước hết là văn minh Tây phương, và lớp người trẻ tuổi của đất nước đang tận dụng cơ hội đó như một phương tiện để qua người mà hiểu mình, tìm ở người khác cái mình chưa có, trước tiên là để nhận thức, để tận hưởng cuộc sống. Nhà văn ở đây không làm gì khác hơn là ghi nhận miêu tả cái điều mà xã hội đã chấp nhận.
Lớp người đứng tuổi lại cũng thường cho rằng tự do sẽ làm cho lớp trẻ hư hỏng. Với các nhân vật của Vệ Tuệ, câu chuyện tự do không mang một ý nghĩa chật hẹp như vậy. Ví dụ như trong vấn đề tình dục. Đó là cái tự do đơn giản, lâu đời, được hiểu một cách trần trụi mà lại dễ bị hiểu sai, giải thích sai, tức dễ bị tha hóa nhất, song chính vì thế lại càng có sức lôi cuốn con người. Trong một số tiểu thuyết Trung Quốc được dịch và in ra tiếng Việt gần đây như “Đàn ông một nửa là đàn bà” của Trương Hiền Lượng, “Phế đô” của Giả Bình Ao, “Báu vật của đời” của Mạc Ngôn, “Linh Sơn” của Cao Hành Kiện, các nhà văn gần như đồng thời cùng nhận ra một sự thực: càng vào những lúc tinh thần tư tưởng của con người bị dồn nén và những xã hội xô đẩy như muốn đè bẹp mỗi cá nhân thì họ càng muốn tìm tới cái tự do bản năng kia, để trước tiên là tạo một thế quân bình cho sự sống, sau nữa cũng là một cách để tự khẳng định rằng mình có thể bất chấp mọi thách thức. Vệ Tuệ và lớp nhà văn trẻ đến với các vần đề này lại còn hồn nhiên hơn nữa. Những cuộc truy hoan chỉ là một phần đời sống tự nhiên của họ và sở dĩ họ muốn nói thật to lên cho mọi người biết chuyện ấy chẳng qua chỉ là muốn trêu ngươi, muốn tỏ ra là mình có thể phớt lờ trước mọi thành kiến cấm đoán cổ lỗ. Dù có nhiều trang tả cảnh làm tình, song không thể nói những trang truyện ở đây mang tính cách khiêu dâm. Trong con mắt của lớp trẻ (theo tiêu chuẩn cũ) thực ra không có gì quan trọng. Điều khiến họ bận tâm là được sống theo ý mình. Mặc dầu vậy, họ không bao giờ rơi vào hưởng lạc thuần túy mà vẫn làm việc như điên. Tâm trí họ không ngớt bị dày vò bởi những vấn đề mang ý nghĩa nhân bản. Làm sao để biết thực ra mình là thế nào, mình có thể trở thành một con người thế nào? Nên sống sao cho phải? Đâu là hạnh phúc đâu là bất hạnh?... Cũng như các thế hệ trước những câu hỏi muôn đời ấy cũng luôn ám ảnh họ hành hạ họ, và bởi họ đã nghĩ về chúng một cách nghiêm chỉnh, nên không thể nói là họ tầm thường chút nào. Nên coi là điều mừng chứ làm sao lại nỡ lòng lên án, chê trách, đe nẹt họ nếu như câu trả lời của họ khác hẳn câu trả lời của cha anh ngày trước?
Theo một số tài liệu thì Vệ Tuệ sinh vào đầu những năm bảy mươi thế kỷ XX, tức thuộc loại thanh niên cùng lớn lên với những đổi thay của Trung Quốc trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Có vẻ như cũng giống như trường hợp F.Sagan mà phần trên đã nhắc, người thanh niên này đi vào văn học theo cái lối nhân tiện thì thử cầm bút một phen và chính do chỗ không biết sợ là gì mà lại có được tiếng nói riêng trong văn học. Không phải ngẫu nhiên, trong một cơn say sưa, Vệ Tuệ có lần tự thú: “Khát vọng của tôi gần như lý do tồn tại của tôi là làm cho thành phố nổ tung như một trận pháo hoa” (ý muốn nói buộc tất cả mọi người phải đọc mình phải nói đến mình). Ước ao ấy của tác giả đã được đền đáp với cuốn sách gây nhiều tiếng ồn “Cục cưng Thượng Hải”. Thông thường sau một thành công như vậy, một tác giả trẻ liền được giới sáng tác chuyên nghiệp chào đón và bản thân người ấy cũng tự nguyện gia nhập hàng ngũ những người cầm bút, bằng lòng chấp nhận những lề thói trong nghề để chuẩn bị có “những bước tiến mới”. Về phần mình, Vệ Tuệ vẫn như một thứ cây dại giữa đồng, chỉ mải mê viết và lo sống với bạn đọc hơn là lo sống với những người cùng giới. Một điều thú vị không kém là không phải trong tiểu thuyết đầu tay ấy mà cả trong những chuyện vừa truyện ngắn viết tiếp về sau, tác giả vẫn có lối viết tự thuật một cách cố ý, dù cho nữ nhân vật chính đội tên khác khai thác cuộc đời người ấy theo những khía cạnh khác (ví như trường hợp thiên truyện mang tên “Ngải Hạ” sau đây bạn đọc sẽ đọc) thì vẫn có những chỗ cây bút trẻ này cố ý hé cho bạn đọc thấy rằng nhân vật trong sách với chính mình chỉ là một. Không định trổ tài miêu tả hay kể chuyện, lại càng không định làm gương cho ai hoặc góp phần vào việc giáo huấn ai…, thực ra ở người nữ thanh niên này chỉ có một băn khoăn duy nhất là viết ra buộc mọi người phải đọc. Qua những trang viết xây dựng nên hình ảnh của mình trong lòng xã hội. Làm cho mọi người biết mình nổi tiếng và độc đáo đã rồi người ta sẽ mua sách mình viết. Và thích tạo ra một sự chào đón mang tính cách bùng nổ. Các cuốn sách của Vệ Tuệ do đó có cách đến với bạn đọc tương tự như hồi ký của các cô đào xi-nê, các ca sĩ, hoa hậu người mẫu, cầu thủ bóng đá nổi tiếng thường trở thành sách bán chạy ở các nước Âu Mỹ. Đọc sách người ta không cảm thấy được trò chuyện với một nhà văn mà chỉ cảm thấy như được tiếp xúc với một con người, còn sau đây người đó sẽ viết lách ra sao có trở thành văn sĩ lớn hay không, không cần biết và đương sự cũng không muốn cho chúng ta biết. Nhưng như thế tưởng cũng đã là quá đủ. Trong hoàn cảnh mà các giá trị thường xuyên chao đảo như xã hội hiện đại đã có một tiếng nói cất lên và chúng ta tìm thấy trong tiếng nói ấy nhiều sự đồng cảm.
Vương Trí Nhàn
Điên Cuồng Như Vệ Tuệ Điên Cuồng Như Vệ Tuệ - Vệ Tuệ Điên Cuồng Như Vệ Tuệ