A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Tạ Duy Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7404 / 253
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 -
hi chuyện này được kể lại thì nhiều năm tháng và sự kiện đã trôi qua.
G là một trong những khu trung tâm của thành phố. Nó gồm một trục đường rộng, chia ra làm đôi bằng dải phân cách cũng khá rộng. Dân khắp nơi đổ về thành phố kiếm việc làm thường tìm thấy ở dải phân cách ấy chỗ ngả lưng lý tưởng. Và tại đó lập tức tồn tại một xã hội nhỏ, tạm gọi là xã hội ngoài lề. Bởi vì mọi hoạt động sinh nhai ở đó khá nhộn nhịp, xô bồ, nhưng luôn luôn nằm ngoài sự chú ý của mọi người. Nhờ hệ thống các ki-ốt, siêu thị, nhà hàng, nhà thổ... mà cuộc sống ở phố G nhộn nhịp từ sớm tinh mơ tới đêm khuya.
Hôm kia... tại đó xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là thằng bé đánh giầy quãng 10 - 12 tuổi, bị một gã đàn ông đâm chết ngay tại chỗ. Hung thủ được tạm mô tả như là kẻ mắc chứng thần kinh, ăn mặc khá sang trọng. Việc truy bắt đang được tiến hành ráo riết.
Tôi hoàn toàn tình cờ vớ được mẩu báo và cứ đọc đi đọc lại, thuộc đến từng dấu phẩy đoạn tin ngắn cụt đầu kia mà không biết thực ra mình cần gì. Ngày nào trên hàng trăm tờ báo chẳng nhan nhản những tin tức loại đó và người ta thường đọc nó một cách dửng dưng khi chờ xe buýt, lúc ngả lưng sau bữa ăn hơi nặng hoặc khi ngồi trong toa-lét... Ai đó chết chứ không phải ta; thằng bé đánh giầy nào đó bị đâm chết chứ không phải con trai ta, cháu ta... Thậm chí đôi khi ý nghĩ ấy khiến ta hoan hỉ, sự hoan hỉ của người đứng ngoài nỗi bất hạnh, hoặc không khỏi có lúc ta tặc lưỡi: "Cho chúng nó chết bớt đi, bọn lưu manh" v.v... Tóm lại đó là những cái chết quá quen thuộc, đơn giản, ít kịch tính, không khiến ta bận tâm.
Vậy mà tôi lại cắm mắt vào đoạn tin kia như bị thôi miên. Không phải do tôi đa cảm - một biểu hiện quá xa xỉ của tình cảm trong thời buổi hiện nay - khi bị ám ảnh bởi cái chết của thằng bé đánh giầy. Tôi không biết mặt nó, không phải chịu trách nhiệm về sự có mặt hay không có mặt của nó trên cõi đời này - thật là nhẹ nhõm bởi ý nghĩ này! Vì thế, việc nó bị đâm chết cũng giống như với tôi, nó chưa bao giờ sống cả. Nó y hệt như cái chết của đứa trẻ nào đó bởi tay săn người hay cảnh sát... mà ta vẫn xem qua bản tin thời sự, không hề ảnh hưởng tới hiệu quả của bữa tiệc nhiều món mà ta đang chén rất sướng miệng; thậm chí, chính thông tin đó cho ta cảm giác ngon miệng hơn bởi ta thấy rõ ta là người hạnh phúc hơn bọn đó nhiều lần. "Chúng mày cứ giết nhau đi còn bố mày đây thì cứ chén. Hà hà!".
Thực ra, hình như, bóng dáng được mô tả thoáng qua (theo sự nhớ lại rất ít căn cứ của ai đó) về hung thủ, lại cho tôi sự ám ảnh mạnh hơn các trường hợp rõ mặt. Tôi thấy hắn như kẻ to lớn, biết tàng hình, có thể xuất hiện ở bất cứ đâu hắn muốn, chỉ trong chớp mắt là có cảnh tang tóc. Thần chết thường giết người mỗi khi lão thèm nghe lời kêu gào xé, ai oán - mà với lão nó rất ngọt ngào, êm dịu. Cứ xem cách lão cầm hái đi rình thì biết! Cái hình dung đó, không biết từ bao giờ, đã ăn sâu vào trí tưởng tượng của tôi. Giờ đây chính là lúc mà ký ức tôi bị đánh thức, để hình ảnh lão thần chết hiện lên. Dường như ngần ấy năm lão vẫn thế: lạnh lùng, háo sát, thấp thoáng như một bóng đen khổng lồ.
Tôi quyết định bám chặt lấy vụ thằng bé đánh giầy không phải vì các báo săn lùng loại bài này như săn lùng phao cứu tinh, không phải với cái mục đích sưu tập các kiểu chết - vốn là công việc tôi theo đuổi một cách nghiêm túc - mà vì một thôi thúc nhuốm màu sắc bi kịch mà tôi không thể diễn tả được. Về sau này, rồi quý vị sẽ thấy, tôi hiểu ra rằng, hóa ra tôi chỉ tiếp tục cuộc truy tìm hắn.
Tôi đinh ninh rằng thằng bé ngã xuống ở gần nơi ngã tư bởi vì chỗ đó hội tụ rất nhiều điều kiện cho một cú ngã ngoạn mục. Tuy nhiên lúc tôi có mặt thì đúng chỗ đó là nơi bà hàng bún rong đặt gánh hàng. Bà trông rất già, răng rụng hết nên khi mời khách nước dãi cũng phụt ra theo thành tia, bắn cả vào nồi nước bốc khói nghi ngút, nổi lều bều những miếng đậu rán.
- Mời chú xơi quà!
- Cám ơn bà, tôi không đói.
Bà già rít nước dãi trở vào, nói:
- Quái lạ! Ai cũng bảo không đói. Không ai đói mà đâu đâu cũng nghe chuyện cướp giật, ăn cắp, giết người... - Mời bác xơi quà! - Bà mời đuổi theo một người đàn ông. Khi người này quay lại cười mới biết là đàn bà. Bà già cũng cười, phô ra cặp lợi đỏ hỏn.
Tôi nhằm một ki-ốt gần nhất hướng tới. Chủ nhân là một lão già mặt dài, trán hói, đầu chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc. Lão đang giương mục kỉnh đọc báo. Nom lão giống như bức vẽ cách điệu một con cáo. Tôi liếc nhanh vào tờ báo lão đang dán mắt và biết ngay nó là loại báo nào. "Ðây là loại dùng để dỗ phụ nữ lên giường" - Tôi thầm nghĩ và cất tiếng trước:
- Chào cụ!
Lão chủ quán gấp vội tờ báo, đứng dậy đon đả:
- Quý anh mua gì ạ? Xin mời quý anh xem hàng. Hàng của chúng tôi dành riêng để phục vụ những người tử tế.
Tôi đưa mắt nhìn qua các mặt hàng cho phải phép khiến lão chủ quán càng xun xoe:
- Quý anh cứ xem đi rồi lựa chọn. ở đây chúng tôi bán của thật, giá gốc... và giữ chữ tín hơn giữ con ngươi của mắt mình. Dạ, từng loại hàng, sản xuất ở nước nào, mô-đen đời bao nhiêu cho đến giá cả từng loại chúng tôi đều ghi rõ ràng, quang minh chính đại; vâng, buôn bán tử tế cũng giống như triều đại tử tế là phải quang minh chính đại. Quý anh không sợ mua phải của rởm, không sợ bị thách giá, chẹt giá như các hàng khác đâu ạ...
Tôi không sao hãm được lão lại để nói mục đích đến gặp lão của tôi. Tôi đành tỏ vẻ như người thất vọng bằng vài cái lắc đầu khiến lão vội dừng lời, lo sợ tôi bỏ đi.
- Sao ạ? Tôi có được vinh dự...
Tôi nói bằng thứ giọng mẹ mìn:
- Rất tiếc thứ tôi cần không thấy bày ở đây.
Lão già lại cười tóe ra:
- Ô, xin quý anh cứ ra yêu cầu. Dù phải lên trời xuống biển chúng tôi cũng có thể đem về hầu hạ quý anh.
- Thôi được, chả nên khổ thế làm gì - tôi hoãn binh - Tôi sẽ quay lại, có khó gì đâu. Tiện đây xin phép hỏi cụ, cụ có biết chuyện thằng bé đánh giầy bị đâm chết hôm kia ở chỗ bà bán bún rong đang ngồi không?
Lão già đổi nét mặt, mắt quắm lại, môi trề ra.
- Tôi là chủ cửa hàng chứ không phải công an. Ðứa nào chết mặc mẹ chúng nó. Không thích sống thì chết, liên quan gì đến tôi! Buổi sớm ông đừng có nói chuyện chết chóc, nghe chưa?
- Xin lỗi cụ! - Tôi nói rối rít - thành thật xin lỗi...
- Cụ, cụ, cụ... cái... cái cứt chó. Toàn một giọng xúi quẩy.
- Xin lỗi bác - tôi chữa lại, tỏ vẻ ân hận.
Lão già đã cắm mắt vào tờ báo, cơ má giật giật. Tôi định quay ra liền bị lão gọi giật lại:
- Khoan, ông đứng yên đấy đã.
Tôi chưa hiểu lão định giở trò gì nhưng cứ thử làm theo yêu cầu của lão. Lão rút một tờ giấy, bật lửa đốt rồi huơ huơ qua mặt, qua thắt lưng tôi. Sau đó đi quanh tôi một vòng.
- Anh xéo đi được rồi!
Cách một đoạn tôi nghe lão lầu bầu: "Cứ làm như người ta không giết nhau bao giờ. Sáng sớm ngày ra đã ám quẻ".
Tôi phải chờ một hồi khá lâu mới sang lại được chỗ dải phân cách. Bà bán bún rong đã biến mất, chỉ còn lại con chó đang liếm láp những thứ khách làm rớt xuống. Nó gầm gừ nhìn tôi, ngoạm vội khúc xương như sợ tôi tranh mất. Trong khi gườm gườm canh chừng tôi, con vật vẫn tiếp tục mút mát. Chợt có tiếng quát thất thanh:
- Miss! Miss!...
Gã đàn ông, chắc là chủ của cô hoa hậu chó thở hổn hển nhìn tôi nghi hoặc và đầy thù hận.
- Nó là của tôi - gã xác định quyền sở hữu. - Thấy tôi không nói gì, gã quay sang con chó:
- Trời ơi, cao lương mỹ vị mày hất đi để ăn những thứ này à?
Gã lại hằn học nhìn tôi như việc con chó quý của gã dơ dáy là do tôi.
- Ðồ... mẹ mìn! Tao sẽ đập vỡ sọ mày! - Chả hiểu gã ám chỉ con chó hay tôi.
Gã túm vào đoạn dây da buộc ở cổ con chó, nhấc bổng lên khiến con vật vừa giãy vừa kêu ằng ặc. Chợt gã sững người lại, mặt tái mét nhìn khúc xương. Tôi đoán là gã biết gì đó về cái chết của thằng bé đánh giầy, vội hỏi:
- Anh biết chỗ này, chiều hôm kia xảy ra chuyện gì à?
Gã thanh niên từ ngạc nhiên, chuyển sang sợ hãi. Gã ôm chặt con chó, nhìn tôi như nhìn một tên đồ tể chó.
- Ông hỏi thế là có ý gì?
- Nếu... lúc ấy anh ở đây thì thế nào cũng biết, chiều hôm kia, tại chỗ này, một thằng bé đánh giầy bị đâm chết?
Gã cười phá lên:
- Tôi chả hiểu ông nói gì cả?
- Ðại loại, một vụ án mạng...
- án mạng à? Thì đã sao? Liên quan gì đến con Miss của tôi - Gã càng hoảng hốt nhìn tôi. - Lúc đó tôi đang đi chơi với cô bạn gái, ông không cần biết tên. Chúng tôi đã... Tôi không liên quan gì đến chuyện án mạng của ông - Gã ôm con Miss biến nhanh vào dòng người như chạy trốn một tai họa. Tôi không suy nghĩ nhiều để tìm nguyên nhân cơn sợ hãi của gã thanh niên. Tôi cũng luôn rơi vào tâm trạng ấy, nghĩa là sợ một cái gì đó có thể sẽ nuốt mình vào. Tôi chỉ cảm thấy một sự trống rỗng cứ loang dần ra. Dòng người vẫn chảy miết, như một cảnh trong phim câm. Bởi vì giữa tôi và họ là một khoảng cách lạnh lùng. Họ là hàng trăm khuôn mặt, loa lóa vụt qua trước mắt tôi. Tôi tự hỏi: Không biết khi nhìn tôi, mỗi người trong số họ nghĩ gì nhỉ? Giả sử ai đó muốn quan tâm đến tôi thì phỏng họ làm được gì và có ích gì? Cứ cho là một ai đó biết tôi đang đi tìm nguyên nhân cái chết của thằng bé đánh giầy, thì họ cũng không đủ kiên nhẫn để xem xét hành động ấy của tôi nhằm đến cái gì? Là sự vụ bình thường của một điều tra viên, hay hiếu kỳ của một kẻ thích săn cảm giác mạnh, hay nỗi dằn vặt của một kẻ đã từng giết người? Mọi việc sẽ rối tung lên đến mức cái chết của thằng bé đánh giầy sẽ tụt xuống hàng thứ yếu, thay vào đó là hàng mớ lý lẽ có thể cuốn theo bất cứ cái gì, có thể đẩy câu chuyện sang một hướng hoàn toàn khác tới mức đến lượt tôi cũng biến mất nốt: Tôi trở thành một trong hàng chuỗi nguyên nhân của cuộc tranh luận nào đó, về một gã dở người chẳng hạn.
o O o
Tôi vào một cửa hiệu có mấy cô gái đang ngồi xem tay cho nhau. Nhìn bề ngoài đây có vẻ như trại tế bần, nhưng mọi ý muốn biết xem sâu phía đằng sau là cái gì đều bị thui chột bởi một thứ uy quyền toát ra từ lối kiến trúc theo chiều dọc. Rút kinh nghiệm trường hợp lão già, vừa kịp các cô ngẩng lên là tôi nói ngay:
- Tôi có việc muốn nhờ các cô, chả biết có phiền không ạ?
Các cô tranh nhau nói:
- Anh vẫn chưa biết đây là đâu mà hỏi vậy?
- Anh nói thế là chúng em bị lỗi đấy.
- Cảm ơn - Tôi thấy nhẹ người - Tôi muốn hỏi, hôm kia, đúng chỗ... quãng 16 giờ, tức là bốn giờ chiều, có một vụ giết người. Các cô có được tận mắt chứng kiến không ạ?
Các cô có vẻ chưng hửng, hỏi nhau:
- Có không nhỉ?
Chợt có tiếng nói vọng ra, giọng kim:
- Khách của em đấy. Em ra ngay đây.
Các cô khác cúi xuống thản nhiên xem tay, trong khi đó trước mắt tôi là một cô gái vừa từ phía trong ra. Cô tươi cười hỏi tôi:
- Anh... từ chỗ thằng bé đánh giầy?
Tôi chưa kịp trả lời thì cô đã nắm tay tôi kéo ra ngoài. Bấy giờ tôi mới để ý kỹ, mặt cô như được đắp bằng sáp, ngay cả khi cô cười cũng không xóa đi được những nét nhầu nát hiện lên trong cặp mắt. Trong khi vừa tò mò quan sát cô gái, tôi vừa khấp khởi chờ đợi những điều cô sắp nói, thì tôi đã ở trước mặt một quán cà phê. Mặc dù ban ngày nhưng quán luôn luôn tối mờ mờ. Nhân viên chạy bàn không chào hỏi khách mà chỉ lặng lẽ mang đến đồ uống, tuồng như đó là món bắt buộc với bất kỳ ai bước chân vào đây.
Cô gái và tôi ngồi chung một chiếc ghế. Rất tự nhiên cô nép đầu vào ngực tôi khiến tôi phải chuồi ra. Cô lại nép vào, tôi lại chuồi ra. Lần thứ ba thì chính cô chủ động ngồi dịch ra, mắt lơ đễnh nhìn tách cà phê.
- Anh không thích em à?
Hoàn toàn bị bất ngờ, tôi bối rối tới mức suýt hất đổ tách cà phê. Mặt tôi bỗng dưng nóng ran. Tôi lờ mờ cảm thấy có một cái bẫy nào đó đang được giăng ra với tôi nhưng tự nhiên tôi lại thích được sa bẫy. Tôi quay sang nhìn cô như là chúng tôi hẹn nhau đến đây để vuốt ve nhau.
- Anh khác tất cả số họ - Cô cười một cách bí ẩn. Anh thuộc loại thích "vờn" hơn là thích ăn mồi.
Tôi không lường được diễn biến của sự kiện, không lường được cả chính tôi. Tôi cảm thấy bị kích thích thần kinh và ngạc nhiên về điều này. Bởi vì trong đời mới chỉ có một lần tôi được sống trong tự do, nghĩa là hoàn toàn loại mọi nỗi sợ ra khỏi suy nghĩ của tôi, cũng nhờ một cô gái.
Hồi đó tôi sống độc thân trong gian nhà nhỏ ở tít tầng trên cùng của một khu tập thể. Tôi nghèo đến mức không có nổi bộ cánh tử tế để mỗi lần ra đường có thể ngẩng cao đầu. Ngày ngày, ngoài giờ đi làm, tôi chui vào chiếc "chuồng chim" và thêu dệt những giấc mơ sực mùi nước cống rãnh. Tôi tự coi tôi như một anh hùng bị sa vào chiếc lưới thời mạt vận. Nhiều hôm tôi tự diễn một màn độc thoại trong đó tôi vừa đóng vai thánh thần, vừa đóng vai quỷ sứ để cùng nhau rỉa róc loài người. Có bận họ tranh giành nhau một lý lẽ nào đó. Lúc thì thánh thần thắng, lúc quỷ sứ được cuộc. Tôi - hình ảnh chân xác nhất - giống như một bãi chiến trường.
Suốt nhiều năm tôi chỉ thấy có một việc không nhàm chán: ấy là, qua ô cửa sổ như lỗ châu mai, nhìn bọn con gái ở dãy nhà bên tắm truồng. Họ là niềm an ủi duy nhất với tôi trong những ngày tháng kéo lê qua cuộc đời tôi. Khi màn đêm xuống tôi nằm khoanh tròn, tưởng tượng mình hiếp từng cô một trong nỗi uất hận. Ðêm nào cũng dài hun hút, đen ngòm và đầy cạm bẫy. Nửa đêm tôi bắt buộc phải trở dậy làm cái công việc vừa sướng vừa khổ là trút ra tờ giấy báo, đùm lại rồi thả rơi bộp xuống tầng một. Ðêm nào cái việc ấy cũng không được phép trì hoãn, vì thế sáng nào cũng phải nghe bà lao công lu loa đánh thức cả khu. Ðấy là âm thanh mạnh mẽ và ấn tượng nhất mở đầu một ngày mới cho riêng tôi.
Tôi cảm thấy mình không còn khả năng ghi nhớ bất cứ điều gì. Tôi trượt đi trong một chiếc hang sâu hun hút, phi trọng lượng, phi thời gian, phi ký ức. Trước khi ngủ bao giờ tôi cũng tin chắc khi mở mắt ra tôi đã ở vào thời tiền sử.
Một đêm nọ, trong mùi tường ẩm, nước rãnh có lẫn phân người, chuột chết, máu hành kinh, trong sền sệt đêm tối, tôi mơ thấy mình được chén một bữa đẫy. Tôi ngụp lặn trong thịt rán, nước sốt váng mỡ... và tôi đã ngoạm chúng như một chiếc máy xúc. Tỉnh dậy tôi thấy nước miếng đầy khoang miệng trong khi bụng sôi cồn cào. Khi biết chỉ là giấc mơ, tôi như rơi lại chiếc hang sâu, lòng đầy lên nỗi thù hận. Tôi tìm cách nối lại giấc mơ đúng vào lúc bà lao công tru tréo:
- Lần sau thì ỉa luôn vào mồm mày ấy nhé!
Thật trớ trêu hôm đó tôi không còn một đồng xu dính túi vì thế tôi đành đi làm với chiếc bụng rỗng. Vừa xuống đến tầng dưới thì tôi gặp cô gái dở người, thường ngày vẫn quay mặt đi khi thấy đàn ông. Tôi không tìm hiểu để biết quá khứ của cô, chỉ nghe kể cô từng khá xinh đẹp rồi đâu như bị cưỡng hiếp mà hóa điên? Cô cũng ở trong một gian xép, ra vào lặng lẽ như một cái bóng. Vậy mà hôm đó cô bảo cô chờ tôi để nói một bí mật. Tôi để mặc cô kéo vào phòng cô, nói như khoe:
- Tối hôm qua em nằm mơ thấy anh...
- Thấy tôi làm sao?
- Thấy anh... làm chồng em.
- Cái đó chả cần mơ đâu - Tôi nói đùa và thoát ra khỏi cô.
- Nói phét! - Cô quắc mắt.
- Tôi lại thèm nói phét?
- Vậy hôm nay đi chơi nhé.
- Hôm nay tôi bận, xin được hẹn cô dịp khác.
Cô cầm tay tôi nũng nịu:
- Sờ vào ngực em đi, trong mơ em thấy anh làm thế mà.
Tôi vừa ngượng, vừa sợ vừa thương hại cô, một cô gái điên.
- Thôi nào! Ðể cho tôi đi làm.
Cô quay ngoắt lại:
- Ði đi, đồ bất lực!
- Cô nói gì? - Tôi nhe răng, trợn mắt nhìn cô ta - Cô vừa nói gì...?
Tôi thọc tay vào túi, vừa đau đớn vừa uất hận bước đi. Câu rủa của cô, vô tình như một mũi dùi khoan trúng vào nỗi hổ thẹn thầm kín của tôi. Kẻ nào biết được điều đó ở tôi, giống như sự nhạo báng độc ác và không thể nào tha thứ được.
Buổi chiều, khi trở về, tôi lại gặp cô gái dở người đứng chờ sẵn ở cửa. Tôi giữ bộ mặt lạnh lùng trong khi cô không hề nhớ đã làm tôi phật ý, chạy ra nắm tay.
- Vào phòng em, có chuyện hay lắm.
- Cô lại định giở trò gì với tôi? - Tôi nhìn cô bằng cái nhìn cảnh giác.
- Trò gì? - Cô cười khanh khách - Anh cứ vào rồi biết.
Lòng tự ái lúc sáng của tôi được mơn trớn, lắng dần xuống. Tôi để mặc cho cô cầm tay lôi vào. Lần này, sau khi đóng chặt cửa, cô mở to mắt nhìn tôi như nhìn một con vật lạ. Nhưng lập tức tôi thấy sợ hãi: "Có phải cô ta dở người thật không?". Cặp mắt cô không có chút gì dài dại của người mắc căn bệnh tương tự. Tôi thấy nó cũng ươn ướt, rừng rực cháy một ngọn lửa... đến mức nỗi nhục nhã trong tôi lại trỗi dậy.
- Em thèm anh quá! - Cô thở hổn hển. - Em chưa biết đàn ông là gì?
Tôi tìm được lối thoát hèn hạ, quát lên:
- Nói láo! Cô tưởng tôi không biết ư?
- Em thề. Em thề với riêng anh. Em vẫn là con gái. Em đang muốn anh biết điều đó đây.
- Trời ơi sao bảo...
- Chỉ với riêng anh em không phải là cô gái dở người, được chưa?
Nỗi sợ hãi càng lớn dần trong tôi khi cô đã đi quá giới hạn, không giấu nổi khát khao được tôi cho cô làm đàn bà. Tôi dường như không có phản ứng gì khi cô từ từ trút bỏ xiêm y. Ðến lúc này tôi hoàn toàn là con mồi của cô. Cô xô tôi xuống giường, tay điên cuồng giằng xé và khi tôi co rúm người lại bởi cảm giác của người bị lật tẩy, thì cô cũng thả chùng người xuống, hoàn toàn tuyệt vọng. Rồi toàn thân cô rung lên trong nỗi niềm tức tưởi của nỗi buồn không biết đổ giận hờn cho ai. Giờ đây, ngoài sự nhục nhã, tôi thấy trào lên nỗi thương cảm xót xa, cả cho cô và cho tôi. Nhưng ngay lập tức tôi lại trở về với tình cảm thù hận. Tôi thù hận cô gái dở người này, thù hận cuộc đời.
Chúng tôi buồn nản và im lặng mặc lại quần áo, rồi cứ ngồi gục đầu nghĩ ngợi. Tôi nom thấy con dao gỉ để ở chân giường và cảm thấy vừa tìm ra lối thoát. Nhưng đúng lúc quyết tâm của tôi đạt đến độ có thể hành động thì cô gái đứng dậy, đến cạnh tôi, quàng tay ôm cổ tôi, khóc nức nở nhưng không phải là những giọt nước mắt oán thán. Cô muốn chia sẻ với tôi bằng tình thương, sự âu yếm kiểu như của người mẹ.
- Coi như chúng mình đã hiến thân cho nhau. Em xin lỗi.
- Về cái gì? - Tôi gầm gừ.
- Về tất cả. Từ nay em sẽ chăm sóc anh. Ai ngờ anh cũng khổ thế.
Lòng thù hận của tôi như lửa đổ thêm dầu. Tôi chồm dậy, túm cổ áo cô một cách khả ố.
- Cô chỉ cần tỏ vẻ thương hại tôi một lần nữa là tôi giết cô. Hồi học phổ thông tôi có thể đâm thủng cả bàn, cô có tin không?
Tôi nhe răng như một con chó dại khiến cô vội gật đầu.
- Em tin. Em rất tin.
- Cô có biết vì sao tôi đến nông nỗi này không?
- Làm sao em biết được.
- Vậy thì tôi sẽ nói cho cô biết. Tôi đã từng chơi nghiêng ngửa với bọn gái điếm trăm ngàn thủ thuật. Chẳng qua vì đói khát, bệnh tật, sợ hãi, phải chạy trốn sự trả thù... cô có hiểu không?
Mặt cô gái đờ ra, mắt nhắm lại vì không chịu nổi phải nhìn tôi, đúng hơn là cô không muốn chứng kiến quá lâu sự khổ đau ở nấc thang cuối cùng - như sau đó ít giờ cô thổ lộ - Lúc đó - cô nói thêm - em thấy anh như là hiện thân của sự đày ải của kiếp con người. Chính thái độ đó làm tôi dịu lại và thấy mình thật đê hèn. Nhưng mọi sự đều đã bị đẩy quá giới hạn và tôi chỉ còn một ý muốn là phải báo thù.
Tôi lê lết về phòng mình, tưởng vừa xảy ra một cuộc chiến đẫm máu trong đó tôi bị nện cho tơi tả. Tôi nằm vật ra giường. Cơn đói thường ngày biến mất, thậm chí tôi thấy bụng căng cứng. Tôi vùng dậy lồng lộn đi lại. Tôi muốn hoặc tôi hoặc thế giới nổ tung. Trời nổi cơn giông lúc nào tôi không biết. Tôi chỉ thấy trời đất đen kịt như ngày tận thế và cảm thấy hả hê về ý nghĩ đó.
Mọi thứ càng u ám hơn khi tôi bật đèn. Ðập vào mắt tôi là cuốn sách đang đọc dở, viết về tình yêu của vị mục sư với một gái điếm. Tôi đang đọc đến đoạn cô gái bị đám đông lột truồng, chỉ để lại cho cô chiếc si líp màu đỏ. Cha cố đang xua con quỷ dâm dục ra khỏi trái tim tội lỗi của cô để cô có cơ hội được về hầu hạ Chúa.
- Ai ở đây không có tội? - Tôi có cảm giác nghe thấy câu hỏi vẳng xuống từ bầu trời đen thẫm. Bọn người xét xử cô gái mặt cúi gằm nhưng tay vẫn lăm lăm hòn đá. Và để không bị thân hình tuyệt mỹ của cô bắt mất hồn, để vĩnh viễn trong sạch, để không phải nghe lời chất vấn vẳng xuống từ trời thêm một lần nào nữa - bởi làm sao mà chịu nổi một lời cật vấn như vậy? - Họ nhất loạt vung tay lên. Một trận mưa đá trút xuống cơ thể cô gái và tiếng gào thét của cô, có lẽ cũng mất hút vào bầu trời đen thẫm như bầu trời đang quằn quại bên ngoài cửa sổ kia. Trong một tâm trạng lơ mơ, tôi thấy thân hình cô gái đỏ rực máu, ánh lên chiếc quần lót màu đỏ, lại chính là cô gái dở người ở tầng dưới.
Một tia chớp xanh lét làm không gian ngoài cửa sổ sáng bừng lên. Chính lúc ấy tôi nhìn thấy vật gì - như bàn tay người - đập đập ngoài cửa kính. Nó cố nhoài lên lại tụt xuống, lại nhoài lên một cách tuyệt vọng, lại tụt xuống. Lát sau vật lạ bất động như đã bám vào được một điểm nào đó. Lần này tôi nhìn thấy hai điểm sáng nhỏ xíu, óng ánh đỏ, dán chặt vào cửa kính. Tôi căng mắt nhìn thật lâu và run bắn lên vì nhận ra đó là một con chim bồ câu. Hai đốm sáng màu hồng ngọc chính là cặp mắt hy vọng của nó. Từ bên ngoài hẳn nó nhìn thấy tôi rất rõ. Và hẳn nó phải mừng lắm khi tôi là một thằng người! Tôi nhận ra trong sự lóe sáng gần như cuối cùng ấy, có cái gì vừa vĩ đại vừa đê hèn của sự sống đích thực. Chà! Một chú chim bồ câu hay là điềm báo gì đây? Quả thực trong khung cảnh giống như ngày tận thế, tự dưng xuất hiện con chim bồ câu, hoàn toàn có thể nghĩ đến vị thiên sứ xuống trần để loan tin. Có thể Ngài chọn tôi là kẻ đầu tiên được nhận thông điệp? Nhưng con quỷ đói khát khiến mắt tôi tối sầm lại và tôi cười nhạo ý nghĩ ấy một cách hằn học. Nếu có Chúa mà Ngài đang tâm bỏ mặc thế gian do Ngài hứng chí tạo ra, bỏ mặc cho con dân của Ngài cắn xé nhau, bỏ mặc cho đủ thứ khốn nạn - trong đó có căn bệnh liệt dương - hoành hành, thì tôi nguyền rủa Ngài và hôm nay, để tỏ rõ thái độ, tôi sẽ ăn thịt thiên sứ do Ngài phái tới.
Trong khi nghĩ một cách thù hận như vậy, tôi - thằng người - bò một cách lẹ làng, có lẽ còn uyển chuyển hơn cả rắn, nhoài người ra ngoài, tay sờ soạng về phía con chim. Con vật có vẻ rất mừng rỡ, toàn thân rung lên. Tôi lách các ngón tay vào ngang nách con chim, thấy ẩm mịn, nần nẫn một lớp thịt mềm, chắc chắn là béo bổ, thấy toàn bộ tấm thân của nó, thấy nước miếng tứa qua kẽ răng... Giống như hai gọng kìm, những ngón tay của tôi quắp lại, thít thật chặt.
Tôi giơ con vật ra trước đèn để chiêm ngưỡng nó, cảm ơn trời đất xô giạt nó đến đây. Con vật hoàn hồn, mắt ngơ ngác nhìn tôi và nhìn khắp căn phòng. Tôi thầm rên lên: Ôi, cứ cho mi là thiên sứ đi. Nhưng ta mới là chúa tể và lại đang đói hoa cả mắt. Chú mày trông thật bổ béo. Ta đã nằm mơ thấy chú mày mà. Chú mày đến thật đúng lúc. Có thể nhờ chú mày mà tao sẽ phá tan được cái thế giới u ám, nồng nặc mùi chuột chết, mùi hôi nách, mùi tử khí này. Cứ như là chú mày biết tao vừa chịu nhục nhã ê chề trước một con đàn bà dở người... Khi tôi buông tay ra thì con vật đã chết đứ đừ từ lúc nào.
"Càng hay - tôi gầm gừ - tao càng đỡ phải cho mày đi tàu ngầm hoặc cắm kim vào đầu mày, như cách nhân đạo nhất mà loài người ban cho giống chim bồ câu". Khi hơ con vật trên lửa, nghe tiếng mỡ lèo xèo, trong mắt tôi lại thấy hiện lên chiếc si líp màu đỏ.
Con chim đã được quay vàng, nằm gọn trên đĩa. Tôi chưa vội ăn ngay, sợ đi veo niềm hạnh phúc không dễ gì có được. Tôi, giống như con sói, đi vòng quanh con chim để tận hưởng niềm lạc thú hoang dã, kích thích tính hung hãn lên đến cực điểm. Bấy giờ tôi mới cắm phập chiếc xiên vào con chim như sau này cô gái dở người bị tôi cho sống dở chết dở cũng bằng cái cách tương tự như vậy. Tôi cắn, ngoặm, xé, nhai, nuốt... y như một chiếc máy đã cài đặt sẵn chương trình. Một dòng máu còn tươi nguyên, nóng hổi ùa từ cơ thể căng mọng của con chim vào miệng tôi, tạo ra sự dấp dính vô cùng khoái trá. Tôi nghiền gần như toàn bộ con chim thành nước, ngậm khá lâu trong miệng trước khi cho nó sền sệt chảy vào dạ dày. Tôi cảm thấy no nê, thỏa mãn, để sau đó thấy đói khát, cơn đói khát được hủy diệt một cái gì đó. Như một con thú sau buổi săn may mắn, tôi lăn ra ngủ, nguyên xi áo xống với mùi khét của mỡ và lông chim. Nửa đêm tôi bị đánh thức bởi một luồng sinh khí nóng bỏng chảy sôi sục trong huyết quản tôi. Chính là cái dòng sinh khí đã bị nguội lạnh suốt cả chục năm trời, vì thế mà tôi luôn luôn sống chui lủi như bị trừng phạt. Tôi ngỡ ngàng trước chính mình, thoạt đầu không tin. Nhưng mọi sự khá rõ ràng và tôi cứ nằm mân mê niềm kiêu hãnh đàn ông bị đánh cắp nay tìm lại được. Ô, tất cả giống như một phép lạ. Từ nay tôi lại có vũ khí để chống lại quyền lực, chống lại nỗi cô đơn, nỗi sợ chết, nỗi sợ bị ruồng bỏ, chống lại bọn giặc cái mà kẻ cầm đầu là con mẹ dở người. Mới nghĩ đến đó tôi đã không chịu nổi sự chờ đợi. Tôi hùng hổ lao xuống, tự tin đập cửa phòng cô ta mà không hề thấy sợ bất cứ cái gì. Ðấy là cái cảm giác tự do thật hiếm hoi mà tôi tưởng như vừa thấy lại khi cô gái nhà hàng ngả đầu vào ngực tôi. Nhưng cái ngày xưa ấy tôi đã thực hiện được điều tôi cảm thấy. Tôi nhớ như in vẻ mặt cô gái dở người - thôi thì cứ gọi cô như vậy cho dễ nhớ - khi mở cửa, bật đèn và nhìn thấy tôi. Cô co rúm lại trong một nỗi sợ gần như làm tan nát lý trí.
- Trời ơi, có một chút gì để khẳng định đây là anh không?
Tôi đẩy cô vào, lạnh lùng khép cửa lại như xác quyết quyền lực tuyệt đối. Với tôi lúc ấy thế giới với đủ thứ lố lăng, thật thảm hại.
- Cô nhìn đi, nhìn cho kỹ đi xem tôi là ai?
Cô gái dở người nửa khóc nửa cười.
- Là ai? - Tôi quát nhỏ nhưng rõ ràng và đanh thép.
- Là anh. Nhưng mà có chuyện gì thế?
- Tôi muốn cô biết rằng, thằng đàn ông cách đây ít giờ định tự tử do nó không chịu nổi bị cô phơi trần nỗi nhục nhã, là tôi đây.
- Em thương anh khôn xiết thì có. Không người đàn ông nào biết tình thương của người đàn bà trong trường hợp ấy nó sâu sắc như thế nào đâu. Bởi vì em thương cả em nữa.
- Thế là cô nhạo báng tôi. Nhưng thôi, bắt đầu đi - Tôi nghiến răng ra lệnh.
- Em phải làm gì?
- Trước đây chưa lâu cô còn dạy tôi cơ mà.
- Vâng - Cô sợ hãi nhìn tôi - đừng làm em đau nhé - Cô cầu khẩn và phơi toàn bộ tấm thân trắng nõn nà ra trước mắt tôi. Ngay tức khắc, một ý nghĩ ghen tuông choán lấy tôi: "Chả lẽ mình là người đầu tiên? Chả lẽ bọn đàn ông ngu và mù hết?". Nhưng tôi không có thời gian để tự dằn vặt mình lâu bởi cô gái đã nguyên vẹn là một vật dâng tặng ở cái tư thế mà tôi chỉ còn việc nhảy chồm lên như con thú. Tôi nhìn cô như một tên kẻ cướp nhìn con mồi và chỉ có thể gọi hành động của tôi bằng chính cái việc tôi từng làm thế với con chim bồ câu đã quay vàng. Thoạt đầu cả tôi cũng bị tan ra từng mảnh trong một cơn sóng thần. Phải khó khăn lắm cô gái mới ngoi lên được giữa những đợt sấm sét, giọng cô lạc đi:
- Anh hiếp tôi à?
Khi tôi dừng lại, hoàn toàn chỉ còn là một khối bọt kết thành, thì ý nghĩ đầu tiên khiến tôi lo sợ là cô gái đã chết. Tiếng thở của cô rất yếu, mặt cô trắng bệch cùng với những giọt máu loang lổ trên đệm ghim chặt tôi vào hiện thực. Trời ơi! - Tôi muốn gào lên - Tại sao em không ô uế, nhơ nhớp trước khi gặp tôi? Tại sao em không là quỷ sứ để tâm hồn tôi có nơi trú ngụ. Cảm giác mạnh mẽ nhất với tôi lúc đó là cảm giác hổ thẹn. Tôi thấy rõ tôi vừa làm một việc tội lỗi bởi vì tôi không hề yêu cô.
Tôi trở về phòng tôi mà tưởng mình bước vào địa ngục. Những giọt máu hồng rực lên trong giấc ngủ chập chờn của tôi.
Quãng gần sáng tôi nghe có tiếng bước chân rất nhẹ, rất nhẹ. Hình như có ai dừng lại trước cửa căn phòng tôi khá lâu. Vào giờ này còn có thể là ai? Nếu không phải oan hồn con chim bồ câu, oan hồn những giọt máu thì chỉ có thể là quỷ sứ đến để dắt tôi đi. Nhiều năm sau này tôi vẫn thường nghe thấy tiếng bước chân rất nhẹ, tiếng thở dài rất nhẹ như kiểu ai đó định giơ tay gõ cửa phòng tôi. Có lúc tôi còn như nghe thấy lời thì thầm: "Em và con chim bồ câu chỉ là một. Em dâng tặng anh cả xác, cả hồn. Bây giờ thì em về trời đây".
Hồi đó, khi sáng bạch tôi trở dậy thì cô gái đã bỏ đi, biệt tăm như chưa hề có cô trên đời. "Em về trời đây". Tiếng thì thầm trở thành điểm bám víu cuối cùng của tôi nhằm giữ lại một cái gì đó thuộc về cô.
Sau đó tôi gần như người tuyệt giao với đàn bà bởi nhiều lý do trong đó có cả sự tái phát của căn bệnh cũ. Vì thế khi cô gái xa lạ này ngả đầu vào ngực, tôi tưởng một cái gì đó trong tôi vừa hồi sinh. Nhưng ngay lập tức tôi chợt nhớ ra thiên thần đã bị chính tay tôi giết chết. Tôi đẩy vội cô ra như đẩy một con hồ ly tinh và điều đó khiến cô bực tức:
- Nào, anh muốn gì?
Tôi đứng hẳn dậy, ngồi sang phía đối diện:
- Mong cô thứ lỗi cho tôi được vào việc. Chính mắt cô nhìn thấy hay nghe kể qua một người khác?
- Này, trong những cách làm cho phụ nữ khinh bỉ đàn ông của anh, còn có cách nào hơn không?
Tôi cũng phát cáu:
- Theo cô tôi phải làm gì? Chính cô tự nguyện nhận lời sẽ kể cho tôi về vụ thằng bé đánh giầy bị đâm chết.
Mặt cô gái tái nhợt đi, trong khi miệng cô méo xệch:
- Giời ơi! - Ngay lập tức cô cười phá ra, cười ngặt nghẽo, gập người xuống mà cười và tôi thấy cô trơ trẽn đến mức chính tôi điên tiết.
- Cô cười gì? - Tôi quát.
- Tôi cười cái sự chán mớ đời - Cô càng nấc lên, ôm bụng, kéo cả váy lên quá đầu gối - Buồn cười chết đi được - Chợt mặt cô lạnh như kem - Anh thanh toán đi, cả suất ngồi với tôi rồi biến cho nhanh.
Cô mất hút vào phía trong. Ngay tức khắc một gã đàn ông như đội đất chui lên - từ nãy đến giờ gã vẫn lẩn khuất đâu đây - đặt nhẹ trước mặt tôi tờ hóa đơn. Tôi liếc qua, có một khoản mục không ghi tên hàng mà chỉ ghi tiền, định hỏi thì gã đàn ông đã mở miệng trước:
- Ông bị phạt vì vi phạm hợp đồng...
Nhìn mặt gã với cặp môi to tướng, tôi vội cười nhạt:
- Vâng, lỗi ở tôi, lỗi ở cả nơi tôi.
Đi Tìm Nhân Vật Đi Tìm Nhân Vật - Tạ Duy Anh