Số lần đọc/download: 2019 / 14
Cập nhật: 2015-12-15 07:56:57 +0700
Lời Mở Đầu
ôi biết Heinrich Böll lần đầu qua cuốn sách nhỏ: “Những vướng mắc ở tình anh em” [1]. Đó là một tuyển tập gồm những bài viết trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1972, đề cập đến một số vấn đề thời sự ở Đức cũng như ở nhiều nước khác. Đối với một người Việt Nam, có lẽ không gì đáng chú ý hơn những lời phản đối của Böll sau đợt dội bom miền Bắc Việt Nam vào dịp lễ Nô-en 1972 của không lực Mỹ. Tuy nhiên, tác phẩm và cuộc đời của Heinrich Böll cho thấy lúc nào ông cũng đấu tranh cho nhân bản và công bằng, cũng bênh vực kẻ yếu thế, bị xem thường nhân phẩm bất luận nơi nào. Bên cạnh phẩm chất nghệ thuật, có lẽ chính điều này đã dẫn tới một hiện tượng khó giải thích: tác phẩm của ông được hàng chục triệu người trên khắp thế giới yêu chuộng, hàng chục triệu người thuộc nhiều dân tộc, tầng lớp, hệ thống chính trị và văn hóa khác nhau.
Rất tiếc nhà văn ít được biết đến ở Việt Nam. Hình như chỉ có ba cuốn tiểu thuyết của ông được dịch ra tiếng Việt, đó là “Lạc lối về”, “Cái mặt buồn của tôi” và “Danh dự đã mất của Katharina Blum” với tổng số xuất bản chừng vài ngàn cuốn. Trong khi đó, đặc biệt những truyện ngắn và truyện vừa ông viết trong những năm 1950, tức thời hậu chiến ớ Đức, tuy có bối cảnh văn hóa - lịch sử khác Việt Nam nhưng nội dung lại khá gần gũi với chúng ta. Chẳng hạn truyện “Cái cân nhà họ Balek” liên quan tới một kinh nghiệm lịch sử lâu đời của nhân dân Việt Nam là hễ có bất công áp bức thì có đấu tranh. Một số truyện khác như “Đêm thánh vô cùng” dính dáng ít nhiều đến đề tài chiến tranh. Cũng chẳng xa lạ với chúng ta là môi trường sống trong đó đạo đức giả và chủ nghĩa cơ hội hòa lẫn với những cố gắng giữ gìn nhân cách và phẩm giá con người (“Toàn tập im lặng của tiến sĩ Murke”). Lại có những truyện ngắn dẫn chúng ta tới những phương trời xa lạ như “Mùi vị bánh mì” và “Người cha hùng của nữ thủy thần Undine”. Nhưng nếu xem xét kỹ, chúng ta cũng có thể khám phá nơi đây những điểm tương đồng giữa văn hóa Đức và văn hóa Việt Nam: ý nghĩa thiêng liêng của bánh mì gần giống như sự quý trọng hạt lúa, lòng yêu kính sông Rhin có thể sánh với tình cảm thiết tha đối với những dòng sông quê hương. Những chủ đề vừa quen thuộc vừa xa lạ ấy, nhưng cốt truyện đôi lúc có hơi nặng nề mà lời kể truyện lại hóm hỉnh nhẹ nhàng ấy, những tầng nghĩa khác nhau trong cùng một truyện; với các đặc tính ấy, tác phẩm của Heinrich Böll chắc chắn cũng sẽ mang lại cho độc giả người Việt niềm vui thú và những gợi ý hay.
Có lẽ một trong những đề tài được Böll quan tâm nhất là sự tha hóa của con người trong xã hội công nghiệp hiện đại với những nghịch lý quá hiển nhiên của nó (“Người vứt bỏ”, “Giai thoại làm suy giảm đạo đức lao động”). Theo ông, hệ thống kinh tế - xã hội quá thiên về sản xuất - tiêu thụ và các cơ chế quan liêu không những đóng khung, chuẩn mực hóa con người mà còn tạo nên tâm địa tôn thờ vật chất, xem thường các giá trị tinh thần và đời sống nội tâm. Dĩ nhiên con người thì không dễ đóng khung, chuẩn hóa như một sản phẩm công nghiệp được.. Những nhân vật chính trong các tác phẩm, nhất là trong những truyện châm biếm của Böll (“Sẽ xảy ra điều gì”, “Người vứt bỏ”), đều có những điểm “không giống ai”, những hành vi ngoài lề lối gò bó của xã hội. Người ta vừa cười những nhân vật kỳ cục ấy vừa có cảm tình với họ, để rồi thích thú khi khám phá ra mình cũng có những điểm kỳ cục nào đó - cảm tình trở nên đồng cảm, cười người hóa ra cười mình, cười con người nói chung một cách thoải mái, không chút ác ý. Phải chăng việc ra ngoài khuôn khổ gò bó, bằng hành động hay trong tưởng tượng, là phản ứng tự nhiên của con người với phẩm chất có một không hai của nó, là biểu hiện của khát vọng về sự hái hòa giữa cá nhân và xã hội, cộng đồng? Người ta có thể tự đặt câu hỏi ấy khi đọc Heinrich Böll. Theo cách hình tượng của ông, điều kiện tiên quyết để thành người là “rời bỏ cái khung”, và muốn đạt tới tình huynh đệ, trước hết phải “phá bỏ cái khung cũ kỹ ấy”.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là khi chỉ trích những cơ chế kìm hãm nhân cách con người, Böll không đứng ngoài, càng không đứng trên cộng đồng, và khi diễn tả các nhân vật của mình, ông không lấy tư cách “chủ nhân hay quan tòa nhưng hòa mình với họ như thể anh em”. Chúng ta hãy nghe lời tự thuật của ông trong một bài nói về tình huynh đệ:!!!Tác giả tôi không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh trong sạch, phát hiện cái dơ bẩn ở quanh mình, để rồi khi sáng ngời lên vì trong sạch, anh ta lên tiếng chửi mắng cái dơ bẩn ấy. Tác giả tôi sống trên đất đã làm nên anh ta, đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta.!!!Anh ta cũng ăn bánh mì, uống bia, đóng thuế, xem xi-nê, thi hành bổn phận công dân v.v... Nếu có cái gì nâng anh ta lên một chút so với dân địa cầu thì đó có lẽ là khả năng diễn đạt cùng với khả năng phát biểu những điều được xem như không thể phát biểu.
Đối với tác giả tôi, viết lách là một quá trình dân chủ, anh ta không phải là chủ nhân hay quan tòa nhưng là anh em với toàn thể các nhân vật của mình, anh ta ở ngay giữa sự vật, giữa những con người do mình tạo nên bằng ngôn ngữ. [2]
Chú thích:
[1] Heinrich Böll: Schwierigkeil mit der Brüderlichkeit. Munich 1977.
[2] Schwierigkeit... trang 68.