Nguyên tác: The Dark Arena
Số lần đọc/download: 648 / 77
Cập nhật: 2019-11-19 14:36:20 +0700
Chương 1
W
alter Mosca cảm thấy niềm xúc động dâng lên cùng với cảm giác cô đơn lớn lao cuối cùng khi trở về nhà. Chàng nhớ lại một số quang cảnh bị tàn phá ở bên ngoài thủ đô Pari cùng những vùng đất quen thuộc mà trước đây chàng đã đi qua. Giờ đây trên đoạn đường cuối của hành trình, chàng bồn chồn, náo nức được về đến nơi cuối cùng, về trái tim của đất nước đổ nát, về thành phố hoang tàn mà chàng chưa từng bao giờ nghĩ rằng có ngày chàng sẽ lại trông thấy nó.
Quang cảnh trên đường vào nước Đức đối với chàng còn quen thuộc hơn cả cảnh sắc ở chính nước chàng, ở chính thành phố chàng đã sinh ra.
Con tàu lắc lư theo đà chạy nhanh. Đây là một toa tàu chở lính đi thay thế cho toán lính đóng ở trại Frankfort, nhưng một nửa toa được dành để chở những nhân viên dân sự tuyển từ Hoa Kỳ. Mosca đưa tay lên sửa lại cravát trên cổ áo và mỉm cười. Chàng thấy một cảm giác lạ lùng. Chàng nghĩ, giống như khoảng hai mươi người dân sự cùng ngồi đây, chàng sẽ dễ chịu và thoải mái hơn nếu ngồi chung với những anh lính - ở cuối toa tàu.
Toa tàu có hai bóng đèn điện mờ ở hai đầu. Những khung cửa sổ của toa đều bị đóng chặt bằng những thanh gỗ, như những người ngồi trong toa không sao có thể nhìn được quang cảnh đổ nát mênh mông ở bên ngoài, cảnh đổ nát trải dài như vô tận hai bên đường tàu chạy. Hai dãy ghế gỗ chạy dài hai bên toa, chỉ dành một lối nhỏ cho người đi ở giữa.
Mosca ngả người nằm dài trên phần ghế ngồi và đặt túi vải xanh, cái túi trước kia chàng vẫn đựng đồ tập thể thao, dưới đầu để làm gối. Trong ánh sáng lờ mờ, chàng không nhìn rõ mặt những người khác trong toa tàu.
Họ là những người cùng rời Hoa Kỳ với nhau trên một chiến hạm, và cũng như chàng, họ đều có vẻ náo nức muốn mau mau đến Frankfort. Họ nói to để có thể nghe được tiếng nhau trong tiếng tàu chạy rầm rầm, Mosca nghe được tiếng nói của ông Gerald át cả tiếng nói của những người khác. Ông Gerald là viên chức dân sự cao cấp nhất của toán nhân viên dân sự này. Ông đem theo một túi da đựng những cây đánh golf và trên chiến hạm ông đã cố ý nói cho tất cả mọi người biết rằng chức tước dân chính của ông ngang với cấp bậc Đại tá. Ông Gerald có vẻ sung sướng và hào hứng.
Con tàu chạy chậm lại khi vào một nhà ga nhỏ và vắng vẻ. Bên ngoài là đêm đen, trong toa tàu đóng kín cửa ánh đèn thật yếu ớt. Mosca lơ mơ ngủ, chàng chỉ nghe thấy tiếng nói của những người khác. Nhưng khi con tàu chạy nhanh ra khỏi nhà ga, sự chuyển động của nó lại làm cho chàng tỉnh hẳn.
Nhóm nhân viên dân chính lúc này đã nói chuyện nhỏ hơn, Mosca ngồi dậy để nhìn những người lính ở cuối đằng kia. Vài người nằm ngủ trên ghế nhưng ở đó có ba vầng sáng tròn bao quanh ba đám đánh bài. Những quầng sáng này đã làm cho phần toa tàu của họ ấm cúng, thân mật hơn, Mosca cảm thấy một nỗi nhớ nhung nhẹ nhàng cuộc sống mà chàng đã sống thời gian qua, cuộc sống mà chàng chỉ mới vừa rời bỏ cách đây vài tháng. Qua ánh nến soi sáng những người lính, chàng thấy họ vừa đánh bài vừa uống trong những chiếc ca bằng sắt, chàng biết chắc không phải là họ đang uống nước, vừa mở những hộp khẩu phần để lấy những thỏi sô-cô-la. Lính là thế, Mosca mỉm cười nghĩ ngợi.
Mosca lại nằm dài trên ghế và cố ngủ. Nhưng thân thể chàng cũng cứng nhắc như mặt ghế gỗ dưới lưng chàng. Con tàu đã tăng thêm tốc độ và lúc này đang chạy rất nhanh. Chàng nhìn đồng hồ tay. Đã gần nửa đêm, còn phải tám tiếng nữa mới tới được Frankfort. Chàng ngồi dậy, đầu dựa vào thành cửa sổ đóng kín, rút chai rượu từ trong túi vải xanh ra và uống mãi cho đến lúc cảm thấy thân thể hết căng thẳng. Có lẽ chàng đã chợp ngủ đi một lúc vì khi chàng nghiêng đầu nhìn lại chỗ toán lính, góc toa tàu của họ chỉ còn có một ngọn nến cháy sáng, nhưng trong vùng bóng tối sau lưng chàng, nơi góc toa dành cho nhân viên dân chính, chàng vẫn nghe thấy tiếng nói của ông Gerald rõ ràng là giọng của kẻ đàn anh.
Hai cây nến rời khỏi vầng sáng ở cuối toa tàu đằng kia, ánh nến lung linh và chập chờn chiếu trên lối đi. Một người lính cầm hai cây nến ấy và khi hắn đi ngang mặt Mosca, chàng giật mình và tỉnh hẳn ngủ. Người lính Mỹ cầm hai cây nến có vẻ dữ tợn và thù hận ngu đần đáng sợ. Ánh nến vàng nhuộm đỏ thêm màu da mặt đã đỏ ửng vì rượu và làm cho đôi mắt giận hờn của hắn có những tia sáng nguy hiểm, một sự nguy hiểm không có nguyên nhân và vô nghĩa.
— Ê chú lính! - Giọng nói của ông Gerald vang lên, - để lại đây cho anh em một cây, được chăng?
Một cây nến vâng, người lính dừng lại cạnh ông Gerald và tiếng nói của những người ngồi đó trỗi lên cao hơn, như họ vừa thêm can đảm nhờ ánh sáng chập chờn này. Họ muốn kéo anh lính mang nến đến vào câu chuyện họ đang nói nhưng anh này, với cây nến thứ hai đặt trên mặt ghế, khuôn mặt chìm trong bóng tối, từ chối trả lời. Họ quên ngay anh lính để nói sang những chuyện khác, chỉ có một lần, ông Gerald nghiêng hẳn mặt về phía ánh nến như để chứng minh lời mình nói là sự thật, nói với anh lính bằng một giọng kẻ cả nhưng thực sự thân mật: “Bọn chúng ta từng cùng sống trong quân đội cả, tôi chắc chú biết…” Rồi ông cười và nói với những người kia: “Lạy Chúa, hết chiến tranh rồi.”
Họ quên hẳn anh lính ngồi im lặng ở bên cạnh. Bỗng tiếng nói của anh vang lên, giọng nói nặng những âm thanh say rượu gây gổ nhưng cũng có đôi chút sợ hãi: “Im đi, im đi, đừng có nói to quá câm miệng chó của mấy người lại.”
Một khoảng khắc thời gian im lặng, ngột ngạt và bối rối tiếp theo, rồi ông Gerald lại nghiêng mặt về phía ánh nến và bình thản nói với anh lính: “Chú về đầu toa đằng kia mà ngồi đi…” Anh lính không nói gì và ông Gerald lại tiếp tục nói câu chuyện vừa bị đứt quãng.
Đột nhiên, ông đứng phắt lên, tiếng nói của ông đứt quãng, và giờ đây, ánh nến soi khắp người ông. Rồi thản nhiên nói, không chút hoảng sợ, gần như không tin đó là sự thật: “Chúa ơi… Tôi bị thương. Anh lính này đâm tôi.”
Mosca ngồi thẳng lên cùng một lúc với nhiều bóng người khác vội vã đứng dậy. Trong khi đứng vội, một người làm đổ một cây nến. Ông Gerald vẫn đúng, nhưng không còn soi sáng rõ như trước nữa, nói tiếp bằng một giọng kinh ngạc: “Nó đâm tôi bằng dao.” Rồi ông ngã vào vùng bóng tối trên mặt ghế.
Hai người từ đầu toa dành cho binh sĩ đằng kia vội vã đi tới qua ánh đèn họ cầm trên tay, Mosca nhìn thấy những cặp lon sĩ quan của họ lấp lánh.
Ông Gerald nhắc đi, nhắc lại: “Nó đâm tôi… Nó đâm tôi bằng dao…” Trong giọng nói của ông âm thanh kinh hoàng đã mất, chỉ còn sự ngạc nhiên, không tin.
Mosca trông thấy ông ngồi thẳng người trên ghế và nhờ ánh nến mới được đem đến - một bên ống quần ông đỏ thẫm màu máu. Người sĩ quan vừa đi tới, một Trung úy, cúi xuống soi cây nến vào vết thương và nói nhỏ với người lính cùng đến. Người lính chạy trở về cuối toa và mang trở lại một cái mền, một túi cấp cứu. Họ trải tấm mền lên sàn tàu và bảo ông Gerald nhưng ông này nói: “Đừng, vén lên cũng được, cắt thì hỏng mất.”
“Không có gì đáng sợ,” viên Trung úy nhìn vết thương và nói: “Bôi thuốc cầm máu là máu hết chảy.” Không có qua một chút cảm tình nào trên khuôn mặt trẻ vô tình của người sĩ quan này, chỉ có một chút tử tế vô tư. “Đến Frankfort sẽ có xe cứu thương đón ông. Đến ga tới, tôi sẽ đánh điện.” Và ông quay lại hỏi những người chung quanh: “Thằng đó đâu rồi?…”
Anh lính say rượu, đâm người đã biến mất. Mosca nhìn quanh trong bóng tối, thấy một bóng người bó gối ngồi thu lu trong ghế trước mặt. Chàng không nói gì cả.
Viên Trung úy trở về toa của mình rồi trở lại, tay cầm đèn bấm, dây đeo bao súng lục choàng quanh bụng. Ông chiếu rọi quanh toa tàu cho đến lúc tìm được bóng người ngồi thu lu trước mặt Mosca. Ông đặt tay phải lên cán súng và dùng tay trái ấn ấn đầu cây đèn bấm vào vai người ngồi, ra hiệu cho người đó ngửng mặt lên. Anh lính vẫn bất động. Viên Trung úy thọc cây đèn mạnh hơn: “Mulrooney… Đứng lên…”
Anh ta mở mắt nhìn lên và khi Mosca nhìn thấy đôi mắt đờ đẫn với ánh giận hờn của một loài dã thú, chàng bỗng cảm thấy thương hại.
Viên Trung úy chiếu thẳng ánh đèn bấm vào mắt người lính. Ông bắt Mulrooney đứng lên. Khi thấy hai tay Mulrooney không cầm vật gì cả. Ông rời bàn tay phải khỏi báng súng rồi đẩy mạnh cho người lính quay lưng lại. Ông khám xét khắp người anh. Không tìm thấy gì cả, ông chiếu ánh đèn bấm quanh chỗ anh lính ngồi. Mosca nhìn thấy con dao nhọn dính máu. Viên sĩ quan nhặt con dao lên và không nói nửa lời, đẩy người lính đi về phía toa tàu đằng kia.
Con tàu bắt đầu chậm dần và cuối cùng ngừng lại. Mosca đi đến cuối toa, mở cửa thò đầu nhìn ra ngoài. Chàng thấy người sĩ quan một mình đi tới nhà ga để đánh điện về Frankfort xin xe cứu thương. Sân ga vắng, không có một bóng người. Thị trấn Pháp nằm sau nhà ga im lặng và đen tối.
Mosca đi trở lại chỗ chàng ngồi. Đám bạn hữu của Gerald xúm quanh chỗ ông ta nằm và đang trấn an ông ta. Ông Gerald nói bằng một giọng bực bội như sốt ruột:
— Tôi biết, tôi biết…, tại sao nó lại làm thế chứ, sao nó lại hung hãn kỳ cục vậy?
Khi viên Trung úy trở lại và báo tin là sẽ có xe cứu thương chờ ở Frankfort, ông Gerald nói:
— Ông Trung úy nên tin tôi, thật là tôi chẳng làm gì để khiêu khích nó hết. Ông hỏi các ông đây thì biết, tôi không làm gì, không làm gì hết để nó phải đâm tôi.
— Nó điên đấy mà, - viên Trung úy nói. - Ông còn may mắn nhiều lắm đó, tôi biết thằng Mulrooney. Nó đâm như thế là nó định đâm vào “thằng nhỏ” của ông kia đấy…
Vì một nguyên nhân nào đó câu nói này làm cho mọi người cười ồ, như là ý định ghê gớm của kẻ hành hung làm cho sự kiện này thêm hào hứng, làm cho vết thương trên đùi ông Gerald thêm quan trọng. Viên Trung úy nói thêm trước khi trở về với toán lính dưới quyền:
— Ông giúp tôi một cơ hội tốt đấy. Tôi đã có ý thanh toán thằng điên ấy từ ngày nó đến trung đội tôi. Bây giờ thì yên trí rồi, nó sẽ được giữ yên đâu đó trong một hai năm.
Mosca không thể ngủ được. Con tàu lại chạy và chàng lại đi tới bên cửa, đứng dựa vai vào thành cửa nhìn ra cánh đồng đen dày bóng tối chạy dài bên tàu. Chàng nhớ lại những cảnh gần giống cảnh này, chạy chậm hơn khi chàng ngồi trong lòng những chiếc quân xa, những xe bọc sắt, khi chàng đi bộ, khi chàng bò lê bụng trên mặt đất. Chàng đã tin chắc rằng sẽ không còn bao giờ, không còn bao giờ trong đời, chàng còn nhìn lại thấy cảnh này, và chàng lại thắc mắc đến chuyện vì sao tất cả mọi chuyện trong đời chàng lại trở nên tồi tàn, khốn nạn như thế. Trong một thời gian dài, thật dài, chàng đã ước mơ được trở về quê hương, trở về nhà, và chàng đã trở về nhà nhưng giờ đây chàng lại bỏ nhà ra đi. Trong toa tàu đầy bóng tối chàng hồi tưởng lại đêm đầu tiên chàng về nhà.
Tờ bìa trắng lớn như tờ báo dán trên cánh cửa nhà chàng có viết hàng chữ “Chào mừng Walter về nhà” và Mosca nhìn thấy vài tờ giấy khác giống như thế, trên đề những cái tên khác, dán trên những gian phòng khác trong tầng lầu này. Vật đầu tiên mà chàng nhìn thấy khi chàng bước chân vào phòng là bức ảnh của chính chàng chụp trước ngày chàng xuống tàu vượt đại dương. Rồi mẹ chàng và Gloria đến ôm lấy chàng, và Alf bắt tay chàng.
Họ đều đứng xa nhau, lúc đó có một lúc im lặng ngắn trong đó mọi con người đều tự cảm thấy vụng về.
— Con già đi nhiều, - mẹ chàng nói, mọi người đều cười. - Không, mẹ muốn nói là con già đi ba tuổi.
— Anh ấy không thay đổi, - Gloria nói. - Anh ấy chẳng thay đổi chút nào.
— Người hùng đã trở về, - Alf nói. - Coi này, bao nhiêu là dây biểu chương. Chắc chú có hành động gì can đảm lắm phải không Walter?
— Cũng thường thôi, - Walter nói, - gần như tất cả những cô nữ trợ tá nào cũng được huy chương này.
Chàng cởi chiếc áo trận ra và mẹ chàng đỡ lấy áo. Alf đi vào bếp và trở ra, bưng một khay rượu.
— Trời đất, - Walter nói với vẻ ngạc nhiên. - Anh bị mất một chân kia mà.
Chàng đã gần như quên khuấy bức thư mẹ chàng viết cho chàng về tai nạn của Alf. Nhưng ông anh chàng rõ ràng là chờ đợi giây phút này. Ông kéo ống quần lên.
— Trông hay lắm, - Mosca nói. - Anh còn may mắn nhiều lắm đó.
— Chẳng sao, - Alf nói. - Tôi còn muốn tôi có cả hai chân đều là chân giả như thế này. Khỏi phải lo chân to, chân nhỏ, khỏi phải cắt móng chân. Đỡ rắc rối.
— Đúng. - Mosca nói. Chàng đặt nhẹ tay lên vai ông anh, môi nở nụ cười.
— Alf đi chân giả hôm nay vì anh đấy, - mẹ chàng nói. - Ở nhà ít khi anh ấy chịu mang nó dẫu rằng anh ấy biết mẹ không thích anh ấy không mang nó.
Alf nâng ly rượu:
— Uống mừng người hùng trở về, - anh nói rồi với nụ cười, anh quay lại Gloria. - Uống mừng người thiếu nữ từ bao lâu vẫn một lòng chờ người hùng trở về.
— Uống mừng gia đình ta. - Gloria nói.
— Uống mừng các con của mẹ, - bà mẹ chàng âu yếm nói. Cái nhìn yêu thương của bà bao gồm cả Gloria.
Mọi người đều nhìn Mosca chờ đợi.
— Cho phép tôi uống ly rượu này, rồi tôi mới nghĩ ra được nên uống mừng cái gì.
Họ cười và cùng uống.
— Bây giờ ta ăn. - Mẹ chàng nói. - Alf giúp mẹ đặt bàn.
Bà và Alf đi vào bếp.
Mosca ngồi và lòng một chiếc ghế bành êm ái:
— Một chuyến đi dài, thật dài, - chàng nói.
Gloria đi đến cầm chiếc ảnh của Mosca để trên mặt tủ. Quay lưng về phía chàng, nàng nói:
— Tuần nào em cũng đến đây để ngắm bức ảnh này. Em giúp mẹ anh nấu ăn bữa tối, em ăn ở đây, rồi sau bữa ăn em ngồi đây với bà ngắm ảnh và nói chuyện về anh. Tuần nào cũng vậy trong ba năm, như người đến thăm nghĩa trang. Bây giờ anh trở về, bức ảnh này chẳng còn giống anh chút nào.
Mosca đứng dậy đi đến cạnh Gloria. Đặt tay lên vai nàng chàng nhìn lên bức ảnh, lòng tự hỏi không biết vì sao nó lại làm cho chàng khó chịu.
Trong hình, đầu chàng ngửa về phía sau để cười, khi chụp bức hình này, rõ ràng là chàng đã cố ý đứng để cho những đường kẻ đen và trắng hợp thành huy hiệu của sư đoàn của chàng được thấy rõ. Khuôn mặt trẻ trung đầy những nét vô tư, hồn nhiên, trung hậu. Bộ quân phục thật vừa vặn. Đứng đó dưới ánh nắng của mặt trời miền Nam, chàng là một chú lính điển hình đứng chụp ảnh để gửi về cho một gia đình yêu thương và mến mộ.
— Cái cười trông thật khả ố, - Mosca nói.
— Đừng nói thế. Trong từng ấy năm trời, cả nhà chỉ có bức hình này của anh. - Nàng im lặng một lát rồi nói tiếp, - Walter, mẹ anh với em đã khóc trước bức ảnh này không biết bao nhiêu lần, những lần anh lâu không viết thư về, mỗi lần ở nhà nghe tin đồn về một chiến hạm bị đánh chìm hay về một trận đánh lớn. Trong ngày đổ bộ, em với mẹ không đi nhà thờ. Mẹ anh ngồi trên ghế này còn em ngồi cạnh máy phát thanh. Ngồi suốt cả ngày như thế. Em nghỉ đi làm. Em luôn tay vặn nút bắt những đài khác nhau, đài này vừa đọc bản tin xong là em tìm ngay đài khác, dù em biết rằng tất cả các đài đều chỉ đọc một bản tin giống nhau. Mẹ anh ngồi đây, tay cầm khăn mùi soa, nhưng bà cụ không khóc. Đêm ấy em ngủ lại đây, em ngủ trong phòng anh, trong giường anh, em mang hình anh vào phòng với em, em mơ thấy không bao giờ em còn gặp lại anh nữa. Và bây giờ anh trở về, Walter Mosca, anh trở về bằng xương bằng thịt, em chẳng thấy anh giống với anh trong hình này chút nào. - Nàng cố cười trong nước mắt.
Mosca cảm thấy bối rối. Chàng âu yếm hôn Gloria.
— Ba năm là một thời gian dài, - chàng nói. Và chàng nghĩ. Trong ngày đổ bộ mình ở trong một thị trấn ở nước Anh và mình uống say khướt, mình cho một chị tóc vàng uống rượu mạnh đầu tiên trong đời chị và lần nằm với đàn ông thứ nhất trong đời chị. Hôm ấy mình ăn mừng ngày đổ bộ nhưng mình mừng chính là không phải tham dự vào cuộc đổ bộ đó. Chàng cảm thấy ý muốn mạnh mẽ nói cho Gloria sự thực, nhưng chàng chỉ nói: - Anh không thích bức ảnh này! Hai nữa, lúc anh mới vào đây, em nói rằng anh chẳng thay đổi gì cả.
— Thật là kỳ! - Gloria nói, - khi anh mới bước vào cửa, em thấy anh giống hệt như trong ảnh này. Nhưng sau khi em nhìn anh kỹ hơn em thấy như cả khuôn mặt anh đã thay đổi.
Tiếng bà mẹ chàng gọi vang lên từ trong bếp, chàng và nàng sang phòng ăn.
Những món ăn mà Mosca thích đều có trên bàn, thịt bò chiên khoai, rau sà lát non và một đĩa pho mát vàng. Khăn bàn trắng như tuyết và khi chàng ăn xong chàng mới nhận thấy chiếc khăn ăn của chàng còn gấp nguyên vuông vắn nằm trong tay chàng, bữa ăn ngon nhưng không ngon lắm như chàng hằng tưởng tượng.
— Khác nhiều với thịt bò chiên của lính chứ, Walter. - Alf hỏi.
— Tất nhiên, - Mosca đáp.
Chàng rút trong túi áo ra một điếu xì gà ngắn, to, nâu đậm và sắp bật lửa châm hút khi chàng nhận thấy mọi người đều nhìn chàng với vẻ vui vui. Chàng cười và nói:
— Bây giờ tôi là người lớn rồi.
Chàng châm lửa hút điếu xì gà và mọi người cùng cười. Những vụng về cuối cùng, cuộc trở về nhà của chàng với một bộ mặt khác hẳn, những phong thái khác hẳn, dường như đã biến mất. Sự ngạc nhiên rồi vẻ thích thú của họ khi họ thấy chàng rút điếu xì gà ra đã xoá đi hàng rào ngăn cách cuối cùng giữa chàng và họ. Tất cả đi sang phòng khách, hai người đàn bà đi hai bên, vòng tay ôm ngang mình chàng. Alf bưng cái khay trên có những ly rượu whisky và một loại rượu nhẹ hơn.
Hai người đàn bà vẫn ngồi sát cạnh Mosca, trên ghế tựa, Alf đưa cho mỗi người một ly rồi ngồi trên chiếc ghế đối diện. Cây đèn ở góc phòng toả làn ánh sáng vàng nhạt khắp phòng và Alf nói bằng một giọng nửa hiền từ, nửa bông đùa - giọng nói anh dùng suốt trong buổi gặp gỡ này:
— Bây giờ câu chuyện của người hùng Walter Mosca bắt đầu.
Mosca uống rượu rồi nói:
— Trước hết tặng quà đã.
Chàng bước tới, mở cái túi đựng đồ thể thao vẫn còn để gần cửa lấy ra ba gói nhỏ, đưa cho mỗi người một gói. Trong lúc họ bận rộn mở gói quà tặng, chàng lại uống rượu.
— Cái gì đây? - Alf hỏi, tay đưa lên một cái ống tròn bằng bạc.
Mosca cười:
— Hộp xì gà ngon nhất thế giới, được chế tạo đặc biệt cho Herman Goering.
Gloria mở gói quà của nàng và thốt lên một tiếng xúc động pha lẫn vui sướng. Một chiếc nhẫn nằm trong lòng chiếc hộp nhung đen. Những hạt kim cương nhỏ nạm quanh một viên ngọc bích xanh sẫm. Nàng đứng dậy vòng tay ôm lấy Mosca rồi quay lại đưa chiếc nhẫn cho bà mẹ chàng xem.
Nhưng bà mẹ chàng đang chú ý đến những vòng lụa đỏ sẫm uốn chặt vào nhau mà bà đang trải ra trên sàn. Đó là một lá cờ lớn giữa có chữ thập ngoặc của Đức quốc xã. Mọi người ngây nhìn lá cờ. Đây là lần đầu tiên họ trông thấy biểu tượng của kẻ thù trong căn phòng êm ả này.
Mosca cất tiếng phá tan sự im lặng:
— Con đùa đấy thôi. Quà của mẹ đây cơ.
Chàng móc túi lấy ra một cái hộp nhỏ đưa cho mẹ. Mẹ chàng mở hộp và khi nhìn thấy những hạt kim cương trắng xanh lấp lánh bà ngước nhìn lên và cảm ơn chàng. Bà gập lá cờ lại rồi đứng lên, cầm lá cờ đã gập vuông vắn cùng túi vải thể thao của Mosca, bà nói:
— Mẹ xếp đồ vào tủ cho anh.
Gloria hỏi:
— Quà của anh cho đẹp quá. Anh mua chúng ở đâu vậy?
— Không phải mua, toàn đồ cướp được đấy. -Mosca đáp, chàng nhấn mạnh tiếng “cướp” để khôi hài và làm cho mọi người cười.
Bà mẹ chàng quay lại, tay cầm một tập ảnh dày:
— Mẹ thấy tập ảnh này trong túi anh Walter ạ. Sao anh không lấy ra cho cả nhà xem.
Bà ngồi trên ghế dài và bắt đầu xem từng tấm ảnh một. Xem xong bà chuyển cho Gloria và Alf. Mosca uống ly rượu khác trong lúc mọi người trầm trồ đối với những tấm ảnh và đặt những câu hỏi ảnh chụp ở đâu, ngày nào, năm nào. Bỗng chàng thấy mẹ tái mặt đi, nhìn chăm chú một tấm ảnh cầm trên tay. Mosca thoáng thấy sợ hãi, nghĩ đến chuyện còn một tấm ảnh tục tĩu nào đó chàng mua ở châu Âu còn sót lại trong tập ảnh này. Xong chàng đã cẩn thận lựa chúng ra và bán lại cho những người lính khác trên tàu đưa chàng về nhà. Rồi chàng thấy mẹ đưa tấm ảnh cho Gloria và chàng bực mình vì đã sợ hãi như thế.
Alf nghiêng người về phía Gloria để xem tấm ảnh. Mosca thấy ba cặp mắt hướng về chàng chờ đợi. Khi chàng nhìn bức ảnh, sự căng thẳng trong người nhẹ đi, chàng nhớ ra rồi, hôm ấy chàng đang ngồi trên một chiếc xe tăng thì vụ này xảy ra. Trong ảnh là xác người lính Đức bắn Badôka nằm co ro trên tuyết. Một người lính Mỹ đứng bên xác đó, nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh, khẩu súng đeo trễ trên vai. Trời đang đông và người lính như chìm mất trong bộ quân phục mùa đông. Tên lính Mỹ như một người đi săn vừa bắn được một dã thú, chụp ảnh trước khi kiêu hãnh mang con thú trở về.
Bà mẹ chàng xem đến những ảnh khác… Toàn là những bức ảnh chụp ở vô số những thị trấn hoang tàn, đổ nát vì bom đạn, nơi những người Đức, đàn ông, đàn bà, trẻ con, nằm dưới những đống gạch vụn như những nấm mồ không có hình thù gì và tất cả tiết ra một mùi hôi thôi nồng nặc.
Và chàng, Walter Mosca, chàng đứng chụp hình trên những bối cảnh đổ nát ấy như người chụp trong sa mạc. Chàng, kẻ chinh phục, đứng trên cảnh đổ nát đến gần như bình địa của những xưởng máy, những nhà riêng, những bộ xương người - những đống gạch vụn chạy dài như những cồn cát.
Mosca ngồi dựa lưng trên thành ghế. Chàng hút xì gà và hỏi: “Uống cà phê chứ?” Chàng nói tiếp: “Để con đi pha cho,” để mẹ chàng khỏi phải đứng dậy. Chàng đi vào bếp, Gloria đi theo chàng. Trong lúc bình cà phê reo sôi trên lửa bếp, nàng ôm ghì lấy chàng. “Anh yêu… Em yêu anh, yêu anh.”
Chàng và nàng trở lại phòng khách với bốn tách cà phê. Bây giờ đến lượt họ kể cho chàng nghe những chuyện xảy ra ở nhà. Gloria không hề đi chơi với một người bạn trai nào trong ba năm, Alf mất một chân trong một tai nạn xe hơi ở một trường huấn luyện quân đội miền Nam ra sao, bà mẹ chàng phải trở lại làm việc trong một nhà bách hoá như thế nào. Họ cũng có những cực khổ riêng của họ, nhưng cảm ơn Chúa, chiến tranh đã chấm dứt, gia đình Mosca đã bình yên qua khỏi chiến tranh, chỉ bị mất mát một cái chân. Tuy nhiên theo lời Alf nói, với những phương tiện giao thông tiến bộ như bây giờ, một cái chân cũng chả sao, điều quan trọng là cuối cùng tất cả gia đình đoàn tụ được ở đây, trong căn phòng ấm cúng này của họ.
Kẻ thù ở thật xa, kẻ thù đã bị đánh gục, kẻ thù không còn có thể làm cho họ sợ được nữa. Kẻ thù đang bị bao vây đang bị chiếm đóng, kẻ thù đang chết mòn vì đói khát, vì bệnh tật, kẻ thù không còn cả sức mạnh tinh thần lẫn vật chất, không bao giờ còn nữa, để có thể lại đe dọa họ. Và khi Mosca ngủ chợp đi trong chiếc ghê êm ái, những người yêu thương chàng, im lặng vài phút để nhìn ngắm chàng với một nỗi sung sướng tràn đầy nước mắt. Họ gần như không thể nào ngờ được rằng đã thật xa trong không gian và thời gian đến thế để rồi bằng một phép lạ nào đó, chàng trở về, chàng tìm được đường trở về bình yên không bị thương tổn chút nào.
Phải đến đêm thứ ba sau đêm trở về, Mosca mới được gần Gloria một mình. Đêm thứ hai họ đến nhà nàng, tại đây bà mẹ chàng và Alf hào hứng thảo luận với bà chị và ông bố của Gloria về những chi tiết liên quan đến đám cưới. Họ không muốn xen vào việc riêng của cặp vợ chồng sắp cưới mà chính là vì họ sung sướng và mừng vui khi thấy rằng sau cùng, mọi việc rồi cũng tốt đẹp đâu vào đấy. Họ cảm thấy có bổn phận phải lo cho chàng. Họ đi đến quyết định chung là đám cưới sẽ được cử hành càng sớm càng tốt, nhưng cũng phải chờ đến sau khi Walter tìm được việc làm chắc chắn. Mosca đồng ý với quyết định này. Và Alf làm cho chàng thực sự ngạc nhiên. Từ một người anh rụt rè, nhút nhát, Alf đã trở thành một người đàn ông tự tin, đàng hoàng, đứng đắn, chắc chắn và có trách nhiệm, Alf tỏ ra hoàn chỉnh trong vai trò chủ gia đình.
Trong đêm thứ ba ấy bà mẹ chàng và Alf đi khỏi nhà. Trước khi đi Alf cười và nói với chàng: “Coi chừng, mẹ với tôi về lúc 11 giờ.” Mẹ chàng làm hiệu giục Alf ra khỏi cửa trước, bà dặn: “Nếu anh đi chơi với Gloria, nhớ khoá cửa nhé.”
Mosca cảm thấy vui vui vì giọng nói nghi ngờ của bà, như bà nghĩ rằng việc để cho chàng và Gloria ở lại một mình trong nhà là một việc bà không nên làm, Chúa ơi, chàng nghĩ, và chàng nằm dài trên chiếc ghế.
Chàng cố gắng thoải mái nhưng thần kinh quá căng thẳng, chàng phải trở dậy rót rượu uống. Chàng đứng bên cửa sổ và mỉm cười, nghĩ đến những gì đã xảy ra giữa chàng và Gloria. Họ đã sống nhiều tối với nhau trong một căn phòng khách sạn nhỏ vài tuần trước khi chàng xuống tàu vượt đại dương, xong giờ đây chàng không nhớ rõ những chi tiết của những buổi tối ấy nữa. Chàng đi tới mở radio nghe nhạc và nhìn đồng hồ. Gần tám giờ ba mươi rồi. Cô nàng đến chậm ba mươi phút. Chàng trở lại cửa sổ nhưng bên ngoài trời quá tối để chàng có thể nhìn rõ dưới đường. Khi chàng vừa đi trở vào, có tiếng gõ cửa và Gloria bước vào phòng.
— Hêlô, Walter… - nàng vui vẻ nói, nhưng chàng thấy giọng nói của nàng hơi run.
Cởi áo ngoài, nàng bận chiếc áo choàng với vài cái cúc lớn, chiếc váy rộng xếp thành nhiều nếp.
— Sau cùng, chúng ta cũng gặp riêng nhau, - chàng nói với nụ cười và nằm dài trên ghế. - Rót rượu uống đi em.
Gloria ngồi xuống ghế và cúi xuống hôn chàng. Chàng đặt tay lên ngực nàng và họ hôn nhau thật lâu.
— Uống đã, - nàng nói và rời xa chàng.
Họ uống. Tiếng nhạc êm dịu trầm ấm phát ra từ radio, cây đèn góc phòng toả ánh sáng vàng dịu khắp phòng. Họ hút thuốc lá và khi chàng dụi mạnh, điếu thuốc cháy đỏ lên gạt tàn, nàng vẫn còn giữ nguyên điếu thuốc của nàng trên tay. Chàng gỡ điếu thuốc lá khỏi ngón tay nàng và dụi tắt.
Mosca kéo Gloria nằm xuống. Chàng cởi khuy áo nhưng Gloria ngồi dậy, nàng đặt tay lên giữ bàn tay chàng.
— Em không muốn tiến thêm. - Gloria nói.
Câu nói của những cô gái mà Mosca cho là “ngây thơ” này làm cho chàng bực bội. Chàng kéo nàng nằm xuống với sự cấp bách và táo tợn hơn, nhưng nàng đứng dậy xa chàng.
— Em nói thật mà, - nàng nói.
— Làm cái gì quan trọng vậy? - Mosca bực dọc hỏi, - hai tuần trước khi anh đi chúng mình đã đi tới nơi, tới chốn rồi. Bây giờ thì có gì khác?
— Em biết, - Gloria âu yếm cười với chàng, như để xoa dịu cơn bực dọc của chàng, nhưng nụ cười của nàng chỉ càng làm cho chàng thêm bực bội. - Em biết, nhưng ngày ấy khác. Ngày ấy anh sắp ra đi và em yêu anh. Nếu bây giờ em chịu làm theo ý anh thì anh sẽ khinh em. Đừng giận em, Wlater, em đã nói với chị Emmy về chuyện này. Khi trở về, anh thay đổi khác lạ quá đi làm cho em bắt buộc phải nói chuyện về anh với một người khác. Chị Emmy và em cùng đồng ý rằng việc tốt nhất là không nên.
Mosca châm điếu thuốc lá nói:
— Chị em ngu lắm.
— Đừng nói thế, Wlater. Em không để anh làm theo ý anh là vì em yêu anh.
Mosca sặc rượu khi nghe nàng nói câu đó, chàng cố gắng để giữ khỏi cười phá lên.
— Này em, - chàng nói, - Nếu chúng mình không ăn nằm với nhau trong hai tuần anh sắp đi ấy, nói thật với em rằng anh đã chẳng nhớ gì đến em, anh đã chẳng viết thư cho em. Không có hai tuần đó, em chẳng là cái gì với anh hết.
Chàng thấy mặt nàng đỏ lên. Nàng đi tới ngồi xuống ghế trước mặt chàng.
— Em yêu anh trước khi chúng ta làm việc ấy, - nàng nói.
Chàng nhìn thấy vành môi run run, chàng ném bao thuốc lá sang cho nàng và quay lại với ly rượu. Cơn thèm khát đã tắt và chàng thấy thoải mái. Tại sao vậy, chàng không biết. Chàng biết chắc rằng nếu chàng nói thêm hoặc đe dọa Gloria nàng sẽ làm theo ý chàng muốn. Chàng có thể nói: “Em phải chịu, không thì thôi…” chắc chắn nàng sẽ phục tùng. Chàng biết là chàng đã tiến tới quá nhanh và chỉ cần một chút kiên nhẫn, một chút tế nhị thôi là mọi việc xảy ra trong buổi tối này sẽ đúng như ý chàng muốn. Nhưng chàng ngạc nhiên khi thấy chàng không muốn làm cả đôi chút kiên nhẫn và tế nhị ấy. Chàng đã hết muốn hoàn toàn.
— Được rồi. Lại đây em.
Nàng ngoan ngoãn đến ngay.
— Anh không giận em chứ? - Nàng hỏi nhỏ.
Chàng hôn nàng và cười:
— Không, không sao, không có gì quan trọng. - Chàng nói, và sự thực đúng như thế.
Gloria đặt tay lên ngực chàng:
— Chúng mình nên ngồi như thế này nói chuyện trong đêm nay. Anh với em chưa lần nào được nói chuyên riêng với nhau kể từ ngày anh về.
Mosca đứng lên, chàng lấy chiếc áo choàng của nàng đưa cho nàng.
— Chúng ta đi xem xi nê. - Chàng nói cộc lốc.
— Em muốn ngồi đây nói chuyện.
Mosca nói với một giọng cố ý tàn nhẫn:
— Hoặc đi xem xi nê, hoặc là nằm xuống.
Nàng đứng lên, mắt nhìn thẳng về phía mắt chàng:
— Anh không cần phải không?
— Đúng thế.
Chàng chờ đợi nàng mặc áo và ra khỏi nhà một mình. Nhưng nàng chờ đợi chàng với vẻ nhẫn nhục trong lúc chàng thắt ca vát. Họ đi đến rạp xi nê.
Một tháng sau, vào buổi trưa, khi Mosca trở về, chàng thấy Alf, mẹ chàng và Emmy - bà chị của Gloria, ngồi uống cà phê trong bếp.
— Con uống cà phê không? - Bà mẹ chàng nói.
— Uống chứ ạ, để con rửa mặt trước đã.
Mosca đi vào phòng tắm, chàng nhe răng cười nhạo với bóng chàng trong gương trên bồn rửa mặt, rồi chàng đi trở vào bếp.
Họ uống cà phê, rồi Emmy công kích ngay:
— Anh đối xử với Gloria không tốt. Nó chờ anh trong ba năm, nó không đi chơi với một người bạn trai nào, vì anh nó mất bao nhiêu là cơ hội.
— Cơ hội để làm cái gì? - Mosca hỏi. Rồi chàng cười. - Chúng tôi vẫn vui vẻ với nhau mà. Phải có thời gian chứ!
Emmy nói:
— Anh có hẹn với nó tối qua, nhưng anh vẫn không thèm đến. Anh đi suốt đêm cho tới giờ này mới về. Như vậy mà anh cho là anh phải ư?
Bà mẹ chàng thấy chàng bắt đầu cáu giận, bà nói giàn hoà:
— Gloria đến đây chờ anh mãi cho đến hai giờ sáng. Có việc gì bận, anh cũng nên gọi điện thoại về nhà mới phải.
— Chúng tôi biết đêm qua anh bận làm việc gì, - Emmy nói. - Anh bỏ rơi một người con gái chờ anh trong ba năm để đi với một chị đàn bà không ai thèm giao du ngay trong khu phố này. Nói cho anh biết người đàn bà đó đã ba lần phá thai…
Mosca nhún vai:
— Tôi đâu có thể đêm nào cũng gặp cô em của chị.
— Phải rồi, bây giờ anh là người quan trọng quá mà.
Mosca ngạc nhiên khi thấy người đàn bà này thực sự thù ghét chàng. Chàng nhắc cho nàng nhớ lại:
— Chị quên à? Có người nhất định đòi tôi phải có việc làm mới cho chúng tôi kết hôn.
— Tôi không cần biết anh sẽ làm gì. Nếu anh không muốn lấy vợ, anh hãy nói thẳng với Gloria. Đừng sợ, thiếu gì người muốn lấy nó.
Alf cất tiếng:
— Emmy, chị đừng nói thế. Walter muốn lấy Gloria. Chúng ta phải tỏ ra biết điều mới được. Walter chưa quen với đời sống này, nhưng rồi sẽ quen. Chúng ta có bổn phận phải giúp cả Gloria lẫn Walter.
Emmy cười mũi và ngạo mạn:
— Nếu Gloria đêm nào cũng chịu ngủ với người hùng thì mọi việc đâu vào đấy cả. Nếu nó làm thế, anh sẽ phục hồi được nếp sống cũ, phải không Walter?
— Kỳ quá, mỗi người nói một câu, rồi chẳng ra làm sao cả, - Alf lắc đầu. - Chúng ta nên nói đến những vấn đề chính mà thôi. Emmy, chị giận vì Walter lăng nhăng với một cô mà không chịu che dấu gì cả, việc mà đáng lẽ ra nó phải làm. Chị giận như vậy là đúng. Còn Gloria thì vì quá yêu Walter nên để cho Walter lên mặt. Tôi nghĩ điều hay nhất là chúng ta quyết định làm đám cưới.
— Để rồi em gái tôi phải vất vả đi làm suốt ngày trong khi chồng nó nằm dài với những con điếm như việc hắn làm ở bên Đức ư?
Mosca nhìn mẹ chàng, nhưng bà cúi mắt nhìn xuống. Im lặng vài giây rồi Emmy thản nhiên tiếp:
— Đúng vậy, mẹ anh nói cho Gloria biết về những lá thư người con gái Đức ấy gửi cho anh. Walter, tôi thấy rằng anh nên xấu hổ mới phải.
— Những lá thư đó chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả. - Mosca nói. Chàng nhìn thấy nét vui mừng lộ rõ trên mặt cả ba người ngồi quanh chàng.
— Walter sẽ có việc làm, - mẹ chàng nói bằng một giọng tin tưởng. - Vợ chồng mới sẽ ở tạm đây cho đến lúc tìm được nhà.
Mosca chậm rãi uống cà phê. Có một lúc chàng đã nổi giận nhưng bây giờ chàng chỉ còn muốn mau mau ra khỏi căn nhà bếp này, đi xa những người này. Chàng đã ngồi bàn cãi vớ vẩn với họ khá lâu.
— Nhưng anh ấy phải thôi không được đi lại với bọn đàn bà rẻ tiền ấy nữa. - Emmy nói.
Mosca lạnh lùng nói nhẹ:
— Có điều quan trọng nhất mà các vị quên là tôi chưa định ngày cưới. Tôi chưa sẵn sàng để kết hôn.
— Cái gì? Anh nói cái gì? - Emmy như gào lên. Nàng giận đến nỗi nàng không còn nói được nữa.
Mosca bồi thêm:
— Đừng ai khoe với tôi cái thành tích ba năm chờ đợi ấy nữa. Trong ba năm, nó ngủ với một trăm thằng hay nó không ngủ với thằng nào cả thì can hệ gì đến tôi? Thế chị tưởng rằng việc đó làm cho tôi lo lắng suốt đêm không ngủ trong thời gian tôi xa nó chăng? Vừa thôi, cái của nó có trở thành vàng, thành ngọc vì không dùng đến đâu. Tôi còn nhiều chuyện khác phải làm hơn là nghĩ về cái đó của nó.
— Walter, sao con lại nói thế. - Mẹ chàng nói.
— Tôi bực lắm. - Mosca nói.
Bà mẹ chàng đứng dậy đi đến bên lò bếp, chàng biết bà đang khóc.
Bỗng dưng chàng thấy Emmy, rồi mẹ chàng đứng hai bên cạnh Alf, và Alf đứng vịn tay vào mép bàn, giận dữ nói lớn:
— Walter… mày quá lắm rồi…
Emmy nói tiếp bằng một giọng khinh bỉ:
— Mấy người chiều hắn quá, để rồi hắn chẳng còn coi ai ra gì.
Chàng chẳng còn chuyện gì để nói với họ ngoài sự thật.
— Thôi đi, tôi không cần các người, - chàng nói.
Rồi chàng đứng dậy để ra đi nhưng Alf, tay vẫn nắm lấy mép bàn, đứng chặn trước mặt chàng:
— Walter… Mày quá lắm. Xin lỗi, má và chị Emmy. Xin lỗi, mày nghe tao nói không? Xin lỗi!!!
Mosca đẩy anh ra và chàng nhớ lại quá chậm rằng ông anh chàng chỉ còn có một chân. Alf ngã ngửa đầu đập xuống sàn. Hai người đàn bà rú lên. Mosca vội vã cúi xuống nâng anh ngồi dậy.
— Anh có làm sao không?
Alf không nói gì, anh chỉ đưa tay lên ôm đầu và ngồi trên sàn. Mosca ra khỏi nhà. Chàng nhớ mãi hình ảnh mẹ chàng đứng khóc, hai bàn tay vặn vào nhau.
Lần cuối cùng chàng về nhà, Mosca thấy mẹ ngồi đợi chàng - suốt ngày đó bà không ra khỏi nhà.
— Gloria gọi giây nói đến mấy lần, - bà nói.
Mosca gật đầu tỏ ra chàng đã biết.
Mẹ chàng rụt rè hỏi:
— Anh về lấy đồ à?
— Dạ, - chàng đáp.
— Để mẹ xếp quần áo giúp anh chớ?
Chàng lắc đầu:
— Đừng mẹ.
Chàng đi vào phòng ngủ của chàng và lấy ra hai chiếc vali mới mua đặt lên giường. Chàng gắn một điếu thuốc lá lên môi rồi lục túi tìm diêm, không thấy, chàng đi vào bếp lấy lửa.
Mẹ chàng vẫn ngồi trên chiếc ghế bà ngồi khi chàng về. Tay bà vò chiếc khăn tay và bà lặng lẽ khóc.
Chàng lấy hộp diêm trên bếp và lặng yên đi ra.
— Sao con lại đối xử với mẹ như thế? - Mẹ chàng bỗng hỏi. - Mẹ đã làm gì?
Chàng không cảm thấy một chút thương hại nào, những giọt nước mắt của bà cũng chẳng làm sao cho chàng mảy may cảm động, nhưng chàng không muốn phải chứng kiến những cảnh than khóc kích động. Vì vậy chàng cố gắng nói thật bình thản để khỏi lộ ra những âm thanh bực bội.
— Mẹ không làm gì con cả. Con chỉ lại ra đi. Việc này không liên can gì đến mẹ.
— Sao con luôn luôn nói với mẹ như mẹ là một người hoàn toàn xa lạ với con vậy?
Câu nói này của bà làm chàng cảm động, nhưng chàng vẫn không thể làm được một cử chỉ biểu lộ sự trìu mến.
— Con nóng ruột muốn đi cho xong, - chàng nói. - Nếu mẹ không có việc gì bận mẹ giúp con bỏ quần áo vào vali vậy.
Bà theo chàng vào phòng, bà gấp lại cẩn thận những bộ quần áo để sẵn trên giường để chàng cho vào vali.
— Con có cần thuốc lá không? - Mẹ chàng hỏi.
— Không, mẹ ạ. Trên tàu thiếu gì thuốc lá. - Chàng không muốn bà cụ phải cho chàng bất cứ vật gì.
— Thuốc trên tàu chắc không ngon được bằng thuốc ở đây. Để mẹ mua cho anh vài bao. - Bà cụ vừa lau nước mắt vừa đi vội ra khỏi phòng.
Mosca ngồi xuống giường và nhìn lên bức hình Gloria treo trên vách. Chàng chẳng thấy qua một chút xúc động nào. Chuyện chẳng ra làm sao, chàng nghĩ. Thật là bậy. Rồi chàng nghĩ đến chuyện mẹ chàng, Alf, Gloria, tất cả những người ở đây, đã tỏ ra kiên nhẫn với chàng biết nhường nào. Chàng nhận thấy họ đã cố gắng hết sức trong khi chàng chẳng có một chút cố gắng nào hết, dù chỉ một chút cố gắng thật nhỏ. Chàng cố tìm một lời nào đó chàng có thể nói với mẹ chàng, để bà hiểu rằng bà chẳng thể nào làm gì để giúp chàng, rằng những hành động của chàng bắt nguồn từ những động lực khác mà bà lẫn chàng đều không thấy được.
Tiếng chuông điện thoại reo trong phòng khách. Chàng đi đến nhấc máy, tiếng nói của Gloria, thản nhiên nhưng vẫn thân mật, vang lên bên tai chàng:
— Em được tin sáng mai anh đi. Em nên đến nhà từ biệt anh hay em có thể nói từ biệt anh qua điện thoại?
— Tuỳ em, - Mosca đáp, - nhưng đêm nay anh đi khỏi nhà lúc 9 giờ.
— Em sẽ đến trước 9 giờ, - nàng nói. - Anh đừng ngại, em chỉ đến để từ biệt anh.
Chàng biết là nàng nói thật, nàng không còn yêu chàng nữa, nàng không còn lo âu gì về chàng, chàng đã trở thành một người đàn ông nào khác với người thanh niên nàng đã yêu trong ba năm, và tối nay nàng chỉ muốn gặp chàng để nói lời từ biệt như hai người bạn chia tay nhau, nàng chỉ đến với đôi chút tò mò.
Khi mẹ chàng về, chàng đã quyết định xong.
— Mẹ, - chàng nói. - Con đi ngay bây giờ. Gloria vừa gọi đến. Nàng sẽ đến đây tối nay để từ biệt con nhưng con không muốn gặp nàng.
— Con đi ngay bây giờ ư?
— Vâng.
— Con nên ngủ đêm cuối cùng ở nhà này chứ? Alf sắp đi làm về. Ít nhất con cũng chờ anh con về để chia tay với anh con.
— Cho con đi, - chàng nói. Và chàng hôn lên hai má bà.
— Khoan đã, - bà cụ vội vã nói, - con quên cái túi vải.
Cũng như những lần trước đây, khi chàng còn đi học, và đi tập thể thao, đi đánh bóng rổ, và lần sau cùng, chàng rời nhà để đi vào quân đội, bà cụ lấy cái túi vải xanh đựng đồ đi tập của chàng và bỏ vào đó tất cả những gì bà nghĩ rằng chàng cần đến. Chỉ có khác là lần này bà bỏ vào chiếc quần cộc viền sa tanh, bộ quần áo lót mới, chiếc khăn tắm, đôi giày vải, đôi bít tất, mấy bộ quần áo lót còn nguyên bao ny lông buộc bộ dạo cạo râu, xà phòng cạo râu, xà phòng tắm. Rồi lấy sợi dây quai túi vào tay cầm chiếc vali.
Bà thở dài:
— Mẹ không biết rồi người ta sẽ nói những gì về nhà ta sau khi con đi. Chắc họ sẽ nói là lỗi tại mẹ vì mẹ không biết cách làm cho con sung sướng. Sau khi con làm khổ Gloria đến như thế, mẹ nghĩ ít ra con cũng nên ở lại chờ nàng đến tối nay, từ biệt nàng, để cho nàng khỏi buồn.
— Mẹ, - chàng nói. - Cuộc sống khó khăn với tất cả mọi người… - Chàng hôn bà một lần nữa nhưng trước khi chàng kịp xách hai cái vali ra khỏi cửa, bà cụ nắm lấy cánh tay chàng.
— Có phải con trở về nước Đức vì người con gái ấy không? - Bà cụ hỏi chàng và Mosca thấy rằng nếu chàng trả lời là phải, lòng tự ái của mẹ chàng sẽ được ve vuốt, bà cụ sẽ đỡ khổ sở, vì ít nhất bà cụ cũng có quyền nghĩ rằng con bà bỏ đi vì yêu. Đó là quyền của đứa con trai khi nó yêu, khi nó trở thành đàn ông, ít nhất việc nó ra đi cũng không phải là lỗi tại bà. Xong chàng vẫn không thể nói dối.
— Con không nghĩ là con trở lại vì người con gái ấy, - chàng đáp. - Giờ này có thể nàng đã có vài chú lính khác rồi.
Khi nói ra sự thực ấy, chàng ngạc nhiên khi thấy lời chàng nói giả dối quá đi, như chàng cố ý nói như thế để làm cho mẹ chàng đau đớn thêm.
Mẹ chàng hôn chàng và buông cho chàng đi. Xuống đến phố, chàng nhìn lên và nhìn thấy bà cụ đứng sau cửa sổ, chiếc khăn tay đưa lên mắt. Chàng đặt chiếc vali xuống vỉa hè để vẫy tay chào bà lần cuối nhưng khi chàng ngửng lên, bà cụ không còn đứng đấy nữa. Sợ rằng bà cụ sẽ theo xuống và khóc lóc ở ngoài phố, chàng xách vali bước vội ra phố chính, nơi chàng có thể đón được tắc xi dễ dàng.
Nhưng thực ra mẹ chàng đang ngồi trong chiếc ghế bành, bà đang khóc, khóc vì xấu hổ, vì buồn rầu, vì đau đớn. Tự thâm tâm, bà cụ biết rằng nếu anh con trai mình chết ở một bãi biển xa xôi nào đó, nằm trong lòng đất một xứ lạ, chiếc thập tự trắng cắm trên mồ, nằm lẫn với cả ngàn người khác, nỗi đau buồn của bà chắc chắn sẽ lớn hơn. Nhưng trong nỗi buồn đau ấy sẽ không có niềm tủi hổ, và với thời gian qua, nỗi đau ấy sẽ dịu đi, mỗi lần nghĩ tới con, bà cụ sẽ cảm thấy kiêu hãnh.
Bà sẽ không buồn khổ như ngày nay khi biết rằng lần này con mình đi là đi mãi suốt đời nó. Và nếu nó chết, bà sẽ không bao giờ được khóc trên xác con, không được chôn con, không được mang hoa đến mồ con.
Trên chuyến tàu đưa chàng trở về đất địch, Mosca lơ mơ ngủ, người chàng lắc lư theo nhịp tàu chạy. Nửa thức, nửa ngủ, chàng đi trở về chỗ để hành lý và nằm dài trên ghế, đầu gối lên cái túi vải xanh đã theo chàng cả hơn mười năm nay. Nằm đó, chàng nghe tiếng rên của người bị thương, tiếng hàm răng y đập lập cập vào nhau vì lạnh. Mosca trở dậy đi tới phần toa tàu của những người lính. Gần như tất cả đều ngủ, những ánh sáng của mấy cây nến vẫn chập chờn. Mulrooney, nằm co quắp trên ghế, ngáy ròn. Hai chú lính ngồi gần đó, hai cây súng đặt bên cạnh, đang đánh bài và chia nhau uống một chai rượu nhỏ.
— Cho tôi mượn cái mền đắp cho người bị thương. - Mosca nói. - Hắn lạnh.
Một chú lính ném cho chàng cái mền.
— Cảm ơn. - Mosca nói.
Chú lính nhún vai:
— Không có gì. Tôi phải thức để canh thằng chó đẻ này.
Mosca nhìn xuống bộ mặt đang ngủ say của Mulrooney. Bộ mặt đó vô hồn. Bỗng đôi mắt gã từ từ mở và nhìn thẳng vào mặt chàng, như cặp mắt của loài dã thú. Trong khoảnh khắc thời gian trước khi đôi mắt gã nhắm lại, Mosca cảm thấy như ánh mắt, đó rất quen thuộc với chàng, và chàng nghĩ: Mày khổ rồi, đồ khốn nạn.
Chàng đi trở lại và phủ cái mền lên người ông Gerald. Lát sau, nằm dài trên ghế, chàng ngủ ngay và không mộng mị cho đến lúc con tàu đến Frankfort và có người lay mạnh đánh thức chàng.