Books can be dangerous. The best ones should be labeled "This could change your life."

Helen Exley

 
 
 
 
 
Tác giả: Thuỳ An
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1386 / 9
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 -
ôi đang một mình trong khoảng vườn rộng, nắng lên cao soi những đốm trắng nhảy múa chung quanh. Thảm cỏ mềm, xanh biếc còn lấm tấm những hạt sương mai, mơn man bàn chân trần của tôi lành lạnh... Đã xong bài thể dục buổi sáng, tôi chậm rãi xỏ chân vào đôi dép xốp màu hồng rồi đi về phía chiếc ghế mây đặt dưới giàn thiên lý xanh tươi. Tôi dựa hẳn mình vào ghế, ngước lên nhìn bầu trời xanh thấp thoáng sau những chùm hoa non. Một ngày đẹp lại bắt đầu với bao ước mơ thầm kín, những nao nức gặp lại bạn bè sau một thời gian nghỉ Tết. Không biết Minh Châu về Mỹ Tho ăn Tết lên chưa? Cả Tuấn nữa, hôm mồng hai có đến nhà chơi một lát rồi đi biệt cho mãi đến hôm nay, chắc là anh chàng lại đi du lịch đâu đó rồi. Trường mình nghỉ Tết thiệt sớm và vào học lại rất trễ, thật đúng là "nghệ sĩ lang thang".
Sau ngày thi chuyên môn là chả thấy tăm hơi đứa nào cả, mặc dù các thầy cô bên phân hiệu Văn Hóa la hét khản cổ, bắt phải đi học cho đến ngày 25 Tết. Nhưng một khi đã thi xong các môn thì tất cả học sinh đều biến thành mây khói, biết "mô" mà tìm!
Một đám mây bay qua làm khu vườn trở nên râm mát. Tôi nhìn xuống thảm cỏ xanh, đã mất rồi những đốm sáng lung inh óng ả, những đọt lá nhung mềm vươn lên uống giòng không khí trong lành buổi sáng, lay động nhè nhẹ làn gió hiền thoảng qua mơn man. Tôi duỗi thẳng hai chân lên chiếc bàn mây, những hạt nắng ljia xuất hiện trên nền đất, leo lên bàn, chạm nhẹ vào da thịt làm cho những ngón chân tôi trở nên hồng hào. Mới hôm qua đây, chị Hai đã bảo tôi:
--Dạo này trông cô xanh lắm, sao cô chả chịu ăn gì hết vậy?
Tôi đưa bàn tay lên xem, cổ tay tôi đã gầy guộc hẳn đi và mu bàn tay thì đầy những gân xanh. Quả tôi đã ốm đi thật, tôi đã mất ăn mất ngủ kể từ ngày vết rạn nứt trong gia đình tôi đã lan rộng đến vô phương hàn gắn, từ một đêm nào tỉnh giấc nghe ba má cãi nhau ở phòng bên:
--Tôi muốn ly dị, tôi không thể nào chịu nổi một người chồng trụy lạc và sa đọa...
--Càng tốt, tôi cũng đã chán cô lắm rồi, thứ đàn bà ăn chơi hưởng thụ...
Hai người ngày xưa đã từng yêu nhau tha thiết, đã từng tranh đấu vượt qua bao trở ngại mới lấy được nhau. Vậy mà giờ đây, họ đang ngồi đối diện trong một căn phòng cực kỳ tráng lệ, đầy đủ tiện nghi, nhưng không phải để nhìn nhau âu yếm, để thì thầm những lời ân cần dịu ngọt mà họ đang phóng vào mắt nhau những tia lửa hận thù, họ đang vạch trần nhau những thói hư tật xấu. Ôi, không còn cảnh nào mỉa mai chua xót hơn!
Bây giờ má đã dọn về Thủ Đức ở với ông bà ngoại. Lá đơn ly hôn đã gởi lên tòa án không biết đến bao giờ người ta mới xử? Một tháng, hai tháng, một năm, hai năm đối với tôi không thành vấn đề, chỉ biết từ bây giờ tôi là đứa con gái bất hạnh nhất trong đời. Có nhiều lúc tôi tự hỏi, giàu sang đã là sung sướng chưa? Ôi, chưa bao giờ tôi thấy nuối tiếc những ngày tháng chật vật mà đầy hạnh phúc như bấy giờ. Thuở đó, tôi chưa ra đời nhưng nghe người lớn kể lại, hồi ba má mới cưới nhau, hai người đều là sinh viên Đại Học Sư Phạm mới ra trường, may mắn được công tác tại thành phố, đó là điểm thuận lợi nhất để họ đi đến hôn nhân. Tuy vậy, dù được hai bên nội ngoại giúp đỡ, nhưng với đồng lương ít ỏi, ba má vẫn không thuê nổi một căn nhà, phải về tá túc bên ngoại. Nhà của ngoại không rộng lắm nhưng được mảnh vườn tuyệt diệu, bốn mùa cây trái xanh tươi. Hàng ngày trên chiếc mobylette cà tàng, ba đã chở má về thành phố dạy học, họ yêu đời và ríu rít bên nhau như đôi cánh uyên ương. Tôi đã ra đời giữa áng mây bồng bềnh hạnh phúc đó, khi mùi hương hoa bưởi dịu dàng thoảng đưa vào khung cửa và chim chóc trong vườn theo nhau về mở hội, cùng hòa tấu bản giao hưởng "Mùa Xuân" rộn ràng để chào đón tôi. Tôi lớn lên trong vườn nhà ngoại bằng sữa ngọt của má, trái thơm của bà và tình cảm dạt dào của những người thân. Luôn luôn, bên cạnh tôi đều có mặt ba má, trong hồi ức ấu thơ. Hình ảnh rõ nét nhất là mỗi chiều, ba má dẫn tôi đi dạo quanh vườn xem hoa nở, hoa lựu đỏ thắm, hoa mận trắng ngần và những lần nhãn ra hoa, hương thơm sực nức một vùng đã làm tâm hồn tôi ngây ngất men say. Và từ đó, lòng yêu thiên nhiên của tôi tràn dâng mãnh liệt, khi tôi lớn lên chút nữa, tôi trở thành khách hàng thường trực của vườn nhà ngoại. Ngoài hai bữa cơm, tuổi mẫu giáo của tôi quanh quẩn bên những gốc mít, gốc dừa, dưới bóng râm của tàn lá nhãn và bạn bè của tôi là những chú chim vành khuyên suốt ngày ca hót chuyền cành. Tôi yêu tiếng chim, tôi thích nghe mãi tiếng chim và có lần tôi kiên nhẫn ngồi suốt ngày trên một mô đất để bắt chước tiếng hát của chúng. Thật là kỳ diệu khi trong không gian yên ắng của buổi sáng mai vang lên giọng hót líu lo của bầy chim nhỏ, những chiếc mỏ xinh xinh chiêm chiếp ca ngợi ánh hào quang rực rỡ của vầng thái dương. Mặt trời ơi, mau xuống đây cùng chơi với tôi, này vườn nhà ngoại tôi xanh mát, này mận này dừa, này chôm chôm chín đỏ, và các bạn chim vành khuyên, chốc mào, se sẻ, chích chòe của tôi đang ca hát chào mừng ông đó! Và ông Mặt Trời đã xuống cùng với chị Gió đồng hành. Nắng soi hồng đôi má tôi và Gió thì hôn lên bờ tóc mịn. Ồ, thiên nhiên thật đẹp khi không gian tràn ngập tiếng chim.
Nói theo kiểu nhà Phật, hình như tôi có duyên nợ với âm nhạc từ một tiền kiếp nào, nên năm đầu tiên vào lớp Một, tôi đã làm cho cô giáo ngạc nhiên hết sức. Tôi thuộc lòng rất nhanh các bài hát, cả múa nữa, nhìn bộ điệu cô dạy qua một lần là tôi làm được ngay, rất đúng nhịp và chuẩn xác. Trong một buổi liên hoan văn nghệ tại trường, tôi múa đẹp đến nỗi bà hiệu trưởng khuyên ba má nên cho tôi vào trường múa để phát triển năng khiếu. Tôi còn nhớ rõ ngày đó, má đã ôm chặt tôi vào lòng còn ba thì nhìn tôi đầy hãnh diện. Rồi trong bữa ăn đơn sơ chiều hôm ấy, có mặt cả ông bà ngoại, ba đã hỏi tôi:
--Thảo Phương bé bỏng của ba ơi, con có thích học múa không?
Tôi lắc đầu, tôi đã xem trên tivi sinh hoạt của một trường dạy múa, kỷ luật khắt khe và gương mặt nghiêm trang của các cô giáo đã làm tôi run sợ.
--Con không muốn học múa đâu ba ơi.
Má vuốt tóc tôi âu yếm:
--Vậy con gái cưng của má thích học gì?
Tôi nũng nịu nép vào lòng má, dụi mũi vào chiếc cổ thơm tho, cho những sợi tóc dài của má chạm nhẹ vào vai.
--Ồ, con chả thích học gì cả, con chỉ thích suốt ngày nhảy múa với lũ chim trong vườn thôi.
Cho đến một hôm, ngôi nhà bên cạnh thay chủ mới và tôi rất buồn khi nghe bà ngoại nói, lần này tôi vẫn không có người bạn láng giềng nào đồng trang lứa để cùng chơi. Trước đây chủ ngôi nhà này là một đôi vợ chồng già mà con cái cháu chắt đều ở bên Mỹ, bây giờ là hai vợ chồng trạc tuổi ba má nhưng không có con. Ồ, chẳng lẽ suốt đời tôi làm bạn với chim chóc mãi sao? Nhưng không, cuộc đời tôi sắp rẽ qua một bước ngoặt mà từ đó tâm hồn tôi chấp cánh thênh thang. Đó là một đêm trời se lạnh, ông bà ngoại đã ngủ, ba đang chấm bài ở nhà ngoài, má ngồi bên cạnh mạng lại mấy chiếc áo đã sờn vai, một mình tôi nằm yên trong phòng chờ má. Tôi có thói quen như vậy, không có má bên cạnh tôi không làm sao ngủ được, hơn nữa hồi trưa tôi có làm một giấc nên bây giờ thấy khó ngủ làm sao. Tôi giết thời gian bằng cách theo dõi hai con thằn lằn đuổi nhau trên trần nhà.. rồi lại nhìn những nét hoa văn thêu trên tấm màn cửa sổ. Bỗng, tim tôi như ngừng đập, một nét nhạc nào thật trầm lắng mơ hồ thoảng vào tai như nâng tôi bềnh bồng chao đảo, âm thanh rất nhẹ vẳng sang từ vườn nhà bên cạnh đưa hồn tôi vào cõi mộng xa xăm. Tôi nghe có tiếng những chiếc lá khô trở mình trong vườn lặng, tiếng thánh thót của ngàn giọt sương đêm rơi trên những cánh hoa vừa hé nụ đầu mùa. Không gian như tràn ngập hương thơm ru tôi vào giấc ngủ êm đềm bằng tiếng đàn tuyệt diệu ấy. (Sau này tôi mới biết đó là bài Nocturne số 9 của Chopin).
Sáng hôm sau, tôi không ra chơi với lũ chim ngoài vườn nữa, tôi đến bên hàng rào dâm bụt nhìn đăm đăm sang ngôi nhà đã vẳng ra tiếng đàn đêm qua. Nhà chưa mở cửa, tôi kiên nhẫn đứng chờ, chả biết tôi đang chờ gì đây, không lẽ chủ nhân ngôi nhà lại đánh tặng tôi thêm một bản đàn nữa chắc? Mặc kệ, tôi vẫn cứ chờ. Lát sau, một người đàn ông đi chiếc Honda bóng lộn, chở hai đứa bé một trai một gái trạc bằng tuổi tôi ăn mặc sang trọng, quẹo vào nhà, dựng xe rồi bước lên bậc thềm bấm chuông. Hai cánh cửa màu xanh hé mở, một người đàn bà rất đẹp ra dẫn hai đứa bé vào nhà, còn người đàn ông thì lên xe đi đâu mất. Khi tiếng đàn chập choạng từ trong nhà vang ra, tôi mới hiểu đó là hai đứa học trò đến học đàn với cô giáo, còn người đàn ông là cha của chúng. Ồ, tiếng đàn của chúng thật đáng ghét, sao mà vấp lên vấp xuống như người say rượu. Không dằn được tò mò, tôi chui qua hàng rào đến bên cửa sổ và rụt rè nhìn vào. Ôi, căn phòng mới tráng lệ làm sao, tường sơn màu hồng và ghế salông bọc nhung đỏ thắm. Nhưng điều quyến rũ tôi hơn hết là chiếc đàn dương cầm đặt phía trái căn phòng, cạnh cửa lớn mở ra vườn bên. Đàn rất đẹp, gỗ đen láng bóng, bên trên có một chiếc nắp cao và rộng nghiêng góc với mặt đàn, hàng phím ngà lộng lẫy kiêu sa. Thằng bé học trò đang ngồi trước đàn, cạnh cô giáo, cô đang kiên nhẫn cầm những ngón tay của nó ấn lên phím:
--Nào, em đánh lại đoạn đó đi.
Nó vụng về luống cuống, cô giáo gắt:
--Em lại không học bài chứ gì, nào xem cô đánh đây nè.
Tôi chằm chằm nhìn vào tay cô, những ngón tay điêu luyện nhảy múa trên phím ngà, những ngón tay biết hót lời chim.
--Nào, em làm theo cô đi.
Thằng bé đàn và cô lại la lên:
--Em sai tay rồi, nhìn cô đây.l
Tôi lại say sưa theo dõi những ngón tay của cô, cũng đơn giản thôi, tại sao thằng bé lại làm không được? Mải mê nhìn, tôi đụng mạnh vào cánh cửa và cô giáo nhìn ra. Tôi hoảng hốt sắp bỏ chạy trốn thì cô gọi:
--Em bé, vào đây.
Tôi rụt rè bước vào nhà, cô nhìn tôi hiền lành:
--Em ở đâu vậy?
Tôi bối rối chỉ tay sang nhà mình, cô gật đầu:
--À, cô biết rồi, em là cháu ngoại của bà Sáu phải không?
--Dạ, thưa cô.
Cô chỉ chiếc ghế mây nhỏ, bảo tôi:
--Hãy ngồi đấy xem các bạn học, nếu em thích.
Thêm ba bốn đứa nhỏ được cha mẹ chúng chở đến học nữa và cô giáo lần lượt hướng dẫn từng bạn. Tôi chăm chú nhìn những bàn tay nhỏ bé chập chững trên phím đàn và thầm ao ước, giá tôi được sờ vào những làn phím trắng ngần ấy nhỉ, và khi đó, âm thanh nào sẽ phát ra? Chắc chắn là những tiếng chim dễ thương trong vườn ngoại tôi. Đó là ngày đầu tiên tôi được nhìn thấy cây đàn piano và yêu thích nó.
Chị Hai xách giỏ từ nhà trong đi ra:
--Tôi đi chợ, cô ngó nhà nghe. Bữa điểm tâm tôi đã dọn sẵn trên bàn, gắng uống cho hết ly sữa tươi nghe cô.
Cung Đàn Tuổi Thơ Cung Đàn Tuổi Thơ - Thuỳ An