Sometimes the dreams that come true are the dreams you never even knew you had.

Alice Sebold

 
 
 
 
 
Tác giả: Plato
Thể loại: Khoa Học
Nguyên tác: The Republic
Biên tập: Minh Quân
Upload bìa: Quynh G. Nguyen
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 37
Cập nhật: 2023-11-05 19:15:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
uộc đời. Sáng tác cách nay hai ngàn bốn trăm năm, các đối thoại mang tên Plato có ảnh hưởng lớn lao đến tư tưởng Tây phương thời cổ đại, thời Trung cổ, thời Phục hưng và cả thời hiện đại. Sáng tác đó được ca ngợi là nền tảng của tư tưởng Tây Âu, chất liệu điều hòa tình trạng quá độ trong tâm trí con người, đường thẳng xác định nhãn quan thế giới từ trước hoặc từ đó tới giờ chưa hề phác họa, miêu tả trong triết học, chính trị, luận lý và tâm lý. Người Tây phương nghĩ trở lại nhận thức phô diễn trong đối thoại là trở lại nguồn cội. Ngược lại, đối thoại cũng bị chỉ trích gay gắt. Có người cho rằng đối thoại trưởng giả về chính trị và huyền bí về triết học. Tuy nhiên, giữa hai khuynh hướng đối chọi, có người thận trọng, khách quan sau khi đọc nhận thấy đối thoại có ma lực đề xướng, thôi thúc tưởng tượng và suy tư. Nhiều dây dợ đan kết trong đối thoại, song ở trung tâm giữ vai trò ý nghĩa theo nhận thức của người Hy Lạp, thiên đạo (logos, căn nguyên của tư tưởng, nguyên lý điều hành, phát triển vũ trụ) là thiên nhiên lèo lái mọi sự vật từ bên trong. Tiếp cận như thế thiên nhiên không phải siêu việt, vô hình và cũng không phải trần tục, hữu hình; thiên nhiên là tổng thể hữu cơ, con người không ở ngoài mà ở trong thiên nhiên. Bám chặt quan điểm cùng ý nghĩa quan điểm hàm ngụ, tư tưởng và nghệ thuật Hy Lạp đạt mức minh bạch chưa từng thấy ở bất kể nơi nào, người phô diễn chính yếu là Plato. Qua sử sách miêu tả, trình bày ta thấy ông là người kinh điển, người dệt giấc mơ lý tưởng; và sử sách cũng nói ông là người hiểu rộng biết nhiều về thế giới, không phải triết gia tháp ngà ngụp lặn, chìm đắm trong rừng già sách vở. Ta còn biết ông là người học thức uyên thâm theo sát sinh hoạt trí thức đương thời. Dẫn chứng thi văn và bóng gió hàm ngụ trong đối thoại chứng tỏ ông theo dõi văn chương sát nút. Đời ông kéo dài từ cuộc chiến Peloponnesos giữa Athens và Sparta (431 TCN), qua ngày Pericles thủ lĩnh thành quốc Athens lìa đời (429 TCN), tới khi Philip - quân vương Macedonia - hạ thành Olynthus (348 TCN).
Đối thoại thường gọi là Cộng Hòa, tác phẩm trong số trước tác tương tự truyền lại, đến ngày nay hậu thế công nhận là sáng tác của Plato. Số sáng tác đồ sộ đã đưa tên tuổi ông lên hàng quen thuộc bậc nhất trong lịch sử nhân loại, nhất là lịch sử tư tưởng ở Tây phương cũng như Đông phương. Tuy vậy, người sau lại biết rất ít về ông, ngay cả trong nước Hy Lạp, quê hương ông, biết rất ít một cách kỳ lạ so với những gì người sau hy vọng muốn biết. Khi tìm hiểu cuộc đời bông hoa ngát hương trong vườn triết học người sau chỉ biết ông sống trong giai đoạn lịch sử đặc biệt, liên hệ tới biến cố và nhân vật người sau biết qua kho tàng tài liệu phong phú khác thường: sinh thời ông nổi tiếng, ông lập trường dạy học, ông đi du thuyết, ông sống khá lâu, ông viết rất nhiều, sáng tác truyền lại đều ở tình trạng hoàn hảo khiến người sau nghĩ toàn bộ đã được bảo tồn cẩn thận ngay từ đầu. Sự thể có vẻ kỳ lạ, dữ kiện về đời ông sao ít ỏi, mong manh đến thế, ngay cả số lượng sáng tác phong phú cũng rơi vào vòng mờ mịt, người sau không nhìn thấy liên hệ hỗ tương giữa tác phẩm và tác giả. Không những thiếu vắng dữ kiện cụ thể để thiết lập tiểu sử, người sau còn gặp cảnh tượng ngán ngẩm trong khi muốn tìm hiểu, trong sáng tác ông không đả động gì đến bản thân. Đó là nét đặc biệt người sau biết về triết gia lý tưởng mắt sáng, vai rộng, cao lớn, khỏe mạnh, đầu óc phi thường, lối sống thanh tao, văn gia bút pháp uyển
chuyển, đa dạng, từ lúc trẻ mang biệt danh Plato, tên thực là Aristocles, tên đặt giống tên ông nội, nếu vậy theo phong tục xứ sở là con trưởng và cháu đích tôn. Nhưng sự thật có phải hoàn toàn như thế hay không, người sau cũng thực tình không rõ!
Là con ông Ariston, cháu ông Aristocles, có hai em trai, môt em gái, Plato chào đời khi Diotimus làm Archón, pháp quan Athens, nhiệm kỳ kéo dài từ mùa hè năm 428 TCN đến mùa hè năm sau. Hơn thế người sau không biết gì về gia đình bên nội, trừ một số thân nhân bên ngoại. Thân mẫu nhũ danh Perictione thuộc dòng dõi quý tộc, mà nổi tiếng nhất là Solon (638-558 TCN), pháp quan Athens nhiệm kỳ 594-3 TCN. Em họ bà là Critias, người sau biết là thủ lãnh nhóm Ba Mươi Bạo Chúa và tác giả nhiều sáng tác; em trai bà là Charmides cũng hăng say tham gia chính trị với nhóm Ba Mươi Bạo Chúa, song thất bại thảm hại. Cũng như anh Plato, Adeimantus và Glaucon, hai người là nhân vật trong nhiều đối thoại, một trong số mang tên Charmides. Speusippus, người kế vị Plato điều hành Học Viện, là con bà Potone, em Plato. Sau khi thân phụ qua đời, lúc Plato còn rất nhỏ, thân mẫu tái giá với ông Pyrilampes, nghe nói là cậu họ, đã có gia đình và con riêng, con trai tên Demos (nhắc tới trong Gorgias), nhân vật giàu có, thế lực trong nhóm dân chủ ủng hộ lãnh tụ Pericles, chính khách khôn ngoan, lỗi lạc đã đưa thành quốc lên mức phát triển cao độ về mặt trí thức, nghệ thuật và kinh tế. Với ông này, bà sinh con trai tên Antiphone, em cùng mẹ khác cha với Plato, theo đuổi triết học ít lâu, bỗng dưng bỏ dở rẽ ngang. Nhìn từ bên này rồi bên kia người sau thấy Plato có liên hệ mật thiết với giai cấp quý tộc Athens. Dẫu vậy liên hệ này không khiến đầu óc trở nên hẹp hòi, thiển cận, trái lại ông vẫn giữ thái độ cơ bản của bậc sĩ phu: ngay thẳng, khách quan trong lối sống cũng như sáng tác từ đầu chí cuối.
Theo nhận định chung từ trước tới nay, ở trong cũng như ngoài nước, sự kiện có thể coi là xác đáng liên hệ tới cuộc đời Plato chỉ đủ cấu thành nét phác tả tổng quát sơ sài, dẫu vậy cũng không đủ để minh định một cách chắc chắn. Đối thoại của ông, mặc dù cảnh trí đặt ở thời đại ông sống, người tham dự là nhân vật nổi tiếng, sống thực, sinh hoạt hết sức tự nhiên, kể cả anh ông, cũng không đóng góp gì vào bức tranh tiểu sử. Tuy nhiên, có mấy lá thư cho là do ông viết hé lộ khá nhiều vì sao ông quyết định, nhất là ám chỉ giai đoạn tham dự hoạt động chính trị đương thời. Số thư này trong thế kỷ vừa qua mang tiếng giả mạo, phần quan trọng hơn hết có vẻ là thực, lại bị cho là do đệ tử ông viết. Trong số mười ba lá, trừ lá thứ mười hai, tất cả đều được người xưa công nhận là chân thực, sử dụng để diễn giải triết thuyết Plato. Trong hàng phê bình ngày trước và ngày nay có người không ngần ngại chấp nhận chứng liệu của người xưa, có người bác bỏ thẳng thừng, coi số thư đó là ngụy thư diễn tả khéo léo, có người giữ thái độ trung dung cho rằng Plato là tác giả lá thứ sáu, thứ bảy và thứ tám, số còn lại rơi vào vòng tồn nghi. Ngược lại, cương quyết khẳng định số thư đó là do ông viết, ở Anh hạ bán thế kỷ XIX G. Grote trong Plato and Other Companions of Socrates (1867) không ngần ngại đưa số thư đó vào sáng tác của ông, mặc dù nhiều nhà phê bình vai vế đương thời lớn tiếng phủ nhận. Hăng hái đưa thần tượng từ nấc thang siêu nhân xuống thứ bậc thế nhân, học giả này sẵn sàng gán cho ông số sáng tác phần đông cho là không xứng đáng với triết gia siêu việt. Nhưng nhờ biện luận vững chắc nhằm đặt lại vấn đề, học giả vừa kể đủ sức thuyết phục nhiều người chấp nhận kết luận. Vì vậy kể từ đó không còn e ngại nữa khi kể chi tiết lý thú chứa đựng trong số lá thư, và nhờ thế người sau biết đôi chút về cuộc đời triết gia, trong khi các nhà phê bình thủ cựu cũng sẵn sàng chấp nhận phần lớn số sáng tác đặc biệt đó là chân thực.
Năm sinh và nơi sinh của Plato sử sách ghi khác nhau: 430, 428 và 427 TCN, nơi sinh thành Athens hoặc đảo Aegina, năm mất 348 hoặc 347 TCN Như vậy là ông sống lâu, 80 hoặc 83 tuổi mới qua đời.
Nếu lấy năm 430 TCN là năm sinh, ông ra đời 121 năm sau Khổng Tử (551-479 TCN). Nếu lấy năm 428 TCN làm năm sinh, ông chào đời 135 năm sau Thích-Ca Mâu-Ni (563-483 TCN). Nếu lấy năm 427 TCN làm năm sinh, ông vào đời 424 năm trước Giê-su Ki-tô (4 TCN - 29 SCN) và khoảng 4 năm sau cuộc chiến Peloponnesos (431-404 TCN). Cuốn sử Thucydides ghi chép bao gồm 16 hoặc 17 năm đầu đời của ông, chỗ Thucydides ngừng, Xenophon tiếp, kể lịch sử Hy Lạp kéo dài 48 năm nữa, tới trận Mantinea diễn ra năm 362. Định mệnh đẩy đưa ông lớn lên cùng vinh nhục của đất nước đang phấn đấu để phát triển, may mắn cũng nhiều, thành công cũng lắm, cuối cùng suy sụp hoàn toàn, tủi hổ ngút trời. Thôn tính thành quốc Athens diễn ra năm 403; tiếp theo là cuộc cai trị ngắn ngủi của nhóm Ba Mươi Bạo Chúa đứng đầu là Critias (cậu Plato) và Theramenes. Chính quyền chuyên chế của nhóm Ba Mươi Bạo Chúa bị Thrasybulus lật đổ, chế độ dân chủ ngày trước tái lập. Năm 399 diễn ra vụ xử gây chấn động dư luận cả lục địa lẫn quần đảo, hội đồng kết án tử hình Socrates vì tội phỉ báng thần linh, đầu độc tuổi trẻ. Nửa thế kỷ tiếp theo, thành quốc Athens hầu như vắng bóng trong lịch sử Hy Lạp, song góp phần đáng kể trong các phong trào thời đại dưới tài lãnh đạo của nhân vật lừng danh Iphicrates, Chabrias, Timotheus. Agesilaus quân vương Lacedaemon và Epaminondas quân vương Thebes là người cầm quyền tài ba suốt thời kỳ, lèo lái cuộc chiến tới thành công qua trận Leuctra (371 TCN) và trận Mantinea (362 TCN). Sau trận Mantinea, lịch sử Hy Lạp lại thay đổi, Philip (382-336 TCN) vùng Macedonia mạn nam bán đảo Balkan dần dần ngoi lên chói lọi trên chính trường. Trước khi Plato qua đời chính khách Demosthenes (384-322 TCN) trở thành lừng danh qua các bài diễn văn đả kích quân vương Philip kịch liệt; trong vòng một năm trước khi băng hà, do tiêu diệt phe Phocion (402-317 TCN) chấm dứt cuộc chiến thiêng liêng, Philip nắm quyền bá chủ Hy Lạp. Song song với biến sự diễn ra trong lục địa Hy Lạp, về mặt lịch sử, đảo Sicile trở nên hấp dẫn, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong suốt thời gian nửa thế kỷ dưới quyền cai trị sắt máu của cha con Dionysius và Dion. Nắm quyền cai trị thành phố Syracuse một phần tư thế kỷ, và cai trị hết sức khe khắt, hà khắc, Dionysius Cha chết năm 367 TCN. Nối ngôi thay quyền, áp dụng chính sách tương tự, Dionysius Con kiểm soát thành quốc chặt chẽ mười hai năm nữa mới bị Dion nổi lên truất phế. Sau bốn năm cầm quyền cai trị ông này cũng bị chống đối, lật đổ, xử tử.
Sống trong thời đại như thế, Plato đã chứng kiến liên tục chính sự phát triển, suy đồi, sụp đổ dưới nhiều hình thức và màu sắc. Nhờ có cơ hội quan sát, đầu óc nhận định, ông làm cảnh đó sống lại khá phong phú trong triết phẩm Cộng Hòa. Tuy thế, trong thâm tâm ông không cảm thấy thích hợp với cuộc đời chính trị. Ông sở đắc nhiều lợi điểm thanh niên cùng trang lứa không có: con nhà giàu có, gia đình quý tộc, dòng họ quyền thế, thân thể cường tráng, tiếp thu đầy đủ giáo dục thời đại, và chắc hẳn cũng phải hoàn tất nhiệm vụ thông thường của công dân thành quốc Athens, gồm cả thi hành bổn phận quân sự. Dẫu vậy người sau không hề nghe ông có ý định dấn thân bước lên vũ đài chính trị ngoài lời lẽ bày tỏ trong lá thư thứ bảy. Trong thư này ông cho biết ông được thân nhân và thân hữu trong nhóm Ba Mươi Bạo Chúa mời tham dự chính trường, điều hành quốc sự, ông muốn nhập bọn để khỏi phụ lòng mong mỏi; nhưng khi thấy nhóm vẫn duy trì tình trạng bất công, tàn bạo, thất đức, nhất là khi chứng kiến nhóm tìm cách, song không thành công, ép buộc Socrates bức hại một công dân, cảm thấy hụt hẫng, ngán ngẩm, ông nhất định quay lại cuộc đời bình thường. Khi cơ chế dân chủ tái lập, ông cũng có ước muốn tương tự, dấn thân vào chính sự phục vụ thành quốc, song lại chứng kiến sự việc thô bạo diễn ra tràn lan, và cuối cùng bản án bất nhẫn kết liễu đời Socrates, hầu như tuyệt vọng, ông quyết định vĩnh biệt chính trị.
Triết gia tên tuổi day dứt khôn nguôi với hai sự kiện xúc động vừa kể, kết quả dẫn tới thái độ cự tuyệt đối với chính trị, và thái độ đó đã đặc biệt lôi cuốn, ảnh hưởng triền miên đến tâm trí Plato. Lúc
Socrates qua đời, Plato 28 tuổi. Hai người sống gần gũi, thân thiết với nhau. Liên hệ không những là liên hệ thân hữu mà còn là liên hệ thầy trò, liên hệ hỗ tương trong thực tế kéo dài tám năm, song trong triết học kéo dài bất tận. Người sau không có chứng tích ghi lại đặc tính hoặc nội dung mối liên hệ. Nhưng sáng tác của Plato cho thấy toàn bộ cuộc đời tiếp theo của ông đã do liên hệ đó cấu thành. Ông dành cả cuộc đời tìm hiểu triết học, và sử dụng triết học như mục đích duy nhất cất bước đi vào đường nghiên cứu mà Socrates đã mở ra cho ông noi theo. Hình ảnh sư phụ không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Vừa tự do với mình, vừa trung thành với thầy, pha trộn hai cảm xúc thành nhận thức tổng hợp, ông sử dụng Socrates trong đối thoại như người diễn đạt quan điểm của ông. Dù suy tư của mình có cách xa suy nghiệm quen thuộc của Socrates, Plato vẫn vững tin ông trung thành bước theo nguyên tắc hoặc phương pháp Socrates đã giảng dạy và sử dụng để diễn giải.
Sau khi Socrates vĩnh biệt cõi đời năm 339 TCN, Plato lui về sống ở Megara, thành phố trong vùng Megaris nằm giữa vịnh Corinth và vịnh Saronic còn gọi là vịnh Aegina gặp gỡ thân hữu từng theo học Socrates. Người sau không rõ ông lưu lại đó bao lâu, song nghe nói suốt khoảng thời gian sau khi sư phụ viên tịch, ông thăm thú nhiều nơi, xuôi nam tới thành phố Cyrene trong vùng Cyrenaica thuộc địa Bắc Phi diện kiến nhà toán học Eudoxus, sang đông tới Ai Cập, qua tây đến Ý và đảo Sicile thăm viếng triết phái Pythagore. Trong khi ở đảo vừa kể đến thành phố Syracuse, ông tiếp xúc ngay với Dion, em vợ Dionysius, và có lẽ với cả đương kim bạo chúa. Nhìn lại giai đoạn hi hữu trong lá thư thứ bảy (326d), ông tự hỏi phải chăng do ngẫu nhiên hay thiên định ông tới nơi này. Bởi trong thực tế việc ông tới hòn đảo là mở màn cho bi kịch kết cấu bi đát diễn ra mấy chục năm sau. Khi ông tới, Dionysius I (405-367 TCN) đang ở cực đỉnh quyền thế. Mới hai mươi lăm tuổi đã được bầu làm ‘strategos’, nguyên soái tướng quân, ngoài chuyện toàn quyền hành động, Dionysius giải phóng người Hy Lạp trên đảo Sicile khỏi áp bức, hiếp đáp, đe dọa khủng khiếp của Carthage, đồng thời tạo dựng cho họ sức mạnh chính trị để có thế đứng đáng kể trong thế giới Hy Lạp. Lá thư thứ bảy (327a) kể cuộc gặp gỡ quan trọng ra sao, ấn tượng thanh niên này, sắp sửa biến đổi toàn bộ đời ông, đối với ông thế nào. Theo chuyện kể nghe có vẻ kỳ lạ, đáng nghi, không hiểu vì sao và do đâu, khi quan hệ giữa đôi bên căng thẳng, bạo chúa trẻ tuổi lại kiếm cớ đưa ông lên thuyền đem đến đảo Aegina bán làm nô lệ và tù binh chiến tranh (lúc đó giao chiến với Athens, hòn đảo được sử dụng làm căn cứ cho hải quân Sparta). Nhưng đến nơi có người quen từ Cyrene tên Anniceris bỏ tiền ra chuộc, nhờ thế thoát hiểm ông trở về Athens. Định cư ở đây ít lâu năm 387 TCN. Ông thành lập Học Viện nhằm truyền bá khoa học và triết học trong khu rừng ven biên thành phố, ông bắt đầu giảng dạy triết học. Từ đó trở đi, ông êm ả theo đuổi sự nghiệp, trừ hai lần gián đoạn đáng kể, trong tư thế vị thầy khả kính, lừng danh, thời gian kéo dài khoảng 40 năm. Cũng như Socrates, ông dạy học không lấy tiền, và khi dạy ông thường thể hiện qua đối thoại, đàm đạo. Tiếng thơm lan tràn hầu như khắp Địa trung hải, Tiểu Á, Bắc Phi, vượt xa, át hẳn nhiều triết gia đương thời; ông thu hút nhiều đệ tử; thanh niên từ nhiều nơi, nhiều đảo ùn ùn kéo tới hy vọng thọ giáo, trong số đó nổi tiếng hơn hết (sau này trở thành đối thủ đáng gờm trong làng triết học) là Aristotle từ Macedonia kéo xuống, thân phụ là ngự y đương kim quân vương, mới mười tám xin thụ huấn, sống ở đó hai mươi năm liền, tới khi Plato mãn phần.
Bước vào đời ông chỉ nghe tiếng réo gọi áp dụng học thuyết chính trị tổ chức cơ chế xã hội, chính thể quốc gia. Dionysius I qua đời, Dionysius II nối ngôi, nắm quyền cai trị. Vốn non ớt, yếu kém nhiều mặt, thoạt đầu điều hành việc nước tân vương phải trông cậy vào Dion, cậu ruột, thân hữu chí tình của Plato. Cơ hội dường như dịp may ngàn năm một thuở để thiết lập thành quốc theo nguyên tắc nghiền ngẫm bấy lâu. Dionysius sẵn sàng đón nhận ý kiến, Dion thiết tha yêu cầu thân hữu cố tri tới cố vấn. Phần mình Plato cũng không ngần ngại thăm viếng Syracuse nhằm thực hiện hoài bão. Chuyện viếng
thăm lần này kể tỉ mỉ trong lá thư thứ bảy. Chuyến đi không thành công. Plato tỏ ra không mặn nồng với việc điều hành quốc sự của Dionysius; dự tính thực hiện công trình hóa ra tuyệt vọng. Cố gắng đến mấy ông cũng không thể thuyết phục; gần đây trong nhiều sự việc, Dionysius hầu như không còn lắng nghe ý kiến quân sư. Tân vương đày Dion khỏi Syracuse. Sau ít lâu, mặc dù không bị đối xử tàn tệ, Plato trở về Athens. Dẫu vậy ông vẫn lại thăm Dionysius lần nữa, hy vọng tìm cách trợ giúp Dion, nhưng ông lại thất vọng; kinh nghiệm lần này quả thật chua cay, càng ngẫm càng đau đớn cõi lòng, sượng sùng nét mặt, không muốn nhìn lại làm chi. Phần đời còn lại ông dành cho việc sáng tác, sáng tác liên tục, tới đối thoại cuối cùng, đặc biệt Luật Pháp, và tiếp tục giảng dạy triết học ở Học Viện cho môn sinh bốn phương. Ông qua đời không rõ năm 348 hay năm 347 TCN. Theo sử gia Pausanias (1.30.3), ông được mai táng ven biên Học Viện.
Sự nghiệp dài lâu, song người sau không rõ Plato bắt đầu tự bao giờ, chỉ biết một số tác phẩm có lẽ viết không lâu sau khi Socrates vĩnh biệt cõi thế. Biện Giải (Apologia) nhằm tường thuật lời lẽ Socrates biện hộ trước tòa nhằm bảo vệ danh dự và tính mệnh bản thân, chắc hẳn sáng tác không lâu sau phiên xử. Ngoài Biện Giải (nội dung không hề là lời tạ lỗi) và một số thư những gì người sau có về Plato đều thể hiện dưới hình thức đối thoại. Có khoảng 25 tác phẩm chân thực mang tên ông. Phần lớn đối thoại chia làm ba nhóm: đối thoại theo kiểu Socrates, luận thuyết chính trị, và đối thoại có tính cách lô-gíc và phương pháp. Đối thoại theo kiểu Socrates theo lề lối Socrates thường dùng, vừa đặt câu hỏi vừa trả lời, đồng thời nhấn mạnh vào đạo đức, định nghĩa đạo đức. Đối thoại tiêu biểu và chủ đề nổi bật là Euthyphro (mộ đạo, hiếu thảo), Charmides (tiết độ), Lysis (tình bạn), Meno, Protagoras (đạo đức), Laches (can đảm), Hippias Lớn (cái đẹp), Hippias Nhỏ (cái giả), Philebus (cái tốt), Cộng Hòa (công bình); luận thuyết chính trị gồm Cộng Hòa, Chính Khách, Luật Pháp. Trong tác phẩm Cộng Hòa Socrates là nhân vật chính lèo lái cuộc đàm đạo, người tham dự gồm già trẻ lắng nghe, trao đổi ý kiến. Trong tác phẩm Chính Khách, ông xuất hiện ngắn ngủi giới thiệu cuộc thảo luận rồi rút lui. Trong cuốn Luật Pháp ông hoàn toàn vắng mặt. Trong đối thoại có tính cách lô-gíc và phương pháp, Cratylus biện luận tính cách đích xác của tên gọi, Euthydemus đề cập tranh luận lừa phỉnh cùng tình trạng khả dĩ dẫn tới lừa dối. Sophist bàn tới bản chất không hiện hữu và tình trạng khả dĩ dối trá. Theaetetus khai triển sự thật và hiểu biết, Parmenides đi vào triết học và phép biện chứng. Nhiều đối thoại phối hợp tìm hiểu triết học và phương pháp triết học: Phaedo, Symposium, Sophist, Phaedrus, Timaeus, Philebus.
Học giả Tây phương đã bỏ nhiều công sức và thời gian thiết lập thứ tự sáng tác các đối thoại. Từ xưa, qua nhiều thế kỷ học giới phương trời đó đã xác định Luật Pháp là tác phẩm dở dang Plato chưa hoàn tất thì qua đời. Theaetetus nói tới cái chết của người đối thoại mang cùng tên xảy ra năm 369 TCN Một số đối thoại dường như tiếp nối đối thoại đã xuất hiện cho thấy sáng tác có thứ tự hẳn hoi. Ngoài chỉ dấu như thế học giả chỉ còn biết căn cứ vào thời điểm tương đối dành cho Biện Giải, nét tương đồng và khác biệt giữa các sáng tác theo hình thức, nội dung, chi tiết về văn phong và từ ngữ sử dụng. Tuy nhiên, mặc dù cố gắng đáng kể, quan điểm vẫn không đồng nhất. Thứ tự sáng tác xem ra có vẻ quan trọng vì liên hệ tới vấn đề phát triển tư tưởng của Plato. Vấn đề rộng lớn là phải chăng về cuối đời Plato phủ nhận học thuyết Plato, triết thuyết lừng danh gắn liền với tên tuổi ông. Trong nhiều đối thoại, kể cả Cộng Hòa, ông đề nghị phân biệt dứt khoát thế giới hữu hình gồm sự vật cụ thể với thế giới vô hình, song minh bạch gồm thực thể trừu tượng, không lầm lẫn thế giới cảm tính với thế giới lý tính. Tư tưởng trở nên phổ quát và được coi như triết thuyết về hình trạng. Trong số các thực thể trừu tượng là hình dạng hình học, con số toán học, đặc tính đạo đức đã là đề tài Socrates thảo luận trong các cuộc đàm đạo. Học giả đôi khi được gọi là đệ tử tam vị nhất thể cho rằng Plato đã nghi ngờ và rút
cuộc từ bỏ triết thuyết. Trái lại, tông đồ nhất thể nhất vị lại bảo Plato tiếp thu khuynh hướng triết học từ Socrates, theo đuổi tới cùng, chỉ thêm thắt, tu chính chút ít suốt quá trình phô diễn.
Công trình giảng dạy và sáng tác Plato thực hiện ở Học Viện hai lần gián đoạn do cố gắng bất thành thực hiện lý tưởng trình bày trong triết phẩm Cộng Hòa, khai sinh thể chế dưới quyền lãnh đạo của quốc vương triết gia. Hai lần ông qua Sicile giáo dục bạo chúa trẻ tuổi Dionysius II nối ngôi bạo chúa già nua Dionysius I. Thân hữu tâm giao Dion cho ông hay thanh niên cầm quyền hiện tại là cháu gọi bằng cậu có ý định và sở thích trở thành triết gia, như vậy là muốn phối hợp kiến thức với quyền bính. Sự thể nghe hợp lý, ông nghĩ đó là đường lối duy nhất cứu vớt quốc gia. Không ngờ cuộc ra đi thất bại. Dionysius có vẻ hậm hực, Dion chịu cảnh phát vãng, ông mang nỗi bực dọc. Nhiều năm sau đó, do Dionysius yêu cầu, ông lại qua Sicile. Chuyến thăm lần này kết thúc thảm hại, kết quả dẫn tới nội chiến giữa lực lượng theo Dion và lực lượng theo Dionysius. Ông trở về Học Viện, từ đó cắt đứt mọi quan hệ với chính trị. Sau khi ông qua đời việc điều hành Học Viên trao cho nhà toán học Speusippus, cháu ông. Tiếp tục sự nghiệp cao cả như trung tâm giáo hóa và nghiên cứu mãi tới năm 529 SCN. mới ngừng hoạt động, do Hoàng đế La Mã Justinian (483-565) ra lệnh đóng cửa, Học Viện với giảng đường khang trang, thư viện tĩnh mịch, thư sinh nhiệt tình, tồn tại gần 900 năm, người sau mệnh danh đại học đầu tiên trên thế giới, lò đúc đào luyện vô vàn nhân tài, dòng sông bồi dưỡng sinh lực cho biết bao khối óc, trái tim. Một phần do chính sách muốn áp đặt một cách quyết liệt chủ thuyết Ki-tô giáo, trong pháp lệnh, Hoàng đế tuyên bố: “Từ rày về sau không thần dân nào được phép giảng dạy triết lý hoặc giải thích luật lệ ở Athens.” Khi hay sự thể bất mãn hết sức, một số thành viên rời bỏ Học Viện ra đi, một số qua Ba Tư, một số sang Trung Đông, tất cả mang tâm trạng trí thức lưu vong. Dẫu thế, do vấn vương khó dứt, một số vẫn ở lại sống âm thầm, Học Viện không tắt thở tức khắc, mà lay lắt kéo dài cuộc đời tới thời Trung cổ, thế kỷ XV.
Cuộc đời rạng rỡ như thế vậy mà người sau vẫn không biết cuối cùng ông thế nào. Và cũng chẳng ai hay buổi đầu ông có lập gia đình, có vợ, có con không, mà chỉ biết mấy chục triết phẩm để lại cho đời, trong số đó Cộng Hòa giữ vai trò quan trọng! Dù sao độc giả cũng chẳng cần mất công đi vào vấn đề thứ tự và sắp xếp tác phẩm của Plato. Đối thoại thứ hai, Timaeus, liên hệ với Cộng Hòa, đối thoại thứ ba, Critias, liên hệ với Timaeus, ba đối thoại hợp lại thành tác phẩm bộ ba, song Cộng Hòa tự nó là tác phẩm trọn vẹn. Không có chỉ dấu nào cho thấy thời gian sáng tác, trừ phong cách mãnh liệt, đặc biệt khi so với tác phẩm như Luật Pháp có lẽ viết lúc tuổi đời xế chiều, biểu lộ kinh nghiệm cuộc đời và nhận thức già dặn. Tác phẩm còn mang nhan đề thứ hai, Bàn về công bình. Liên hệ hai tên gọi giải thích đầy đủ trong đối thoại, kể chuyện với vẻ đơn giản, trong sáng, tự nhiên, bởi thế Cộng Hòa được cả triết học lẫn văn học Hy Lạp đề cao. Cần minh định bản chất công bình, cuộc tìm hiểu bắt đầu, muốn chứng nghiệm không gì bằng quan sát công bình trong quốc gia lý tưởng. Khi khám phá sự thể người tìm hiểu có thể nhận ra bằng loại suy trong cá nhân. Do đó quốc gia lý tưởng được xây dựng. Tiến trình xây dựng một khi hoàn tất, phần này chiếm phần lớn tác phẩm, người tìm hiểu sẽ nhìn ra công bình và bản chất công bình được xác định thỏa đáng. Người tham dự cuộc đàm đạo gồm Socrates, lão nhân Cephalus, con trai Polemarchus, Glaucon, Adeimantus, anh Plato, Thrasymachus, thành viên triết phái Sophist đương thời, và mấy người nữa.
Xã hội & thời đại. Sống thế nào viết thế nấy. Khi viết triết phẩm Cộng Hòa tới phần tám đề cập bốn thể chế chính trị đương thời, Plato kể cơ chế trước gọi là vị danh (timokratia) sau gọi là tài bản (timarchia), cơ chế quả đầu (oligarchia), cơ chế dân chủ (demokratia), cơ chế độc tài (tyrannia). Loại xã hội ông gọi là vị danh hay tài bản là loại ngày nay không có hình thức thực sự tương đương, vì rõ
ràng ông phác tả nét cơ bản của xã hội thành quốc Sparta bấy giờ. Nhưng đối với ông, Sparta quả thực quan trọng, một số nét xã hội lý tưởng của ông bắt nguồn từ đó. Là thành phần quý tộc quân phiệt, sống kỷ luật, song tự hào, dân Sparta làm chủ ruộng đất và dân số, họ là Spartias, giai cấp thống trị, dưới họ là peritoikoi, thành phần tự trị được phép buôn bán làm ăn, cuối cùng là heilotes, thành phần bị trị, nô lệ phải lao động, phục vụ, không sở đắc tí gì. Đám heilotes là nông nô cày sâu cuốc bẫm sinh lợi cho chủ nhân Spartias; họ có thể bị trưng binh phục vụ chiến tranh, trong số đó thỉnh thoảng có người được trả tự do, song tổng quát mà nói họ không có quyền hoặc lợi gì hết. Hàng năm pháp quan tuyên chiến với họ, vì thế giết nông nô là thành tích, không phải sát nhân; mật vụ Sparta theo dõi thường xuyên và chặt chẽ; nếu thấy trong số có phần tử tỏ ra chống đối, bất mãn, mật vụ hạ sát tức thì không thương tiếc.
Vì là thiểu số chủ nhân sống với đa số bầy tôi, luôn luôn lo sợ nổi dậy, nhiều trường hợp đã xảy ra, dân Sparta theo lối sống đặc biệt. Họ là giai tầng quân phiệt, trong đó cá nhân tuyệt đối phục tòng cộng đồng. Mỗi công dân là một chiến binh. Giáo dục, hôn nhân, nhiều mặt sinh hoạt thường nhật áp dụng khe khắt nhằm duy trì khả năng quân sự. Trong cuốn History of Greece (Lịch sử Hy Lạp), ấn bản 1967, trang 132 J. B. Bury ghi: “Đứa trẻ vừa ra đời liền được đem đến để trưởng tộc xem xét. Nếu trưởng tộc thấy yếu đuối hoặc bệnh tật, đứa trẻ sẽ bị đem đi để ở sườn núi cho chết. Lên bảy, đứa trẻ sẽ được giao cho viên chức nhà nước trông nom. Việc giáo dục hoàn toàn nhằm đào luyện đứa trẻ chịu đựng gian khổ, huấn luyện đứa trẻ tuân theo kỷ luật, nuôi dưỡng đứa trẻ có tâm hồn tin tưởng, tinh thần hy sinh vì thành quốc. Đến tuổi hai mươi, tất cả trẻ trai tập dượt trong ngôi trường khổng lồ theo mô hình quân đội.” Tại đây, đám trẻ thụ huấn dưới sự hướng dẫn của thanh niên tuổi từ hai mươi đến ba mươi, số này vẫn chưa tới tuổi được công nhận là công dân chính thức. Đến hai mươi tuổi đám trẻ thụ huấn quân sự và được phép lập gia đình; nhưng tất cả vẫn phải sống trong doanh trại, chỉ thỉnh thoảng lẻn về thăm vợ. Đến ba mươi tuổi, đám trẻ trở thành công dân chính thức. Tuy có thể sống ở nhà, song tất cả vẫn phải vào doanh trại ăn tập thể, đóng góp phần ăn rút ra từ công đất mỗi dân Sparta sở hữu, công đất không được chuyển nhượng, mà do nông nô cày cấy sinh lợi. J. B. Bury viết tiếp: “Kỷ luật cũng áp dụng với thiếu nữ. Sinh hoạt chung với thiếu niên, thiếu nữ tập thể dục. Khi tập tất cả đều ở trần, dẫu thế họ không coi là bất nhã. Họ sống cởi mở, lối sống tương phản lối sống khép kín của phụ nữ thành quốc khác. Họ nổi tiếng giữ gìn trinh tiết. Tuy nhiên, nếu chính quyền chỉ thị sinh con cho thành quốc, không hề thắc mắc, họ tuân lệnh tức thì, dù biết việc làm vi phạm, chà đạp tính cách thiêng liêng liên hệ hôn phối đòi hỏi.” Người Sparta không được phép sở hữu của cải dưới hình thức vàng hoặc bạc, họ tiếp tục sử dụng tiền bằng sắt. Cấm sống xa hoa, họ sống thật đơn giản. Cá nhân không có thế đứng trong thành quốc; cá nhân không có đời tư, vấn đề riêng. Cá nhân sống trong doanh trại, theo kỷ luật nhà binh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu vì thành quốc. Bởi thế thuở đó mặc dù không gây hấn, dân Sparta là đội quân hùng hậu khắp Hy Lạp.
Cơ chế bao gồm vương quyền thế tập, bầu cử phổ thông, tuyển chọn pháp quan và hội đồng trưởng lão, đặc biệt kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm; hội viên hội đồng là người trên sáu mươi, trong Cộng Hòa muốn là vệ quốc tuổi phải năm mươi. Tổ chức thành quốc Sparta khiến nhiều người khắp Hy Lạp, trong lục địa, trên hải đảo chú ý; hoàn chỉnh và đơn giản làm nhiều người ưa thích, nhưng ít người muốn sống trong đó. Mê thích thật đấy, song họ cũng chê bai, nhận định Plato đưa ra đối với cơ chế vị danh là điển hình. Ông chỉ trích tình trạng bóc lột giai cấp hạ lưu, đó là quan hệ sai trái giữa người thống trị và người bị trị, sự thể đương nhiên dẫn tới bất hòa, mâu thuẫn trầm trọng. Ông phê bình tình trạng trí thức tù túng; người thành quốc ít suy tư, đầu óc thường thiển cận. Cơ chế là vậy, song họ nổi tiếng hám lợi; vì thế cơ chế tài bản bị lên án là cơ chế phục vụ tư sản, bị nghiêm cấm trong thành quốc
lý tưởng, và là mầm mống phát triển lòng tham cá nhân. Tóm lại, xã hội Sparta và xã hội tài bản có ưu điểm là tôn trọng kỷ luật, đề cao luật pháp và ca ngợi can đảm, song đần độn, tham lam, tàn bạo đối với thành phần kém may mắn. Rất có thể cũng như nhiều người Hy Lạp bấy giờ, Plato có cảm tình với Sparta, song ông nhìn rõ giới hạn của thành quốc. Cơ chế Sparta không có cơ chế tương tự, trừ đảo Crete. Trái lại, ba loại cơ chế xã hội Plato kể tên lại phổ thông. Thực thế, theo sử, có thể nói một cách tổng quát vào thế kỷ V và IV TCN thành quốc khắp Hy Lạp một là theo cơ chế dân chủ, hai là cơ chế quả đầu, ba là lác đác đó đây cơ chế độc tài. Trong cuộc chiến Peloponnesos giữa thành quốc Athens và thành quốc Sparta kéo dài 27 năm, người theo cơ chế quả đầu ủng hộ Sparta, người theo cơ chế dân chủ về phe Athens. Phe phái khác biệt, tình trạng mâu thuẫn gia tăng, nghi ngờ phát triển, thù nghịch trở thành nghiễm nhiên, vì phe dân chủ hay phe quả đầu thường coi phe phái trên thành quốc. Trong phần 8, đoạn 556e nói tới phe này cần trợ giúp từ bên ngoài chống lại phe kia, Plato tỏ ra kinh ngạc, do phe phái mà xảy ra nhân dân bất hòa, quốc gia phân ly, máu chảy chan hòa. Trong cuốn sử của ông, phần II, đoạn 82, sử gia Thucydides tỏ ý tương tự, song diễn tả đậm nét ngậm ngùi: “Hai phe đều tuyên bố trong thâm tâm lúc nào cũng nghĩ tới lợi ích của thành quốc, nhưng trong thực tế cả hai chỉ nhằm nắm quyền kiểm soát chính trị, và giành giật ngõ hầu chiếm thế chủ động, thượng phong cả hai đắm mình trong cực đoan tồi tệ chưa từng thấy.”
Đối với Plato cơ chế quả đầu, quyền hành trong tay thiểu số, là xã hội trong đó quyền hành và uy thế gắn liền với của cải. Vì người giàu có thường ít ỏi, quyền hành lại đi đôi với tiền bạc, nên kiểm soát chính trị rơi vào tay thiểu số. Ngày quý tộc kế thừa (aristokratia), quyền hành trong tay nhóm xuất sắc qua rồi, mặc dù trong nhiều thành quốc vẫn còn gia đình cổ kính, như gia đình ông ở Athens, song huyết thống phải song hành với tài sản, và huyết thống tự nó phần lớn ảnh hưởng giới hạn về mặt chính trị. Dẫu chỉ nói sơ qua cơ chế quả đầu, song ông cho thấy thời ông thiểu số đầu sỏ nắm quyền cai trị. Ông đặc biệt không ưa quyền hành thuộc về của cải. Ông nghi ngờ động lực tư lợi và ảnh hưởng chính trị do của cải sinh ra; ông cho rằng trong cơ chế quả đầu, trong xã hội hám lợi, trữ tài, thế nào cũng xảy ra tình trạng người giàu khai thác, bóc lột người nghèo, mức độ không thuyên giảm mà gia tăng theo thời gian, do vậy xã hội sẽ có vấn đề mâu thuẫn và bất hòa.
Bàn tới cơ chế dân chủ, quyền hành trong tay nhân dân, Plato rút kinh nghiệm trực tiếp từ thành quốc Athens. Thời ông, người Hy Lạp sống thành thành quốc, cộng đồng gồm thành phố và vùng ruộng đất trồng trọt, cày cấy xung quanh, dân đồng quê sản xuất cung cấp phần lớn nhu cầu cho dân thành thị. Dân số thay đổi tùy theo diện tích và địa điểm, phần lớn không đông đúc như ngày nay. Dân số Athens thời ông có lẽ khoảng hai, ba trăm ngàn gồm công dân, người tự do và người nô lệ. Theo sử, Athens đông dân hơn hết, nhiều thành quốc không đông như thế. Trong số cư dân người nô lệ chiếm khoảng bảy, tám chục ngàn, người ‘ngoại nhập’ hoặc ‘kiều cư’ chiếm khoảng ba, bốn chục ngàn. Hai thành phần này không có quyền công dân, do vậy không có quyền bầu cử. Số công dân đến tuổi bầu cử, khoảng bốn, năm chục ngàn. Họ bầu Đại hội đồng gồm toàn công dân đàn ông. Đại hội đồng là cơ quan tối cao quyết định mọi việc điều hành thành quốc. Dưới Đại hội đồng là Hội đồng điều hành gồm 500 hội viên. Hội đồng điều hành chia thành ủy ban, mỗi ủy ban gồm 50 hội viên, có nhiệm vụ hành xử công việc một phần mười thời gian trong năm. Chức năng hội đồng điều hành quan trọng, song quyền hành trong thực tế do pháp luật quyết định: công dân rút thăm chọn người đại diện, hội viên tại chức một năm, không công dân nào là hội viên quá hai lần. Bởi thế Hội đồng điều hành không bao giờ trở thành cơ quan liên tục với chính sách riêng biệt. Đại hội đồng là cơ quan quyền lực tối cao. Tòa án cũng do dân chúng kiểm soát. Xử kiện đều diễn ra công khai trước bồi thẩm đoàn, số này hình thành qua bốc thăm và dân chúng lựa chọn; ngay cả pháp quan cũng có thể bị bồi thẩm đoàn xét xử nếu phạm
luật trong khi tại chức. Xuất hiện đầu tiên trong sinh hoạt chính trị quốc gia, cơ chế tạo ấn tượng tốt xấu lẫn lộn. Có người khen, có người chê. Thucydides ghi đơn giản mà ý nghĩa: “Cơ chế trao việc điều hành quốc sự cho đám đông mặc sức thao túng.” Ngày nay có học giả miêu tả cơ chế như “chính quyền do trưng cầu dân ý thường xuyên mà thành.” Plato cũng tỏ ý không ưa. Theo ông, đối với vấn đề chính trị, dân chúng thường nhận định non nớt, thiếu sót, sai lầm. Hơn thế dân chúng không có kinh nghiệm hoặc hiểu biết về ngoại giao, kinh tế, quân sự, văn hóa, khoa học. Dân chúng nhận xét theo cảm tính hoặc thành kiến. Do vậy lựa chọn không xác đáng, kết quả lợi ít hại nhiều. Bởi thế cơ chế mở đường cho chính khách thủ đoạn xuất hiện. Cũng vì thế, muốn bảo vệ địa vị, có lẽ cả lợi lộc, tìm đủ cách thỏa mãn dân chúng, chính khách sử dụng phương tiện ma giáo: thuyết giảng, tuyên truyền. Chỉ nhằm mua chuộc cảm tình, bất kể ước muốn đúng hay sai, chính khách không bao giờ đả động sự thật trần truồng hoặc đưa ra chính sách khiến dân chúng khó chịu. Như tay quảng cáo mại dô ngoài chợ, chỉ muốn khách mua hàng, càng nhiều càng tốt, không cần thực giả, tốt xấu thế nào, chính khách luôn luôn tuyên bố là bạn chí thiết của nhân dân, lúc nào cũng vì dân, do dân, bởi dân! Cơ chế còn chứa trong nó đặc tính khiến quần chúng mê say và tự hào: tự do. Cá nhân tự do muốn làm gì thì làm. Vì thế cơ chế có vẻ đa dạng và khác biệt, song hậu quả vô cùng phân hóa. Dân chúng thường tỏ ra không chịu ép mình trong tổ chức bất kể chính trị, tôn giáo, giáo dục hay đạo đức. Tình trạng giàu, nghèo chênh lệch khác thường, xã hội biến thành đấu trường âm thầm, quyết liệt. Tự do cơ chế tự hào là tự do của hai quốc gia, hai thành phần xã hội, giành giật miếng ăn hàng ngày. Về mặt đạo đức, cơ chế dẫn tới buông thả. Plato miêu tả xã hội đó khá sinh động trong phần 8 triết phẩm, đoạn 562a-564e.
Cơ chế cuối cùng là cơ chế độc tài. Plato nhận định cơ chế này phát xuất từ tình trạng hỗn loạn, chia rẽ khi cơ chế dân chủ bắt đầu băng hoại. Tuy thế, ông không nghĩ đó là quy luật tất yếu, bởi lịch sử xưa nay cho thấy vẫn có nhà độc tài ích quốc lợi dân, bởi phân hóa xã hội là do phản ứng chế độ độc đoán cực kỳ gây ra. Theo ông, cơ chế độc tài căn bản là chế độ có tính cách cá nhân. Nhà độc tài cần người theo. Thoạt đầu nhà độc tài cần vệ sĩ, đội quân bảo vệ gắn liền với mình về quyền lợi cũng như tội ác. Tuy thế, về cơ bản, quyền hành hoàn toàn cá nhân. Nhà độc tài là lãnh tụ, cơ chế cơ bản là thực hiện sở thích cá nhân, chính sách độc đoán của một cá nhân. Cơ chế độc tài sở đắc đặc tính tự hủy. Nhà độc tài không chấp nhận đối thủ, thế có nghĩa là trong số đối thủ cá nhân nào nổi bật buộc phải trừ khử; cá nhân nào có thể hoặc sẽ đương đầu với mình sẽ bị loại bỏ. Nhà độc tài thường xuyên nghi ngờ, gây thù hận, cần chiến tranh, biến động bên ngoài để dân chúng bên trong không chú ý sai lầm mình vấp phải, tội ác mình gây ra. Nhà độc tài về cơ bản có thể gọi là tội phạm. Mở đầu phần 9, đoạn 571a, ông phân tích nét tương đồng giữa nhà độc tài và tên tội phạm, phối hợp trong bản thân đặc tính say sưa, hiếu dục, điên cuồng. Với bản tính ham mê làm chủ, nhà độc tài thường không lành mạnh, đời người này là cuộc đời đắm chìm trong tội ác.
Phân tích hình thái xã hội đương thời nhìn thấy tai họa cần sửa đổi, Plato đề nghị phương sách. Ông thấy chế độ vị danh có hai cái xấu: cái xấu phân chia xã hội, phần này khai thác, sử dụng quyền lực đè nén phần kia; cái xấu thiếu sáng suốt, người Sparta có thể có nhiều đức tính, song đáng tiếc là họ không có khả năng trí thức để hiểu mình đang làm gì, hậu quả sẽ ra sao, có lợi hay có hại đối với người khác, do vậy nghi ngờ trí thức và mọi sự việc giải quyết theo đường trí thức. Chế độ quả đầu có cái xấu cơ bản là ham mê của cải, cái xấu này đã thấy trong chế độ vị danh. Nếu là động lực thúc đẩy sinh hoạt xã hội, ham mê như thế chưa hẳn là ham mê lành mạnh. Bởi địa vị và quyền hành mà gắn liền với tiền bạc, nếu cầm quyền, thay vì cai trị, người cầm quyền sẽ khai thác, trục lợi. Chế độ dân chủ thiếu liên kết, về mặt chính trị hay đạo đức, người đại diện và điều hành không được tôn trọng đúng mức. Chính quyền dân chủ thường thụ động thỏa hiệp, thay vì chủ động điều khiển, lãnh đạo lại mềm
dẻo nhằm đáp ứng đòi hỏi của quần chúng, do vậy dẫn tới phân chia giai cấp, xã hội sẽ gồm thành phần giàu có và thành phần nghèo khó. Chế độ độc đoán mang trong nó cái nguy hại, thông thường được kiềm chế, bản năng hung bạo, độc ác tự do phát triển. Kẻ tội phạm thì xã hội nào cũng có, nhiều hoặc ít mà thôi, ngay cả trong chế độ quả đầu, chế độ dân chủ, nhưng trong chế độ chuyên chế hạng này xuất hiện không những trong xã hội mà còn xuất hiện trong con người, xã hội do thành phần tội phạm điều khiển, đứng đầu là ma vương chính cống. Vậy theo Plato muốn bảo vệ xã hội, muốn xây dựng thành quốc ngõ hầu đem lại hạnh phúc cho toàn thể con người, điều cần làm là giải quyết dứt khoát tình trạng ba không: không bất hòa, không bất lực, không bất nhân như đã chứng kiến ở Athens và Syracuse.
Cộng Hòa Cộng Hòa - Plato Cộng Hòa