Số lần đọc/download: 6714 / 62
Cập nhật: 2015-12-15 12:59:19 +0700
Chương 1
T
hấy Ông Út sang chơi, ông Năm mời ngồi rồi bắt ngay vào chuyện
- Ông còn nhớ ngày xưa, hổi tôi và ông rủ nhau xuống làng Vạn. Cái làng đã gắn liền với thất bại của ông và tôi không?
Ông Út nói ngay:
- Nhớ quá đi chớ. Thất bại vì hai chúng ta máu mê cờ bạc…
Ông Năm lại nói: Ông có nhớ cái lão trùm xóc đĩa không? Lão đó là phù thủy!
-Đúng, đúng!
Ông Út gật gù, rồi như nhớ đến kỷ niệm vui buồn, ghi một bước từng trải, ông bắt đầu kể chuyện. Cô Năm con gái ông Năm cũng lắng nghe, còn ông Năm điểm thêm ý mình vào những câu: Tại sao? Vì sao lại như vậy, ông nhớ chớ… Hồi ấy chúng tôi đi đánh bạc thua một keo cực nặng, không còn xu nhỏ dính túi. Ông Út nhấc chén rượu lên môi rồi đặt xuống. – Mất tiền phải đi làm thuê. Nhưng cái chính là sợ. Tôi trước kia cũng vào loại coi trời bằng vung. Ma quỷ, thần thánh chỉ là người đời đặt ra để bịp bợm lừa đảo. Nhưng từ cái trận đó tôi sợ, tôi tin vào số trời, tin vào định mệnh, tin vào thầy phù thủy!
Dạo đó, tôi và ông Năm hay rủ nhau xuống làng Vạn đánh bạc. Đánh cũng bữa được bữa thua. Thua ít, được cũng không là mấy. Sau mùa màng rỗi rãi chơi bời cho phải mặt đàn ông. Dù chơi nhưng hai lần đặt tiền đánh không được là về, không cay cú, khát nước. Rồi vào dịp Tết nhà ông Năm bán con heo đúng giá hai nghìn đồng. Ông gặng mãi bán một con được hai nghìn hai năm chục. Bên tôi cũng bán một con giá nghìn bảy, nâng lên được hai nghìn. Bàn nhau mang tiền đi chợ tết, trước hết ghé vào làng Vạn đánh bạc đã. Đánh cái số bán hời thêm thôi. Còn số tiền đúng giá quyết không đụng đến. Có thua mất khoản tiền đó cũng không lấy gì làm xót ruột
Lớp cô Năm bây chừ lớn lên không hiểu gì về đánh xóc đĩa nên tôi nói qua một chút để cô hiểu: Hội xóc đĩa mở giữa đồng, trong một nhà vắng. Dùng hai đồng tiền một bề có chữ, một bề trơn. Cho vào chiếc đĩa rồi úp bát lên. Người chủ song bạc xóc xóc đặt xuống. Mọi người đều lắng nghe để đánh. Nếu hai sấp hoặc hai ngửa là chẵn, còn một đồng tiền sấp một đồng ngửa là lẻ. Người chủ sòng bạc có quyền mua chẵn hoặc mua lẻ. Mua tức là đồng ý đánh cuộc với người đã đặt tiền kia. Ví như họ đánh lẻ mà mở ra chẵn thi chủ sòng bạc thắng. Nếu mở ra mà lẻ thì chủ sòng phài trồng tiền trả họ. Họ đánh một trăm đồng, chủ sòng phải trả một trăm đồng. Đánh xóc đĩa phải có nghề mới hy vọng thắng. Họ lắng nghe khi đồng tiền rung rung trong bát một lúc rồi nằm xuống. Cách nằm ra sao thì mặt có chữ ở dưới, mặt trơn ở trên.
Hai chúng tôi đến chỉ đánh cái khoản tiền lẻ bán heo có lãi. Cũng không đánh ngay. Ngồi xem đã. Bao giờ có người được luôn hai ván mới xoay xoay đến bên họ đặt khoản tiền của mình vào. Đánh bạc cũng vận đỏ vận đen. Cho đến lúc khuya lắm rồi. Gà gáy lần một. Quanh chiều xóc đĩa đã có người lăn ra ngủ. Được thua chưa ngả hẳn về chủ sòng bạc hoặc người đánh, tiếng bán chẵn bán lẻ đều đều. Chúng tôi bấm nhau theo dõi vẫn chưa dám chìa tiền ra đánh. Đồng tiền của mình quý lắm chớ. Tần tảo từng ngọn rau, hạt cám mới góp thành. Phải thận trọng. Hôm ấy trời lất phất mưa ông Năm hè?
- Phải, trời lất phất mưa!
Ông Út nói tiếp:
- Cô Năm thông cảm, cô là người cách mạng, sẽ cho chúng tôi mê tín. Nhưng chuyện quả thật vậy, mười mấy năm rồi mà tôi cũng chưa rõ lý do.
Lão chủ sòng bạc cũng ở nơi khác đến đánh thôi. Thuê nhà giữa đồng, người có nhà thuê để sẵn chiếc hộp bằng gỗ, ai được phải bỏ vào đó ít nhiều tiền gọi là “hồ”. Đi với lão chủ sòng bạc là thằng bé lên mười đang ngủ bên cạnh. Thằng bé chẳng phải con lão, người gày nhom, nằm co hai đầu gối gần sát cằm. Ngồi cũng lâu, người đánh chưa hăng, lão chủ sòng mót đi tiểu. Xóc xóc bộ bát đĩa xong. Chờ một số người đã đặt tiền lẻ tẻ về phía chẵn. Lão quay lại phát mạnh vào mông thằng bé làm nó giật mình hốt hoảng ngồi dậy. Lão quát:
- Chưa gì đã nhíu mắt, dậy xem bàn để tao đi tiểu!
Thằng bé dùi dụi mắt, ngồi chập vàng ngó chăm chăm vào bát đĩa, canh cho lão chủ sòng ra ngoài. Nó nhìn ngơ ngác, rồi như sực tỉnh, mếu máo nói:
- Cháu là người ở, khổ lắm, bị ông đánh đập luôn. Ông nhiều tiền hết mở sòng bạc ở chỗ này lại đến chỗ nọ. Cháu cứ phải đi theo. Còn tiền, ông còn đánh bạc. Thôi thì chú bác đánh cho ông một lần cháy túi, để cháu được ngủ trọn giấc. Hết thức khuya dậy sớm. Đây nè, cháu nhấc bát lên cho chú bác xem. Đừng ai nói lại với ông. Ông sẽ đánh cháu. Nếu cháu bị đuổi thì xin chú bác dăm đồng gom góp mang về cho má cháu.
Thằng bé đưa tay nâng chiếc bát lên, mọi người nhìn rõ ràng trên đĩa một đồng sấp một đồng ngửa: Lẻ! Đánh lẻ! Cả những người đã đánh chẵn cũng rút lại đánh sang phía lẻ.
Nghe tiếng guốc đi vào, thằng bé úp bát về chỗ cũ, lấy chiếc bê rê đang đội đặt lên trên, ngồi chăm chăm nhìn như sợ người khác mở bát mất. Cả sòng bạc đều lo cho nó. Sợ lão chủ biết được.
Lão chủ vẫn bình thản quát thằng bé:
- Ra chỗ kia ngồi, trông khật khừ như gà ăn phải bọ xít! – Lão nhìn mọi người: Xin các vị đặt tiền cho!.
Tất cả mọi người rút tiền trong túi ra đặt vào phía lẻ, tôi và ông Năm mừng rơn. Vận đỏ đến nơi rồi, một được thành gấp đôi. Hai nghìn của tôi được thành bốn nghìn. Hai nghìn năm chục của ông Năm thành bốn nghìn năm trăm. Bốn nghìn tiêu đến cuối năm vẫn chưa cạn. Tết đến tha hồ rượu, gà, sắm quần áo mới cho vợ con. Tôi còn tính mua chiếc pác – đơ – xuy. Khoác vào, đi đêm hôm vừa đẹp, vừa ấm, nâng cao giá trị con người.
Mọi người cố giữ vẻ bình tình, cầu mong lão không thay đổi thái độ. Thấy lão đặt tay lên bát, mọi người lo nếu lão bán lẻ thì mất hết. Nhưng trông lão không có ý định gì là bán lẻ, lão lấy miếng trầu ra nhai. Mở chiếc túi đeo bên hông, lão nhẩm đến tiền, rồi hỏi:
- Không ai đánh chẵn, toàn lẻ cả à? Chuyền này định cho tôi kiệt quệ chắc. Được làm vua thua làm giặc. Này mua lẻ! Lão đặt tay lên bát. Có người đi về phía sau lưng lão định chặn khi lão hất bát lên thấy lẻ. Phải chồng một chiều đầy tiền kia, hoảng quá có thể lão bỏ chạy.
Đột ngột lão vất chiếc bát vào lòng người ngồi gần, phơi rõ hai đồng tiền trên chiếc đĩa màu xanh. Hoàn toàn khác! Không còn một đồng sấp một đồng ngửa như lúc nãy thằng bé nâng bát lên cho mọi người xem. Mà là hai đồng tiền sấp! Trơ bề sấp nhẵn nhụi bạc ác! Lão chủ sòng vơ giấy bạc nhét vào túi, trước sự sững sờ của mọi người, khi đã moi hết đồng cuối cùng ra đánh mong một trận thắng thật to.
- Vì sao đồng tiền trong bát thấy rõ ràng một sấp một ngửa, mà trở thành hai sấp. Lão thôi miên chăng? Hay đồng tiền có ma? Tôi run chân không đứng lên được nữa. Ông Năm cũng vậy, thất tha thất thểu như chết đuối vừa mới vớt lên. Mất hồn. Đau xót. Tết nhất, vui vẻ, ước mơ, mất sạch! Ông Năm đau một trận suýt tử. Không những rụng tóc mà còn rụng hết cả răng, ông uất quá. Uất vì đồng tiền đổi trắng thay đen, sấp ngửa ngay trước mặt mình, mà mình chịu bó tay.
Khi hai anh em đã hoàn hồn, người tinh tỉnh, vợ con hết càu nhàu về tiền bạc, mới rủ nhau xuống Điện Tân xem thầy phù thủy bắt ma ở nhà ông Chín Toại.
Nhà ông Chín Toại vào loại giàu nhất xã. Tường xây làm cải tiến giữa mới và cũ. Quanh nhà tường cao người đứng ngoài không nhìn vào được. Trền tường cắm mảnh chai và căng dây thép gai. Chó nhà ông có hàng đàn, có cả loại bêc-giê, nhảy cắn ngang cổ người.
Ông Toại có chú ruột mới chết. Thầy cúng nói ông chết vào giờ độc. Người chết vào giờ độc ban đêm sẽ đưa ma quỷ về bắt người thân đang sống. Biết vậy, chập tối ông Toại đóng cửa kín mít. Hai ba người nằm chung giường để ma về mê hoặc người nọ có người kia kéo lại. Đêm xuống mọi người im ro nghe ngóng. Bỗng có tiếng đập nhẹ vào cửa. Cả nhà nín thở lắng nghe. Tiếng đập lại tiếp tục. Rồi nhiều tiếng đập dồn dập. Những tiếng đập cửa kỳ lạ không giống bàn tay con người. Thế là rõ rồi! Người chết phải giờ xấu, đã đưa ma quỷ về định hành hạ con cháu.
Ông Chín Toại là người táo tợn liền bấm đèn, cầm dao nhọn dậy mở cửa, thì chẳng thấy gì cả. Ông đi vòng quanh sân không hề thấy một dấu tích để lại. Ông trở vào, vừa nằm xuống giường lai nghe tiếng đập cửa thình thịch. Đêm hôm sau phải thuê người trong xóm đến ngủ với ông Toại, còn đàn bà trẻ con đi ngủ nhờ nhà người khác. Vẫn không yên! Tiếng đập cửa liên tục. Ông Toại sợ. Vía ông có cứng mấy cũng không chịu nổi với ma quỷ. Ông phải lập đàn mời thầy phù thủy về cúng lễ, yểm bùa ngay, kẻo để lâu nguy hiểm. Hôm cúng yểm ma chúng tôi có đến xem. Thầy phù thủy cho âm binh hiện qua lá bùa tròn đặt trên mâm đồng. Thầy đọc phù chú, bắt quyết, các ngón tay đan chéo vào nhau. Đạo bùa trên mâm dần dần đi. Tài quá, sợ quá. Họ còn nói chuyện là có lần thầy bực mình vì chuyện gì đó, đã cho âm binh về ban ngày, giữa chợ, giậm chân vào hầu hết các hàng bán cháo, làm cho cháo nhão nhoẹt.
Thầy cho âm bình đi đuổi ma quỷ, cúng suốt ngày, đến chiều thầy lại lấy đạo bùa, viết chữ và dán vào nơi đêm ma về đấm cửa. Quả nhiên từ đêm đó nhà ông Toại yên tĩnh, không có tiếng đấm cửa nữa. Cả nhà thở phào. Sắp lễ đến tạ ơn thầy phù thủy.
Điều ngạc nhiên hơn là thầy phù thủy có đạo quân đáng sợ đó, chính là lão chủ sòng bạc đã làm cho chúng tôi sạt nghiệp. Tuy lão mặc áo dài đen, đội khăn đen, quần trắng, chúng tôi vẫn nhận ra. Và càng nhận ra hơn là thằng bé đi cạnh. Cái đầu nó cạo trọc lốc. Thằng bé dạo trước đã ngủ cạnh chiếu bạc, bị đập dậy, mở bát cho chúng tôi xem hai đồng tiền.
“Chu cha, tụi mình chơi phải thầy phù thủy”. Tôi nói rất nhỏ với ông Năm như sợ âm binh nghe. “Hỏng, chúng mình vậy là hỏng. Quỷ ma còn sợ thầy nữa là người”. Tụi tôi lặng lẽ lủi ra ngoài. Hỏi thăm mới biết thầy phù thủy nhận thằng bé làm con nuôi, dạy phù chú, truyền nghề để nó nối nghiệp.
- Cái chính là ở chỗ đó ông Út ạ. - Ông Năm đỡ lời rồi tiếp:
- Tại sao tôi muốn nói chỗ đó. Là vì tôi gặp thằng bé con nuôi thầy phù thủy năm nớ.
- Ông đi gặp hắn thật sao? - Ông Út sửng sốt hỏi. – Gặp hắn ở đâu? Vẫn tiếp tục làm phù thủy chớ?
- Không tiếp tục làm thầy phù thủy nữa. – Ông Năm đưa be rượu ngửa cổ tu một hớp. Hắn đã đổi lốt. Ông cũng không tinh. Hắn qua trước mặt mà ông không biết. Chẳng phải ai xa lạ. Chính hắn là anh cán bộ huyện, hiện đang ở xã ta, chỉ đạo du kích đánh địch.
- Làm sao mà ông biết?
- Tôi quên sao được khuôn mặt nớ. Khuôn mặt chút nữa làm tôi phát khùng.
- Cẩn thận, phải cẩn thận nghe ông. Thời buổi này “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (1)
- Tôi sai thì chết bỏ lại con Năm!
- Đừng thề độc miệng như vậy ông, thời buổi bom đạn. Nhưng ông có nhớ thằng bé ở với thầy phù thủy đó quê xã nào không?
- Lạ chi hắn con mụ Hộ ở xã Điện Tiến. Có hai anh em, cha bị địch giết.
- Còn anh cán bộ này?
- Lưng chiều anh ta đến tìm con Năm để bàn chuyện lấy mìn về đánh cầu. Gặp anh ta, tui thấy khuôn mặt quen quá. Lúc đầu tui tưởng mình đã quen bố hoặc anh anh ta. Sau hỏi thăm quê quán tự dưng tôi sực nhớ đến khuôn mặt thằng nhỏ dạo trước. Anh ta tưởng không liên quan chi đến lần đánh bạc đó nên đã kể vanh vách làng xã, cha chết lúc một tuổi, phải đi ở với ông Trẩn, phải đánh địch bằng tâm huyết của mình chứ không phải bằng phù phép. Anh cán bộ đó xuất quỷ nhập thần quá. Một đoàn tàu quân sự của địch chạy trên đường ray giữa vùng cát trắng xóa, nắng tưởng rộp da chân. Cứ năm phút là một tốp lính tuần canh đi qua, con chuột cũng bị bắt nát. Rứa mà anh ta đánh đổ, diệt gần trăm tên, phá hủy vô kể vũ khí. Nép chỗ mô? Cây không có, nước không có. Bãi cát rộng đến cây số. Người thường mà đánh được à? Phải nấp trong mây, thu nhỏ người như con kiến, phải có phép của Tề Thiên Đại Thánh mới che được cặp mắt của Mỹ ngụy.
- Ba nói chi lạ vậy. Trận đánh đó có con.
- Im., mày để tao nói tiếp. Lúc ra ngoài Hòa Vang bị lộ. Địch vây ba phía còn một phía là song. Vòng vây khép tròn dần, địch dùng que sắt thọc xuống từng tấc đất. Vậy mà không thấy anh ta. Người chớ có phải con cá con tôm chi mà bảo quẫy cái đuôi là mất tăm.
- Thôi ba! Ở Hòa Vang anh ấy có cơ sở, có hầm bí mật. Còn nhiều chuyện về cách thoát vòng vây địch không tiện nói để ba hiểu.
- Ừ thì cơ sở mật. Vậy tao hỏi chuyện ngay xã ta. Du kích bị càn, bị quét, bị vây, chết hết lớp này đến lớp kia, sao anh ta không chết, một sợi tóc cũng không đứt. Còn cái hôm địch cày ủi. Ruộng vườn cây cối bị đào xới, tất cả lở loét, không còn bờ, không còn nhà. Cày ủi cho tróc cơ sở. Cho sập hầm bí mật. Ngày đó thằng Nheo, thằng Chút nhảy lên ném lựu đạn rồi chết. Còn anh Hai Pháo, anh Năm Tân, anh gì nữa cùng về về một lần với anh cán bộ huyện đội. Ba anh kia ngồi im trong hầm cho xe nó ủi vào. Họ chết. Mình biết họ chết. Địch không biết họ chết. Số lớn ấy đã chết, đã hy sinh. Vậy mà anh cán bộ huyện đội không chết. Khi đó anh ta cùng ở với mọi người, cùng ở giữa khu cày ủi, răng mà anh ta không chết. Phải có phép thần, phải có âm binh đỡ ngược đỡ xuôi, bịt mắt kẻ thù cứu anh ta ra chớ!
- Con nói cho ba nghe. Anh ấy sống hôm đó cũng là chuyện may rủi. Có một dãy đất giữa hai chiếc xe, chúng không cày đến. Đất đỏ trùm lên. Thằng lái xe này tưởng thằng kia cày rồi. Chỗ đó lại chính là hầm bí mật. Con cùng ngồi chung với anh ấy con biết.
- Ừ, giờ việc chi mày cũng bênh. Anh ấy ở đâu mày ở đó. Làm như mày biết lắm ấy. Ăn phải bùa rồi.
Ngoài đường có tiếng người vừa đi vừa hát. Họ nhận ra tiếng Tư Thìn, Thực ra Tư Thìn đến đã khá lâu. Không thấy Năm ra họp, Lê Mình bèn cử Tư Thìn vào gọi, rồi dặn Tư Thìn làm nhiệm vụ gác phía bắc. Tư Thìn nấp vào cạnh hầm nghe chuyện biết được cô Năm là Đảng viên. À cái cô trông thường vậy lại là lãnh đạo đội du kích.
Hoạt động trong vùng địch, ai làm gì đều không biết việc của nhau. Tư Thìn còn biết Lê Minh, anh chàng cán bộ huyện là con nuôi thầy phù thủy. Gớm thiệt!
Tư Thìn có lối đi rất nhẹ, chân này không đặt kịp bước chân kia, bao giờ cũng như len giữa hai hàng ghế. Cuộc sống du kích kham khổ quá. Bật ra bật vào, Tư Thìn thấy ngán, Tư Thìn dao động. Nhất là trong đợt địch cày ủi.
Lê Minh đoán biết nên bảo Tư Thìn gọi cô Năm và giao nhiệm vụ gác. Anh không muốn Tư Thìn nghe kế hoạch chiến đấu sắp tới. Không may Tư Thìn nghe trộm được câu chuyện giữa cô Năm và ông Năm. Tư Thìn có ý khác nên quay lại đường cũ vừa đi vừa hát to rồi trở vào nói:
- Cô Năm ơi, Sao chậm vầy. Tôi chạy một hơi tới đây…