Số lần đọc/download: 2387 / 16
Cập nhật: 2016-02-19 20:59:23 +0700
Chương 1
D
uyên dừng lại khi lên tới bực thang cuối cùng vì mệt mà cũng vì do dự và có hơi khớp. Hôm nay là ngày đầu tiên nàng bước chân vào lớp học, không phải để học mà để dạy. Sau bốn năm sôi kinh nấu sử ở trường đại học sư phạm nàng đã tốt nghiệp và được bổ nhiệm làm giáo sư Việt Văn của trường trung học Hồ Ngọc Cẩn. Nàng vui vẻ nhận việc mà không nghĩ tới chuyện mình là một nữ giáo sư trẻ tuổi lại dạy ở trường toàn nam học sinh. Tiếng cười khằng khặc của một học sinh nào đó vang ra tận ngoài hành lang rồi tiếp theo giọng nói khào khào như vịt xiêm trống.
- Ê Chương… Hôm nay không có thầy Riệt Răn rậy tao đi ăn đậu đỏ bánh lọt được hôn?
- Hổng được… Ông giám thị nói với tao mình sẽ có giáo sư Riệt Răn mới tới dạy hôm nay…
- Ai rậy?
- Tao hổng biết? Mày hỏi chi rậy?
- Tao muốn lớp mình có một nữ giáo sư. Nhìn mặt mấy ông giáo đực rựa hoài nản quá…
Duyên nhận ra một điều là trong lúc đối đáp với nhau hai cậu học sinh này phát âm vần V thành ra R như tiếng Việt Văn thành ra Riệt Răn hoặc vậy thành ra rậy. Đây là lần thứ nhất nàng mới nghe dân Sài Gòn lại có lối phát âm kỳ cục và quái gở. Nàng nghĩ mấy cậu học trò này cố tình phát âm như vậy. Lập dị. Danh từ này đủ nghĩa để chỉ tới cái cung cách hay thái độ của đám học trò quái quỉ ở thị thành. Dù chưa bước vào lớp và dạy giờ nào nàng tự nhũ thầm bổn phận của một giáo sư Việt Văn là phải chỉnh sửa đám học trò lập dị ăn nói sai văn phạm và chính tả này.
Một giọng nói ồ ồ vang lên mà khi nghe Duyên phải nhăn mặt vì nó thiếu sự kính trọng đối với thầy cô và nhất là chê bai ở sau lưng.
- Tao chịu ý kiến của thằng Bá Vịt Xiêm… Nhưng mà tao muốn một cô tre trẻ… Ngó mái tóc bạc và nét mặt khó đăm đăm của bà Dung hoài tao thấy mình già khú đế…
- Có cô giáo trẻ vui hơn...
Nghe đám học sinh ồn ào phát biểu Duyên mỉm cười lẩm bẩm.
- Không biết rồi mấy cậu có ưa được cái mặt vô duyên này không…
Ngước nhìn tấm bảng Đệ Tứ A2 xong nàng mạnh dạn bước vào cửa. Lớp học đang ồn ào bỗng dưng lặng trang. Tám mươi sáu con mắt của bốn mươi ba cậu học trò nhìn đăm đăm ngay cửa ra vào. Chiếc áo dài màu trắng đơn sơ. Đôi guốc cao gót cũng màu trắng. Mái tóc huyền buông lơi trên bờ vai gầy. Cái cặp da ép sát vào ngực như sợ bị người khác giật lấy. Ánh thu ba long lanh ẩn ước một nụ cười thay cho lời chào hỏi.
Chương đứng dậy. Nhìn cô gái lạ giây lát nó định lên tiếng hỏi thời An la lên với giọng ngạc nhiên và mừng rỡ.
- Cô giáo Việt Văn… Cô giáo tụi bây ơi…
Tiếng rú, tiếng la, tiếng hét, nón, mũ, sách, tập vở bay tung lên trời. Tiếng vỗ bàn rầm rầm như tiếng trống trận Tây Sơn. Bốn mươi ba thằng nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò của lớp đệ tứ A2 chào mừng cô giáo mới bằng tất cả sôi nổi và nhiệt tình mà chúng có thể có được. Hơn tháng trời mỏi mòn chờ đợi một cô giáo trẻ đẹp, duyên dáng xuất hiện để tô điểm cho lớp học toàn đực rựa chứ không phải một bà giáo già nghiêm khắc hay ông giáo sư đạo mạo, nên bây giờ có được một bóng hồng đủ hương đủ sắc bởi vậy đứa nào cũng mừng rỡ như muốn nổi điên.
Duyên ngơ ngác nhìn. Nàng không biết làm gì trong tình thế này. Mới ra trường, chưa có chút kinh nghiệm nghề nghiệp do đó nàng hoàn toàn lâm vào tình trạng thụ động. May cho nàng lúc đó một giọng nói trầm và nghiêm vang lên tuy nhỏ nhưng cũng lọt vào lỗ tai đám học trò đang nghịch phá.
- Im tụi bây… Tụi bây làm cô giáo khóc bây giờ…
Bốn mươi ba học sinh không có ai cười vì câu nói này. Bặm đôi môi son cố không bật ra một tiếng nói nào Duyên nhìn một cậu học sinh đang tiến tới chỗ mình đứng. Nụ cười của cậu ta thật tươi, thật hiền mà cũng lộ ra chút gì giễu cợt.
- Thưa cô… Thay mặt toàn thể học sinh lớp đệ tứ A2 em xin chào mừng cô…cô…
Hiểu ý tốt của cậu học trò Duyên cất giọng nhỏ nhẹ.
- Cám ơn em… Tôi tên Quỳnh Duyên. Tôi sẽ là giáo sư phụ trách môn Việt Văn của các em…
Duyên hơi mỉm cười khi gọi đám học trò lớn chồng ngồng bằng hai tiếng các em. Nhiều cậu trông còn lão hơn nàng. Nhiều đứa cao hơn nàng cả cái đầu, nặng hơn nàng gấp đôi. Nhiều đứa đã bắt đầu để ria mép cho trông già hơn. Người ta thật kỳ. Con nít thời lại muốn làm người lớn còn người lớn lại sợ già nên cố tìm đủ cách làm cho mình trẻ ra. Nàng cảm thấy hơi ngường ngượng và không được thoải mái khi gọi đám học trò ông cụ non bằng hai tiếng các em.
- Cô ơi… Cô bao nhiêu tuổi hả cô?
Một đứa giơ tay lên kèm theo câu hỏi. Ngó về hướng có tiếng nói phát ra cô giáo mang tên Nguyễn Thị Quỳnh Duyên mỉm cười.
- Tôi còn trẻ lắm nhưng chắc già hơn em…
Cả lớp bật cười vì câu pha trò đầu tiên của cô giáo trẻ đẹp. Câu nói đùa làm cho hai phe thầy và trò cảm thấy thân mật và gần gụi chút chút đồng thời cũng làm cho bầu không khí trong lớp học được tự nhiên hơn. Duyên uyển chuyển bước về phía chiếc bàn đặt sát vách dành cho giáo sư. Có tiếng xì xào đâu đó và mỗi lúc một lan nhanh như điện.
- Tên của cổ đẹp hết sẩy tụi bây ơi...
- Ối giời ơi... Tao mê tà áo dài của cổ…
- Tao mết mái tóc huyền của cổ tụi bây ơi…
- Tao chịu nụ cười Giáng Kiều của cổ…
- Tao cảm đôi mắt em lặng buồn của cổ...
Duyên nghe hết những lời tán tụng hoặc đùa cợt đó song nàng cố tình làm lơ. Nàng muốn làm nghiêm, muốn giữ một thái độ kẻ cả. Đây là thái độ rất cần giữa thầy và trò để nàng có thể làm việc. Nàng được trả lương để dạy học, để bắt đám nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò này phải nghe lời mình. Dĩ nhiên nàng cũng đã nghe qua rất nhiều về chuyện học trò nam mê cô giáo cũng như nữ sinh mết thầy giáo của mình. Riêng nàng, nàng hoàn toàn không muốn rơi vào tình trạng oái oăm và khó xử này. Đối tượng của nàng không phải là đám học trò mặt búng ra sữa hay đầy mụn của lớp học. Người tình trong mộng của nàng nếu có, không thể là đám con nít choi choi đang tập làm người lớn.
- Em nào là trưởng lớp?
Duyên hỏi với giọng nghiêm nghị mà nàng có thể có được. Hỏi xong nàng thấy đứa học trò ngồi đầu bàn thứ nhất bên dãy tay mặt giơ tay lên.
- Thưa cô em là trưởng lớp...
Đi tới chỗ ngồi cậu học trò vừa trả lời Duyên hỏi với giọng nhỏ nhẹ
- Tên của em là gì?
- Dạ em tên Chương
- Chương đây không phải là văn chương mà là xình chương đó cô…
Đám học sinh cười ồ. Duyên hướng mắt về chỗ có tiếng nói phát ra.
- Em nào vừa nói đó tôi xin mời em đứng lên…
Một học sinh tóc dài, ăn mặc chải chuốt, có thân hình ốm và cao lỏng khỏng đứng lên cười cười. Duyên buông một câu ngắn để tỏ lộ sự không bằng lòng của mình.
- Em tên chi?
- Dạ tên Đan...
- Tôi không cấm em nói nhưng trước khi nói em nên xin phép tôi bằng cách giơ tay lên.
- Tại sao em phải xin phép cô trước khi nói?
Đan vặn. Ánh mắt của cô giáo tên Duyên long lanh sáng cùng với giọng nói thanh tao vang trong lớp học đang yên lặng.
- Bởi vì như vậy chứng tỏ em văn minh, lịch sự và lễ phép. Dân tộc mình là dân tộc có mấy ngàn năm văn hiến do đó chúng ta phải tỏ ra mình là người có văn hiến chứ không phải là người rừng. Ở nhà em có xin phép ba má trước khi nói không hả Đan?
Có vài học sinh không ngăn được tiếng cười khi nghe cô giáo mới mắng đứa học trò ngỗ nghịch là người rừng. Đan làm thinh. Nó có vẻ ngượng ngùng và bối rối. Đó là điều ít khi thấy ở thằng học trò nổi tiếng nhất lớp vì hai thứ giàu nhất và quậy nhất. Đứng im nhìn cô giáo giây lát xong Đan chầm chậm lên tiếng.
- Em xin lỗi cô…
Duyên mỉm cười tự mãn. Nàng đã làm chủ được tình thế bằng cách tỏ cho đám học trò thấy nàng cũng biết ăn nói và nhất là chúng phải kính trọng thầy dạy học của mình.
- Được rồi... Lần thứ nhất cô bỏ qua cho em...
Đan liếc nhanh một vòng quanh lớp. Thấy bạn học đều im lìm nó lẳng lặng ngồi xuống đoạn giơ tay lên thật nhanh. Duyên mỉm cười cất giọng. Cái giọng Sài Gòn của nàng nghe thánh thót hơn tiếng mưa thu rơi trong bản nhạc Giọt Mưa Thu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong bởi vì giọng nói này là vật sống phát ra từ cô giáo trẻ đẹp và duyên dáng.
- Em muốn nói điều gì hả Đan?
- Dạ thưa cô… Cô có giọng nói nghe hay lắm… Êm ái hơn tiếng mưa thu…
Cả lớp bật cười. Riêng Duyên phải dằn lòng lắm mới chỉ mỉm cười nhỏ nhẹ thốt lên ba tiếng.
- Cám ơn em…
Duyên quay mình trở về ghế ngồi. Tà áo dài màu trắng thướt tha. Đôi guốc cao gót gõ xuống nền xi măng tạo thành âm thanh êm ái. Không khí trong lớp học như bốc lên thứ hương thơm thoang thoảng. Ngồi đầu bàn thứ nhất bên tay trái Thắng hít hít mũi.
- Thơm quá…
Chương thì thầm với An, thằng bạn thân ngồi bên cạnh.
- Cô Duyên xức dầu thơm thơm chết người mày ơi…
An đưa tay lên vò vò mũi của mình.
- Tao ngửi như mùi hoa ngọc lan...
Duyên cúi mặt xuống cố dấu nụ cười dù không đứa học trò nào thấy được nụ cười sung sướng và tự mãn của nàng. Đó là triệu chứng tốt. Đám học trò bắt đầu nghe lời nàng. Chúng sẽ tuân phục nàng, xem nàng như một nữ hoàng không ngai. Mỗi lời nói của nàng là một mệnh lệnh mà chúng sẽ phải thi hành không hề thắc mắc. Điều khó khăn nhất là nàng phải giữ vững ngôi vị nữ hoàng. Nàng không thể để cho trái tim của mình bị rung động trước đám học trò. Muốn thế nàng phải biến trái tim của mình thành đất sét để nó không bị rung động, xao xuyến trước những tia nhìn ngưỡng mộ, si mê và tôn thờ của học trò. Nàng không được quyền yêu bởi vì yêu là hạ mình xuống ngang hàng với người yêu của mình. Muốn hoàn thành nhiệm vụ dạy học nàng phải ngồi trên cái ghế dành cho giáo sư chứ không thể xuống ngồi cùng bàn với học sinh được.
Trở lại ghế Duyên kín đáo quan sát cái ghế của mình trước khi ngồi xuống. Nàng không thể lơ là và không thể không đề phòng những chuyện bất ngờ sẽ xảy ra. Còn quá sớm để nàng có thể tín nhiệm đám học trò quỉ quái. Kinh nghiệm hồi còn đi học đã dạy nàng như thế. Cẩn thận hơn nàng còn lót tà áo dài của mình lên ghế xong mới nhẹ ngồi xuống. Má của nàng đã dạy như thế. Con gái phải cẩn thận cách ăn nói và đi đứng. Bởi vậy ông bà mình mới nói ăn coi nồi ngồi coi hướng. Trong lớp học nàng không cần phải coi hướng mà phải coi lại chỗ mình ngồi trước khi đặt đít xuống. Lót tà áo dài xuống rồi mới ngồi lên làm cho cái quần không dơ dáy và không nhăn nhúm. Không có gì khó coi cho bằng cái đít quần của người đàn bà lại dơ dáy và nhăn nhúm. Bà chị dâu, đồng thời cũng là giáo sư của trường Võ Trường Toản đã truyền lại cho nàng nhiều kinh nghiệm quí báu để đối phó với học trò con trai tinh nghịch và ưa chọc phá.
Thong thả ngồi xuống ghế xong Duyên nói nhỏ với Chương đang ngồi ở đầu bàn. Dù nàng nói nhỏ nhưng mọi học trò trong lớp đều nghe được vì đang im lặng chờ nghe nàng ra lệnh.
- Cô cần nói chuyện với em một chút...
Hiểu ý Chương bước tới bàn cô giáo. Đứng đối diện anh thấy cô giáo đang mỉm cười nhìn mình.
- Sau giờ tan học em có thể ở lại chừng mười lăm phút được không. Cô cần hỏi em vài chuyện...
- Dạ được cô... Chắc cô cần hỏi về bài vở?
Chương hỏi nhỏ. Duyên cười nhìn cậu học trò cũng đang nhìn mình.
- Cô cần hỏi em vài điều... Ông giám học có nói cho cô biết các em đã học tới đâu rồi nhưng cô cần biết nhiều hơn nữa...
Cô giáo tên Duyên ngừng lại để mỉm cười. Nàng cười vì vẻ mặt của cậu học trò trưởng lớp. Trước mặt nàng là khuôn mặt của một đứa con trai đang bắt đầu trưởng thành nhưng vẫn còn thấp thoáng nét thơ ngây và rụt rè của đứa trẻ. Hàng ria mép lún phún màu nửa đen nửa vàng. Mấy cái mụn nổi trên má. Ánh mắt tinh anh. Cái miệng nhỏ hơi mím lại cố làm ra vẻ người lớn.
- Ai là người giỏi Việt Văn nhất lớp?
Duyên hỏi và Chương trả lời không do dự.
- Thằng Tiểu Đinh Hùng thưa cô...
Duyên nhìn Chương một cách chăm chú có lẽ vì ngạc nhiên khi nghe nó nói tới tên này.
- Em nói gì cô không hiểu. Tiểu Đinh Hùng là ai?
Chương mỉm cười nói với giọng thân mật pha lẫn thán phục.
- Dạ... Tiểu Đinh Hùng là biệt danh của thằng Quát. Nó giỏi Việt Văn nhất lớp. Nó làm thơ hay lắm cô nên tụi em đặt cho nó cái tên Tiểu Đinh Hùng...
Duyên ạ tiếng nhỏ khi nghe Chương nói tới Quát với vẻ hâm mộ và thán phục. Điều đó khiến cho nàng ngạc nhiên và đâm ra tò mò muốn biết về cậu học trò này.
- Tiểu Đinh Hùng ngồi ở đâu?
Chương cười với cô giáo mới.
- Nó ngồi ở bàn cuối bên tay mặt đó cô...
Duyên liếc nhanh về cái bàn ở cuối lớp nhưng thấy trống trơn. Hiểu ý Chương nói nhanh.
- Hôm nay Tiểu Đinh Hùng không có đi học cô... Nó bịnh...
Duyên gật đầu mỉm cười như hiểu ra. Nàng muốn hỏi đùa một câu là: Còn em có quái danh gì vậy... nhưng kịp thời ngăn lại vì không muốn đùa giỡn trước mặt học trò.
- Thưa cô... Em đề nghị cô đọc tên của học sinh trong bảng danh sách. Cô đọc tới tên nào thời đứa đó đứng lên. Như vậy cô dễ nhận diện và nhớ tên của tụi nó...
Duyên thầm cám ơn về đề nghị của Chương. Liếc nhanh bảng danh sách học sinh xong nàng bảo Chương trở về chỗ ngồi. Hướng xuống đám học sinh đang yên lặng nàng cất giọng thanh tao.
- Để dễ dàng cho cô làm quen với các em, cô sẽ gọi tên các em. Cô đọc tới tên em nào thời em đó đứng lên. Nếu em nào có quái danh, biệt danh, hổn danh muốn xưng ra cũng được...
Bốn mươi ba học sinh cười rú lên khi nghe cô giáo đùa một câu. Cầm bảng danh sách, bước xuống đứng nơi hàng ghế thứ nhất nơi chính giữa lớp nàng cao giọng đọc theo thứ tự a, b, c...
- Lê Quốc An...
Một cậu học trò cao nhòng, ốm như cây tre và có khuôn mặt vừa nhọn vừa dài đứng lên.
- Thưa cô em là An, được giang hồ đặt cho biệt danh An Mặt Ngựa...
Duyên mím môi cố kềm hãm tiếng cười. Từ dãy bàn cuối lớp vang lên giọng eo éo.
- Nó nói chưa hết đó cô... Phải là An Mặt Ngựa Nước Hai mới đúng...
Cả lớp cười rú lên. Duyên đưa tay lên môi ra hiệu cho học sinh im lặng.
- Xuỵt...Các em đừng cười lớn quá. Lớp bên cạnh đang học...
- Trương Văn Bảng...
Khi cậu học trò có khuôn mặt hao hao con gái, nước da trắng đứng lên nàng mới nhận ra đó là người có giọng nói eo éo vừa nói câu An Mặt Ngựa Nước Hai....
- Dạ cô. Em có biệt danh là Đông Phương Bất Bại...
Duyên cau mày chưa kịp nói gì thời một đứa ngồi sát trong góc vừa đưa tay lên vừa nói.
- Cô có đọc truyện chưởng Kim Dung không cô?
Duyên lắc đầu. Thật ra nàng có nghe mấy ông anh nói về loại truyện này nhưng không có đọc vì không thích chuyện đánh nhau.
- Đông Phương Bất Bại là thằng cha lại cái. Thằng Bảng nó có giọng nói như con gái nên được tụi này tặng cho biệt danh đó...
Đám học sinh ré lên cười khiến cho Duyên phải đưa tay làm dấu cho mọi người im lặng. Tiếng cười tắt thật nhanh song tiếng ằng ặc trong họng của vài đứa vẫn còn vang lên nho nhỏ. Theo thứ tự từ trên xuống dưới, Duyên gọi tên của học trò. Khi tới cái tên Nguyễn Đình Quát nàng lẩm bẩm đọc rồi lướt qua luôn.
Cuộc điễm danh kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Duyên cảm thấy thoải mái, tự tín và càng lúc càng thêm quen thuộc với học trò của mình hơn. Nàng thầm thở hơi dài nhẹ nhỏm khi tiếng chuông hết hai giờ học vang lên.