Nguyên tác: Cat Among The Pigeons (1959)
Số lần đọc/download: 365 / 60
Cập nhật: 2020-04-04 23:39:40 +0700
Mở Đầu - Học Kì Hè
H
ôm ấy là ngày khai giảng kì học hè ở trường Meadowbank. Ánh chiều tà đổ xuống con đường lát sỏi rộng thênh trước tòa học xá. Cửa trước rộng mở vui đón khách, và ngay ở cửa, tương xứng một cách đáng ngưỡng mộ theo đúng tỉ lệ kiến trúc thời Georgia của tòa nhà là cô giáo Vansittart, tóc gọn gàng, áo khoác và váy được cắt may không chê vào đâu được.
Một số bậc phụ huynh không biết rõ đã nhầm bà với bà Bulstrode, mà đâu hay bà Bulstrode có lệ rút lui vào cấm cung, ở đấy chỉ số ít bậc phụ huynh chọn lọc được hưởng đặc quyền mới được đón tiếp.
Đứng cạnh cô Vansittart, đang điều hành ở một mức độ hơi khác là bà Chadwick, với vẻ tự tin, hiểu biết, và ở Meadowbank này bà đóng một vai trò lớn đến độ thật khó tưởng tượng trường Meadowbank lại không có bà. Chưa bao giờ ngôi trường này thiếu vắng bà. Bà Bulstrode và bà Chadwick đã cùng nhau khởi lập Meadowbank. Bà Chadwick đeo kính không gọng, đầu hơi cúi, ăn mặc không mấy cầu kỳ, giọng nói hòa nhã, và tình cờ thay lại là một nhà toán học xuất sắc.
Những lời chào đón ân cần của cô Vansittart ân cần vang khắp tòa nhà.
“Bà có khỏe không, thưa bà Arnold? Ồ, Lydia, chuyến đi tàu Hellenic của em có vui không? Thật là một cơ hội tuyệt vời! Em có chụp được nhiều ảnh đẹp không?
“Vâng, thưa bà Garnett, bà Bulstrode đã nhận được thư của bà về Lớp Nghệ thuật, tất cả đã được thu xếp rồi.
“Bà khỏe không, thưa bà Bird?… Ô? Tôi nghĩ hôm nay bà Bulstrode không có thời gian để bàn bạc chuyện này. Cô Rowan ở đây, bà có muốn nói chuyện với cô ấy về vấn đề này không?
“Chúng tôi đã chuyển phòng ngủ của em rồi, Pamela ạ. Em giờ ở chái nhà phía xa, cạnh cây táo…
“Vâng, quả vậy, thưa bà Violet, từ đầu mùa xuân tới giờ thời tiết thật kinh khủng. Cháu bé nhất nhà bà đây phải không? Tên cháu gì nhỉ? Hector hả? Cháu có máy bay đẹp thế, Hector.
“Très heureuse de vous voir, Madame. Ah, je regrette, ce ne serait pas possible, cette après-midi. Mademoiselle Bulstrode est tellement occupée.Rất vui được gặp bà, thưa bà. Ồ, tôi rất tiếc chiều nay thì không thể rồi. Bà Bulstrode rất bận.
“Xin chào giáo sư. Ngài có khám phá thêm được điều gì thú vị không?”
Trong căn phòng nhỏ ở tầng một, Ann Shapland, thư ký của bà Bulstrode, đang đánh máy thoăn thoắt và chính xác. Ann năm nay ba lăm tuổi, vẻ ưa nhìn, mái tóc vừa vặn như chiếc mũ sa-tanh đen đội lên đầu. Nếu muốn, cô có thể trông quyến rũ hơn, nhưng cuộc đời đã dạy cô rằng năng lực và hiệu quả thường được trả công cao hơn vẻ ngoài, lại tránh được những phiền toái bực mình. Ở thời điểm này, cô đang tập trung vào tất cả mọi công việc mà một người thư ký hiệu trưởng của một trường nữ sinh nổi tiếng cần làm.
Thỉnh thoảng, khi đặt một tờ giấy vào máy chữ, cô lại nhìn ra cửa sổ và lộ rõ niềm thích thú về những vị khách mới đến.
‘Trời đất ơi!’ Ann tự nhủ, vẻ ngưỡng mộ, ‘Mình không biết ở nước Anh vẫn còn nhiều tài xế riêng đến vậy!’
Rồi cô bất giác mỉm cười, khi một chiếc xe Rolls uy nghi chạy đi và một chiếc xe Austin nhỏ xíu, cũ mèm và méo mó tiến vào. Một ông bố vẻ lo lắng từ xe bước ra, cùng cô con gái trông bình tĩnh hơn nhiều so với ông bố.
Khi ông dừng lại chừng như sắp ngã đến nơi, thì cô Vansittart từ trong nhà bước ra và làm chủ tình huống.
“Thiếu tá Hargreaves phải không ạ? Đây hẳn là Alison rồi? Xin mời vào trong nhà. Mong ngài vào xem phòng của Alison…”
Ann nhếch mép cười rồi tiếp tục đánh máy.
‘Ôi đúng là Vansittart, người đóng thế vinh quang,’ cô tự nhủ. ‘Cô ta có thể học theo mọi mánh lới của bà Bulstrode. Quả thật, cô ta rất thuộc bài!’
Một chiếc xe Cadillac to lớn và xa hoa đến khó tin, sơn hai tông màu, đỏ mâm xôi và xanh dương, rẽ vào (hơi khó khăn do chiều dài của nó) và đỗ phía sau chiếc xe cũ của Thiếu tá Alistair Hargreaves.
Tài xế bật mở cửa, một người da sẫm, bộ râu dày, mặc áo choàng aba là lượt bước ra, theo sau là một tín đồ thời trang Pari và sau đó nữa là một cô bé mỏng mảnh, da sẫm.
‘Đấy chắc hẳn là Công nương… tên là gì ấy nhỉ,’ Ann nghĩ. ‘Không thể tưởng tượng nổi cô bé ấy mặc đồng phục, nhưng mình cho rằng điều thần kỳ sẽ xuất hiện ngày mai…’
Lần này cả cô Vansittart và bà Chadwick đều xuất hiện.
‘Họ sẽ được đưa vào danh sách diện kiến,’ Ann quả quyết.
Rồi cô nghĩ, cũng khá lạ, rằng người ta không thích đùa cợt về bà Bulstrode. Bà Bulstrode là Người Ai Cũng Biết. ‘Tốt hơn nên tập trung vào chuyên môn đi,’ cô tự nhủ, ‘và gõ xong mấy bức thư này không sai lỗi thì hơn.’
Ann không phải là người hay phạm lỗi lầm. Cô đủ giỏi để có quyền chọn việc như ý. Cô từng là trợ lý riêng cho tổng giám đốc một công ty dầu mỏ, thư ký riêng cho ngài Mervyn Todhunter, nổi tiếng về sự uyên bác, thói cáu bẳn và chữ viết tay khó đọc. Trong số những người thuê cô làm việc, có hai người là Chủ tịch Nội các và một vị công chức quan trọng trong cơ quan chính phủ. Nhưng nhìn chung, công việc của cô luôn là giữa đám đàn ông. Cô băn khoăn mình sẽ thế nào, như cách nói của cô, khi hoàn toàn giữa đám phụ nữ. Ờ - thì đằng nào cũng là những trải nghiệm thôi. Và dù thế nào cũng có Dennis! Dennis thủy chung từ Malaya, từ Burma, từ nhiều nơi trên thế giới trở về, và vẫn như xưa, vẫn tận tình, và hỏi cưới cô lần nữa. Dennis thân thương! Nhưng thật là tẻ nhạt lắm mới đi cưới Dennis.
Trong tương lai sắp tới, cô sẽ nhớ đến thời gian được làm việc cùng nam giới. Tất cả những giáo viên ở đây - không có lấy một mống đàn ông nào cả, ngoại trừ lão làm vườn đã tám chục tuổi.
Nhưng đến đây Ann bỗng ngạc nhiên. Nhìn ra cửa sổ, cô thấy một người đàn ông đang xén hàng rào ngay phía bên kia lối đi dành cho ô tô - rõ ràng là một người làm vườn nhưng mà còn lâu mới tám chục tuổi. Trẻ, tóc đen, và điển trai. Ann ngẫm ngợi, hình như người ta có nhắc đến chuyện thuê người phụ việc, nhưng người này đâu phải dân quê mùa. À thì, ngày nay người ta làm đủ thứ việc. Một số thanh niên đang cố tích góp tiền cho dự định này nọ trong tương lai, hay chỉ kiếm đủ sống qua ngày. Nhưng anh ta đang xén hàng rào theo cách rất chuyên nghiệp. Chắc hẳn anh ta là một người làm vườn thực thụ.
‘Trông anh ta,’ Ann tự nhủ, ‘trông anh ta như thể đang thích thú…’
Chỉ còn phải đánh máy một bức thư nữa, cô vui mừng nhận ra, rồi cô sẽ dạo quanh vườn…
Trên tầng, cô Johnson, y tá của trường, đang bận bịu xếp dọn, đón những người mới, và chào các học sinh cũ.
Cô vui mừng vì kì học mới lại bắt đầu. Cô không bao giờ biết làm gì vào những ngày nghỉ. Cô có hai người chị gái, họ đã có chồng, và cô luân phiên đến ở với họ, nhưng theo lẽ dĩ nhiên, họ quan tâm công việc và gia đình của riêng mình hơn là quan tâm đến trường Meadowbank. Cô Johnson, dù theo nghĩa vụ vẫn quý mến các chị em mình, nhưng thực sự chỉ quan tâm đến trường Meadownbank mà thôi.
Đúng vậy, thật vui vì kì học đã bắt đầu…
“Cô Johnson?”
“Ừ, Pamela.”
“Cô Johnson ơi. Em nghĩ trong vali của em có gì đó bị vỡ. Nó rỉ nước lên các thứ. Em nghĩ đấy là dầu dưỡng tóc.”
“Chậc chậc!” Cô Johnson nói, vội vã giúp đỡ.
Trên bãi cỏ phía bên kia lối đi rải sỏi dành cho ô tô, cô Blanche, cô giáo tiếng Pháp mới, đang rảo bước. Bằng cặp mắt tán thưởng, cô ngắm nhìn người thanh niên khỏe mạnh đang xén hàng rào.
Assez bieriKhá lắm, cô Blanche nghĩ.
Cô Blanche dáng mảnh dẻ, tính nhút nhát, và không mấy nổi bật, nhưng bản thân cô lại chú ý đến đủ mọi chuyện.
Đôi mắt cô hướng sang những chiếc xe tiến về cửa trước. Cô đánh giá chúng theo thang độ tiền bạc. Trường Meadowbank này chắc chắn phải ghê gớm lắm. Cô nhẩm tính lợi nhuận bà Bulstrode thu về.
Vâng, quả đúng vậy. Ghê gớm lắm.
Cô Rich, giáo viên dạy môn Ngữ văn và địa lý, vội vã tiến đến tòa nhà, thỉnh thoảng hơi vấp chân vì, như thường lệ, cô quên nhìn xem mình đang đi đâu. Mái tóc cô, cũng như thường lệ, đã tuột khỏi búi tóc. Cô có khuôn mặt xấu xí nhưng đầy hăm hở.
Cô tự nhủ: ‘Lại được trở về! Trở về đây… Cứ như nhiều năm rồi…’ Cô vấp phải cái cào, anh chàng làm vườn đưa một cánh tay ra, nói:
“Bình tĩnh nào, thưa cô.”
Eileen Rich nói “Cảm ơn anh,” mà không nhìn anh ta.
Cô Rowan và cô Blake, hai giáo viên mới, đang tản bộ về phía Cung Thể thao. Cô Rowan dáng gầy, tóc đen, và tính tình sôi nổi, còn cô Blake phúng phình, tóc vàng. Họ đang hăng hái chuyện trò về những cuộc phiêu lưu gần đây của mình ở Florence: những phong cảnh đã ngắm, những bức điêu khắc, những loại hoa trái, và những cuộc săn đón (với ý định không mấy tốt đẹp) của hai quý chàng người Ý.
“Dĩ nhiên ai chả biết,” cô Blake nói, “người Ý là như thế nào.”
“Phóng túng,” cô Rowan nói, cô học ngành Tâm lý và Kinh tế. “Hoàn toàn lành mạnh, người ta dễ cảm nhận như vậy. Không hề đè nén.”
“Nhưng Guiseppe tỏ ra khá ấn tượng khi biết em dạy ở trường Meadowbank,” cô Blake nói. “Anh ấy ngay lập tức tỏ ra kính trọng hơn. Anh ấy có người bà con muốn đến dạy ở trường này, nhưng bà Bulstrode không chắc là còn vị trí nào cần người không.”
“Meadowbank là ngôi trường thật sự danh giá,” cô Rowan vui vẻ nói. “Thực sự, Cung Thể thao mới trông ấn tượng nhất. Chị chưa bao giờ nghĩ nó đi vào hoạt động đúng tiến độ.”
“Bà Bulstrode nói phải đúng như vậy,” cô Blake nói với giọng khỏi tranh cãi gì thêm.
“Ô,” cô buông thêm một tiếng ngạc nhiên.
Cửa Cung thể thao bất ngờ mở ra, và một phụ nữ trẻ xương xẩu, mái tóc hung đỏ xuất hiện. Cô nhìn chằm họ bằng ánh mắt sắc lẹm thiếu thiện cảm rồi nhanh chóng rời đi.
“Đó hẳn là cô giáo mới dạy thể dục,” cô Blake nói. “Người đâu thô lỗ thế!”
“Người thay thế không được dễ chịu lắm,” cô Rowan nói. “Cô Jones ngày xưa bao giờ cũng thân thiện và hòa đồng.”
“Cô ta cứ nhìn chằm chằm bọn mình,” cô Blake bực bội nói.
Cả hai đều cảm thấy khó chịu.
Phòng khách của bà Bulstrode có cửa sổ hướng về hai phía, một phía quay về lối dành cho ô tô và bãi cỏ, và cửa còn lại hướng về khóm cây đỗ quyên sau nhà. Một cản phòng khá ấn tượng, và bà Bulstrode còn hơn cả một người ấn tượng. Bà dáng cao, trông khá quý phái, với mái tóc hoa râm được chải rất đẹp, đôi mắt xám đầy nét hóm hỉnh, và đôi môi cương nghị. Thành công của ngôi trường (Meadowbank là một trong những ngôi trường thành công nhất ở Anh) hoàn toàn nhờ vào cá tính của vị Hiệu trưởng. Học phí rất đắt đỏ, nhưng điều đó không hẳn là vấn đề. Nói chính xác hơn là: bạn đã chi khối tiền vào đó thì bạn được đền đáp xứng đáng.
Con gái của bạn được giáo dục theo cách bạn muốn, và cũng theo cách bà Bulstrode muốn, và kết quả của hai mong muốn ấy gộp lại mang đến sự hài lòng. Vì học phí cao như vậy, bà Bulstrode có thể thuê đủ giáo viên toàn thời gian. Ngôi trường này không phải kiểu nhà máy sản xuất hàng loạt, nhưng dù trường đề cao chủ nghĩa cá nhân, nó cũng có kỷ luật. Kỷ luật nhưng không khắt khe, ấy là khẩu hiệu của bà Bulstrode. Theo bà, kỷ luật tạo cho lớp trẻ sự tự tin, giúp chúng cảm giác an toàn; khắt khe chỉ gây ra bực dọc. Học sinh của bà rất đa dạng. Có nhiều em là học sinh nước ngoài thuộc các gia đình khá giả, thường là các hoàng gia nước ngoài. Cũng có những cô bé Anh quốc thuộc gia đình danh giá hay giàu có, muốn được giáo dục về văn hóa và nghệ thuật, có kiến thức chung về xã hội và đời sống, các em sẽ trở thành những con người dễ mến, biết chăm sóc diện mạo và có khả năng tham gia vào những cuộc trò chuyện đòi hỏi trí tuệ ở bất kỳ chủ đề nào. Có những em muốn học tập chăm chỉ và đậu các kỳ thi để nhận nhận được bằng cấp cần thiết; và để làm được như vậy, các em cần được dạy dỗ tốt và sự quan tâm đặc biệt.
Có những em phản ứng tiêu cực với đời sống học đường truyền thống. Nhưng bà Bulstrode có nguyên tắc của mình, bà không chấp nhận những học sinh kém trí tuệ hay tội phạm vị thành niên, và bà thích nhận những cô bé mà bà quý mến cha mẹ chúng, và những cô bé mà ở chúng bà nhìn thấy triển vọng phát triển. Độ tuổi các học sinh của bà cũng đa dạng. Có những em trước đấy đã thành thiếu nữ, và có những em ít nhiều còn trẻ con, một số cô bé có cha mẹ sống ở nước ngoài, và qua họ bà Bulstrode đặt kế hoạch những kỳ nghỉ lễ thú vị. Phán quyết cuối cùng và tối hậu là sự chấp thuận của chính bà Bulstrode.
Lúc này, bà đang đứng cạnh lò sưởi, lắng nghe giọng nói có phần rền rĩ của bà Gerald Hope. Với tài phán đoán tuyệt vời, bà không gợi ý bà Hope nên ngồi xuống.
“Bà thấy đấy, Henrietta rất nhạy cảm. Quả thật là rất nhạy cảm. Bác sĩ của chúng tôi bảo…”
Bà Bulstrode gật đầu, với sự trấn an nhẹ nhàng, kiềm chế lời nói châm chọc mà đôi khi bà thèm muốn thốt ra.
“Thưa bà của tôi ơi, chẳng phải các bà mẹ cả lo đều nói những điều như vậy sao?”
Bà nói với vẻ cảm thông hết sức.
“Bà không cần lo lắng đâu, bà Hope ạ. Giáo viên của chúng tôi, cô Rowan, là người được đào tạo toàn diện về tâm lý. Tôi chắc chắn bà sẽ rất ngạc nhiên trước thay đổi bà nhận thấy ở Henrietta (Đấy là một đứa trẻ ngoan, thông minh hơn bà nhiều) sau một vài kì học ở đây.”
“Ồ tôi biết. Bà đã làm được những điều kỳ diệu cho con nhà Lambeth - hết sức kỳ diệu! Nên tôi rất vui lòng. Và tôi - Ồ vâng, tôi quên mất. Trong sáu tuần nữa chúng tôi sẽ đi miền nam nước Pháp. Tôi nghĩ sẽ mang Henrietta đi cùng. Đấy sẽ là một kỳ nghỉ ngắn với con bé.”
“Tôi e là không thể làm vậy được,” bà Bulstrode nói dứt khoát nhưng mỉm cười duyên dáng, như thể bà đang chấp nhận đề nghị chứ không phải từ chối.
“Ồ! Nhưng mà…” khuôn mặt dằn dỗi yếu ớt của bà Hope do dự, tỏ vẻ nóng giận. “Quả thật, tôi phải nói rằng. Dù gì, con bé là con của tôi.”
“Chính xác như vậy. Nhưng đây là trường của tôi,” bà Bulstrode nói.
“Chắc chắn tôi có thể mang con tôi đi bất cứ lúc nào tôi muốn?”
“Ồ vâng,” bà Bulstrode nói. “Bà có thể. Dĩ nhiên là bà có thể. Nhưng như vậy, tôi cũng sẽ không nhận cô bé lại. ”
Bà Hope lúc này thực sự cáu giận.
“Xét đến mức học phí tôi trả ở đây…”
“Chính xác,” bà Bulstrode nói. “Bà muốn con gái bà học trường của tôi, có phải không? Nhưng hãy chấp nhận trường này như vốn có, hoặc là bỏ đi. Cũng giống như mẫu Balenciaga quyến rũ bà đang mặc. Có phải đồ Balenciaga không? Thật thỏa lòng khi gặp một phụ nữ có gu thẩm mỹ thực sự.”
Bà nắm tay bà Hope, lắc lắc, và khéo léo dẫn bà ta về phía cửa.
“Đừng lo lắng gì cả. À, Henrietta đang đợi bà kìa.” (Bà nhìn Henrietta trìu mến, một cô bé thông minh, khôn khéo nếu quả tuổi ấy có đứa bé như vậy, xứng đáng có một bà mẹ tốt hơn.) “Margaret, đưa Henrietta Hope đến chỗ cô Johnson.”
Bà Bulstrode lui vào phòng khách và một lát sau chuyển sang nói tiếng Pháp.
“Dĩ nhiên rồi, Thưa quý bà, cháu của bà có thể học khiêu vũ hiện đại. Môn học xã giao quan trọng nhất. Và cả ngôn ngữ cũng là môn thiết yếu nhất.”
Những vị khách tiếp theo được báo hiệu bằng một làn nước hoa đắt tiền suýt đẩy bà Bulstrode lùi lại.
‘Hẳn hàng ngày bà ta dốc cả lọ nước hoa lên người mất,’ bà Bulstrode thầm nhận xét, khi bà chào một phụ nữ da sẫm màu, vận quần áo trang nhã.
“Enchantée, Madame.Rất vui được gặp bà.”
Quý bà khẽ bật cười duyên dáng.
Một người đàn ông dáng đậm, râu rậm, vận đồ phương Đông cầm tay bà Bulstrode, cúi chào, và nói với thứ tiếng Anh rất chuẩn, “Tôi vinh dự được đưa đến đây Công nương Shaista.”
Bà Bulstrode biết rõ về học sinh mới của mình, cô bé vừa từ một trường học ở Thụy Sĩ chuyển tới, nhưng lại không rõ về người tháp tùng cô bé. Không phải Hoàng thân, bà quả quyết, có lẽ là thủ tướng hoặc Bộ trưởng Ngoại giao. Như lẽ thường khi còn chưa chắc, bà dùng đến danh xưng quý ông, và bảo đảm với ông ta rằng Công nương Shaista sẽ được chăm sóc tốt nhất.
Shaista mỉm cười lịch thiệp. Cô bé cũng ăn mặc rất thời trang và xức nước hoa. Tuổi cô bé, như bà Bulstrode biết, là mười lăm, nhưng cũng giống nhiều cô bé phương Đông và Địa Trung Hải, trông cô bé già dặn hơn - khá trưởng thành. Bà Bulstrode nói về những môn học dự kiến cho cô bé, và thấy nhẹ lòng vì cô bé đáp lại ngay bằng một thứ tiếng Anh tuyệt vời, và không hề cười vô nghĩa. Thực ra, phong thái của cô bé tỏ ra dễ chịu hơn so với kiểu vụng về ngượng nghịu của nhiều cô nữ sinh người Anh ở tuổi mười lăm. Bà Bulstrode thường nghĩ rằng nếu gửi các cô bé Anh quốc ra nước ngoài, tới các nước Cận Đông để học phép lịch sự cũng như lối xử sự ở nơi đó thì đấy hẳn sẽ là một kế hoạch tuyệt vời. Nhiều lời khen ngợi được cả hai phía đưa ra, rồi căn phòng lại vắng vẻ trở lại dù vẫn ngập đầy mùi nước hoa khiến bà Bulstrode phải mở hết hai cửa sổ cho hương bay ra.
Những vị khách tiếp theo là bà Upjohn và con gái Julia.
Bà Upjohn là một phụ nữ còn trẻ, dễ thương, tuổi đã gần bốn mươi, tóc vàng sẫm, mặt rám tàn nhang, với một chiếc mũ không phù hợp, xem ra bà đội chỉ vì nhượng bộ trước tính nghiêm túc của sự kiện này, vì bà rõ ràng là kiểu phụ nữ thường không đội mũ.
Julia là một cô bé mặt đầy tàn hương, với cái trán thông minh, vẻ hài hước.
Những câu thăm hỏi diễn ra nhanh chóng rồi Julia được Margaret đưa đến cô Johnson, lúc đi cô bé vui vẻ nói, “Lâu lắm đấy, Mẹ ơi. Mẹ hãy cẩn thận khi thắp lò sưởi khí ga nhé, vì bây giờ con không ở đó để làm việc ấy.”
Bà Bulstrode mỉm cười quay sang bà Upjohn, nhưng không mời bà ta ngồi xuống. Không chừng dù vẻ ngoài của
Julia cho thấy một thiên tư tốt, thì bà mẹ cô bé vẫn muốn nói thêm rằng con gái mình có điều gì đó, như tính nhạy cảm đặc biệt chăng.
“Có điều gì đặc biệt bà muốn lưu ý với tôi về Julia không?”
Bà Upjohn đáp lại hồ hỏi:
“Ồ không, tôi không nghĩ vậy. Julia là đứa trẻ rất đỗi bình thường. Khá khỏe mạnh và thế thôi. Tôi cũng nghĩ con bé có trí tuệ tốt, nhưng tôi trộm nghĩ bà mẹ nào lại thường không nghĩ như vậy về con mình, chẳng phải sao?”
“Các bà mẹ,” bà Bulstrode nói quả quyết, “cũng có nhiều dạng lắm!”
“Thật tuyệt vời vì con bé có thể đến đây,” bà Upjohn nói. “Thực ra, bà cô của tôi phụ giúp tiền học phí. Bản thân tôi thì không thể lo nổi. Nhưng tôi hết sức hài lòng. Cả Julia cũng vậy.” Bà bước đến cửa sổ nói đầy vẻ ghen tị, “Khu vườn mới đáng yêu làm sao chứ. Thật đâu vào đấy. Chắc bà có nhiều người làm vườn giỏi lắm.”
“Chúng tôi có ba người,” bà Bulstrode nói, “nhưng hiện thời, chúng tôi đang thiếu người, phải thuê lao động địa phương.”
“Dĩ nhiên rồi, vấn đề là thời buổi nay,” bà Upjohn nói, “một người được coi là làm vườn lại thường chẳng phải thợ làm vườn, chỉ là người giao sữa muốn làm thêm khi nhàn rỗi, hay một ông già tuổi tám mươi. Đôi khi tôi nghĩ - Tại sao chứ!” bà Upjohn thốt lên, vẫn nhìn ra cửa sổ - “thật phi thường!”
Bà Bulstrode không mấy chú tâm tới lời cảm thán bất ngờ này, dù đáng lẽ ra phải vậy. Lúc đó chính bà đang nhìn bâng quơ ra cửa sổ về phía khóm cây đỗ quyên, và nhận thấy một cảnh tượng không mấy hay hóm, không ai khác, chính là bà Veronica Carlton-Sandways, chân đăm đá chân chiêu, cái mũ nhung đen to bè lệch sang một bên, đang lẩm bẩm một mình và rõ ràng trong tình trạng say nhừ.
Bà Veronica không phải mối phiền toái mới đây. Bà là một phụ nữ quyến rũ, quyến luyến sâu nặng với hai cô con gái song sinh, và rất dễ mến, như người ta nói, khi bà được là chính mình - nhưng thật không may có nhiều thời điểm không thể đoán trước được, bà không còn là chính mình nữa. Chồng của bà, thiếu tá Carlton-Sandways, đối phó khá tốt chuyện này. Có một người họ hàng sống cùng họ, người này thường trực để mắt đến bà Veronica và kiềm chế bà nếu cần thiết. Vào Ngày hội thể thao, với thiếu tá Carton-Sandway cùng người họ hàng để ý sát sao, bà Veronica đến dự, hoàn toàn tỉnh táo và ăn mặc rất đẹp, đúng mực một người mẹ.
Nhưng có nhiều lần, khi bà Veronica thoát khỏi những người có thiện ý với bà, thì bà nốc đầy rượu và xông thẳng đến chỗ các con gái đặng trấn an chúng về tình mẫu tử. Sáng sớm hôm nay cặp song sinh đến trường bằng tàu hỏa, nhưng không ai nghĩ bà Veronica xuất hiện.
Bà Upjohn vẫn đang nói. Nhưng bà Bulstrode lại không lắng nghe. Bà còn mải tính toán xem phải xử lý ra làm sao, vì bà nhận ra bà Veronica đang chuyển nhanh sang giai đoạn hung hăng. Nhưng đột nhiên, lời cầu nguyện được phản hồi, bà Chadwick xuất hiện, xăm xăm tiến đến và hơi thở dốc. ‘Chaddy nhiệt thành, bà Bulstrode nghĩ. Lúc nào cũng có thể tin tưởng được, dù đó là một ca đứt mạch máu hay một bậc phụ huynh say xỉn.’
“Thật đáng hổ thẹn,” bà Veronica to tiếng với bà Chadwick. “Cứ cố xua đuổi tôi - không muốn tôi đến đây - tôi đã đánh lừa Edith. Đến đây để nghỉ ngơi - ra khỏi xe - thoát được Edith ngớ ngẩn - mụ hầu già tầm thường… không đàn ông nào muốn nhìn mụ đến lần thứ hai… Trên đường còn cãi cọ với cảnh sát… bảo tôi không đủ khả năng lái xe… vớ vẩn… Tôi sẽ bảo với bà Bulstrode là tôi mang các con tôi về - muốn chúng ở nhà, tình mẫu tử. Điều kỳ diệu, tình mẫu tử…”
“Thật tốt đẹp, thưa bà Veronica,” bà Chadwick nói. “Chúng tôi cũng rất vui vì bà đã đến đây. Tôi đặc biệt muốn bà tham quan Cung Thể thao mới xây. Bà sẽ thích cho mà xem.” Bà khéo léo dẫn bà Veronica đang bước loạng choạng theo hướng ngược lại, xa khỏi tòa học xá.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ gặp các con bà ở đây,” bà nói khẽ. “Cung thể thao thật đẹp, có tủ đựng đồ mới, và phòng phơi đồ bơi…” tiếng họ xa dần.
Bà Bulstrode quan sát. Bà Veronica cố vùng thoát và quay lại tòa nhà, nhưng bà Chadwick là một đối thủ tương xứng. Họ biết mất chỗ những khóm đỗ quyên, tiến về cung thể thao đơn độc mới xây ở đằng xa.
Bà Bulstrode cất tiếng thở nhẹ nhõm. Chaddy thật tuyệt. Thật đáng tin cẩn! Không phải kiểu người hiện đại. Không thông minh - ngoại trừ môn tính toán - nhưng luôn hiện diện kịp thời để xử lý rắc rối.
Bà quay sang bày tỏ vẻ cáo lỗi với bà Upjohn, người vẫn hồ hỏi trò chuyện từ nãy đến giờ…
“… dù, dĩ nhiên,” bà ta đang nói, “không bao giờ là những chuyện bí mật và âm mưu. Không phải chuyện nhảy dù, hay phá hoại, hay làm gián điệp. Tôi không đủ can đảm như vậy. Công việc đa phần là tẻ nhạt. Việc văn phòng. Và sơ đồ. Vẽ mọi thứ lên bản đồ, ý tôi là thế - không phải tạo âm mưu. Nhưng dĩ nhiên, công việc đôi khi cũng gây phấn khích và thường thì rất vui, như tôi vừa nói - mọi mật vụ. Đều theo dõi nhau quanh Geveva, và tất cả đều biết mặt nhau, và thường vào cùng một quán bar. Lúc đấy tôi chưa kết hôn, dĩ nhiên. Mọi thứ thật tuyệt.”
Bà ta dừng lại đột ngột với nụ cười thân thiện và hối lỗi. “Xin lỗi, tôi đã nói nhiều quá. Mất nhiều thời gian của bà. Trong khi bà còn phải tiếp đón nhiều người như vậy.” Bà ta chìa tay, nói lời tạm biệt, rồi bước ra.
Bà Bulstrode đứng lên, nhíu mày một lát. Bản năng mách bảo bà đã để lỡ điều gì đó quan trọng.
Bà gạt cảm xúc đó đi. Hôm nay là ngày khai giảng kì học hè, và bà phải tiếp đón nhiều bậc phụ huynh. Chưa bao giờ trường của bà lại được ưa chuộng như thế, được đảm bảo thành công hơn thế. Meadowbank đang ở đỉnh cao.
Không điều gì mách bảo bà rằng trong vài tuần nữa, Meadowbank sẽ bị nhúng chìm vào biển rắc rối; rằng sự rối loạn, lộn xộn và vụ giết người sẽ ngự trị ở đây, và một số sự kiện đã bắt đầu diễn ra rồi…