It is what you read when you don't have to that determines what you will be when you can't help it.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Văn Phú
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Saobien Organ
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2169 / 20
Cập nhật: 2016-04-15 09:04:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
gôQuyền mất. Tin vua băng hà vừa loan ra, thì kinh thành, các cửa đã đóng cả lại. Quân túc vệ, không cho các tướng vào chịu tang. Một lúc sau từ trong cung điện Loa Thành lệnh được truyền ra:
-Vua đã mất cần người có chủ. Con vua là Xương Văn và Xương Ngập còn chưa đủ lông cánh cần phải giúp dập. Dương tướng quân tạm xưng là Bình Vương. Khi nào Xương Ngập, Xương Văn cứng cáp sẽ lại trả ngôi vương như cũ.
Người trong thành nhao nhao:
-Dương Tam Kha, ỷ thế Dương quốc mẫu làm loạn rồi! Họ Dương cướp ngôi vua rồi!...
Mọi người còn chưa biết tính sao. Ngô Xương Ngập là con trưởng của Ngô Quyền, sợ cậu giết mình, liền đem thủy quân từ Loa Thành, ra sông Nguyệt Đức, xuôi bến Bình Than qua Lục Đầu rồi về đóng ở Nam Sách Giang.
Bấy giờ Lệnh Công là Phạm Phòng Át, đóng quân ở Trà Hương, quân gia của Ngô Xương Ngập quá mỏng, không được bao nhiêu. Còn đang lưỡng lự không biết đi đâu về đâu, thì có người hầu già, níu áo lại, quỳ xuống bảo rằng:
-Phạm Lệnh Công ở gần đây, là người được dân chúng mến đức, quân đông, thóc nhiều, ta có thể đến nương tựa được.
Ngô Xương Ngập đang bối rối, nói:
-Ta vừa thoát chết ở nơi hang hùm, lại thấy Phạm Lệnh Công ở Trà Hương, nếu mò đến, liệu có gặp người tốt không. Chẳng may, họ Phạm có lòng kia khác thì có khác gì tránh vuốt hùm lại mắc vào nọc rắn.
Người hầu già nói:
-Phía sau Dương Nam Kha sai hai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc cất binh sầm sập tới, ta chỉ có vài trăm quân, đất hiểm không có, quân thủy chỉ có vài chục chiếc thuyền, chống đỡ làm sao nổi. Tôi nghe từ ngày Ngô chúa của chúng ta còn, Phạm Phòng át đã khuyên vua không nên quá tin vào họ Dương. Nhưng vua không nghe, do đó bị Dương quốc mẫu và Dương Tam Kha rèm báng mà phải bỏ triều đình sang đất Nam Sách để trấn giữ phía đông. Vua thuận nghe theo. Xem thế thì họ Phạm ghét họ Dương, không ưa gì?
Ngô Xương Ngập vốn hay nghi ngờ, nói:
-Nhưng cha ta đã nghe Dương Tam Kha, đưa Phạm Lệnh Công khỏi tước vị cao, phải ra đất ngoài trấn giữ, thì lòng dạ của ông đối với họ Ngô, đâu còn như trước nữa?
Người hầu già nói:
-Phạm Lệnh Công không phải con người như thế đâu!
Đang nói chuyện thì thấy ở dưới sông một đoàn thuyền vun vút lao lên, đôi bờ phía trên những toán kỵ binh đang phóng tới. Bụi cát trên bờ sông khói bay mù mịt.
Ngô Xương Ngập chưa nhận ra đó là quân của ai, liền dàn thuyền, sai quân thân tín, giương cung, lắp tên liều chết giao chiến. Nhưng từ phía dưới, một thuyền lớn của chủ tướng có cột cờ lớn, phấp phới bay một chữ Phạm, một viên tướng, chít khăn xanh, bận áo màu son, thắt lưng xanh, kiếm đeo ở bên hông, đi hài đen, uy nghi lẫm liệt, phóng thuyền lên, quát to:
- Không được bắn. Chỉ huy sứ Phạm Phòng Át đến đón thái tử đây.
Ngô Xương Ngập thấy lời người hầu già quả là đúng, mừng lắm. Đám quân lính của Xương Ngập thôi không ở thế quyết chiến nữa. Phạm Lệnh Công nhìn thấy Ngô Xương Ngập, vái lạy mà kêu to lên rằng:
-Viên tướng bất tài để thái từ phải long đong, triều đình rối loạn, thật đắc tội. Xin thái tử hạ cố đến đất của hạ thần rồi mọi việc sẽ tính sau.
Thái tử Ngô Xương Ngập, ân cần nhảy sang thuyền của Phạm Lệnh Công, xúc động nói:
-Họ Ngô không nghe lời của tướng quân để đến nỗi này, mà Xương Ngập lại được Lệnh Công tự đến đón, thế mới biết người hiền, nghĩa sĩ, làm những việc mà kẻ tầm thường không làm nổi.
Rồi liền theo Phạm Phòng Át về Trà Hương. Mấy hôm sau quả nhiên Dương Tam Kha sai các chỉ huy sứ Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đến bắt Ngô Xương Ngập.
Dương Cát Lợi cùng Đỗ Cảnh Thạc cho quân vây kín Trà Hương, bắc loa gọi Phạm Phòng Át đem Ngô Xương Ngập ra nộp. Phạm Phòng Át một mặt đem Xương Ngập giấu ở một nhà gia nô, còn mình cưỡi ngựa, mặc giáp, đem quân ra trước trận, Lợi và Thạc vốn cùng là nha tướng của Ngô Quyền xưa, từng quen biết Phạm Phòng Át và biết rất nhiều chuyện về Phòng Át bị Dương Tam Kha và Dương quốc mẫu lấn át dần, rồi đẩy ra đây.
Phạm Phòng Át vái chào Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh rồi nói:
-Chào hai vị tướng quân. Bình Vương sai hai ông đến đây tìm Xương Ngập, vì biết Ngập chạy theo lối này! Nhưng ngả này chỉ là một lối, nhỡ Xương Ngập chạy theo lối khác thì sao. Tôi mời hai vị cứ cho quân vào lục soát, nhưng nếu không có Ngô Xương Ngập ở Trà Hương, các vị sẽ là người thế nào, trước mặt quân sĩ của tôi đây? Các vị sẽ ăn nói thế nào với Át này?
Đỗ Cảnh Thạc vốn rất kính nể Phạm Phòng Át đưa mắt nhìn Dương Cát Lợi. Phạm Phòng Át nói luôn:
-Chúng ta phò Ngô Vương đánh Hoằng Tháo, tình xưa nghĩa cũ đâu đã phai nhòa. Cho dù tôi có chứa Xương Ngập thì hai tướng quân liệu có nỡ bắt tội át này không, khi át này sau trước hết lòng với Ngô Chúa. Nếu hai vị cứ cố lập công với Bình Vương Dương Tam Kha thì xin cứ dẫn quân vào.
Dương Cát Lợi cũng không phải là hạng người bỏ đi nên nghe Phạm Phòng Át cũng thấy đôi chút hổ thẹn, liền vẫy tay ra lệnh cho quân sĩ:
-Lui quân!
Về đến Loa Thành, Dương Tam Kha không thấy đem Xương Ngập về liền bảo:
-Phòng Át không chịu nộp Xương Ngập cho ta ư?
Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đều quỳ nói:
-Chúng tôi đã vây kín Trà Hương, nhưng Phòng Át thân ra nói không giữ Ngô Xương Ngập.
Dương Tam Kha tức điên lên, vùng đứng dậy, đi đi lại lại trong trướng, giọng bực bội:
-Đồ ngu, kẻ làm tướng phải biết rằng, khi đối phương nói không là có. Hai người làm hỏng việc của ta mất rồi. Tức tốc phải đem quân vây bắt lại ngay không thì Ngô Xương Ngập đi xa mất.
Phạm Phòng Át vừa gặp lại Xương Ngập, định là đưa Ngập đến một nơi xa đất Trà Hương cho an toàn, thì lại thấy quân sĩ cho biết Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc lại dẫn quân đến.
Lần này Phạm Phòng Át bảo Xương Ngập, mặc giả là gia nô, rồi theo người đánh trâu ra đồng cày. Cùng lúc ấy Phạm Phòng Át lên ngựa ra đón Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc. Vào đến nơi, Phạm Phòng Át đã cười vang mà nói:
-Chắc là Bình Vương lại cho là tôi lừa hai vị tướng quân nên mới gấp gáp cho quân vây lại đây, chứ gì? Thôi thôi, trăm nghe không bằng một thấy, hai vị cứ vào trướng phủ của tôi thì sẽ rõ.
Phòng Át ân cần đón Dương Cát Lợi vào đất Trà Hương, dẫn đi khắp trướng phủ, các ngõ ngách. Nhà nào Cát Lợi hoặc Cảnh Thạc nghi ngờ muốn lục tìm, Phạm Phòng Át đều mở toang cửa cho hai tướng xem xét đến từng xó vườn, từng xó bếp, từng gian buồng tối. Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đành lại phải dẫn quân về.
Dương Tam Kha thấy mặt hai người, lại thấy về tay không, liền nói ngay:
- Có một thằng nhãi con chạy trốn, đã nhẵn cả mặt mà các ông tìm không nổi là sao. Chẳng lẽ ta lại thân cầm quân đến vây chặt Trà Hương ư? Các ông đã tìm những đâu?
Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi đem mọi việc bẩm lại. Dương Tam Kha giậm chân, gắt ầmlên:
- Ngô Xương Ngập không ở Trà Hương thì ở đâu? Từ hôm nó chạy trốn đến nay có mấy ngày. Cửa biển ta đã cho người bịt kín. Đường lên An Bang quân tuần tiễu đã ngày đêm túc trực. Ngô Xương Ngập mang theo cả vài chục chiếc thuyền, vài trăm quân chứ có phải một mình, một ngựa đâu. Các ông chỉ cần hỏi dân chúng dọc đường rút chạy của Xương Ngập là biết. Có thế mà cũng không làm nổi.
Tam Kha lại kiên trì giục Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc quay lại Trà Hương một lần nữa. Lần này Phạm Phòng Át lại bảo Xương Ngập cải trang thành anh lính cắt cỏ ngựa, luẩn quẩn ngay bên trướng phủ.
Quả nhiên, Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi cho quân lục tìm các vùng sông lạch và hang động trên núi quanh Trà Hương mà không lục soát ở trong làng nữa. Tìm đã chán chê, Cát Lợi và Cảnh Thạc kéo quân định rút về. Phạm Phòng Át nói:
-Tôi và hai ông từng xông pha trước tên bay, dáo mác mà dựng nền tự chủ, tôn phò Ngô Vương, chẳng lẽ lại không cùng nhau uống một chén mọn được ư? Mà, tôi có phải là người làm phản gì đâu. Đất của tôi, tôi giữ mà thôi. Hai ông việc gì mà ngại!
Cát Lợi và Cảnh Thạc nghe Phòng Át bước vào trướng phủ. Phạm Phòng Át cho thịt một con dê béo, đánh tiết canh, quay trên than và củi bồ đề, rồi lấy rượu ngon ra mời khách. Phòng Át nói:
- Tôi còn nhớ bữa đánh thắng Hoằng Tháo trên sông Bạch Đằng, Ngô Tiên chúa khao quân, hôm đó thi uống rượu, tất cả đều thua, cuối cùng chỉ còn tôi và hai ông đấu đến phút chót. Khi cạn ba chén cuối cùng thì cả ba đều say rũ cả. Hôm sau vào xin lỗi tiên chúa, Ngô Vương chỉ cười còn ban thưởng cho chúng ta mỗi người một lạng vàng và năm lạng bạc. Hôm nay hai ông có dám đấu với tôi nữa không?
Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc là người hào phóng, tình nghĩa, nên bữa đó uống rất say, không còn nghi ngờ gì về Phòng Át nữa.
Khi Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc, lần thứ ba lại từ Trà Hương trở về Loa Thành tay không, tiễn hai tướng đi rồi, Phạm Phòng Át cho mời Ngô Xương Ngập đến, lạy bốn lạy, ứa nước mắt mà nói:
-Tôi cũng muốn giữ thái tử lại, để nghĩ thêm kế về sau này. Nhưng Dương Tam Kha là đứa xảo quyệt, không để cho yên. Ba lần tôi đã lừa được Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc rồi, lần thứ tư chắc không giữ nổi. Nếu xảy ra để thái tử gặp nạn ở đây thì tội của Phạm Phòng Át này, rửa thế nào cho sạch. Vả lại Nam Sách Giang, Trà Hương là đất trống trải, mà từ Loa Thành tiến xuống, chỉ mất vài ngày đường sông, Dương Tam Kha quyết bắt Thái Tử, trước sau thế nào cũng đạt được ý đồ của hắn. Xin thái tử hãy đến vùng đất khác, kín đáo hơn, an toàn hơn, rồi mưu tính chuyện thu phục lòng người nhớ đến cơ nghiệp của tiên chúa mà dấy binh trả thù.
Ngô Xương Ngập biết Phạm Phòng Át đã hết lòng với mình, nên thuận đi khỏi Trà Hương.
Phạm Phòng Át cấp lương thực, cấp thuyền lại thân đem quân hộ tống Ngô Xương Ngập ra khỏi đất mình rồi mới quay về Trà Hương.
NgôXương Ngập chạy đến Giao Thủy. Trần Lãm vốn cũng rất mến phục Ngô Vương, nên có ý muốn đón về. Đinh Bộ Lĩnh can rằng:
-Ta đang muốn gây dựng sự nghiệp, nay lại đón con vua cũ vào, con e không có lợi.
Trần Minh Công hỏi:
-Sao lại không có lợi?
-Thưa cha, nếu như ta muốn tôn phò họ Ngô thì sao không đem quân về đánh ngay Dương Tam Kha, để thiên hạ biết mình đườngđường chính chính mà cùng theo giúp. Sức ấy, bây giờ cha con ta và binh sĩ ở Giao Thủy chưa làm nổi. Đã không làm nổi mà mình lại chứa Xương Ngập thì e cũng bất cập.
-Mình có lòng thành, người ta gặp hoạn nạn, sao con lại cho là bất cập?
-Tam Kha ngầm chứa mưu cướp ngôi vua từ lâu. Nó cứ tưởng lên ngôi ai cũng phải theo. Nhưng rút cuộc thì những chỉ huy sứ của Ngô Vương xưa, ai cũng thích hùng cứ một phương. Người có thể giúp Xương Ngập là Phạm Lệnh Công, nhưng ông cũng không giúp, mà chỉ hùng cứ ở mảnh đất của mình thôi. Cha con ta lấy sức quân, sức tiềm chứa trong dinh phủ, chỉ bằng một nửa thế lực của Phạm Lệnh Công, nếu giữ Xương Ngập, ắt Dương Tam Kha cất quân đến đánh, thế là mất hết công sức ky cóp, nuôi quân, gây thế lực từ bấy lâu nay. Cha nên nghĩ lại.
Nguyễn Bặc cũng bàn thêm:
-Minh Công nên theo ý của Đinh Bộ Lĩnh. Ngay cả Dương Tam Kha không đem quân đến bắt Xương Ngập, trị chúng ta, mà Ngập sau này tụ binh họp quân chống lại Dương, giành lại ngai vàng, ta không theo, Ngập sẽ trị ta. Để Ngập ở lại khác gì, trong nhà có ngõ ngách, lối quen đường tắt, Ngập sẽ biết cả. Điều đó cũng không có lợi.
Trần Lãm nghe lời Đinh Bộ Lĩnh và Nguyễn Bặc, song trong lòng còn chưa yên lại nói với hai tướng;
-Vậy bây giờ nên đối xử với Xương Ngập như thế nào?
Đinh Bộ Lĩnh bảo:
-Cha cứ để cho con và Nguyễn Bặc lo.
Rồi cho dăm thuyền chiến cũ nát, mấy tên quân ốm o, gầy yếu, đến nơi cắm trại của Ngô Xương Ngập.
Ngập nhìn Bộ Lĩnh dẫn quân đến đã thấy ngao ngán. Lĩnh mang đến trước dinh Ngô Xương Ngập, một con dê nhỏ, mươi vò rượu, hai thúng gạo. Ngô Xương Ngập mời Đinh Bộ Lĩnh và Nguyễn Bặc vào trong trướng.
Đinh Bộ Lĩnh sụp lạy rồi nói:
-Nghe tin thái tử vận hạn, Phạm Lệnh Công muốn giữ, cha nuôi tôi muốn đến ra mắt, song vì dạo này người ốm yếu luôn, được tin thái tử đến địa hạt mình, cha nuôi tôi gượng dậy lại. Không ra nổi ngoài gió, nên sai tôi và Nguyễn Bặc đem chút lễ vật nhỏ của đất nghèo, xin rước thái tử về dinh...
Ngô Xương Ngập nghĩ: "Mình đã mất kinh thành, đem thân đi nhờ các tướng. Mạnh như Phạm Lệnh Công mà sợ thế lực của Dương Nam Kha cũng bó tay, đẩy ta ra ngoài đất cát cứ của mình. Ta cứ tưởng Trần Lãm ở Giao Thủy quân, lương cũng chẳng kém gì Phòng Át, nhưng hóa ra quân, thuyền đều thứ bỏ đi,nhìn lễ vật họ mang đến, thì biết họ cũng chẳng dư dả, hùng mạnh gì. Dương Tam Kha vẫn theo hút ta. Đã dựa thì phải dựa vào tướng mạnh chứ dựa vào thứ quân cùng, tướng kiệt thế này thì làm sao giữ nổi mạng. Còn nói gì chấn hưng vương nghiệp cho họ Ngô”.
Liền đón Đinh Bộ Lĩnh và Nguyễn Bặc vào trướng hỏi han qua loa, sai mở tiệc đãi Đinh Bộ Lĩnh và Nguyễn Bặc.
Đang lúc ăn cơm, Ngô Xương Ngập hỏi Bộ Lĩnh:
-Ta nghe nói tướng quân chọn một đội quân cờ lau, luyện tập suốt ngày đêm, ăn thề kết nghĩa, mạnh lắm kia mà; sao quân sĩ đi theo toàn thứ ốm yếu thế kia?
Đinh Bộ Lĩnh cười nói:
-Dân trong vùng yêu Lĩnh này nên cứ nói tôn lên, để người đời cứ lầm thứ trò trẻ đánh trận giả ngày nào, với đội quân thực lực hôm nay. Nếu có thuyền chiến đẹp, ngựa hay, thì tội gì Bộ Lĩnh phải đem mấy cái thuyền nát đến đón thái tử. Ai mà chẳng muốn sang, có ai lại cam phận hèn khi phải ra ngoài đối đáp đâu!
Ngô Xương Ngập càng tin ý nghĩ của mình đúng liền bảo Đinh Bộ Lĩnh:
-Nhờ tướng quân về nói với Trần Minh Công rằng ta cảm ơn thịnh tình của Minh Công. Ta không có ý định dừng lại đây, mà muốn về châu ái...
Nói rồi chia tay Nguyễn Bặc và Đinh Bộ Lĩnh giong thuyền ra biển. Đinh Bộ Lĩnh đem Nguyễn Bặc cũng mấy chiếc thuyền đi theo tiễn đến tận cửa Thần Phù rồi mới quay trở lại...
Cờ lau dựng nước Cờ lau dựng nước - Ngô Văn Phú Cờ lau dựng nước