Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6603 / 112
Cập nhật: 2015-01-27 23:02:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 -
... Cỏ dại hoa đồng
Ông bà ngoại tôi có nếp nhà gạch rất cũ. Người ta thường đồn rằng tuổi nó dễ đã đến ngoài một trăm năm. Nhưng kể tuổi thực của nó, cũng chưa lão quá như vậy. Chỉ trong vòng một kỷ, trên hoặc dưới cái quãng người Tây vào tỉnh Hà Nội lần thứ nhất. Không phải ông bà ngoại của tôi làm nên nếp nhà ấy. Nó là cái cơ nghiệp hương hoả. Ông tôi được gánh thừa tự, đèn nhang cho một ông bác mất không có con trai.
Khi ông cụ bác ông tôi còn sống đã lo sợ lắm về sự mất giỗ của mình mai sau. Bởi vậy, tuy đã đặt tự cho cháu, lại còn mua hậu làng, mua hậu họ, mua hậu hàng xã, khiến những mấy nơi phải trách nhiệm cúng giỗ nữa.
Cái hôm Tây chiếm tỉnh Hà Nội lần thứ hai, ông tôi đương trèo đẵn một cây xoan. Nghe phía ngoài thành, tiếng súng nổ đùng đùng. Người trong làng nhốn nháo...
Ngày ấy, ông tôi chưa được ngôi nhà tự kia. Mười năm sau ông tôi mới về đấy.
Khi này, ngôi nhà đã gần như bỏ hoang. Vợ chồng ông bà bác ông tôi khuất núi đã được vài năm. Bấy giờ trong vùng đất cát còn rộng rãi nhiều, người ta chưa biết lo đến chuyện nhà cửa. Vả lại, ông bà tôi nghèo. Cũng không cần có một ngôi nhà tươm tất quá. Ngày xưa, người ta lại sợ, nếu có một nếp nhà gạch tề chỉnh. Ở nhà ngói núp bóng giàu có, chỉ tổ hãi kẻ cướp. Do vậy, ông bà tôi cứ lần lữa nương náu ở túp lều trong xóm Trong. Khi ông bà tôi về ngoài ấy, nhà cửa đã tềnh toàng như cái lều chợ. Bà tôi quẩy một gánh nồi niêu thúng đựng áo đụp, ông tôi cởi trần khiêng cái cũi đựng bát. Gia sản có bấy nhiêu thứ, quẳng vào nếp nhà mênh mông càng hoang vắng thêm.
Tuy ông bà tôi dọn ra đây, nhưng những nhà ở nhờ kia vẫn nguyên như thường. Cùng nghèo khó cả, ở quây quần với nhau. Người thì đi gánh đất, người thì đi dệt cửi mướn. Có bác cả ngày nhịn khàn nằm dài, tối mò mẫm đi ăn trộm. Trẻ con thả lã cho đi tha thẩn như gà. Trong sân, cỏ mọc la liệt vươn cả lên thềm hè. Phía ngoài, xế bên phải là một cái chuôm nước. Cỏ nước xanh phủ kín, nom cũng như mặt bãi đất liền. Vào nhà, hai ba gian một chủ ở, treo bôông bêêng lủng lẳng mấy cái quang gánh. Không có giường phản, mọi nhà đều nằm đất. Về mùa đông đánh bạn với ổ rơm. Gian giữa, lù lù ba cái bệ bằng đất đắp bậc cao thấp, bệ thờ như kiểu hương án ngoài đình. Hai mặt bệ nhẵn trơn; có một bát bình hương xám bằng sành. Một bên gian buồng cửa đóng kín ghim nghỉm. Mặt đất ẩm nhớp mốc rêu. Cỏ tận ngoài sân leo vờn vào. Buồng trong người không ở, cầy cáo đào hầm hố ngổn ngang. Trong bóng tối nổi lên từng ụ gò đống, thành luỹ đất vụn. Quanh năm không ai bước chân đến.
Khi có tôi, toà nhà cổ này hiện ra trong tròng mắt tôi với đủ mọi vẻ kinh rợn. Nó lù lù giữa làng sát bên lối vào xóm. Mái ngói đen kịt gồ một đường bờ giữa, hai đầu hồi lù lên hai cái trụ. Nó đội cao trên những mái tranh đen sẫm thấp lè tè xung quanh la liệt rặng dâm bụt, rặng xương rồng, cây xoan gầy mà cao lêu đêu. Một lớp tường dài xây bằng gạch vồ không trát, như một dải tường thành. Mỗi năm, vào tết Nguyên Đán, ông tôi sửa soạn một chậu nước vôi và một cái thép lá thông. Ông nhúng thép vào vôi, phiết lên mặt tường vẽ thành những đường vòng tròn, to bằng chiếc mẹt một. Lạ lắm, nhưng tôi không dám hỏi. Có lần nào đấy, ông tôi cắt nghĩa rằng những cái vòng tròn này để trừ quỉ. Năm mới, lũ quỉ sứ dưới âm ti thường hay lên trần gian cướp của. Vẽ cái vòng tròn này quỉ sợ không dám vào. Nghe thế, tôi hãi lắm.
Tôi ngẩn ngơ nhìn ông tôi bê chậu nước vôi đi xung quanh tường, quét những hình tròn tròn. Lốt vôi tỏ mãi, trắng xoá trên màu tường gạch hung đỏ. Đến bây giờ hãy còn dấu rõ ràng. Những người bạn vào nhà tôi, tưởng như vào một chiếc tàu biển mà bên thành tầu có những lỗ đại bác, hoặc những cửa tròn trong khoang nhìn ra mặt sóng.
Ngoài sân, cây cối um như rừng. Mảnh sân đất dài nhưng hẹp, lúc nào cũng ẩm, vì ánh nắng không lọt xuống mấy. Cây na, cây lựu, một cây cam sành, cây hồng quả, cây ổi lớn chi chít cành. Giữa có cây ngọc lan. Đầu mùa hè, hoa ngọc lan chín trắng muốt, hương ngát ra tận ngoài đầu ngõ. Các dì tôi hay bắc ghế đẩu hái hoa lan gài lên mái tóc, lẩn vào đầu vành khăn. Cạnh cây ngọc lan là một cây đào thực to. Cái sân bé hoẻn mà lủng củng những cây. Đối với tôi, là cả một thế giới cây cối. Thân cây đào lớn bằng cột đình, đen xù xì, quanh năm phòi ra từng cục nhựa trong óng, dính như cồn. Nó lão quá không đứng được thẳng, phải khom khom ngả dài nghển ra tận thành bể. Tôi cứ men men leo được đến lưng chừng thân, rất dễ dàng. Về cuối mùa thu, cây trụi gần hết lá. Sang đầu xuân hoa và lá lại thi nhau trổ xanh rờn và đỏ phớt - sắc hoa đào phai, cho đến khi mãn vụ quả, tức là bắt đầu mùa hè.
Năm nào cũng có đôi vợ chồng chim chào mào tha rác đến làm tổ trong một cành đào rậm lá cao cao. Tháng năm, tháng sáu, những con chim mới nở đã mạnh cánh và cứng mỏ, thì vợ chồng con cái nhà chim bỏ tổ, ríu rít mang nhau đi. Tôi hóng xem kỹ càng từ hôm chú chào mào đực quặp ở đâu về cành cây từng cuộng rạ nhỏ. Khi ấp trứng, chúng hót líu lo suốt sớm chiều. Rồi những ngày tha mồi vất vả. Hai vợ chồng chim cùng gầy phờ người. Buổi sáng mát, mấy chú chim con chen nhau đứng trên thành tổ ngóng ra. Tôi ngồi núp một bên bể nước say mê ngắm nghía. Tôi không thích bắn. Nói cho đúng tôi cũng không dám bắt các chú chim nhỏ ấy. Ông tôi cấm.
Đến ngày chim rời tổ, "bồng bế" nhau đi, tôi ngẩn ngơ nhớ.
Rồi sang năm, không biết vẫn đôi ấy hay đôi khác, chim chào mào lại đến làm tổ. Ngày ngày tôi lại lom khom nấp bên cạnh bể nước, ngó lên cây đào. Trong cây đào cuối mùa xuân thì có tổ chim chào mào. Trong cây cam sành thì quanh năm có tổ chim gi đá. Có khi mấy tổ nhiều hàng chục con. Loài này ăn ở dè lén, bay thì không động lá. Ở cũng như đi, yên lặng như không. Chúng xấu xí và bé hơn cả chim sẻ, tôi chả thích mấy. Vả lại, chúng cứ bay lẩn trong lá, tôi không ngó thấy mấy khi. Lá cây nhiều quá. Lá cây này bíu lấy lá cây khác, ôm lẫn nhau, mặt đất mát rười rượi. Ở tầng thấp hơn la liệt nào xương rồng, mào gà, nào tía tô, kinh giới, những nhóm vạn niên thanh mọc lẫn với cỏ tóc tiên. Trong lối đi ẩm ướt các thứ cây nhỏ bé ấy mọc chìa ra lúc nào cũng có những cậu cóc xù xì ngồi chầu nhau, ngẫm nghĩ và nghiến răng kèn kẹt. Cao nhất ở góc sân, bốn cây cau mốc trắng vút lên trời, đội trên đầu những chòm lá như những chiếc áo tơi xanh. Về mùa mưa gió thỉnh thoảng, một cái mo mèo rớt mạnh, ngã thình xuống sân.
Tay phải thẳng về phía trước mặt, là vườn sau cũng rất nhiều cây. Khế, bưởi. Thêm một bụi chuối tây, một khóm xanh táo phủ kín cả một phía ao nước - một chuôm nước nhỏ xíu ông tôi bảo, nếu lấp cái ao nước ấy, cả xóm sẽ "động”.
Chuôm nước bẩn xanh đục lờ là cái bể nuôi cá săn sắt và cá rô ron của tôi. Và hết thảy một khoảng vườn sau đó, tôi đặt tên là sở Bách Thú. Sở Bách Thú của tôi. Thế này nhé: trên cành dương rủ bên bờ chuôm, tôi buộc vài con xiến tóc vàng. Châu chấu voi và bọ ngựa thì thảnh thơi nhảy rỡn trong bụi xanh táo. Dưới đất, tôi lấy những viên gạch chỉ chắn ngang chắn dọc, phủ đất kín lên trên làm thành những dinh cơ kín đáo để nuôi nhái và ếch. Có những chú ếch bé tôi bắt được ở ngoài ruộng đem về nhốt vào nhà hầm đến cả tháng, mỗi ngày nhét khe tường cho xơi mấy hạt cơm. Lúc rỡ hầm ra các chú ngơ ngác, đờ đẫn quên cả nhảy, da dẻ thì trắng bệch như những chú ếch bằng đá. Trại Bách Thú của tôi thích lắm. Có khi tôi mê mải cả ngày trong bụi cây vườn. Nhưng cứ đến buổi chiều khi mặt trời đã lặn, là tôi không dám men chân la cà ra ngoài ấy nữa.
Biết bao nhiêu chuyện ma quái rùng rợn quanh cái ao. Ông tôi kể. Bà tôi kể. Ngọn đèn khuya liu hiu. Những bàn chân chẳng dám thò ra bóng tối. Ma. Ma! Dưới cầu ao có con nam nam, con thuồng luồng, con rắn cạp nong cạp nia nằm rình rút chân người ta. Phía bên kia, có ông thần đất, ông tôi kể mỗi khi ông tôi ốm, ông thần đất lại bảo cho biết trước.
Cạnh ông thần đất có cái gò vịt vàng. Những đêm mùa hạ tối trời đàn vịt thần kéo đi ăn, vàng rực một góc vườn. Ai có duyên với thần tài thì người ấy sẽ gặp. Nhưng chẳng ai gặp bao giờ. Ở một nhà hàng xóm bên kia ao người ta đắp một cái am nhỏ, xung quanh trồng mấy cây hoa đơn đỏ. Có ý để cúng đàn vịt. Nhưng ông tôi chưa bao giờ trông thấy thần đất, chỉ nằm mơ thấy ông ta thôi. Mà bà tôi cũng chưa hề trông thấy đàn vịt vàng. Nghe các cụ nói lại thế. Lại nghe các cụ nói lại ở ao này có một con ma rất to. Những đêm thanh vắng nó thường hoá làm người đàn bà váy áo trắng lôm lốp ngồi khóc bên bờ ao ti tỉ. Hễ động tiếng người, ma liền đứng vươn dậy nhảy ùm xuống nước, lập lờ rồi biến mất. Giữa những câu chuyện ghê rợn ấy, tôi ngồi nép khít bên tay áo bà tôi, nhìn ra ngoài trời tối. Thấy chỗ nào cũng thấp thoáng trăng trắng những ma là ma. Tôi nhắm nghiền mắt lại.
Trong nhà lại còn nhiều cái sợ hơn. Nhà gồm sáu gian lớn và một gian xép ngày xưa dùng chứa thóc, hàng hiên chạy dài phía trước, có bậc cửa cao chắn ngang lối vào nhà. Gian nào cũng có những cái giại tre che kín. Bởi vậy, ban ngày mà nhà tối mờ mờ. Gian đầu đằng kia cái chuôi vồ ngày trước đã bị một lần sét đánh, rơi trên nóc nhà xuống. Chắc đấy có con ma dữ nên trời đánh. Đào đất chỗ ấy thế nào cũng tìm được cái lưỡi tầm sét của ông thiên lôi. Ba gian chính, một bên kê bộ tràng kỷ, chỗ khách khứa ngồi chơi. Tôi nhớ nhất hai thứ này: cái ảnh "các bốt tan" nhỏ. Một chụp ông Đề Thám quấn khăn tầy vố ngồi khuỳnh chân, đặt hai tay xuống đầu gối giữa một đứa trẻ con và một chụp một cảnh đồn canh trong rừng có những người mặc áo dài, thắt lưng bó que cũng đeo một khẩu súng trường oai vệ. Phía trong tường, một bức hoành bằng giấy viết hai chữ nho thái hoà thực to. Kỳ diệu thay, trong lòng chữ, lại mang nhiều hình vẽ. Vẽ ông ngồi câu cá. Vẽ cái cây, cái núi. Vẽ ông cầm quạt đứng bờ sông chơi. Vẽ ông cưỡi ngựa có thằng bé con chạy theo. Vẽ chiếc thuyền. Vẽ đàn chim. Tất cả đều lồng trong hai chữ thái hoà khổng lồ.
Ngay phía dưới tường, trên đầu trường kỷ, treo một quyển lịch bìa đỏ. Tôi không biết chữ nghĩa nho nhoe gì, nhưng hay táy máy mở ra xem. Ở trang đầu quyển lịch vẽ một thằng bé chỏm để cun cút, tay cầm cành tre, tay dắt một con trâu. Trên cao, chiếc mặt trời chiếu tia lủa tủa, có một chữ nhật nằm giữa. Cái lịch cũng tầm thường, chẳng đáng để ý mấy. Nhưng có một việc khiến tôi nhớ nó mãi. Một buổi tối, tôi ngồi tẩn mẩn, mở lịch ra xem. Thình lình, ông tôi cuốc vào đầu tôi một cái. Tôi sợ run. Tôi không dám khóc, nước mắt cứ trút xuống má. Bà tôi giải nghĩa cái cuốc ấy: "Từ giờ, tối tăm đêm hôm không được mở lịch chữ nho, chữ đức thánh ra xem nhé!”. Tôi biết vậy. Và từ ấy, chừa.
Gian bên kia, kê giường bà tôi. Bên trong, một cái hòm phản lớn áp tường. Cái gian này lắm chuyện lạ nữa. Hai cái vòng sắt đóng vào hai mỏm cột để mắc võng như hai vòng càn khôn của ông Na Tra. Ở một chiếc cột sườn có con ma mộc. Con ma mộc là con chim chết trong cây, gặp giờ linh thành con ma mộc, nhập vào cây. Cái cây được đem từ rừng về đứng làm cột nhà, con ma vẫn còn ở trong ấy như thường. Cái cột xế phía trong tường cũng có ma mộc. Những tối khuya u uất nghe tiếng ma mộc gõ mõ nhớ rừng. Bà tôi bảo thế. Trong cột tự dưng bật ra những tiếng cóc cóc rõ ràng như tiếng mõ rao. Nhiều đêm nằm bên bà tôi, tôi cố đợi nghe ma mộc gõ mõ. Nhưng rồi giấc ngủ cứ vụt đến lúc nào không biết.
Cũng gian ấy, hai tấm cánh cửa bị thủng hai vạch dài. Ngày trước, quân Cờ Đen kéo qua vùng đã phá nhà này. Bây giờ, còn lại vết trên cánh cửa và một tấm cánh ngõ bị đốt cháy. Đêm mưa, dưới ánh đèn chập chờn những câu chuyện kể của bà, tôi lại tưởng ra hình thù lá cờ đen to bằng chiếc chiếu dại, lòng cờ mắc chằng chịt lưỡi câu. Nó chụp xuống móc người cong lên như con tôm rang. Những người tay cầm mã tấu, mắt to lồi như chiếc chén tống. Dao chém phầm phập. Đầu lâu tung lên với máu tươi. Trẻ con thì không cần phải giết. Nó cứ cầm hai cẳng chân vặn ngoéo một cái chết ngay được. Đứng trong xó buồng. Cứ nghĩ đã có lần những quân giết người ấy vào nhà này, tôi rùng mình, lảng ra. Hễ nhà vắng người, tôi đành ngồi thu lu trên thềm đá giữa sân, không dám ra ao hay vào trong nhà. Sợ lắm. Mà sợ nhất, nếu phải đến buồng ông tôi nằm. Cái buồng ấy lúc đông cả nhà ai bảo tôi vào một mình tôi cũng hãi.
Trong ấy cũng có một con ma mộc ở hốc cột. Con ma mộc này gõ mõ chọi với con ma mộc ngoài kia. Buồng tối om om không bao giờ trông thấy mặt đất. Cái buồng đây, bao nhiêu năm xưa đã để cho cầy cáo ở. Chỉ có mỗi một lỗ cửa sổ đứng cao tận trên áp mái, mà ông tôi đã lấy nứa đan bịt kín lại. Bởi vì về mùa gió, nước mưa thường hắt lùa được vào cửa sổ. Trên nền đất rộng ẩm thấp kê độc trọi một chiếc phản gỗ. Từ trên nóc nhà u ám rủ xuống những tua xanh đỏ và những tầu lá dứa dại. Những thứ ấy để trị loài dơi. Dơi bay vướng gai, sợ sẽ không dám vào buồng. Tuy thế, vô khối những con dơi đen sì vẫn tụm vào nhau bậu lúc líu như những nắm bồ hóng trên xà ngang. Phân của chúng tanh khẳn. Sáng nào ông tôi cũng quét, nhưng không bao giờ hết. Chỗ nào cũng sợ. Trong buồng này, đồn ngày xưa các cụ để của. Đâu chôn những mấy nén vàng, nén bạc. Bây giờ lạc mất dấu thành thử không ai tìm thấy. Đã có khi, mấy năm túng đói, ông tôi đào quanh buồng tìm của. Song lưỡi thuổng cắm vu vơ xuống đất, chẳng thể biết đâu là chừng. Mỗi lần, chỉ mới vào đứng lấp ló cửa buồng là tôi đã rờn rợn trong người. Tôi thấy thấp thoáng như có bao nhiêu ma quái chưa bao giờ tôi biết, ngồi chồm hỗm quanh quất sau các chân cột. Mấy hòn đá kê cột dáng hẳn cũng sợ, những hôm trời nồm dá cũng đổ mồ hôi ra ướt nhẽo.
Và ngày trước, ở buồng ấy đã có người bên đạo đến ở. Có một hồi, ông bà tôi theo đạo Gia Tô. Về việc đi theo đạo, bà tôi thường kể lại một câu chuyện buồn cười. Chặp tối, các dì tôi quì cầu kinh giữa nhà. Thầy giáo làm lễ bên cạnh. Thầy để ý nghe lời cầu kinh của dì tôi. Thầy nghe tiếng rì rầm đều đều Đức Chúa Lời... Đức Chúa Lời... có mười cái răng... Đức Chúa Lời có mười cái răng... Đức... Dì tôi quì, hai mắt nhắm tịt, cái đầu gật gưỡng. Tan lễ, thầy giáo gọi dì tôi đến, bảo đọc lại câu kinh. Dì tôi đọc lại: Đức chúa Lời có mười cái răng. Cả nhà không ai dám cười. Thầy giáo nghiêm trang bảo: "Bận sau, nhớ cầu Đức chúa Lời có mười điều răn... Đọc lại nào".
Dì tôi đã cầu kinh trong cơn ngủ gà. Vả lại, thày giáo bên đạo người miền bể nói chữ r uốn lưỡi Răn hay Răng thì cũng thế cả. Nhưng đó chỉ là câu chuyện để cười. Tôi cứ nhớ những thầy giáo bên đạo. Không phải những thầy giáo ngày trước ở trong nhà tôi. Ngày đó đã làm gì có tôi. Những nhà thầy bên đạo, thuở nhỏ tôi hay gặp trên đường cái. Cái áo thâm dài bí mật với cái mũ trắng to xùm xụp. Đôi mắt hau háu ang ác. Mỗi lần thầy giáo ở làng Đông hay trên Bạc xuống thường đến nhà ông bà tôi. Căn buồng tối này các nhà thầy đã ở. Thầy nào cũng giống thầy nào, cứ ở trong buồng, cửa đóng im ỉm, rất ít ra ngoài. Mỗi buổi chiều, thầy ra sân. Hai tay chắp sau lưng, thong thả đi bách bộ. Trời tối hẳn, thầy lại vào buồng. Căn buồng càng âm u ghê. Bên ngoài, đầu cái lối đi dầy gạch củ đậu lủng củng là cổng ngõ. Ngoài ngõ, không có ma. Nhưng có chiếc cánh cửa bị quân Cờ Đen đốt. Và có con chó đá bị chôn ngập nửa mình xuống đất, ngồi chầu hẫu mõm hếch. Tôi ghê ghê cả con chó đá.
Chỗ nào cũng có bóng ma. Có những năm nhà tôi quẫn bách, thường lộn xộn cãi nhau, bà tôi thở dài:. "Cái đất này có con ma cãi nhau. Lúc nào nó chuyển con đất đến là cãi nhau. Cứ nghiệm mà xem". Những chuyện ma quái ở các xó xỉnh những trận cãi nhau, chửi nhau, sợ quá, buồn bã quá. Ngoài ngõ, vườn sau, trong nhà, cái gian nhà kín chôn vàng có ma mộc, có ông thầy giáo bên đạo mặt xanh lướt, bận áo dài đen.
Buổi chiều muộn năm thân ấy, sau tết rằm tháng tám một ngày, u tôi ở cữ tôi ở cái buồng tối mò ấy. Cụ Dè bên láng giềng sang đỡ cho tôi. Cụ kém mắt, cầm miếng mảnh sành và chiếc que nứa sờ soạng cắt rốn cho tôi. Hai vai tôi nhầy nhớp bẩn bết đen xỉn. Lúc bồng tôi ra tắm ngoài cánh giại, bà cụ nói: "À thằng cu con này tràng hoa quấn cổ lắm lắm. Giời để cho làm người, ngày sau chim gái ra phết đây”. U tôi thường nói lại thế, khi tôi còn nhỏ. Và u tôi hay bảo: "Mới đẻ, mày chỉ bé tí tẹo, bằng con chó con".
Cỏ Dại Cỏ Dại - Tô Hoài Cỏ Dại