I like intellectual reading. It's to my mind what fiber is to my body.

Grey Livingston

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 2
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1122 / 8
Cập nhật: 2015-07-12 11:45:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ào những ngày tháng Bảy, không hiểu sao, tôi cứ lẩn mẩn nghĩ đến mấy câu thơ Chính Hữu viết về đồng đội. Câu thơ thật giản dị mà lại sâu sắc, ám ảnh. Đối với Chính Hữu, đồng đội là hớp nước uống chung, miếng cơm sẻ nửa, là chia nhau một sớm nắng, một chiều mưa, chia khắp anh em một mẩu tin nhà, chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp, chia nhau nụ cười, chia nhau cái chết...
Vâng! Đúng là như vậy đấy. Và ngay cả khi đã chết rồi, những người lính ấy vẫn chẳng lìa nhau. Dù ngã xuống ở Điện Biên hay trước cửa ngõ Sài Gòn, họ vẫn cùng chung một ngày giỗ: Ngày 27 - 7.
Vào dịp giỗ đồng đội năm nay, tôi lần vào Trường Sơn, một rẻo chiến trường nóng bỏng và khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chuyến đi thật tình cờ, nên tôi chẳng kịp chuẩn bị gì. Cũng chẳng có ý đồ gì. Ông bạn thân của tôi, nhà báo Trịnh Bá Ninh, phó tổng biên tập báo Nông nghiệp, bất ngờ đến bảo: “Này, tớ sắp đi miền Trung, Tây Nguyên, vào cả Trường Sơn đấy!”. “Xe rộng không?”. “Làm gì có xe mà rộng. Phương tiện công cộng thời kinh tế thị trường. Tàu hoả. Xe ôm. Xe ca. Xe ngựa. Tuỳ. Tha hồ mà chọn. Đi không?” Ông bạn nghênh nghếch nhìn tôi qua cặp kính cận dày cộp: “Vào Trường Sơn, không khéo ông sẽ viết được một cái gì đấy. “Ôi dào! Việc viết văn như đi câu. Ai biết trước mình sẽ vớ được con cá gì? Nhưng rồi máu giang hồ bỗng thức dậy. Thôi thì đi. Đi trước hết để biết. Trường Sơn với tôi vẫn là một vùng bí ẩn.
Thế là chúng tôi đáp tàu đêm vào Quảng Bình. Điểm đầu tiên cần đến là huyện Bố Trạch. Đó là nơi bắt đầu con đường mòn Hồ Chí Minh. Cũng là khởi điểm của dãy Trường Sơn hùng vĩ và bi tráng. Một dải đất hẹp hun hút gió Lào và nắng lửa, lại phải hứng chịu quá nhiều bom đạn và những di chứng nặng nề của cuộc chiến tranh. Hai bên đường, những chòm xóm bơ phờ, xơ xác, những mái gianh thấp sè, lụp xụp, nom tạm bợ như những mái lán dã chiến mà một tốp thanh niên xung phong nào đó vừa dựng tạm vào lúc nhập nhoạng tối. Chiến tranh đã tắt hai mươi mấy năm rồi, vậy mà Bố Trạch Quảng Bình dường như vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến.
Xế chiều, chúng tôi dừng nghỉ lại ở nông trường cao-su Lệ Ninh. Trong những năm chiến tranh, nông trường này là mặt trận căng thẳng. Công nhân vừa sản xuất vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Không thể kể xiết những hy sinh tổn thất. Bao nhiêu xe cộ, máy móc bị chôn vùi ở bến phà Long Đại. Chưa tính người già và trẻ con, chỉ riêng cán bộ, công nhân, số lượng liệt sĩ của nông trường đã lên đến 298 người. Bản thân giám đốc Hoàng Viết ái cũng đã từng là một... liệt sĩ. Bây giờ ngồi trước mặt tôi, anh vẫn còn bàng hoàng, không hiểu vì sao mình lại thoát chết. Hồi còn nhỏ, đang học lớp Tám, Hoàng Viết ái đã từng một mình hứng trọn cả một quả bom tấn. Quả bom nổ trước anh chỉ có ba mét cách một bờ mương. Lần ấy, chính cái bờ mương đã cứu anh. Anh chỉ bị bom vùi. Đám dân quân của nông trường đã bới anh từ đất lên. Rồi anh ra Hà Bắc học khoá 3 Đại học Nông nghiệp. Cuối năm 1971, anh vào lính, là hạ sĩ, trung đội trưởng, tiểu đoàn 7, trung đoàn 66, sư đoàn 10. ái chiến đấu ở Tây Nguyên, rồi Đắc Tô, Tân Cảnh. Tiểu đoàn Bảy của anh có nhiệm vụ đánh chiếm Quảng Trị. Do trinh sát không kỹ, nên không phát hiện được tuyến hầm ngầm của địch. Chiếm lĩnh trận địa rồi, lại thấy địch từ trong đất vọc dậy như ma. Những trận đánh giáp lá cà ngập ngụa trong máu. Rồi địch tái chiếm Quảng Trị. Đại bác từ ái Tử bắn ra. Pháo từ biển bắn vào. Rồi bom từ trời giội xuống. Đất thành đá. Đá thành vôi. Cả tiểu đoàn của ái chỉ còn sót lại ba người. Anh bị thương nặng. Chính trị viên đại đội băng bó cho anh, rồi dặn: “Cứ nằm đây nhé. Rồi mình vào đưa ra! “Nhưng mãi chẳng thấy chính trị viên vào. ái vẫn nán chờ. Anh không biết chính trị viên đã hy sinh, nằm vắt mình trên mẩu tường cụt, chỉ cách anh có vài ba bước. Rồi ái ngất đi. Chính tiếng súng phản công của đồng đội đã làm anh bừng tỉnh. Tiểu đoàn 8 đang mở đường máu để đưa thương binh và liệt sĩ ra. ái lấy hết sức lực, nhoài người khỏi hốc tường đổ. Trong đầu anh lúc bấy giờ chỉ loé lên một ý nghĩ: Phải trườn ra, cố gắng trườn ra, để đồng đội còn biết mà nhặt xác mình. Thế rồi đồng đội “nhặt” được anh thật. ái tỉnh dậy ở trạm phẫu thuật tiền phương. Rồi anh được chuyển ra Sầm Sơn an dưỡng. Trong thời gian đó, ái quyết định về thăm nhà, nên không thư từ, tin tức gì cả. Anh muốn gia đình có một niềm vui thật bất ngờ. Sau này, ái cứ ân hận mãi vì cái trò ú tim rất trẻ con ấy. Bởi cả nhà đã để tang anh. Người vợ trẻ cưới anh năm 19 tuổi, đến năm 20 đã goá chồng. Chị ốm đến rụng hết cả tóc sau cái lễ báo tử và truy điệu ái. Rồi ái đột ngột về. Cả nhà đã nguôi ngoai lại oà khóc như có đám tang. Bà mẹ tất tả đạp xe từ ủy ban xã về. Bà quáng quàng vơ nhầm xe người khác mà cũng chẳng biết nữa. Trông thấy con trai, bà nấc lên, rồi cứ thế đổ sập xuống như cái cây bị bão. May mà cấp cứu kịp. Lúc đó, ái mới biết, niềm vui đột ngột quá, to lớn quá, cũng có thể giết chết người.
- Anh vào Quảng Bình chuyến này là hay lắm đấy! - Sau một hồi chìm đắm trong ký ức chiến tranh, ái hỏi tôi. - Anh đã đến động Phong Nha chưa?
- Động Phong Nha nào?
- ồ, thế thì anh không biết rồi. Đấy là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Bình. Cái động này, nghe đâu, trước đây, vua Hàm Nghi đã từng trốn ở đó. Đẹp tuyệt vời. Người ta bảo đấy là Đệ nhất động. Chưa đến Đệ nhất động thì coi như chưa đến được Quảng Bình.
Chuyện Ở Quảng Bình Chuyện Ở Quảng Bình - Trần Đăng Khoa