Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọc Giao
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Oanh2
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1044 / 7
Cập nhật: 2015-10-19 14:40:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Vào Truyện
ôi sinh ra ở một mạn cửa sông rộng mờ mịt, vào những ngày xấu trời mà nhìn sang bên kia dù có căng mắt cũng chẳng thấy bến bờ. Thày tôi bảo bờ bên kia đã là đất mấy huyện của Hải Phòng rồi. Cách nhà tôi không xa có một khu rừng và một rặng núi đá. Dạo ở ta chưa có phà chạy sông, cái thị trấn Quảng Yên heo hút buồn tênh này đã có một bến đò rồi. Quanh năm, chỉ thấy lèo tèo dăm con đò buông chèo, neo bến; dù những khi không có khách qua sông hay những buổi bến đông người thì vẫn chỉ ngần ấy con đò. Khách quá giang quen gọi bến ấy là bến đò Rừng. Dọc theo con đường lát đá gập ghềnh từ bến đò dẫn lên núi, nơi có những bức tường xây bằng đá hộc mầu xanh xám và mấy cái lô cốt mốc đen, khách lạ chỉ nom thấy hai bên đường lèo tèo vài mươi ngôi nhà, cả mái ngói lẫn mái gianh, dân cư thưa thớt, lành hiền. Nhà tôi là một ngôi nhà cổ hai tầng nằm ngay sát chân núi, trước kia vợ chồng người Tây đồn ở, rồi qua bao nhiêu gia đình khác, nay đến gia đình tôi. Đứng trên bao lan gác, có thể trông bao quát cả một dải cát vàng lượn nhấp nhô nơi triền sông. Đứng trong cửa sổ buồng thày tôi, có thể nghe tiếng chim và tiếng ngàn thông lao xao trên sườn núi, ngắm nhìn những lớp mây sớm chiều bao phủ trên ngọn núi đá cây cỏ mọc um tùm.
Gia đình tôi thưa người, chỉ có năm mái đầu. Thày tôi làm thư ký kế toán cho một sở mỏ than đá; sáng sớm đi làm tối mịt mới về, vì sở cách xa nhà những năm cây số. Thày tôi quê phủ Thuận Thành, miền Kinh Bắc. Thày quyến luyến quê nhà lắm, cứ mỗi lần thắp nhang cúng tổ tiên trên bàn thờ xong, tôi thấy người lại vọng về hướng quê nhà mà lạy. Có lần tôi bắt gặp thày từ dưới bến đò Rừng đi lên bờ sông dốc sau khi thăm quê cha đất tổ trở về. Thày đứng lại hồi lâu nhìn sang bờ bên kia, như còn cố vọng về nẻo cố hương Kinh Bắc xa vời vợi. Mẹ tôi là một người đàn bà xứ Huế, mới bắt đầu làm quen đất Bắc, ít cười ít nói, lúc nào cũng như thẫn thờ tiếc nhớ một cái gì xa xôi. Mẹ lấy việc chăn tằm, hái dâu, may vá làm khuây khỏa, đó là một người đàn bà hiền đức được thày quý mến vô cùng. Tôi thì đang học lớp ba ở một trường công. Chị tôi giúp mẹ việc hái lá dâu, bếp núc. Người đày tớ già tên Bồng. Lão chuyên việc dẫy cỏ khu vườn sắn, chăm nom đàn gà và mấy con dê sữa. Bảo việc chăm nom đàn gà và mấy con dê sữa là việc của lão Bồng, nhưng thực ra tôi cứ hay lanh chanh giữ việc ấy để tỏ với thày mẹ rằng tôi cũng hay làm, được việc lắm đây, chứ có "dài lưng tốn vải" như mẹ tôi vẫn mắng yêu đâu. Đàn gà dễ thương quá đi mất. Đàn gà con mới nở, tròn và trắng như những nắm bông, cung cúc xúm quanh đuôi mẹ rúc trong vườn sắn, kêu chiêm chiếp đến vui tai. Ba con dê sữa lúc nào bầu vú cũng căng, cứ thấy tôi cắp sách về là be be rối rít đòi tôi đưa lên núi, vì cỏ trên núi mát và thơm ngon hơn cỏ vườn nhà. Mọi sớm, trời chưa sáng tỏ, dê đã quen nếp kêu ở chuồng để đánh thức lão Bồng. Lão lom khom xách cây đèn gió qua sân. Ngọn lửa đỏ quạch nơi tay lão chao đi chao lại, chập chờn trong bóng tối. Giờ ấy, quen lệ, tôi cũng đã dậy thắp cây đèn dầu hoa kỳ học bài rồi. Tôi lò dò ra sân, theo lão Bồng vào chuồng dê vắt sữa. Sữa vừa vắt ra còn nóng hổi, lão lọc cẩn thận, pha đường quấy cho tôi uống ngay lúc đó. Tôi vốn khỏe mạnh, nhưng lão cứ hay ép tôi uống tẩm bổ hoài. Giữa người đày tớ già trung nghĩa ấy với tôi có một tình yêu thương mà sau này lớn lên, lúc nào tôi cũng nghĩ đến.
Câu chuyện những ngày xưa, bấm đốt ngón tay đã ngoài hai mươi năm rồi, bây giờ cầm bút kể cùng các bạn nhỏ thân mến của tôi, tôi thực thấy lòng nao nao như thương, như nhớ một điều gì quý giá lắm của một thời ấu thơ.
Chú Hai Huấn Chú Hai Huấn - Ngọc Giao