Số lần đọc/download: 931 / 4
Cập nhật: 2015-12-15 07:58:18 +0700
Chương 1
C
ũng như những thành phố khác ở miền nam nước Việt, thành phố Châu Đốc vào mùa nắng như bị thiêu đốt dưới ánh mặt trời và khoác thêm một lớp bụi làm mờ mắt. Nhưng tôi không khó chịu, bởi vì tôi sinh ra ở đó. Trong ký ức, hình ảnh khu vườn và xưởng dệt vải của cha tôi đã làm tôi sống lại những ngày sung sướng trong thời thơ ấu.
Hồi đó, cha tôi, Ông Xếp – ai cũng gọi như vậy -- rất giỏi về kinh doanh. Người giúp việc trong nhà tôi là bà An thường kể cho tôi nghe rằng hôm tôi chào đời lại đúng cái hôm cha tôi bận việc giao dịch buôn bán ở một tỉnh xa. Ông được tin tôi mới sinh cùng một lúc được tin có một khách hàng ở Bạc Liêu quỵt nợ một số bạc hơn bốn trăm ngàn đồng. Thực khó mà hiểu tâm trạng của ông lúc ấy. Không biết ông vui với cái tin có thêm thằng bé Lênh Đênh -- tức là tôi – hay là buồn vì bị khách hàng bỏ trốn. Tôi thương cho cha tôi quá, nhưng thương mà không biết biểu lộ bằng cách nào!
Tôi như một kẻ sinh ra để chứng kiến những rủi ro xảy đến cho gia đình tôi.
Mà thực vậy, sau vụ người khách hàng ở Bạc Liêu ẵm mất số bạc to lớn đó thì tiếp đến nhà tôi bị hai lần hoả hoạn, chú tôi là ông Ba Tiết lại bỗng sinh mối bất hoà với cha tôi. Sau nữa, cha tôi bị mấy người buôn thuốc nhuộm kiện ra toà. Và cuối cùng, thời cuộc đã làm ngưng trệ công việc làm ăn.
Từ ấy, xưởng dệt của cha tôi như một người bệnh đã kiệt sức, những hoạt động cứ mỗi ngày một bế tắc cho đến hai năm sau phải đành dẹp bỏ và để gìn giữ cái gia sản đổ nát này, cha tôi mướn người gác cổng tên Cốm, cho người ấy ở căn nhà cạnh góc sân của xưởng với đứa con trai bé bỏng của ông ta tên là thằng Cu Nghé.
Bấy giờ, tôi được sáu, bẩy tuổi gì đó, nhưng cha mẹ tôi vẫn không cho tôi đến trường, có lẽ tại tôi thường đau yếu. Mẹ tôi dạy cho tôi biết đọc, biết viết, biết một vài khoa học thường thức khác. Thành thử, tuy đã lớn, mà tôi hãy còn lẩn quẩn trong nhà, và nhờ đó, tôi biết rõ từng cảnh tượng đau buồn của gia đình tôi. Có điều, biết mà không thông cảm được nỗi đau buồn đến mức độ nào, tôi chỉ xem sự đau buồn như một sự thay đổi đồ chơi nên không lấy gì làm khó chịu cho lắm.
Tôi nói với thằng Cu Nghé:
- Mày biết tại sao tao có quyền chạy nhảy trong xưởng bất kể giờ giấc không?
Cu Nghé tần ngần rồi lắc đầu.
Tôi tiếp:
- Có vậy mà mày không hiểu. Vì xưởng này đã thuộc về tao rồi. Mày thấy không, ngày trước tao còn nhỏ nên chỉ được chạy nhảy trong xưởng vào ngày chủ nhật, ngày lễ mà thôi.
Cu Nghé chớp chớp mắt như cố nhớ lại sự kiện đó.
- Ừ nhỉ! Cu Nghé nói.
Tội nghiệp cho nó và cả cho tôi. Trí óc non nớt của chúng tôi đã suy luận sự khánh tận một xưởng dệt bằng những ý nghĩ ngây ngô nhất và cũng dại dột nhất.
Trong khi đó, cha tôi đâm ra thay đổi tính nết, lúc nào cũng gắt gỏng, la rầy lớn tiếng khiến ai cũng khiếp sợ. Ấy vậy mà, cha tôi lại không hề lưu ý đến những tiến triển chung quanh bởi ông chỉ nghĩ đến một việc là sự nghiệp đã tiêu tan và tiếc nuối.
Ông luôn luôn mang vẻ mặt lầm lì nên không ai dám đến gần, và cũng chẳng ai dám hỏi han.
Tất cả trong nhà đều nín câm. Nếu có muốn nói, chúng tôi phải nói thầm hoặc kê miệng vào tai thủ thỉ, nghe tiếng được, tiếng mất.
Nhìn cha tôi, mọi người đều xúc động.
Mỗi bữa ăn, khi cha tôi ăn xong và lầm lũi bước đi là không một ai có thể cầm nước mắt được.
Hình dáng tiều tụy của ông đã làm chúng tôi đau xót: Mẹ tôi khóc, bà An khóc, anh Giác tôi khóc, tôi khóc và cả đến anh Cả của tôi, một tu sĩ, thỉnh thoảng về thăm nhà, cũng khóc. Thế rồi khóc hoài thành vô nghĩa hình như rốt cuộc chỉ có mẹ và anh Cả tôi là đau xót thật tình mà khóc. Còn bà An thì có lẽ thấy mẹ tôi khóc nên phải cố mà khóc theo. Còn tôi và anh Giác – anh ấy chỉ lớn hơn tôi có hai tuổi – thì chắc là muốn khóc vào cho đông đủ, cho có phần góp với mọi người cho vui bởi vì tôi biết rõ anh Giác hơn ai hết.
Anh Giác quả là một đứa bé nhiều nước mắt một cách rất đặc biệt. Anh khóc rất dễ dàng như người ta nhổ nước bọt, muốn khóc lúc nào cũng được -- Buổi mai, buổi chiều, ban đêm anh đều khóc được.
Có lần, thấy anh khóc, người ta hỏi:
- Sao vậy?
Anh Giác sụt sùi:
- Dạ, không sao cả!
Mà thực, anh ấy đã nói thực, nhưng khổ nỗi người ta lại ngẩn ngơ.
Đôi khi, cha tôi bực mình, bảo mẹ tôi:
- Bà hãy xem, kìa đôi mắt thằng Giác lúc nào cũng đỏ thế là thế nào? Người với ngợm gì mà như trái mít ướt thế hở?
Mẹ tôi ôn tồn trả lời. Nghe giọng bà, người ta có cảm giác êm ả như đang an ủi cha tôi sau một lần buôn bán thua lỗ.
- Thôi mà ông, biết làm sao bây giờ. Cha mẹ sinh con, Trời sinh tánh, lớn chắc nó hết tánh đó, chắc cũng như tôi, hồi nhỏ tôi cũng dễ khóc như nó vậy…
- Trời! Cha tôi kêu lên, nhưng không có nghĩa phản đối gì hết. Có lẽ ông cũng tin ở lời mẹ tôi.
Ngược lại. Anh Giác càng lớn càng khóc nhiều hơn.
Anh ấy đúng là đứa bé thực kỳ cục. Nguồn nước mắt của anh thật vô tận và lúc này, lúc mà gia đình tôi khánh tận này chính là một cơ hội tốt cho anh tha hồ khóc suốt ngày này qua ngày khác mà không hề bị ai chú ý hoặc quở trách.
Riêng tôi, tôi nghĩ, nếu tôi không khóc thành tiếng thì sẽ lộ chân tướng đang sung sướng nhờ sự khánh tận mà khỏi bị kiềm giữ nên tôi khóc.
Do đó, khóc xong là tôi đi chơi với thằng Cu Nghé, vào khắp các phòng máy trống rỗng, vắng vẻ. Những bước chân chúng tôi khua động như khua động trong một đền đài rộng lớn và chạy nhảy ở đó chán, chúng tôi lại ra sân cỏ múa may.
Chúng tôi đặt ra những trò chơi thích thú và thằng Cu Nghé đúng là mẫu người bạn lý tưởng của tôi. Nó mới mười hai tuổi mà mạnh như bò nhưng lại lùn như vịt và có tánh trung thành như con chó. Đã thế, nó lại có nhiều biệt tài và rất duyên dáng. Ông Cốm, cha nó đặt tên là Cu Nghé hẳn phải có một lý do chắc không ngoài lý do đầu nó trùi trụi như đầu con trâu con. Tôi thường cùng Cu Nghé chơi trò Tạc Dăng. Tôi làm Tạc Dăng. Nó làm thú dữ. Nó có thể giả tiếng thú dữ gầm thét, không biết ai dạy nó, đôi lúc nghe như thật, đến phát sợ.
Lẽ dĩ nhiên, người điều khiển trò chơi Tạc Dăng là tôi. Tôi làm Tạc Dăng dù chỉ biết độc mỗi tiếng hú mà mới nghe người ta tưởng chó điên tru; còn Cu Nghé thì lúc làm cọp, lúc làm khỉ… nói chung là làm những con vật trong rừng và đôi khi nó vẽ mặt vằn vện để làm mọi.
Cứ thế, cả hai chúng tôi say sưa đùa chơi.
Chúng tôi muốn làm thực giống Tạc Dăng, thực giống mọi như tôi đã đọc trong sách vào những buổi tối. Kể ra trí óc tưởng tượng của tôi cũng phong phú lắm. Tôi cùng thằng Cu Nghé đã tự lột hết áo quần rồi lấy lá chuối khô đeo tòn ten dưới háng: như vậy, thoạt nhìn chẳng khác nào quấn khố da thú.
Tôi cũng đã tưởng tượng rằng khu vườn quanh xưởng thợ là một vùng thâm sơn cùng cốc và mỗi cái nhà là một hang động hoang vu.
Thằng Cu Nghé khâm phục tôi ra mặt. Nó vâng lời và kính trọng tôi y như là được vâng lời, kính trọng một kẻ siêu phàm. Tôi bắt nó làm gì nó cũng làm, dù là bắt nhận lãnh một nhiệm vụ hài hước nhất: Cỡi trên lưng nó, khớp cương vào miệng nó… Tôi là Tạc Dăng mà. Phải đóng vai bá chủ chứ. Phải tỏ mình có biệt tài… Nhưng thằng Cu Nghé lại cũng chẳng chịu kém. Nó đã làm tôi phát sợ mỗi khi cất tiếng gầm thét, không biết nó học ở đâu mà giống tiếng thú đến thế.
- Này, đừng làm giống thực quá tao ghê lắm. Tôi bảo nó. Vậy mà nó vẫn làm già. Nó nổi hứng dùng nhiều tiếng mà tôi chưa hề nghe, nhưng tôi cũng nói theo, lâu dần thành quen miệng cùng một lúc tính tình cũng thay đổi. Tôi bạ đâu nói đấy, lấc ca lấc cấc như những đứa trẻ lêu lổng ngoài đường phố. Và rồi một hôm – hôm đó đang ngồi trong bàn ăn – tôi buột miệng thốt ra nhiều câu tục tằn làm cả nhà sửng sốt. Mọi người đều quay lại nhìn tôi như nhìn một hiện tượng vô cùng quái gở.
- A… cái thằng này!
- Ai dạy mày thế hở?
- Thôi nguy rồi. Quá lắm rồi. Phải gửi cho anh nó dạy nó mới được…
Và sau hôm đó, cha tôi đưa tôi đến anh Cả tôi, vị tu sĩ mà tôi rất kính mến.
- Này! Anh Cả tôi bảo. Điều trước nhất là phải rửa tội. Em phải xưng tội, kể hết lỗi lầm đã mắc phải. Em hiểu chưa? Em lớn rồi. Em đã đến tuổi có trí khôn rồi…
Thế là phải đến nhà thờ, một việc làm mà ai cũng cho là quan trọng. Riêng tôi, tôi cho đây là biến cố.
Tôi run run đặt chân vào phòng xưng tội và quỳ xuống. Tôi tưởng có thể chết đi được vì xấu hổ và vì sợ sệt.
Từ đó, ý nghĩ cần xa lánh thằng bạn Cu Nghé đến với tôi. Tôi quyết định không chơi với nó nữa. Tôi so sánh nó với quỷ sứ trong Thánh Kinh và khi về nhà gặp nó, tôi bảo:
- Tao thù mày lắm. Hãy đi đi. Tao không muốn thấy mặt mày. Đừng hòng rủ rê tao phạm lỗi nặng như vừa rồi…
Tội nghiệp, câu nói ấy đã làm Cu Nghé buồn. Nó đứng tiu nghỉu ở cửa, ánh mắt vừa van xin, vừa phân trần. Trong thâm tâm, tôi không dám nhìn nó, ấy vậy mà tôi vẫn nhìn, mà cứ mỗi lần nhìn thì nó lại cất tiếng giả tiếng thú rừng như điên, như dại, cốt để kêu gọi tôi, để tôi sẽ xoá bỏ ý định xa lánh nó, sẽ chơi lại với nó, nó cố gắng tác động tinh thần tôi bằng những tiếng gầm thét ấy, nhưng tôi không còn đủ can đảm tiếp tục trò chơi Tạc Dăng. Tôi lờ mờ thấy rằng hãy còn nhiều hình phạt nghiêm khắc khác đang chờ, nếu tôi cả gan tái phạm những lỗi cũ.
Tuy nhiên, thằng Cu Nghé thì vẫn tiếp tục gầm thét mãi. Nó gầm thét đến nỗi cha nó hết chịu nổi và để khỏi ồn ào trong nhà, ông liền gửi nó đi học nghề sửa chữa máy móc.
Mất trò chơi Tạc Dăng, mất thằng Cu Nghé, tôi như mất cả linh hồn, thực tuyệt vọng. Tôi không biết rồi đây sẽ kiếm đâu ra nguồn vui khác để quên đi sự buồn này. Chơi một mình thì chán quá. Đọc sách lại càng chán hơn và tôi băn khoăn, những băn khoăn lẩn quẩn không lối thoát.
Cuối cùng, không biết làm gì, tôi đành chơi với con két của chú Ba Tiết cho tôi.
Sở dĩ chú Ba Tiết cho tôi con két này vì nó học nói léo nhéo suốt ngày làm chú đâm bực, nhiều lúc đến nổi cáu.
Bây giờ, con két đã thế được thằng Cu Nghé, nhưng từ khi về tay tôi, nó lại không học nói nữa.
Suốt ngày, tôi cố gắng tập cho nó nói, nó vẫn không nói, thế có dễ ghét không, tức chết đi được.
Nhìn bộ tịch khinh khỉnh của nó trong chiếc lồng đẹp đẽ, tôi có cảm giác rằng nó cho tôi là con nít không biết gì.
Tôi lập đi lập lại câu “Hỡi Tạc Dăng đáng thương!” thì nó lại ngoảnh mặt đi chỗ khác, ra cái điều không tin là tôi đã từng làm Tạc Dăng đến thằng Cu Nghé phải khâm phục.
- Két! Két! Tôi sừng sộ với con két. Tao nói cho mày biết, chỉ cần cái búng tay của tao là mày sẽ chết không kịp ngáp con ạ!
Ấy vậy mà nó vẫn im lặng.
Thái độ im lặng của nó làm tăng sự ngột ngạt, lạnh lùng của những ngày tẻ nhạt mà tôi đang sống.
Thế rồi, một hôm, tôi dậy thực sớm, lặng lẽ bước ra khỏi nhà để dạo quanh khu vườn mà tôi đã từng gọi là thâm sơn cùng cốc. Những kỷ niệm bỗng sống dậy trong tôi. Tôi vừa đi vừa nhớ lại những lúc đùa giỡn, chạy nhảy với thằng Cu Nghé.
Bụi cỏ này, lùm cây này… Tất cả đều có bước chân chúng tôi giẫm qua.
Nhưng ngày ấy không còn nữa, tôi tiếc muốn khóc.
- Thôi nhé, vĩnh biệt!
Bất giác tôi thở dài. Câu nói đó tạo thành âm vang não lòng và tôi muốn quay về nhà. Tôi định chạy thật nhanh về nhà, nhưng mới dợm bước thì bất thình lình ở trước mặt có một tốp người xuất hiện. Họ toàn là người lạ làm tôi đâm hoảng. Tôi lật đật trốn trong lùm cây bông giấy để chờ họ đi qua và may là họ đi qua mà không thấy tôi.
Người hướng dẫn tốp người lạ mặt này là ông Cốm, gác cổng.
- Lạ nhỉ, ông Cốm đưa những người ấy đến đây làm gì? Tôi tự hỏi.
Thắc mắc ấy trong tôi mỗi lúc mỗi lớn dần vì bọn người này lùng lội khắp nơi. Họ xem xét mọi vật kỹ lưỡng như những anh lái bò mua giống. Họ đã khuấy động cái thế giới huyền bí riêng tư của Tạc Dăng, của tôi. Thỉnh thoảng họ gật đầu ra chiều ưng ý lắm, nhưng tôi vẫn không hiểu họ muốn gì và nghĩ dại: hay là họ lùng kiếm mình?
Tôi sợ quá. Tôi cố gắng nín thở, nằm im thin thít, mắt không ngớt theo dõi bọn người lạ lùng đó và thực là may mắn, cuối cùng họ bỏ ra về, không hề biết tôi có mặt ở đây.
Chiều lại, khi vừa ngồi vào bàn ăn, với giọng buồn buồn, cha tôi cho biết là cơ xưởng đã bán được rồi; gia đình tôi, tháng sau, sẽ lên Saigon kiếm cách sinh sống.
Tin ấy đến với mọi người hình như không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng với tôi, kinh khủng quá. Tôi có cảm giác như đất trời sụp đổ. Tôi không tin đó là sự thật -- có thể tôi nghe lầm –
- Thưa cha, cha nói gì lạ thế? Tôi hỏi lại.
- Hồi nãy giờ mày không nghe gì cả? Xưởng mình có người mua được giá, tao bán rồi. Giọng ông gằn gằn.
Bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi sực nhớ đến bọn người khi sáng và đã hiểu tất cả.
- Trời ơi! Trong thâm tâm tôi thảng thốt. Giang sơn của Tạc Dăng đã bị kẻ khác xâm chiếm! Kỷ niệm ở đây còn nhiều quá! Làm sao không luyến tiếc được. Tôi sẽ vĩnh biệt từ lùm cây, bụi cỏ trong vườn, từ viên gạch, từ kẹt cửa… trong những xưởng thợ, những nơi mà một thời đã được tôi đặt tên là rừng hoang, là hang động để làm cảnh cho vở kịch do tôi với Cu Nghé đóng vai chính: Vở kịch Tạc Dăng!
Tôi muốn nói một lời từ giã với tất cả: “Từ đây, chúng mình không thấy mặt nhau nữa!” vì thấy tất cả đều mang vẻ ủ rũ, đau xót.
Tôi nghĩ, chắc những kỷ niệm thân yêu ấy đang nói với tôi những lời thống thiết nhất bằng ngôn ngữ riêng và những ngày tôi chưa rời khỏi nơi đây, hẳn chúng nó thích được an ủi – Tôi là Tạc Dăng mà – Do đó, suốt ngày tôi lảng vảng khắp nơi. Tôi thì thầm với chúng nó như đối diện với lũ bạn thân.
Tôi lại nghĩ, trường hợp tôi hôm nay giống trường hợp Tạc Dăng viết trong truyện. Thỉnh thoảng Tạc Dăng cũng phải rời bỏ núi rừng và chịu đựng nỗi buồn trước cảnh chia ly. Tôi phải có thứ can đảm đó. Thế nào rồi cũng phải đi. Nhưng bên cạnh nỗi buồn này tôi bắt đầu lờ mờ hình dung rằng: Saigon sẽ cho tôi những khung cảnh hấp dẫn.
Gia đình tôi sẽ lên Saigon bằng tàu thủy. Đường thủy từ Châu Đốc đến Saigon chắc có nhiều điều mới lạ, chưa thấy, chưa biết vì lần đầu tiên tôi mới được đi xa như thế này. Tự nhiên, tôi đâm ra trông ngày ấy chóng đến.
Trong khi đó, cha tôi đã đến Saigon trước một tuần lễ. Ông đi trước để thu xếp nơi ăn, chốn ở và chở trước những đồ vật kềnh càng. Còn lại mẹ tôi, anh Giác, bà già An. Còn anh Cả tôi thì không đi, nhưng hôm chúng tôi đi, anh tôi cũng như ông Cốm đều tiễn đưa đến tận bến tàu. Ông Cốm đẩy một cái xe ba gác chở cả đống khăn gói, va ly, rương, thùng… từ nhà ra bến tàu và anh Cả tôi thì dìu mẹ tôi. Mọi người đều tỏ vẻ sầu não, chỉ có anh Giác tôi là khóc sướt mướt. Anh ấy đi dưới bóng dù của bà già An. Trông anh, tôi biết chắc là anh rất thích Saigon, ấy vậy mà anh vẫn khóc, thực kỳ cục.
Chúng tôi càng đi xa, nhìn lại càng thấy khu cơ xưởng như càng vươn cao, như muốn vẫy tay về phía chúng tôi và tôi không dám nhìn nữa. Tôi lẽo đẽo theo sau mọi người, xách kè kè cái lồng két với những thương tiếc ngậm ngùi. Tôi sẽ không thường gặp anh Cả tôi như những ngày qua nữa. Người anh quý mến ấy làm sao tôi quên được. Anh luôn luôn cho tôi tình thương đậm đà và sẵn sàng tha thứ tất cả.
Với trí óc non nớt của tôi, tôi không thể nào hiểu nổi tâm trạng của kẻ ở người đi, nhất là người lớn.
Tôi nhìn từng bộ mặt trong đoàn người di cư này vẫn không tìm thấy một thay đổi nào rõ rệt. Tất cả lầm lì, yên lặng như khó chịu về cái nắng oi bức làm nhễ nhại mồ hôi.
Riêng tôi, tôi vừa có cái băn khoăn cho số phận cơ xưởng của tôi bắt đầu vào tay chủ mới, vừa có cái háo hức sắp tới xứ lạ.
Tâm trạng của tôi là thứ tâm trạng buồn vui lẫn lộn giống như có lần chỗ tôi ở bị lụt, ai cũng trông nước mau rút; ngược lại, tôi thích trận lụt kéo dài để nước tràn vào vườn, tràn vào nhà, tràn vào khắp ngõ ngách, suốt ngày mọi người ngồi ru rú trên giường với chó với gà và tôi thì thả ghe giấy.
Lần đi này cũng vậy, xa những kỷ niệm thân yêu, tôi có buồn thực, nhưng khi thấy mọi người lăng xăng thu dọn đồ đạc, tôi lại vui. Không khí rộn ràng đó giá cứ tiếp tục xảy ra mãi thì tôi tha hồ chạy chơi mà không hề bị ai quở phạt. Đã thế, mọi người lại hình như có vẻ chìu chuộng, rộng rãi, cưng kiu tôi hơn. Tôi có thể được thoả mãn mọi đòi hỏi miễn là đừng làm phiền đến công việc của mọi người đang làm.
Ấy vậy mà, sự thương tiếc trong tôi vẫn có.
Tôi không tưởng tượng được khi mất hẳn những kỷ niệm thân yêu thì đau khổ đến mức nào, nhưng mơ hồ thấy rằng không gần gũi nó nữa chắc sẽ mất hết hứng thú, chắc tôi sẽ bơ vơ như bị bạn bè bỏ rơi kiểu thằng Cu Nghé hò hét một mình vì không được tôi hưởng ứng.
Rồi đây, khi đã đặt chân lên đất Saigon thì chắc là sự cô độc này sẽ rõ ràng hơn. Lạ cảnh, lạ người, không bạn bè, không thân thích, tôi sẽ thui thủi một mình và nhớ không sót một chuyện nhỏ nhặt nào đã xảy ra ở chung quanh cái thế giới Tạc Dăng ấy. Chắc tôi sẽ có dịp nghiền ngẫm những cử chỉ ngây ngô và ân hận về những hành động dại dột.
Bây giờ tôi mới hiểu rằng không có cuộc chia ly nào lại không buồn.
Mọi việc xảy ra dồn dập, không kịp để suy nghĩ, chúng tôi xuống tàu và kéo dài cuộc hành trình đến những ba ngày lênh đênh trên mặt sông với cái náo nhiệt trên tàu: đoàn thuỷ thủ, hành khách, tiếng động cơ, tiếng còi máy, viên thuyền trưởng tên Lê Niên, người đầu bếp tên Lý Mạc… Những thứ đó xoáy sâu vào cảm giác tôi, có lẽ đến chết vẫn còn nhớ.
Tôi ngồi tại mũi tàu -- Suốt ngày tôi ngồi ở đó, trừ giờ ăn và giờ ngủ -- gần chiếc dây neo, gần chỗ treo cái chuông báo hiệu mỗi khi tàu vào bất cứ thành phố nào, và ngồi giữa một đống dây chất ngổn ngang để nhìn cảnh vật chung quanh.
Tôi đặt cái lồng chim két vào giữa hai đầu gối và nheo mắt nhận định bóng lờ mờ của hai bờ sông.
Dòng An Giang quá rộng, nhưng không thoả mãn, lòng tôi vẫn ao ước nó rộng hơn nữa, rộng lớn như đại dương để có cảm tưởng mình là Kha Luân Bố đi tìm Tân thế giới.
Tôi ngửa mặt đón gió mát.
Những con thuyền xuôi gió chạy rẽ nước như mũi dao bén nhọn rạch tấm thảm xanh, và sóng nước nhấp nhô như những ngón tay dài trên dương cầm.
Một vài con thuyền băng ngang sông chở mấy người trai đánh cá giơ tấm lưng trùng trục tắm nắng, đôi cánh tay trần, bắp thịt nổi từng cuộn, vừa chèo, vừa hát hò, vô tư…
Thỉnh thoảng, con tàu mang chúng tôi lại phải chạy dọc theo một cồn đất giống như một hoang đảo, cây cối um tùm.
- Trời ơi! Tôi buột miệng. Không chừng giang sơn này là của Tạc Dăng.
Và cứ như thế, tôi bị trời nước bao la cuốn hút. Tất cả đều mới lạ, đều hấp dẫn, say mê.
Đối với tôi, đó là chuyến đi cho tôi nhiều thích thú nhứt, những thích thú bất ngờ vì cái gì cũng làm tôi ngạc nhiên.
Thế rồi, cuối ngày thứ ba, trời đang sáng bỗng nhiên sương mù giăng dầy đặc, trước mũi tàu một ngọn đèn dầu rất lớn được thắp lên để soi lối đi. Cảnh tượng ấy thoạt nhìn như có vẻ huyền bí đến phát sợ và làm tôi hoang mang.
- Đến Saigon rồi bà con ơi! Tiếng reo đó vang bên tai tôi cùng một lúc tiếng chuông rung liên hồi.
Thì ra, con tàu đã vào thành phố. Và tôi bắt đầu lấy lại bình tĩnh.
Tôi nhìn qua lớp sương mờ có ánh đèn chiếu lập loè dọc hai bên bờ sông.
- Chắc đó là Saigon. Tôi lẩm bẩm.
Lòng tôi bấy giờ nghe rộn rã lạ thường.
Trên tàu, mọi người chen nhau tìm hành lý, lao xao, ồn ào như chợ vỡ và các thuỷ thủ thì làm việc không ngừng. Họ vừa lăn mấy cái thùng tô nô vào một góc tối, vừa điều khiển ống khói hạ thấp xuống mỗi khi tàu chui qua một gầm cầu, nhả từng luồng khói đen đặc, nghẹt thở, gắt cổ đến phát ho. Tất cả hỗn độn không tưởng tượng được. Đã vậy, tự nhiên, trời lại nổi cơn mưa.
Tôi vội vã đi kiếm mẹ tôi.
Tôi phải khổ cực lắm mới đến được mũi tàu phía bên kia vì mẹ tôi đang đứng ở đó với anh Giác, bà già An và đúng lúc ấy thì tàu cập bến.
Chúng tôi xúm xít nhau dưới cái dù của bà già An, ngơ ngác chưa biết phải làm gì khi hành khách đã lũ lượt lên bờ.
Tôi định hỏi mẹ tôi “mình cũng lên chứ mẹ?”. Nhưng chưa kịp hỏi thì có tiếng cha tôi gọi, không biết ông đi đón từ lúc nào.
- Mẹ con nó ơi! Tiếng gọi ấy không khác nào vị cứu tinh. Chúng tôi mừng ra mặt.
Cha tôi len lỏi giữa đám người đang rời con tàu để tiến về phía chúng tôi.
- Mệt không? Đó là câu hỏi đầu tiên của ông khi ôm nhẹ chúng tôi vào lòng.
- Thôi, về nhà rồi hãy nói chuyện. Này… hãy đi theo tôi. Cha tôi nói với mẹ tôi, với bà An, rồi một tay nắm tay anh Giác, một tay nắm tay tôi mà dắt đi. Coi chừng trợt đấy!
Mà thật, cầu tàu trơn ướt, chúng tôi đi thực cực nhọc, và trời lại tối, mỗi bước đi thỉnh thoảng lại vướng phải mấy cái thùng để bừa bãi.
- Này… Phải cẩn thận kẻo té! Cha tôi lại ra lệnh.
Đàn ông có khác, tôi nghĩ, hành động đàn ông bao giờ cũng đáng tin cậy, những ý nghĩ này bỗng bị đứt quãng vì tiếng kêu réo ở trên tàu.
- Tạc Dăng! Tạc Dăng!
Tôi giựt mình. Đúng là tiếng một con chim học nói, con két của tôi. Tôi cố rút tay ra khỏi tay cha tôi để chạy lại tìm nó. Khổ nỗi, ông tưởng tôi trợt chân nên càng giữ chặt tôi hơn và tiếng kêu réo đó lại dữ dội hơn.
- Tạc Dăng! Tạc Dăng! Hỡi Tạc Dăng đáng thương!
- Trời ơi, con két của tôi. Tôi bỏ quên con két. Bây giờ thì tôi không thể im lặng được nữa. Tôi vùng khỏi bàn tay cha tôi và la to lên như thế.
- Hả? Bữa nay nó biết nói rồi hả? Anh Giác tôi cũng quýnh lên, anh hỏi dồn với đôi mắt mở lớn.
- Làm cái gì ồn thế! Cha tôi rầy át đi rồi trấn an. Mai hãy lại tìm nó. Đồ đạc bỏ quên trên tàu không bao giờ mất đâu mà sợ. Cha tôi nói chắc phải đúng, tôi tin vậy. Hơn nữa, viên thuyền trưởng Lê Niên đã ra lệnh thuỷ thủ nhổ neo gấp và chúng tôi cũng đã đi khỏi bến tàu quá xa rồi.
Ấy vậy mà, tôi vẫn khóc sướt mướt. Linh tính cho tôi biết không bao giờ còn gặp con két ấy nữa.
Mà thực, con két ấy đã vĩnh biệt tôi thực.
Sáng hôm sau trở lại tìm nó, không thấy nó đâu cả, tôi đau khổ vô cùng.