The oldest books are still only just out to those who have not read them.

Samuel Butler

 
 
 
 
 
Tác giả: John Dickson Carr
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Lệ Thanh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 378 / 33
Cập nhật: 2020-07-09 16:12:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
gày xưa, có một người đàn ông sống cạnh nghĩa trang... Là phần mở đầu thích hợp cho một câu chuyện. Điều này kể ra cũng phù hợp với Edward Stevens. Dẫu sao, ở kế cận nhà anh ta cũng có một nghĩa trang nho nhỏ và Despard Park thì luôn bị người ta xì xầm về những chuyện ma quái rùng rợn, nhưng điều này chỉ là một khía cạnh không đáng kể của câu chuyện.
Trên chuyến tàu sẽ ghé lại ga Broad Street vào lúc 18 giờ 48, Edward Stevens đang ngồi trong toa dành cho những người hút thuốc. Anh ba mươi hai tuổi và giữ một chức vụ khá quan trọng trong công ty Herald and Son, những nhà xuất bản nổi tiếng. Anh mướn một căn hộ ở thành phố và đồng thời là chủ một biệt thự nhỏ ở Crispen, ngưỡng cửa của thành phố Philadelphia, nơi anh về sống hầu hết những ngày nghỉ cuối tuần vì vợ chồng anh rất thích vùng thôn dã. Chính vì thế mà chiều thứ sáu hôm nay, anh đã trở về đó để gặp Marie và mang theo trong chiếc cặp da của anh tập bản thảo mới nhất của Gaudan Cross viết về những vụ án mạng nổi tiếng.
Đây là những sự kiện trung thực nhất của chúng. Chẳng một hiện tượng bất thường nào xảy ra trong ngày và Stevens chỉ đơn giản là đang trên đường về nhà, như bất cứ một người hạnh phúc nào, có nghề nghiệp, một người vợ và một lối sống thích hợp.
Chuyến xe lửa dừng lại thật đúng giờ ở Broad Street và Stevens chợt nhớ ra rằng mình phải đánh một bức điện khi tàu dừng lại ở Crispen trong bảy phút nữa. Chẳng ai có thể hiểu tại sao Crispen lại không được sáp nhập vào Haverford hay Bryn Mawr, hai thị trấn kề cận với nó. Crispen gồm khoảng nửa chục nóc gia rải rác trên một sườn đồi, nhưng dẫu sao chăng nữa, trong một nghĩa nào đó, đấy cũng là một cộng đồng nho nhỏ. Thật vậy, ở đây có một bưu điện, một hiệu thuốc và có cả một phòng trà - tiệm bánh ngọt, lấp ló sau đám cây phong hùng vĩ, nơi đại lộ King chạy dọc theo Despard Park. Nơi đây cũng còn có một cửa hàng phục vụ mai táng nữa.
Cái điểm sau cùng này thường xuyên khiến cho Stevens nghi ngờ. Chàng tự hỏi tại sao lại có một cửa tiệm như thế ở chốn này, mà xem chừng như có vẻ thích hợp nữa chứ. Ở trước cửa tiệm có kẻ hàng tên J. Atkinson nhưng bằng chữ nhỏ. Cửa tiệm được bao quanh ở lưng chừng bằng những tấm màn nhung đen để lộ ra hai trong số những chiếc máng cắm hoa nhỏ bằng cẩm thạch và Stevens chẳng bao giờ gặp một ai ở phía sau cửa kính đó. Hẳn nhiên, không ai mong được cảnh ra vào tấp nập hoặc bất cứ điều gì khác nơi một của hàng phục vụ mai táng, nhưng, theo lệ thường thì những ông chủ nhà đòn ưa có lối sống vui nhộn, vậy mà, Stevens chẳng hề thấy J. Atkinson đâu. Điều này gợi lên cho chàng đề tài của một tiểu thuyết hình sự mà trong đó xuất hiện một nhà đòn như thế, và ông chủ nhà đòn có thể giải thích về sự hiện diện của một số tử thi ở trong cửa tiệm của mình.
Dẫu sao, có thể là J. Atkinson đã đến Despard Park nhân cái chết của cố Miles Despard vừa mới xảy ra...
Cái lý do duy nhất để biện minh cho sự hiện hữu của thị trấn Crispin trong địa bạ, đó là Despard Park. Có thể nói dòng họ Despard là những người đầu tiên đã đến định cư nơi đây. Từ năm 1681, khi Sir William Penn thành lập bang Pennsylvania mới mẻ, thì lúc đó, một người thuộc dòng họ Despard (cái tên này, theo như lời của Mark Despard thì có nguồn gốc từ Pháp, nhưng đã được biến đổi đôi chút) được nhượng lại một phần đất mênh mông. Cố Miles, trưởng tộc, vừa từ trần được hai tuần nay.
Trong khi chờ chuyến tàu, Stevens thầm hỏi, không hiểu Mark Despard - người gia trưởng mới - tối nay có sang nhà chàng để chuyện trò như lệ thường hay không. Ngôi biệt thự nhỏ của Stevens ở sát hàng rào Despard Park và khoảng hai năm nay, Mark và Edward đã kết bạn với nhau. Tuy nhiên, vào tối nay Stevens vẫn không trông mong gì gặp Mark hay Lucy vợ của anh ta. Thật ra, cái tang của cố Miles không phải là một sự mất mát quá lớn lao (cố đã mắc phải một chứng bệnh đường ruột tàn phá toàn bộ dạ dày, sau bốn mươi năm quá độ), bởi vì cố sống cách biệt và gia đình ít hay biết. Nhưng một cái tang thường lôi kéo theo nó những vấn đề quyền lợi. Cố Miles sống độc thân và Mark, Edith, Ogden Despard là con của người em trai út của cố. Theo Stevens nghĩ thì mỗi người này sẽ thừa hưởng một gia tài khá lớn.
Chuyến tốc hành đã đến và Stevens bước vào toa dành cho những người hút thuốc lá. Trời tối rồi, nhưng trong không khí vẫn còn cái dịu dàng của mùa xuân năm 1929 này. Điều đó làm Stevens nghĩ đến Marie. Hẳn nàng sẽ tới Crisperi để đón chàng. Ngồi ở một góc, chàng chợt nghĩ đến những hoàn cảnh nào đã khiến cho tập bản thảo của Gaudan Cross ở lại trong chiếc cặp da của chàng. Gaudan Cross (tuy kỳ lạ, nhưng đó là tên thật của tác giả chứ không phải là bút hiệu) là một khám phá của Morley, tổng biên tập. Cross sống tách biệt với thế giới bên ngoài, chuyên nghiên cứu và viết lách về những vụ án lừng lẫy. Tài năng lớn nhất của ông là dựng lại rất sống động những vụ án, tưởng chừng như đang diễn ra trước mắt, thậm chí một thẩm phán nổi tiếng đã tuyên bố rằng bài viết về vụ kiện Neil Cream, được in trong cuốn Những ngài bồi thẩm, chỉ có thể viết được bởi một người đã tham dự vào việc xét xử. Chính vì thế, tờ Nữu Ước Thời Báo đã bắt bẻ: Được biết rằng vụ án Cream đã diễn ra từ năm 1892 và theo như người ta được biết ông Cross mới có bốn mươi tuổi, như thế điều này đòi hỏi ông ta phải là một đứa trẻ sớm trưởng thành! Đây cũng là một lối quảng cáo khá tuyệt cho cuốn sách.
Dẫu thế nào, sự nổi tiếng của Cross là do tài năng tập trung của ông vào những vụ án, tuy gây ra biết bao sôi nổi ở thời đại của chúng, nhưng vẫn còn những hấp dẫn mới mẻ đối với những người đương thời với Cross. Ngoài những tư liệu được trích dẫn chính xác, ông ta còn phê phán chống lại những trò xảo trá táo tợn và chính điều này cũng lại là một lối quảng cáo thật tuyệt, chứng tỏ rằng Cross không hề bịa chuyện.
Cho nên, vào cái chiều thứ sáu này, Stevens được gọi lên văn phòng Morley. Ông ta chìa ra cho chàng một tập bản thảo xếp trong một tấm bìa cứng:
- Đây là một tác phẩm mới của Cross. Anh có muốn mang xem trong những ngày nghỉ cuối tuần không? Tôi muốn sẽ có dịp tranh luận với anh, vì tôi biết anh cũng khá quan tâm đến những chuyện như thế này.
- Ông đọc xong chưa?
- Rồi, và ông ta nói tiếp, sau một lúc do dự, vượt xa tác phẩm khá nhất của nhà văn này, nhưng... (lại do dự) dẫu sao ta cũng phải thay đổi cái tựa vì nó quá dài và nặng nề về kỹ thuật, khó khăn trong việc thương mại... Được, rồi ta sẽ tính tới chuyện đó sau này. Tác phẩm này đề cập tới những Bà Chúa Thuốc Độc thật hấp dẫn.
- Tốt lắm! Tốt lắm!
Điều hiển nhiên là trông Morley như đang bận tâm về một chuyện gì đó:
- Anh có quen Cross?
- Không, tôi chỉ gặp ông ấy đôi lần tại văn phòng...
- Quả là một nhân vật lạ lùng. - Vì thế, trong những bản hợp đồng, có một điều khoản mà ông ấy rất xem trọng, tuy thật ra chẳng đáng gì cả. Ông muốn phải in cho bằng được hình ông thật lớn nơi bìa lưng của mỗi cuốn sách.
Stevens tặc lưỡi và rút ra cuốn Những ngài bồi thẩm nơi kệ sách bao quanh phòng.
- Cái lý do là đây! chàng nói.- Tôi đã thắc mắc điều này. Không một dòng tiểu sử tác giả, chỉ vỏn vẹn là bức ảnh với cái tên bên dưới... và lần này là trên một tác phẩm đầu tay mới lạ chứ!
Chàng nhìn kỹ bức ảnh:
- Một khuôn mặt cương nghị, trí thức, dễ mến... nhưng sao ông ta lại háo danh đến nỗi muốn ảnh mình được in trên hàng ngàn ấn bản?
- Không, Morley lắc đầu nói, ông ấy không phải là hạng người mưu cầu một sự quảng bá cá nhân. Hẳn phải có một lý do nào khác.
Một lần nữa, vị tổng biên tập nhìn cộng tác viên của mình, rồi vừa như xua đi một mối bận tâm, ông nói:
- Dẫu thế nào, anh hãy mang theo tập bản thảo này, nhưng anh hãy cẩn thận đấy, bởi nó đính kèm những tư liệu bằng hình ảnh. Anh hãy gặp tôi vào thứ hai, trong giờ làm việc đầu tiên.
Trên con tàu đưa chàng trở về Crispen, khi nghĩ đến buổi nói chuyện đó, Stevens đưa tay mở khóa kéo của cặp, định lấy tập bản thảo ra để liếc sơ qua nhưng chàng đành thôi, vì một lần nữa đầu óc của chàng lại nghĩ về cố Miles Despard. Chàng nhớ lại hình ảnh của ông cụ, vào mùa hè năm trước, vẫn còn đi dạo trong khu vườn thoai thoải ở phía sau ngôi nhà của chàng. Cụ cố Miles chỉ ở tuổi năm mươi sáu khi người ta đặt ông vào quan tài, nhưng với cái lối cẩn trọng của ông, cái cách ăn mặc, bộ râu xám và dáng điệu vì vẻ mơ hồ mà ông gượng tạo, đã khiến cho ông có vẻ già nua hơn.
Căn bệnh đường ruột thật vô cùng đau đớn, nhưng cho đến phút cuối, Miles Despard vẫn khắc kỷ cam chịu và điều này đã làm bà Henderson, quản gia đầu bếp, người chu tất mọi công việc nội trợ cho người đàn ông độc thân này, rất lấy làm khâm phục. Bà ấy cho biết rằng rất ít khi nghe ông cụ than vãn trong cơn bệnh ngặt nghèo của cụ. Họ đã chôn cụ trong một hầm mộ ở bên dưới nguyện đường của gia tộc nơi đã an nghỉ chín thế hệ Despard, và tảng đá nặng trĩu đã được niêm lại ở nơi đó. Một chi tiết đã ghi đậm trong tâm trí của bà Hendérson. Trước khi từ trần, ông Miles có nắm trong tay một sợi dây nhỏ có chín gút ở khoảng cách đều nhau. Người ta đã tìm thấy sợi dây này ở dưới gối cụ.
- Tôi thấy điều này rất hay đấy, bà Henderson đã tâm sự như thế với chị bếp của gia đình Stevens. Có thể cụ nghĩ rằng đây là một tràng hạt hay đại loại như thế. Tất nhiên, gia đình Despard không theo đạo Thiên chúa... nhưng dẫu sao, tôi thấy điều này rất tốt!
Một chuyện khác nữa cũng làm bà Henderson kinh ngạc, đến độ người ta không biết phải giải thích như thế nào cho minh bạch. Mark Despard, cháu của cô Miles, đã thuật lại điều đó với Stevens trong một vẻ đùa cợt, tuy không kém bực tức.
Từ dạo sau cái chết của cố Miles, Stevens chỉ gặp Mark có một lần. Chuyện xảy ra vào đêm 12 tháng tư. Một ngày thứ tư. Sở dĩ Stevens nhớ đến ngày này vì đêm hôm ấy họ đã ghé lại Crispen, một việc rất ít khi xảy ra vào những ngày trong tuần. Ngày hôm sau hai vợ chồng Stevens đã lái xe đi New-York, chẳng hay biết gì về tấn thảm kịch mà sau đó họ đã được biết qua báo chí. Khi trở về vào ngày 15 để nghỉ cuối tuần, họ đã ghé qua Despard Park để phân ưu, nhưng vợ chồng Stevens không tham dự đám tang bởi vì Marie là người rất kinh sợ chuyện chết chóc. Chính vào buổi chiều sau tang lễ, Stevens đã gặp Mark ở đại lộ King.
Hôm đó Mark đã nói thẳng thừng:
- Bà Henderson có trông thấy một vài điều. Tôi chẳng biết cớ sự ra sao, bởi bà ta chỉ nói mấp mé trong buổi đọc kinh cầu, nhưng hình như là trong cái đêm bác tôi qua đời, đã có sự hiện diện của một người đàn bà ở trong phòng của bác và bà ấy đã trò chuyện với ông ấy.
- Một người đàn bà?
- Bà Henderson bảo rằng đó là một phụ nữ diện “đại lễ”. Anh xét xem, chuyện đó cũng có thể xảy ra bởi chính trong tối hôm đó, Lucy, Edith và tôi có tham dự một buổi dạ vũ hóa trang. Lucy đã cải trang thành phu nhân de Montespan và Edith, nếu tôi không lầm, bắt chước lối ăn mặc của Florence Nightingale. Với nhà tôi ăn diện theo lối hoàng tộc và bà chị trong trang phục một nữ y tá lừng danh, tôi cũng nổi bật lắm chứ!
Tuy vậy, tôi thấy chuyện này có vẻ mơ hồ, bởi bác Miles của tôi, dẫu là một người rất lịch thiệp, ông ta vẫn thích sống khép kín trong căn phòng của ông và không để ai đặt chân vào đấy. Kể cả những buổi cơm cũng phải mang vào cho ông. Khi ông ngã bệnh, chúng tôi có đặt một y tá ở phòng kế cận, có cửa thông sang phòng ông thế là ông phản đối kịch liệt. Khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục được ông, và ông khóa cánh cửa tiếp cận lại hầu tránh người nữ y tá có thể tùy tiện ra vào phòng ông. Chính vì vậy mà điều mà bà Henderson đã trông thấy, tuy có thể xảy ra, nhưng theo tôi, thật khó lòng.
Stevens chẳng thể hỉểu điều gì đang làm bận tâm Mark.
- Thật tình, tôi chẳng thấy gì là lạ lùng cả. Anh có hỏi Lucy hay Edith về chuyện này chưa? Vả lại, nếu không một ai được đặt chân vào phòng ông bác, thì làm sao bà Henderson có thể nhìn thấy một người đàn bà ở trong phòng đó chứ?
- Bà Henderson cho biết rằng đã nhìn thấy qua khung cửa kính - mà bình thường được che kín bởi tấm màn - nhìn ra phía hàng ba. Không, tôi chưa nói chuyện này với Lucy cũng như Edith... (Anh ta ngập ngừng rồi tiếp với một nụ cười ngượng nghịu). Sở dĩ tôi không nói với họ là vì phần hai của những điều mà bà Henderson đã trông thấy làm tôi bối rối. Theo như bà Henderson thì người phụ nữ ăn mặc theo lối thời trang xa xưa ấy sau khi trò chuyện với ông bác của tôi, đã quay trở ra bằng một cánh cửa không có trong phòng.
- Một chuyện ma chăng? Stevens hỏi.
- Tôỉ có cảm tưởng rằng, Mark nhấn mạnh, đây là một cánh cửa đã bị xây bít cách đây hai trăm năm. Từ trước tới nay, ở Despard Park không hề có ma. Đây có thể là một yếu tố sinh động, nhưng theo tôi thì nên tránh những chuyện như thế nếu chúng ta còn muốn đón tiếp bạn bè đến nhà. Không, đúng hơn tôi nghĩ rằng ở bà Henderson đã có một cái gì đó bất ổn.
Nói đến đây, anh ta từ giã khi hoàng hôn phủ xuống.
Mặc dù không có một sự liên quan nào, tuy vậy, khi ngồi trong toa xe lửa, Stevens vẫn không ngăn được phải so sánh những lời của Mark Despard với câu chuyện của Morley vào buổi xế trưa. Một nhà văn sống ẩn dật, Gaudan Cross, có cái say mê được in hình ở bìa sau của những tác phẩm, mặc dầu ông ta không phải là người thích phô trương. Một nhà triệu phú, Miles Despard, cũng sống ẩn dật, đã từ trần vì chứng bệnh dạ dày và người ta đã tìm thấy dưới gối của ông một khúc dây có chín gút, sau cùng là một phụ nữ với trang phục thời xưa - không biết rõ thời nào - được thấy rời khỏi phòng qua một cánh cửa đã được xây bít cách đây hai thế kỷ. Có thể nào một tác giả giàu tính tưởng tượng xây dựng được một tiểu thuyết mạch lạc dựa trên những yếu tố rời rạc này không?
Riêng với Stevens, chàng khước từ công việc này và rút ra từ chiếc cặp da tập bản thảo của Cross. Đây là một tác phẩm đồ sộ, nhưng được sắp xếp tỉ mỉ những bức ảnh và hình vẽ được ghim cẩn thận vào những trang liên hệ và mỗi chương đều đóng thành tập bằng kim bấm. Sau khi liếc mắt xem qua phần mục lục, Stevens lật qua chương đầu. Suýt nữa là chàng buông rơi tập bản thảo.
Ở ngay trang đầu của chương này, có một bức ảnh xa xưa nhưng còn rõ nét, và ở bên dưới, người ta có thể đọc:
Marie d’Aubrey, lên đoạn đầu đài vì can tội sát nhân năm 1861.
Đây là bức ảnh của chính vợ Stevens.
Căn Phòng Rực Lửa Căn Phòng Rực Lửa - John Dickson Carr Căn Phòng Rực Lửa