What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Dương Linh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Hoàng Anh Lê
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2875 / 89
Cập nhật: 2015-11-08 11:06:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ừ quán Bà già đi ra, Hercule Poirot đã vào tới khu phố Soho. Trời đêm không lạnh, ông vẫn kéo cổ áo khoác lên, vì phòng xa hơn là vì cần thiết. Ông thường nói: “Ở tuổi ta, cứ cẩn thận vẫn hơn”.
Ông rất mãn nguyện. Món ốc sên của quán Bà già quả là số một. Quán nhỏ, bề ngoài chẳng có gì đáng chú ý, thế mà hay. Poirot đưa lưỡi liếm môi và lấy khăn tay khẽ chùi bộ râu mép rậm.
Ăn một bữa ngon rồi, bây giờ làm gì?
Một chiếc tắc xi chạy qua, đi chậm lại, vẻ mời chào. Poirot ngần ngừ một giây, nhưng không vẫy. Việc gì phải đi xe? Cứ nhẩn nha cuốc bộ về nhà cũng sớm chán. Ông lẩm bẩm:
- Đáng buồn là một ngày ta chỉ ăn được ba bữa.
Vì quả thực, không bao giờ ông quen được cái thói dùng trà lúc năm giờ. “Nếu uống trà - Ông giải thích - ta không còn đủ dịch vị để ăn bữa tối, mà chớ quên bữa tối là bữa ăn quan trọng nhất của cả ngày”.
Ông cũng không ưa tách cà phê buổi sớm.
Không. Với ông, chỉ cần điểm tâm với sôcôla và bánh sừng bò, rồi đến bữa trưa, bao giờ cũng ăn trước một giờ chiều, và bữa tối thì đúng là đại sự.
Hercule Poirot luôn coi trọng chuyện ẩm thực. Ở tuổi già, ăn không chỉ là cái thú vật chất, mà còn là một thứ giải trí trí tuệ. Ông dành một phần giờ rỗi của mình để đi tìm những thứ “thích khẩu” mới. Cho nên khi phát hiện ra quán ăn Bà già, ông xếp nó vào loại lâu đài ẩm thực đáng để luôn lui tới.
Khốn nỗi, hãy còn cả một buổi tối rỗi rãi
Hercule Poirot cất một tiếng thở dài: “Đáng tiếc là ông bạn cố tri Hastings không ở bên mình!”.
Ông bồi hồi nghĩ tới Hastings.
“Người bạn đầu tiên ta có trên đất nước này... Và đã trở thành người bạn thân nhất! Lắm lúc hắn làm mình phát cáu lên, tất nhiên rồi, nhưng điều ấy có gì đáng kể? Mình chỉ nhớ những chuyện khác. Hắn phục tài mình, há hốc mồm ra mà khâm phục, và mình lại hay trêu hắn, nghĩ một đằng nói một nẻo làm hắn không hiểu gì, cứ lao theo những chỉ dẫn sai lầm, cuối cùng mới ngớ ra rằng mình biết tỏng từ đầu. Ôi ông bạn già!... Mình thích làm mọi người phải ngạc nhiên. Đó là thói xấu của mình, biết vậy nhưng vẫn cứ thế. Và Hastings cũng phải hiểu rằng một người có tài như mình đây, ắt cần phải có người ngồi bên cạnh để chia sẻ sự khâm phục chứ. Chả lẽ ta cứ suốt ngày ngồi trên ghế để tự mình ca ngợi mình!”
Poirot đi vào đại lộ Shaftesbury. Liệu có nên sang đường để đi vào rạp chiếu bóng Leicester Square xem cho hết tối? Ông lắc đầu. Phim dạo này rất chán. Kịch bản lỏng lẻo, cốt truyện phát triển trái lôgích, kỹ thuật quay thì có người khen nhưng Poirot lại không chịu được. Người ta nhân danh nghệ thuật để quên đi cái mà ông ưa nhất: trật tự và phương pháp. Hơn nữa, trên màn ảnh, bạo lực đang là mốt. Là cựu sĩ quan cảnh sát, Poirot chúa ghét điều đó. Hồi trẻ ông đã chứng kiến quá nhiều rồi. Quá ngu ngốc và quá nhàm.
“Sự thực - Trên đường về nhà, ông nghĩ thầm - là ta không theo kịp thời đại nữa rồi. Hơn nữa, dù có tài hơn, ta vẫn chỉ giống những người khác, là một tên nô lệ. Quen nghề rồi, đến khi không làm việc nữa, thì không biết tiêu thì giờ vào cái gì. Ông trùm tài chính về hưu quay sang chơi gôn, anh lái buôn nhỏ thôi mở cửa hiệu thì lui về chăm sóc cây cảnh, còn mình, mình chỉ biết ăn. Khốn thay, như đã nói, chỉ có thể ăn ba bữa một ngày, biết lấy gì để lấp những chỗ trống!”.
Ông liếc nhìn bảng quảng cáo của một quán bán báo. “Vụ Mac Ginty. Phán quyết của tòa án”.
Poirot không quan tâm. Ông nhớ mang máng đã đọc một tin ngắn về vụ án này. Một án mạng tầm thường. Chỉ vì vài livrơ mà một bà già bị ám sát. Một tội ác bẩn thỉu, bây giờ đầy rẫy. Thời buổi này thế đấy.
Poirot bước vào cái sân rộng của khu nhà lớn, nơi ông có một căn hộ. Ông dừng chân một lát để ngắm khối nhà đồ sộ với đường nét cân đối, mà ông rất yêu. Thật dễ chịu khi về tới nhà với những căn phòng tiện nghi, sang trọng, mọi thứ đều bóng loáng.
Ông vừa vào tới phòng đợi thì George, anh hầu, đã ra đón:
- Ông đã về. Thưa, có một... quý ông đang đợi.
George giúp Poirot cởi áo khoác. Nhà thám tử không thể không nhận thấy chút rụt rè khi anh hầu nói “quý ông”. Anh ta bao giờ cũng nhận ra khách nào là người thuộc tầng lớp nào.
- Ông ta tên gì?
- Dạ, một ông tên gọi Spence.
- Spence?
Poirot không nhớ ai có tên này. Ông chần chừ một lúc trước gương để sửa lại bộ râu mép, rồi bước sang phòng khách. Nhìn thấy ông, người khách đang ngồi ở chiếc ghế bành vuông, nhổm ngay dậy:
- Chào ông Poirot!... Ông nhớ tôi không? Lâu lắm rồi... Tôi là thanh tra Spence.
- Ồ, nhớ!... Thanh tra Spence!
Poirot nồng nhiệt bắt tay khách.
Thanh tra Spence, Sở Cảnh sát Kilchester. Một vụ án ly kỳ... nhưng đã lâu rồi.
- Ông uống gì chứ? Một chút kem ca cao? Hay một bénédictine?
Poirot nói đến đấy thì George đi vào, bưng một cái khay, trên có chai bia và một cái cốc.
- Hay ông uống bia vậy?
Một lần nữa, Poirot lại thầm ngợi khen anh hầu. Ông không biết là trong nhà có bia, vả lại ông không thể hiểu tại sao người ta lại uống thứ nước ấy, trong khi trên đời còn biết bao thứ rượu ngọt và êm, dành riêng cho những thực khách văn minh.
Tuy nhiên, mặt Spence tươi lên:
- Vâng, tôi uống bia, nếu ông vui lòng!
Poirot mỉm cười, chờ khách rót đầy cốc bia sủi bọt, rồi tự rót một ly bénédictine cho mình.
- Tôi rất vui được gặp ông - Poirot nói - Rất vui! Ông đến từ...?
- Từ Kilchester. Sáu tháng nữa tôi về hưu. Lẽ ra tôi có quyền nghỉ từ một năm rưỡi trước, nhưng họ cứ yêu cầu tôi ở lại ít lâu nữa, nên tôi đành nhận.
- Ông làm thế là phải. Rất phải.
- Chẳng biết có phải thật hay không.
- Thật đấy mà. Ông không hiểu phải ngồi rỗi là thế nào đâu!
- Ồ! Nếu về nghỉ, tôi có ối việc để làm. Năm ngoái chúng tôi đã về ở một tỉnh nhỏ, nhà có một mẩu vườn chưa ra làm sao, tôi chưa có điều kiện thực tâm chăm sóc.
- Ông về làm vườn? Tôi đã thử. Tôi đã về nông thôn, thử trồng rau. Thất bại thảm hại. Tôi không có khiếu.
- Thế thì ông phải đến tôi. Tôi mê hoa hồng, và ngay từ sang năm...
Bỗng ông ngừng lại, rồi nói tiếp:
- Nhưng tôi đến đây không phải để nói chuyện hoa hồng...
- Ông đến đây thăm một người bạn cũ, tôi rất biết ơn.
- Không phải chỉ thế đâu, ông Poirot! Tôi đến yêu cầu ông một việc.
- Cần tiền ư? Xin sẵn lòng.
Spence kêu lên:
- Không phải! Không phải tiền.
Poirot đưa tay làm một cử chỉ lịch sự:
- Vậy tôi xin lỗi.
- Thực ra - Spence tiếp - việc tôi đến đây thật mạo muội, nghe xong có khi ông đá đít tôi không chừng.
Poirot mỉm cười:
- Không có cú đá nào đâu, ông yên tâm. Vậy là chuyện gì?
- Vụ Mac Ginty. Ông biết rồi chứ?
Poirot lắc đầu:
- Biết qua loa. Mac Ginty là một bà già, bị ám sát. Bà ta chết ra sao?
- Trời! - Spence thốt lên - Tôi chưa hề nghĩ về điều ấy.
- Sao kia? - Poirot ngạc nhiên hỏi.
- Là cái câu hỏi ông vừa đặt ra ấy. Nó làm tôi nhớ một trò chúng tôi hay chơi hồi nhỏ. Cả bọn xếp hàng một, rồi một đứa nói: “Bà Mac Ginty đã chết. Bà ấy chết thế nào?” Người đứng đầu hàng đáp: “Đầu gối quỳ xuống đất, thế này này”. Đến lượt người thứ hai. Hỏi: “Bà Mac Ginty đã chết. Bà ấy chết thế nào?” Trả lời: “Dang tay như thế này này”. Mỗi người đứng nguyên trong tư thế vừa nói, và cuối cùng một đứa đáp: “Thế này này”, rồi thụi mạnh vào đứa bên cạnh... thế là cả bọn ngã dúi dụi như những con ki!
Spence cười, nói thêm:
- Ông làm tôi nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm cũ!
Poirot vẫn nghe, lịch sự. Lắm lúc những người Anh thật khó hiểu, ông cũng từng là trẻ con, cũng chơi ú tim như mọi người, nhưng chả bao giờ kể chuyện đó cho người khác. Khi cảm thấy Spence đã hết say sưa với kỷ niệm cũ, ông hỏi lại:
- Bà ta chết ra sao?
Viên thanh tra trở lại nghiêm nghị:
- Bà ta bị đánh vào sau đầu bằng một vật sắc và nặng. Phòng bị lục tung, tiền để dành bị lấy đi, chừng ba mươi livrơ. Bà sống một mình trong căn nhà nhỏ, và có cho một cậu tên là James Bentley ở trọ. Không có bẻ khóa, phá tủ gì. Bentley mất việc làm, không một xu dính túi và đã nợ hai tháng tiền nhà. Số tiền mất cắp được tìm thấy, giấu dưới hòn đá lớn sau nhà. Trên tay áo vét tông của Bentley có vết máu và một sợi tóc. Máu là của nạn nhận, và sợi tóc cũng rất có thể của bà ta. Theo những lời khai ban đầu, Bentley không hề tiếp cận xác chết. Vì thế...
- Ai phát hiện ra xác chết?
- Ông hàng bánh vẫn mang bánh cho bà Mac Ginty. Hôm ấy là ngày bà phải trả tiền bánh. James Bentley ra mở cửa. Theo anh ta nói, anh ta đã gõ cửa phòng ngủ của bà già mà không có tiếng đáp. Ông hàng bánh nói có lẽ bà bị ốm, và hai người cùng đi tìm một bà hàng xóm để lên phòng bà Mac Ginty. Bà này không có ở trong phòng, giường không bị nhầu nát, nhưng phòng bị lục lọi tứ tung, và một mảnh ván sàn bị cậy. Họ liền xuống phòng khách nhỏ dưới nhà, và thấy bà ta nằm dưới đất, đã chết. Bà hàng xóm suýt chết khiếp vì sợ. Tất nhiên, họ vội báo ngay cảnh sát.
- Rồi Bentley bị bắt và truy tố?
- Tòa vừa xử hôm qua. Vụ việc không phức tạp, nên sáng nay đoàn hội thẩm thảo luận không quá hai mươi phút. Hắn bị kết án tử hình.
Poirot gật đầu:
- Và tòa tuyên án xong, ông đáp ngay xe lửa đến London chỉ để gặp tôi. Sao vậy?
Thanh tra Spence đăm đăm nhìn cốc bia đã uống hết, thong thả nói:
- Vì tôi không tin là Bentley có tội.
Cái Chết Của Bà Mac Ginty Cái Chết Của Bà Mac Ginty - Agatha Christie Cái Chết Của Bà Mac Ginty