Số lần đọc/download: 1728 / 35
Cập nhật: 2015-07-17 10:27:41 +0700
Chương 1 -
Đã ba hôm nay tuyết rơi không ngớt cơn, đường sá hoàn toàn bế tắc. Tôi không đi tỉnh R. làm lễ như thông lệ một tháng hai lần đã mười lăm năm qua. Sáng nay tại nhà thờ Breville chỉ có ba chục tín đồ tới.
Nhân dịp rảnh rỗi bất đắc dĩ vì không ra được khỏi nhà, tôi ngồi ôn lại từ đầu sự việc đã xui khiến tôi đón Gertrude về nuôi.
Tôi đã dự định viết ra đây từng bước nhỏ sự phát triển của tâm hồn ngoan đạo này mà tôi đã mang từ bóng đêm u tối ra như với mục đích duy nhất để tôn quý và yêu thương. Cám ơn Thượng Đế đã giao phó cho tôi nhiệm vụ.
Câu chuyện khởi đầu đã đúng hai năm sáu tháng. Hôm đó tôi đi Chaux-de-Fonds về, có con bé lạ mặt vội vã tới tìm tôi để dẫn đi thăm một bà cụ sắp chết cách đấy bẩy cây số. Xe còn thắng ngựa, tôi bảo con bé lên ngồi sau khi với cây đèn bão mang theo, e rằng chắc phải đến đêm mới xong việc.
Tôi vẫn tự cho là mình thông thạo vùng này, vậy mà vừa quá khúc rẽ sau sơn trại Saudraie, con bé chỉ cho tôi một con đường ngang tôi chưa từng phiêu lưu rẽ vào. Tuy nhiên quá đó hai cây số, phía tay trái, tôi nhận ra một cái hồ có phong cảnh huyền bí mà hồi nhỏ tôi đã đôi lần tới trượt băng. Khoảng mười lăm năm nay đã không trở lại vì không có mục vụ nào ở đây. Có ai hỏi có lẽ tôi cũng không còn biết hồ ở đâu, lại cũng không nghĩ đến nữa nên chi khi bất thần thấy hồ sáng chói trong ráng chiều huy hoàng tôi tưởng như thấy lại cảnh cũ từ một giấc mơ.
Con đường chạy dọc theo con sông nhỏ một quãng, để cắt ngang cuối rừng và men theo một bãi đầm lầy. Chỗ này thì chắc chắn là tôi chưa bao giờ đặt chân tới.
Mặt trời từ từ lặn và tôi chạy xe trong bóng hoàng hôn đã một lúc khá lâu, sau cùng con bé chỉ cho tôi bên đồi một căn nhà tranh tưởng như bỏ hoang nếu không có làn khói mảnh bốc lên, màu xanh trong bóng râm chuyển thành màu vàng óng của nắng chiều. Tôi buộc ngựa vào cây táo gần nhà rồi theo chân con bé bước vào một căn phòng tối, nơi bà cụ vừa mãn phần.
Tôi sững người vì quang cảnh trang trọng, cũng như sự tĩnh lặng, và vẻ trang nghiêm của giây phút. Có người đàn bà dáng còn trẻ đang quỳ bên giường. Con bé người làm mà tôi đã tưởng là cháu bà cụ bước tới cuối phòng châm ngọn đèn khói um, rồi lặng lẽ tới đứng bên giường.
Trên đường tới đây, tôi đã gợi con bé mà chỉ được trả lời vài câu vắn tắt.
Người đàn bà quỳ bây giờ đứng dậy. Bà không phải người nhà như tôi đoán, mà chỉ là chỗ hàng xóm tốt bụng, bạn vớì bà cụ, khi được báo tin là bà cụ sắp đi đã sốt sắng sang giúp đỡ và tình nguyện ở lại canh thi hài. Bà bảo bà cụ đi nhẹ nhàng không đau đớn gì. Chúng tôi bàn tính về tang lễ cho người mãn phần. Trong miền đất hẻo lánh này, nhiều lần tôi đã phải tự tay cắt đặt mọi chuyện cho tang gia. Tôi thoáng thấy không yên tâm vì phải giao phó căn nhà dù nghèo hèn này cho người hàng xóm và con bé người làm. Đây chỉ là mái tranh xơ xác, nhưng biết đâu lại chẳng có bảo vật cất giấu trong xó xỉnh nào. Lo vậy, nhưng thật ra tôi cũng không làm gì hơn được. Tôi hỏi xem ai là người thừa kế.
Bà hàng xóm bấy giờ cầm cây nến bước tới góc nhà, và tôi nhận ra lờ mờ có người ngồi xổm bên bếp lửa, mớ tóc dày che hết khuôn mặt. Bà giải thích:
“Tôi nghe đứa ở kể thì con bé mù này là cháu bà cụ; hình như gia đình chỉ có vậy, vỏn vẹn hai bà cháu. Chắc rồi phải đưa nó đi cô nhi viện thôi. Nếu không, biết ai trông nó bây giờ.”
Tôi lúng túng thấy bà lớn tiếng bàn bạc về số phận con bé ngay trước mặt nó, sợ những lời sống sượng làm nó buồn lòng. Tôi nhỏ nhẹ nhắc khéo bà nên có chút tế nhị:
“Chúng mình khẽ chứ. Để cho cô bé ngủ.”
“Tôi không nghĩ nó ngủ đâu; chẳng qua là một con bé đần độn; nó không biết nói, mà cũng không hiểu gì. Ở đây từ sáng đến giờ, tôi chưa hề thấy nó cựa quậy. Mới đầu tôi tưởng nó điếc; nhưng theo người làm thì không phải vậy, mà chỉ tại bà cụ cũng điếc, từ lâu có mở miệng chỉ để ăn uống nên không bao giờ nói với nó cũng như với bất cứ ai.”
“Không biết nó mấy tuổi rồi nhỉ?”
“Chắc độ mười lăm. Thật ra tôi cũng không biết gì hơn Mục sư.”
Thoạt tiên tôi không hề có ý nghĩ lãnh con bé mồ côi về nuôi; nhưng sau khi cầu kinh xong- đúng hơn, ngay khi quỳ giữa con bé người làm và bà hàng xóm cầu nguyện- tôi bỗng thấy Chúa đã đặt trước tôi trách nhiệm này, trốn tránh thì quả là hèn nhát. Đọc xong bài kinh thì ý tôi đã quyết. Tôi sẽ mang con bé đi ngay đêm nay, tuy tôi chưa có giải pháp dài hạn nào cũng như chưa nghĩ ra ai để gửi nuôi giùm. Tôi dừng lại ngắm người chết vài giây. Khuôn mặt bà cụ như say ngủ, cái miệng nhăn nhúm khép kín như khư khư không tiết lộ bất cứ chuyện gì. Rồi quay lại con bé mù, tôi cho bà hàng xóm biết ý định của tôi.
Bà ta nói:
“Tốt nhất là dẫn con bé ra khỏi đây trước khi phu đòn ngày mai tới chở xác bà cụ đi.”
Và tất cả chỉ có thế. Thật là dễ dàng. Biết bao chuyện sẽ giản dị biết mấy, nếu ta không tưởng tượng ra những chướng ngại nọ kia. Từ thủa ấu thơ, bao nhiêu việc ta đã không làm được, chỉ vì người xung quanh cứ nhắc đi nhắc lại là ta không đủ sức làm.
Con bé mù để tôi dẫn đi như một cục thịt không chủ động. Khuôn mặt nó đều đặn dễ coi, có thể gọi là xinh xắn, nhưng hoàn toàn ngu độn. Tôi tới ổ rơm chỗ nó thường nằm dưới gầm cầu thang lối lên vựa lúa nhặt tấm mền của nó.
Bà láng giềng tỏ ra nhanh nhẩu và giúp tôi quấn mền lên người con bé để phòng đường xá ban đêm lạnh lẽo. Sau khi thắp chiếc đèn bão tôi đánh xe lên đường, cảm thấy cái bọc thịt vô hồn tựa vào chân tôi, sự sống chỉ mơ hồ hiện hữu nhờ cái thân nhiệt tối tăm của nó. Dọc đường có lúc tôi thắc mắc là nó thức hay ngủ. Mà ngủ trong giấc ngủ tối tăm nào. Tội nghiệp, đời sống của nó thức hay ngủ nào có khác gì. Lạy Chúa, trong tấm hình hài tục lụy này biết đâu chả có một linh hồn bị giam giữ, đang khao khát mong Chúa ban cho chút ơn lành. Xin Chúa cho phép con được lấy tình thương mà mang cái linh hồn tội nghiệp này ra khỏi đêm tối hãi hùng…
Tôi muốn ghi lại sự việc hết sức trung thực, nên không dám bỏ qua sự tiếp đón đáng trách của vợ con khi tôi về đến nhà. Vợ tôi rất tốt bụng; ngay lúc đen tối nhất của đời sống vợ chồng, chưa bao giờ tôi phải hồ nghi lòng tốt của nàng. Nhưng lòng từ bi của nàng không thích bị bất ngờ. Nàng ngăn nắp thứ tự, và với bổn phận thường nhật, nàng không thái quá mà cũng chẳng bất cập. Lòng từ thiện của nàng đắn đo cân nhắc, hầu như tình thương cũng có giới hạn. Thật ra vợ chồng tôi chỉ có điểm này là không tương đồng…
Đêm đó mới thấy tôi mang con bé mồ côi về, nàng phản đối tức thời và buột ra miệng:
“Anh lại hứng lấy chuyện gì đây?”
Như thường lệ khi hai vợ chồng có điều gì phải cắt nghĩa với nhau, tôi trước hết đuổi con cái ra khỏi phòng trong khi chúng đang đứng nhìn, miệng há hốc vì tò mò và ngạc nhiên. Chao ôi, sự tiếp đón quá khác biệt với điều tôi mong đợi. Chỉ có con Charlotte, con gái út cưng của tôi lúc đầu đã vỗ tay reo mừng vì có chuyện gì mới đang cục cựa trong xe bố. Nhưng nó mừng không lâu. Anh chị nó bị mẹ uốn nắn từ tấm bé, đã làm nó làm nó cụt hứng tức thì.
Có lúc quang cảnh nhà tôi vô cùng hỗn loạn. Vợ tôi và trẻ con không biết con bé bị mù nên ngạc nhiên thấy tôi đặc biệt gượng nhẹ khi dẫn nó vào. Rồi đến lượt chính tôi ngỡ ngàng khi con bé cất tiếng rên lúc tôi buông tay nó ra. Âm thanh nó phát ra không giống tiếng người, mà ăng ẳng như chó con. Lần đầu bị kéo ra khỏi cái thế giới cảm nhận chật hẹp quen thuộc, nó khuỵu gối xuống; nhưng khi tôi đẩy ghế tới cho nó, thì nó lại trườn xuống đất như chưa từng được ngồi bao giờ; tôi bèn dẫn nó tới gần lò sưởi, và khi được ngồi xổm và tựa vào tường như ở nhà bà già, thì nó thư giãn đôi chút. Lúc trên xe, nó đã tuột xuống sàn xe, và suốt cuốc xe đã co ro tựa vào chân tôi. Vợ tôi vội bước lại giúp tôi, phản ứng của nàng bao giờ cũng tốt lành phúc hậu; chỉ có điều sự suy tính luôn luôn đối kháng và thường đánh bại trái tim nàng. Đặt con bé mù ngồi ngay ngắn xong, nàng quay lại hỏi tôi:
“Anh tính làm gì với cái của này?”
Hai tiếng “của này” làm tôi rùng mình, và tôi phải khó khăn mới không nổi giận. Tuy nhiên nhờ suốt dọc đường suy ngẫm ân Chúa, tôi đã giữ được bình tĩnh. Tôi đứng thẳng, nhìn vợ con quây quần trước mặt. Một tay đặt trên trán con bé mồ côi, tôi nói với tất cả trang trọng:
“Hôm nay, anh mang con chiên lạc về chuồng.”
Nhưng Amélie không bao giờ chấp nhận là trong lời Chúa dạy lại có những chuyện không thực tiễn như vậy. Biết nàng sắp kỳ kèo này nọ, tôi ra hiệu cho thằng Jacques và con Sarah, hai đứa con lớn đã quen cảnh bố mẹ cãi nhau, dẫn hai đứa em nhỏ ra khỏi phòng. Thấy vợ tôi vẫn còn ngần ngại và vô cùng bực tức vì con bé mù vẫn còn đó, tôi bình tĩnh nói:
“Em khỏi phải giữ miệng. Con bé tội nghiệp này không hiểu gì đâu.”
Amélie khai hỏa rằng tất nhiên nàng đâu có điều gì để kỳ kèo -câu nhập đề thường lệ cho những cằn nhằn dai dẳng tiếp theo- và nàng chỉ việc phục tùng như mọi khi về những chuyện tôi bày vẽ ra, dù có không thực tiễn và trái khoáy đến đâu. Tôi đã nói ở trên là tôi chưa hề nghĩ ra giải pháp dài hạn cho đứa bé. Thật ra tôi chưa có ý định lãnh nuôi nó. Có thể nói, ý kiến này chính Amélie đã gieo vào đầu tôi, khi nàng hỏi tôi không nghĩ là nhà đã chưa đủ đông hay sao. Nàng trách tôi là chuyện gì cũng tự ý tiến tới mà không hề nghĩ đằng sau vợ con có chống đối hay không, rằng cứ phần nàng thì năm mặt con còn hiếm hoi nỗi gì, rằng sanh đến út Claude (thằng bé nằm trong nôi nghe nhắc đến tên bỗng khóc ré lên), nàng đã kiệt sức.
Lúc nàng bắt đầu cằn nhằn, tôi toan nhắc lại đôi lời Chúa dạy từ tâm can đang dâng lên tới miệng, nhưng lại đổi ý vì thấy khó coi chuyện núp uy kinh thánh trong vụ cãi vã này. Đến khi nàng nhắc đến nỗi mỏi mòn vì con, tôi khựng lại. Thú thực đã nhiều lần trong đà yêu thương thiếu tiết độ, tôi đã để cho vợ phải gánh vác hậu quả nặng nhọc của luyến ái vợ chồng không suy tính. Tuy nhiên lời vợ cằn nhằn lại soi sáng cho tôi về bổn phận của mình. Tôi bèn nhẹ nhàng năn nỉ nàng, xin nàng hãy xét xem, vào địa vị tôi, nàng có thể nào nhẫn tâm bỏ rơi một sinh linh không nơi nương tựa; tôi nói thêm rằng tôi không coi nhẹ gánh nặng cho gia đình khi còn phải săn sóc con bé tật nguyền này, và tôi chỉ tiếc rằng chính tôi không thể tiếp sức với nàng nhiều hơn. Sau cùng tôi gắng hết sức hoà giải với nàng, van xin nàng đừng đổ lên đầu con bé vô tội nỗi bực mình mà nó không trách nhiệm. Tôi cũng nhắc nàng con Sarah đã khôn lớn có thể giúp việc lặt vặt, còn thằng Jacques không còn bé bỏng nữa, đã có thể tự lo liệu lấy. Tóm lại, Chúa đã giúp tôi tìm ra những lời lẽ thống thiết để thuyết phục vợ chấp nhận cái trách nhiệm mà tôi tin rằng tự nàng cũng đã tự nguyện chấp nhận nếu cho đủ thì giờ suy nghĩ, và thiện chí của nàng không bị đối xử một cách đột ngột.
Chuyện tưởng đã xong, và vợ tôi như dịu xuống bước lại gần con bé; nhưng sau khi cầm đèn ngắm nghía, nàng bỗng giãy nảy, cơn giận mới nguôi lại bùng cháy lại khi khám phá ra con bé bẩn thỉu một cách ghê tởm không lời nào tả xiết. Nàng tru tréo:
“Sao mà nó có thể dơ dáy đến thế này. Khiếp quá. Anh có lấy bàn chải mà chải quần áo đi không? Không, đừng chải ở đây. Anh ra ngoài sân mà chải. Lạy Chúa. Rồi lại lây hết sang con mình. Trên đời tôi không gớm gì bằng gớm chấy rận.”
Quả thật con bé mồ côi chấy rận đầy mình. Nghĩ đến lúc nó ngồi co ro ôm chân tôi trên xe, tôi bỗng thấy gớm. Mấy phút sau, tắm rửa kỳ cọ xong, tôi trở lại phòng thấy vợ tôi rũ rượi trên ghế bành, hai tay ôm đầu mà khóc nức nở.
Tôi nhẹ lời an ủi:
“Thực tình, anh không ngờ lại đem đến cho em một thử thách nặng nề như vậy. Thôi cũng đã khuya rồi, mà cũng không thấy rõ nữa. Em bỏ đó đi. Đêm nay anh sẽ thức canh lửa, và để nó ngủ tạm ngoài này. Mai anh sẽ cạo đầu nó rồi tắm rửa cho nó sạch sẽ. Để nó tươm tất hơn chút đỉnh rồi em hãy đụng tới nó.” Tôi năn nỉ nàng đừng nói chuyện chấy rận với tụi trẻ.
Đã đến giờ ăn tối. Con bé mà vú già Rosalie lườm nguýt trong khi dọn ăn cho mọi người, vồ lấy chén cháo tôi mang cho nó và ăn lấy ăn để như chết đói đã lâu. Suốt bữa ăn không ai nói một câu. Tôi muốn kể đầu đuôi câu chuyện cho tụi trẻ, để chúng xót thương mà có chút cảm tình với con bé tật nguyền Chúa đã trao cho chúng tôi. Nhưng tôi ngồi yên, sợ khơi chuyện lên lại làm vợ bực mình. Mọi người như phải vờ quên đi sự việc, tuy đó lại là mối bận tâm chính.
Tôi vô cùng cảm động khi khoảng độ một giờ sau, ai nấy đã lui về phòng và Amélie đã để tôi lại một mình, bé Charlotte mặc áo ngủ chân đất rón rén mở cửa bước trở ra nhà ngoài. Bé tới ôm chặt cổ bố, và thì thầm vào tai bố:
“Con quên không hôn bố trước khi vào giường.”
Rồi chỉ con bé mù đang ngồi bên lò sưởi, Charlotte hỏi:
“Con hôn chị ấy nhé.”
Dẫn Charlotte về phòng, tôi nói với con:
“Mai bố sẽ cho con hôn chị ấy. Bây giờ để cho chị ấy ngủ.”
Tôi trở lại ghế ngồi đọc sách, và soạn bài giảng cho tuần tới.
Tôi nhớ lúc đó tôi nghĩ là con Charlotte có tình hơn mấy đứa lớn. Nhưng nghĩ lại, con tôi ở tuổi này, đứa nào cũng thế, kể cả thằng Jacques bây giờ lạnh lùng dè dặt là vậy.
o O o
Ngày 27 tháng Hai.
Đêm qua tuyết vẫn rơi nặng. Trẻ con nao nức, hy vọng tuyết sẽ lấp cửa chính và chúng có dịp leo cửa sổ để ra vào. Quả thật, sáng nay tuyết đã phủ kín cửa chính, và chúng tôi phải dùng lối nhà giặt để ra ngoài. Hôm qua tôi đã lo cho dân làng dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm khác, chắc chắn sẽ bị tuyết cô lập một thời gian. Đây không phải là lần đầu tiên làng bị cô lập vì thời tiết, nhưng tôi nhớ chưa bao giờ tuyết lại dầy đến thế. Âu cũng là dịp tốt để tôi tiếp tục công việc viết lách phải bỏ dở hôm qua.
Tôi đã viết ở đoạn trên là khi mang đứa bé tật nguyền về, tôi không nghĩ nhiều đến chuyện cho nó ở vào đâu. Tôi biết vợ sẽ rầy rà, và tôi cũng dư biết mình nhà cửa không rộng rãi, mà phương tiện cũng không dồi dào. Như thường lệ, tôi đã hành động vì nguyên tắc cũng như vì bản tính trời sinh, mà không nghĩ đến tốn kém (nghĩ như vậy là đúng tinh thần Phúc Âm). Nhưng mặt khác lại là mình đã ỷ lại vào Phúc Âm mà đổ gánh nặng lên vai người khác. Rồi tôi nhận ra là đã đẩy cho vợ một gánh nặng, nặng đến nỗi tôi cảm thấy hổ thẹn.
Buổi sáng sau hôm đó, tôi hết sức giúp nàng cạo đầu cho con bé mù, việc mà vợ tôi vừa làm vừa ghê tởm. Nhưng còn tắm rửa kỳ cọ cho nó, thì vợ tôi lại phải làm một mình. Thế là việc cực nhọc đã không đến phần mình. Tuy nhiên Amélie không còn cằn nhằn nữa. Tôi nghĩ nàng đã suy nghĩ suốt đêm, và đã chấp nhận nhiệm vụ mới này. Có lúc nàng còn tỏ vẻ thích thú, và mỉm cười khi sửa soạn xong cho con bé. Nàng lấy chiếc mũ trắng đội cho nó để che cái đầu trọc vừa bôi đầy thuốc mỡ. Nàng lấy quần áo cũ của Sarah để thay cho nó, còn mớ rẻ rách nó mặc lúc tới thì quẳng vào lửa đốt đi. Charlotte chọn tên Gertrude cho con bé mù, và cả nhà đồng ý vì thật ra không ai biết tên thật của nó, mà chính con bé chắc cũng không biết. Nó chắc chỉ nhỏ hơn con Sarah chút đỉnh, quần áo năm ngoái của Sarah nó mặc vừa in.
Tôi phải ghi nhận là đã thất vọng ê chề trong những ngày đầu. Sự lạc quan khi khi khởi sự dạy dỗ Gertrude đã phải điều chỉnh lại nặng nề trước sự thật. Nét mặt ngu độn thờ ơ, không một chút xúc động hay giao cảm, làm thiện chí của tôi phải nguội đi cho đến gốc. Con bé suốt ngày ngồi bên lò sưởi, lúc nào cũng sẵn sàng chống đối, và đanh mặt lại khi nghe thấy tiếng nói hay có ai lại gần; nét mặt nó nếu không vô hồn thì thù nghịch; có ai gọi đến thì nó rên rỉ, gầm gừ như con thú. Nó chỉ hết hờn giận khi tới bữa. Tôi tự tay cho nó ăn, và khi ăn nó chồm tới như một con vật bỏ đói lâu ngày, trông thật vô cùng thảm thương.
Vẫn biết tình thương sẽ đem lại tình thương, nhưng sự khước từ lì lợm của tâm hồn đối nghịch này có lúc làm chính tôi cũng thấy chán nản. Thú thật, sau mười ngày, tôi bắt đầu ngã lòng. Thậm chí có lúc không còn tha thiết đến nỗi tôi hối tiếc nhiệt tâm ban đầu, và ân hận đã đem nó về nuôi.
Lại còn chuyện trêu ngươi này, là vợ tôi có phần khoái chí với những cảm nghĩ tiêu cực tôi không giấu nổi; nàng hình như tận tâm săn sóc con bé hơn khi thấy nó đã trở thành gánh nặng cho chính tôi và làm tôi ân hận đã mang nó về gia đình này.
Đó là tình trạng của tôi khi anh bạn bác sĩ Martins từ làng Val Travers, nhân đi thăm bệnh trong vùng bỗng ghé lại chơi. Chăm chú nghe tôi kể, mới đầu anh rất ngạc nhiên vì chỉ có mù mà con bé chậm phát triển đến thế. Tôi cho anh hay là không những Gertrude mù mà chỉ có bà săn sóc, bà cụ lại điếc nặng nên không bao giờ trò chuyện gì với nó. Con bé sống trong một môi trường trống rỗng bất thường. Anh thuyết phục tôi là trường hợp như vậy, thất vọng là sai; lý do là tôi đã không biết cách xử lý. Anh bảo:
“Anh như người muốn xây nhà mà không chịu đắp nền. Anh hãy hình dung cái tâm hồn này như một khoảng hỗn mang, những mấu chốt sơ đẳng nhất cũng chưa xác định. Bắt đầu, anh hãy cột những cảm xúc thật cơ bản sẵn có như sờ mó như ăn uống thành một bó, và móc vào đó một từ, một âm, như một cái nhãn nhỏ. Phải lập đi lập lại nhiều lần, và bắt nó nói theo.
“Cốt nhất là đừng nóng ruột. Giữ giờ giấc thật đều đặn khi dạy nó. Mà mỗi buổi học cũng đừng quá lâu… “
Sau khi giảng giải tận tình phương pháp giáo dục mới, anh nói thêm:
“Thật ra không có gì là ảo thuật. Phương pháp này không phải tôi mới phát minh ra, mà người ta đã áp dụng nhiều rồi. Anh nhớ không, hồi học chung ban Triết với nhau, nhân vụ Condillac, tụi mình đã được các thầy kể cho nghe một câu chuyện tương tự…”
Anh như nghĩ lại, rồi nói tiếp:
“Cũng có thể về sau tôi mới đọc được chuyện ấy trong một tạp chí tâm lý học… nhưng không sao, quan trọng là câu chuyện đã làm tôi rất chú ý, thậm chí còn nhớ tên cô gái tội nghiệp, tật nguyền còn nặng hơn Gertrude nhiều, đã câm lại còn điếc. Câu chuyện xảy ra vào thế kỷ trước. Một bác sĩ tại một quận bên Anh Cát Lợi, tôi quên mất địa danh, đã đón cô ấy về trị liệu. Cô bé tên là Laura Bridgeman. Ông bác sĩ lập một cuốn sổ tay, anh cũng nên làm như vậy, để ghi chép những tiến bộ của bệnh nhân, hay trong lúc đầu chưa có tiến bộ thì ít nhất những sự việc chính mình đã thực hiện. Ngày này qua ngày khác, ông bắt cô bé sờ mó hai món đồ, một cây kim và một quản bút, rồi lại bắt sờ một trang giấy có viết nổi hai chữ là ‘Kim’ và ‘Bút’. Và mấy tuần lễ trôi qua như vậy, không chút kết quả. Thể xác cô bé trống vắng như không linh hồn, không trí tuệ. Vậy mà ông ta không nản lòng. Ông ta kể lại là ông tự tạo cho mình cảm nghĩ là đang đứng trên miệng giếng sâu, tay cầm sợi thừng dài gióng xuống đáy giếng mà quơ qua quơ lại, hy vọng sẽ có bàn tay bắt lấy. Vì ông chắc chắn tin rằng có kẻ đang kẹt dưới đáy giếng, và sau cùng thế nào cũng có bàn tay nắm lấy đầu thừng. Rồi một hôm, gương mặt của Laura, thường ngày vô hồn đần độn, bỗng sáng lên với những nét thay đổi thô sơ có thể kể như một nụ cười; tôi tưởng tượng nét mặt của người thầy thuốc lúc đó. Chắc chắn là ông ta quỳ xuống, giàn giụa nước mắt của phước lành và của tình thương, để tạ ơn Chúa. Đột nhiên cô bé hiểu được bác sĩ muốn nàng làm gì; thế là Laura được cứu rỗi. Từ hôm đó nàng bắt đầu chú ý. Nàng tiến bộ mau chóng. Về sau nàng tự học, và sau cùng trở thành hiệu trưởng một trường cho trẻ em mù. Cũng có thể tôi lầm chuyện Laura Bridgeman với trường hợp một bệnh nhân khác… vì những trường hợp như vậy gần đây nhiều lắm, báo chí tranh nhau đăng tải, và tỏ ra ngạc nhiên (theo ý tôi, thật là ngớ ngẩn), là khiếm khuyết giác quan đến như vậy mà cũng thấy được hạnh phúc. Sự thật là những con người như vậy đã hạnh phúc, và một khi biết cách phát biểu, đều kể lại hạnh phúc của mình. Tất nhiên là các nhà báo lấy làm hân hoan, suy diễn ra bài học cho những người được hưởng đầy đủ năm giác quan đã không biết sướng mà còn than thở nọ kia…”
Tới đây bác sĩ Martins và tôi có ít nhiều sai biệt quan điểm, với tôi phản đối cái nhìn bi quan của anh rằng vai trò của giác quan chỉ là làm cho chúng ta bất an và bơ vơ.
Anh cãi lại:
“Tôi không bi quan như vậy. Tôi chỉ muốn nói là tâm hồn con người tự nó có khả năng hình dung ra được những gì chân thiện mỹ một cách tự nhiên và dễ dàng, hơn là những điều lộn xộn hay tội lỗi nhan nhản khắp nơi đang làm ô nhiễm thế giới này mà tiếc thay ngũ quan lại ghi nhận cho chúng ta. Nên chi khi tôi sẵn lòng chắp theo câu “Fortuntos nimium” của Virgile mệnh đề “si sua mala nescient”, thay vì mệnh đề “si sua bona norint” như chúng mình đã học. Loài người sẽ hạnh phúc biết bao nếu không biết đến những gì xấu xa.”
Rồi anh nhắc đến cuốn truyện của văn hào Dickens, có lẽ đã được cảm hứng từ trường hợp Laura Bridgeman, và anh hứa sẽ gửi cho tôi đọc. Bốn ngày sau tôi nhận được truyện Con dế mèn bên lò sưởi. Tôi đọc ngấu nghiến. Truyện khá dài, nhưng có đoạn khá bi ai, về một cô bé mù và người cha nghèo khó làm nghề chế tạo đồ chơi trẻ em, nuôi dưỡng cô trong ảo tưởng của một cuộc sống tiện nghi, giàu có và hạnh phúc. Dickens dùng văn tài của mình để đem lại nét thánh thiện cho sự dối trá của người cha đáng thương. Lạy Chúa, tôi sẽ không phải dối trá như vậy với Gertrude.
Ngay ngày hôm sau tôi hăng say đem tất cả sức mình để áp dụng phương pháp mới của bác sĩ Martins. Bây giờ tôi mới tiếc là đã không giữ sổ tay như anh dặn, để ghi lại những bước chập chững của Gertrude trên con đường tranh tối tranh sáng, và sự mò mẫm của chính tôi khi dìu dắt con bé. Những tuần lễ đầu tôi phải cực kỳ kiên nhẫn, không những tại phương pháp dạy đặc biệt tốn nhiều thời gian, mà còn vì những cằn nhằn trách móc. Tôi rất buồn lòng khi phải nói rằng trách móc ấy lại từ chính Amélie tới; tôi nói điều này ra đây là tại tôi không còn oán hận hay cay đắng — tôi cam đoan như vậy, phòng khi nàng đọc được những trang này. (Chúa đã chẳng dậy ta tha thứ sao, ngay trong ẩn dụ của Người về chuyện con chiên lạc). Tôi phải nói thêm: nàng không làm khổ tôi vì kỳ kèo đã mất thời giờ với Gertrude. Thật ra tôi trách nàng nhất là đã không tin tưởng tôi sẽ thành công khi săn sóc con bé. Đúng, chính sự thiếu lòng tin này đã làm tôi buồn. Tôi nghe nàng nhắc đi nhắc lại: “Nào có kết quả gì cho cam…” Và nàng đinh ninh rằng sự lao tâm lao lực của tôi vô hiệu quả; vì không hy vọng thành công, nàng khó chấp nhận chuyện tôi dành quá nhiều thì giờ để dạy dỗ Gertrude, lượng thì giờ nàng thấy đáng hơn là dùng cho rất nhiều việc khác. Và mỗi khi tôi bận rộn với Gertrude, nàng kiếm cách cho tôi hay là việc này việc nọ đang đợi tôi, và tôi đã chuyển cho con bé thời gian lẽ ra phải dành cho người khác. Tôi nghĩ lòng ghen tị của người mẹ đã khích động nàng, vì hơn một lần nàng bảo tôi: “Anh chưa bao giờ chăm con mình như vậy.” Điều này đúng. Tôi thương yêu các con tôi rất nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ tôi phải bận rộn vì con.
Tôi nhiều lần cảm thấy rằng cái ẩn dụ con chiên lạc là một sự ẩn dụ bí hiểm không thể hiểu nổi cho một số tâm hồn dù vẫn tự tin là mình ngoan đạo. Những tâm hồn ấy không thể vươn lên để lãnh hội rằng dưới mắt người chăn chiên, mỗi con cừu lấy riêng ra quý hơn tất cả bày cừu họp lại. Đối với lời Chúa rằng: “Nếu kẻ có trăm con cừu và một con bị lạc, lẽ nào không bỏ lại chín mươi chín con trên núi để đi tìm nó hay sao?” — nếu họ dám nói thẳng, tất sẽ cho rằng lời nói sáng ngời từ bi ấy là vô cùng bất công đáng phản đối kịch liệt.
Những nụ cười đầu tiên của Gertrude là niềm an ủi cho tôi khỏi mọi ưu phiền, và trăm lần tưởng thưởng lại công lao của tôi. Vì như lời Chúa rằng “Con cừu lạc này nếu kẻ mục đồng tìm lại được, ta nói thật với các con, sẽ đem lại nhiều hoan lạc hơn chín mươi chín con cừu chưa bao giờ đi lạc kia.” Đúng, quả là chưa đứa con nào của tôi khi cười lại làm tim tôi chứa chan tình yêu thánh thiện như nụ cười một buổi sáng tôi thấy trên gương mặt vô hồn như phỗng này, khi bất thần con bé bắt đầu hiểu và chú ý đến những điều tôi cố gắng dậy nó bấy lâu.