Số lần đọc/download: 5498 / 183
Cập nhật: 2016-06-18 11:26:10 +0700
Chương 1 -
C
ó những buổi chiều, một mình ngồi trên chiếc xích đu ngoài sân, tôi đã say mê ngắm đàn gà tre của đứa con trai đầu lòng. Mấy chú gà trống vừa biết gáy. Tiếng gáy cũn cỡn, hụt hơi nghe buồn cười và khó chịu. Như thể tiếng nói cậu trai mười ba vỡ giọng. Mấy chú gà trống tre điệu bộ lắm. Nhảy lên cành cây thấp nhất, vỗ cánh lia lịa, cố rướn cổ mình cao hơn, nhắm tít mắt rồi mới chịu gáy. Mấy chú gáy liên miên, gáy biễu diễn cho những nàng gà mái cũng vừa tập gại mỏ và bỏ rơi thời con nít " nhiếp nhiếp. Bây giờ, mấy chú không thèm ăn chung, ăn tranh với gà mái. Nịnh đầm ra phết. Mỗi khi kiếm được con sâu, các chú mỗ lia lịa " tích tích tích rối rít mời mọc gà mái. Và chẳng biết phải làm gì sau những lần tán tỉnh vu vơ.
Những chú gà trống ấy trông thật ngô nghê, ngớ ngẩn và dể thương. Đó là hình ảnh ngày mới lớn của bất cứ cậu trai nào thuở trước. Đứng nhất, đó là hình ảnh của tôi, của Quỳnh, của Nhân, của Thủy, của Côn ngót hai mươi năm qua ngày mà con đường Phan thanh Giản có ngôi trường con gái còn mang tên Le Grand De La Liraye. Ngày đó thật tuyệt diệu. Nếu cho đổi cả đời lấy một đoạn đầu đời thanh niên của tôi, tôi bằng lòng ngay. Bởi vì, đoạn đầu đời thanh niên của tôi không bao giờ tôi trở về được dù trở về bằng chuyến xe chất đầy ký ức. Xuân Diệu diễn tả không hề sai:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn. Nếu tuổi trẻ chẳng đôi lần thắm lại.
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi.
Nên bâng khuâng thương tiếc cả đất trời Tuổi trẻ của tôi đã úa héo rồi. Cánh hoa nồng hương đã kết thành quả sầu chát đắng. Tôi vẫn tưởng nhớ mùi hương tuổi trẻ. Mùi hương dẫn đường cho tôi về tìm lại tên mình khắc trên nhiều thân cây trước cổng một trường con gái cùng với tên người yêu dấu như những viên sỏi đánh dấu của thằng bé Tí Hon.
Cuộc đời không giống truyện cổ tích. Cuộc đời tôi càng không giống cổ tích. Những viên sỏi đánh dấu đường về của thằng bé Tí Hon còn nguyên. Chẳng ai ngữa tay nhặt liệng đi. Ngay cả những mẫu bánh vo tròn thay đá sỏi, những con chim đói nhất cũng không nỡ sà xuống nuốt mất. Những cơn gió độc của cuộc đời đã hầm hè nhau thổi tan bao mộng ước của tôi. Chắc gió độc sẽ thổi loãng mùi hương dẫn đường. Và tôi không tài nào đậu nỗi trên đất kỹ niệm một đời người. Tôi chỉ còn có thể là đà bay. Bằng đôi cánh tưởng nhớ.
Bây giờ, Đặng trí Hoàn tập tành làm thơ, viết văn với bút hiệu Hoài Hương. Bấy giờ, có hãng nước mắm Hoài Hương. Và cậu học trò nghèo, tóc rối bồng bềnh nghệ sĩ đi cái xe đạp không chuông, không phanh, không đèn, mỗi lần dạo phố phải vác xe lên vai xuống ba tầng Nhà Hát Tây, thường bị mỉa mai là thi sĩ Nước Mắm Hoài Hương. Bấy giờ, Đỗ Tiến Đức chân chỉ hạt bột đã viết báo Ban Mai lấy tiền tiêu vặt. Bấy giờ, Dương Kiền " đóng đô tại sân khấu; Bấy giờ, em Hải, tóc cắt ngang vai, thổi cơm trọ cho học trò Chu văn An ở chân cầu thang bé tí xíu, nhan sắc dưới điểm trung bình. Bấy giờ, Vũ Khắc Niệm giống con sơn thử, ăn xong lại ngủ, ngủ quên ngày tháng... Bấy giờ Đặng Trí Hoàn đã thành Hà Huyền Chi, thi sĩ, văn sĩ, tài tử điện ảnh. Bấy giờ, Đỗ Tiến Đức đã thành Phó đốc sự hành chánh, giám đốc Trung Tâm quốc Gia Điện Ảnh tác giả Má Hồng được giải thưởng văn chương tổng thống. Bấy giờ Dương Kiền đã thành luật sư, kịch tác gia. Bấy giờ, em Hải đen đã thành ca sĩ Diệu Anh và đã tự tữ..Bấy giờ, Vũ Khắc Niếm đã thành y sĩ và đã xuất bản sách y học... Còn Đỗ Quý Tường đã chết cho quê hương. Còn Đỗ Quý Toàn đã thành nhà mô phạm lý tưởng, nhà thơ nổi danh, nhà báo khét tiếng. Không thể kễ hết những nhân vật Nhà Hát Tây.
Tôi làm lấy đời tôi, bắt đầu, từ Nhà hát Tây; Cũng từ Nhà Hát Tây, tôi biết yêu, biết xốn xang, rung động. Tôi thích cái xã hội Nhà Hát Tây vô cùng. Này là Y Vân cặp bạn với Từ Lang, mỗi sáng sớm, xách cây lục huyền cầm Y pha Nho đáp xe xích lô máy lên Phủ Đặc Ủy Di Cư đường Trần Hưng Đạo rồi, ở đây hai danh tài leo lên chiếc xe Dodge số VN ra bến tàu Sài gòn. Công việc ca hát giúp vui của đôi song ca Nhá Hát Tây là, mỗi đợt đồng bào di cư trên tàu Mỹ lũ lượt kéo xuống nhận vài hộp sửa, vài thước vải, bảy trăm đồng bạc thì ghé miệng sát micro ca bài ca duy nhất:
-Ngày trở về, anh bước lê trên quảng đường đê, đến bên lũy tre, nắng vàng hoe Đồng bào di cư nghe Y Vân hát xong, bèn lên xe đi về Ba Bèo mịt mù bụi, Cái Sắn xa lơ xa lắc. Tôi ở cạnh gia đình Y Vân trên lầu chót của Nhà Hát Tây. Một lần, bà cụ thân sinh ra Y Vân giận Y Vân cái gì chẳng rõ, tôi thấy cụ đập tan cái thùng bát đĩa cổ mang tự Bắc vô Nam. Vài năm sau, Y Vân xuất bản nhạc phẩm Tình Mẹ, chắc là để đền tội. Tình Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...
Ai ngờ đâu, chàng ca sĩ Tổng Ủy Di Cư chuyên hát đón tiếp đồng bào di cư ở bến tàu lại thành nhạc sĩ lừng danh. Còn bạn chàng đặc biệt hơn: Tu tủ tù tu, đố mấy thằng tù... Này là nghệ sĩ bán sắn. Lúc này anh ở đâu?Tôi vẫn thiếu nợ anh ba đồng sắn và bốn cái trứng vịt luộc Nghệ sĩ bán sắn chiếm đất cắm dùi tại chân cầu thang lầu nhì. Anh là Tàu lai.Nghề của anh không phải nghề buôn thúng bán bưng. Người Tàu vốn thực tế và biết cách phớt tỉnh. Chưa kiếm được hiệu kim hoàn nào cần thợ đạp bơm chân, vợ chồng anh " mở tiệm bán sắn luộc, trứng vịt luộc, chuối... ở ngay chân cầu thang. Anh có cây phong cầm. Những hôm danh tài Y Vân nghỉ sở, Y Vân thường ngồi kéo đàn để nghệ sĩ bán sắn nhe hàm răng dăm ba cái răng vàng cười tình và gật đầu bán thiếu sắn, trứng vịt luộc cho tôi khi tôi bị bà cả đọi hành hạ chịu hết nổi. Này là Nhân, Quỳnh, Thủy, Công. Bốn nhân vật gần gũi tôi nhất. Những ngày vui của tôi là những ngày vui của họ. Và Ngọc, Tâm, Trinh, Hòa nữa chứ. Thiếu các nàng thì thiếu mất áo tiểu thư để ngơ ngẩn vời trông.
Đêm đầu tiên tôi nhập xã hội Nhà Hát Tây y hệt một cụ cả quỷnh dời lũy tre xanh lên thành phố. Xe tiếp cư đưa tôi từ phi trường Tân Sơn Nhất về Sài gòn. Đến cửa Nhà Hát Tây, người nhà nước đẩy tôi xuống, chỉ vô ngôi nhà đồ sộ:
- Đó, cậu tạm cư ở đó. Chờ thời gian định cư xa hơn.
Tôi xách va ly bước lên những bậc cửa Nhà Hát Tây. Tại sao tôi vào Sài gòn một mình? Phải viết một cuốn mới diễn tả đầy đủ lý do dế mèn phiêu lưu ký của tôi. Bố tôi, ngày xưa đã từng là tay giang hồ. Ông vô Sài Gòn, theo một gánh cải lương. Khi ông bố giang hồ của tôi biết mình không trở thành Tư Chơi, Năm Châu, ông đành vĩnh biệt xứ Nam Kỳ hiền hậu. Ông trở về Bắc kỳ với hai cái răng vàng mới toanh và bộ bà ba lụa Lèo. Tôi hiểu bố tôi thương Nam kỳ lắm. Những buổi chiều hết nắng, ông thường ngồi trước bật cửa, ôm cây lục huyền cầm, dạo vài khúc lấy hứng rồi ca Nàng thu đã về rồi...Ông bắt chước hệt giọng miền Nam, Nàng thu đã dzề rồi. Đó là những lúc ông tương tư Nam kỳ. Tôi không vô Sài gòn để tập ca vọng cổ. Cũng chẳng vô vì lý do chính trị, cách mạng. Cứ hiểu tôi có nhiều máu " dế mèn trong cơ thể. Nhưng xách va ly bước lên những bậc cửa Nhà Hát Tây, máu giang hồ bỗng hết muốn chảy về tim.
Tâm sự tôi giống tâm sự anh chàng du tử của bài hát. Lời du tử. Tôi lầm nhầm: Chiều nay biết về nơi đâu. Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu... Mặc dù, cảnh Sài gòn chập tối thật ngoạn mụa, xích lô máy chạy vùng vít. Tắc xi lái phom phom.Thú thật, Sàigòn quyến rũ tôi nhờ xích lô máy. Tôi bèn anh dũng xách valy bước vào. Tầng dưới kín chỗ. Dân di cư chiếm đất Nhà Hát Tây như dân di cư Âu châu chiếm đất miền Tây nước Mỹ. Màn giăng lu bù. Gia đình nọ cách gia đình kia bằng cái ri đô vải. Ai đến sớm, Chiếm đất rộng, bầy biện bếp núc, lu nước và kê cả giường! Tầng một hết chỗ, tôi lên tầng hai.Rồi tầng ba, Và cũng chỉ có quyền trải tờ báo, gối đầu lên va ly, nằm đỡ một đêm ở sát rìa, rất dể rơi xuống tầng dưới nếu ngủ mê lăn một vòng. Tôi không có tài tả cảnh. Đại khái, tôi đã cư ngụ tại chỗ quý vị ký giả ngồi dự thính các phiên hợp Hạ Viện.
Chỗ ấy, ngày xưa, người ta chê làm lan can. Nên đi qua đã ngại, huống hồ nằm ngủ. Vậy mà tôi đã nằm ngủ bình yên, đầy mộng mị.
Sáng hôm sau, khi tôi đang say sưa ngáy pho pho thì một bàn tay đập nhẹ lên người tôi. Và giọng nói nhẹ nhàng:
- Này cậu, này cậu, dậy đi!
Tôi mở mắt. Tôi chẳng còn nhớ mắt tôi nhiều ghèn hay ít và hai bên mép có hai vệt ke trắng không. Phải thật thà chứ. Nam phương hoàng hậu hay người đẹp Joséphine nằm ngủ, nếu ta nhìn thấy quý bà ấy chảy rãi, ta sẽ mất hết sự ngưỡng mộ. Tôi có thể tin là khuôn mặt ban mai của tôi không đến nổi tệ. Người gọi tôi, chết chửa, là con gái. Tôi bèn vùng dậy. Người con gái nắm chặt cánh tay tôi:
- Kheo khéo kẻo cậu rơi xuống tầng dưới Tôi kheo khéo liền. Người con gái hỏi tôi:
- Cậu mới di cư à?
Tôi đáp:
- Vâng.
Người con gái ngó tôi một cách thương hại:
- Cậu phải mua cái ghế bố. Tối nay ngủ xích vô trong. Tôi dẹp gọn đồ đạc của nhà tôi để cậu kê ghế. Đêm ngủ, sáng gấp ghế, tôi cất giùm cho.
Tôi nói một câu ngớ ngẩn:
- Rồi ban ngày nằm đâu?
Tự nhiên, tôi đâm ra ngượng vì vừa chợt thấy một con bé nằm sấp trên ghế bố, hai tay khuỷu tay chống, đầu ngẩng cao, đương mở to đôi mắt tròn, đen lay láy nhìn tôi. Tôi đóan con bé là em người con gái vừa cứu tôi... thoát chết. Tôi rút khăn, lau vội lớp mồ hôi nhờn trên mặt:
- Vâng, vâng...
Người con gái tưới nước vào cục than hồng bối rối của tôi:
- Hay là cậu ngủ với thằng em trai tôi nhé? Nó bằng tuổi cậu; Tôi lắc đầu:
- Thưa chị, em sẽ mua cái ghế bố.
Người con gái hỏi câu hỏi tôi đã hỏi nàng:
- Rồi ban ngày cậu ở đâu?
Tôi nhún vai rất điệu. Cho con bé đang theo dõi tôi biết tôi là kẻ lãng tử.
- Dạ, thưa chị, em đi tìm nơi tuyển mộ cu ly đồn điền cao su.
Người con gái mỉm cười:
- Cậu vui vẻ quá.
Nàng tưởng tôi đùa bỡn. Ỡ nhà, tôi là thằng đoảng vị. Con trai đầu lòng thường đoảng. Mẹ tôi hễ sai việc gì mà tôi làm không nên thân, bà hay phàn nàn:
- Giá mày là con gái thì tao đỡ vất vả.
Còn bố tôi luôn luôn phán:
- Ra khỏi nhà, mày chỉ còn nước đi ăm mày.
Tôi không thể làm nghề " cốc được. Nhưng rất có thể làm cu ly đồn điền. Một cu ly đồn điền giàu tưởng tượng Mấy năm trọ học ở Hà Nội, tôi chẳng học hành gì cả. Ngoài những giờ lêu lỏng trong vườn Bách Thú, trên bờ hồ Trúc Bạch, bơi thuyền lướt mặt hồ Tây, lang thang con đường đền Láng và nằm dài học thuộc lòng thơ Nguyễn Bính trên cỏ mướt Voi Phục, tôi còn Âm Nhạc Học Xá của cụ Duyệt tập dương cầm. Không xoay đâu ra dương cầm, tôi đã vẽ phiếm đàn trên mặt bàn và ngồi cả giờ đập tay xuống gỗ. Như thế nản lắm. Tôi bèn xoay sang lục huyền cầm Y pha Nho và nhận ông nhạc sĩ xí trai với cái tên chả nghệ sĩ tí ti ông cụ là Tạ Tấn làm sư phụ.Ông này ưa sáng tác nhạc chung với ông Nguyển Túc. Nhạc hai ông cũng lẳng lơ, trữ tình ra phết. Nhưng Tạ Tấn và Nguyễn túc nghe nó kém đi mất tám mươi phần trăm thơ mộng Ông Tạ Tấn dạy tôi lục huyền cầm Y pha Nho theo phương pháp Carulli. Tôi mất bộn tiền và búng bài số 14 nhanh như gió. Nhờ đó, khi tôi về Thái Bình " mừng giải phóng lên sân khấu ngoài trời biểu diển tài nghệ, bộ đội và nhân dân vỗ tay hàng chục phút. Ông văn công Trần Hoàn, tác giả bài Sơn nữ ca, giới thiệu tôi và bảo tôi vừa trình bày một bản nhạc cách mạng Nga sô vĩ đại! Bài tập số 14 đấy. Tôi nhắc một kỷ niệm buồn cười để khoe rằng tôi biết chơi lục huyền cầm Y pha Nho. Khi tôi trốn nhà đi phiêu lưu, tôi không nhớ mang hình ảnh của bố mẹ và các em tôi mà chỉ nhớ mang cuốn sách của Carulli. Tôi nghĩ là, ngoài những giờ cạo mũ cao su, tôi sẽ ngồi dưới gốc cây cao su, tập đàn.
Biết đâu đấy, con gái yêu của chủ đồn điền cao su chẳng mê tiếng đàn tôi. Tôi sẽ, như một anh trai si tình Ý đại Lợi, ôm cây đàn mandoline, đứng dưới cửa sổ nhà nàng nghêu ngao:
- <Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt,
với bao tiếng tơ xót thương...
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao.
Nàng sẽ yêu tôi, sẽ tương tư phát ốm. Bố nàng gọi tôi, phát cho tôi chân thư ký. Rồi nàng gặp mặt, thấy tôi không xí giai như anh Trương Chi, nàng đòi lấy tôi làm chồng thì sướng quá. Tôi thường tự hào là đứa mơ mộng nhất thế giới. Có lần, bị xe hộ tống thổi tu hít và bóp còi ấm ỹ đuổi tôi dạt sang một bên đường để xe V.ỊP chạy. Tôi liếc mắt ngó trộm.Thấy phu nhân thủ tướng đang soi gương điểm phấn. Bèn mơ mộng làm tổng thống. Tôi mơ mộng một ông nghị sĩ sáng giá của Hiệp chủng quốc giả đò là Mỹ kiều lục lộ, ăn mặc lem nhem dạo phố thăm dân Việt Nam cho biết sự tình. Ông nghị sĩ Mỹ bị tên đặc công Cộng sản chận đường, dí súng vào gáy. Tôi đi qua phố vắng vẻ đó, nhào lại, hạ tên Cộng sản, đoạt súng nghiêng mình tặng khẩu K.54 cho ông nghị sĩ Mỹ. Ông này ôm lấy tôi khóc, cám ơn và biếu tôi hai ngàn đô la. Mấy năm sau, ông ta ứng cử tổng thống Mỹ và đắc cử, Ông tổng thống Mỹ nhớ ân nhân cũa ông và ông sẽ đưa tôi lên làm tổng thống Việt Nam bầu cử đàng hoàng. Tôi sẽ ngồi xe Mercedes sáu cửa, cắm cờ và trước xe tôi đi là hàng trăm mô tô hộ tống, sau xe tôi đi là hàng trăm tu bin. Tôi cương quyết yêu cầu hãng xe Ford chế giùm tôi hai loại kèn. Một loại bóp inh ỏi phát câu " Tổng thống rất thương đồng bào, một loại bóp nghe inh ỏi phát câu " Đồng bào xê ra cho tổng thống đi Và tôi mút cà rem cây một cách thơ thới hân hoan.
Đó là giấc mơ khi tôi đã thành thân. Còn giờ đây, trước mặt người đẹp, tôi chỉ mơ làm cu ly đồn điền đẹp giai, đàn hay, hát ngọt và được con gái ông chủ đồn điền mê mệt.
- Thưa chị, em nói thật.
Người con gái bĩu môi:
- Cậu mà làm cu ly đồn điền cao su thì cả nước này chết đói hết... à, tên cậu là gì nhỉ?
Tôi ngượng ngập đáp:
- Long. Vũ Mộng Long, bút hiệu Trương Chi!
Người con gái cười thành tiếng:
- Cậu khéo khôi hài. Chắccậu hát hay lắm phải không?
Tôi đã ngồi dậy từ lúc nào chẳng hay, khẽ nhún vai kiểu cách:
- ở Hà Nội em đã dự thi tuyễn lựa ca sĩ do Đài phát Thanh tổ chức. Nếu không có Duy Trác, em đã được vào chung kết. " Thằng Duy Trác nó át giọng em, nên em bị loại.
Người con gái long lanh đôi mắt ra cái điều tội nghiệp tôi. Con bé nằm sấp trên ghế bố lắng tai nghe cuộc đối thoại làm quen.
- Tên tôi là Phượng. Cậu biết đánh đàn à?
Tôi cố nói lớn:
- Em chơi guitare Espagnole ( Tây ban Nha), chơi classique ( cổ điển), chị ạ!
Sở dĩ tôi chêm vài tí tiếng Tây là cốt để con bé đang theo dõi tôi phục tôi. Dân này cũng học sinh, chứ bộ. Tôi nói tiếp:
- Mai mốt, nếu ở Sài gòn có thi ca sĩ, em sẽ ghi tên và hy vọng trở thành danh ca như Quách Đàm, Duy Trác, Anh Ngọc. Thưa chị, em anh dũng di cư một mình, em là thứ " xeo mết men của cuộc đời.
Lại sủa tí tiếng Anh. Phượng khen tôi:
- Trông cậu là tôi biết cậu có tâm hồn nghệ sĩ.
Tôi vội khoe nhặn:
- Vâng, thưa chị, em mang trong huyết quản dòng máu nghệ sĩ. Bố em gắn mấy cái răng vàng, chơi đàn vọng cổ và từng vô Nam theo các gánh cải lương. lên đồng ở các đền thờ đức thánh Trần. Bố em còn biết kéo nhị và gẩy đàn bầu.
Chị Phượng che miệng cười. Con bé nằm sấp trên ghế bố cũng mỉm cười. Tôi thấy " không khí thân mật rất thuận lợi cho tôi. Bèn bạo dạn hỏi:
- Thưa chị, em muốn rửa mặt, đánh răng.
Chị Phượng --- như vậy, trong bước đường lưu lạc của tôi, tự nhiên, có người chị đỡ đầu, khỏi mất công đăng báo những giòng ai oán:
-Lãng tử, mười chín tuổi,cô đơn, yêu nhạc Hoàng thi Thơ, mến mộ giọng hát Ngọc Cầm và Nguyễn Hữu Thiết, khoái coi phim Ấn độ, huyết quản đầy máu " dế mèn phiêu lưu ký muốn tìm người chị để an ủi những lúc bao tử lép xẹp, hứa trả lời mọi thư, ưu tiên cho thư nào gửi tem - Bảo tôi xuống dưới nhà, trả người gác gian một đồng là tắm gội thả cửa. Tôi gửi chị Phượng cái va ly, xuống dưới nhà.
Rồi tôi sung sướng gọi chiếc xe xích lô máy, sang Khánh Hội tìm thằng bạn nối khố đã vào Nam trước tôi. Nó ở đường Hớc Tô. Tây về nước từ khuya, tôi sợ viết sai, phiên âm tiếng Việt cho tiện. Thú thật, tôi khoan khoái vô tả. Tôi sẽ không bao giờ làm cu ly đồn điền cao su. Tôi là một nghệ sĩ. Em bé nằm sấp trên ghế bố yêu dấu, anh có tâm hồn nghệ sĩ, anh đã tập tới bài số 14 cuốc sách dạy chơi lục huyền cầm Y pha Nho của Carulli, anh sẽ ghi tên dự thi ca sĩ, anh sẽ trở thành Y Vân, và yêu em.