A book is to me like a hat or coat - a very uncomfortable thing until the newness has been worn off.

Charles B. Fairbanks

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1344 / 24
Cập nhật: 2016-06-02 02:55:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
hạc giao hưởng là cái gì đó xa xí với đám nhà nghèo và lạ hoắc với người giàu. Thói trưởng giả, tiền bạc có thể đầy ự, nhưng thưởng thức nhạc giao hưởng y như phèng la gõ tai trâu. Cả năm, dàn nhạc chỉ đôi ba lần biểu diễn. Nghệ sĩ đói dài. Tá hỏa mỗi người chạy một nơi kiếm ăn: Biểu diễn phòng trà. Gia sư. Kèm cặp bọn trẻ thi vào nhạc viện... Đủ cả. Vẫn không lại với tiền thuê nhà và nuôi sống mình trong nội thành.
Chờ đợi. Ngóng trông. Hy vọng một cái gì đó rất xa vời.
Tôi xách va-li, vác theo cái đàn ghi-ta ra ngoại ô thành phố ở trọ.
Hàng xóm nhà tôi là một lò mổ heo. Lò mổ chứa đựng bao nhiêu thứ cặn bã thì cũng có bấy nhiêu tinh thơm cao quý. Nó là một mớ hổ lốn thật giả, xấu tốt, thiện ác. Nhàn vi cư cầm đàn, tiếng ghi-ta
của tôi thả ra không trung làm đám thợ mổ suốt ngày làm bạn với máu tươi, lòng mề, phân gio, nước đái hôi mù dỏng tai nghe. Hân hoan quá. Ít ra thì trong lúc bụng tôi rỗng không, cũng làm tươi xanh những tâm hồn cỗi cằn, mệt mỏi bên kia hàng rào. Ai bảo tiếng đàn không dẫn dụ, chinh phục được những anh đồ tể ít học, lấm láp, cục cằn?
Nhưng, đến ngày thứ tư thì tiếng đàn của tôi bị tiếng heo ở lò mổ át đi. Các ngày sau, tiếng heo rống càng thê thảm, oan ức, tức tưởi và càng to hơn, nuốt chửng tiếng đàn ghi-ta, mà không cắt nghĩa được. Hóa ra, ông chủ lò mổ ghét tiếng đàn ghi-ta của “thằng nhạc sĩ”. Ghét vì thợ dỏng tai nghe, mất việc làm. Ghét vì thằng ranh con da trắng gân xanh nổi đầy tay cứ ra vẻ ta đây là nghệ sĩ thả tiếng đàn ra coi khinh cái nghề mổ heo nhếch nhác của mình. Ghét vì mình thì trần lưng kiếm từng đồng tiền lấm láp, nó thì cứ nằm khểnh chơi đàn tưng tửng. Ghét, ông chủ bảo: “Cứ mỗi lần đàn ghi-ta của thằng nhạc sĩ cất lên, thì chúng bay chọc tiết heo cho tao. Hết máu con này thì chọc tiếp con khác cho nó tru rống lên, chỉ khi nào tiếng ghi-ta im bặt thì thôi”.
Một sự thật thách đấu của gã quái sát sinh cậy giàu. Tôi tự ái và cảm thấy tổn thương. Tôi thi gan. Đàn suốt ngày đêm. Và tiếng heo tru rống vẫn ai oán, kinh hoàng không dứt.
Cho đến một ngày ông chủ lò mổ heo rinh về một chiếc đàn piano mới cứng cựa thì cuộc tỉ thí giữa tiếng đàn ghi-ta và tiếng lợn rống mới đến hồi kết. Người ngồi chơi đàn dương cầm ấy là một cô nữ sinh viên khoa văn hóa quần chúng. Nàng bắt đầu một kỳ nghỉ hè và sống hoàn toàn bên chồng. Đám thợ mổ không xa lạ, xôn xao. Nhưng, tôi thì bất ngờ đến kinh ngạc.
Có điều gì thật trái khoáy trong gia đình ông chủ. Không cắt nghĩa nổi! Một người tinh tế, dịu dàng, lãng mạn mà lại lấy một kẻ gần như vô học, trưởng giả. Khớp vào nhau thử hỏi coi được không? Vậy mà, những điều phi lý tưởng chừng không có đất sống ấy thì lại tồn tại ngang nhiên giữa trời quang mây tạnh ngay trong nhà ông chủ mổ heo.
Đêm đêm, bà chủ mặc áo dài màu hoàng yến ngồi trước cây đàn dương cầm dạo nhạc. Thấp thoáng qua dải đăng-ten trắng muốt, tôi bắt gặp cái dáng ngồi hơi cúi, cong cong như vành trăng khuyết sa vào cửa sổ. Chỉ tội một nỗi là đàn mới mua cân chỉnh chưa chuẩn nên nhiều nốt bị phô. Cô chơi bản Sonata Moonlight giai điệu trở nên khàn đục, hơi chói tai, không diễn tả được khúc mơ tưởng. Ôi trời! Giá mà mình được sở hữu cái dương cầm ấy nhỉ? Điên tiết, tôi lôi ghi-ta ra dạo luôn bản Sonata Ánh trăng ấy. Mê mải đến mức, bà chủ lò mổ heo vạch hàng rào sang nhà tôi trọ, đứng ngẩn ngơ nhìn tôi đàn, và nghe đắm say. Chỉ khi gảy nốt cuối cùng và đi hợp âm chùm kết thúc thì tôi mới biết người đẹp đang đứng trước mặt.
Tôi trở thành thợ “lên dây đàn”, tôi thành gia sư cho bà chủ xinh đẹp. Tôi trở thành thân tình với gia đình ông chủ lò mổ heo từ đó. Tôi gọi nàng là Ánh Trăng Xanh.
Ánh Trăng Trong Lò Mổ Ánh Trăng Trong Lò Mổ - Sương Nguyệt Minh