Bread of flour is good; but there is bread, sweet as honey, if we would eat it, in a good book.

John Ruskin

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 991 / 0
Cập nhật: 2015-07-18 13:07:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
hư viện trường Dược náo nhiệt vui vẻ chưa từng có. Chẳng là mọi người từ thầy đến trò đều tập trung lo cho một việc: triển lãm tranh mùa xuân. Thật là ngộ nghĩnh khi thầy dạy môn Thực tập Ký sinh trùng nêu lên ý kiến triển lãm tranh. Dân trường Dược vẽ tranh? Thật khó tin! Nhưng nếu đi từ đầu câu chuyện thì không có gì lạ cả: Thầy khám phá rằng trong đám sinh viên phụ tá cho thầy ở “labo”, có rất nhiều bạn vẽ đẹp. Có người nghe vậy la lên: "Ôi Trời! Vẽ con giun, con sán, con ruồi, con muỗi, hay con Plasmodium gây bệnh sốt rét... thì được, chứ làm sao vẽ tranh thiên nhiên hoa cỏ bốn mùa hay vẽ thiếu nữ xinh tươi như họa sĩ "thứ thiệt" vẽ được!"
Thế nhưng thực tế đã khác hẳn. Đâu phải chỉ có “dân Ký sinh trùng” vẽ tranh! Khi thông báo của nhà trường được niêm yết trên chiếc bảng lớn ngoài cổng thì sau đó “nhân tài” rục rịch xuất hiện. Chỉ mới một ngày mà danh sách tham dự đã đến gần hai mươi người. Gần hai mươi họa sĩ, trong đó có cả các thầy các cô. Rồi thì các sinh viên. Có người đã vẽ từ lâu. Có người đã từng học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Có người từ trước đến nay nổi tiếng trong trường vì đã làm phụ tá vẽ hình để in tài liệu cho sinh viên học trong các phòng thực tập. Thật là hào hứng! Bởi vì khi các bức tranh được đem đến thư viện, thì thật sự là những bức tranh.
“Tranh mùa xuân”! Cũng đúng với chủ đề. Và không ngờ cuộc triển lãm lại thu hút toàn trường rồi kéo theo những trường “hàng xóm”. Đó là trường Văn khoa và trường Nông Lâm Súc. Không lâu sau, tiếng đồn còn vang xa và có thêm những người thưởng thức đến từ các trường trung học và đại học khác nữa. Các họa sĩ thầy, họa sĩ trò, vui vẻ nhã nhặn vừa làm nhiệm vụ chào đón khách vừa làm người tự giới thiệu phần tranh của mình. Thầy Biền với nét chấm phá rất đơn giản nhưng đã lột tả được những góc cạnh phong phú của vườn dược thảo. Cô Liên với những bức tranh sơn dầu màu sắc trang nhã vẽ nên cảnh nhộn nhịp của sân trường. Các bạn sinh viên, mỗi người một kiểu, vẽ nên những chi tiết của bốn mùa. Những bức tranh vẽ tĩnh vật, tranh vẽ thiếu nữ, tranh vẽ nhi đồng… tuy với đề tài rất quen thuộc nhưng không kém phần độc đáo, nhất là khi người xem mường tượng ra cảnh những người họa sĩ ấy ngày ngày làm công việc thật tỉ mỉ bên các chai lọ pha chế, thì họ lại càng cảm thấy thú vị.
Mọi người dừng lại nhiều nhất trước bức tranh mang tựa đề “Rừng Xuân Đã Khép”. Bức tranh vẽ bằng màu bột. Nét vẽ mềm mại. Màu sắc được chọn là màu hồng cho tà áo dài của người con gái đứng một mình, và một màu xanh thẫm cho nền rừng phía sau lưng của cô. Thế thôi, thật đơn giản! Họa sĩ là Phúc Ân, sinh viên năm thứ năm, sắp ra trường. Khi được hỏi vì sao cô gái trong tranh mặc áo màu hồng, có hơi “chõi” với màu lá rừng hay không, Ân trả lời:
- Vì đó là màu mà cô ấy thích mặc.
Thế là không tránh khỏi có những câu hỏi đương nhiên tiếp theo:
- Thế cô ấy có thật à?
- Cô ấy là ai?
- Cô ấy có học trong trường Dược không?
v.v. và v.v…
Dĩ nhiên là Ân không cho biết.
Nhưng rồi, một chuyện bất ngờ và trùng hợp xảy ra. Khi một bạn nam soi mói nhìn vào gương mặt cô gái trong tranh, thấy có chút khác lạ nơi môi trên của cô, hắn ta khôi hài hỏi:
- Thưa họa sĩ, có phải trong khi vẽ, anh đã bị … trật tay, làm hơi lem ở khóe môi cô gái?
Những người đứng xem tranh xúm lại gần hơn, và xì xào:
- Phải đấy, có phải anh không cố ý vẽ khóe môi cô gái hơi xếch lên?
Một người khác:
- Nhưng mà xếch lên thế lại dễ thương ấy nhá!
- Phải! Mà dù có xấu cũng không sao. Triển lãm tranh tài tử, có bán buôn chi đâu mà sợ!
Toàn là những câu trêu đùa vui vẻ không ác ý. Nhưng không ngờ một cô sinh viên đứng trong đám người ấy cảm thấy chột dạ, sau khi cô cũng nhón gót để nhìn cho rõ người con gái trong tranh. Cử chỉ đó làm mọi người lưu ý đến cô. Một cô gái bé nhỏ, tóc chấm ngang vai, mặc áo dài màu hồng, và… nơi khóe môi trên có một vết sẹo. Vết sẹo nhỏ đến nỗi chỉ như một cái nhếch lên của bờ môi, làm cho cô gái có một nét duyên dáng đặc biệt. Không nhiều người biết đến cô, ngoại trừ vài bạn cùng lớp. Bởi cô là sinh viên năm thứ nhất, chỉ vừa mới vào trường vài tháng.
Như hoảng hốt trước một sự việc bất ngờ, cô gái đi nhanh ra cửa. Cô nghe mặt nóng ran. Cô tưởng như cái đám đông ấy đang ùa theo sau lưng mình. Đến trước cổng vườn dược thảo, cô dừng chân, len lén ngoái đầu lại. Ồ, mình chỉ khéo tưởng tượng thôi! Không có ai đi theo cả. Cô tự trấn an mình: Thật ra chẳng ai thắc mắc làm chi về một con bé “lính mới” không có gì đặc biệt như mình. Cô nhoẻn miệng cười với bức tượng ông Galien, ông tổ của ngành Dược. Chỉ với ông, cô gái mới có thể tỏ sự thân mật không chút e dè!
o O o
Buổi triển lãm tranh đã rất thành công. Thành công không chỉ ở số lượng người đến xem, mà còn ở hành động của một số vị “Mạnh Thường Quân” đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua một số bức tranh họ ưng ý. Phúc Ân cũng bán được một số tranh, nhưng bức tranh “Rừng Xuân Đã Khép” anh từ chối không bán. Và anh cũng không nói lý do. Điều này dĩ nhiên gợi nên một vài câu hỏi ở những người để ý đến anh. Nhưng rồi mọi việc cũng chìm vào quên lãng. Sinh viên trường Dược có tiếng là chăm học, nên mọi người lại vùi đầu vào bài vở. Chỉ có điều, sau cuộc triển lãm đó, Ân đã không giấu tài nữa. Anh bắt đầu cộng tác với một số tạp chí cần anh vẽ tranh bìa cho báo. Anh vẽ tem thư. Anh tham gia một vài cuộc triển lãm tranh giúp các hội từ thiện. Tên tuổi của anh được người ta biết đến. Một điều đương nhiên thôi!
Không ai biết đến câu chuyện đàng sau bức tranh “Rừng Xuân Đã Khép”. Một hôm Phúc Ân đón cô gái áo hồng ở nhà để xe. Lúc đó cô gái đang lúi húi đạp máy chiếc xe Cady lì lợm không nổ. Bác giữ xe của trường vừa mới chịu thua sau khi giúp mà không thành công. Ân tiến đến nói nhỏ:
- Chào Mai. Để tôi thử xem.
Cô gái ngạc nhiên, hơi bối rối. Nhận ra đó là Phúc Ân, cô chào lại:
- Dạ, chào anh.
Nói như vậy rồi cô bẽn lẽn, nghĩ thầm sao lại “bị” người ta biết tên mình. Cô đứng yên, nhìn người thanh niên đạp máy chiếc xe. Chiếc Cady này ngày nào cũng vậy, đạp máy bở cả hơi tai mới chịu nổ. Lúc đầu nó cứ bướng bỉnh kêu “ịch ịch” như trêu ngươi, nhưng rồi, như chú ngựa ngoan ngoãn nó đã nổ máy, reo những tiếng hân hoan. Mai lí nhí cám ơn. Ân cười nhẹ, đến bên xe của mình lấy bức tranh đã được bao bọc kỹ lưỡng, đưa cho cô:
- Tôi xin tặng cho Mai.
Mai không hiểu, đưa mắt tỏ ý hỏi. Ân nói ngay:
- Là bức tranh.
- Bức tranh?
- Vâng, bức tranh “Rừng Xuân Đã Khép”.
Mai bối rối vô cùng. Cô nắm chặt hai bàn tay trên “ghi-đông” xe, môi mím lại. Ân hỏi:
- Cô có bằng lòng nhận không?
- Vì sao… vì sao anh lại tặng bức tranh cho Mai?
- Vì… vì… tôi đã vẽ Mai mà! Tôi xin lỗi… Người thiếu nữ trong bức tranh là Mai đó!
Mai đỏ mặt. Cảm xúc của mình lúc này là gì, Mai không hiểu nổi. Vui mừng? E thẹn? Như một phản xạ, Mai nhìn quanh. Nhà để xe đã thưa người. Ân chờ đợi. Mai bỗng lắc đầu, nói nhỏ:
- Mai… Mai xin lỗi… Mai không nhận đâu ạ!
- Sao? Mai không…?
- Mai không thể. Xin lỗi anh Ân. Anh đừng bắt Mai giải thích.
Ân tỏ vẻ thất vọng. Mai líu ríu nói:
- Xin lỗi… Cám ơn anh đã giúp Mai đạp máy xe. Mai xin phép về ạ!
Tiếng máy xe Cady bây giờ nghe rầu rĩ. Mai rồ “ga” cho xe chạy đi, để Ân và bức tranh lùi lại sau lưng.
o O o
Một vết sẹo! Mai nhìn mình trong gương. Gương mặt khả ái không hề xấu đi một chút nào, dù đã có một vết sẹo ở môi trên. Thật ra vết sẹo này chỉ có giá trị đối với cảnh sát, để ghi đặc điểm nhận dạng trong trường hợp đi làm thẻ căn cước. Người không biết chuyện sẽ không thể ngờ được tai nạn xảy ra cho Mai năm ngoái, trên đường đi học về, cũng với chiếc xe Cady này. Sáng hôm ấy người thợ sửa xe đã bơm bánh xe trước quá căng mà Mai không để ý. Trên đường về, bánh xe bị “banh ta-lông” hất Mai lộn xuống đường trong lúc xe đang chạy bon bon. Mai ngất đi và được người đi đường đưa vào lề. Khắp người Mai trầy chợt, ê ẩm. Đôi môi sưng to lên, cả tháng trời ăn uống không được. Vào bệnh viện may mấy mũi. Mai có một vết sẹo nhỏ trông dễ nhầm với nét cong lên của khóe môi. Nhưng dù sao thì đó cũng là một cái sẹo. Và xấu hổ hơn nữa, là vết sẹo này được nhầm với “cái trật tay” của một chàng họa sĩ. Mà chàng đã vẽ mình trong lúc nào? Sao chàng lại để ý đến mình mà không phải là mấy cô gái khác trong trường? Mình không ngờ đã trở thành “người mẫu” cho chàng vẽ tranh. Mà mình có biết chi đâu! Ôi thật là đáng ghét!
Nhưng không phải ghét chàng. Chính là Mai ghét mình. Mai ghét mình đã không tự nhiên thoải mái để nhận bức tranh. Mai ghét mình đã có thể vô tình làm cho chàng nghĩ Mai là một cô gái “đài đệ”, khó tính. Thật ra không phải vậy. Mai chỉ là hơi buồn vì khuyết điểm trên khuôn mặt của mình thôi. Từ đó làm cho Mai rụt rè. Mà chàng thì đã quá “nổi bật”, ít nhất là trong trường này. Mai bần thần, tự trách, rồi lại nghĩ “ Thôi, chắc là trời đã an bài như thế, hãy chiều theo tự nhiên”. Mai lại lẩn thẩn tự hứa là đến khi nào nhà trường tổ chức triển lãm tranh nữa, thì Mai sẽ nhận bức tranh của Ân, bức tranh mà Ân đã vẽ mình. Lúc đó sẽ hết rụt rè, biết đâu chừng lại còn hãnh diện khoe với các bạn “Là mình đấy!” Ô, nhưng biết chàng có để dành bức tranh để lại tặng cho mình một lần nữa? Hay chàng sẽ bán đi cho một ai đó thấy thích bức tranh?
Ân không có dịp để triển lãm tranh. Cũng không có dịp tặng bức tranh cho Mai. Trường Dược cũng chưa có thể tổ chức thêm một cuộc triển lãm tranh nào. Cuộc triển lãm kia trở thành duy nhất. “Đổi đời”, Mai theo gia đình di tản. Ân ở lại. Rừng xuân đã khép.
Và đó, chuyện của hơn ba mươi năm trước.
o O o
Một ngày xuân trên đất Mỹ, Mai nghe các bạn bàn nhau sẽ đi xem triển lãm tranh. Bao năm qua, những sinh hoạt như vậy không xa lạ chút nào với Mai. Nhiều khi Mai cảm thấy mình không còn hứng thú nữa. Dù vẫn được thưởng thức những tác phẩm độc đáo, Mai không có lại cái cảm giác của ngày xưa, lúc nhón gót nhìn cho rõ bức tranh… người ta vẽ mình. Mai vẫn nhớ lắm màu rừng xanh thẳm. Mai ước mình được thấy lại bức tranh ấy dù chỉ một lần. Và, ôi! Mai không tin ở mắt mình, trên tờ “flyer” giới thiệu, một cái tên, Phúc Ân. Anh ấy đã có mặt ở đây!
Hồi hộp lắm. Mai đi một mình. Mai không muốn rủ bạn hay người nhà. Mai không chắc mình có thể tỏ ra cứng cỏi. Bao nhiêu năm qua, Mai chỉ được biết một vài tin tức về Ân qua mấy người bạn. Không có gì đặc biệt. Biết Ân vẫn sống ở Việt Nam như bao nhiêu người vẫn sống. Biết Ân ra trường trễ một năm, sau cuộc “đổi đời”. Biết Ân làm việc tại một tỉnh cuối miền quê hương. Biết Ân không “làm nghề” họa sĩ nữa, không vẽ báo, không vẽ tem thư. Bao nhiêu người vẫn sống. Mai cũng như vậy thôi! Như những con sông, vẫn chảy, nhưng chưa chắc gặp nhau ở cùng một đại dương.
Người đến xem vừa đủ đông để Mai phải hơi khó khăn tìm được một chỗ đứng. Trên tường, nơi các giá kệ, các bức tranh và tác phẩm điêu khắc được chưng bày rất trang trọng. Mai cũng đã tìm được khu vực dành cho tranh của họa sĩ Phúc Ân. Và đây rồi! Trong số hơn mười bức tranh của Ân, “Rừng Xuân Đã Khép”, vẫn là đó. Cô gái áo hồng đứng bơ vơ trên nền rừng xanh thẳm. Mai nghe tim mình đập mạnh. Mai có cảm giác những người đứng cạnh bên mình đã nhận ra đây là người trong bức tranh kia. Bởi vì Mai cũng đang mặc một chiếc áo dài màu hồng. Bởi vì trên khóe môi của Mai, vẫn còn vết sẹo duyên dáng đó. Nhưng Mai bàng hoàng. Tất cả đều xa lạ. Đâu có ai để ý đến mình. Mai đảo mắt tìm quanh. Ân ở đâu??
Một người đàn ông xuất hiện. Không phải là Ân. Người đó mở lời:
- Xin kính chào quý vị. Tôi là trưởng ban tổ chức buổi triển lãm, xin thay mặt cho người bạn của tôi, họa sĩ Phúc Ân, trân trọng cám ơn quý vị đã đến với tranh của Phúc Ân. Lần đầu tiên Ân gửi tranh sang để triển lãm, anh đã lựa chọn hơn mười bức tranh mà anh ưng ý nhất, trong số hàng trăm bức tranh anh đã vẽ. Sau khi quý vị đã thưởng thức, nếu quý vị có nhã ý mua, chúng tôi rất cảm kích… Nhưng chúng tôi cũng xin nói ngay là họa sĩ Phúc Ân sẽ không sử dụng số tiền bán tranh cho cá nhân mình, mà sẽ gửi tặng cho một tổ chức từ thiện quốc tế….
Lời phát biểu của vị trưởng ban tổ chức được một người khác dịch ra tiếng Anh. Người kia nói tiếp:
- Thưa quý vị, rất tiếc chúng tôi không thể đón được họa sĩ Phúc Ân sang đây, dù chúng tôi đã hứa lo đầy đủ chi phí, nhưng… thưa quý vị, sức khỏe của anh không bảo đảm cho một chuyến đi dài. Anh đã đến thời kỳ cuối của bệnh ung thư gan…
Mai nghe nghẹn thở. Đâu đó có những tiếng thì thầm như thắc mắc. Vị trưởng ban tổ chức tiếp lời:
- Cái tên Phúc Ân vẫn còn xa lạ với quý vị, nhất là với những bạn trẻ, nhưng thưa quý vị, những ai đã từng học ở trường Đại học Dược khoa Sài Gòn, hay nói chung là những người đã từng sống trong Miền Nam trước năm 75 có thể đã quen thuộc với tên của anh. Anh không phải là họa sĩ chuyên nghiệp, anh không vẽ nhiều, nhưng tranh của anh nói lên được tâm trạng khao khát trước thiên nhiên và con người. Và với những bức tranh trước mắt quý vị đây, tất cả đều được chứng minh. Riêng có một bức…
Người ấy bước tới trước một bức tranh, nói với giọng xúc động:
- Đây là tác phẩm mà họa sĩ Phúc Ân yêu quý nhất. Anh có nhắn tôi một lời gửi gắm, đó là, nếu tìm được người thiếu nữ tên Mai, từng là sinh viên Dược khoa, thì thay mặt anh để tặng lại cho cô ấy. Nhưng nếu không gặp, thì tôi sẽ thay anh bán đấu giá bức tranh này để lấy tiền giúp cho tổ chức “Operation Smile”.
Mai vừa mới dợm bước đã khựng lại. Nghe đến tên của tổ chức nhân đạo này, mọi ý nghĩ trong đầu của Mai đã thay đổi như một tia chớp. Phải, Mai đã rất nóng lòng muốn nhận lại bức tranh. Mai đã cảm thấy cái vinh dự được là nguồn cảm hứng cho một người họa sĩ. Mai không còn là cô bé lẩn thẩn ngày xưa, chỉ vì vết sẹo nhỏ, chỉ vì tính e ngại, mà Mai đã không đến gần được với người, Mai đã bỏ người lại sau lưng.
Ân ơi, có phải anh cũng băn khoăn một đời vì vết sẹo trên khóe môi người con gái nhỏ ngày đó? Anh không biết rằng mấy năm qua Mai đã luôn vận động mọi người đóng góp cho tổ chức “Operation Smile”, để giúp có tiền cho những ca giải phẫu đem lại nụ cười cho những em bé nghèo bất hạnh khắp nơi trên thế giới. Những em bé đó mới sinh ra đã mang dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Cái mặc cảm ở các em lớn lắm. Nhờ “Operation Smile”, các em có thể lấy lại sự duyên dáng cho khuôn mặt, nét tự tin ở nụ cười. Từ đó các em có thể đứng thẳng và hội nhập vào cuộc sống. Đơn giản thế thôi! Mà không ngờ anh cũng đã có cùng niềm đồng cảm và ước mơ như vậy.
Một người phụ nữ có tuổi tiến lại gần bức tranh, nói với mọi người:
- Tôi xin mua bức tranh này với giá một trăm ngàn Mỹ kim. Nếu sắp tới đây, quý vị không tìm ra được người trong tranh, xin hãy cho tôi nhận tác phẩm này.
Tiếng vỗ tay vang dội cả phòng tranh. Một trăm ngàn đồng! Có nghĩa là hơn bốn trăm em sẽ được giải phẫu lấy lại nụ cười! Rồi sau đó có thể còn nhiều hơn nữa. Mai cũng muốn reo vui thật to. Mai hân hoan bước đến nhìn thật kỹ vào bức tranh. Mai cười và như thì thầm với cô gái áo hồng trong ấy. Em nhé! Không cần phải nhận mình là người trong một tác phẩm. Hãy để cho tác phẩm đó là của mọi người. Nó sẽ được sống mãi. Cho tôi nhìn lại một lần nữa, màu hồng của áo, màu xanh thẳm của rừng. Kỷ niệm vùn vụt chạy qua trong tích tắc như đường bay của ánh sáng. Tòa nhà trường Dược với kiến trúc cổ kính. Những giảng đường thênh thang sinh viên vào ra tấp nập. Vườn dược thảo xanh ngắt những chiều tan lớp đi thơ thẩn trò chuyện trước tượng Galien. Câu lạc bộ ấm cúng những đêm văn nghệ. Thư viện sáng sủa nhưng tĩnh lặng, cũng là nơi tôi gặp mình trong một bức tranh. Nhà để xe, tăm tắp những hàng xe gắn máy, xe đạp, nơi tôi bỏ người họa sĩ và rừng xuân đứng lại. Người sẽ ở lại bên kia mãi mãi. Nước mắt tôi đã dạt dào. Từ giã thôi, “Rừng Xuân Đã Khép”.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Xuân Tân Mão 2011
Rừng Xuân Đã Khép Rừng Xuân Đã Khép - Nguyễn Thị Mỹ Thanh Rừng Xuân Đã Khép