Nguyên tác: (Ghi Chép Điên Loạn)
Số lần đọc/download: 1128 / 3
Cập nhật: 2016-04-12 16:56:23 +0700
Đông, chưa từng có mùa đông năm nào lại khắc nghiệt và dữ dội như năm nay. Tưởng chừng như mọi cái giá buốt hò hét nhau tụ tập lại, ẩn nấp ở một xó xỉnh nào đó rồi ập ra làm một trận tập kích vào một góc trái đất đang tan chảy vì ánh nắng gắt bỏng cao xanh. Không rõ phải truy nguyên từ đâu, nhưng mọi sự năm nay đều bất tường. Có lẽ là khi cụ rùa chốn Hoàn Kiếm phong phủ long mạch qua đời, hoặc có lẽ là phải quay ngược thời gian về cái chết đầu tiên của một nghệ sỹ đã báo hiệu cho sự lung lay về sau. Hầu hết mọi người đều bắt đầu truyền tai nhau những dự đoán giật gân, thậm chí là kinh dị, rồi loay hoay trong mớ bòng bong sợ hãi ấy.
Ta ngồi co ro trong chăn - cái ổ ấm áp của mình - và chưa hề bước ra khỏi cửa phòng suốt ba ngày qua. Trên bếp, siêu thuốc đang sôi, tỏa ra thứ mùi dễ chịu ngai ngái. Ta rót một cốc thuốc đầy và nóng tới bỏng tay, cứ vậy ngồi nhấp từng ngụm một. Bên ngoài kia, gió thổi lồng lộng và mưa giăng kín lối. Ở nhà ta, tuyết đã rơi từ ba giờ sáng, lần đầu tiên trong suốt hàng trăm năm. Hẳn là lũ tuyết ấy đang hả hê lắm, chúng đã khiến cho hàng triệu người không kịp trở tay cơ mà, thiên nhiên đôi khi cũng xảo trá như vậy đấy.
Ta ôm ngực ho sù sụ, cơn thắt trong lồng ngực lại dồn đuổi tới, hành khốn thân xác này tới cùng cực mới thôi. Đầu váng vất, trước mắt quay cuồng, ta lập tức đổ sụp xuống, mắt vẫn mở thao láo nhìn lên trần nhà. Ta đã quên thắp hương cho ngày rằm, ta gần như mất ý niệm về thời gian, thần Thổ Địa có lẽ đang trách cứ ta.
Bỗng dưng vào lúc này, ta muốn viết, ta thèm khát mùi mực tươi như loài thú đói khát mùi máu. Đúng vậy, viết ngay lúc này, khi mà huyết áp của ta đã tụt xuống ngưỡng 70/40mmHg, khi mà nhịp tim của ta đang vượt 120 lần/phút, khi mà cơ thể ta không thể chống cự được cơn đau. Ta cố gắng động đậy các ngón tay nhưng vẫn không thành công, những con chữ giăng hàng trên trần nhà nện bằng xốp trắng đương rung lên vì giọt mưa nặng.
Ta nghe tiếng bước chân mơ hồ, có ai đó mở cửa bước vào, ta nhận ra đó chính là vị Vua bị lịch sử bỏ quên mà mình thường nhắc tới. Ông ngồi xuống cạnh ta, phủi tuyết trên áo choàng, buồn rầu nói:
- Tuyết năm nay rơi lớn quá.
Tuyết rụng trên sàn lạnh, vì hơi ấm con người mà tan ra rất nhanh. Ta thều thào, mỉa mai:
- Ông là người đất kinh kỳ, dễ gì có cơ hội ngắm tuyết mà còn nói tuyết năm nay hay năm ngoái.
- Mi đã nhầm rồi. – Vị Vua cười chua xót – Ta còn nhớ cách đây năm trăm năm, tuyết đã từng đổ trên Thăng Long như thế này đây. Khắp nơi trắng xóa, trắng xóa… Tháng mười, ở châu Ngọc Ma phát hiện con chuột to như con lợn nhà, sắc nước các hồ đều chuyển sang màu huyết rồng cả.
Ta trông thấy một cánh tuyết lùa vào, cơn mưa rào chạy trốn, để lại hàng trăm hàng ngàn bông tuyết xốp mịn phủ kín cửa phòng. Ta than:
- Lạnh quá.
- Đại biến đấy. – Vị Vua bảo. – Ta thì đã chẳng biết lạnh là gì nữa. Lòng người còn lạnh hơn tuyết ngoài kia, và điều tàn nhẫn thì nhiều hơn sao trời…
Tiếng nói của ông êm như ru, nghe du dương như hát, ta thấy mắt mình tối đi, thoáng chốc đã không thấy vị Vua đâu nữa. Ở tòa lầu lớn, người ta vẫn canh chừng những lá phiếu, có lẽ đây sẽ là đêm trắng của rất nhiều người. Cánh cửa phòng đã được vị Vua đóng kín trở lại, ta lại nghe tiếng thì thào bên tai, tiếng thuồng luồng thở phì phò như đang hờn dỗi. Phải rồi, ta vẫn chưa tìm được cõi đi về cho loài giống thủy thần ấy.
- Hỡi thủy thần, ngài muốn về đâu?
- Cho ta ra biển, chỉ có ra biển mới hóa thành rồng.
- Nước mặn không hợp với ngài, rồi đây vảy ngài sẽ bong tróc ra và ngài sẽ mắc phải bệnh ghẻ lở như thánh vật dưới đáy hồ kia.
Thuồng luồng cười hềnh hệch:
- Con gái thủy thần đã bỏ sông mà đi, ta ở lại thì cũng có ích gì. Còn nhà ngươi, có bao giờ mơ tưởng đến biển khơi hay chỉ ước chân trời góc bể?
Ta chết điếng vì câu hỏi ấy, râu của thủy thần gãi vào bên má, để lại hai vết đỏ mờ mờ. Chớp mắt, thủy thần cũng đã bỏ đi.
Trước đây, ta làm trong bệnh viện, nơi đối diện với cái chết hằng ngày và hằng giờ. Còn nhớ trong đêm trực đầu tiên của mình, ta đã phải cấp cứu cho hai người đang hấp hối, tất cả mọi gương mặt tại kíp cấp cứu đều lạnh lẽo như băng đá, ta tưởng như họ là các bức phù điêu cổ chẳng bao giờ cười cũng chẳng bao giờ tiếc thương.
Ta thấy mặt mình lòa xòa đầy tóc, khó chịu làm sao, ta đưa tay lên vén, nhưng càng vén, mớ tóc dày càng trượt xuống nhiều hơn, lấp ló sau đó là một đôi mắt nhìn ta thao láo. Ta hoảng hốt, nhận ra đó là Nhiễm, cô gái trong cuốn tiểu thuyết mà mình đang viết dở dang. Ta đã khiến bao mảnh đời chịu cảnh không đầu không cuối? Ta cũng chẳng còn nhớ rõ nữa. Ta cố gắng cựa quậy, có điều, chân tay đã bị giữ chặt, trong đầu vụt bật ra một cái tên, tên người đàn ông mà ta yêu thương. Ta hét to tên anh ấy lên, và rồi, bóng ma của Nhiễm biến mất.
Giáp tết Bính Thân, quanh quẩn với những câu chuyện, câu chuyện này có thể là của ta mà cũng không phải của ta. Với tay vớ lấy cuốn sách gần nhất bên cạnh mình, là “Những linh hồn xám” của Philippe Claudel, câu đầu tiên trông thấy ấy là: “Tôi ở đây. Số mệnh của tôi là ở đây."
Tuyết năm nay không rõ sẽ còn rơi đến bao giờ? Ta đang nghĩ gì thế này? Sao mọi thứ cứ rối tinh rối mù như một mớ bòng bong? Ta đang dùng cách diễn đạt gì thế này? Ôi! Ta phát điên mất, người điên tiên phong…
II. Ghi chép về những giấc mơ hoang.
1.
Có những ngày mọi thứ đã bỏ ta đi, cả những con chữ quen thuộc cũng vậy. Ta nhập cuộc với cái đầu và trái tim trống rỗng dù biết rằng ngọn lửa sưởi ấm linh hồn giá lạnh chưa từng ngừng cháy. Ta lang thang ven bờ sông, bản thân thì nhỏ bé mà thiên nhiên lại rộng lớn vô cùng, ta tưởng như mình bị nuốt chửng. Này nước, này núi, này non, bọn mi có thấy chăng một người cả đời chỉ tìm kiếm bóng thủy thần – hồn sông Đà năm cũ? Này trời, hai ta đấu với nhau cả mấy kiếp, đến lúc này ông chưa mệt hay sao? Ta thì lại mệt rồi đấy. Ông cứ thử tưởng mà xem, khi ta muốn chết thì ông kéo ta sống dậy, khi ta háo hức với cuộc sống thì ông lại cướp đời ta sạch sành sanh. Ngán ngẩm thay.
Một cánh chim gì thảng thốt liệng nghiêng, ta biết rõ đấy chẳng phải cánh hạc, có thể là một chú chim lạc mẹ hoặc bị bầy đàn bỏ rơi. Ta không biết. Đến tầm tuổi này, ta vẫn chưa biết cách làm con, huống chi là thiên chức làm mẹ…
Ta thò chân xuống lòng nước, nước hôm nay dâng cao, nhấn ngập cả mấy ngọn cỏ phù du lay lắt, chẳng mấy chốc chúng sẽ rữa nát thôi. Ta thấy chân mình tan ra, loang lổ, bọng chân buồn nhột vì đàn cá dầu thay nhau rỉa bớt những tế bào chết trên làn da trần bong tróc vì cái rét buốt quái dị năm nay. Rét, rét, tiết khí ngoài kia đâu có lạnh bằng lòng ta. Ta tháo khăn len, vứt xuống sông, ta cởi bớt áo ngoài, vứt xuống sông. Làn đông thủy dập dềnh chiếu bóng con gái vua thủy tề, nàng đang vẫy gọi và chờ đợi.
Ta cong lưng, vục đầu xuống làn nước buốt. Nước đã lừa dối ta, bên trên thì xanh trong, nhưng rặt trong lòng chỉ có một màu nhờ nhờ đùng đục đắng ngắt. Ta chờ đợi hơi thở tắc nghẹn và nước len lỏi vào trong từng nhánh phổi. Ta thấy đầu óc choáng váng, mơ hồ, ta thấy như mê như say. Ta thấy lâu đài cổ, những con quạ đen; ta thấy vị vua bị lịch sử bỏ rơi đang rầu rĩ thở dài; ta thấy những kẻ đang cưỡng bức tiếng mẹ đẻ; ta thấy những kẻ sống bằng cái đầu của người khác; ta thấy những kẻ giống nhau làm những việc giống nhau và ta thấy những kẻ điên sáng tạo thế giới.
Có cánh cửa ánh sáng nào mới mở ra, ta lập tức bước vào không ngần ngại. Một cú đánh mạnh vào gáy, ngẩng đầu lên đã không còn thấy ta đâu. Ta đang ở đâu? Ngay ta cũng không rõ, có lẽ ở thế giới này ta vốn đã chẳng tồn tại.
2.
“Xin thánh thần hãy tha lỗi cho các sinh linh bé mọn - những kẻ mang đầy ích kỷ và ác tâm. Con tình nguyện bị thiêu cháy dưới địa ngục.” – Ta thầm cầu nguyện, than ôi, lại là cơn mơ ấy. Cơn ác mộng chưa từng kết thúc của ta. Có lẽ hôm nay ta nên cho nó một chốn đi về riêng biệt…
Mộng:
Trại lợn ấy nằm trên sườn đồi, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Quản lí trại là hai anh em. Người anh tên Kiên, đã lấy vợ. Người em tên Khang, tốt nghiệp đại học Bách Khoa và nghe đâu anh ta đã làm một việc vô cùng anh hùng bấy giờ: cho cái bằng Cử nhân đi đời nhà ma bằng một mồi lửa. Kiên cao to, đen trùi trũi, tay như tay voi, quật lợn nhát một, bẻ cổ người dễ như bỡn. Thế nên trong nhà ai cũng sợ. Liên - vợ của y - tựa cái bóng lầm lầm lũi lũi, cả ngày không nói qua dăm câu, lấy chồng ba năm mà chưa có con. Khang đồ rằng anh mình bị vô sinh. Ba người sống hoà thuận dưới một mái nhà. Thịt lợn của họ cung cấp cho cả thành phố.
Phải nói thêm, cha của họ có tên đầy đủ là Phạm Văn Sinh, cưới vợ xong, ông vào bộ đội. Thi thoảng được nghỉ phép mới về đôi lần, mặt vợ chỉ nhìn qua loa, quên cả những đứa con ở nhà. Nhiều năm trôi qua, chiến tranh cày nát thế gian và cũng khiến cho nó trở lại với trật tự nên có, bỏ lại tuổi trẻ, một cánh tay ở chiến trường, ông Sinh trở về với ba viên đạn trong người, danh hiệu tướng về hưu (Cái này cũng đã có một nhà văn nổi tiếng viết, hoá ra lớp cầm bút đi sau cũng xông xáo chẳng kém ai!) và một đống huân huy chương - Danh dự lớn cho một gia đình tưởng như bồ côi bồ cút sau khi Bà Mẹ qua đời.
Ông Sinh về, cả nhà đều ngỡ ngàng, con suýt nữa thì không nhận mặt cha. May mà hồi đó công nghệ manh nha kịp để lại cho họ bức ảnh đen trắng để làm tin. Kiên và Khang giết lợn, thịt gà, bày cỗ.
Trong bữa cơm, ông Sinh gắp miếng thịt, vừa ăn dè vừa khen:
- Ngon như thịt người!
Con dâu lấm lét nhìn bố chồng. Kiên ngạc nhiên:
- Sao bố bảo thế?
- Chiến tranh là cái máy nghiền thịt. Còn nhớ hồi đấy đang nấu dở nồi cơm thì máy bay tới, tao kịp xuống hầm. Chúng nó bom xong, nồi cơm còn nguyên mà chẳng hiểu từ đâu có cái thủ người bay vào, chình ình như sỏ lợn cúng xôi.
- Ghê thế! - Khang trố mắt.
- Ôi giời, đói thì phải ăn tất! Thế mà ngon! - Ông Sinh cười, mắt hấp háy - Tao thấy cái tích truyện máu làm rau muống ngon hơn khiến cho đức vua sát sinh kể cũng có lí.
Kiên nâng chén:
- Lợn nhà mình nuôi theo công nghệ mới, ngon có tiếng bố ạ.
Ông Sinh cười khà khà:
- Nào thì cạn li. Hoan hô đổi mới! Bọn mày làm ăn được, bố cũng mừng. Giá có đứa cháu nữa thì thích.
Ta đang đứng ở đây, có ai nhìn thấy ta hay chăng? Chao ôi! Ta quên mất rằng ở thế giới này ta chẳng tồn tại, ta chỉ có thể chứng kiến mà thôi. Cơn mơ chăng? Có lẽ rằng không, bởi ở thế giới thực của ta, cái ác và điều bạc thì đầy rẫy như sâu bọ. Sâu bọ… Ta nhớ tới ngày ấu thơ, một lần sửa nhà thay cột, thợ mộc bổ ra không biết bao nhiêu là giống mọt mà một mai có đủ khả năng ăn ruỗng, làm sập cả căn nhà.
Nghỉ ngơi được hai ba ngày, ông Sinh quyết định đi thăm thú xung quanh. Đồi rộng, ngoài trang trại ra, cây cối mọc um tùm, chỉ thấy ngột ngạt tù túng, chừng không phải là nơi người nên sống. Ở đây như bị cô lập, cũng may ông Sinh đã sợ lắm những thứ âm thanh ồn ào, ầm ỹ, thảy là di chứng còn sót lại của cuộc chiến. Ông tính đến mấy đời ở cũng không sợ hết đất, lấy làm hài lòng lắm. Trại lợn nuôi cả ngàn con, con nào con nấy béo núc béo ních, sinh sôi nảy nở như loài chuột. Khang trêu:
- Bùng nổ dân số bố ạ!
- Rồi địa cầu cũng sẽ chật ních như thế - Kiên nói.
Ông Sinh thấy lạ kỳ:
- Sao chúng mày không thuê người về? Hai anh em quản lý làm sao xuể. Quần quật nhọc thân ra. Nằm trên đống tiền chẳng sướng hơn à!
Kiên cười cười:
- Chúng con có thuê người, nhưng có lẽ vì vất vả quá nên ai cũng xin thôi việc cả.
- Bọn mày không sợ chúng nó ăn cắp bí quyết sao?
Mắt kiên hấp háy:
- Có cho tiền chúng nó cũng không dám!
Ông Sinh vỗ vào bụng một con lợn, hỏi:
- Béo thế này sao hôm nọ nạc thế?
- Bề ngoài thì trông thế thôi, chứ áp dụng công nghệ và kết hợp với bí quyết mà bố!
Ông Sinh thủng ra, khoái chí:
- À, cái công nghệ mới này hay thật!
Ta ngửi thấy mùi của giống súc sinh, thật kinh khủng nhưng lại cũng thật quen thuộc, câu chuyện này sao lại đơn giản đến thế? Nó có thể kết thúc một cách có hậu đấy chứ! Ta lại không ưa những kết thúc có hậu. Eng éc, eng éc, này những con lợn, sẽ ra sao khi loài người và bọn mi ăn chung một thứ cám?
3.
Nghe tin ông Sinh trở về, đồng đội cố hữu vui mừng kéo đến thăm hỏi. Đồi núi hoang vu cũng vì thế mà nhộn nhịp hẳn. Ai nấy đều hoan hỉ. Khang giết lợn cho Liên làm cơm đãi khách, nấu hẳn mười tám mâm cỗ mà vẫn thiếu. Khách tấm tắc khen ông tướng về hưu có phúc, nuôi được hai đứa con trai giỏi làm ăn, con dâu lại đảm. Và hẹn thêm, rằng sẽ tìm thêm nhiều mối buôn thịt ở các thành phố khác. Khách chủ cùng vui, không khí ấm áp vô cùng. Kiên và Khang tủm tỉm, yên lặng cạn chén. Liên đã lui xuống dưới bếp. Khách say sưa tới khuya.
Như thường lệ, cứ ba giờ sáng là Kiên lại dậy mổ lợn để mang giao cho chợ đầu mối và các quán ăn lớn. Công việc khá ồn ào, giống súc sinh khi sắp chết thì luôn cất tiếng bi thương…
Mọi khi ông Sinh ngủ rất say giấc nhưng dù tối qua có rượu chuốc liên miên, ông mất ngủ. Trở mình liên tục, ông bỗng giật mình, bởi vì - Quái! Sao quanh đây có tiếng khóc rưng rức tắc nghẹn, tiếng nhai rau ráu, như người mà cũng như lợn kêu. Ông ngỏng cổ hỏi to:
- Cái gì đấy!
Khang nằm bên cạnh càu nhàu:
- Chị Liên ăn đêm đấy bố, cứ như ma.
Sáng hôm sau, ông Sinh dậy mà không thấy khách khứa đâu, bảo:
- Bạn tao về rồi hả?
Liên bưng mâm lên, trên có hai tô bún lòng lợn. Khang đón lấy, vừa vục đầu ăn vừa đáp:
- Các bác ấy về từ sớm rồi.
- Nguồn lợn chúng mày tìm ở đâu? - Ông Sinh khều khều mấy miếng cổ hũ, chán chẳng buồn ăn nữa. Không hiểu sao ông cứ thấy lợm giọng.
- Chúng con lấy ở Phú Thọ.
- Cái hầm sau nhà chứa gì?
Khang hơi sững người, im lặng ăn xong mới trả lời:
- Chỗ đó để máy xay cám. Mà sao bố biết?
- Tao nghe có người khóc. Tí tao xuống.
- Gió đấy bố ạ, dưới đó bẩn lắm! - Khang cười.
Ông Sinh quay mặt vào tường, sụt sùi:
- Mày khinh tao phỏng?
- Con sai rồi, con xin lỗi bố.
Chiều đó, ông Sinh không xuống hầm, ông đã ngủ quên mất…
Không! Ta lắc đầu, ông ấy phải xuống ngay! Cái tay bợm già ấy, lão ta thoát khỏi tay thần chết bao phen rồi, chẳng lẽ lại bất cẩn đến vậy? Ông của ta cũng bước ra từ cuộc chiến, luôn mang tâm lí cảnh giác. Chỉ một tiếng động nhỏ thôi là đã khiến ông không chợp mắt được, phải mang theo cây súng nhựa bên mình. Vậy là ta sửa lại giấc mơ…
Khang để cha xuống hầm một mình.
Dưới tầng hầm u tối bốc lên mùi phân người hôi thối nồng nặc, có tiếng rên rỉ làm người ta lạnh sống lưng. Ông Sinh lần tìm công tắc điện, rờ ra chỉ thấy thứ gì nhơm nhớp. Đèn bật, ánh sáng hắt ra vàng vọt, chiếu vào cả trăm cũi sắt. Nơi ấy, trên bức tường lạnh, có một "thứ" đang bị xích chặt, tuy trên mặt nó vẫn còn chút nét của nhân tính nhưng nhân dạng đã gần như biến mất: tai lợn mắt người, chân lợn tay người, tiếng kêu của lợn tiếng khóc của người. Phải, đó là Người Lợn! Bên cạnh, có hai mẹ con bị xích chân cúi đầu buồn thảm. Cũi lớn ngoài cùng này dành để giết mổ và xuất đi vào sáng mai...
Cỗ máy xay cám vẫn kêu ro ro, trong ấy chứa đầy chất độc. Khi ăn chung một thức, người ta trở nên giống nhau. Trong góc chất đầy đầu lâu, cái cũ chồng lên cái mới, mắt mở trừng trừng.
Người Lợn, Lợn Người. Ai là ai?
Ông Sinh thấy như có bàn tay đen đúa xuyên thẳng từ dạ dày lên cổ họng, móc hết mật đắng, ông gập người nôn thốc nôn tháo. Bã thức ăn nhãi nhớt lổm ngổm những dòi bọ, giun rết. Ông chết ngất. Hai mẹ con nhìn ông chòng chọc rồi lại cúi đầu trông đôi chân đang dần chuyển thành chất sừng, chúng im lặng. Người Lợn giãy giụa, họng phát ra những tiếng eng éc, mắt vằn đỏ, nước mắt chảy xuống rặt máu tươi...
Ta đang rất hài lòng, không kìm được mà vuốt ve cái đầu lâu bên cạnh. Đây mới là kết cục mà ta mong muốn được thấy. Thất vọng đi nào, kinh sợ đi nào, ghê tởm đi nào, hãy trút bỏ vẻ đạo mạo và bộc lộ tính người đi!
Chiều hôm ấy, Kiên về, không thấy bố đâu, hỏi:
- Ông già đâu rồi?
- Dưới hầm - Khang đáp.
Kiên trợn mắt, tóm cổ em, quát:
- Sao mày để bố xuống!
- Bố nghe chúng nó khóc.
Kiên quệt mồ hôi, nét mặt dịu lại rất nhanh. Y thả Khang xuống, cởi phăng áo ra rồi đi tắm, nói:
- Giết đi! À không, cả triệu bạc chứ chẳng chơi! Nhốt lại, cho ăn ngon vào.
Đúng lúc ấy, Liên bê mâm lên, lúi húi dọn cơm. Khang nhìn chị dâu, híp mắt cười:
- Liên vào phòng với tôi một lát.
Kiên chửi vọng ra:
- Thằng chó chết, ông mày đang ở nhà đấy!
- Vợ anh, vợ tôi, vợ chung cả. - Khang cười khanh khách - Có bố, làm người tử tế mệt thật!
Ta đang xem, ta không phải là một phần trong đó.
Trại lợn ấy nằm trên sườn đồi, thế giới ấy cũng nằm trên sườn đồi.
Thế giới của ta rộng lớn hơn, bao la hơn, cũng tàn nhẫn hơn gấp bội.
Cánh cửa khép lại sau lưng, ta bị đẩy ra khỏi ranh giới ma quỷ và thánh thần. Ngoảnh đầu lại, những nhân vật kia đã biến mất. Ta nhào khỏi mặt nước lạnh, cuối cùng kẻ ngự trị nơi cao xanh kia vẫn không chịu buông tha cho ta.
Ta không còn nhớ cơn đau đầu kéo đến tự bao giờ và trái tim quặn lên vì tắc nghẽn mạch máu tự khi nào. Ta mơ hồ bước qua tuổi ấu thơ, qua thời thiếu nữ. Nhiều khi ta tìm cách lao đầu vào xe tải để cuộc đời mình dễ chịu hơn, để đấu với ông trời thêm một lần nữa, nhưng tay tài xế tinh ranh ương quái chẳng bao giờ để ta chết cả. Những ngón đòn trên xa lộ liệng rất nhanh, tránh khỏi ta và không quên kèm theo tiếng chửi rủa.
Ta biết mình không thể chết. Ta sống cả ngàn năm rồi, thần chết đã bỏ quên ta. Ta không già cả ngàn năm rồi, thánh thần cũng đã bỏ quên ta. Những người ta yêu thương lần lượt qua đời. Chẳng còn ai, chẳng còn ai nữa cả. Ta cầm lòng, dùng chữ viết để an ủi cõi tâm linh.
Có những ngày mọi thứ đã bỏ ta đi, cả những con chữ quen thuộc cũng vậy…
Hiên Đà Giang – 26/1/2016