A mere friend will agree with you but a real friend will argue."

Russian Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Upload bìa: Người Vá Trời
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2023-04-08 21:57:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
ối nay đi câu cá không mày?
- Ừ, đi.
- Vậy sửa soạn cần câu đi, tối tao về tụi mình đi.
Tối đến, tôi và anh Khang nhét cần câu và đồ nghề câu cá vô xe rồi lái ra biển. Xe chạy trên đường cao tốc 22 nhắm hướng Long Beach. Khang bấm máy hát, giọng ca sĩ Tuấn Vũ vang lên với bài hát "Nỗi Buồn Sa Mạc". Thời đầu thập niên 1990, Tuấn Vũ là một trong những ca sĩ ăn khách nhất trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tới Long Beach, chúng tôi đậu xe rồi vác cần câu đi bộ ra pier. Pier là một dạng cầu lửng chạy từ bờ biển ra chỗ nước sâu, dài chừng vài trăm mét, cao hơn mặt biển chừng chục mét, dành cho người đi bộ ngắm biển, hóng gió và câu cá. Ở các bãi biển có đông người đi dạo thường có những cái pier này. Mùa hè ở California, ban ngày nóng nhưng đêm lại mát. Gió biển thổi lồng lộng. Móc mồi và thả câu xong, tôi đứng nhìn ra biển tối mịt mùng, sâu thẳm. Trong tiếng sóng biển rì rầm, tôi hồi tưởng lại chuyến vượt biển đầy sóng gió của mình.
Tết năm 1987, tôi từ Sài Gòn xuống tàu vượt biên qua ngả Cần Thơ. Tàu vừa ra biển thì gặp bão, sóng gió tơi bời. Trên tàu từ nhỏ tới lớn ai cũng nằm lăn lóc như nắm gạo bị sàng sẩy, ói ra mật xanh mật vàng. Được một ngày một đêm thì hết bão nhưng tàu bị chết máy. Chủ tàu sửa máy lại, chạy được nửa ngày thì lại đứng, sửa hoài không được, vậy là cứ thả trôi, sóng gió đưa đẩy dần vô vịnh Thái Lan. Lâu lâu gặp tàu đánh cá Thái Lan, vẫy gọi thì họ lượn qua, quăng cho một ít đồ ăn và nước uống rồi bỏ đi. Bọn tôi ra dấu năn nỉ xin họ kéo thì họ lắc đầu. Chính quyền Thái Lan lúc đó cấm người Thái kéo tàu vượt biên Việt vô đất Thái, vì họ không muốn nhận người tị nạn nữa. Vậy mà cuối cùng sau bao nhiêu ngày đói khát chúng tôi cũng trôi vô được bờ biển Thái Lan. Tưởng chuyến vượt biên của mình bi thảm lắm, khi vô tới trại tị nạn, nghe những người khác kể chuyện mới biết mình còn may mắn nhiều.
Có những chuyến vượt biên gặp hải tặc, đàn bà con gái trên tàu bị hãm hiếp thê thảm, kể cả những cô gái 12-13 tuổi. “Hải tặc” thật ra là những tàu đánh cá Thái, gặp tàu vượt biên giữa biển cả mênh mông không ai cứu giúp, họ nổi lòng tham, cướp bóc hãm hiếp. Không phải tàu Thái nào cũng xấu, nhưng xui xẻo gặp trúng tên thuyền trưởng gian ác thì coi như rồi đời. Ban đầu là họ trấn lột, lấy hết vàng bạc, rồi bắt đàn bà con gái qua tàu họ để hãm hiếp. Đàn ông ai chống cự chúng bắn rồi quăng xuống biển. Những năm đầu khi mới có làn sóng vượt biên, chúng chỉ cướp vàng, nếu có hãm hiếp rồi cũng thả cho đi. Nhưng sau có mấy vụ tàu vượt biên bị cướp, khi vô tới bờ họ tường trình lại với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Cao Ủy yêu cầu cảnh sát Thái điều tra. Cảnh sát dẫn người tị nạn ra các bến tàu nhận diện, họ nhận ra được kẻ đã cướp bóc hãm hiếp tàu mình. Thế là xảy ra mấy vụ án ngư dân Thái bị ra tòa và bị tù. Từ sau đó, rút kinh nghiệm, bọn hải tặc Thái hễ cướp tàu vượt biên xong là đâm cho chìm luôn để phi tang. Có những tàu bị đâm chìm, chết đuối hết, còn một vài người ôm tấm ván trôi được vô bờ. Vô tới trại họ thành người bệnh tâm thần.
Còn những người đi vượt biên bằng đường bộ qua ngả Campuchia thì gặp nạn Khmer Đỏ. Lúc đó bộ đội Việt Nam đang chiếm đóng Campuchia. Người Campuchia tổ chức kháng chiến, lập căn cứ ở biên giới Thái-Cam. Người vượt biên trước hết phải hối lộ cho bộ đội Việt Nam để được thả cho đi qua biên giới. Nhưng qua biên giới nếu không đạp trúng mìn, gặp quân Khmer Đỏ thì coi như héo đời. Khmer Đỏ cũng là Cộng Sản, trước họ cũng là đồng chí với Cộng Sản Việt Nam, nhưng từ khi họ lên nắm quyền ở Campuchia thì hai bên thành kẻ thù. Rồi Việt Nam xua quân chiếm Campuchia, Khmer Đỏ thành quân kháng chiến. Bắt được người vượt biên Viêt, họ coi như là cơ hội để trả thù dân tộc, lột sạch đồ, hãm hiếp phụ nữ tới chết, đàn ông thì dễ xử, chỉ cần một viên đạn hay một nhát cuốc là xong. Cũng có người may mắn, nạp hết tiền, vàng thì chúng cho đi, nhưng phụ nữ thì không ai khỏi chuyện bị hiếp. Thời còn nắm quyền, Cộng Sản Khmer Đỏ đã từng sát hại hàng triệu đồng bào của họ, thì việc giết người Việt để trả thù dân tộc đâu cần phải suy nghĩ.
Vượt biên ra nước ngoài gặp nạn đã đành, có những người chưa ra khỏi Việt Nam đã gặp nạn. Có những chiếc tàu vừa ra biển bị công an Việt Nam rượt đuổi, họ xả súng bắn. Đạn xuyên lủng tàu, xuyên qua những người nằm sắp lớp trên tàu. Có người bị thương, có người chết ngay tại chỗ. Rồi công an kéo tàu vô bờ, tra khảo lấy hết vàng bạc. tống cổ vô tù, chờ thân nhân tới nộp tiền chuộc mạng. Ai không có thân nhân nộp tiền thì chịu ở tù vài tháng hay cả năm, rồi được thả, rồi lại chờ cơ hội vượt biên tiếp. Thời đó có câu nói rằng cái cột điện ở Việt Nam mà có chân thì nó cũng đi vượt biên.
Ở trại tị nạn Thái Lan được tám tháng thì tôi được phái đoàn di trú Hoa Kỳ nhận cho đi định cư, nhưng trước khi đi Mỹ thì chuyển qua trại Bataan của Phi Luật Tân, ở thêm tám tháng nữa rồi mới đi Mỹ.
Qua Mỹ, tôi thuê nhà ở chung với gia đình mấy người bà con xa, cũng đi vượt biên trước tôi mấy tháng. Để tiết kiệm tiền, gia đình họ đăng báo kiếm thêm người cùng thuê. Khang đọc báo thấy nên liên lạc, rồi dọn vô. Nhà ở đông người, sáng mạnh ai nấy đi làm, đi học, tối về ăn uống xong chui vô phòng ngủ. Đối với đám người tị nạn mới chân ướt chân ráo tới Mỹ, có được chỗ ăn chỗ ngủ là mãn nguyện rồi, không ai đòi hỏi gì hơn.
Có lần tôi ngồi dỡ xấp hình chụp hồi còn ở trại tị nạn ra coi, Khang nhìn thấy một tấm hình bèn hỏi:
- Mày quen con Trúc ở bên trại à?
- Ủa anh cũng biết chị Trúc hả?
- Con Trúc là em tao mà, nó đi vượt biên sau tao mấy tháng. Tao qua tới Mỹ thì nó mới tới trại.
Té ra thế giới này nhỏ thiệt. Có những người mình tưởng không liên hệ gì với nhau thì lại là thân nhân. Tôi hỏi:
- Vậy anh biết anh Linh không?
- Biết chớ, Linh là bồ của con Trúc mà. Lâu lâu tao cũng còn gặp nó.
Hồi ở trại tị nạn, tôi là huynh trưởng của Thiếu Nhi Thánh Thể, một tổ chức dành cho thanh thiếu niên Công Giáo. Chị Trúc và anh Linh cũng là huynh trưởng. Chị Trúc người mảnh dẻ, yểu điệu, lúc nào cũng sửa soạn, trang điểm. Anh Linh dáng người cao lớn, đô con, nhìn rất oai vệ. Anh lại có tài đánh đàn, hay đàn cho nhóm thánh ca trong các buổi lễ Công Giáo. Hai người rất đẹp đôi. Các anh chị em huynh trưởng ai cũng biết hai người có tình ý với nhau. Ngày anh Linh rời trại đi định cư ở Mỹ, chị Trúc ra tiễn, mặt buồn rời rợi. Hai người chắc cũng có thề non hẹn biển. Mấy tháng sau chị Trúc cũng rời trại. Từ đó tôi không còn liên lạc gì với hai người.
- Vậy hai người giờ sao rồi anh?
- Con Trúc thì ở gần đây, nó với thằng Linh chia tay rồi.
Tôi thấy thoáng buồn. Lòng người sao thay đổi nhanh vậy? Khang kể:
- Hồi con Trúc mới qua, thằng Linh từ Los Angeles lái xe xuống đây thăm, rồi tụi nó đi chơi với nhau. Được ít ngày, một bữa thằng Linh chở con Trúc đi chơi, nó bộp chộp ôm hôn con Trúc, bị con Trúc xô ra, tát cho một cái. Nó tự ái không liên lạc với con Trúc nữa.
Ở trong trại, tuy yêu nhau nhưng vì là huynh trưởng, phải làm gương cho các em nên hai người không thể có những cử chỉ âu yếm. Trại chật chội, đông người, ở đâu cũng có những cặp mắt dòm ngó nên ai yêu nhau cũng ít có cơ hội gần gũi riêng tư. Sang Mỹ, chắc anh Linh không kềm được lòng khao khát yêu thương nên đã hơi vội vàng.
- Vậy rồi anh Linh có quay lại với chị Trúc không?
- Mấy tháng sau nó có liên lạc lại, nhưng con Trúc đã quen người khác. Thằng bồ mới của con Trúc qua Mỹ trước đó mấy năm.
À ra vậy, hoàn cảnh sống thay đổi thì lòng người cũng thay đổi. Đối với đám người Việt tị nạn, người qua trước hay qua sau cũng có thứ hạng. Người qua trước thứ hạng cao hơn người qua sau. Nhìn những người qua trước tậu được nhà, sắm xe mới, nói tiếng Anh nhí nhố, đám người qua sau phục lắm, ước ao mình cũng được như vậy. Đa số những người đi vượt biên là thanh niên độc thân, trai nhiều hơn gái, nên trong cộng đồng người Việt tị nạn có tình trạng trai thừa gái thiếu. Nhà nào có con gái độc thân mới qua Mỹ là các chàng trai đến lượn lờ thăm hỏi. Chị Trúc cũng có chút nhan sắc nên cá mau cắn câu là chuyện không lạ. Chỉ tội anh Linh, bao nhiêu lời thề non hẹn biển giờ chỉ là con số không.
- Thằng Linh nó buồn lắm. Lâu lâu nó hay rủ tao đi uống cà phê tâm sự.
Biển đêm nay u tối, sâu thẳm như lòng người. Tuy rằng câu cá nhưng hai chúng tôi chẳng ai màng việc kéo dây câu coi lại mồi. Thả câu chỉ là cái cớ để ngồi ngắm sao trời, nghe tiếng sóng thì thầm bên tai.
Tối đó, Khang kể tôi nghe chuyện quá khứ của anh ta.
Nhà anh ở Sài Gòn, nghèo, ba anh bỏ má anh, đi vượt biên. Học hết trung học, không có kế sinh nhai, anh lần mò xuống Vũng Tàu tìm đường vượt biên. Ở Vũng Tàu anh xin vô làm trong công trường xây dựng. Công việc nặng nhọc mà tiền công không bao nhiêu. Trong công trường anh quen được một bác lớn tuổi. Bác nhận anh làm con nuôi, đem về ở chung với gia đình. Vợ chồng bác có hai đứa con, một gái tuổi mười bảy và một trai hơn mười tuổi.
Gia đình ba má nuôi của anh cũng nghèo, nhưng anh rất hạnh phúc, vì được sống trong tình cảm ấm cúng. Anh bắt đầu đem lòng yêu Hương, cô con gái của ba má nuôi. Hương cũng quý mến anh. Mỗi chiều, sau một ngày làm việc mệt nhọc, anh thường cùng Hương đi dạo ở bãi biển. Đứng ngắm hoàng hôn, anh mơ một ngày sẽ cùng Hương vượt đại dương xa xôi, đến một vùng đất mơ ước để cùng Hương xây dựng hạnh phúc gia đình.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là một ngày mưa gió, ba Hương bị tai nạn ở công trường, phải vô bệnh viện cấp cứu. Anh chạy về báo tin, rồi đèo Hương trên chiếc xe đạp cũ kỹ tới bệnh viện. Ngồi sau xe mà Hương sụt sùi, muốn té xỉu. Trời mưa tầm tã, anh vừa đạp xe vừa vòng tay ra sau đỡ Hương. Gia đình sau đó phải chạy vạy mượn tiền để chữa trị cho ba Hương. Đã nghèo còn gặp tai ương, chắc không còn gì khổ hơn.
Rồi sau đó, Khang và ba Hương nhờ dẫn mối cho người đi vượt biên nên được đi ké. Ba Hương dẫn hai con cùng Khang xuống tàu vượt biên. Má Hương ở lại.
Đi vượt biên nhiều bất trắc nên ít ai dám đi cả nhà, lúc nào cũng phải có một người ở lại giữ nhà, lỡ đi không được thì còn có chỗ để quay về ở. Nếu đi cả nhà, công an địa phương biết được là họ tịch thu nhà. Đi lọt thì không nói gì, đi không lọt quay về không còn nhà ở, coi như thành người vô gia cư. Nhiều gia đình đi không lọt quay về thì nhà đã bị niêm phong, phải sống lây lất đầu đường xó chợ.
Tàu đi được đến Indonesia, mọi người được đưa vô trại tị nạn trên đảo Galang, ở đó chờ được nhận đi định cư ở một nước thứ ba.
- Lúc lên tới đảo, ba nuôi của tao trở mặt, không thèm nhìn tao nữa.
Tôi đã trải qua thời gian sống ở trại tị nạn, đã tai nghe mắt thấy bao nhiêu câu chuyện trong cái xã hội chật hẹp thu nhỏ của trại. Gian dối, thành thật, chung thủy, phản bội, không gì không có. Con người là vậy, yêu thương đó, rồi ghét bỏ đó, thề thốt chung thủy, rồi lại phản bội.
- Ổng nghi tao lúc dắt mối người đi vượt biên có nhận vàng, rồi giấu không đưa ổng. Lúc lên đảo ổng hỏi, tao nói không có. Ổng không thèm nhìn tao nữa, rổi cấm Hương không được qua lại với tao. Cho tới ngày gia đình ổng rời trại đi Mỹ, họ cũng không nói với tao lời nào.
Trên đường lái xe về, Khang vừa cầm lái vừa hát nhỏ bài “Nén Hương Yêu”, giọng buồn tha thiết:
Tôi vượt đường xa xôi tìm em đã khắp nơi
Ra miền thùy dương xưa trăng nước còn mộng mơ
Nghe tiếng chuông chùa bên dòng Hương Giang lững lờ
Bến cũ cây đa nay còn thắm duyên tình xưa…
Bây giờ tôi hiểu tại sao anh thích bài này, vì nó có tên người yêu anh trong đó.
oOo
Hồi mới qua Mỹ, Khang có liên lạc với ba ruột anh, nhưng ông ta có vợ khác, và cũng không màng gì tới vợ cũ và đám con, nên anh cũng coi như mình không có ba. Chị Trúc cũng không ở chung với anh. Lâu lâu anh em mới gặp nhau. Anh nói nhiều lúc anh cảm thấy cuộc đời này không có gì đáng sống. Có hôm anh đứng ở góc ngã tư, mong cho có chiếc xe nào leo lên lề tông mình chết. Chắc anh chưa đủ can đảm để tự tử.
Ở chung được chừng một năm, một ngày nọ anh nói với tôi:
- Tao sẽ dọn ra ở với thằng Benjamin. Nó sắp mua nhà, rủ tao vô ở chung.
Tôi đã từng nghe anh nói về Benjamin, mà anh thường gọi là Ben. Ben là người Mỹ da trắng, làm việc ở một thư viện. Khang tới thư viện đọc sách, gặp và quen Ben. Ben đã có vợ con, nhưng ly dị.
Một ngày cuối tuần, tôi và Khang lái xe lên vùng đồi núi San Bernardino chơi. Chiều về anh lái xe gấp gáp. Anh nói Ben nó hẹn gặp anh đi qua nhà mới để chuẩn bị dọn vô. Đường đồi núi quanh quẹo mà anh lài ào ào làm tôi muốn thót tim. Về tới nhà, tôi thấy một người đàn ông đang chờ sẵn. Khang giới thiệu với tôi:
- This is Benjamin, my friend (đây là Benjamin, bạn tao).
Ben dáng người cao lớn, tuổi chừng trên 40, coi cũng khá bảnh trai. Tôi chào Ben rồi đi vô phòng để hai người nói chuyện. Lát sau Khang và Ben chở nhau đi, chắc là qua nhà mới.
Vài ngày sau, Khang dọn đi. Đồ đạc của anh cũng không có gì, chỉ có áo quần và một ít vật dụng cá nhân, chở một chuyến xe là hết. Phần tôi vài tháng sau cũng dọn đi. Tôi mất liên lạc với anh mấy năm sau đó. Thời đó điện thoại di động và Internet còn chưa phổ biến, nên bạn bè rất dễ mất liên lạc.
Bẵng đi mấy năm, một hôm tình cờ tôi gặp lại Khang ngoài phố. Anh rủ tôi bữa nào lại nhà chơi. Tôi cũng muốn biết anh sống ra sao nên một buổi chiều rảnh ghé lại nhà anh. Bước vô nhà gặp Ben đang nằm dài coi ti vi, tôi và Ben chào nhau, rồi Khang dẫn tôi đi một vòng coi nhà. Nhà có ba phòng ngủ, có sân trước vườn sau. Khang trồng hoa và cây ăn trái quanh nhà, lại có nuôi ba con chó. Coi bộ Khang bằng lòng với cuộc sống ở căn nhà này lắm. Chập tối, tôi và Khang lại vác cần đi câu, cũng lại ra biển Long Beach. Lúc ngồi câu Khang kể:
- Tao với thằng Ben sống vui vẻ thoải mái lắm. Ban ngày nó đi làm, tao đi học. Học xong về nhà tao nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Chiều về, ăn cơm xong tụi tao coi ti vi hoặc đi dạo phố, dạo biển. Cứ vài tháng tụi tao đi chơi xa một lần. Ben nó chu đáo lắm. Mỗi lần đi chơi nó chuẩn bị mọi thứ hết, tao chỉ việc đi theo nó thôi.
Khang đang cố học để lấy bằng y tá. Ở Mỹ, tuổi nào cũng đi học được. Có trường dành cho người lớn đủ mọi lứa tuổi. Ai không tiền học thì được chính phủ tài trợ. Nhiều người lúc ở Việt Nam học hành dang dở, qua Mỹ cố gắng cũng lên được tới đại học. Có người bốn, năm chục tuổi rồi mà vẫn cắp sách tới trường sau giờ làm việc.
Tôi hỏi:
- Chị Trúc bây giờ ra sao anh?
- Nó có con rồi. Thằng chồng nó mê cờ bạc, tiền làm ra bao nhiêu đem nướng vô casino hết. Nó còn có thói vũ phu, mỗi khi cãi nhau nó đánh con Trúc sưng mặt.
- Sao chỉ không kêu cảnh sát.
- Nó sợ thằng chồng nó bị tù. Thằng chồng biết vậy nên cứ giở thói vũ phu hoài.
Ở xứ Mỹ này, đánh vợ có thể bị tù. Trúc không muốn chồng bị tù nên nhẫn nhịn, vì vậy mà anh chồng cứ chứng nào tật nấy. Khang thở dài:
- Tao ước gì con Trúc với thằng Linh đừng chia tay.
Một lần khác gặp lại, Khang khoe:
- Tao mới về Việt Nam chơi.
Thời thập niên 1990, Việt Kiều về thăm quê hương còn hiếm. Nhiều người vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh của những tay công an mặc áo vàng. Nửa đêm họ có thể bất ngờ khám nhà, xét hộ khẩu. Ai không có tên trong hộ khẩu, không đăng ký tạm trú là có thể bị bắt đi. Nếu không không có tiền hối lộ, có thể bị tù. Họ có thể kéo cả bầy tới kiểm kê tài sản, gọi là “đánh tư sản mại bản”. Dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, giàu có là một cái tội, là tư bản bóc lột nhân dân. Công an có quyền kiểm kê tài sản bất cứ ai, không cần trát tòa, vì công an hơn cả quan tòa. Nhà nào có vàng, đô la Mỹ là bị tịch thu. Nếu không tìm được vàng, đô la thì các thứ quý giá như ti vi, tủ lạnh, xe gắn máy v.v… cũng có thể bị tịch thu. Tôi đã từng chứng kiến cảnh nhà thằng bạn trong xóm bị kiểm kê. Cái máy may, máy hát cũng bị quăng ra trước nhà để đem đi. Nói chung cái gì hơi có giá trị một chút là cũng có thể nằm trong danh sách bị tịch thu. Mà không ai biết những đồ này rồi nó đi đâu, về tay ai.
Tôi hỏi:
- Về Việt Nam vui không anh?
- Vui thì vui, nhưng về tới sân bay, gặp tụi hải quan là thấy ghét. Tụi nó chỉ kiếm cách moi tiền Việt Kiều.
Tôi đã từng nghe nói nhiều về hải quan Việt Nam. Quê hương thì ai cũng thương, cũng nhớ, nhưng vừa đặt chân tới quê hương, đã đụng phải cái đám người mặt mày đăm đăm, không nụ cười, không lời chào hỏi. Họ chỉ chăm chăm soi mói, bắt bẻ Việt Kiều để phải xùy tiền hối lộ cho họ. Chút lòng thương nhớ quê hương đã tan như bọt biển ngay tại cửa khẩu sân bay.
Khang kể, anh có mua một căn nhà ở Vũng Tàu để cho má anh và gia đình người chị từ Sài Gòn dọn về Vũng Tàu ở. Vũng Tàu nhà còn rẻ, anh lại thích ở gần biển. Anh có ý định sửa sang xây dựng căn nhà này để sau này về già anh sẽ về Việt Nam ở luôn.
Tôi lại hỏi:
- Lúc ở Vũng Tàu, anh có đi tìm lại má nuôi anh không?
- Có, tao tới nhà cũ, nhưng bả không còn ở đó nữa. Rồi một bữa đi lang thang ngoài biển, tình cờ tao gặp lại bả.
- Gặp anh bả mừng không?
- Mới đầu bả không nhận ra tao, nhưng rồi bả ôm tao khóc.
Tôi hình dung ra nỗi xúc động của những người xa nhau nửa vòng trái đất nay gặp lại nhau. Tôi không biết má nuôi Khang nghĩ gì về việc xảy ra giữa anh và ba nuôi, không biết bà tin ai.
- Tao mời bả đi ăn, biếu bả ít tiền. Rồi bả gởi thơ và ít quà nhờ tao đem qua cho Hương.
Tự nhiên tôi thấy tò mò muốn nghe đoạn kế của câu chuyện, giống như khi xem một cuốn phim nhiều tập, chỉ muốn mau xem tập kế tiếp.
- Bả cho tao địa chỉ và số điện thoại của Hương ở Texas. Lúc qua lại đây, tao gọi cho Hương.
Tôi im lặng, lắng nghe.
- Lúc bắt máy, Hương hỏi ai ở đầu dây, tao nói tên. Hương im lặng một chút rồi hỏi: anh gọi có chuyện gì? Chắc Hương tưởng tao muốn tìm gặp để chắp nối lại. Tao nói: anh về Việt Nam gặp má Hương, má Hương gởi thơ và quà qua nhờ anh đưa lại. Hương nói: anh cứ gởi qua bưu điện được rồi. Tao hỏi thăm, Hương nói bây giờ đã có chồng có con rồi. Rồi cũng không nói gì thêm.
Trong đầu tôi văng vẳng đoạn cuối của bài hát “Nén Hương Yêu”:
Mong đợi từ bao lâu giờ em chết nơi đâu
Chưa trọn niềm thương yêu chưa hết lòng tìm nhau
Đây tiếng kinh cầu xin ngàn sau không vướng sầu
Dâng nén hương yêu câu thề ghi mối duyên đầu
Mối tình của anh đã chết, người con gái tên Hương ngày xưa không còn nữa. Anh có quên được không?
Mấy năm sau đó, cứ mỗi lần gặp lại là anh khoe anh mới gởi thêm tiền về xây tiếp căn nhà. Khi thì một ngàn, khi thì ba ngàn. Có lúc bên đó nói rằng nhà lên ba tầng, cần nhiều tiền để xây tầng thượng, anh gởi luôn năm ngàn. Anh lại đang làm giấy bảo lãnh cho mẹ và gia đình chị đi Mỹ. Rồi một lần gọi điện cho tôi, anh buồn bã nói:
- Thằng Ben nó bị ung thư, sợ không qua khỏi.
Anh nói anh muốn dẫn Ben đi Việt Nam chơi một chuyến mà nó bịnh nặng quá, không đi được. Mấy lần trước anh về không có nó, bây giờ muốn dẫn nó đi thì không được. Gần một năm sau, Ben chết.
- Ben nó viết di chúc để hết tài sản lại cho tao. Má và em của Ben có tới gặp tao. Họ khó chịu với tao ra mặt. Nhưng tao không quan tâm thái độ của họ. Lúc Ben bị bịnh chỉ mình tao chăm sóc, ở luôn bên cạnh, họ đâu có lo lắng gì cho Ben.
Theo luật thừa kế của Mỹ, nếu người quá cố có vợ và con dưới 18 tuổi thì họ mặc nhiên được thừa hưởng một phần tài sản, dù có hay không có di chúc. Nhưng vợ Ben đã ly dị, con đã trên 18 tuổi nên quyền mặc nhiên này không còn. Cha mẹ và anh em chỉ được phần khi có tên trong di chúc, hoặc khi người quá cố không có vợ con và không để di chúc cho ai khác. Khang đương nhiên được hưởng tài sản của Ben. Nó gồm có căn nhà, chiếc xe, trương mục ngân hàng, quỹ hưu bổng, và tiền bảo hiểm nhân thọ.
Tôi tới nhà thăm Khang, thấy trong phòng khách có bàn thờ để hũ tro cốt có hình Ben. Trên bàn có lư nhang, hương đèn. Trên cao có hình thánh giá và Đức Mẹ.
Khang mời tôi ăn cơm. Trên bàn, ngoài chén đũa cho tôi và Khang, còn có một cái chén và đôi đũa khác. Khang kéo một cái ghế trống để ngay đó. Lúc bới cơm, anh cũng bới vô cái chén đó, miệng nói lẩm bẩm gì đó, chắc là mời Ben ăn cơm. Trong lúc ăn, Khang để cho tôi nghe những kỷ niệm giữa anh và Ben, những chuyến đi chơi vui vẻ, những lời Ben nói với Khang.
- Tao muốn dẫn Ben đi Việt Nam chơi một chuyến, chưa đi được thì nó chết rồi. chuyến này về Việt Nam tao sẽ đem nó theo.
Lần đó Khang về, đem theo hũ tro cốt của Ben. Khi trở qua, anh khoe là anh đã đưa Ben đi chơi nhiều nơi. Tôi hỏi:
- Căn nhà ở Vũng Tàu bây giờ ra sao rồi anh?
Anh bực bội nóii:
- Tao bực mình quá, gởi bao nhiêu tiền rồi mà tới giờ vẫn xây chưa xong!
Tôi nhẩm tính, cứ mỗi lần gặp là anh khoe mới gởi thêm tiền về xây nhà. Đã 4-5 năm rồi, số tiền cũng lên tới nhiều chục ngàn dollars, mà căn nhà xây chưa xong. Không biết tiền đó có được dùng đúng việc không.
Kể từ dạo Ben chết, Khang đi về Việt Nam hầu như mỗi năm. Tài sản của Ben để lại tuy không lớn lắm, nhưng đủ để Khang sống thanh nhàn, không phải lo nghĩ chuyện sinh kế. Cái mảnh bằng y tá của anh, học đã bao nhiêu năm mà vẫn chưa lấy được. Cứ học được ít bữa lại bỏ đi chơi hàng tháng trời. Mà chắc anh cũng chẳng cần tới nó. Rồi má anh cũng được anh bảo lãnh qua Mỹ. Còn gia đình người chị ở Vũng Tàu thì vẫn chờ đợi. Một lần anh nói với tôi:
- Chuyến này về chắc tao bán căn nhà ở Vũng Tàu, để chị tao lên Sài Gòn ở. Trước sau gì gia đình chỉ cũng đi Mỹ, để nhà làm gì.
Tôi nghe nói giá nhà ở Việt Nam đã lên cao hơn trước nhiều. Nếu bán thì chắc Khang cũng lấy được số tiền kha khá. Khi gặp lại Khang, tôi hỏi:
- Nhà bán được chưa anh?
Với nét mặt không vui, Khang kể:
- Lúc tao nói ý định bán nhà, chị tao và anh rể tỏ thái độ bực dọc ra mặt. Họ nói xa nói gần, làm như tao là người đang tranh đoạt tài sản với họ vậy.
Tôi nhớ lại lúc trước, Khang có nói là anh muốn xây căn nhà để khi già về Việt Nam ở luôn. Bây giờ cái giấc mơ hồi hương đó chắc không còn nữa, mà căn nhà có nguy cơ trở thành đầu mối xích mích trong gia đình.
Một tối đầu năm 2004, tôi mời anh đi ăn. Tôi báo cho anh biết ý định sắp cưới vợ của tôi. Anh ngồi im không nói gì. Rồi anh nói:
- Từ khi quen Ben, tao mới biết thế nào là lòng chung thủy. Đàn bà là thứ hay phản bội. Tao sẽ không bao giờ nghĩ tới ai khác ngoài Ben.
Tôi như người trên cung trăng rớt xuống. Làm sao tôi có thể ngu ngơ vậy hả trởi? Chuyện sờ sờ trước mắt mà tôi không nhận ra. Hai người chung sống với nhau, săn sóc lo lắng cho nhau. Một người chết để hết tài sản lại cho người kia, một người nguyện chung thủy suốt đời. Nếu không là vợ chồng thì là gì? Trước giờ tôi cứ tưởng rằng, đàn ông đã có vợ con, hoặc đã từng yêu một người đàn bà tha thiết thì không thể là đồng tính, nhưng tôi đã lầm.
Khang làm tôi liên tưởng tới một nhân vật trên sân khấu nhạc kịch. Nhân vật này hóa trang, nửa người bên trái là đàn ông, nửa bên phải là đàn bà. Nhìn nghiêng bên trái thì nhân vật này là đàn ông, nghiêng bên phải là đàn bà. Lâu nay tôi chỉ nhìn thấy nửa bên trái của Khang, không biết là Khang còn nửa bên kia.
***
Tôi cùng Khang đến thăm Trúc một ngày cuối tuần trời nắng đẹp. Chị ở tầng hai của một chung cư. Căn hộ của chị có cửa sổ và ban công nhìn xuống sân vườn, trên ban công có trồng hoa. Chị đón tôi với một nụ cười héo hắt. Người con gái trẻ trung ngày xưa bây giờ là một phụ nữ tuổi trung niên, nhan sắc tàn phai. Chị rót nước mời tôi và gọi hai con ra chào. Hai cô con gái của chị, cô lớn chừng mười hai tuổi và cô nhỏ chừng chín tuổi, cúi đầu chào tôi. Cô con gái lớn đang bước vào tuổi dậy thì, dáng người dong dỏng cao, nước da trắng nõn, tóc mây bồng bềnh, mũi thẳng, môi xinh, có nét giống mẹ. Cô bé là phiên bản của chị thời son trẻ, có điều xinh xắn hơn và chắc sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.
Chị và tôi hỏi thăm nhau. Chị đã ly dị chồng. Chúng tôi nhắc lại chuyện thời xưa còn ở trại tị nạn. Tôi tránh không nói tới Linh, sợ chị buồn. Nhưng chính chị lại nhắc tới anh. Rồi chị buông một câu:
- Phải chi hồi đó chị đừng làm Linh giận.
Tôi làm thinh. Cuộc sống là một cái vòng tròn. Mỗi khi người ta đi hết một vòng trở lại điểm cũ thì người ta thấy mình khôn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng cũng đã già hơn.
Gia đình chị của Khang rồi cũng tới Mỹ. Họ đã bán căn nhà ở Vũng Tàu trước khi đi. Tôi không rõ Khang lấy được bao nhiêu tiền từ căn nhà đó, nhưng không nghe anh nói tới nữa.
Rồi Khang bán căn nhà đang ở, căn nhà mà Ben để lại cho Khang. Anh thuê một kho chứa đồ cá nhân, dọn hết đồ đạc vô đó, cuốn gói về Việt Nam chơi. Chuyến này anh đi khá lâu, chắc cũng cả năm. Trước khi trở qua, anh gọi điện từ Việt Nam, nhờ tôi ra đón. Khi đón anh từ phi trường Los Angeles về anh kể đủ thứ chuyện. Riêng có một chuyện làm tôi quan tâm: anh khoe anh có quen một đứa sinh viên, từ quê lên thành phố học. Anh giúp đỡ cho nó tiền học và nhiều thứ khác, hứa sẽ nuôi nó ăn học thành tài.
- Lúc tiễn tao ra phi trường, nó khóc đỏ mắt, nó nói nó sẽ chờ đợi tao, sẽ không thương ai hết.
Lâu lâu nói chuyện với tôi qua điện thoại, anh lại khoe là mới gởi tiền về cho chàng sinh viên của anh, và thuật lại những lời lẽ ướt át mà chàng đó nói với anh. Anh còn hỏi tôi luật Mỹ có cho bảo lãnh người hôn phối đồng tính không. Tôi trả lời là tôi có nghe nói quốc hội Mỹ đã thảo luận điều này, nhưng có thành luật chưa thì tôi không biết. Rồi một ngày gặp lại, tôi hỏi về chuyện đó, anh giận dữ nói:
- Thằng đó nó gạt tao. Nó lấy tiền của tao đi nuôi gái!
Tôi tức cười trong bụng nhưng cố bình thản hỏi:
- Làm sao anh biết?
- Tao nhờ người để ý theo dõi nó. Họ thấy nó chở con bồ nó đi hoài.
- Làm sao biết là bồ, lỡ họ là người nhà, hoặc chỉ là bạn thì sao?
- Thôi mày ơi, người ta đã theo dõi kỹ rồi. Đi với nhau ôm ấp, nắm tay nắm chân không phải bồ thì là gì?
Khang lại thêm một lần bị phản bội, nhưng lần này thì tôi không ngạc nhiên và không buồn cho anh, vì tôi đã đoán ngay từ đầu là nó sẽ như vậy.
Cho tới tận bây giờ tôi vẫn không biết Khang là người đồng tính bẩm sinh hay do hoàn cảnh tâm lý. Thời gian ở chung, tôi không hề nhận thấy một dấu hiệu gì anh là người đồng tính. Trước khi gặp Ben, anh sống trầm cảm, xa quê hương, nhớ người yêu cũ, gia đình không gần gũi, từng có ý định tự tử. Khi gặp Ben, anh như người đang đuối vớ được cái phao. Anh tìm thấy chỗ dựa tình cảm ở Ben. Ben lo lắng chăm sóc cho anh như chồng lo cho vợ. Có thể từ đó mà anh thay đổi giới tính chăng?
***
Đêm khuya, gió lồng lộng, tôi đứng trên đầu pier ngắm đại dương mênh mông chập chùng dưới bầu trời sao lấp lánh. Sau lưng tôi là thành phố Long Beach rực rỡ ánh đèn. Tôi nhớ năm xưa khi còn ở trại Bataan ở Phi Luật Tân, lâu lâu tôi leo lên một ngọn đồi gần trại ngắm khung cảnh núi rừng bao la. Xa xa có một cái vịnh, nước biển trong xanh, bãi cát trắng phau, gần đó có một ngôi làng nhỏ. Bãi biển đó được gọi là Long Beach.
Tôi đọc sách trong thư viện trại, biết rằng ở Mỹ có một thành phố cũng tên Long Beach. Tôi ước ao một ngày nào đó sẽ được đặt chân tới thành phố Long Beach để ngắm phố xá lộng lẫy với những tòa nhà kiến trúc hiện đại, ngắm bãi biển rộn rịp người đùa giỡn với sóng.
Bây giờ đứng ở đây, tôi lại nhớ về ngọn đồi xa xưa, nơi tôi đã ngồi thả những giấc mơ bay bổng trên bầu trời hoàng hôn.
Trong đầu tôi văng vẳng bài hát “Nén Hương Yêu” của nhạc sĩ Duy Khánh và Châu Kỳ. Bài này tả tâm tình của một người con trai đi tìm người con gái mình đã từng yêu, tìm khắp nơi rồi mới biết người con gái đó đã chết. Không biết người con trai đó rồi có yêu ai nữa không. Tôi đoán là có, vì trong cuộc sống này, không ai có thể dừng lại ở một điểm nào hết. Còn sống là người ta còn yêu, còn mơ, và còn hoài niệm về một điều gì đó.
***
Người Vá Trời
(Truyện ngắn đầu tay)
Viết xong ngày 16 tháng 11 năm 2022
Nén Hương Yêu Nén Hương Yêu - Người Vá Trời Nén Hương Yêu