Số lần đọc/download: 2828 / 33
Cập nhật: 2014-12-22 19:09:03 +0700
T
ôm Kinh dùng miếng bánh mì cuối cùng lau sạch chỗ bột còn lại trong đĩa sốt bột, rồi anh vừa chậm rãi nhai vừa ngẫm nghĩ. Anh đứng dậy, rời bàn ăn, cái cảm giác đói vẫn dằn vặt. Tuy thế, chỉ có một mình anh được ăn. Hai đứa con đã được đưa đi ngủ sớm ở buồng bên để chúng có thể quên việc chưa được ăn tối. Vợ anh không động đến một tí gì, chị ngồi lặng lẽ, đưa cặp mắt buồn bã nhìn anh. Chị là một người phụ nữ gầy gò, héo hon, thuộc tầng lớp lao động; tuy vậy, trên khuôn mặt chị, những nét xinh đẹp xưa kia vẫn còn in lại. Bột để nấu sốt là do chị vay của bác hàng xóm ở gian bên kia. Hai hào cuối cùng dùng để mua bánh mì.
Tôm Kinh ngồi trên ghế xích đu, bên cửa sổ. Cái ghế oằn xuống dưới sức nặng thân thể anh; hoàn toàn máy móc, anh đưa cái tẩu lên miệng, rồi nhét vào túi áo bên. Trong tẩu không có thuốc lá, anh nhận ra được cái động tác máy móc của mình, anh nhăn nhó vì đãng trí, bèn bỏ cái tẩu đi. Động tác của anh chậm rãi, hầu như nặng nề tựa như anh phải chịu đựng sức nặng những bắp thịt của chính bản thân mình. Tôm Kinh là một người chắc nịch, trông vẻ dễ ưa. Bộ quần áo vải thô cũ kĩ và nặng nề. Cái mu giày không còn đủ độ bền để mang cái đế nặng đã được đóng lại từ lâu. Chiếc sơ-mi vải, loại rẻ tiền, giá hai đồng bạc, đã sờn cổ, có nhiều vết bẩn không thể nào tẩy sạch được nữa.
Nhưng chính bộ mặt của Tôm Kinh mới quảng cáo rõ nghề nghiệp của anh, không lầm vào đâu được. Đó là bộ mặt của một võ sĩ nhà nghề điển hình, bộ mặt của một người đã lăn lộn những năm trường trên cái võ đài hình vuông, và đã khiến cho trên bộ mặt ấy in rõ thêm những nét của một con thú dữ chiến đấu. Rõ ràng đó là một bộ mặt xấu, bất kì một nét nào cũng làm người ta phải chú ý, bộ mặt lại được cạo nhẵn nhụi. Đôi môi không thành hình thù gì cả, tạo thành một cái miệng quá xù xì trông như một vết rách hằn trên mặt. Cái hàm nhô ra, dữ tợn, man rợ, nặng nề. Cặp mắt lừ lừ, mí mắt dày cộp, cặp mắt hầu như lạnh lùng dưới hàng lông mày rậm, thụt sâu vào. Anh có vẻ đích thực là một con thú, trên con người anh thì cặp mắt lại có vẻ động vật nhất. Đó là cặp mắt lim dim buồn ngủ, giống như mắt sư tử, cặp mắt của một con thú dữ chiến đấu. Trán dốc hẳn lên phía trên; mái tóc cắt ngắn làm lộ rõ từng cái bướu một trên cái đầu trông như đầu của một tên vô lại. Mũi đã hai lần bị vỡ và đã thay đổi hình dạng nhiều lần khác nhau do bị đấm không biết bao nhiêu lần. Tai rách như lá bắp cải, thường xuyên bị sưng và bị vặn gập làm đôi. Cái mũi và cái tai ấy hoàn chỉnh việc tô điểm khuôn mặt; thêm vào đó là bộ râu mới cạo, đã hơi nhú lên in trên khuôn mặt một vệt xanh đen.
Nói chung, đó là một bộ mặt làm cho người ta sợ hãi, nếu bắt gặp trong ngõ tối hoặc ở nơi vắng vẻ. Tuy vậy, Tôm Kinh không phải là một kẻ phạm tội ác, anh cũng chẳng làm điều gì gây ra tội ác cả. Ngoài những trận đấm nhau ra – việc bình thường trong đời anh, – anh không hề làm hại ai cả. Người ta cũng chẳng bao giờ thấy anh gây ra một cuộc cãi cọ nào. Tôm Kinh là một võ sĩ chuyên nghiệp, tất cả những sự tàn bạo đánh đấm chỉ biểu lộ ở cái bề ngoài nghề nghiệp của anh. Ngoài võ đài, anh là một người có động tác chậm rãi, bản tính dễ dãi. Những ngày xưa, khi mà đồng tiền trong tay dồi dào, Tôm Kinh là một người rất hào phóng. Anh chẳng hề thù hằn ai, và anh cũng có rất ít kẻ thù. Đấm nhau là nghề nghiệp của anh. Trên võ đài, anh đấm thật đau, đấm cho thành thương tật, đấm để huỷ diệt đối thủ, nhưng hoàn toàn không mang một chút thù hằn nào cả. Đó là một yêu cầu đơn giản trong công việc làm ăn. Khán giả tụ tập lại, mất tiền để xem đấm nhau đến đo ván. Người thắng sẽ được phần chia lớn. Hai mươi năm trước, lúc Tôm Kinh gặp Gaogiơ Ulumulu, anh biết rằng hàm của Gaogiơ mới chữa khỏi được bốn tháng, sau khi bị vỡ trong một trận đấu ở Niucaxơn. Thế là, anh nhằm vào cái hàm đó, đấm nó vỡ một lần nữa ở hiệp chín, chẳng phải vì anh có chút ác ý nào đối với Gaogiơ, mà chỉ vì đó là một cách chắc chắn nhất để hạ Gaogiơ, chiếm được phần chia lớn. Về chuyện đó, Gaogiơ cũng chẳng mang chút thù hằn nào đối với Tôm Kinh. Đó là một ván bài, cả hai người đều hiểu rõ ván bài này, họ cùng tham gia vào.
Tôm Kinh vốn là một người ít nói, anh ngồi lặng lẽ buồn bã bên cửa sổ, nhìn hai bàn tay mình. Những mạch máu lộ rõ trên mu bàn tay, chúng đều to xù, nổi hằn lên, những khớp xương ngón tay bị giập nát, méo mó, chứng minh rõ công dụng mà chúng đã đảm đương. Tôm Kinh chưa bao giờ nghe nói rằng cuộc đời của một con người là cuộc đời của các mạch máu trên cơ thể người đó, nhưng anh biết rất rõ ý nghĩa của những mạch máu to, nổi hẳn lên này. Trái tim anh đã đẩy, với một áp lực lớn, quá nhiều máu qua những mạch máu đó. Chúng không còn hoạt động tốt được nữa. Anh đã cố gắng quá sức đến nỗi làm chúng mất tính co giãn, và tình trạng quá căng của chúng đã làm anh mất cả sức bền bỉ. Hiện nay, anh rất dễ bị mệt nhọc. Anh không thể nào bền bỉ đấu được hai mươi hiệp nữa, thi nhau giáng những cú đấm, dồn ép nhau, đấm, đấm, đấm, từ tiếng cồng này đến tiếng cồng khác, hết đợt cố gắng mãnh liệt này đến đợt cố gắng mãnh liệt tột đỉnh khác, chịu đánh bật vào dây thừng rồi lại đánh bật đối thủ vào dây thừng, và đợt cố gắng mãnh liệt nhất, tốc độ nhất trong hiệp thứ hai mươi làm cho toàn bộ khán giả đứng hẳn lên la hét, còn bản thân anh lao mạnh, giáng mạnh, né tránh, tung ra tới tấp hết trận mưa đấm này đến trận mưa đấm khác và cũng chịu những trận mưa đấm đánh trả lại, suốt trong những giây phút đó, trái tim anh vẫn trung thành đẩy những dòng máu sôi sục chảy qua các mạch máu thích ứng. Các mạch máu căng phồng lên lúc đó, nhưng rồi lại xẹp xuống, mặc dù không hoàn toàn xẹp xuống hết, mỗi lần như thế, lúc đầu không nhận ra được, mạch máu lại hơi to hơn lần trước một chút. Anh nhìn các mạch máu và những khớp ngón tay giập nát, lúc này Tôm Kinh chợt nhìn thấy sự tuyệt mĩ trẻ trung của hai bàn tay đó trước lúc khớp xương ngón tay đầu tiên bị giập nát vì đấm vào đầu Bêni Giônơ, được mệnh danh là Oensơ khủng khiếp.
Cái cảm giác đói lại trở lại.
- Em Blaimi, anh không thể có được một miếng bít-tết! – Tôm Kinh nói khá to, nắm chặt hai quả đấm to tướng và bật ra một lời nguyền rủa đã âm ỉ mãi trong lòng.
- Em đã cố hỏi ở cả hiệu Bơcơ lẫn hiệu Xoli, – vợ anh đáp, nửa như có vẻ xin lỗi.
- Thế họ không bằng lòng?
- Không có lấy một hào nào. Bác Bơcơ bảo…, – chị ngập ngừng.
- Hừ! Hắn bảo sao?
- Vì bác ấy cho là tối nay Xenđơn sẽ thắng anh, và số tiền nợ của anh đã khá lớn.
Tôm Kinh làu bàu, nhưng không trả lời. Anh đang nghĩ tới con chó săn anh nuôi vào thời anh còn trẻ, anh đã cho nó ăn biết bao nhiêu là bít-tết. Lúc đó, Bơcơ đã tin và bán chịu cho anh một nghìn miếng bít-tết. Nhưng thời thế đã thay đổi rồi. Tôm Kinh đã già đi, những võ sĩ nhiều tuổi, đấu ở câu lạc bộ loại hai, không thể hi vọng thanh toán được những hoá đơn, dù nhiều tiền, dù ít tiền, cho những người bán hàng.
Buổi sáng, lúc dậy khỏi giường, anh đã khao khát được ăn một miếng bít-tết, niềm khao khát đó vẫn còn dằn vặt. Anh không được tập luyện đầy đủ chuẩn bị cho trận đấu này. Đó là một năm hạn hán ở châu Úc, thời thế khó khăn, ngay cả những việc làm trái nghề nhất đối với anh cũng khó tìm được. Anh không có người cùng tập, đồ ăn thức uống của anh không phải là những thứ ngon lành, mà lại luôn luôn thiếu. Anh đã đi đào đất thuê trong ít ngày, lúc có thể kiếm được việc, và vào những buổi sớm tinh mơ, anh đã chạy quanh khu Đômênơ để luyện đôi chân. Nhưng luyện tập mà không có người cùng tập, và lại còn phải nuôi một vợ, hai con là một việc rất khó khăn. Anh sẽ đấu với Xenđơn, nên anh rất khó mua chịu được thêm chút ít nữa ở các cửa hàng. Anh thư kí của câu lạc bộ Gâyơti đã ứng trước cho Tôm Kinh ba bảng – phần chia của người thua – không cho vay thêm nữa. Đôi khi anh vay mấy người bạn cũ được dăm hào, họ lẽ ra có thể cho vay nhiều hơn đôi chút, nhưng vì năm nay là năm hạn hán, bản thân họ cũng đã vất vả lắm rồi. Không, che giấu sự thật thực là vô ích, việc tập luyện của anh chẳng ra gì. Lẽ ra, anh phải có đồ ăn thức uống khá hơn và không phải lo lắng nghĩ ngợi. Hơn nữa, khi một người đã bốn mươi tuổi thì cũng khó được sung sức bằng lúc mới hai mươi.
Tôm Kinh hỏi:
- Mấy giờ rồi, em Lidi?
Vợ anh đi qua hành lang, sang nhà bên cạnh hỏi giờ, rồi quay lại:
- Tám giờ kém mười lăm, anh ạ.
- Trận đấu đầu tiên sẽ bắt đầu trong ít phút nữa. Chỉ là một trận “dọn võ đài”. Rồi đến trận đấu bốn hiệp giữa Đilơ Oen và Gritli, và trận mười hiệp giữa một tay mới nổi với một gã thuỷ thủ nào đó. Anh không thể đấu được hơn một giờ.
Đã mười phút lặng lẽ trôi qua, Tôm Kinh đứng dậy:
- Sự thật là, em Lidi ạ, anh không được luyện tập đầy đủ.
Anh với cái mũ, rồi đi ra phía cửa. Anh không định hôn vợ – anh không bao giờ làm thế vào những lúc ra khỏi nhà, – nhưng tối nay, Lidi lại liều ôm hôn chồng. Chị quàng hai tay ôm lấy anh, ép anh cúi xuống sát mặt chị. Đứng sát vào cái thân hình to lớn của người đàn ông này, trông chị lại càng nhỏ bé. Chị nói:
- Anh Tôm, chúc anh may mắn, anh phải thắng hắn nhé.
- Ờ, anh phải thắng hắn, – anh nhắc lại. – Tất cả những việc phải làm chỉ có thế thôi. Anh phải thắng hắn.
Anh cố cười chân thật trong lúc Lidi nép chặt vào anh hơn nữa. Tôm Kinh đưa mắt qua vai vợ, nhìn xung quanh căn phòng trống rỗng. Đó là tất cả những thứ anh có trên cõi đời này, cùng với tiền nhà chưa trả, người vợ và hai đứa con. Anh phải rời căn buồng, đi vào trong đêm tối để kiếm miếng thịt cho vợ và hai con nhỏ, nhưng không giống như người công nhân thời hiện đại đến làm những công việc đều đều như máy, mà cách kiếm ăn của anh thật như trong thời cổ, rất nguyên thuỷ, rất ngoạn mục, như thú vật, đó là cách đánh nhau để kiếm được miếng thịt.
- Anh phải thắng hắn, – Tôm Kinh nhắc lại một lần nữa, giọng nói có vẻ tuyệt vọng. – Nếu thắng, đó là ba mươi bảng… anh có thể trả được nợ và còn lại một ít tiền. Nếu thua, anh chẳng còn được gì cả, ngay cả năm xu để đi xe điện về nhà cũng không. Anh thư kí đã đưa cho anh tất cả phần của người thua cuộc rồi. Anh đi nhé, em yêu. Nếu thắng, anh sẽ về thẳng nhà.
- Em sẽ thức đợi anh, – Lidi nới với theo qua hành lang.
Quãng đường đến câu lạc bộ Gâyơti dài trọn hai dặm, vừa đi, Tôm Kinh vừa nhớ lại những ngày xưa tươi đẹp (một lần, anh đã đoạt chức vô địch hạng nặng miền Niu Xao Uên), khi đó anh đi xe ngựa đến dự đấu, và hầu hết các lần đó những tay hâm mộ thể thao đều trả tiền xe để được ngồi cùng với anh. Còn Tômi Bơn và gã người Mỹ Giéc Giônxơn, hai tay đó đi ô tô cơ. Giờ thì anh đi bộ! Ai mà chẳng biết: lê bộ hai dặm đường ngay trước trận đấu chẳng phải là tốt lắm đâu. Anh là một đấu thủ lớp cũ, cuộc đời chẳng hề vỗ tay tán thưởng những người lớp cũ. Anh chẳng còn được tích sự gì, ngoài việc đi đào đất, cái mũi bị vỡ và cái tai sưng vù gây cho anh khó khăn ngay cả trong việc xin đi đào đất thuê. Tôm Kinh ước mong giá anh đã học lấy một nghề. Như thế rút cục sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng nào có ai là người bảo cho anh hay, từ thâm tâm, anh hiểu rằng giá họ có bảo thì anh cũng chẳng nghe. Chả là dễ dàng mà. Những món tiền lớn… những trận đấu vinh quang, sôi nổi… thời gian nghỉ ngơi, rỗi rãi giữa hai trận đấu… một đoàn những tay tán dương say mê đi theo, những cái vỗ vào lưng ca ngợi, những cái bắt tay, các tay giàu có vui vẻ mua rượu mời uống để được hưởng năm phút trò chuyện với anh… và niềm vinh quang của môn quyền Anh, toàn bộ khán giả la hét vang trời, đợt tấn công cuối cùng như gió lốc, lời tuyên bố của trọng tài: “Kinh thắng!”. Và tên tuổi anh trong các trang thể thao trên báo ngày hôm sau.
Huy hoàng thay thời đó! Nhưng bây giờ, Tôm Kinh nhận ra, theo cái kiểu chậm rãi, nghiền ngẫm của anh, rằng anh đã từng loại biết bao đấu thủ lớp cũ. Anh là Tuổi trẻ, đang nổi lên, họ là Tuổi già, đang chìm xuống. Thật là dễ dàng, chẳng đáng ngạc nhiên: họ mang trên người những mạch máu sưng phồng và những khớp xương ngón tay giập nát, đau đớn từng đốt xương một do những trận đấu kéo dài mà họ đã trải qua. Anh nhớ lại: lúc anh đã hạ anh bạn già Xtôsơ Bin tại vịnh Răt Căttơ, trong hiệp thứ mười tám, anh bạn già Bin sau đó đã khóc trong buồng thay quần áo như một đứa trẻ con. Có lẽ anh bạn già Bin cũng còn nợ tiền thuê nhà. Có lẽ anh ấy cũng có một người vợ và hai đứa con nhỏ ở nhà. Và có lẽ, anh Bin, đúng vào ngày lên võ đài, cũng đã đói, đã khao khát được ăn một miếng bít-tết. Bin, đã xuất trận và đã nhận lấy sự thất bại bất ngờ không thể tin được. Bây giờ, sau khi bản thân đã trải qua nhiều thử thách, Tôm Kinh đã có thể nhận ra là vào tối đó cách đây hai mươi năm, Xtôsơ Bin đã chiến đấu vì một mục đích lớn lao hơn anh chàng trai trẻ Tôm Kinh chiến đấu vì vinh quang và cả vì đồng tiền dễ dãi. Vậy sau đó, Xtôsơ Bin đã khóc trong buồng thay quần áo cũng chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên.
Phải, một con người đã trải qua nhiều trận đấu trong đời sẽ tất nhiên như thế. Đó là định luật thép của đấu trường. Người này có thể trải qua được một trăm trận đấu gay go, người khác chỉ hai mươi trận. Mỗi người tuỳ theo sự cấu tạo và chất lượng của cơ thể, chỉ trải được một số trận đấu nhất định nào đó, khi anh ta đã xuất trận đủ số lượng thì tất yếu phải chấm dứt. Đúng thế, so với tất cả bọn họ, bản thân Tôm Kinh đã trải qua số lượng trận đấu nhiều hơn, anh đã đi qua cái phần chiến đấu gay go kinh người của mình – những trận căng đến vỡ tim, vỡ phổi làm các mạch máu phồng quá mức đàn hồi, làm các thớ thịt mềm mại của tuổi trẻ biến thành những múi rắn đanh, làm thần kinh và sức chịu đựng mòn mỏi đi, và làm cho não, cho xương mệt mỏi vì phải cố sức quá mức, chịu đựng quá mức. Phải, anh đã chiến đấu xuất sắc hơn tất cả bọn họ. Những đấu thủ cũ cùng thời với anh không còn ai nữa. Anh là người đấu sĩ già cuối cùng. Anh đã nhìn thấy sự kết thúc của tất cả bọn họ và anh cũng đã góp một tay để kết thúc cuộc đời võ sĩ của một vài đấu thủ.
Người ta đã đưa anh ra thử sức với những đấu thủ lớp cũ; anh đã lần lượt hạ hết người này đến người khác, và anh đã cười, khi họ, như Xtôsơ Bin chẳng hạn, đã phải khóc trong buồng thay quần áo. Và bây giờ, anh là một đấu thủ lớp cũ, họ lại đưa những tay trẻ ra thử sức với anh. Đó là anh chàng Xenđơn. Anh ta từ Niu Dilân tới, mang theo một kỉ lục đã lập được. Nhưng chẳng có ai ở châu Úc biết một điều gì về tên tuổi anh ta cả, thế là người ta sắp xếp Xenđơn đấu với anh bạn già Tôm Kinh. Nếu Xenđơn chơi được, anh ta sẽ được gặp các tay cứng hơn với những giải thưởng lớn hơn, vậy Xenđơn sẽ đấu một trận quyết liệt. Nếu thắng trận này, anh chàng sẽ có mọi thứ: tiền tài, danh vọng và sự nghiệp; còn Tôm Kinh là một tảng đá cũ, mốc xám, đang rạn nứt, đứng lù lù trên con đường dẫn đến tiền tài và danh vọng. Nếu Tôm Kinh thắng, anh chẳng được gì, ngoài ba mươi bảng để trả chủ nhà và các người bán hàng. Vậy thì, khi Tôm Kinh ngẫm nghĩ, những hình ảnh lạnh lùng lại hiện lên, những biểu hiện của tuổi trẻ, tuổi trẻ vinh quang, sôi nổi, tươi vui, không gì thắng nổi, sự mềm mại của bắp thịt, vẻ mịn màng của da dẻ, cùng với trái tim, bộ phổi không hề biết mệt mỏi, đau đớn, trái tim bộ phổi cười khinh thường ý nghĩ giới hạn của sự nỗ lực. Phải rồi, tuổi trẻ là nữ thần Nêmêdit (1). Tuổi trẻ tàn phá những người thuộc lớp cũ, và cũng chẳng hề lo ngại gì, nó cứ tiếp tục tàn phá, rồi lại tự tàn phá chính mình. Nó làm những mạch máu trẻ trung giãn thêm ra, nó làm giập nát những khớp xương ngón tay, và rồi đến lượt, nó lại bị tuổi trẻ lớp kế tiếp tàn phá. Bời vì, tuổi trể vĩnh viễn là sức trẻ. Chỉ có tuổi già mới chính là già nua.
Đến phố Caxơnrây, Tôm Kinh rẽ trái, đi qua ba dãy nhà nữa, anh tới câu lạc bộ Gâyơti. Một đám đông những tay trẻ hâm mộ thể thao đang xúm ở ngoài cửa, kính trọng đứng dẹp thành một lối cho anh đi; anh nghe thấy một gã bảo với bạn:
- Anh ấy đấy! Tôm Kinh đấy!
Ở trong câu lạc bộ, trên đường đi đến phòng thay quần áo, Tôm Kinh gặp người thư kí – một tay thanh niên có bộ mặt láu lỉnh, cặp mắt sắc sảo. Anh ta bắt tay Tôm Kinh và hỏi:
- Ông thấy trong người thế nào, ông Tôm?
- Sung sức lắm, – Tôm Kinh trả lời, mặc dù biết rằng mình đã nói dối, rằng nếu có một bảng, anh nhất định đã mua một miếng bít-tết ngon.
Anh từ buồng thay quần áo bước ra. Những tay săn sóc của anh theo sau. Anh bước dọc theo lối đi giữa hai hàng ghế, đi tới các võ đài hình vuông đứng ở giữa phòng. Khán giả đang ngồi đợi thi nhau vỗ tay hoan nghênh, chào mừng anh. Anh nghiêng bên trái, nghiêng bên phải chào đáp lại, tuy vậy anh cũng chỉ quen mặt một số ít. Hầu hết khán giả là những tay trẻ, chưa ra đời lúc anh giành được trên cái võ đài hình vuông vòng hoa nguyệt quế đầu tiên. Anh nhẹ nhàng nhảy lên võ đài cao và luồn qua dây thừng, vào góc của mình. ngồi xuống chiếc ghế gấp. Giéc Bon, trọng tài trận đấu, bước đến gần bắt tay anh. Bon là một võ sĩ đã mất sức mà đã hơn mười năm không bước lên võ đài với tư cách một đấu thủ nữa. Tôm Kinh rất vui mừng thấy Bon là trọng tài. Hai người đều là những đấu thủ lớp cũ. Nếu anh có chơi dữ với Xenđơn, hơi phạm luật đôi chút, anh tin là Bon sẽ bỏ qua.
Những võ sĩ hạng nặng trẻ tuổi, đầy cao vọng, lần lượt hết tay này đến tay khác, nhảy vào trong võ đài và được trọng tài giới thiệu với khán giả. Trọng tài tuyên bố những lời thách thức của họ.
- Anh thanh niên Prontô, – Bon tuyên bố, – ở Bắc Xítni, thách đấu với người thắng trận này năm mươi bảng.
Khán giả vỗ tay, và lại vỗ tay một lần nữa lúc Xenđơn nhảy qua dây thừng, ngồi vào góc võ đài của mình. Tôm Kinh đưa mắt ngang qua võ đài, tò mò nhìn anh ta; bởi vì, chỉ trong ít phút nữa, họ sẽ cùng nhau bị cột vào một cuộc chiến đấu tàn nhẫn, mỗi người đều cố dốc hết sức lực của bản thân để đấm cho đối thủ gục xuống bất tỉnh. Nhưng anh chẳng nhìn thấy được bao nhiêu, bởi vì, cũng như anh, Xenđơn mặc quần dài và áo nịt ra ngoài bộ quần áo dự đấu. Xenđơn có khuôn mặt đẹp, khoẻ khoắn, đóng khung trong mái tóc vàng, xoăn, xù lên; cái cổ to. đầy bắp thịt gợi ra vẻ tuyệt đẹp về hình thể.
Anh chàng trai trẻ Prontô bước đến một góc võ đài. rồi đi sang góc kia, lần lượt bắt tay hai đấu thủ, rồi nhảy xuống khỏi võ đài. Những cuộc thách thức vẫn tiếp tục. Bao giờ tuổi trẻ cũng nhảy qua dây thừng – tuổi trẻ vô danh, nhưng chẳng bao giờ thoả mãn – kêu to với nhân loại rằng với sức mạnh và tài năng mang trong mình, tuổi trẻ thách đấu với người thắng trận. Một vài năm trước, trong những ngày lẫy lừng, bách chiến bách thắng của bản thân anh, Tôm Kinh thường được giải trí và bị làm phiền bởi những khúc dạo đầu như thế này. Nhưng lúc này anh lại như bị mê đi, không sao rũ bỏ được những hình ảnh của tuổi trẻ đang diễn ra trước mặt. Trong môn quyền Anh. những chàng thanh niên như thế luôn luôn nổi lên. nhây qua dây thừng, hét to thách thức và các đấu thủ lớp cũ luôn luôn gục xuống trước lớp trẻ. Lớp trẻ trèo qua thân thể của lớp già để bước tới đài thành công. Họ xuất hiện không ngừng, ngày càng nhiều – tuổi trẻ không bao giờ tàn lụi, không gì ngăn lại được, – và lớp trẻ bao giờ cũng gạt những lớp già ra, rồi chính cái lớp trẻ đó lại trở thành lớp già và gục xuống cùng theo một con đường dốc ấy, trong khi đó ở đằng sau họ, luôn luôn thúc ép họ là tuổi trẻ bất diệt – bọn trẻ sơ sinh, lớn lên mạnh mẽ và kéo lớp hơn tuổi xuống, đồng thời đằng sau chính cái lớp trẻ này lại là lớp trẻ sơ sinh khác, cứ thế chẳng bao giờ dứt, – tuổi trẻ phải thực hiện bằng được ý chí của mình, tuổi trẻ là bất diệt.
Tôm Kinh hết nhìn khu vực các nhà báo, anh gật đầu chào Mogơn, phóng viên tờ Nhà thể thao, và Cobít, phóng viên tờ Trọng tài. Rồi anh giơ tay ra. Xít Xalivơn và Chali Bâytơ, hai người săn sóc của anh, lồng đôi găng vào tay anh và buộc chặt lại, trong khi đó, một trong những tay săn sóc của Xenđơn quan sát chăm chú, đó là người đầu tiên xem xét những dải băng vải cuốn các khớp xương ngón tay của Tôm Kinh. Một tay săn sóc của Tôm Kinh đứng ở góc võ đài của Xenđơn cũng tiến hành thủ tục như thế. Người ta kéo quần dài của Xenđơn ra, anh ta đứng dậy, chiếc áo nịt được kéo qua đầu. Tôm Kinh đưa mắt nhìn. thấy đúng là hiện thân của tuổi trẻ, bộ ngực nở, những đường gân săn, những bắp thịt cuồn cuộn, đầy sinh lực nằm dưới lớp da trắng mịn như xa-tanh. Toàn bộ cơ thể tràn trề sức sống. Tôm Kinh biết rằng dó là một sức sống chưa hề bị ép một chút sinh lực nào ra khỏi những lỗ chân lông đau đớn trong những trận đấu kéo dài, trong những trận đấu mà tuổi trẻ phải trả bằng sức trẻ của mình, và lúc ra khỏi trận đấu thì không còn hoàn toàn trẻ trung như lúc bắt đầu bước vào nữa.
Hai đấu thủ tiến lên gặp nhau, khi tiếng cồng vang lên và các tay săn sóc kéo mạnh hai cái ghế gấp ra khỏi võ đài, hai người liền chạm găng và tức khắc chuyển ngay sang tư thế chiến đấu. Cũng tức khắc, như một bộ máy bằng thép và lò xo lắp sẵn vào bệ phóng bằng lò-xo đã nén lại, Xenđơn xông vào, lao ra, rồi lại xông vào giáng một cú tay trái vào mắt, bổ một cú tay phải vào sườn, né một cú phản công, nhẹ nhàng nhảy tránh, rồi lại nhảy bổ vào đe doạ. Anh ta rất linh hoạt và khéo léo. Một cuộc biểu diễn loá mắt. Khán giả hét ầm lên tán thưởng. Nhưng Tôm Kinh không bối rối. Anh đã đấu rất nhiều trận, với rất nhiều các tay trẻ. Anh hiểu rõ những cú đấm, hiểu rõ tác dụng của những cú đấm đó: nhanh quá, đẹp mắt quá, nên không nguy hiểm. Rõ ràng Xenđơn đã mở đợt tấn công tới tấp ngay từ đầu. Đúng như mọi người mong đợi. Đó là kiểu cách của tuổi trẻ, phô trương sự rực rỡ, tuyệt mĩ của mình trong sự vùng dậy điên cuồng, trong cuộc công kích sục sôi, dùng niềm vinh quang vô hạn của sức mạnh và ham muốn của mình để áp đảo đối phương.
Xenđơn xông vào, lùi ra, lao vào chỗ này, nhảy sang chỗ khác, khắp võ đài, đôi chân nhẹ nhàng, linh hoạt, trái tim đầy nhiệt huyết, sục sôi, thật là một sức sống tuyệt diệu bao gồm những thớ thịt trắng hồng, những bắp thịt nhức nhối đòi hoạt động, đã hợp thành một bộ máy tấn công kì diệu; anh ta lướt, nhảy như một con thoi đang bay, từ động tác này đến động tác khác cho tới một nghìn động tác, tất cả mọi thứ đó đều tập trung để tàn phá Tôm Kinh, người đứng chặn giữa anh ta và tiền tài, danh vọng. Tôm Kinh kiên nhẫn chịu đựng. Anh biết rõ công việc của anh, anh hiểu rõ tuổi trẻ, cái tuổi trẻ mà bây giờ không còn là của anh nữa. Không thể làm thế nào được, phải chờ cho đến khi anh chàng này mất bớt đôi chút sức lực, Tôm Kinh nghĩ như vậy, anh cười gằn với mình khi anh cố tình né người để cho một cú đấm nặng đồng cân giáng vào đỉnh đầu. Đó là một ngón chơi ác, nhưng hoàn toàn hợp luật quyền Anh. Nếu một võ sĩ muốn bảo vệ những khớp xương ngón tay của mình mà lại cứ nhất định đấm vào đỉnh đầu đối thủ thì thật là tự mua lấy nguy hiềm. Tôm Kinh có thể cúi xuống thấp hơn để cú đấm bay vụt qua đầu, nhưng anh nhớ lại những trận đấu đầu tiên của mình, và nhớ lại lần đầu tiên những khớp xương ngón tay của anh đập vào đầu Oensơ khủng khiếp đã bị giập nát như thế nào. Anh vẫn chơi đúng luật. Cú né vừa rồi của anh để tàn phá một trong những khớp xương ngón tay của Xenđơn. Lúc này, Xenđơn chưa chú ý đến điều đó. Anh ta vẫn tiếp tục, bất chấp đến tuyệt đỉnh, giáng rất mạnh suốt cả cuộc đấu. Nhưng sau đó, khi các trận đấu kéo dài trên võ đài đã bắt đầu ngấm, anh ta không khỏi thương tiếc cái khớp xương ngón tay đó, nhìn lại dĩ vãng, nhớ ra vì đập vào đầu Tôm Kinh nó đã bị giập nát như thế nào.
Xenđơn hoàn toàn làm chủ hiệp thứ nhất. Tốc độ tấn công tới tấp như gió lốc của anh ta làm khán giả hét ầm lên. Anh ta áp đảo Tôm Kinh bằng vô vàn những cú đấm. Tôm Kinh không tấn công. Chẳng lần nào anh đánh trả lại cả, anh vui lòng phòng thủ, ngăn chặn, né tránh và ôm ngoặc để tránh những cú đấm mạnh. Đôi khi, anh làm động tác giả, lắc đầu khi một quả đấm mạnh lao tới, và điềm tĩnh di dộng, anh không bao giờ nhảy hoặc chồm lên, không bao giờ để phí một chút sức lực nào. Sức trẻ trong con người Xenđơn sục sôi lên, tan ra thành bọt trước khi tuổi già thận trọng dám đánh trả lại. Toàn bộ động tác của Tôm Kinh đều chậm rãi, đúng mức, cặp mắt lừ đừ dưới làn mi mắt dày, trông anh như nửa thức nửa ngủ, như ngây dại. Nhưng cặp mắt đó nhìn thấy tất cả, cặp mắt đó đã được tôi luyện suốt hai mươi năm trường có lẻ lăn lộn trên võ đài để có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ. Cặp mắt đó không bị nhấp nháy hoặc hoa lên trước một cú đấm nguy hiểm, mà vẫn cứ lạnh lùng quan sát, lạnh lùng ước lượng khoảng cách.
Ngồi ở góc võ đài của mình trong phút nghỉ ngơi sau hiệp đấu, Tôm Kinh ngả hẳn người ra, chân duỗi thẳng, hai tay đặt trên chỗ dây thừng chéo nhau ở phía phải, ngực và bụng phập phồng thực sự, mạnh mẽ lúc anh đớp luồng không khí do các tay săn sóc của anh dùng khăn mặt phẩy phẩy tạt vào người anh. Mắt nhắm lại, anh lắng nghe tiếng hét của nhiều khán giả:
- Sao lại không tấn công, hả Tôm?
- Anh không sợ hắn, phải không?
- Bắp thịt cứng rồi, – Tôm Kinh nghe thấy tiếng phê phán của một người ngồi ở hàng ghế phía trước. – Động tác của anh ta không thể nhanh hơn được nữa. Đánh cuộc Xenđơn thắng, hai ăn một thôi, tiền mặt ngay.
Tiếng cồng vang lên, từ hai góc võ đài, hai võ sĩ tiến lên. Xenđơn tiến trọn ba phần tư khoảng cách giữa hai người, hăng hái bắt đầu hiệp đấu mới. Tôm Kinh vui lòng tiến một đoạn ngắn hơn. Điều đó nằm trong chiến thuật tiết kiệm sức lực của anh. Anh không được tập luyện đầy đủ, đồ ăn thức uống thiếu thốn, mỗi bước di động đều phải tính toán. Hơn nữa, anh đã phải đi bộ hai dặm để đến dự đấu. Lại cũng lặp lại như hiệp thứ nhất: Xenđơn tấn công như một cơn lốc, khán giả giận dữ vì Tôm Kinh không tấn công trả lại. Ngoài những động tác giả và dăm bảy cú đánh trả chậm chạp, vô tác dụng, anh không làm gì khác, mà chỉ ngăn chặn, che cho kín và ôm ngoặc đối thủ. Xenđơn muốn đánh nhanh, trong khi Tôm Kinh, rất thông minh, không hưởng ứng. Bộ mặt của anh, in hình bao dấu vết các trận đấu, hằn lên một nụ cười thương cảm, khôn ngoan, anh vẫn tiếp tục nâng niu sức lực của mình với vẻ ích kỉ mà chỉ người đứng tuổi mới có được. Xenđơn là tuổi trẻ, anh ta phung phí sức lực với vẻ phóng túng vô vàn của tuổi trẻ. Tôm Kinh có cái khôn ngoan, có tài điều khiển trên võ đài, đó là kết quả của biết bao trận đấu ác liệt, kéo dài. Anh quan sát bằng cặp mắt lạnh lùng, đầu óc bình tĩnh, mọi động tác đều chậm rãi, anh đợi cho niềm sục sôi của Xenđơn tan ra thành bọt. Đối với đa số khán giả, hình như Tôm Kinh chẳng có chút hi vọng nào thắng cả, họ lên tiếng biểu lộ ý kiến của mình: đánh cuộc cho Xenđơn thắng với ba chỉ cần ăn một thôi. Nhưng cũng có những người khôn ngoan, chỉ một số ít thôi, đã biết Tôm Kinh từ lâu, bèn ném tiền về phía họ cho là dễ “trúng”.
Hiệp ba bắt đầu như thường lệ, vẫn cứ một chiều. Xenđơn hoàn toàn áp đảo, tung ra toàn những cú đấm mạnh mẽ. Nứa phút trôi qua, Xenđơn, quá tự tin, để lộ một thế sơ hở. Cặp mắt và cánh tay phải của Tôm Kinh loé lên cùng một lúc. Đó là một cú đấm thực sự đầu tiên của anh, một cú đấm móc, với cánh tay gập cong đã xoay chéo đi nên cứng như thép, cùng với cả trọng lượng người anh ở tư thế nghiêng dồn vào. Thật là giống như một con sư tử có vẻ đang lim dim ngủ bỗng thình lình nhanh như chớp vung ra một cái vuốt. Xenđơn, bị trúng vào một bên hàm, gục xuống nằm xoài như một con bò mộng. Khán giả giật nảy mình, lẩm nhẩm khiếp đảm tán thưởng. Xét cho đến cùng, con người này không phải là một đống những bắp thịt đã bị xơ cứng, anh vẫn có thể giáng được một cú đấm như búa bổ.
Người Xenđơn run bắn lên. Anh ta lăn lộn, định vùng dậy, nhưng tiếng hét giật giọng của các tay săn sóc cho anh ta bảo chờ trọng tài đếm đã kìm Xenđơn lại. Xenđơn quỳ một chân, sẵn sàng vùng dậy. Xenđơn chờ đợi, trong lúc trọng tài đứng sát bên, đếm to vào tai anh ta. Đếm đến chín, Xenđơn vùng dậy ở vào ngay tư thế chiến đấu. Tôm Kinh, đối diện với Xenđơn, nhìn ra mới tiếc là cú đấm còn cách giữa cằm một insơ (2). Lẽ ra đó đã là một cú nốc-ao, và anh đã có thể mang ba mươi bảng về nhà cho vợ con.
Hiệp đấu tiếp tục đến cuối phút thứ ba. Lần đầu tiên, Xenđơn thấy kính trọng đối thủ. Động tác của Tôm Kinh vẫn chậm rãi, mắt anh vẫn lim dim nửa thức nửa ngù như cũ. Lúc hiệp đấu gần kết thúc, Tôm Kinh nhận thấy được vì thấy các tay săn sóc đang thu mình lấy đà chuẩn bị nhảy qua dây thừng. anh bèn lái trận đấu chuyển về góc võ đài của mình. Và khi tiếng cồng vang lên, anh bèn ngồi ngay xuống chiếc ghế đã để sẵn. Đó chỉ là một điều nhỏ mọn, nhưng tổng số những điều nhỏ mọn trở thành một con số đáng kể. Để trở về góc võ đài của mình, Xenđơn bắt buộc phải đi đoạn đường dài hơn, tốn sức hơn và mất đi một phần thời gian trong phút nghỉ ngơi quý báu. Bắt đầu hiệp nào cũng vậy, Tôm Kinh đều lừ lừ rời góc võ đài của mình, như thế bắt buộc đối thủ phải tiến quãng đường dài hơn. Vào cuối mỗi hiệp, anh đều lái trận đấu về góc võ đài của mình để có thể ngồi xuống nghỉ ngay tức khắc.
Hai hiệp nữa trôi qua. Tôm Kinh vẫn dè xẻn sức lực, còn Xenđơn vẫn cứ phung phí. Ý định của Xenđơn là đánh nhanh làm cho Tôm Kinh bất lợi, bởi vì số lượng vô vàn cú đấm giáng tới tấp lên người Tôm Kinh sẽ làm cho anh bị thua. Nhưng Tôm Kinh vẫn kiên trì với kiểu đánh chậm rãi của mình, bất chấp cả những tiếng la hét của những tay thanh niên nóng nảy đòi anh phải xông vào, phải tấn công. Lại một lần nữa, trong hiệp thứ sáu, lúc Xenđơn sơ hở, cú đấm khiếp đảm tay phải của Tôm Kinh lại vút đúng hàm, và Xenđơn lại phải nằm chờ trọng tài đếm đến chín.
Đến hiệp thứ bảy, trạng thái sung sức của Xenđơn đã mất, anh ta biết là sắp phải đấu một trận gay go nhất trong đời. Tôm Kinh là một võ sĩ thuộc lớp cũ, nhưng là một võ sĩ lớp cũ trội hơn những võ sĩ mà Xenđơn đã từng gặp. Đó là một võ sĩ lớp cũ không bao giờ mất bình tĩnh, có khả năng phòng ngự rất xuất sắc. Cú đấm nặng trịch như búa bổ, có cú đấm đo ván ở cả hai tay. Tuy vậy, Tôm Kinh không đấm bừa bãi. Anh chẳng bao giờ quên những khớp xương ngón tay bị giập nát, anh biết rằng mỗi cú đấm đều phải tính toán, nếu còn muốn sử dụng lâu dài những khớp xương ngón tay để xung trận. Ngồi ở góc võ đài của mình, Tôm Kinh liếc ngang võ đài nhìn đối thủ, một ý nghĩ chợt nảy ra trong óc anh: sự khôn ngoan của anh cộng với sức trẻ của Xenđơn hẳn sẽ tạo ra được một võ sĩ hạng nặng, vô địch thế giới. Nhưng đó mới là điều rắc rối. Xenđơn không bao giờ trở thành một quán quân vô địch thế giới được. Anh ta thiếu khôn ngoan. Chỉ có một cách duy nhất để có được sự khôn ngoan là phải mua bằng sức trẻ; và khi sự khôn ngoan đã thuộc về anh ta thì sức trẻ đã tiêu vào trong việc mua sự khôn ngoan mất rồi.
Tôm Kinh tận dụng mọi ưu thế mà anh biết được. Anh không bao giờ bỏ qua một cơ hội ôm ngoặc nào; có hiệu lực nhất trong những miếng ôm ngoặc là vai anh tì mạnh vào xương sườn đối thủ. Trong môn triết học đấu trường, kể về mặt tác hại thì một lần tì vai cũng có tác dụng như một cú đấm mạnh, còn kể về mặt tiêu sinh lực thì có tác dụng hơn. Cũng trong những miếng ôm ngoặc đó, Tôm Kinh dựa cả trọng lượng của anh lên đối thủ và chỉ bất đắc dĩ mới rời ra. Như thế, trọng tài bắt buộc phải can thiệp vào, tách hai đấu thủ ra. Xenđơn luôn luôn hỗ trợ vào việc tách ra đó, anh ta chưa biết cách nghỉ lấy sức. Xenđơn không kìm mình lại được mà không dùng những cánh tay quang vinh, vun vút của mình, khi đối thủ lao vào ôm ngoặc, ép vai lên xương sườn, rúc đầu dưới tay trái, thì Xenđơn thường xuyên ngoặc tay phải ra sau lưng, đấm vào mặt của Tôm Kinh đang nhô ra. Đó là một lối đánh khéo léo, đẹp mắt, nhưng không nguy hiểm, và do đó chỉ làm phí rất nhiều sức. Nhưng Xenđơn không biết mệt, không biết đến chữ “giới hạn” là gì. Tôm Kinh cười gằn, kiên trì chịu đựng.
Xenđơn triển khai cú đấm mãnh liệt bằng tay phải vào mình đối thủ, làm cho Tôm Kinh phải chịu vô số những cú đấm mạnh, và chỉ những người già đời trong nghề quyền Anh mới đánh giá được cú chạm khéo léo do Tôm Kinh dùng găng trái đánh vào bắp cơ cánh tay của Xenđơn trước khi cú đấm của anh ta tới đích. Thật vậy, mỗi lần cú đấm tung ra thì mỗi lần cú đấm lại mất đi sức mạnh do cú chạm khéo vào bắp cơ cánh tay. Trong hiệp chín. ba lần trong một phút, cú đấm móc tay phải mà cánh tay đã xoay chéo đi của Tôm Kinh bật đúng vào hàm, và ba lần tấm thân của Xenđơn, nặng như thế đấy, gục ngay xuống sàn. Mỗi lần Xenđơn đều đợi trong tài đếm đến chín thì vùng dậy, run run, lảo đảo, nhưng vẫn mạnh mẽ. Tốc độ của Xenđơn đã gỉảm đi, sức lực bớt phung phí hơn. Xenđơn cắn răng lại mà đấm, nhưng vẫn dựa vào ưu thế chủ yếu của mình, đó là tuổi trẻ. Ưu thế chủ yếu của Tôm Kinh là kinh nghiệm. Vì sinh lực của anh đã bị giảm, khí lực đã cạn, anh phải thay thế bằng sự thông minh, và khôn ngoan nảy sinh từ những trận đấu kéo dài, và bằng việc gìn giữ sức lực thật cẩn thận. Không những không có một động tác thừa nào, mà Tôm Kinh còn dụ cho đối phương phung phí sức lực. Hết lần này đến lần khác, Tôm Kinh dùng chân, tay, thân thể làm động tác giả: anh tiếp tục dụ Xenđơn phải nhảy lùi lại, né tránh hoặc phản công đấm trả. Anh nghỉ ngơi, nhưng không bao giờ để cho Xenđơn nghỉ. Đó là chiến thuật của tuổi già.
Ngay từ đầu hiệp mười, Tôm Kinh bắt đầu chặn cuộc tấn công tới tấp của đối thủ bằng những cú chọc thẳng tay trái nhằm vào mặt. Xenđơn thận trọng đối phó bằng cách rút tay trái lại, rồi né tay trái và dùng tay phải đấm một cú móc tạt ngang vào bên cạnh đầu Tôm Kinh. Đó là một cú đấm nhằm quá cao, không có tác dụng quyết định, nhưng vừa bị cú đấm này, Tôm Kinh đã hiểu rõ sự xuống dốc quen thuộc của tuổi già, một màn sương đen sẫm mù mịt kéo qua óc anh. Chỉ trong một thoáng. hoặc đúng hơn là trong một thoáng rất ngắn, anh sững người lại. Trong khoảnh khắc đó, anh thấy đối thủ biến khỏi tầm mắt, cả cái nền phía sau bao gồm những khuôn mặt trăng trắng, đang chăm chủ cũng biến mất, rồi trong khoảnh khắc tới, anh lại nhìn thấy đối thủ và cái nền phía sau gồm những khuôn mặt đó. Tựa như anh đã ngủ trong một thoáng và chỉ vừa mới bừng mắt thức tỉnh, tuy nhiên cái khoảnh khắc bất tỉnh này quá ư ngắn ngủi đến nỗi không có đủ thời giờ để anh gục xuống nữa. Khán giả nhìn thấy anh lảo đảo, đầu gối giãn ra, và rồi thấy anh hồi phục và ấn cằm thấp xuống thêm, nấp vào phía trong vai trái.
Mấy lần, Xenđơn nhắc lại cú đấm đó nhưng chỉ làm Tôm Kinh sửng sốt đôi chút, rồi Tôm Kinh thực hiện chiến thuật phòng thủ, đồng thời cũng là một cuộc phản công. Tay trái làm động tác giả, anh lùi lại nửa bước, đồng thời đấm một cú móc quai hàm bằng toàn bộ sức mạnh của tay phải. Cú đấm chính xác đúng vào lúc đầu của Xenđơn vừa gật mạnh xuống để né tránh, thế là Xenđơn bị nhấc bổng lên không trung, lộn ngửa, đập đầu và vai đánh sầm xuống sàn. Hai lần, Tôm Kinh thực hiện thành công cú đấm này, rồi anh lùi lại giáng cho đối thủ ép vào dây thừng. Không để cho Xenđơn có dịp nào nghỉ ngơi, hoặc hoàn hồn lại, anh giáng hết cú đấm này đến cú đấm khác cho đến khi toàn bộ khán giả đứng hẳn lên, hoan hô cổ võ như biển động sục sôi không ngừng. Nhưng sức mạnh và sức chịu đựng của Xenđơn thật là quá chừng, anh ta vẫn tiếp tục đứng vững. Rồi đến một cú nốc-ao tựa như đã chắc ăn, viên đội trưởng cảnh sát, thất kinh vì cú đấm kinh người này, từ bên cạnh võ đài đứng dậy để bắt ngừng trận đấu lại. Tiếng cồng báo hết hiệp vang lên, và Xenđơn vừa lảo đảo bước về góc võ đài của mình vừa phản đối viên đội trưởng cảnh sát rằng anh ta vẫn khoẻ mạnh bình thường. Để chứng minh, Xenđơn nhảy bật lùi về phía sau hai lần, viên đội trưởng cảnh sát đành nhượng bộ.
Tôm Kinh tựa lưng ở góc võ đài của mình, anh thở nặng nhọc, thất vọng. Nếu trận đấu đã được ngừng lại thì trọng tài, cực chẳng đã, đã quyết định cho anh thắng, và số tiền thưởng thuộc về anh rồi. Không giống như Xenđơn, anh không tranh đấu vì vinh quang, vì sự nghiệp, mà chỉ vì ba mươi bảng. Và lúc này, Xenđơn đang hồi phục lại được trong phút nghỉ.
Tuổi trẻ thật là đắc lực! – Câu nói này chợt loé lên trong óc Tôm Kinh, anh nhớ lại lần đầu tiên đã nghe câu nói đó, đó là vào buổi tối anh hạ được Xtôsơ Bin. Sau trận đấu, một tay giàu có mua rượu mời anh, vừa vỗ vai anh vừa thốt ra những lời đó. Tuổi trẻ thật là đắc lực! Tay đó nói đúng thật. Tối hôm ấy đã qua lâu rồi, khi đó anh vẫn còn trẻ. Tối nay, tuổi trẻ đang ngồi ở góc đối diện. Còn Tôm Kinh thì đã chiến đấu nửa giờ đồng hồ rồi, anh là một anh già. Nếu anh đã đấu như Xenđơn, anh sẽ chẳng thể kéo được trận đấu trong mười lăm phút. Nhưng điểm mấu chốt là anh sẽ không thể hồi phục được. Những mạch máu đã giãn ra và trái tim đã trải qua nhiều thử thách đau đớn không có thể làm anh hồi lại sức trong những phút nghỉ giữa các hiệp đấu. Anh cũng sẽ không còn đủ sức mạnh để lao vào hiệp đấu mới. Đôi chân nặng nề và bắt đầu bị co rút. Lẽ ra anh đừng đi bộ hai dặm đường đó thì hơn. Và rất cần có miếng bít-tết mà anh đã khao khát từ sáng. Trong lòng anh trào lên một niềm căm ghét dữ dội và mạnh mẽ đối với những tay hàng thịt không chịu bán chịu cho anh. Một người đứng tuổi bước vào trận đấu mà không được ăn đầy đủ thì gay go thật. Một miếng bít-tết là một vật rất nhỏ bé, chỉ vài hào là cùng, nhưng đối với anh nó lại là ba mươi bảng.
Tiếng cồng báo hiệp thứ mười một vừa vang lên, Xenđơn bèn xông vào ngay, biểu lộ một sinh lực mới mẻ mà anh ta thực sự không có. Tôm Kinh biết rõ ý định của Xenđơn, chỉ là một ngón bịp cũ kĩ, ra đời cùng với cái môn đấm nhau này. Anh ôm ngoặc lấy đối thủ để được an toàn, rồi anh rời ra để cho Xenđơn hăm hở xông vào. Đúng như Tôm Kinh mong muốn. Tay trái làm động tác giả anh thu người né tránh, đưa vòng một cú đấm móc ngược lên, rồi lùi lại nửa bước, anh đấm một cú móc quai hàm chính diện, hất Xenđơn xuống sàn. Sau đó, không lúc nào anh để cho Xenđơn nghỉ ngơi, đồng thời cũng chịu những cú đấm mạnh đánh trả, anh lại giáng thêm nữa, đánh Xenđơn ép vào dây thừng, đấm móc, đấm quạt thẳng đủ mọi kiểu nhằm vào Xenđơn, gỡ ra khỏi những miếng ôm ngoặc hoặc đấm đối thủ bật ra khỏi những miếng ôm ngoặc cố tình, và lúc Xenđơn sắp ngã xuống, Tôm Kinh bao giờ cũng dùng một tay giơ lên tì vào đối thủ, còn tay kia ngay tức khắc đấm Xenđơn bật vào dây thừng để đối thủ không ngã xuống sàn.
Thấy thế, khán giả phát cuồng lên ủng hộ Tôm Kinh, hầu như tất cả mọi cổ họng đều hét lên:
- Cố lên, Tôm!
- Hạ hắn đi! Hạ hắn đi!
- Anh hạ được hắn đấy, Tôm! Anh hạ được hắn đấy!
Lúc này phải là lúc dứt điểm của trận lốc, chính là lúc mà khán giả quyền Anh bỏ tiền ra để được xem.
Tôm Kinh đã để dành sức trong nửa giờ, bây giờ mới hào phóng tung ra với sự cố gắng lớn lao duy nhất theo tất cả khả năng của anh. Đó là cơ hội duy nhất của anh, lúc này hoặc không còn lúc nào nữa. Và khi tiếp tục giáng hết cú đấm này đến cú đấm khác, đồng thời vừa khách quan đánh giá sức nặng những cú đấm của mình và hiệu quả của chúng, Tôm Kinh nhận thấy đấm đo ván một con người như Xenđơn thực khó biết bao. Sức chịu đựng, sức bền bỉ của Xenđơn thực là quá mức. Đó là sức chịu đựng và sức bền bỉ trọn vẹn của tuổi trẻ. Xenđơn nhất định là một võ sĩ đầy triển vọng của tương lai. Anh ta mang trong người thời tương lai. Chỉ có những con người có thề chất cường tráng như vậy mới thích hợp để trở thành một võ sĩ thành công.
Xenđơn loạng choạng, lảo đảo, nhưng hai chân Tôm Kinh đang bị co rút và những khớp ngón tay của anh đang phản lại anh. Tuy vậy, anh vẫn vững như thép để giáng những cú đấm mãnh liệt, mỗi cú đấm như thế đều làm bàn tay méo mó của anh đau đớn. Mặc dù, lúc này thực tế anh không phải chịu những cú đấm mạnh đánh trả lại nữa, nhưng anh cũng đang yếu đi nhanh như đối phương. Những cú đấm của anh trúng đích, nhưng không còn mang theo sức nặng, mỗi cú đấm đều là một sự cố gắng mãnh liệt của ý chí. Hai chân anh nặng như chì. rõ ràng đang lê trên sàn; trong khi đó những tay ủng hộ Xenđơn, phấn khởi nhận thấy hiện tượng đó, bắt đầu hét to cổ võ võ sĩ của họ.
Trong con người Tôm Kinh trỗi dậy một cố gắng nữa. Anh giáng hai cú đấm liên tiếp: một cú tay trái hơi cao một chút, vào chỗ tập trung các đầu dây thần kinh và một cú tay phải tạt ngang quai hàm. Đó không phải là những cú đấm nặng đồng cân, nhưng vì Xenđơn đã yếu và choáng váng, nên anh ta gục xuống, nằm run rẩy. Trọng tài đứng sát bên Xenđơn, đếm to từng giây quyết định vào tai anh ta. Trước khi đếm đến mười, nếu không đứng dậy được, Xenđơn sẽ thua trận. Khán giả đứng sững người đi! Tôm Kinh đứng nghỉ trên đôi chân run run. Anh thấy choáng váng ghê gớm, truớc mắt anh một biển những khuôn mặt người đang lắc lư, lay động, trong khi từ một nơi xa xôi nào đó, vẳng vào tai anh tiếng đếm của trọng tài. Tuy vậy, anh coi phần thắng như đã thuộc về anh. Bị đấm những cú như thế, không võ sĩ nào còn có thể trỗi dậy được nữa.
Chỉ có tuổi trẻ mới có thể trỗi dậy được và Xenđơn đã trỗi dậy. Đếm đến bốn, anh ta vẫn nằm sấp, lăn lộn. quờ quạng vào dây thừng. Đếm đến bảy, Xenđơn thu mình lựa trên một đầu gối, nghỉ lấy sức, đầu lắc lắc lảo đảo. Khi trọng tài đếm: “Chín!” Xenđơn vùng dậy ở vào ngay tư thế chiến đấu, tay trái che mặt, tay phải che bụng. Đó là tư thế phòng thủ cơ bản, đồng thời anh ta lảo đảo lao vào Tôm Kinh hy vọng tạo được một miếng ôm ngoặc, kiếm thêm thời gian hồi sức.
Lúc Xenđơn vùng dậy, Tôm Kinh nhằm vào anh ta, nhưng hai cú đấm của anh bị những cánh tay ở trong tư thế phòng thủ chặn lại. Khoảnh khắc sau, Xenđơn đã ôm ngoặc được đối thủ, bám chặt lấy một cách tuyệt vọng trong lúc trọng tài cố gắng tách hai võ sĩ ra. Tôm Kinh hỗ trợ để rời được ra. Anh biết rõ tốc độ hồi phục của tuổi trẻ, và anh biết rằng chừng nào chưa hồi phục được thì Xenđơn vẫn còn nằm trong tay anh. Một cú đấm chắc nịch tất sẽ dứt điểm. Xenđơn đã nằm trong tay anh, chắc chắn nằm trong tay anh. Anh đã trội hơn Xenđơn, anh đã chiến đấu tốt hơn Xenđơn, anh đã thắng điểm Xenđơn. Xenđơn loạng choạng bật khỏi miếng ôm ngoặc, đứng cheo leo bên bờ vực thẳm thất bại. Chỉ một cú đấm ra trò là hất anh ta bật ra, nhào xuống, bị loại khỏi cuộc đấu. Một cảm giác cay đắng loé lên, Tôm Kinh nhớ đến miếng bít-tết, mong ước là đã được ăn miếng bít-tết đó để dùng vào cú đấm cần thiết anh sẽ phải tung ra. Anh tập trung hết sức lực vào cú đấm, nhưng cú đấm vẫn không đủ mạnh, không đủ nhanh. Xenđơn lảo đảo, nhưng không gục xuống. Anh ta lảo đảo lùi lại hàng dây thừng và tựa vào Tôm Kinh lảo đảo tiến theo, và với một sự đau đớn khủng khiếp, anh giáng một cú đấm nữa. Nhưng chính cơ thể anh đã phản lại anh. Tất cả những thứ còn lại trong con người anh chỉ là một sự thông minh chiến đấu đã bị sự kiệt lực làm giảm sút và u muội đi. Cú đấm đó nhằm vào hàm, nhưng lại trúng phía dưới vai. Anh nhằm cao hơn, nhưng các bắp thịt mệt mỏi không vâng lời. Và khi cú đấm chạm vào người đối thủ, thì chính bản thân Tôm Kinh bị bật lại, lảo đảo, suýt ngã. Anh lại cố gắng một lần nữa. Lần này, cú đấm trượt hẳn và vì quá yếu, anh ngã tựa vào Xenđơn, ôm ngoặc ngay lấy, bám chặt lấy anh ta để cho chính bản thân anh khỏi gục xuống sàn.
Tôm Kinh quyết định không rời Xenđơn ra. Anh đã dùng miếng đòn độc thủ của mình. Anh đã hết thời. Tuổi trẻ thật là đắc lực. Ngay cả trong khi ôm ngoặc, anh cũng có thể cảm thấy rằng Xenđơn tựa vào anh hồi phục mạnh mẽ hơn anh. Khi trọng tài đẩy hai người tách ra, thì ngay trước mắt anh, anh nhìn thấy tuổi trẻ đang hồi phục. Mỗi lúc Xenđơn một mạnh hơn. Cú đấm của anh ta, lúc đầu yếu và không có hiệu quả, đã trở nên mạnh và chính xác. Cặp mắt Tôm Kinh mờ mờ nhìn thấy quả đấm lao vào hàm mình, anh muốn dùng cánh tay để che hàm. Anh thấy nguy hiểm, muốn hành động, nhưng cánh tay anh quá nặng nề. Nó tựa như đã đeo một trăm bảng chì. Bản thân nó không thể nào nâng lên được nữa, anh cố gắng dùng hết nghị lực để nâng nó lên. Rồi thì quả đấm ấy trúng đích. Cái cảm giác đau nhói loé lên như một tia lửa điện, đồng thời một màn đen kịt bao trùm lấy anh.
Khi mở mắt ra, Tôm Kinh thấy anh đang ở góc võ đài của mình, anh nghe thấy tiếng la hét của khán giả ầm vang như tiếng gầm của sóng bạc đầu ở bờ biển Bonđi (3). Một miếng bọt bể đẫm nước nằm ép phía dưới đầu anh, Xít Xalivơn đang phun nước lạnh thành từng dòng bụi nước mát dịu lên mặt, lên ngực anh. Đôi găng ở tay anh đã được tháo ra, Xenđơn cúi xuống phía anh, đang bắt tay anh. Anh không thù oán người đã hạ được anh, anh chân thật nắm chặt tay Xenđơn, những khớp xương ngón tay bị giập nát của anh đau đớn. Rồi Xenđơn bước ra giữa võ đài, khán giả ngừng mọi sự huyên náo để nghe Xenđơn nhận lời thách thức của anh chàng trai trẻ Prontô và tăng tiền đặt cuộc đã lên tới một trăm bảng. Tôm Kinh lãnh đạm nhìn trong lúc các tay săn sóc của anh lau khô nước đang chảy ròng ròng trên người anh, lau khô mặt anh và chuẩn bị đưa anh rời võ đài. Anh cảm thấy đói. Đó không phải là cái cảm giác âm ỉ, bình thường, mà là một cảm giác hết sức khó chịu, một sự co thắt ở tận đáy dạ dày, lan đến toàn bộ cơ thể. Anh nhớ lại cái giây phút trong trận đấu anh đã nắm được Xenđơn đang lảo đảo loạng choạng, đứng cheo leo bên bờ vực thẳm thất bại. Trời ơi, miếng bít-tết đó nếu có hẳn đã làm nên chuyện rồi! Anh đã thiếu nó đúng cho cú đấm dứt điểm, và anh dã thua. Tất cả chỉ vì miếng bít-tết.
Các tay săn sóc cho Tôm Kinh đỡ anh trèo qua dây thừng. Anh rời họ ra, tự mình trèo qua dây thừng, không cần người đỡ, và nặng nề nhảy xuống sàn nhà, rồi đi theo họ lúc họ đang cố dẹp đám đông chen chúc ở giữa lối đi trung tâm lấy lối cho anh. Anh rời buồng thay quần áo, đi ra đường; trong lối vào hành lang, một tay thanh niên hỏi:
- Tại sao anh lại không xông vào? Đã nắm hắn trong tay, tại sao anh lại không cho nốc-ao?
- Trời ơi, đi đi! – Tôm Kinh thốt lên, rồi bước theo các bậc thềm xuống tới vỉa hè.
Mấy cánh cửa của quán rượu ở góc phố đang đung đưa mở rộng, anh nhìn thấy những ánh đèn và các cô hầu bàn, nghe thấy nhiều giọng nói đang thảo luận về trận đấu và tiếng tiền đập trên mặt quầy. Một người nào đó gọi anh vào uống rượu. Anh ngần ngừ nghĩ ngợi, rồi từ chối và tiếp tục đi.
Anh không còn một xu dính túi, đoạn đường hai dặm về nhà tựa như quá dài. Chắc chắn là anh già mất rồi. Lúc ngang qua khu Đômênơ, đột nhiên anh ngồi xuống một cái ghế, cảm thấy mất can đảm bởi nghĩ đến việc vợ anh đang thức đợi anh, cố chờ để biết kết quả trận đấu. Thật là khó hơn bất kì một trận đo ván nào, tựa như không thể nào chịu đựng được.
Anh cảm thấy yếu đi và đau đớn, những khớp xương ngón tay bị giập nát đau buốt báo cho anh biết rằng, ngay cả khi tìm được việc đào đất thuê, phải một tuần nữa thì anh mới có thể nắm được cán cuốc, cán xẻng. Sự cùng khổ bao trùm lên con người anh, mắt anh ươn ướt bất thường. Anh úp mặt vào hai bàn tay, và khi nức nở khóc, anh nhớ đến Xtôsơ Bin, nhớ lại việc anh đã gây cho anh ta vào tối đó, cách đây đã lâu lắm rồi. Anh bạn già Xtôsơ Bin đáng thương! Lúc này, Tôm Kinh đã có thể hiểu lí do tại sao Bin đã phải khóc trong buồng thay quần áo./.
Chú thích
(1) Nêmêdit: theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần Nêmêdit là vị thần phần phối lại công lí.
(2) Insơ: đơn vị đo chiều dài, bằng 2.54 cm.
(3) Bờ biển Bonđi ở phía đông nam châu Úc, cạnh thành phố Bonđi.