Số lần đọc/download: 982 / 5
Cập nhật: 2021-10-31 03:00:45 +0700
D
ưới đèn Lưu Sảnh gặp Chu Văn
Sư Hậu Yên Sơn ngộ cố nhân.
Sống chết tách rời luôn thế mãi,
Thâm tình cần nhất chốn nhân gian.
Năm Trung Hòa thời Đại Đường, ở Bắc Lăng có một người tài tử, họ Thôi tên Hộ, rất mực phong lưu tuấn nhã, tài mạo vô song. Bỗng gặp lúc triều đình mở khoa thi, Thôi Hộ thu xếp đàn kiếm hòm sách, đi đến Trường An dự thi. Lúc đó đã cuối xuân, Thôi Hộ tạm rời chỗ trọ, đến khu vực Nam Giao ngoài thành du ngoạn. Bỗng cảm thấy miệng khát họng khô, môi bỏng mũi nóng. Thôi sinh miệng khát, chẳng có suối đầm để uống. Chỉ thấy có một chỗ: hoa đào rực rỡ như lửa, thùy liễu biếc xanh như khói, hàng rào trúc, nhà tranh, tường đất vàng, cửa sổ trắng, tiếng chó gâu gâu trong đào nguyên, tiếng vàng anh lýu lo trong liễu biếc. Thôi Hộ đến gõ cửa, tìm một ngụm nước uống. Đứng hồi lâu, không thấy ai ra. Đang lúc không biết làm thế nào, bỗng nghe thấy trong nhà có tiếng cười. Thôi sinh vội tiến đến nhìn qua khe cửa: tiếng cười đó nguyên là của một cô gái, khoảng mười sáu tuổi. Người con gái đó ra mở cửa. Thôi sinh nhìn thấy, miệng rất rát, họng thấy khô, môi thấy bỏng, mũi thấy nóng. Vội vàng vòng tay tiến lên thi lễ, nói: "Xin bái chào tiểu nương tử". Người con gái cất giọng thánh thót du dương đáp lễ chúc lời vạn phúc, nói: "Quan nhân chiếu cố đến nhà tranh, có gì dạy bảo?". Thôi sinh nói: "Tiểu nhân là Thôi Hộ ở Bác Lăng, chẳng có việc gì khác, chỉ vì đường xa miệng khát, đến xin một thìa nước để uống rồi đi". Cô gái nghe xong, không nói gì. Vội vàng đi vào trong, dùng bàn tay ngọc, lấy âu sứ, rót ra nửa âu trà, đưa cho Thôi sinh. Thôi sinh nhận lấy, đưa lên miệng, thật là mát thấu ruột gan, cảm ơn rồi ra đi. Vì muốn mưu cầu công danh, nên phải đi thi. nào ngờ vận may chưa đến, bảng vàng không thấy tên, liền rời Trường An, vội vội vàng vàng trở về quê nhà. Thoắt đã một năm. lại đến khoa thi. Thôi sinh lại lên đường đi dự thi. Nhớ tới cố nhân, tạm xếp việc thi cử sang một bên, vội đi đến phía nam đô thành, trên đường đi ngó đông ngó tây, chỉ sợ không nhận ra chỗ ở của cô gái năm ngoái. Chẳng mấy chốc đã đến trước cửa nhà tranh, vẫn đào thắm liễu xanh, chó sủa oanh kêu. Thôi Hộ đi đến trước cửa, thấy vắng vẻ không người, trong lòng nghi hoặc. Đi đến khe cửa nhìn vào, cũng chẳng thấy bóng dáng một ai. Bồi hồi một lúc, đi đến bên cửa sổ gỗ trắng, viết một bài thơ bốn câu:
Ngày này, năm ngoái, cửa đây,
Hoa đào, mặt ngọc, hây hây ánh hồng.
Mặt ngọc đâu, để vắng không?
Hoa đào bỡn cợt gió đông vẫn cười.
Để rồi, đi về. Ngày hôm sau, thấy lòng không yên, lại đến xem sao. Bỗng thấy kẹt một tiếng, cửa mở, một người bước ra. Thấy: Râu mày như cước, tóc lưa thưa. Thân mặc đạo bào trắng, tay cầm cây gậy trúc vân hoa: Tựa như khách bốn biển ngao du, giống như người ngồi trên bàn đá, một mình bên suối buông câu.
Ông lão nói với Thôi sinh: "Quân có phải là Thôi Hộ?". Thôi sinh nói: "Xin bái chào trượng nhân, chính là kẻ thấp hèn này. Không rõ làm sao trượng nhân biết được?". Ông lão nói: "Quân đã giết con gái ta, làm sao không biết?". Thôi Hộ nghe nói sợ hãi tái mặt, nói: "Kẻ thấp hèn chưa từng vào trong nhà lão trượng, sao lại nói vậy?". Lão trượng nói: "Con gái ta năm ngoái chỉ có một mình ở nhà, gặp quân đến xin nước uống. Quân đi rồi, mê man như say, không rời giường chiếu. Hôm qua bỗng nói: "Ngày này năm ngoái đã gặp Thôi lang, ngày hôm nay chắc sẽ lại đến". Đi ra trước cửa, đứng đợi một ngày, không thấy. Quay mình ngẩng đầu, bỗng thấy bài thơ trên cánh cửa gỗ trắng, khóc to một tiếng, ngã lăn ra đất. Lão đỡ vào trong phòng, suốt đêm không tỉnh. Buổi sớm, bỗng mở mắt nói: "Thôi lang đến rồi, cha hãy ra nghênh tiếp". Hôm nay, quả nhiên quân đến, chàng phải liệu định sao. Giờ xin mời vào trong nhà xem". Ai ngờ khi Thôi sinh bước vào trong cửa, bên trong bỗng có tiếng khóc. Khi nhìn kỹ, nàng đã chết rồi. Lão trượng nói: "Lần này chàng phải đền mạng!". Thôi sinh lúc đó vừa sợ vừa đau đớn. Liền đi đến bên giường, ngồi duỗi chân bên cô gái, nâng đầu nàng, đặt trên đùi, thơm vào mặt nàng mà nói: "Tiểu nương tử, Thôi Hộ đây". Khoảnh khắc, cô gái ba hồn lại tụ, bảy vía lại trùng sinh, chỉ trong một giây phút, đã đi lại được. Lão trượng mưòi phần hoan hỉ. Liền đem hộp đồ trang sức ra, nhận Thôi Hộ làm rể. Về sau Thôi Hộ phát tích làm quan, vợ chồng một đời đoàn viên. Thực là:
Trăng khuyết lại tròn,
Gương vỡ lại lành,
Hoa rụng lại nở,
Người chết hồi sinh.
Tại sao ngày nay nói đến đoạn này? Đây là truyện từ cái chết sống lại. Nay nói về một cô gái đa tình, không may gặp một thiếu niên phong lưu, không thể kết hôn, mất đi tính mệnh, biến thành một người khác động phòng hoa chúc. Thực là:
Có duyên nghìn dặm gặp nhau,
Không duyên đối mặt mà sao cách vời!
Cô gái này gặp người nào vậy? Nguyên ở phủ Khai Phong, Đông Kinh triều Tống, có một viên ngoại, họ Ngô tên Tử Tư. Bình sinh là một người chân thực, chỉ sinh được một người con trai, tên gọi Ngô Thanh. Đúng là con một, rất được yêu quý nuông chiều. Vị viên ngoại này yêu quý con trai đến mức một ngày cũng không cho ra khỏi cửa. Người con trai này lại là một kẻ phong lưu phóng túng, chỉ thích kết giao bằng hữu, kiếm liễu tìm hoa. Bỗng một hôm, có hai người bạn đến thăm, thuộc dòng dõi lá ngọc cành vàng, con rồng cháu phượng, là con tôn thất Tiết độ sứ Triệu Bát, anh em hai người, anh tên là Ứng Chi, em là Mậu Chi, đều là những kẻ ném tiền qua cửa sổ. Hai anh em nhờ người trong viện thông báo. Ngô tiểu viên ngoại mời trà xong, hỏi: "May được ân giáng, không biết sẽ phải thực hiện lệnh gì đây?". Hai người nói: "Nay là tiết Thanh Minh, ở chỗ hồ Kim Minh, trai gái tấp nập, người đi chơi đông như kiến. Muốn cùng túc hạ đi du ngoạn, tôn ý thế nào?". Tiểu viên ngoại rất mừng, nói: "Ơ hai huynh không chê hàn tiện, xin được cùng đi". Tiểu viên ngoại liền gọi tiểu đồng gánh rượu và các thức nhắm, chuẩn bị ba con ngựa, cùng hai người đến hồ Kim Minh. Đào Cốc học sĩ có thư đề:
Vạn chỗ sênh ca tỉnh nối say,
Quanh hồ rèm lụa khói lam quây.
Cửu trùng cung điện che mây biếc,
Nhật chiếu càn khôn ngũ sắc vây.
Mặt sóng cầu vươn đường thượng giới,
Bên bờ du khách ngắm mê say.
Thuyền rồng ngự giá vua ban yến,
Vạn tuế gió thuyền tiếng hô bay.
Ba người du ngoạn quanh hồ, chỉ thấy:
Như gấm đào hồng, như khói liễu xanh. Từng đôi bướm phấn bay giữa hoa, từng cặp hoàng anh nhảy trên cành. Giẫm cỏ gái trai lũ lượt đến, thưởng ngoạn du nhân đoàn lại đoàn.
Ba người kiếm một chỗ trống, ngồi uống rượu một hồi. Ngô tiểu viên ngoại nói: "Hôm nay trời rất đẹp, chỉ tiếc thiếu một người mời rượu". Hai anh em họ Triệu nói: "Rượu uống đã đủ rồi, ngồi mãi một chỗ không bằng đi dạo chơi tiêu khiển, xem trai gái du xuân". Ba người dắt tay nhau cùng đi. Vừa được mấy bước, bỗng một làn gió thơm thoảng qua, giống như xạ hương, lại có mùi son phấn. Ngô tiểu vương ngoại tiến lên đón làn gió thơm đó. Chợt thấy một tốp phụ nữ, như trăm hoa đua sắc, vạn cỏ khoe tươi. Ở giữa có một vị nương tử, chừng mười lăm, mười sáu tuổi, mình mặc áo hạnh hoàng, người trông: Mắt như nước mùa thu, mày tựa núi mùa xuân, tóc như mây cuộn, chân tựa nhụy sen, hai quả anh đào phân môi thắm, một nhành liễu dương đấu lưng ong. Chưa biết mùi hương của tấm thân ấm áp, đã thấy rõ là một giai nhân phong nhã mười phần.
Ngô tiểu viên ngoại trông thấy chỉ lăm le muốn giáp mặt. Nhưng bị anh em họ Triệu kéo lại, nói: "Con gái nhà lành, không được đùa cợt. Sợ rằng ở đây tai mắt rất nhiều, sẽ dẫn đến tai họa". Tiểu viên ngoại tuy nghe theo, nhưng chẳng khác gì một kẻ hồn vía đã ra đi. Vị tiểu nương tử đó theo đám phụ nữ đi mất. Tiểu viên ngoại và hai anh em họ Triệu chào biệt nhau rồi về. Tiểu viên ngoại về nhà suốt đêm không ngủ, nói: "Thực là một cô gái mười phần xinh đẹp. Chỉ tiếc một điều là không hỏi rõ họ tên và chỗ ở. Nếu biết được, nhờ người làm mối đến cầu thân, chắc cũng có thể được ba phần may mắn". Ngày hôm sau, lòng dạ không yên, mặc quần áo đẹp, lại hẹn hai anh em họ Triệu, đến hồ Kim Minh để tìm tung tích người đẹp đã gặp ngày hôm qua.
Rõ ràng đường chốn Dương Đài,
Mà sao không gặp được người làm mưa.
Ngô tiểu vương ngoại đi trong đám du nhân, tìm đi tìm lại, không thấy vị tiểu nương tử đã gặp ngày hôm qua, trong lòng buồn phiền không vui. Triệu đại ca nói: "Túc hạ trong lòng không vui, muốn tìm hứng xuân mà chiêu đạt. Lúc này trong các quán rượu, thường có thiếu phụ bán rượu. Hai anh em ngu đệ xin dẫn túc hạ đến đó, nếu thấy vui mắt, sẽ mua ba chén, cũng coi như hưởng một trận gió xuân, thế nào?". Tiểu viên ngoại nói: "Bọn kỹ nữ này, hoa tàn liễu gẫy, người có học thường ngày không để ý". Triệu nhị ca nói: "Nhà số năm phố bắc, có một quán rượu nhỏ, rất chi tinh nhã. Ở đó có một cô gái đong rượu, rất có nhan sắc, tuổi chừng đôi tám, chỉ có điều là thường không xuất hiện". Tiểu viên ngoại bỗng nhiên nói: "Phiền dẫn đến xem". Ba người đi đến phố bắc, quả nhiên thấy một quán rượu nhỏ, bên ngoài hoa trúc tốt tươi đều đặn, bên trong chén đĩa bày la liệt. Triệu nhị ca chỉ tay nói: "Nhà đó đây rồi". Ba người đi vào trong cửa, im lặng không một tiếng người. Liền gọi một tiếng: "Có ai không? Có ai không?". Trong giây lát, như có như không, cảm thấy có một cô gái tuổi chừng mười lăm, mười sáu yêu kiều xinh đẹp như hoa, đi ra. Vừa thấy cô gái, ba chàng trai đã cùng cúi đầu vòng, nói: "Xin bái lễ tiểu nương tử". Cô gái đa tình thấy ba người, lòng xuân bỗng dậy, không kìm giữ nổi, chân đã bước ra, trở vào không được. Nàng bèn ngồi xuống bên cạnh ba người, rồi gọi Nghênh Nhi mang rượu đến. Cả bốn người đã biết mừng vui là thế nào! Bốn miệng cùng cất tiếng, ai cũng nói về chuyện chọn bạn trăm năm. Vừa uống cạn chén rượu, bỗng nghe tiếng la hí, tiếng bánh xe lọc cọc, hóa ra là cha mẹ cô gái đi viếng mộ đã trở về. Ba người mất hứng đành vội chia tay.
Sắc xuân nhanh chóng phai tàn, không còn đi chơi cảnh đẹp được nữa, trong lòng nhớ nhung, mộng thấy mỹ nhân. Chớp mắt, lại một năm trôi qua. Ba chàng trai không hẹn mà gặp, lại tìm đến nơi cũ. Thoáng chốc đã đi đến cái nơi định đến. Nhưng chỉ thấy cửa nhà vắng vẻ, không biết người đong rượu ở nơi đâu. Ba người nghỉ ngơi một chút, rồi đi hỏi tin tức, thấy ông lão và bà lão năm ngoái đi ra, ba người nói: "Xin bái lễ hai cụ. Có rượu xin cho một bình". Rồi lại hỏi: "Trượng nhân, năm ngoái đến đây, thấy có một tiểu nương tử đong rượu; hôm nay sao không thấy?". Ông lão nghe hỏi, rơi hai hàng lệ, nói: "Bẩm quan nhân, già này họ Lư tên Vinh. Cô gái đong rượu năm ngoái mà quan nhân trông thấy chính là con gái già này, tiểu danh là Ái Ái. Ngày này năm ngoái cả nhà tôi đi viếng mộ, không biết có ba đứa chết tiệt từ đâu đến, cùng nó uống rượu, thấy tôi về liền bỏ đi. Giữa hai bên đã xảy ra những gì, không được biết. Hai vợ chồng già chúng tôi có trách mắng nó mấy câu, ai ngờ tính nó quá tự trọng, thoắt buồn thoắt vui, không ăn không uống, mấy ngày sau thì chết. Cái gò nhỏ ở sau nhà, chính là mộ của nó đó". Nói rồi, nước mắt lã chã tuôn rơi. Ba người không dám hé miệng hỏi thêm, vội vã trả tiền rượu, lên ngựa ra về, suốt dọc đường đi, thấy lòng thương cảm. Quay đầu nhìn lại, lệ rơi ướt áo, không thể nguôi lòng. Thực là:
Đêm khuya tiếng ồn tạm lắng,
Đài hồ trăng sáng lung linh.
Đọng ngưng cảnh trời thanh vắng,
Ban ngày có sự hoàn sinh.
Trong lúc ba người đang đi, bỗng thấy một phu nhân, lụa trắng trùm đầu, lắc la lắc lư, nửa tiến nửa lui. Phu nhân nhìn ba người, khe khẽ chúc lời vạn phúc. Ba người như say như mê, không biết nên làm thế nào. Nếu nói phu nhân đó là ma, sao quần áo có đường khâu, thân hình có bóng trên mặt đất; nếu nói là mộng, sao véo thịt thấy đau. Chỉ thấy phu nhân đó nói: "Các quan nhân hẳn nhận ra nô gia, người năm ngoái đã gặp bên hồ Kim Minh. Hôm nay các quan nhân đến gặp nô gia, cha mẹ nói dối rằng nô gia đã chết, đắp một cái mộ giả, cốt để đánh lừa các quan nhân. Nô gia nghĩ rằng kiếp trước có duyên, may mà tương ngộ. Nay nô gia đã dọn đến một cái lầu nhỏ ở trong một ngỏ hẹp trong nội thành, vẫn rót rượu trong. Nếu không chê bỏ, cố xin mời hạ cố". Ba người liền xuống ngựa cùng đi bộ. Chẳng mấy chốc đã đến nơi cần đến. Đi vào trong cửa, chỉ thấy: Lầu nhỏ liền vườn, sau trướng ẩn xuân. Mái hiên thấp đẹp mắc rèm hồng, gác uốn xa xa rủ trướng gấm. Nửa sáng nửa tối, người ở chỗ khuất ánh sáng soi; trăm tía ngàn hồng, xuân tràn cảnh vật nơi nơi.
Lên tới trên lầu, cô gái gọi: "Nghênh Nhi, mau bày rượu, để chúc mừng ba vị thư sinh". Thời gian như ngừng trôi, rượu uống thích khẩu. Cô gái khéo léo chuốc rượu. Hát một bài hát du dương, nhảy một điệu múa yêu kiều, gảy một khúc đàn thánh thót, nói những lời êm dịu ngọt ngào. Hai anh em họ Triệu uống xong, chào biệt ra về. Ngô tiểu viên ngoại quay mình vươn tay, bá đôi vai thơm, ôm tấm lưng ong, coi lầu là giường, nổi trận mây mưa. Ngủ đến khi trời sáng, trở dậy rửa mặt chải đầu, hai người quấn quýt, chẳng chịu rời nhau. Ngô tiểu viên ngoại đốt hương thề nguyện, cắn tay thề ước. Cô gái che mặt, tủm tỉm bước vào nhà trong. Ngô tiểu viên ngoại về nhà, trong lòng buồn bã. Cha mẹ thấy Ngô Thanh về, hỏi: "Con trai, đêm qua nghỉ ở chỗ nào? Làm cho cha mẹ suốt đêm không ngủ, mộng mị lung tung". Tiểu viên ngoại nói: "Thưa cha mẹ, có hai vị hoàng thân quốc thích muốn con ở lại, con đành phải nghe theo". Cha mẹ nghe nói là các vị hoàng thân, lại đã từng đến nhà chơi, không ai nghi ngờ gì. Ai ngờ mối tình đã vướng, không thể gỡ ra. Có thơ làm chứng như sau:
Gai gốc rẫy bằng, lầu dựng xây,
Trên lầu đàn hát, đỉnh vui say.
Tiếng cười chưa dứt đã ly biệt,
Gai gốc xưa kia lại mọc đầy.
Tiểu viên ngoại và cô gái, tình cực sâu đậm, không sao tả xiết. Thực là:
Giai nhân yểu điệu đang xuân sắc,
Tài tử phong lưu lúc thiếu niên.
Tiểu viên ngoại tình ý vương vấn, không quá hai ngày, lại đến qua đêm cùng cô gái. Chỉ có một điều là, mỗi khi gặp cô gái thì tự thấy tinh thần phấn chấn gấp trăm lần, dung mạo hơn hẳn lúc bình thường; nhưng khi về đến nhà thì sắc mặt tiều tụy, thân thể khô cằn, dần dần giống như ma quỷ trông không còn ra dáng con người. Chẳng thiết ăn uống, chẳng cần thuốc thang. Cha mẹ thấy con trai như vậy, phụ tử tình thâm, chẳng cần quan tâm đến tình bằng hữu, cũng chẳng quản là hoàng thân hay quốc thích, mời hai anh em công tử họ Triệu đến, nói rằng: "Không biết hai huynh những ngày trước đây đã đem con tôi đi làm những điều gì không phải? Đến nỗi nay nó bị bệnh nặng. Nếu chữa trị được, một lời cũng không dám nói; vạn nhất có điều gì không lường trước được, thì không thể không đi đánh trống kêu oan, lúc đó xin đừng trách già này là không phải". Hai anh em họ Triệu nghe xong, thì thầm bàn với nhau: "Chúng ta tuy là cành vàng lá ngọc, nhưng quốc pháp rất nghiêm: nếu ta ngay thẳng như mọi người bình thường thì chẳng sao; nếu có điều gì sai phạm, tội không phải nhỏ. Vạn nhất bị ông lão cáo giác, thì chúng ta đều không có lợi". Vội vã trả lời: "Thưa cụ, bệnh của hiền đệ, vốn không phải do lỗi của anh em chúng tôi". Rồi đem chuyện gặp người con gái đa tình đẹp như hoa ở quán rượu gần hồ Kim Minh, từ đầu chí cuối thuật lại một lượt. Ông lão cả kinh, nói: "Nói như vậy, con tôi bị ma ám rồi! Hai vị có kế hay gì xin hãy chỉ bảo". Hai người nói: "Có Hoàng Phủ Chân Nhân, ông ấy có kiếm trảm yêu, hãy mời ông ấy đến trổ tài pháp thuật, đuổi con ma này đi, mới lành bệnh được". Ông lão bái tạ, nói: "Trăm sự đều nhờ hai vị". Hai người liền đi ngay.
Họ đến một ngọn núi xa, tới một nơi sâu kín, có mây trắng bay ra, trông thấy một cái am tranh: Nóc lợp tranh vàng, tường xây đá trắng. Rừng tùng xanh tốt đêm hạc bay về, ao nhỏ trời soi rùa ra phơi nắng. Ngô đồng liễu rủ bóng bên đường, vượn xanh hạc trắng, trước cửa chờ trông.
Trong giây lát, có tiểu đồng từ trong am đi ra, nói: "Có phải hai vị đến tìm sư phụ đi cứu người không?". Hai người nói: "Chính phải, nhờ tiểu đồng vào báo giúp". Tiểu đồng nói: "Nếu là bệnh khác, sư phụ tôi không đi đâu, người chỉ chuyên trừ con yêu tinh tình dục. Tại sao vậy nào? Tình có thể sinh ra người, cũng có thể là chết người. Sinh người là cái tâm của đạo gia, chết người là điều kỵ của đạo gia". Hai người nói: "Chính là trừ con yêu tinh tình dục, cứu người khỏi chết". Tiểu đồng vội quay vào, mời Hoàng Phủ Chân Nhân ra. Chân Nhân nghe tiểu đồng nói bèn bảo: "Ta phải đi một chuyến". Rồi cùng theo đường quanh co đi đến nhà Ngô viên ngoại. Vừa đến trước cửa đã nói: "Tà khí quá nặng, chín phần chết một phần sống, chỉ có một con đường có thể cứu mệnh". Hai vợ chồng Ngô viên ngoại nghe nói sợ hãi vội quỳ xuống nói với Chân Nhân: "Xin ra oai pháp thuật, cứu tính mệnh cho nhà chúng tôi". Chân Nhân nói: "Viên ngoại hãy làm theo lời tôi, mau đến một nơi ở phía tây cách đây ba trăm dặm để lánh nạn. Nếu đến nơi đó, con ma này chắc chắn cũng sẽ đến theo. Nếu trong vòng một trăm hai mươi ngày, con ma này không đến, thì không thể cứu được". Viên ngoại tuân theo. Dọn bữa cơm chay, mời Hoàng Phủ Chân Nhân ăn. Chân Nhân ăn rồi chào từ biệt mà đi. Lão viên ngoại vội thu xếp hành lý cho tiểu viên ngoại đi đến Tây Kinh phủ Hà Nam tránh nạn.
Tiểu viên ngoại mời hai vị công tử họ Triệu cùng đi. Trên đường đi, do phải leo núi vượt khe, lội suối qua cầu, nên lúc có bạn lúc không có ai bên cạnh, nhưng mỗi khi tiểu viên ngoại ăn cơm thì cô gái ở bên cạnh đưa các món ăn. Khi tiểu viên ngoại đi ngủ thì cô gái ở bên cạnh cởi quần áo; nếu tiểu viên ngoại đi nhà xí thì cô gái cầm quần áo. Ở đâu cũng không tránh được, lúc nào cũng không chịu xa rời. Thoáng cái đã ở Lạc Dương được mấy ngày. Rồi một hôm, chợt nhớ ra đã được một trăm hai mươi ngày. Làm thế nào cho tốt đây? Hai vị công tử và những người đi bảo vệ tiểu viên ngoại, đưa nhau đến tửu lâu giải buồn, vừa lo sợ, ai nấy đều nước mắt lưng tròng. Sợ tiểu viên ngoại trông thấy, vội vàng lau đi. Tiểu viên ngoại đờ đẫn, không biết làm thế nào. Đang lúc cúi đầu dựa lan can, thì vừa khéo, Hoàng Phủ Chân Nhân cưỡi la đến. Tiểu công tử trông thấy, vội vàng chạy xuống lầu, bái lạy giữa phố, rồi níu lấy Chân Nhân, cầu xin cứu độ. Ngô Thanh và những người cùng đi đều đến quỳ lạy cầu cứu. Chân Nhân liền lên tửu lâu, lập pháp đàn, đốt hương, chân bước tay múa, mồm miệng chú lầm rầm. Làm lễ xong, lấy một thanh bảo kiếm đưa cho tiểu viên ngoại, nói: "Tính ra, viên ngoại hôm nay phải chết. Hãy cầm lấy thanh kiếm này, cho đến tối phải đóng chặt cửa. Lúc hoàng hôn sẽ có người đến gõ cửa. Không cần hỏi xem là ai, cứ cầm thanh kiếm này chém ngay lập tức. Nếu may ra, chém được con ma đó, viên ngoại sẽ sống; nếu không may chém phải người khác, viên ngoại đành phải đền mạng. Đằng nào cũng chết, làm sao mà thoát được". Dặn dò xong, Chân Nhân cưỡi la ra đi. Tiểu viên ngoại nhận kiếm, đóng chặt cửa, đợi trời tối. Hoàng hông dần đến, bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa lộc cộc. Tiểu viên ngoại không lên tiếng, bất chợt mở cửa ra, vung kiếm chém liền, cảm thấy có người theo đường kiếm bay ngã xuống. Tiểu viên ngoại vừa sợ, vừa mừng, tim đập thình thịch. Gọi liên tiếp: "Mau thắp đèn lên". Mọi người dốt đèn lên soi, cả chủ quán cũng đến.
Chủ quán nhận ra người bị chém, đó là tên hầu nhỏ A Thọ, mới mười lăm tuổi. Vì có việc phải ra phố, bị nhốt ở bên ngoài, nên phải gõ cửa, vừa lúc đó thì bị kiếm chém chết. Lúc đó, trong quán ồn ào náo động, người có trách nhiệm ở địa phương đến, thấy có án mạng, liền trói ngay tiểu viên ngoại lại. Hai vị công tử họ Triệu cũng bị trói. Đợi đến sáng hôm sau, sẽ đưa đến phủ Hà Nam. Quan Đại doãn nghe có vụ giết người, đọc tờ trình, giao cho Ngục tư xét hỏi. Ngô Thanh đem việc Hoàng Phủ Chân Nhân dặn chém yêu quái, kể ra một lượt. Ngục tư nói: "Đây là lời nói hoang đường. Nay đã chém chết tên hầu nhỏ, rõ ràng là mạng người, làm sao chối được!". Liền thét thủ hạ dùng hình. Nhưng những người đi theo tiểu viên ngoại đã đút lót tiền bạc đầy đủ cả rồi. Cho nên ngục tốt vội bẩm: "Ngô Thanh ốm đã lâu chưa khỏi, không thể chịu hình. Còn hai vị tôn thất, chỉ mắc tội nhỏ liên can mà thôi". Ngục quan mượn gió bẻ măng, ra lệnh giam Ngô Thanh lại, đợi khi khỏi bệnh sẽ xét xử, hai vị công tử họ Triệu thì cho tại ngoại. Ra lệnh cho địa phương đặt xác tên hầu nhỏ vào quan tài, đợi trên xét nghiệm, trảm yêu kiếm là hung khí thì đưa vào trong kho. Lại nói Ngô tiểu viên ngoại ban đêm ở trong ngục rơi lệ than rằng: "Cha mẹ sinh ra chỉ có một ta, từ nhỏ nửa bước không rời, sao hôm nay phải chết ở quê người! Nếu sớm biết thế nào cũng chết, thỉ rời quê ra đi làm gì cho khổ đến nỗi này!". Lại than tiếp: "Tiểu nương tử, chỉ thấy được khi sống yêu nhau, chứ ai biết được sự quyến luyến sau khi chết, ân biến thành oán, làm cho ta cốt nhục phải chia ly, chết không có nơi chôn cất, ta khổ biết bao! Ta hận biết bao!". Than vãn đến nửa đêm, ngủ say lúc nào không biết. Mộng thấy cô gái đa tình đẹp như hoa, diêm dúa yêu kiều, tiến đến gần, cúi mình chúc lời vạn phúc, nói: "Tiểu viên ngoại đừng căm giận tiện thiếp. Tiện thiếp từ sau khi chết, đã làm cảm động Thượng Nguyên phu nhân lúc đó đang đi qua trên không, thương tiện thiếp vô tội chết yểu, truyền cho thuật thái dương luyện hình, giữ nguyên được hình hài như khi sống, được đi rong chơi trên khắp thế gian. Cảm tấm lòng tiểu viên ngoại còn thương nhớ, vì thế mới không biết xấu hổ mà theo. Cũng là số phận tiền duyên, có một trăm hai mươi ngày làm vợ chồng. Nay đã trọn vẹn, tiện thiếp sẽ tự đi. Đêm trước, tiện thiếp đến chào từ biệt, không ngờ viên ngoại lại sinh lòng ác, vác kiếm chém tiện thiếp. Hôm nay bác lại, phải chịu một đêm lao tù. Tên hầu nhỏ A Thọ, đang ở trong mộ cổ ở bên ngoài Đông Môn, chỉ cần quan phủ xét nghiệm lại tử thi, thì sẽ thoát tội. tiện thiếp cũng đã xin Thượng Nguyên phu nhân được hai viên ngọc tuyết đan, tiểu viên ngoại hãy thử dùng một viên, bảo đảm trăm bệnh tiêu trừ, nguyên khí trở lại như cũ; còn một viên, phải cất giữ cẩn thận, đợi đến ngày khác, nó sẽ giúp tiểu viên ngoại kết mối tơ duyên đẹp đẽ, báo đáp cái ân huệ một trăm hai mươi ngày vợ chồng vừa qua". Nói rồi, lấy ra hai viên thuốc, to bằng hạt đậu, màu đỏ, rõ ràng là hai viên thần dược. Cô gái lấy một viên cất vào ống tay áo tiểu viên ngoại một viên đút vào mồm tiểu viên ngoại, rồi nói: "Tiện thiếp đi đây, ngày chàng trở về quê ngàn lần cầu xin đến thăm mộ hoang của tiện thiếp, cũng là thể hiện tấm lòng của lang quân không quên mối tình cũ". Tiểu viên ngoại đang định hỏi cho tường tận, bỗng nghe thấy tiếng chuông kêu bên tai, giật mình tỉnh giấc. Trong miệng cảm thấy có mùi thơm lạ, trong bụng như có một cục lửa quay chuyển, mồ hôi ra như tắm. Phải đợi đến khi trời sáng mới hết mồ hôi, thân thể bỗng thấy khỏe mạnh. Tìm trong ống tay áo, viên ngọc tuyết đan vẫn còn, giống hệt như viên thuốc đã thấy trong mộng. Tiểu viên ngoại giấu biệt mối tình, chỉ nói lại lời nói của người trong mộng rằng cần xét nghiệm thi hài tên hầu nhỏ, là có thể biết được thật giả. Ngục tư bẩm lên quan Đại Doãn. Mở quan tài ra xem, chỉ thấy một cái chổi cũ, chẳng có một vật nào khác nữa. Đến tìm ở ngôi mộ cổ ngoài Đông Môn, thấy tên hầu nhỏ A Thọ như đang đắm chìm trong giấc ngủ say trong một cái quách đá vỡ, mọi người lấy nước gừng đổ cho uống, A Thọ tỉnh lại, hỏi tai sao lại đến đây và đến như thế nào, tên hầu nhỏ chẳng biết chút gì. Ngục tư đem A Thọ và cái chổi cũ đến trình trước mặt quan Đại doãn, gọi chủ quán đến nhận, quả thực A Thọ chưa chết, lúc đó mới biết tất cả đều do yêu nữ làm ra. Đại doãn đuổi mọi người lui ra. Hoàng Phủ Chân Nhân biết trảm yêu kiếm không linh, bỏ lên núi tu đạo. Hai anh em công tử họ Triệu đến đón tiểu viên ngoại, mồm liên tục nói: "Chúc mừng! Chúc mừng!". Chủ quán cũng đến tạ tội. Ba người từ biệt chủ quán, dẫn đám người hầu, hoan hỷ trở về phủ Khai Phong.
Cách thành hơn năm mươi dặm, có một thị trấn lớn, đoàn người đến nghỉ ở một quán trọ. Trông thấy trên tường của ngôi nhà lớn bên cạnh, dán một bảng yết thị mời danh y như sau:
"Nhà tôi có ái nữ bị bệnh nguy cấp, mê man, bất tỉnh. Danh y bốn phương, nếu ai chữa trị được, xin hậu tạ mười vạn bạc, hoa hồng rượu dê phụng nghênh, quyết không dám sai lời".
Ngô tiểu viên ngoại xem xong, hỏi tiểu nhị: "Nhà bên cạnh là nhà ai? Bị bệnh gì? Không có người biết sao?". Tiểu nhị đáp: "Đất này gọi là Chử gia trang, nhà bên cạnh là nhà của Chử viên ngoại. Có một người con gái đẹp như hoa như ngọc, tuổi mới mười sáu. Đã có nhiều người đến cầu hôn, nhưng lão viên ngoại vẫn chưa gả cho ai. Trong vòng một tháng, bỗng mắc một bệnh, phát điên nói nhảm, không thiết ăn uống. Rất nhiều thái y xem bệnh bốc thuốc, bệnh chỉ tăng không giảm. Thật đáng tiếc cho cô gái nết na, khó gặp trên đời. Nay xem ra sắp chết, hai vợ chồng lão viên ngoại ngày đêm kêu khóc, chỉ còn biết cầu thần lễ Phật, làm việc thiện để giải phúc, đã chi không biết bao nhiêu là tiền bạc rồi". Tiểu viên ngoại nghe nói, trong lòng mừng thầm, nói: "Tiểu nhị ca, phiền môi giới giúp, tôi muốn cưới cô gái này làm vợ". Tiểu nhị nói: "Tiểu nương tử đang thập tử nhất sinh, quan nhân nếu muốn cầu thân, hãy đợi khi khỏi bệnh". Tiểu viên ngoại nói: "Tôi biết trị bệnh cuồng. Không cần tiền bạc tạ ơn, chỉ cần đồng ý cho tôi thành hôn, tôi mà ra tay, bệnh ắt khỏi liền". Tiểu nhị nói: "Xin mời quan nhân ngồi, tiểu nhân lập tức đi chuyển lời". Chỉ trong giây lát, đã thấy tiểu nhị dẫn Chử công đến quán, cùng ba người tương kiến. Chử viên ngoại hỏi: "Chẳng hay vị tiên sinh nào có thể trị bệnh?". Hai anh em họ Triệu chỉ tay nói: "Vị Ngô tiểu viên ngoại này". Chử công nói: "Nếu tiên sinh chữa khỏi bệnh cho tiểu nữ, những lời viết trên tờ yết thị kia, quyết không sai một ly". Ngô tiểu viên ngoại nói: "Vãn sinh họ Ngô tên Thanh, nhà ở một phố lớn trong thành thuộc bản phủ. Cha mẹ đều còn, gia tư nhỏ bé, lẽ nào lại cho tiền thưởng vạn bạc là ít ỏi. Nhưng vãn sinh tuổi mới hai mươi, chưa thành gia thất. Từ lâu đã ngưỡng mộ tiểu nương tử dung mạo đức hạnh vẹn toàn, nếu được kết duyên Tấn Tần, sẽ xin nhận việc chữa trị, khỏi phải đi tìm Lư Biển". Hai anh em họ Triệu đứng bên cạnh, cũng nói nhiều lời tốt đẹp, Khoe nhà họ Ngô là danh môn phú thất, lại khoe tiểu viên ngoại là người trung hậu. Chử công yêu con gái, không việc gì không làm, nên cũng ưng thuận. Liền nói: "Nếu quả chữa khỏi bệnh cho tiểu nữ, già này xin đem hòm nữ trang nho nhỏ, gửi đến quý phủ thành hôn". Ngô Thanh nói với hai anh em họ Triệu: "Nay nhờ hai huynh làm mối, không thể chối từ". Chử công nói: "Đâu dám". Ngay sau đó, Chử công mời cả ba người đến nhà, thiết tiệc khoản đãi, Ngô Thanh nôn nóng, nói với lão viên ngoại: "Xin dẫn đến phòng của lệnh á, để xem bệnh cho thuốc". Chử công đi trước, Ngô Thanh theo sau. Cũng là duyên phận đương nhiên, Ngô tiểu viên ngoại vừa vào cửa, cô gái lập tức không điên nữa. Ngô tiểu viên ngoại giả vờ xem mạch, nhũ mẫu vén màn lên, chỉ nghe tiếng vòng vàng leng keng, một cánh tay ngọc ngà đưa ra. Thực là:
Chưa biết rõ mặt hoa,
Thấy trước bàn tay ngọc.
Tiểu viên ngoại xem mạch hai tay xong, như trông thấy thần thấy quỷ, nói: "Bệnh này do tà ma ám hại, ngoài vãn sinh ra, không ai có thể chữa khỏi". Nói rồi, lấy ra viên ngọc tuyết đan, hòa với nước giếng khơi, cho tiểu nương tử uống. Cô gái bỗng nhiên thấy tinh thần sảng khoái, bệnh đã khỏi hẳn. Chử công cảm tạ hết lời. Ban ngày, cả ba người cùng vui uống rượu tại nhà Chử công. Ban đêm, Chử công mời ngủ trong thư phòng. Sáng hôm sau, lại mời rượu. Hai anh em họ Triệu nói: "Quấy quả nhiều rồi, xin được cáo từ. Chỉ có điều là đối với việc hôn nhân của Ngô tiểu viên ngoại, không nên thất tín". Chử công nói: "Tiểu nữ mang ơn cứu bệnh, lẽ nào dám vong ân phụ nghĩa. Đâu dám coi lời hứa không bằng mạng sống của mình". Tiểu viên ngoại liền bái tạ nhạc phụ. Chử công bày lễ tiễn đưa. Ba người không nhận bất cứ một vật nào, chào từ biệt về nhà. Ngô lão viên ngoại thấy con khỏi bệnh trở về, mừng vui như thế nào, khỏi phải nói. Hai anh em họ Triệu đem việc hôn nhân nói ra, lão viên ngoại mười phần mỹ mãn. Chọn ngày ăn hỏi, sáu lễ đã xong, Chử công chuẩn bị đồ cưới nghìn vàng, thân tiễn con gái qua cửa thành thân. Ngô tiểu viên ngoại dưới ánh nến hoa, nhìn cô dâu, giật mình: thật giống mỹ nữ mặc áo màu hạnh hoàng đã gặp gỡ ở bên hồ Kim Minh trước đây. Qua năm bữa nửa tháng, vợ chồng quen hơi. Ngô tiểu viên ngoại hỏi vợ, quả là hai ngày trước tiết Thanh Minh năm ngoái, có vào thành thăm hỏi người thân, mình mặc màu áo hạnh hoàng, và có đến hồ Kim Minh du ngoạn. Thực là lòng người ước nguyện, trời cao xui khiến. Vị tiểu nữ họ. Chử cũng có tiểu danh là Ái Ái. Ngô tiểu viên ngoại đem chuyện này nói cho hai anh em họ Triệu biết, cả hai người đều cho là kỳ lạ: "Mối nhân duyên này đích thị do Lư nữ tác thành, không được quên ơn". Ngô tiểu viên ngoại ngay ngày hôm đó đến Lư gia điếm ở bắc hồ Kim Minh, kể chuyện về con gái của Lư gia, dân vàng gấm, bái nhận hai vợ chồng Lư Vinh làm nhạc phụ nhạc mẫu, xin được bốc mộ, mua quan tài cải táng. Lư công là dân thường nơi chợ búa, được viên ngoại nhận thân, nói gì cũng nghe. Tiểu viên ngoại xin âm dương chọn ngày tốt, trước tiên dùng ba con vật tế lễ, đốt đồ cúng, rồi sau đó đào mộ mở áo quan. Vị tiểu nương tử Ái Ái sắc mặt vẫn như lúc sống, mùi hương vẫn chưa tan, đó là nhờ thuật Thái Âm luyện hình mà có kết quả như vậy. Ngô tiểu viên ngoại ca ngợi hồi lâu. Cải táng xong, mời cao tăng cúng lễ bảy ngày bảy đêm. Đến đêm lại mộng thấy Ái Ái đến tạ ơn, từ đó mất hẳn tung tích. Về sau Ngô tiểu viên ngoại cùng Chử Ái Ái bách niên giai lão. Hai vợ chồng Lư công nhờ tiểu viên ngoại lo việc hậu sự, đó cũng là cái đức của tiểu viên ngoại.