N
ăm ấy, lũ chim không về làm tổ ở khu vườn. Bà ngoại tôi ngồi ở bậc thềm, nhìn vào khoảng không hun hút trước mắt. Trời không mưa không nắng, xám xịt một màu chì. Tôi không biết bà tôi nghĩ gì, nhưng chắc chắn là đang nghĩ. Dáng ngồi như thế, tấm lưng còn tựa vào cửa cũ, nửa như lơ đễnh, nửa như coi cánh cửa ấy là một điểm tựa.Ðúng rồi, cái cánh cửa là điểm tựa của bà. Bà ngồi như thế lâu rồi, từ ngày tháng năm này qua ngày tháng năm khác. Bà tựa vào tiếng răng của lũ mọt, hình như là hoài nhớ về những ngày đã qua nhiều hơn là nghĩ đến ngày mai. Tôi ôm con mèo cái già có bộ lông màu xám tro vào lòng, vuốt ve nó. Nó chừng như cũng đã mệt mỏi vì quãng đời có tuổi của mình mà không chờn vờn đôi bàn tay thô kệch của tôi, bộ ria mép chỉ hơi khẽ động đậy.Nó lim dim đôi mắt. Tôi thấy thái độ của nó giống bà tôi quá. So với lũ mèo, nó cũng có tuổi, nó cũng đã là một con mèo già. Mà già rồi thì hay mệt mỏi. Chắc lúc này ở trong tay tôi, nó cũng đang suy nghĩ, suy nghĩ theo kiểu loài mèo. Nó nghĩ gì thì chỉ có trời mới biết được (có khi loài mèo biết?). Nhưng tôi thầm nghĩ, biết đâu nó cũng như bà tôi, tức là đang hoài nhớ về cái thời đã qua thì sao? Tuổi thơ tôi là một chuỗi những ngày tháng không tên. Cứ lặng lờ lặng lờ, chẳng có gì sôi nổi. Tôi ở với bà từ ngày còn nhỏ. Ngày xưa dì Mân cũng ở với bà, nhưng dì Mân vì lý do nào đó tác động đến mà sinh mất trí, bỏ nhà đi lâu rồi. Ði, rồi từ đấy không về. Và cũng chẳng có tin tức gì, không biết còn sống hay đã chết. Thỉnh thoảng, tôi ngây ngô nhắc đến gì như một lẽ bình thường, bà tôi lại chảy nước mắt. Ông Hân, hàng xóm nhà tôi bảo: "Bà cháu đã mất hai anh con cả trong cuộc chiến. Mất cả mẹ cháu, bây giờ lại mất cô con gái ngay giữa thời bình....". Ông Hân nói thế rồi đi về nhà. Nhưng ông đã thức dậy trong tôi hình ảnh một người đàn bà bỏ con lại cho mẹ già, đi biền biệt. Người ấy là mẹ tôi, tôi chưa biết mặt mẹ bao giờ! Suốt những năm tháng hiện diện ở bên bà, tôi ít khi thấy bà tôi cười, hay đúng hơn là chưa bao giờ thấy bà tôi cười dù chỉ khe khẽ. Và tôi như nhánh mạ non mọc trên cánh đồng bà ngoại, cánh đồng ấy là vô cùng. Tôi cũng ít cười, ít khóc. Tôi là cái gì thì lẳng lặng làm theo ý mình. Làm xong rồi mới nhớ đến việc phải hỏi bà: "Bà thấy cháu làm cái này, (hay cái kia) thế nào? Có được không?". Những lúc ấy bà im lặng gật đầu và nhìn đi đâu. Hay cũng có khi bà mải vào bếp, dáng đi lệch đầy vẻ cam chịu, mà quên cả câu trả lời dành cho tôi. Mấy hôm nay con mèo cái gì có bộ lông màu xám tro bỏ đi đâu, không thấy về nhà. Bà tôi vẫn ngồi ở bậc thềm, nhìn vào khoảng không hun hút trước mặt. Trời không nắng, nhưng hưng hửng hơn một chút. Tôi không có con mèo để ôm nó vào lòng vuốt ve như mọi bữa, quay ra bẻ cọng rơm chổi nghịch đĩa cơm bà để phần nhỡ nó có về thì ăn. Nghịch chán, tôi ngồi tì tay lên má nhìn đàn kiến đen hành quân. Lũ kiến thì nhỏ nhoi nhưng hạt cơm thì kềnh càng, thế mà chúng cũng tha cho được. Tôi nghĩ vớ vẩn, bây giờ cho tôi cái giò mà to hơn người tôi một chút, không biết tôi có tha nổi không? Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến những người thợ thuyền. Nghĩ đến bà. Nỗi buồn bà mang làm gì có ranh giới. Rồi tôi lại lắc đầu. Chịu, không sao lý giải nổi. Ðêm. Trời nổi gió, nhưng mà không mưa. Tôi nằm bên bà, mắt thao láo nhìn lên những kèo, cột, giằng nhà. Bà hờ hững phe phẩy cái quạt nan, chẳng vào đâu, tôi không được mát, bà cũng không được mát! Chợt có tiếng động trên mái, tôi tập trung nhìn lên đó nhưng không thấy gì. Rồi có tiếng của con mèo già nhà tôi với tiếng của những con mèo lạ. Chúng chạy rầm rập trên mái, gào lên gọi nhau bằng những âm thanh nghe ghê rợn. Tôi dựng tóc gáy nép sát vào bên bà. Tôi nhớ ngày xưa đã có lần bà giải thích cho tôi rằng, mùa này là mùa lũ mèo tìm nhau. Loài mèo thuỷ chung lắm! Nhưng nghe tiếng kêu của chúng, tôi vẫn sợ. Tôi im lặng, nem nép, mắt mở trừng trừng. Chợt tôi nghe tiếng bà thở dài. Giữa lúc tiếng con mèo đực nào đó với tiếng con mèo cái già nhà tôi đáp lại nhau. Sau đó thì lặng im, chúng bỏ đi đâu mất... Qua thời gian đấy, con mèo cái già trở về nhà. Nó nằm trên bậc thêm sưởi nắng. Tôi thấy người nó to hơn, và có vẻ nặng nề, bữa ăn không hết đĩa cơm. Nó trở nên lười biếng, chỉ suốt ngày cuộn mình nằm ngủ. Bà tôi ngồi tựa cửa, nhìn sang nó, thở dài. Tôi không biết bà đang nghĩ gì, chắc vẫn chỉ có thế thôi! Có tin của cô tôi ở tỉnh nào đấy xa xa. Một buổi chiều, ông bưu điện tìm đến đưa cho bà tôi cái phong bì màu xanh xanh hồng hồng, thơm thơm mùi nước hoa. Tôi cầm nó xăm xoi. Từ bé tôi mới nhìn thấy cái phong bì đẹp như thế, cứ y như... Tây. Tối, ông Hân sang chơi, bà tôi đưa cái thư cho ông đọc. Ðọc xong ông Hân với bà tôi ngồi nói chuyện, tôi nằm ê a hát mấy bài hát trẻ con cũ rích, và ngủ quên từ lúc nào. Hôm sau ông Hân đi đâu đấy, không ở nhà. Ba hôm sau nữa.... Cho đến lúc trời xâm xẩm tối, ông Hân đeo lỉnh kỉnh Õ những cái túi ở đâu đó về thẳng nhà tôi. Uống ngụm nước bà tôi đưa, còn dở dang, ông Hân đứng lên dốc ngược mấy cái túi, các thứ lăn ra giường. Tôi ngạc nhiên giương mắt nhìn. Ông Hân cầm con búp bê tóc vàng: "Con búp bê này, dì Mân gửi cho cháu. Cầm lấy mà chơi!". Tôi ôm em bé búp bê, ngỡ như là trong tưởng tượng. Lần đầu tiên, tôi thấy bà tôi cười. Ông Hân phá bụi mây ngăn giữa hai nhà, tôi chạy loăng quăng như con loi choi mà ngồi chơi với em bé búp bê của mình: "Cháu sẽ gọi là ông ngoại". Ông Hân nghỉ tay vào thềm ngồi hút thuốc, bà tôi ngồi bên cạnh rót nước chè cho ông. Tôi nghĩ, ông Hân như cái cột lắp cánh cửa sắp rơi ra của nhà tôi, là chỗ cho bà tôi tựa. Năm ấy tôi mười tuổi. Năm ấy con mèo cái già có bộ lông màu xám tro đẻ được ba con. Hai con khoang và một con tam thể. Năm ấy bầy chim lại tìm về làm tổ, hót vang ở khu vườn.