Anger is like a storm rising up from the bottom of your consciousness. When you feel it coming, turn your focus to your breath.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
Triệu Bông Hồng
Tập thơ Andrei Andreevich Voznhesenski: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
 
Xưa một chàng họa sĩ
Có tranh và có nhà
Bỗng đem lòng yêu quý
Một nàng rất mê hoa
 
Và chiều lòng người đẹp
Để lấy tiền mua hoa
Chàng đã đem bán hết
Cả tranh và cả nhà
 
Chàng đã mua hàng triệu bông hồng
Ngoài cửa sổ cứ nhìn ta sẽ thấy
Rằng người yêu có yêu thật hay không
Khi bán nhà để mua hoa như vậy
 
Sáng hôm sau thức dậy
Nàng nhìn ra lặng người
Tưởng đang mơ vì thấy
Cả một rừng hoa tươi
 
Nàng ngạc nhiên, đang nghĩ
Ai đây chắc rất giàu
Thì thấy chàng họa sĩ
Đang tội nghiệp, cúi đầu
 
Họ gặp nhau chỉ vậy
Rồi đêm nàng đi xa
Nhưng đời nàng từ đấy
Có bài hát về hoa
 
Có chàng họa sĩ nọ
Vẫn vợ không , tiền không
Nhưng đời chàng từng có
Cả một triệu bông hồng
 
Chàng đã mua hàng triệu bông hồng
Ngoài cửa sổ cứ nhìn ta sẽ thấy
Rằng người yêu có yêu thật hay không
Khi bán nhà để mua hoa như vậy[1].
 
(Thái Bá Tân dịch)
Chú thích
1. Nikolai Aslanovich Pirosmanashvili (1862-1918) là một danh họa tự học người Gruzia, cả đời sống trong cảnh nghèo hèn và khốn khổ. Gần cuối đời, những sáng tác của ông mới được nhắc đến trên báo chí và chỉ sau khi qua đời, những họa phẩm của ông mới được đáng giá đúng mức.
Chuyện tình đơn phương huyền thoại giữa chàng hoạ sĩ “không nhà, không cửa, không gia đình, chỉ có một tình yêu” (lời của thân nhân Nikolai Aslanovich Pirosmanashvili và người đương thời quen biết ông) với nữ ca sĩ vũ nữ gốc Pháp – Margarita hồi ấy là tâm điểm của phòng trà, tiệm cà phê tại Tiflis (Gruzia) và trở thành đề tài của nhiều sáng tác văn học như quyển thứ năm “Về phương Nam”, trong loạt “Tiểu thuyết cuộc đời” của nhà văn Konstantin Pautovsky mang tựa đề “Tấm vải sơn tầm thường”; bài thơ “Triệu bông hồng” của thi sĩ Nga Andrei Voznesensky (1933-), về sau được nhạc sĩ, NSND Latvia Raimond Pauls (1936-) phổ nhạc năm 1983, để trở thành một ca khúc đỉnh cao của nữ danh ca Nga, “người đàn bà hát” Alla Pugacheva (1949-). Bản thân nhà danh họa cũng dành cho người mình yêu một họa phẩm “Nữ ca sĩ Margaria”, hiện được bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Gruzia.