Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-16 09:43:46 +0700
Vàng
C
on trai tôi dẫn về nhà một cô gái trẻ. Cả xóm sững sờ. Ai cũng định nói một câu, nhưng rất may là ai cũng kiềm giữ được. So với cô ta, con trai tôi chẳng khác gì anh ngư dân họ Chử sánh với nàng Tiên Dung. Cô mặc đồ giản dị nhưng ít nói, khiến nhiều người e ngại. Tuy vậy, cả xóm đều có lời bình phẩm: cô là người đẹp lạ thường.
Khi cả nhà ăn bữa tối xong, con trai tôi báo cáo. Mọi người, ai cũng mím môi, không dám chớp mắt, ai cũng đưa tay sờ lên lỗ tai sợ mình nghe nhầm.
- Chúng con quen nhau, thương nhau và xin phép được trình diện gia đình!
Lúc ấy tôi thực sự nghĩ rằng tôi đang nằm mơ, vì con trai tôi còn nói:
- Con là công nhân đang xây dựng gần trường Đại học, còn cô ấy là sinh viên năm thứ tư. Nghỉ hè, con dẫn cô ấy về chơi…
Khi mọi người đi ngủ, tôi bưng ấm nước trà ra ghế đá ngoài sân. Đêm khuya tĩnh lặng. Tôi chợt ngước lên nhìn trời: trăng mời sáu tròn vành vạnh, lẳng lơ chao qua đảo lại; giữa một bên là những chàng mây trắng hình thù kỳ dị, đang múa may xoắn xuýt; còn một bên là những vì tinh tú cứ nhấp nha nhấp nháy… ai cũng muốn làm cho mình sáng hơn, trước mắt chị Hằng.
Lúc ấy, tôi mới hiểu là mình không nằm mơ: thời buổi này, một cô gái đẹp có quyền bồ bịch, có quyền ban phát cho nhiều người đàn ông, mỗi người một chút, hương vị của tình yêu, nỗi khát khao muôn thuở của loài người. Con trai tôi và cô ấy bồ bịch cũng là lẽ thường tình. Nhưng nếu nghĩ rằng, họ sẽ cưới nhau thành vợ thành chồng, đấy mới là chuyện hão. Có thể… ở trên thành phố, con trai tôi làm thợ, có tiền, rủ rê cô ả đi chơi, vui vẻ, ai mà chẳng gật. Nhưng khi về đây, anh chàng sẽ không giấu được cái “lý lịch trích ngang” chẳng có gì hấp dẫn: cha – công nhân, mẹ – nông dân, chị – bán bún cua, nhà cửa xuềnh xoàng, gia tài chỉ độc một chiếc “ti vi nghĩa địa” là đáng giá! Cô ả sẽ chán ngay.
Số phận thật là ác nghiệt.
Cô ấy về chơi được vài ngày thì bỗng dưng, con trai tôi đổ bệnh. “Nhà nghèo bệnh trọng”. Vừa tới bệnh viện, con trai tôi được đưa ngay lên phòng cấp cứu, rồi vào phòng mổ!
Sáng hôm sau, khi con trai tôi vẫn chưa tỉnh, cô gái rụt rè bước đến gần chúng tôi. Cô có vẻ băn khoăn, rồi cuối cùng mới nói:
- Thưa… hai bác… cháu xin phép… hai bác đừng nói với anh Tấn… Cháu phải về thành phố!
-?!
Tôi là người đàn ông từng trải, đã nếm chịu bao nhiêu cay đắng, tôi kiềm nén được. Còn vợ tôi đã suýt bật khóc lên thành tiếng. Lúc ấy, chúng tôi ngồi rất gần nhau, nên tôi kịp giấu bàn tay bấm vào lưng vợ.
Cô ấy đi thì con tôi hồi tỉnh. Nó ngơ ngác nhìn mọi người, rồi hỏi:
- Huệ đâu?
Tôi bảo:
- Cô ấy mang quần áo của con về nhà giặt giũ.
Con trai tôi khẽ mỉm cười, rồi lại thiếp vào trong giấc ngủ.
Đêm hôm ấy, chúng tôi trải chiếu ngoài hành lang bệnh viện, vừa để tiếp nhận những yêu cầu của các bác sĩ khoa hồi sức, vừa lắng nghe từng hơi thở của con. Tôi ngủ được vài tiếng, còn vợ tôi thì hình như thức trắng. Khoảng 4 giờ sáng, bà ấy lay gọi tôi, thì thầm:
- Ông nghĩ… cô ấy… liệu có quay trở lại…?
Tôi ngáp một hơi thật dài, khẳng định:
- Nhà mình nghèo, con bệnh lại trọng, người ta như tiên như hoa, ai thèm!
Đến lúc ấy, vợ tôi mới chịu cụp mắt xuống:
- Nhưng mà… sao cô ấy không nói được một lời từ biệt?
- Thì người ta chẳng xin phép là gì!
Vợ tôi quay đi mếu máo “… Con ơi…”
Chiều tối hôm sau, vừa ngủ dậy, con tôi lại hỏi:
- Huệ đâu?
Tôi chưa kịp trả lời thì cánh cửa phòng hé mở. Cô gái đã quay trở lại. Tôi đi ra, nhường chỗ cho đôi trẻ, nhưng vợ tôi vẫn còn nấn ná.
Khoảng mười lăm phút, bà ấy hớt hải đi ra. Không biết có chuyện gì mà nước mắt nước mũi dàn dụa cả trên mặt. Hỏi mãi bà mới nói:
- Mình nghĩ oan cho con người ta… Nó về thành phố bán hết cả đồ đạc, tư trang, xe đạp mini lấy tiền mang xuống thuốc thang cho thằng Tấn.