Số lần đọc/download: 1952 / 50
Cập nhật: 2016-07-01 09:49:28 +0700
Chương 5: Đồ Ren Và Trang Sức Rẻ Tiền
K
hó khăn bắt đầu từ câu hỏi: mua váy ở đâu? Thông thường, tôi đặt mua quần áo của mình qua bưu điện, kể cả giày dép, đồ lót và áo dệt kim bó sát mặc trong. Ý nghĩ phải mặc thử đồ trước con mắt của một cô gái trẻ mắc chứng chán ăn, những thứ đồ mà trên người tôi trông giống như những chiếc túi, luôn làm tôi quay mặt khỏi các cửa hiệu. Không may là đã quá muộn để có thể hy vọng người ta kịp giao hàng đến tận nhà.
Bạn chỉ cần một cô bạn gái, nhưng phải chọn cho kỹ.
Sáng hôm sau, Manuela lẻn vào phòng tôi.
Cô ấy mang đến một thứ giống như tấm vải bọc ghế và chìa nó cho tôi với nụ cười chiến thắng.
Manuela cao hơn tôi đến mười lăm xăngtimét và nhẹ hơn tôi mười cân. Tôi thấy chỉ duy nhất một người phụ nữ trong nhà cô ấy có vóc người tương tự như tôi: đó là bà mẹ chồng của Manuela, bà Amalia đáng sợ, một người mê mẩn đồ ren và trang sức rẻ tiền đến mức đáng ngạc nhiên, mặc dù bà ấy không phải là người thích phá cách. Nhưng đồ ren kiểu Bồ Đào Nha thể hiện rõ phong cách rococo: không một tí tưởng tượng cũng như nhẹ nhàng nào, chỉ là sự say mê tích lũy, khiến cho chiếc váy trở nên giống như áo ngủ bằng ren và một chiếc áo sơmi bất kỳ trở thành một cuộc thi hoa lá.
Các bạn sẽ biết tôi lo lắng đến mức nào. Bữa tối nay hứa hẹn sẽ là một nỗi đau khổ dai dẳng, cũng có thể là một vở hài kịch.
- Trông chị sẽ giống như một ngôi sao điện ảnh, - Manuela nói. Rồi chợt thương hại: Tôi đùa thôi, - và cô ấy lấy từ trong bao ra một chiếc váy màu be dường như không hề trang trí rườm rà.
- Cô lấy nó ở đâu thế? - tôi vừa xem vừa hỏi.
Nhìn thoáng qua, chiếc váy có vẻ đúng cỡ. Cũng là nhìn thoáng qua, đó là một chiếc váy đắt tiền, bằng vải gabađin len, kiểu cách đơn giản, cổ giống áo sơmi, cài cúc đằng trước. Rất nhã nhặn, rất xịn. Loại váy mà bà de Broglie thường mặc.
- Tối hôm qua, tôi đến nhà Maria, - Manuela nói, nét mặt đặc biệt vui vẻ.
Maria là một cô thợ may người Bồ Đào Nha ở ngay cạnh nhà vị cứu tinh của tôi. Nhưng họ không chỉ là đồng hương. Maria và Manuela cùng lớn lên ở Faro, hai người lại cưới hai trong số bảy anh em trai nhà Lopes và cùng đến Pháp sinh sống; ở Pháp, họ lập kỳ tích sinh con gần như đồng thời, chỉ cách nhau vài tuần. Thậm chí họ còn nuôi chung một con mèo và cùng thích ăn món bánh ngọt thơm ngon.
- Có phải cô định nói đây là váy của người khác không? - tôi hỏi.
- Vâng, - Manuela đáp, hơi bĩu môi. - Nhưng chị biết không, người ta không đòi nó nữa. Bà ấy đã chết tuần trước. Và từ nay đến khi người nhà bà ấy nghĩ đến chuyện còn có một chiếc váy ở hiệu may... chị có đủ thời gian để ăn tối mười bảy lần với ông Ozu.
- Đây là váy của một người chết sao? - tôi hoảng hốt hỏi lại. - Tôi không thể làm thế được.
- Sao cơ? - Manuela nhíu mày hỏi. - Nếu bà ấy còn sống thì còn tệ hơn. Chị hãy tưởng tượng nếu chẳng may bị một vết ố. Lại phải mang đi giặt là, xin lỗi và đủ mọi rắc rối.
Suy nghĩ thực dụng của Manuela có cái gì đó thuộc về hệ ngân hà. Có lẽ tôi phải dựa vào đó để coi cái chết không là gì cả.
- Về mặt đạo đức, tôi không thể làm thế được, - tôi phản đối.
- Đạo đức? - Manuela phát âm từ này cứ như nó đáng ghét lắm. - Đạo đức thì có liên quan gì? Chị có ăn cắp không? Chị có làm gì xấu xa không?
- Nhưng đó là tài sản của người khác, - tôi nói, - tôi không thể lấy làm của mình được.
- Nhưng bà ấy chết rồi! - Manuela kêu lên. - Mà chị không ăn cắp, chị chỉ mượn cho buổi tối hôm nay thôi.
Khi Manuela bắt đầu tranh luận về sự khác biệt ngữ nghĩa, thì hầu như không còn gì để đấu tranh nữa.
- Maria nói với tôi rằng đó là một bà rất tử tế. Bà ấy đã cho Maria vài chiếc váy và một chiếc áo măngtô palpaga đẹp. Vì béo lên nên bà ấy không mặc chúng được nữa, thế là bà ấy bảo Maria: những thứ này có ích gì cho cô không? Chị thấy đấy, bà ấy đúng là rất tử tế.
Palpaga là một giống lạc đà không bướu có bộ lông dày và mềm như len rất được ưa chuộng và cái đầu được trang điểm bằng một quả đu đủ.
- Tôi không biết... - tôi nói dịu hơn một chút. - Tôi có cảm tưởng như ăn cắp của một người đã chết.
Manuela phẫn nộ nhìn tôi.
- Chị mượn, chị không ăn cắp. Thế chị nghĩ con người tội nghiệp ấy còn có thể làm gì với cái váy ấy?
Không cần trả lời câu hỏi này.
- Đến giờ làm cho bà Pallières rồi, - Manuela nói và vui vẻ thay đổi đề tài câu chuyện.
- Tôi sẽ tận hưởng khoảnh khắc đó với cô, - tôi nói.
- Tôi đi đây, - Manuela vừa nói vừa đi ra cửa. - Trong lúc chờ đợi, chị thử váy đi, rồi đi làm đầu, tôi sẽ quay lại để xem thế nào.
Tôi ngắm nghía chiếc váy một lát, thái độ hoài nghi. Ngoài tâm trạng ngập ngừng khi mặc đồ của một người đã chết, tôi còn sợ rằng chiếc váy tạo nên cho tôi ấn tượng bất lịch sự. Violette Grelier là chiếc khăn lau bát đĩa, cũng như Pierre Arthens là khăn lụa, còn tôi là chiếc váy-tạp dề xộc xệch in hoa màu tím nhạt hoặc xanh nước biển.
Tôi đợi khi quay về sẽ làm việc này.
Tôi chợt nhận ra mình thậm chí còn không cảm ơn Manuela.
NHẬT KÝ SỐ 4
VỀ SỰ VẬN ĐỘNG CỦA THẾ GIỚI
Dàn hợp xướng đẹp
Chiều hôm qua là buổi diễn của dàn hợp xướng nhà trường. Trường tôi nằm trong khu cao cấp và có một dàn hợp xướng; không ai thấy nó dở cả, mọi người tranh nhau tham gia, nhưng cực kỳ khó khăn: thầy dạy nhạc Trianon lực chọn rất kỹ càng. Lý do thành công của dàn hợp xướng chính là thầy Trianon. Thầy trẻ trung, đẹp trai và chỉ đạo dàn hợp xướng thể hiện thành công từ những bài nhạc jazz cũ đến những ca khúc nổi tiếng mới nhất, phối khí vào hàng đẳng cấp. Tất cả mọi người đều diện quần áo đẹp nhất khi dàn hợp xướng hát trước học sinh của trường. Chỉ bố mẹ của các thành viên dàn hợp xướng mới được mời, vì nếu không sẽ quá đông. Nhà tập thể dục đã chật cứng, bầu không khí thật tuyệt.
Thế là hôm qua, cô Maigre dẫn chúng tôi vội vã đi về phía nhà tập thể dục, vì thường thường, tiết đầu tiên của buổi chiều thứ Ba là tiết tiếng Pháp. Cô Maigre dẫn đi là cách nói hơi quá: cô ấy chỉ cố hết sức để đuổi kịp chúng tôi, miệng thở như con cá nhà táng già. Vâng, cuối cùng chúng tôi cũng tới nhà tập thể dục, mọi người đều tìm chỗ ngồi tạm, tôi phải chịu đựng đằng trước, đằng sau, bên cạnh và bên trên (trên các bậc cao) những câu chuyện vô bổ qua loa stereo (điện thoại di động, mốt thời trang, điện thoại di động, ai đi với ai, điện thoại di động, thầy cô giáo chẳng là gì cả, điện thoại di động, dạ tiệc của Cannelle), rồi dàn hợp xướng bước vào trong tiếng vỗ tay hoan hô, con trai mặc đồ màu trắng pha đỏ, thắt nơ bướm, con gái mặc váy dài có dây đeo. Thầy Trianon ngồi trên một chiếc ghế đẩu, quay lưng lại phía khán giả. Thầy giơ cao cái gì đó giống như chiếc đũa có đèn đỏ bé xíu nhấp nháy ở đầu, tất cả im lặng và buổi diễn bắt đầu.
Mỗi lần đều là một điều kỳ diệu. Tất cả những con người đó, tất cả những mối bận tâm, tất cả những thù hằn và tất cả những ham thích, tất cả những lộn xộn, tất cả năm học ở trường với những sự tầm thường nhàm chán, những sự kiện to nhỏ, những giáo viên, những học sinh ô hợp, tất cả cuộc sống trong đó chúng ta lê bước, cuộc sống được tạo thành từ những tiếng kêu la, nước mắt, tiếng cười, đấu tranh, cắt đứt, hy vọng tiêu tan và những dịp may vượt quá mong đợi: tất cả bỗng nhiên biến mất khi dàn hợp xướng cất tiếng hát. Dòng chảy cuộc sống chìm trong tiếng hát, bỗng nhiên người ta có cảm tưởng về tình anh em, tình đoàn kết sâu sắc, cả về tình yêu, và tiếng hát hòa tan mặt xấu của cuộc sống thường ngày trong sự cảm thông tuyệt vời. Ngay cả khuôn mặt của những người hát cũng biến hóa; tôi không còn thấy Achille Grand-Fernet (có chất giọng tenor rất đẹp), hay Déborah Lemeur, hay Ségoiène Rachet, hay Charles Saint-Sauveur. Tôi chỉ thấy những con người đang say sưa hát.
Lần nào cũng thế, tôi muốn khóc, tôi thấy cổ họng mình thắt lại và tôi cố hết sức để làm chủ bản thân, nhưng đôi khi đã tới giới hạn: tôi phải khó khăn lắm mới kìm được tiếng nức nở. Khi đến bài hát đuổi, tôi nhìn xuống đất vì có quá nhiều cảm xúc cùng một lúc: quá hay, quá gắn kết với nhau, thống nhất ở mức trên cả tuyệt vời. Tôi không còn là bản thân mình nữa, tôi là một phần của một tổng thể cao đẹp trong đó cũng có tất cả những người khác, và khi đó, tôi luôn tự hỏi tại sao đó không phải là nguyên tắc của cuộc sống thường ngày, thay vì chỉ là một chốc lát đặc biệt với dàn hợp xướng.
Kết thúc phần biểu diễn, tất cả mọi người vỗ tay hoan hô, khuôn mặt bừng sáng, các thành viên của dàn hợp xướng cũng rạng rỡ. Thật là đẹp.
Cuối cùng, tôi tự hỏi liệu sự vận động thực sự của thế giới có phải là hát không.
Chú thích
1.Nhân vật trong kịch của Jean Racine (1639-1699)
2.Nhân vật trong vở opera Didon và Ênée của Henry Purcell(1639-1695)