Love is the only satisfactory answer to the problem of human existence.

Erich Fromm

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Trương
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
hường ngày, bao giờ Trọng Khang cũng dậy từ năm giờ, đánh thức các cai, ăn điểm tâm với họ, rồi ra chỗ làm. Giáp và ông Nam Long thì mãi tám giờ mới ra. Những ngày mát trời, Khánh Ngọc cũng theo ra xem. Còn những ngày mưa, nàng ở nhà làm sổ sách với bọn thư ký.
Mười một giờ, tan làm, Giáp với ông Nam Long lên ngựa về ngay. Trọng Khang còn phải ở lại điểm phu và ký giấy cho các cai, nên có khi gần mười hai giờ mới về đến nhà. Ăn cơm xong, chàng lại phải ra ngay chỗ làm vì một giờ đã khởi công. Các cai thì ăn ngay ở chỗ làm chỉ buổi tối mới về. Đã nhiều lần, Trọng Khang muốn ở luôn buổi trưa ở chỗ làm, nhưng ông Nam Long và Khánh Ngọc không nghe. Nhiều lần, ông Nam Long bảo chàng hai giờ trưa hẵng ra, nhưng chàng đều từ chối.
- Ở nhà một giờ, hơn vạn cu-ly không người coi, hại cho cụ bao nhiêu là tiền.
- Thì bao nhiêu cai đấy.
- Cai nào cũng không bằng mình.
Công việc làm trên một con đường dài. Giáp và các thư ký đạc điền theo địa đồ đo ngắm, rồi đóng cọc làm dấu, còn Trọng Khang thì chia ra từng đoạn, đốc cu-ly và cai làm. Chàng giao cho cai mỗi người coi từng nơi một. Mỗi người cai nam có dưới quyền mình năm bảy người cai xạ-phang và một người thông ngôn. Trọng Khang suốt ngày đi từ nơi nọ đến nơi kia để kiểm soát công việc. Đường làm mỗi ngày một xa dần chỗ ở, thành thử Trọng Khang chỉ kịp thì giờ về ăn rồi lại đi ngay.
Khánh Ngọc thấy chàng vất vả, sợ chàng ốm, nhiều lần đã khuyên chàng nghỉ ngơi buổi trưa vài giờ, chàng đều nói:
- Công việc làm có năm bảy tháng, sức tôi có thể kham được. Cám ơn cô đã lo cho tôi.
Sáng hôm ấy, lúc Khánh Ngọc trở dậy, nàng vụt trông thấy chiếc ảnh của Tuyết Vi gài bằng kim băng ở diềm màn. Nàng choáng váng cả người, tuy đêm hôm qua vì bực mình, nàng đã tỏ ý thân mật với Giáp ở trước mặt Trọng Khang. Hôm nay, phút bực mình qua đi, nàng lại hối. Hối về chỗ Trọng Khang có thể khinh mình mà không bao giờ yêu mình nữa.
Nàng muốn lại gần nhìn kỹ bức ảnh, nhưng vì Giáp còn ở đấy, nàng e lệ không dám lại, thứ e lệ này gây ra bởi lòng nàng yêu Trọng Khang chứ không phải vì nể Giáp. Nàng chỉ muốn mau mau cho Giáp ra chỗ làm, để được xem kỹ càng. Giáp không biết ý ấy, thấy mát trời, lại rủ nàng đi, nàng chối phắt.
Nàng tự nhủ có lẽ vì Trọng Khang đã có người yêu, nên không để ý đến nàng, và tìm hết cách để xa nàng. Đã nhiều lần, nàng muốn hỏi ông Phó, nhưng nàng thấy ngượng lại thôi. Cái thái độ của Trọng Khang sốt sắng muốn được xem thư ngay đã làm nàng nghi. Tấm ảnh treo ở đầu giường ngay hôm nay làm cho mối nghi ngờ của nàng biến thành sự thực. Lòng nàng bỗng dưng thấy héo đi. Cả bầu trời sáng sủa của một buổi sáng ở trên núi rực rỡ, nàng nhìn thấy tối đen, sa sầm. Luôn luôn, chiếc ảnh hiện ra ở trước mắt nàng như một tai nạn. Muốn biết rõ cái tai nạn ấy, Giáp lên ngựa rồi, nàng vội vàng đi ra phía giường. Nàng cầm lấy chiếc ảnh nhìn ngắm. Cái sắc đẹp lộng lẫy của Tuyết Vi đã làm cho nàng thất vọng: "Đẹp như thế này, chắc là yêu lắm. Thôi thế là thôi! Một người như Trọng Khang thì tiền bạc của mình, học thức của mình cũng chẳng làm cho lay chuyển được. Lòng người ta đã khăng khít với người khác rồi". Nghĩ thế nàng thấy ghét cay, ghét đắng Tuyết Vi mà nàng cho là tình nhân của Trọng Khang. Ghét vì nàng cảm thấy bởi người ấy, đời nàng từ nay sẽ vô vị. Nàng không thể nào lấy Giáp được, vì càng ngày, nàng càng nhìn thấy những chỗ không đáng yêu của Giáp. Ngày nay ta xét ra, nàng mới rõ từ trước tới nay, nàng không yêu Giáp bao giờ. Chẳng qua gặp gỡ nhau ở Ba Lê, vì tình bè bạn đi lại, lâu rồi thành thân, rồi khi về đến đất Bắc, Giáp muốn ngỏ ý muốn lấy nàng, nàng cũng ưng thuận, bởi vì trong cảnh nàng thì nàng lấy Giáp là phải lắm rồi. Cùng một cuộc đời sống như nhau, có những tư tưởng giống nhau, một địa vị tương đương, lại đã quen nhau, đã biết rõ tâm tính nhau. Thì ra nàng chưa có dịp nào để dò hỏi lòng mình cả. Và Giáp cũng chưa bao giờ làm cho nàng nghĩ lẩn quẩn và mơ màng như đối với Trọng Khang cả. Còn như cái tâm tính? Nàng chỉ mới biết nó trong lúc thường. Đến nay cùng nhau giong ruổi trên con đường gió bụi, gặp những biến cố và bất thường, nàng mới xét thấy nó chẳng có cái gì là đẹp đẽ và hùng liệt như nàng đã tìm thấy ở Trọng Khang. Nàng xét ra thì Giáp chỉ có một cái học để làm kỹ sư chứ không có cái bản lĩnh để làm cho to lớn như ở Trọng Khang. Trong nhiều cuộc nói chuyện, nàng nhận thấy Trọng Khang có lắm tư tưởng dồi dào và xác đáng do cuộc đời đem lại, do sự nghĩ ngợi, hàm dưỡng mà có, chứ không như nàng và Giáp, tư tưởng toàn đượm những mùi sách. Nàng nhớ lại một hôm ba người bàn về đời sống của tinh thần, Trọng Khang có nhiều câu nghị luận xác đáng, khiến Giáp không thể cãi vào đâu được.
"Đời sống tinh thần cũng như đời sống của cơ thể, phải để cho nó tự tìm chất nuôi thích hợp, lớn lên rồi bành trướng ra, chứ nếu đem những lý thuyết, những tư tưởng sẵn có của người khác mà nhồi vào nó thì cũng như gà vịt bị nhà hàng đem nhồi ngô, tuy có béo đấy, nhưng chẳng ích gì. Mầm sống của nó tự chết đi ở trong nó; sống nhờ vào tay người, có chẳng dùng được gì cả. Xem như bao nhiêu người học thật là bao nhiêu sách, nhưng nào có được một ý nghĩ gì là của mình, và có dùng gì được đâu?".
Những lời nghị luận ấy nàng nhớ mãi, nàng đem đối chiếu vào mình thì thấy đúng; rồi nàng thấy mình toàn suy nghĩ theo những quyển sách mà mình đã học, chứ chẳng suy nghĩ theo cái lối riêng của mình, bởi cái lối riêng ấy mình không có.
Bao nhiêu chỗ phát hiện đẹp đẽ của thằng người, Giáp đều không có. Nàng thấy mình không thể lấy Giáp được. Lấy Giáp thì đời nàng hết sinh thú. Nhưng nàng và Giáp đã đưa nhau lên đến đây, nói ra thì đau đớn cho Giáp. Nàng định về đến Hà Nội, sẽ tìm cách từ hôn. Nhưng xa được Giáp rồi thì nàng làm gì? Bao nhiêu ý nghĩ của nàng đều đổ xô cả về Trọng Khang mà nàng nhận thấy có nhiều chỗ đẹp đẽ và rắn rỏi đáng yêu. Cái thằng người ở trong Trọng Khang là một thằng khổng lồ, mặc dầu nó chẳng có một cái bằng nào, và chỉ có hai bàn tay trắng. Nàng thấy ở cạnh một người chồng như thế, nàng sẽ tìm được bao nhiêu lạc thú mà nàng không tìm thấy mảy may ở Giáp. Cái lạc thú trước nhất có lẽ là cái lạc thú được vâng lời và bị cai trị. Đối với Giáp xưa nay, nàng chỉ "bị" vâng lời và "được" cai trị mà thôi.
Nàng đang ngắm nghía bức ảnh thì ông Phó ở nhà ngoài đi vào. Nàng vội vàng buông ra, rồi vờ cầm quyển sách của Trọng Khang đang xem đi ra bàn. Quyển ấy là quyển luận thuyết Ni ange, ni bête của Huxley. Nàng giở sách thấy có nhiều chỗ gạch bút chì. Muốn xem những đoạn ấy, nhưng mắt hoa lên, vì lòng nàng đang rộn bởi một quyết định. Nàng muốn hỏi ông Phó để biết rõ cái sự không may của đời mình. Bao nhiêu đàn ông trong thiên hạ lúc ấy chỉ dồn lại có một người. Thiếu người ấy, nàng sẽ bị cô độc: nàng cảm thấy mình không thể làm vợ một người khác.
Từ trước đến nay, nàng chỉ biết qua rằng Trọng Khang có một người em gái và chưa vợ. Cuộc đời tình cảm của Trọng Khang, nàng chẳng biết một tí gì cả. Ngày nay, nàng phải biết, biết ngay, bất cứ bằng cách gì. Nàng gấp sách rồi nhất định gọi ông Phó để hỏi. Nhưng khi ông Phó đến, nàng lại thấy ngượng.
- Ông đem đánh cái mũ cho tôi.
- Thưa cô, mũ con vừa đánh hôm qua.
- À quên, đôi giày.
- Giày thì buổi tối nào, con chả đánh.
Nàng bối rối.
- Tôi nói là nói đôi giày tôi vẫn đi ở trong nhà cơ mà.
- Thưa cô, giày len ấy thì chỉ có chải, chứ đánh làm sao được.
- Ừ, thì ông chải đi.
Ông Phó đi rồi, nàng lại tự mắng mình nhút nhát. Nghĩ đến những cử chỉ của Trọng Khang, nàng cho mình là hèn. Nàng gọi giật ngay ông Phó lại:
- À này, hôm qua cậu ông nhận được tin nhà, có cái gì mà mặt cậu ông buồn thế?
- Không, nhà có tin gì đâu. Mà cậu con có buồn thì họa chăng chỉ có trời mới biết. Cô trông nhầm đấy. Con ở với cậu con bao nhiêu năm, không hề thấy cậu con than thở qua một câu.
- Ừ có lẽ tôi nhầm, nhưng thư nhà nói cái gì, chắc cậu ông cũng nói cho ông biết.
- Vâng, cậu con chỉ bảo với con rằng cô con...
- Cô nào?
- Em cậu con, gửi cho cậu một nghìn đồng và bảo cậu con đừng có lo nghĩ gì về cô con cả. Cô con đã đi dạy học rồi. Có thế thôi.
- Chỉ có thế thôi ư?
- Vâng.
- Thế sao có những ba bức thư?
- Còn những bức thư của ai con không biết.
Khánh Ngọc ngần ngừ một lát lâu, rồi vụt hỏi:
- Cậu ông có... yêu ai bao giờ không?
Ông Phó mở to đôi mắt nhìn nàng. Ông đã hiểu cả. Ông nhìn nàng một cách yêu mến. Nhưng trong cái yêu mến ấy, có xen vào một thương hại. Khánh Ngọc nhìn cái nhìn của ông vụt thấy tất cả sở nguyện của lòng mình tiêu tán đi hết. Nàng tự nhủ: "Thôi chính là người trong ảnh kia rồi!" Bàn tay nàng đang cầm quyển sách bỗng run lên, nhưng nàng vẫn hỏi, hỏi để biết rõ rằng mình thật hết hy vọng.
- Thế thì những bức thư kia chắc là của người... yêu gửi cho cậu ông?
- Có lẽ không phải. Vì cậu con với cô Lan không hề viết thư cho nhau bao giờ.
Lan, nàng đã biết được cái tên của người tình địch nàng rồi. Nàng bỗng thấy cái tên ấy tầm thường và tự nhủ sao Trọng Khang lại có thể yêu được một cái tên tầm thường như thế.
- Lạ, yêu nhau lại không viết thư cho nhau bao giờ. Có lẽ cậu ông giấu ông.
- Không. Cậu con chả giấu gì con cả. Chuyện cậu con với cô Lan, con biết cả. Đến về Hà Nội, cậu con cũng chẳng lại thăm cô ấy bao giờ. Chỉ có cô ấy lại nhà cậu con chơi thôi.
- Lại nhà cậu không?
- Vâng. Vì cô ấy là bạn thân của cô Tuyết Vi con.
- Chắc cậu ông yêu cô Lan lắm?
- Con không biết. Nhưng nếu không vỡ bè để cậu phải đi làm công cho cụ, thì cuối năm nay, cậu con sẽ cưới cô ấy.
Thôi thế là bao nhiêu hy vọng chết hết. Khánh Ngọc bỗng ứa nước mắt. Ông Phó sầu thảm đứng nhìn nàng.
- Thôi ông đi làm gì thì làm đi. À, và ông đừng nói với cậu rằng tôi hỏi chuyện ông về cô Lan nhé.
- Điều ấy cô không cần phải dặn. Con vì quý cô lắm, nên con mới dám nói. Vả nếu cậu con mà biết con nói chuyện với cô thì con cũng chết. Cậu con bắt con bao giờ miệng cũng phải câm như thóc, cấm không được nói chuyện cửa chuyện nhà với ai. Việc này đầu đuôi đều ở cô Tuyết Vi con. Cậu con chiều em mà bằng lòng lấy, chớ tịnh không bao giờ con nghe thấy cậu con nhắc đến tên cô ấy cả. Mỗi lần cô ấy đến chơi, chỉ cô ấy với cô con nói chuyện, chứ cậu con cũng chẳng nói gì. Và con cũng chẳng thấy cậu con đi đâu với cô ấy bao giờ.
Tai Khánh Ngọc lúc ấy đã ù còn nghe thấy gì nữa. Nàng chỉ nghe thấy độc có cái tan tác nó đang hoành hành ở trong tâm hồn. Nàng chỉ nhìn thấy cái vô vị đang chờ đợi nàng, trong lúc hai cái hình bóng đang ôm chặt lấy nhau đi trước mặt nàng như một khiêu khích.
Tuy thế, nhưng không hiểu sao gần đến giờ Trọng Khang về, nàng vẫn thấy lòng rộn rực. Rồi đến khi Trọng Khang ngồi vào bàn ăn, nàng vụt nói một câu:
- Chà, ông Trọng Khang có một người yêu đẹp quá. Đến tôi trông ảnh cũng phải mê.
Trọng Khang nhìn về phía màn, rồi mỉm cười:
- Đấy có phải người yêu tôi đâu, em gái tôi đấy.
Khánh Ngọc như người bừng tỉnh. Mặt nàng đang tái, bỗng bừng đỏ. những lời nói của ông Phó lại mơ hồ lọt vào tai nàng. Những hy vọng cũng lại vụt nổi.
Giáp cười khì khì:
- Tôi chưa thấy ai lạ lùng như ông. Không treo ảnh người yêu mà lại đi treo ảnh của em gái ở đầu giường. Tôi đi đâu mà không có cái ảnh của Marie đem theo thì không còn làm ăn gì được nữa.
Khánh Ngọc nhìn Giáp một cách bực tức. Trọng Khang hồn hậu:
- Mấy ai có được cái diễm phúc như ông.
Ông Nam Long hôm ấy vui vẻ vì thấy công việc chạy một cách không ngờ.
- Bọn thanh niên ngày nay yêu bằng nhiều sự biểu dương lôi thôi quá. Cái ảnh người yêu treo ở đầu giường sao bằng cái hình người yêu đóng khung ngay ở trong ngực. Có lẽ cái tình yêu đời nay không sâu xa bằng của thời xưa. Ông Trọng Khang, tôi khuyên ông đừng có bắt chước cậu François. Nó phiền phức lắm. Những thứ đó chẳng qua chỉ là để lấy lòng người con gái. Mà tôi, tôi cho một khi đã phải nghĩ đến sự lấy lòng người con gái thì nó không... có vẻ tài trai tí nào nữa. Chỉ để cho người con gái phải lấy lòng mình thôi.
- Chúng ta có phải là con vua, cháu chúa đâu mà ghê gớm thế được.
Giáp vừa nói vừa nhìn Khánh Ngọc đang cầm đôi đũa gõ xuống thành bàn:
- Ba tôi thế mà sâu sắc hơn anh. Tuy không làm vua, nhưng một khi người đàn ông đã làm được cho người đàn bà yêu thì tức cũng là vua của người đàn bà đó.
Giáp xịu mặt, nhưng còn cười gượng:
- Thế tôi chưa là vua của Marie à?
Khánh Ngọc nhìn thẳng vào mặt Giáp:
- Anh xét mình anh đã xứng đáng là một ông vua cho người đàn bà thờ phụng chưa? Hà tất anh phải hỏi.
Giáp lặng yên không trả lời. Trọng Khang thấy cái cảnh một người đàn ông bị một người đàn bà dồn vào góc tường như thế có một cái gì không đẹp, mặc dầu rằng cái nghĩa tương phản của câu ấy là để cho mình. Mà có lẽ cũng chỉ vì thế mà chàng cần phải bênh vực Giáp, chàng chúm chím cười:
- Cái chỗ xứng đáng hay không xứng đáng là tự lòng người đàn bà định giá. Chỉ có kẻ nào tự ái đến ngu ngốc mới vỗ ngực tự cho mình là xứng đáng làm vua. Còn như sự định giá của người đàn bà, thứ nhất là người đàn bà, có thể nhầm lắm đấy.
Khánh Ngọc nói một cách tin tưởng:
- Nhầm hay không, cái đó không cần biết. Chỉ biết rằng người đàn bà có tin là xứng đáng, mới yêu đương và thờ phụng được.
- Cô đã nói đến thế thì tôi đành chịu. Nhưng tôi cũng xin cô để ý rằng lòng tin tưởng ấy có thể đưa ta đi xa. Mà một khi nó lại dựa vào những điều xét đoán sai lầm thì tai hại biết đến chừng nào.
- Ông nói xét đoán. Trước kia, tôi cũng lầm như ông. Nhưng ít lâu nay, tôi quan niệm cuộc đời lại khác: sức mạnh của hành động không ở suy xét mà ở lòng tin. Điều gì ta suy xét ra thì ta lại thấy suy xét mà đánh đổ được. Còn những điều không suy xét mà tự trong sâu thẳm tâm linh đã cho là phải thì cái điều ấy ở lại mãi với ta. Có lẽ từ trước đến nay, tôi theo một cái học vấn thiển cận, tôi bị nô lệ nhiều quá mà tôi không có thì giờ dùng đến linh giác. Tôi bị, theo như lời ông thường nói, tôi bị... nhồi như con gà, con vịt của hiệu cao lâu. Từ trước tới nay, người khác cảm hộ tôi, nghĩ hộ tôi, nói hộ tôi, tôi chẳng còn là tôi nữa. Nhưng từ nay, tôi quyết chỉ cảm và làm theo những điều gì chính tôi tin tưởng. Tôi phải nói rằng tôi được thế là nhờ trông gương ông, chứ chính tôi và anh Giáp trước kia, chỉ là con người máy trong bàn tay những tư tưởng sẵn có của nhiều người khác.
Trường Đời Trường Đời - Lê Văn Trương Trường Đời