Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Viết Sách, Nuôi Cây
Tác giả:
Võ Phiến
Thể loại:
Truyện Ngắn
Số chương:
1
Phí download:
1 gạo
Nhóm đọc/download:
0 / 1
Số lần đọc/download: 965 / 23
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Download:
ePub
A4
A5
A6
Xem thông tin ebook
A
nh về viết sách nuôi cây
Bao nhiêu sách ấy cây này là anh
Chúng ta và người Tàu có lối chơi kiểng uốn nắn thành hình con rồng, con phụng, con hạc, con lân v.v... Nuôi cái cây mà cho giống được con phượng có cánh, con sư tử hí cầu, thì khéo thật. Nhưng theo ý riêng, tôi thích lối chơi kiểng của người Nhật: nghệ thuật bồn tài (bonsai) là nuôi cây thế nào cho nó giống... cái cây.
Cây giống cây trông vẫn thích hơn là giống bất cứ thứ gì khác.
Hoặc có người bắt bẻ: Cây tất giống cây, có gì lạ?
Không! Không có cái tất nhiên ấy. Nuôi cây hàng trăm năm cho nó già mà không lớn, đâu phải dễ. Thế thường hễ già thì phải lớn, lớn thì phải cao; nếu thấy thế đè nó ra cắt cụt cho lùn xuống thì đâu còn giống cây nữa?
Cho nên phải lắm công phu. Phải đày cây ra nắng. Phải đặt cây lên giàn cao chỗ thoáng, để đón gió. Nắng to, gió mạnh cùng nhau hãm sức lớn của cây. Hàng năm phải lôi cây ra khỏi chậu sửa sang, rồi trồng cây trở lại vào chậu; trước khi trồng lại ta cắt bớt rễ cái, lại tìm chọn những chiếc rễ khỏe quá tỉa đi, rồi lại xén bớt những rễ con quá sum suê v.v... Rễ bị cụt thì ngọn cây cành cây phải chùn. Ta cắt chỗ giấu giếm được mà không động tới cái chỗ phơi bày ra, để cây khỏi chịu tàn phế, tổn thương hình dạng. Để cho nó lùn mà không cụt.
Vẫn về cái rễ: rễ mà phát triển rộng ra tùm lum thì cây lớn như thổi không cầm lại được. Cho nên trồng cây vào những chiếc chậu nhỏ, thường khi không rộng hơn gốc cây bao nhiêu. Chậu nhỏ đất ít mau khô, vì vậy cứ phải tưới hoài, có khi ngày đôi ba bận. Như lo cái ăn cái bú cho con mọn.
Cây đã choắt, lá càng phải choắt cho có một tỉ lệ cân xứng. Để tự nó, lá không tự choắt choeo. Đối với loại cây thay lá hàng năm, thường khi lớp lá đầu mùa bắt đầu phát triển phải cắt mỗi lá bớt đi ba phần tư. Lá bị cắt nhỏ, không thể làm đầy đủ nhiệm vụ đối với cây, liền bị cây đào thải; và một chiếc lá mới mọc ra thay thế lá cũ. Chiếc lá mọc sau yếu sức, sẽ nhỏ bé hơn...
Đó chẳng qua chỉ là chuyện kích thước, tầm cỡ của cây của lá. Lại còn bao nhiêu đòi hỏi nữa: Cây chưa đến tuổi mà lại muốn làm ra vẻ cụ cây, muốn có vỏ khô sù sì, nứt nẻ; cây công tử lớn lên trong sân trong vườn lại muốn một dạng cách phong trần, dãi dầu ở chỗ tuyết sương, như thể từng trải qua tai biến đến nỗi thân hình oằn oèo khắc khổ; cây trồng trên đống phân, nước tưới hàng ngày đầy đủ lại muốn có cái nét khổ hạnh trơ trụi của cây bám trên vách đá cheo leo quanh năm khô khấc v.v.. Mỗi cái muốn gây ra trăm cái tẳn mẳn tỉ mỉ, đẻ ra một mớ mẹo lớn mẹo con.
Nhưng chừng ấy chuyện chỉ làm cho cây giống cây. Cái đó là tối thiểu, là cần thiết; nhưng chưa đầy đủ để làm ra sức hấp dẫn của cây bồn tài.
Cây già trên rừng không hấp dẫn bằng cây già trong chậu. Cây bám sườn non ngoài thiên nhiên không hấp dẫn bằng cây cheo leo... trong chậu. Cây tùng cây thông đứng dọc đường san sát, không được ai ngắm nghía đắm đuối như một cây thông cằn trong chậu.
Đắm đuối không phải vì nghĩ đến cái công phu chăm sóc, nghĩ đến những trò mẹo nọ mẹo kia, đến cái khéo tay của kẻ nuôi cây. Thành thực kiểm điểm lòng mình, ta thấy rõ lúc ấy không phải ta đang phục tài của ai cả. Trong ta chỉ có một rung động say mê, chỉ có một xúc cảm mỹ thuật.
Cây mọc bờ sông vách núi, là thiên nhiên; cây trong chậu là một tác phẩm nghệ thuật. Trong tác phẩm nghệ thuật không chỉ có cái cây, mà là cái cây với một tâm hồn người. Cũng như trái táo trên dĩa là thiên nhiên; trái táo trong tranh tĩnh vật là trái táo với một cách nhìn. Cũng như bao nhiêu cỏ úa bên lề đường làng, bên quốc lộ số 1, liên tỉnh lộ số 7, tỉnh lộ số 10 v.v... chỉ là cỏ; còn cái "rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh" là cỏ cùng với một tâm trạng. Cũng như trận mưa đêm hôm qua, trận mưa chiều hôm kia v.v... chỉ là trận mưa, là hiện tượng thời tiết; còn trận mưa "trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ" là trận mưa cộng với một cách nghe mưa, với một tâm trạng, một tâm hồn; còn trận mưa "Ba sơn dạ vũ trướng thu trì" lại là trận mưa với một cách nghe khác, với một tâm hồn khác nữa!
Người ta không rung động, không đắm đuối vì trái xoài, vì trận mưa; người ta chỉ rung động đắm đuối trước một biểu hiện tâm hồn. Con người xúc cảm ít khi vì thiên nhiên, mà chỉ vì con người. Qua ngọn cỏ, lá cây, giọt mưa, trái táo v.v..., ta chỉ tìm ta. Và rung động vì ta.
Trong lối nuôi cái cây cho giống cây, cũng như trong cách vẽ trái táo cho giống táo, người chơi cây vẽ táo có gửi trong đó một quan niệm, cái quan niệm của mình. Cây là mình, táo là mình.
Vì vậy một chậu bồn tài mới mua về, dù trả tiền xong, vẫn chưa phải là của mình. Nó chỉ dần dần thành ra cây bồn tài của mình ít nhất là sau nửa năm. Rồi nhiều năm sau nữa nó mới thực sự là cây của mình, thực sự biểu hiện cái mỹ quan của mình, tâm hồn của mình. Lúc bấy giờ nếu có người nhìn cây mà đắm đuối, mình có thể yên trí họ đắm đuối về một phương diện đẹp đẽ của tâm hồn mình biểu hiện ra, chứ không phải về tâm hồn người chủ vườn bán cây.
Và cũng đến lúc bấy giờ mới có cây thất bại với cây thành công. Cùng là cây lùn, cùng tầm cỡ, có cây trông mà mê, ngắm mãi không rời mắt được; có cây trông vô vị, lảng nhách. Táo trên cây có táo to táo nhỏ, táo ngon táo dở, chứ không có táo mê người với táo lảng nhách. Chỉ trong tranh tĩnh vật mới có thứ táo như thế: táo có hồn và táo vô hồn. Chỉ trong tranh, trong chậu mới có táo thành công, cây thất bại, nhạt nhẽo, hỏng.
Và cũng chỉ trong văn thơ mới có những tình những cảnh vô vị, những sự việc vô vị, những hoàn cảnh vô vị. Nói thế bởi vì chúng ta không phải chỉ nói về cây kiểng, mà chính đang nói về thơ văn.
Viết truyện chẳng hạn đại khái cũng là dựng nên và nuôi những nhân vật thu nhỏ, những xã hội thu nhỏ. Những nhân vật lùn trong những xã hội lùn. Nuôi những người cho thực giống người trong những xã hội cho thực giống xã hội.
Những nghệ sĩ viết truyện phần nào giống như người nghệ sĩ bồn tài. Họ cũng thành công và thất bại cùng do những nguyên cớ gần giống như trong việc nuôi cây bồn tài.
Một con người ngoài đời là một con người; một người trong truyện là một cách nhìn người. Trong các cuốn truyện của Nguyễn Khải có nhiều ông bí thư đảng, trong các cuốn truyện của Nguyễn Ngọc Ngạn cũng không hiếm bí thư đảng: những bí thư nọ đều giống bí thư cả, vì hai tác giả cùng già kỹ thuật, cùng vững tay nghề. Nhưng các bí thư trong truyện Nguyễn Khải trông đứng đắn tốt lành; các ông bà bí thư trong truyện Nguyễn ngọc Ngạn xem chừng cứ quanh co lươn lẹo thế nào: đó là vì mỗi tác giả có một cách nhìn.
Không cứ phải là hai người ở hai trận tuyến chính trị đối lập mới có cái nhìn khác nhau. Bất cứ ai trên đời cũng có cách nhìn sự việc riêng của mình. Người đối lập thì cái nhìn đối lập; người không đối lập thì cái nhìn không đến nỗi trái ngược, nhưng vẫn có nét khác nhau. Cái nhìn biểu thị tâm hồn của mỗi nghệ sĩ; cái nhìn là linh hồn của mỗi nghệ phẩm.
Trong tranh táo cái nhìn ấy nó là màu đậm màu nhạt, màu nóng màu lạnh, nó là cách bố trí khối này tảng nọ đường này nét kia v.v... Trong truyện, cái nhìn ấy là cái đứng cái ngồi, lời ăn tiếng nói của từng nhân vật, là màu nắng sáng sắc mây chiều, là cách phối trí sự kiện này biến cố nọ v.v... Trong thơ, nó là chữ nặng chữ nhẹ, là câu ngắn câu dài, vần trong vần đục v.v.... Trong một chậu bồn tài, nó là cách thế uốn qua éo lại của cành cao cành thấp, là cái độ nghiêng độ đứng của thân cây v.v...
Cảnh thiên nhiên tha hồ đẹp, sự việc ngoài xã hội tha hồ ác liệt, nhưng vẫn vô hồn. Không có ngọn cỏ dại nào ngoài bờ ao, cây cổ thụ nào trên rừng già tự nó có một ý nghĩa; nhưng mỗi khóm rêu trong chậu bồn tài đều có ý nghĩa. Không có người nào ngã bệnh quay lơ ra chết tự nhiên một cách có ý nghĩa; nhưng Ivan Ilitch chết trong truyện của L. Tolstoi một cái chết đầy ý nghĩa. Một cái chết trình bày vô tư, không có giọng giễu cợt hay giọng xót thương gì ráo, một cái chết dù trình bày bằng giọng vô ngã, một cái chết trình bày giống hệt như cái chết, vẫn có một ý nghĩa. Trình bày thành công là thổi linh hồn vào nghệ phẩm. Mỗi nghệ phẩm thành công có một linh hồn.
Cây có thể có trăm cành, nhưng phong cách cây chỉ có một, cái nhìn của người nuôi cây chiếu xuống chỉ có một.
Mỗi nghệ phẩm chỉ biểu thị một phong cách, đầu đuôi nhất trí, không lổn nhổn bất nhất. Cái tranh một trái táo là một tác phẩm; cái tranh ba trái táo cũng chỉ là một tác phẩm. Cái truyện ngắn ba trang là một tác phẩm; bộ truyện hăm bảy cuốn của Jules Romains cũng là một tác phẩm, là một thôi; những bộ truyện năm nghìn trang của Marcel Proust, của Alexander Solzhenitsyn cũng chỉ là một tác phẩm, là một thôi. Một chậu bồn tài có hai cây cùng gốc (sokan) là một tác phẩm. Một chậu bồn tài có nhiều cây cùng gốc (netsuranari) cũng là một tác phẩm. Mà chậu bồn tài gồm cả một đám cây khác gốc nhau (yose-ue) lại cũng là một tác phẩm thôi.
Và mỗi nghệ phẩm (văn chương, hội họa, cây kiểng, âm nhạc...) biểu thị một cái nhìn, một quan niệm, của người nghệ sĩ sáng tạo.
Tam quốc chí diễn nghĩa là pho truyện trên dưới 120 hồi (có nhiều bản khác nhau, bản dài bản ngắn) trong đó có hàng trăm trận đánh, có vô vàn kế sách mưu mô. Nhưng người đọc Tam quốc không phải là đọc cái tập hợp những trận đánh chém nhau, người viết Tam quốc không chỉ chú ý sưu nhặt để kể lại các cuộc chém giết nhau.
Tám chín phần mười pho truyện là tưng bừng, náo nhiệt, là những vẫy vùng của anh hùng hào kiệt bốn phương. Vậy mà mở sách ra gặp ngay bài hát theo điệu "Tây giang nguyệt":
"Cổn cổn trường giang đông thệ thủy
Lãng hoa đào tận anh hùng
Thị phi thành bại: chuyển đầu không!..."
(Sông dài cuồn cuộn về đông,
Sóng vùi gió dập anh hùng còn đâu
Được thua phải quấy tranh nhau
Xôn xao mấy chốc ngoảnh đầu thành không!...)
Mới mở sách, lúc bấy giờ anh chàng Lưu Bị hàng chiếu với chàng Trương Phi hàng thịt vừa gặp nhau thề thốt, viên đô úy Tào Tháo toan giở mòi xun xoe v.v... Tất cả mới khởi đầu, một khởi đầu đầy hứa hẹn, thế mà... Mấy câu ca "trường giang đông thệ thủy" nằm ở đầu sách mà nó chủ trì toàn bộ pho sách, nằm ở đầu mà chiếu một cái nhìn bàng bạc suốt một trăm hai mươi hồi. Cái nhìn của nó chiếu đến tận cái đêm Khổng Minh tuyệt mệnh sao rơi lạnh lẽo ở Ngũ Trượng Nguyên, đến cái cảnh ông tướng Cam Ninh dựa gốc cây ngồi chết một mình quạ bu khắp người, đến những lời khờ dại ngu ngơ của Hậu chúa giữa buổi tiệc trong thành Lạc Dương v.v...
Trên đất Trung hoa trong khoảng mấy chục năm từ lúc nhà Đông Hán suy vi cho tới khi Tấn Vũ Đế chiếm xong Đông Ngô, có giặc giã rối ren, có hàng trăm ông tướng chết, có vạn vạn quân sĩ bỏ thây; người đương thời có thể trông thấy tận mắt những cái đó, nhưng ai mà thấy cái "cổn cổn trường giang đông thệ thủy, lãng hoa đào tận anh hùng"?, nhưng có ai mà trông thấy cái hắt hiu của kiếp người vô thường, cái không hư của thế cuộc phế hưng? Mắt nào chứng kiến được cái ấy? Cái không khí bàng bạc khắp pho truyện 120 hồi, ngoài đời không thể trông thấy nó đâu cả. Cái đó không hề có ở ngoài đời. Cái đó là linh hồn của một tác phẩm nghệ thuật.
Và nghệ phẩm cần có một linh hồn. Nếu không nó vô vị, dù tinh vi tỉ mỉ đến đâu.
Vô vị như một cái cây thật?
Vâng, mặc dù nó chính là cây thật. Chỉ có thứ cây không thật mà do một nghệ sĩ chăm nuôi cho giống cây thật mới có được một linh hồn.
Cây giống cây hay ho như thế, thực tội nghiệp cho bao nhiêu là thứ truyện viết về những cái không giống ngoài đời: cảnh không giống cảnh, người không giống người ngoài đời...
Ấy! xin đừng tội nghiệp nó. Nó hay ho theo lối khác. Nếu vẫn thích ví von thì chơi kiểng có ba bảy kiểu chơi kiểng, lẽ nào truyện lại chỉ có một lối truyện?
Viết Sách, Nuôi Cây
Võ Phiến
Viết Sách, Nuôi Cây - Võ Phiến
https://isach.info/story.php?story=viet_sach_nuoi_cay__vo_phien