Thể loại: Khoa Học
Biên tập: PHÚC TRẦN HỮU
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2022-06-04 17:53:57 +0700
Download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xem thông tin ebook
. Mở đầu:
1.1 Sơ lược về tiểu sử nhà văn Hồ Biểu Chánh:
Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, bút hiệu là Thứ Tiên, tự là Biểu Chánh, sinh ngày 01 tháng 10 năm 1885 tại Gò Công. Lúc còn nhỏ ông đã theo học chữ Nho, sau đó lại chuyển sang học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Ông thi đỗ bằng thành chung năm 1905.
Từ năm 1906 đến năm 1941 ông đã làm việc liên tục cho Chính phủ Pháp, bắt đầu từ chức thông ngôn thăng dần đến chức Ðốc Phủ sứ. Cuối năm 1946, ông từ giã chính trường, thật sự sống cuộc đời hưu nhàn, giành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.
Ông mất ngày 04 tháng 11 năm 1958 tại Phú Nhuận.
Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tuồng cải lương, hát bội, văn tế, tác phẩm dịch... Trong đó, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh chính là thể loại đã làm nên tên tuổi của ông dù đã hơn 60 năm kể từ khi ông qua đời.
Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh phản ánh nhiều mảng hiện thực khác nhau trong xã hội Nam bộ ở những năm đầu thế kỉ XX. Khuynh hướng đạo lí đã chi phối mạnh mẽ nội dung tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Khuynh hướng đạo lí thể hiện ngay từ tên của tác phẩm, như: "Vì nghĩa vì tình", "Cha con nghĩa nặng", “Nặng gánh cang thường”,... Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh hầu hết đều thể hiện quan niệm về đạo lý, cách đối nhân xử thế nhằm phê phán cái xấu, hướng con người đến với Chân – Thiện – Mỹ theo tinh thần đạo nghĩa phương Đông.
1.2 Sơ lược về tác phẩm “Thầy Chung trúng số”:
Tác phẩm “Thầy Chung trúng số” được xếp vào nhóm “đoản thiên tiểu thuyết”, xuất bản năm 1944. Truyện gồm 4 chương với hơn 20 trang in, cốt truyện đơn giản, tình tiết không ly kỳ hay chứa nhiều yếu tố ân oán tình thù, phiêu lưu mạo hiểm. Số lượng nhân vật không nhiều, xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội với cơ bản 2 nhóm đối lập. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là thầy Chung, mồ côi cha mẹ, làm ký lục cho một nhà in. Sau khi trúng số độc đắc, Chung đổi đời, bị các bạn xấu lôi kéo vào con đường trụy lạc. May mắn, anh thức tỉnh và dừng lại kịp thời. Chung từ bỏ bạn xấu, xây dựng cuộc sống mới, giúp đỡ những người thân quen và tìm được hạnh phúc.
Từ cách đối nhân xử thế của các nhân vật trong tác phẩm, Hồ Biểu Chánh muốn hướng người đọc về một lối sống tốt đẹp, thanh cao, phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc.
2. Nội dung nghiên cứu:
2.1 Cách đối nhân xử thế của hai nhóm nhân vật trong tiểu thuyết “Thầy Chung trúng số”:
2.1.1 Nhân vật Điểu và Lợi:
Hồ Biểu Chánh xây dựng hai nhân vật Điểu và Lợi đại diện cho một bộ phận trí thức thành thị ăn chơi trác táng, trọng tiền tài danh lợi xem nhẹ nhân nghĩa.
Điểu và Lợi là bạn học của Chung. Điểu lấy hiệu là Đằng Vân, làm chủ bút nhật báo. Lợi nhờ có cha giàu có nên được hưởng cuộc sống giàu sang. Khi Chung cơ hàn, ở nhà mướn, ăn cơm tháng, cả hai gặp thì làm lơ không chào hỏi, “không thèm nhìn bạn cũ, không muốn nhớ tình xưa” [2]. Khi hay tin Chung trúng số, Điểu tìm tới tận nhà chúc mừng, gọi Chung là “bạn chí thân”, ca tụng Chung là “bực hiền nhơn quân tử”. Trong mười tháng tiếp theo, Điểu và Lợi ra sức săn đón, đãi đằng, bày đường dẫn lối, “tận tâm xô đẩy bày biểu, xô đẩy vào đường xa- hoa, bày biểu gây cuộc dâm- dật” [2], khiến cho bạn tốn hao để qua đó được hưởng nhờ.
Hồ Biểu Chánh không viết nhiều về Điểu và Lợi nhưng có một chi tiết khá đắc giá, lột tả rõ nét bản chất của nhóm người này, tiêu biểu là nhân vật Điểu. Hay tin Chung trúng số, Điểu mời Chung và Lợi đi ăn ở nhà hàng lớn. Thế nhưng, “Tuy Điểu mời, song ăn uống rồi Lợi lại trả tiền. Điểu làm bộ dành, làm mặt giận cũng móc bóp ra, song chậm- chạp để cho Lợi trả tiền” [2]. Ta thấy Điểu bộc lộ rõ bản chất của một kẻ vụ lợi, giả dối, trái hẳn với xuất thân trí thức, một chủ bút một tờ nhựt báo.
Ở cuối truyện, khi Chung từ bỏ cảnh sống sa đọa, chọn cách sống thanh cao thì “cậu Điểu với cậu Lợi hay việc nầy thì cho thầy Chung làm chuyện trái đời” [2]. Chi tiết này như một lần nữa nói lên cách sống chạy theo vật chất, xem thường nhân nghĩa của hai nhân vật này.
Có thể nói, khi xây dựng hai nhân vật này, Hồ Biểu Chánh đã thể hiện rõ quan điểm phê phán về cách đối nhân xử thế của một bộ phận trí thức Tây học đương thời: có học, có địa vị xã hội, giàu có về vật chất nhưng sống cơ hội, xa hoa, dâm dật, trọng tiền tài danh lợi hơn nhân nghĩa.
2.1.2 Nhân vật Chung và một số nhân vật khác.
2.1.2.1 Nhân vật Chung:
Nhân vật Chung là nhân vật trung tâm của tác phẩm, được Hồ Biểu Chánh xây dựng mang đặc điểm của một lớp thanh niên trí thức vừa tiếp thu nền học vấn và văn hóa mới vừa chịu ảnh hưởng khá sâu đậm nền văn hóa và đạo lý truyền thống. Chung xuất thân nghèo khó, mồ côi cha mẹ, có bằng Thành chung, làm ký lục cho một nhà in. Đời sống thầy ký nghèo ở đô thị Sài Gòn khá kham khổ, chật vật, phải ở nhà thuê, ăn cơm tháng, “trí chán- ngán, lòng nao- nao phiền thế tình, buồn số phận” [2].
Hồ Biểu Chánh khắc họa nên nhân vật Chung khá chân thực. anh cũng có những suy tư, những trăn trở, cũng có khi đi sai đường lạc lối. Nhưng trên hết, ta thấy được những điều tốt đẹp mà tác giả muốn gửi gắm qua cách đối nhân xử thế của nhân vật này.
Trong quan hệ ứng xử với mọi người xung quanh, Hồ Biểu Chánh khắc họa nên một nhân vật có lối sống khiêm nhường, lễ phép, lịch thiệp. Qua cách chào thưa với hàng xóm, hành động thăm viếng, hỏi han khi bà Phán ở cùng phố bị bệnh, hay qua nhận xét của chị thợ Tư (“Tánh thầy vui- vẻ bãi buôi ở đây bà con lớn nhỏ ai cũng mến. Thầy đi thì bà con buồn lắm" [2]), hoặc hành động “lật đật đứng dậy xá” khi gặp thầy giáo Thanh – người ơn trước đây của mình, ta có thể nhận xét Chung được giáo dục khá chu đáo, thấm nhuần lễ giáo truyền thống. Anh sống bình dị, quan tâm đến cuộc sống của mọi người xung quanh.
Chung trúng số độc đắc bốn mươi ngàn đồng, số tiền quá lớn so với thu nhập của một thầy ký lãnh lương hai mươi lăm đồng mỗi tháng. Trước may mắn bất ngờ đó, cũng như nhiều người bình thường khác, Chung choáng ngợp, có phần mất phương hướng. Trước sự bợ đỡ, bày vẽ của hai bạn Điểu và Lợi, Chung đã nghĩ: “có tiền nhiều thì dại gì mà bo bo không dám ăn xài, phải vui chơi cho sung- sướng tấm thân, phải lên mặt cho họ hết khinh rẻ. Của trời cho thì ta phải hưởng, hưởng cho ngỏa- nguê mà trừ cái cực hồi bần hàn” [2]. Tuy vậy, anh vẫn giữ được nét thanh cao trong tâm hồn và hành động của mình. Anh vẫn mướn căn phố cũ, giữ lại quần áo, vật dụng cũ như giữ gìn trong tâm hồn mình nếp sống thanh cao, nghĩa tình.
Trót mười tháng “say sưa, mê mẩn với cảnh đời hoan lạc” [2], tình cờ “thấy lại chỗ mình học tập từ lúc thơ- ngây” [2], gặp lại người ơn cũ là thầy giáo Thanh, Chung đã thức tỉnh. Anh nhớ quá khứ nghèo khó:“cha chết, trong nhà không tiền, mẹ phải mua đầu trên bán đầu dưới mà nuôi mình ăn học; học chưa rồi mẹ lại chết nữa, may nhờ có mấy bạn thân của cha giúp sức đỡ đầu nên mình mới lập thân được. Đã được giàu sang hơn 10 tháng rồi, mình cứ lo ăn chơi, không nhớ tới mồ- mả cha mẹ, không nhớ tới ơn xưa nghĩa cũ” [2]. Anh kiểm điểm lại bản thân: “Thói xa mê hoan- lạc của mình mỗi ngày làm cho mình hao- tốn không biết bao nhiêu, mà sự hao- tốn ấy chỉ làm cho bạn xa- hoa dâm- dật hưởng nhờ, chớ không giúp ích cho mình chút nào, mà cũng không giúp ích cho hạng cơ- hàn cùng- khổ. Bạn xa- hoa dâm- dật ấy ăn của mình, mà có lẽ họ còn cười mình ngu, chê mình dại” [2]. Để rồi anh tự nhận ra: “Không được, mình đã đi sái đường rồi, phải mau mau trở lại, tìm nẻo chơn chánh mà đi. Mình còn 30000 đồng, số bạc ấy cũng đủ cho mình sắp đặt đời sống khác, đời sống thanh- cao, bình- tịnh, đạo- nghĩa, an- nhàn” [2].
Hành trình tìm lại cuộc đời thanh cao của Chung bắt đầu bằng việc về thăm người ơn cũ (thầy giáo Thanh), xây mồ mả cho cha mẹ; thăm lại những đồng nghiệp cũ, thăm dì hai Phì Lũ, về lại căn phố cũ. Hành trình của Chung đưa anh trở lại với cuộc sống thanh bạch và những con người giàu tình nghĩa mà anh đã cùng gắn bó.
Chung đoạn tuyệt với Điểu và Lợi, đoạn tuyệt với cuộc sống xa hoa, hưởng lạc. Anh giúp tiền cho dì hai Phì Lũ, thầy Phước có vốn làm ăn, trị bệnh cho bà Phán. Chung cưới cô Thiên Hương, cuộc hôn nhân không bắt đầu bằng tình yêu lãng mạn, cũng không vì trao đổi vật chất hay danh vọng hay vì nhan sắc mà bắt nguồn từ sự đồng cảm với hoàn cảnh, với tấm lòng hiếu thảo của cô. Và cũng từ đây, Chung bắt đầu xây dựng một cuộc sống như anh quan niệm “đời sống thanh- cao, bình- tịnh, đạo- nghĩa, an- nhàn”.
Có thể nói, nhà văn xây dựng nhân vật Chung để “cảm hóa đặng lần lần dắt quần chúng trở về đường chánh đại quang minh” (“Đời của tôi về văn nghệ” – Hồ Biểu Chánh). Thông qua nhân vật Chung, Hồ Biểu Chánh muốn phát biểu một quan niệm về cách đối nhân xử thế trong hoàn cảnh xã hội đương thời: phải giữ cách sống trong sạch thanh cao, có nghĩa có tình, không vì giàu sang phú quý mà sa ngã.
2.1. 2.2 Nhân vật thầy Phước, dì hai Phì Lũ và cô Thiên Hương:
Nhân vật thầy Phước được Hồ Biểu Chánh xây dựng mang vẻ hào sảng đặc trưng của con người Nam bộ. Đồng cảnh ngộ như Chung, thầy Phước cũng là người làm công ở nhà thuê, ăn cơm tháng nhưng thật lòng khi đối đãi, mời mọc bạn nghèo, hoàn toàn trái ngược với sự giả dối, vụ lợi của nhân vật Điểu. Khác với một bộ phận đương thời, muốn thông qua hôn nhân để dựa dẫm nhà vợ, thầy phước coi khinh lối sống “Thực thê chi lộc”. Thầy Phước là một người có lối sống thanh cao như bản thân nhân vật khẳng định:“dầu giàu có mấy muôn đi nữa cũng không đổi tánh đâu. Giàu mà giữ nhơn- nghĩa người ta mới kính phục chớ”. [2]
Nhân vật dì hai Phì Lũ trong tác phẩm là một đại diện cho hình ảnh nhân hậu của người phụ nữ Nam bộ. Tương tự như nhiều nhân vật của Hồ Biểu Chánh, nhân vật dì hai chỉ được tác giả giới thiệu sơ lược qua một vài đặc điểm, lời nói; tuy đơn sơ nhưng bộc lộ khá rõ nét qua một vài chi tiết nổi bật. Khi nghe Chung nói phải nghỉ việc và không còn ăn cơm ở quán, dì hai đã có những lời nói làm Chung Cảm động: “Thầy Hai, dầu thầy mất sở làm, thầy cũng cứ lại đây ăn cơm. Chừng nào kiếm được chỗ làm khác rồi sẽ trả tiền cơm cũng được, thầy đừng ngại chi hết. Tôi không phải như người ta đâu” [2]. Với bà, lợi nhuận không phải là tất cả, trên hết đó tinh thần nhân ái, sẵn lòng giúp đỡ người khác ghi gặp khó khan mà không trông chờ hay đòi hỏi sự báo đáp. Một bà chủ quán cơm, một người bình dân ít học nhưng lại có tấm lòng nhân hậu và nghĩa tình như thế.
Nhân vật cô Thiên Hương xuất hiện trong tác phẩm là hình tượng người con gái Việt Nam truyền thống với công, dung, ngôn, hạnh. Ở nhân vật này, nhà văn tập trung xây dựng hình ảnh một cô gái hiếu thảo, chịu thương chịu khó, hi sinh tuổi trẻ và hạnh phúc của bản thân để phụng dưỡng mẹ già bệnh tật triền miên. Từng cử chỉ, lời nói, việc làm của cô cho thấy tình yêu thương, tấm lòng hiếu thảo vô bờ của cô: “Tiền nhà, tiền chợ, cơm gạo, áo quần, thảy đều do cái bàn tay thêu với cái máy may ngày đêm chuyển động dưới mười ngón tay dịu nhỉu của Thiên- Hương mà sản- xuất, trong lúc bà Phán nằm êm trên nệm trắng hay dựa ngửa trên gối bông, xăm- soi móng tay, vỗ- về bàn cẳng, rồi hút thuốc điếu, xức dầu măn” [2]. Hình ảnh cô Thiên Hương hiện lên qua nhận xét của những người xung quanh càng khắc họa đậm nét hơn vể đẹp tâm hồn: “Cô hai Thiên- Hương thiệt là gái gồm đủ hiếu- hạnh. Nghèo cực như vậy mà không nghe cô than một tiếng” [2].
Có thể nói, mỗi nhân vật là một phát ngôn của nhà văn về cách đối nhân xử thế cao đẹp, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Con người phải biết tôn trọng đạo lý, sống nhân hậu, vị tha, không vì tiền bạc, danh vọng, địa vị mà tha hóa, đánh mất phẩm giá.
2.2 Những giá trị tích cực trong quan niệm của Hồ Biểu Chánh đối với xã hội ngày nay.
Từ cách đối nhân xử thế của các nhân vật trong tác phẩm, Hồ Biểu Chánh đã đề cao quan niệm sống mà ông cho là “chánh đại quang minh”. Đó là lối sống giàu lòng tự trọng, nghĩa tình, nhận hậu, thủy chung, không vì danh lợi, địa vị mà đánh mất nhân cách.
Quan niệm của Hồ Biểu Chánh tuy đã cách chúng ta hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn nhiều điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Trải qua một thời gian dài trong bom đạn chiến tranh, hơn mười năm trong thời kỳ bao cấp, Việt Nam bắt đầu đổi mới từ năm 1986 và thực sự chuyển mình hội nhập với thế giới từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Cùng với những giá trị tích cực của nền văn minh toàn cầu, lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, danh vọng, địa vị, sống bang quan, thờ ơ, vô cảm trước những bất hạnh của đồng loại đã và đang làm tha hóa một bộ phận người Việt, trong đó có nhiều người là trí thức, nhiều người giữ địa vị cao trong hệ thống chính trị. Trải qua ba kỳ Đại hội Đảng, Trung ương đã đã đề ra nhiều nội dung về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và một trong những nội dung quan trọng là vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, kể cá những cán bộ cấp cao trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Hàng loại những vụ án đau lòng xảy ra trong xã hội, như con giết cha, chồng hại vợ, bạn bè hãm hại lẫn nhau vì tiền bạc, lợi ích; những vụ việc sai phạm, tiêu cực được phanh phui trong thời gian vừa qua, nhiều cái tên được thường xuyên tập trung sự quan tâm của dư luận như Đinh La Thăng, Tất Thành Cang, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Đức Chung,… đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề đạo đức, lối sống. Chính vì thế, vấn đề đặt ra là làm sao để “cảm hóa đặng lần lần dắt quần chúng trở về đường chánh đại quang minh” (trong đó có cả cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, kể cá những cán bộ cấp cao trong bộ máy của Đảng và Nhà nước).
Trong đại dịch CVID-19, bên cạnh những câu chuyện thấm đẫm tinh thần nhân ái, vị tha của đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên, những mô hình ATM gạo, Siêu thị 0 đồng, túi quà yêu thương, ta lại nghe nói đến một Công ty Việt Á với doanh thu hơn bốn ngàn tỉ đồng và hàng loạt quan chức thu lợi trong đại dịch bị vạch mặt chỉ tên.
Trong bài viết “Hồ Biểu Chánh, cây cầu nối những giá trị cổ truyền với con người hiện đại”, Hoài Anh – Nguyễn Tý đã nhận xét về tác phẩm của Hồ Biểu Chánh: “Điều kỳ lạ là cái đạo lý mà Hồ Biểu Chánh rao giảng cho đến gần đây và cả mới đây (trong phong trào tái bản ồ ạt sách Hồ Biểu Chánh) vẫn được người bình dân đón nhận, vì nó bắt nguồn từ đạo lý dân tộc, mang tính chất nhân dân, có cơ sở từ nghìn đời” [1]. Trước thực tế xã hội ngày nay, bài học làm người mà Hồ Biểu Chánh đề cao trong truyện “Thầy Chung trúng số” vẫn còn nguyên giá trị, đáng để mỗi người chúng ta suy ngẫm. Phải sống và hành động sao cho đúng với lương tâm và phẩm giá con người.
3. Kết luận:
“Thầy Chung trúng số” tuy không phải là tác phẩm đặc sắc của Hồ Biểu Chánh nhưng đã thể hiện rất rõ quan niệm về cách đối nhân xử thế của nhà văn. Hai nhóm nhân vật trong tác phẩm được tác giả xây dựng với nhân phẩm, cách sống đối lập nhằm đi đến phê phán lối sống sa đọa, thực dụng, coi trọng tiền tài, danh vọng; đồng thời đề cao cách sống coi trọng danh dự, nhân phẩm, tình nghĩa, nhân hậu và vị tha.
Dù trong thời đại nào, dù loại người có đạt đến trình độ văn minh cao đến đâu thì vấn đề những bài học về đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh cũng hết sức cần thiết để xây dựng một xã hội lành mạnh, trong sạch với những con người thanh cao, nhân hậu, biết sống vì người khác, vì cộng đồng. Đó chính là “sức đề kháng” [1], “là phép vệ sinh tinh thần” [1] để chúng ta thanh lọc môi trường sống đang bị thế lực đồng tiền và lối sống thực dụng làm ô nhiễm. Mặc dù vẫn còn hạn chế nhất định, nhưng quan niệm làm người của Hồ Biểu Chánh đặt ra trong tác phẩm “Thầy Chung trúng số vẫn còn nguyên giá trị tích cực trong xã hội ngày nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoài Anh – Nguyễn Tý(2007),“Hồ Biểu Chánh, cây cầu nối những giá trị cổ truyền với con người hiện đại”, www.hobieuchanh.com, truy cập ngày 10/01/2022 (Nguồn: http://www.vannghesongcuulong.org.vn)
2. Hồ Biểu Chánh (1944). “Thầy Chung trúng số”, Nhà xuất bản tổng hợp Tiền Giang tái bản, https://vietmessenger.com/books, truy cập ngày 10/01/2022.
3. Huỳnh Thị Lan Phương (?), “Vài nét về Hồ Biểu Chánh”, www.hobieuchanh.com, truy cập ngày 11/01/2022.
4.
Tiểu Luận - Bàn Về Cách Đối Nhân Xử Thế Trong Tác Phẩm Thầy Chung Trúng Số Tiểu Luận - Bàn Về Cách Đối Nhân Xử Thế Trong Tác Phẩm Thầy Chung Trúng Số - Trần Hữu Phúc