Tác giả: Du Tử Lê
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 438 / 3
Cập nhật: 2016-06-02 00:12:33 +0700
Download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xem thông tin ebook
uán ăn nằm bên lề lộ lớn nhưng cửa lại mở vào một ngõ hẻm mà, bên kia là mặt sau của một quán rượu. Con ngõ ngắn uốn khúc về phía trái. Một chiếc thùng rác lớn màu xanh nằm chình ình ngay khúc cong của con ngõ, cho cảm tưởng đó là ngã ba bị bít. Vào sâu chút xíu là khu parking với những chữ màu trắng kẻ đều đặn trên tường. Nội dung nói đấy là chỗ đậu dành riêng cho thực khách của nhà hàng. Xe nào đậu ẩu sẽ bị kéo.
Suốt bảy năm kể từ ngày rời khỏi Pendleton, đây là lần thứ năm tôi trở lại thành phố này. Một nơi chốn tự nó không gợi lên ở tôi một điều gì. Một nơi chốn hoàn toàn vô hồn, vô cảm. Chàng viết đâu đó, trong một cuốn truyện tự những năm quê nhà khi tôi mới lớn, rằng: "Nơi chốn là nơi ủ giữ hương tình đầu." Nếu nơi chốn phải hiểu theo nghĩa đó, thì quả thật tôi chẳng có lý do gì để trở lại đây, dù chỉ một lần thêm chứ đừng nói là ba, bốn. Kỷ niệm tôi ở nơi khác. Tuổi thơ tôi ở nơi khác. Sự sống chết của tôi đã bị xóa sạch, không còn một vết tích nhỏ nhoi nào. Những người lính TQLC/ HK đã san bằng và, chôn kín một cách dửng dưng, ít nhất cũng một phần đời của một người. Một phần đời người đó là tôi – đứa con gái mười lăm tuổi trên chiếc xe buýt từ Processing center về đến trại Một, tháng Bẩy. Mà khoan đã. Không nên. Tôi sao vậy kìa? Dường như con nhỏ nhí nhảnh, con nhỏ đùa rỡn, con nhỏ toe toét, con nhỏ có cái áo pull trắng, quần jean xẫm được những người con trai ngắm nhìn – được những cái liếc mắt kín đáo hay xỗ xàng từ chung quanh…đã không còn nữa. Một kẻ khác đã hoán đổi vị trí. Một kẻ nào đó đã bước vào và ở lại trong tôi. Tôi chợt nhận ra điều này khi những người bạn ngồi chung bàn nhắc nhở tôi ăn. Nhắc nhở tôi "trở lại."
"Trở lại? Nhắc nhở gì kỳ vậy? Tôi có đi đâu mà trở lại?" Tôi vẫn ngồi đây kia mà. Tôi vẫn thấy rõ, vẫn nghe đủ, bốn phía. Tôi vẫn nhận biết mùi hơi người, mùi thuốc lá, mùi thức ăn trộn lẫn ngột ngạt. Rồi những tiếng nói như như búa nện vào thẳng tai tôi. Tiếp theo là một dây chuỗi, những tiếng cười. Những giọng cười cao thấp. Những câu nói như những viên đá ném liên tiếp xuống một mặt nước mênh mông, phẳng lặng. Những câu nói dậm thêm không cần thiết cho câu chuyện, nếu không muốn nói là đã phá hỏng cái không khí tự nhiên của câu chuyện đó. Có những câu nói dí dỏm lúc này mà, lại cực kỳ vô duyên lúc khác. Và tôi đang phải chịu đựng những câu nói vô duyên ấy. Trong đó, có lẽ chỉ Thược hiểu tôi mà thôi. Tôi nhìn Thược cầu cứu. Thược ngó lại tôi, kinh ngạc. Phải rồi. Tôi quên. Tôi quên rằng chuyến trở về để tìm…một người. Tôi trở về vì cái thôi thúc âm thầm nhưng mãnh liệt trong tôi từ tháng trước, khi tình cờ tôi nhìn thấy người đó giữa thành phố nơi tôi ở. Tôi trở về đây để tìm người ấy.
Tìm lại quá khứ tôi. Tuổi thơ tôi. Đời sống tôi. Đúng hơn, tìm lại đau đớn cũ. Tìm lại hình ảnh mà ba mẹ tôi, gia đình tôi đã gán cho tôi, khi họ phát giác mối liên hệ giữa tôi và chú Lãng. Tìm lại cái hình ảnh của bảy năm trước. Những hình ảnh mà mọi người đã khắc bằng những lưỡi dao ác độc nhất trên vách tường ký ức tôi…"con mất dậy" – "Con…con…con…" Ôi, có lẽ không một hình ảnh, một danh từ tồi tệ nào người ta có thể nghĩ ra, mà tôi không bị gán cho. Tôi mười lăm tuổi, thế đó.
Tôi mười lăm tuổi. Cái tuổi mà văn chương mà âm nhạc ngợi ca không tiếc lời, không thiếu chữ. Tôi biết tôi không thuộc thành phần được nói đến trong những ngợi ca kia. Tôi không có một tốt đẹp nào cho mình. Dù bây giờ, bảy năm nhìn lại, tôi tự thấy tôi chưa hề làm một điều gì đáng để phải bị nhìn như một con thú ghẻ lở ngay giữa gia đình mình.
Tôi đã là con thú ghẻ lở. Tôi đã là con bé đáng chôn sống, đáng đem thây cho voi đầy, cho ngựa xé! Tôi, cũng chính cái con nhỏ làm điếm nhục gia phong kia, chỉ vài tháng sau khi rời trại, khi tôi mới bước vào tuổi mười sáu, thì những người từng muốn chôn sống tôi, lại muốn tôi lấy người đàn ông góa vợ. Người đàn ông đã thi ân, bảo bọc gia đình tôi ra khỏi trại. Một người Mỹ bảo trợ. Tôi vẫn nhớ, như nhớ đến một vết thương chưa lành, một vết thương muôn đời không kéo nổi da non. Tôi nhớ, tôi đã điện thoại cho chú Lãng – điện thoại viễn liên – từ nhà sponsor – nhiều lần. Lần cuối, tôi nói:
- Lãng chiều cháu một lần được không.
- Điều gì?
- Chép lại, một bài thơ.
- Thơ chỉ là lời nói…dối. Quỳ tin làm gì?
Tôi đáp:
- Trong đời sống, có khi người ta phải bám vào lời nói dối để…sống. Để ngỡ mình cũng…có…Mình cũng được…Như mọi người. Chiều cháu đi. Mai kia Lãng có muốn chiều cháu thì cháu cũng không còn đâu để mà chú chiều…
Tôi nói với nước mắt lặng lẽ chảy. Ở ở đầu dây bên kia, chú Lãng không thể biết tôi đang khóc. Ở đầu dây chú Lãng im lặng. Tôi biết tôi đã không che dấu được xúc động của mình như toan tính ban đầu.
Một lát, chú Lãng nói:
- Chú sẽ làm. Bất cứ điều gì cho Quỳ.
Suốt đời tôi, nếu có điều gì đáng ân hận nhất, thì đó là sự tôi đã lỡ gọi chú Lãng là…chú. Bản chất tôi không phải là con nhỏ dễ dàng gọi bất cứ ai bằng chú, bác, trừ những người bạn thân của cha tôi. Vậy mà, không hiểu sao, khi nhận ra chú Lãng – tôi đã buộc miệng gọi chú Lãng bằng chú. Phải chăng sự nghiêm nghị? Phải chăng nỗi mừng rỡ "bắt gặp," niềm mơ ước thầm kín, bất ngờ "tìm thấy," đã khiến tôi không tự chủ? Khiến tôi cảm thấy mình quá bé nhỏ trước chú? Hay khi ấy có thể tôi đã nghĩ, nên cách xưng hô đó, để có thể đến được với người ông ta?
- Quỳ có xin điều gì lớn lao đâu? Chỉ là một bài thơ đã cũ. Chỉ một miếng bánh vụn. Chỉ là chút hương…dư.
Chú Lãng chặn ngang:
- Quỳ. Không nói thế. Chú bảo, không nói nữa.
- Cháu chẳng bao giờ còn có được cơ hội nói nữa sau lần này đâu chú ạ.
Tôi thực sự bị những con sóng tủi thân, nghẹn ngào xé tan từng mảnh nhỏ.
- Chuyện gì thế, Quỳ?
Chú lãng hỏi. Tôi muốn nói "chú chẳng thể tưởng tượng được đâu, điều đang xẩy đến cho cháu." Không ai có thể tưởng tượng được điều ấy. Cùng lắm chú Lãng chỉ có thể đoán rằng cha tôi đã cấm tôi liên lạc với chú vì vài hôm trước, sau khi bắt tôi đưa số điện thoại của chú cho ông, ông đã gọi chú.
Tôi nói:
- Chú đừng hỏi. Rồi chú sẽ biết. Điều đáng nói ngay lúc này là chú có nhận lời không?
Tôi nghe được tiếng thở ra trong điện thoại của chú Lãng.
- Quỳ nói đi.
- Bài Sinh nhật, mười hai.
- Bài ấy…Tại sao? Tại sao bài thơ ấy? Quỳ?
- Chỉ vì một câu thôi.
- Câu nào?
-"Nến đau đớn thắp lên đầy cuộc vui."
Chú Lãng như la lên trong điện thoại:
- Ồ. Quỳ. Quỳ còn quá nhỏ.
Tôi chua chát:
- Chú nghĩ rằng đau đớn biết buông tha tuổi trẻ hay sao?
Chú Lãng ngập ngừng, chống chế một cách yếu ớt:
- Dù sao thì Quỳ cũng còn quá nhỏ để nhớ một bài thơ như vậy.
- Nếu chú nhớ lại Tháng Bảy, ở Pendleton…Lần này ở đầu dây là một sự im lặng hoàn toàn. Tôi nghe được tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường.
Từ máy bay nhìn xuống, Camp Pendleton giống như chiếc chảo lớn với những dẫy lều vải san sát, ngay hàng, đâu mặt vào nhau như những chiếc xuồng lật úp, xếp bằng bìa cứng. Những tòa nhà xây một tầng vuông vứt hoặc hình chữ nhật trắng toát, thấp lè tè dưới những tàng cây cổ thụ, như những miếng đậu phụ chìm dưới đáy chảo mỡ đang sôi.
Trừ trại Một, Hai, Ba và Năm, được cất trên gò cao, những trại còn lại nằm sâu dưới thấp.
Tháng Bẩy nhưng khí hậu Pendleton là khí hậu của miền núi với những buổi sáng sương mù. Những đêm buốt lạnh, điểm xuyết những cơn mưa bất chợt, tầm tã.
Chỉ có mỗi con đường tráng nhựa duy nhất nối liền từ trại Một đến trại Năm. Chỗ làm thủ tục xuất trại. Đó cũng là nơi có các trailer, "văn phòng" của những cơ quan thiện nguyện ở đoạn gần cuối con đường.
Ra khỏi văn phòng của cơ quan Church World Services, tôi hỏi Văn:
- Uống gì không?
Văn gật đầu:
- Tôi có năm đồng đây.
Tôi cười, đứng bên đường nhìn con dốc đổ xuống trại tám. Đêm qua, tôi với Nguyễn mới đi với nhau trên con đường đất đỏ đó. Tôi quàng tay, kẹp cổ Nguyễn. Nguyễn đọc cho tôi nghe một bài Đường Thi với hai bản dịch, một của bạn nàng, Hy Quyến, và một của chính nàng. Nguyễn cũng đọc lại hai câu thơ:
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều hôm sầu gối tay.
Hai câu thơ được nhớ bởi hai kẻ mới bắt đầu cuộc sống vô định giữa một xó rừng mà, sự xa lạ không chỉ là cỏ cây! Ngay đến tiếng nói cũng như tập quán khiến không thể dự liệu điều gì, sau đấy.
Trước khi rẽ vào khu lều có mấy đứa cháu của Nguyễn đang ở, tôi nói tôi muốn trở về.Tôi bảo Nguyễn là một người trong nhóm những người đã ghi tên trở về, ở khu riêng, đã liên lạc với tôi. Anh ta bảo đảm tôi không sao hết nếu chịu trở về. Nguyễn hiểu tôi xót xa vì Thụy và những đứa con. Nhưng nỗi đau đớn và dằn vặt ghê gớm hơn cả, trên hết những thứ đó, vẫn là mẹ tôi. Tôi không kịp thấy mặt bà trước khi đi. Tôi không nhớ lần thứ mấy tôi đã nói với Nguyễn ý nghĩ kia. Mấy lần đầu nghe xong Nguyễn khóc. Những lần kế tiếp Nguyễn yên lặng, chịu đựng.
Dường như Nguyễn cố gắng chiều tôi nhiều hơn nữa, cho tôi vui, cho tôi quên. Cho tôi đừng có những lúc thình lình nổi cơn!
Văn nói khi chuyến xe buýt đầy nhóc người đổ dốc về trại tám:
- Anh định sao?
Tôi đáp:
- Có gì đâu mà định.
- Ít ra thì cũng phải nhận một người bảo trợ chứ?
Tôi lắc đầu:
- Tôi mới từ chối, để còn được ở lại đây.
Văn lúc lắc cái đầu, không ra gật cũng chẳng ra lắc:
- Sớm muộn gì trại này cũng đóng cửa.Tôi nghe nói chậm lắm là cuối năm nay.
Tôi biết điều đó. Tôi hiểu tôi không thể làm gì hơn. Tất cả đám người lúc nhúc như chuột này được gom lại để rồi sẽ vẩy tung tóe đi khắp nơi… Tuy nhiên, còn ngày nào hay ngày nấy. Một thân một mình, cũng dễ.
- Phần anh sao? Tôi hỏi Văn.
- Tôi đã chọn đi Washington. Thứ hai tới tôi đi.
- Trong toán năm trăm người phải không?
Văn gật đầu:
- Tôi có gia đình, vợ và ba con.Tôi không thể ì ra như anh. Tôi cũng không cho phép mình chọn lựa. Mà chọn lựa cái khỉ gì…anh. Lết cho hết phần đời còn lại. Thế thôi, đâu chẳng là quê người. Bày đặt chọn với lựa!
Lúc đi ngang qua đám người xúm quanh một trụ xi măng, nghe nói, là nơi dựng tượng. Người lãnh phần nặn tượng dơ cao máy xì, chào chúng tôi một cách hãnh diện, vồn vã.
Tôi gật đầu với anh ta và bảo Văn:
- Đêm qua tôi mới ngủ lại ở trại Tám.
Văn nói:
- Tôi biết. Anh có qua thăm vợ con tôi ở lều 17. Anh quên rồi sao?
Tôi cười:
- Ừ nhỉ. Chắc tôi đang mất dần trí nhớ.
- Anh nên để nó mất nhiều hơn, nếu anh còn muốn sống.
- Chắc thế. Tôi sẽ cố.
Câu lạc bộ không còn bàn trống. Văn bảo tôi ngồi chờ để y đi tìm một chỗ ngồi ké. Cuối cùng Văn từ góc phòng đưa tay ngoắc ngoắc. Tôi được xếp ngồi cạnh một thanh niên đeo kính cận. Anh ta nhận ra tôi ngay. Riêng tôi mất vài phút, mới ngờ ngờ như đã gặp anh ta ở đâu, cũng đôi lần. Theo lời anh, thì tôi đã gặp anh ta ở cà phê La Pagode. Rõ ràng là anh ta muốn nói nhiều chuyện…Tôi thì không. Sự nhắc nhở của anh chỉ khiến tôi thêm mỏi mệt, rời rã.
Tôi hỏi:
- Anh có thuốc lá?
Người thanh niên rút cho tôi một điếu Pall Mall và, rất kiểu cách bật lửa cho tôi bằng cái hộp quẹt ga mạ vàng. Tôi nghĩ chắc anh muốn chứng tỏ tuy đi tỵ nạn nhưng vẫn là thứ ngon lành, tay chơi…Tôi muốn dí đóm lửa đã cháy đều, đỏ tươi ở đầu điếu thuốc, vào hai con mắt trắng nhờ sau cặp kính của anh.
Ý tưởng này làm tôi cười khoái trá, như thể tôi vừa trả xong một mối thù ôm ấp bao năm. Văn gọi:
- Two coffees, xong quay qua hỏi tôi cười gì vậy?
Tôi đáp:
- Không. À. Tôi nhớ vợ con.
Đến lượt Văn và, mấy người ngồi cùng bàn từ trước, bật cười. Văn nói:
- Nhớ vợ con mà anh cười được. Cũng lạ!
Lúc ấy người thanh niên mang kính cận vẫn còn nguyên nụ cười trên nét mặt, nhìn tôi vẻ chớt nhả. Tôi nói trong đầu: "Tao sẽ giết mầy. Tao sẽ giết mày. Cứ cười đi. Thằng lỏi."
- Nhớ thương đến độ nào, người ta chỉ có một trong hai cách để chọn. Cười hoặc khóc.
Người con gái ngồi đối diện tôi, có lẽ là bạn hay bồ của anh thanh niên nói:
- Nên ông cười?
Tôi đáp:
- Vì đó là cách tôi chọn.
Tôi lại cười nữa. Lần này tôi cười vì sự ngây ngô của mọi người trước lời phỉnh gạt của tôi. Tôi đã phỉnh gạt cả Văn. Sự thực trong đầu óc tôi lúc đó, chẳng có Thụy, chẳng có ai, ngoài hình ảnh "thằng lỏi đeo kính cận" mà tôi muốn châm mù mắt nó.
Tôi bắt gặp tia nhìn tội nghiệp của người con gái lộ liễu gửi đến.Tôi rất dễ mủi lòng khi nhận được sự tội nghiệp từ những người đàn bà. Có lẽ một trong những tập quán mà mẹ tôi đã cho tôi là thói quen ấy. Thói quen này tôi có vào năm lên bảy, khi mẹ tôi bắt tôi ra tỉnh, ở trọ nhà người dì, em ruột của mẹ tôi. Bà muốn tôi đi học thêm vào mùa hè.
Tôi nhớ hành trang duy nhất tôi mang theo cho chuyến đi đầu tiên (đúng ra là những ngày đầu tiên rời khỏi vú mẹ) là tấm áo cánh không giặt của mẹ tôi lót trong cái gối quen thuộc. Có lẽ tôi là một đứa trẻ kỳ cục. Suốt tuổi thơ cho đến năm mười một, mười hai tuổi, hình như tôi không sống bằng thực phẩm, bằng cơm gạo mà sống bằng mùi hơi của mẹ. Cho đến năm mười một tuổi tôi vẫn còn ngủ chung với bà. Và tôi chỉ có thể ngủ được sau khi đã vân vê hàng giờ cái đầu ti nhăn nheo của mẹ tôi. Bởi thế ba tháng hè ở Phủ Lý là ba tháng kinh hoàng nhất trong suốt ấu thơ tôi.
Không phải mọi người không thương tôi. Chú dì tôi có rất nhiều con – và đa số là con gái. Theo vai vế họ là em, nhưng tuổi tác thì họ hơn tôi. Họ thương yêu tôi như thương yêu một đứa em út. Có thể hồi đó tại tôi mập tròn, trắng như một củ khoai. Hai má đồng tiền không cần cười cũng thấy. Mang tiếng là ra tỉnh, nhưng tôi biết tôi ăn mặc đẹp, sạch sẽ, chí ít cũng hơn hết tất cả những đứa nhỏ cùng dãy phố, hoặc những đứa học cùng lớp.
Tôi nhớ tôi có hai chiếc quần yếm một mầu xanh nước biển, một mầu nâu đất, với hai sợi giây bắt chéo sau lưng. Nguyên ngực tôi là cái túi bự. Bên trong cái túi khổng lồ này, chả bao giờ có một cái gì khác hơn những cây tăm mẹ tôi đã dùng sau mỗi bữa cơm. (Sau mỗi bữa cơm khi người làm dọn dẹp, tôi thường được ngồi trong lòng bà. Bà hay kể chuyện đời xưa khi thì cho các anh và các chị tôi nghe. Cũng có khi bà kể chuyện ngày xưa của bà, với cả bà con, khách khứa). Chuyện đời xưa đây là những mẩu chuyện về cha tôi khi ông còn sống.
Những buổi chiều ở nhà chú dì Giám, tôi thường đứng trước cửa thọc hai tay vào hai túi quần, nhìn qua bến xe đò, về phía rặng núi xa; tưởng tượng nhà tôi, nó ở phía sau rặng núi đó. Sau này tình cờ trong câu chuyện của anh Quảng nòi với ai đó, tôi mới biết quê tôi ở phía sau lưng căn nhà, nghĩa là ngược với hướng của rặng núi.
Khi thấy tôi đứng một mình như vậy, mấy người con gái của dì tôi lại gần tôi, gợi chuyện. Họ thích nghịch tóc tôi cũng như hay sờ cái giải quần tây của tôi. Có khi họ bỏ những viên kẹo vừng hay những miếng chè lam vào cái túi yếm trước ngực. Họ cũng thường rủ tôi chơi nhảy giây, chơi ô ăn quan, rải banh, đánh đũa…Tôi rất thạo những trò chơi con gái này vì suốt bao nhiêu năm, tôi chỉ có một người bạn duy nhất để chơi với là chị Băng.
Nhưng tất nhiên tôi không chơi những trò chơi…con gái như thế với mấy người con gái của dì tôi. Họ đã chẳng từng kháo nhau rằng, tôi giống con gái đó sao. Tôi muốn chứng tỏ ngược lại. Tôi muốn nhắc nhở họ, tôi là con giai. Con giai chứ không phải con gái. Nhưng càng muốn chứng tỏ bao nhiêu, tôi càng thất bại bấy nhiêu! Bởi vì trước sự hỏi han săn sóc của họ, tôi luôn thấy tủi thân! Lúc nào tôi cũng chỉ muốn khóc. Dì Giám bảo:
"Thằng Lãng thế mà mau nước mắt gớm. Chắc là dì cũng chả dám giữ mày ở đây lâu đâu. Hết hè dì trả mày về cho mẹ mày."
Đêm đó tôi cầu xin trời phật bắt dì phải giữ lời…
Người con gái ngượng nghịu đưa cho tôi mấy bịch đường và nói:
- Đường này, ông.
Tôi cám ơn. Chập ba bịch đường lại xé một lần. Dốc hết vào ly cà phê. Tôi muốn bảo cô ta "đừng nhìn tôi nữa!" Tôi sợ những tia nhìn ân cần, thăm hỏi. Tôi sợ chỉ vì tôi thiếu thốn. Chỉ vì, lúc nào tôi cũng thèm khát những điều đó.
Văn hỏi:
- Anh hút thuốc gì?
Tôi đáp "gì cũng được" và đưa ly cà phê lên miệng.
Những ngày ở Guam, những ngày lênh đênh trên tầu biển của Mỹ tôi đã quen với vị lạt lẽo của cà phê bột. Nhưng bao giờ thì ngụm cà phê đầu tiên cũng làm tôi nhăn mặt. Văn đi mua thuốc lá, lúc này tôi mới nhìn rõ mặt người con gái. Nàng có một cái thẹo nhỏ nằm dưới khóe mắt một bên trái.
- Nẫy giờ hình như ông không nói tên ông?
Câu nói đột ngột của người con gái làm tôi và, cả cùng bàn, ngỡ ngàng.
Tôi hỏi lại:
- Bộ cô chưa biết thiệt sao?
Người thanh niên cận thị chen vào, vẫn rất kiểu cách, chỉ tay người con gái:
- Đây là Vân. Em của nhà tôi.
Tôi gật đầu với những tiếng "à.à…" lí nhí trong miệng.
- Có thể tôi đã biết nhưng vẫn muốn được hỏi để nghe ông tự giới thiệu.
Tôi thực sự sượng sùng. Trong đời tôi chưa một người đàn bà nào hỏi tôi như vậy. Cũng chưa một người đàn bà nào đẩy tôi vào tình cảnh tiến thối lưỡng nan như thế.
Tôi nói với người anh rể của cô ta rằng, tôi muốn xin thêm một điếu thuốc nữa. Trước khi cúi xuống châm điếu thuốc mới bằng que diêm tự bật, tôi nói:
- Tôi là Lãng. Cô cứ gọi tôi là Lãng. Lãng là đủ rồi.
Người con gái mỉm cười với ánh mắt ranh mãnh. Hình như từ lúc tôi ngồi xuống bàn, đây là lần đầu tiên cô ta cười (hay lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô ta cười, thì cũng vậy). Nụ cười của cô ta rất lạ. Tôi không diễn tả được. Nó cũng kỳ quặc như lối nói chuyện của cô. Còn một điều nên nói nữa theo tôi, là từ nụ cười kia, tôi có một cảm nhận, nếu ta gặp lại người này, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra? Tuy nhiên mặt khác, bỗng không tôi lại muốn ăn miếng trả miếng với cô. Chắc vì tôi vẫn còn sượng sùng với câu hỏi trước đấy. Tôi nói không đắn đo:
- Nụ cười của cô làm tôi nhớ vợ tôi.
Cô gái thản nhiên:
- Thiệt hả ông…Lãng. Bà ấy đâu?
Văn trở lại, ném bao thuốc Lucky trước mặt tôi.
- Nhà tôi ở trại một. Bà ấy đang chờ tôi về đi ăn trưa.
- Muộn rồi. Ăn trưa gì nữa.
Văn không hiểu ất giáp gì, nhanh nhẩu đáp. Cô gái nhìn bằng cái nhìn cho thấy, với cô, lời nói của tôi chẳng có một giá trị gì!
- Theo tôi thì ông nên chờ thêm vài tiếng…Đi ăn lúc này sẽ dở dang đấy.
Cô nói. Tôi gật đầu. Chợt thấy mình trơ trẽn trước người con gái. Tôi nói:
- Cô đừng quan tâm đến lời nói của tôi.
Cô gái mỉm cười. Vẫn nụ cười kỳ quặc. Nhưng ánh mắt dịu dàng, chia xớt:
- Vân được trời ban cho nhiều khả năng. Trong đó có khả năng đọc được ý nghĩa thực, giả của từng câu chuyện.
Tôi nghe lòng mình nhẹ nhõm hơn. Cô tiếp:
- Tối nay ông có xuống trại Tám?
Tôi nhìn cô bằng đôi mắt dọ hỏi. Tôi chưa kịp ngạc nhiên. Cô gái đã cho biết, gia đình cô ở khu cuối căn lều đêm qua tôi đã ngủ.
Tôi bảo "à ra thế," và đáp, có thể tôi sẽ xuống trại Tám vào đêm trước ngày Văn đi.
Câu chuyện xoay qua những người mới đến. Những người đã về và sẽ rời trại. Những địa danh mù mịt. Những phỏng đoán, hứa hẹn vô căn cứ…
Lúc chia tay bên ngoài câu lạc bộ, người anh rể của Vân nói, anh ta thích cái quần Jean tôi đang mặc.
Văn nói bán đi. Văn sẽ cho tôi hai cái quần khác. Đó là chiếc quần jean Thành Hiện Đại bán cho tôi từ nhiều năm trước. Chiếc quần jean nhiều túi màu máu bò. Chiếc quần jean và chiếc áo chemise xám là gia tài còn lại trên người tôi. Tôi trở nên chợ búa một cách khác thường, khi hất hàm hỏi:
- Liệu anh trả được bao nhiêu?
Anh ta nói:
- Ba chục
Văn gật gật bảo được. Tôi trả lời:
- Mai anh lấy.
Tôi quay qua Văn, nói, tôi sẽ chia cho anh hai phần ba.
"Anh dùng tiền đó mà đi Washington…"
- Anh còn muốn mua gì nữa chăng?
Tôi trở lại với người thanh niên. Nhiều phần anh không thấy trong câu hỏi của tôi có điều bất ổn. Anh thật thà.
- Anh còn gì?
Tôi nói:
- Cái đồng hồ mất nắp, nhưng vẫn còn chạy tốt.
- Ngoài ra?
Tôi hất mặt:
- Chỉ còn…tôi.
Mọi người cười ồ. Họ nghĩ tôi nói giễu. Chỉ Vân và Văn, hiểu tôi không giễu.
Tôi nghĩ đến chuyện đêm nay phải khai thật với Nguyễn là tôi đã nhận lời bán chiếc quần jean duy nhất còn lại. Tôi lại nghĩ, hay sẽ nói dối? Nói đã cho Văn làm kỷ niệm? Chắc Nguyễn tin. Tôi chờ đợi tên kia nói thêm một câu gì đó. Tôi thực sự muốn gây chuyện. Văn đập đập vai tôi. Rất may người thanh niên bỏ đi.
Tôi bảo Văn:
- Thôi anh về.
Văn gật đầu. Tôi đứng lại bên này đường đón chiếc xe buýt chạy ngược lên. Văn băng ngang đường nhập bọn với đám người chờ xe về trại tám.
Trước khi tôi không còn nhìn thấy Vân vì khoảng cách và nắng chói, tôi nói vói theo:
- Tối nay tôi có thể xuống trại tám. Vân gật đầu. Mái tóc nàng cắt ngắn. Chiếc áo vét mặc ngoài dày cộm khiến trông từ sau, Vân giống như một người thiếu nữ Tàu làm việc ở công trường Tân Cương vào mùa có tuyết.
Nắng lên nhưng gió núi vẫn thổi từng cơn buốt nhức. Tôi nghe tiếng u u như thể gió từ tai này thổi lọt tai kia.
Chiếc xe buýt đến, tôi leo lên, thẫn thờ như người mất trí. Chiếc xe chạy chậm qua nhiều dẫy lều. Ở đó quần áo đủ mầu được phơi trên những sợi thừng, như hàng trăm lá cờ của các quốc gia hội viên cơ quan Liên Hiệp Quốc. Tiếng loa phóng thanh chát chúa từ các trại ra rả phát đi những lời nhắn tin. Thỉnh thoảng họ lại đọc danh sách những người được gọi lên processing center làm thủ tục xuất trại.
Tôi hãi hùng nghĩ tới lúc ra khỏi vòng rào kẽm nầy. Những gì sẽ đợi tôi ở cõi ngoài đó? Ý nghĩ trở về lại lởn vởn trong đầu. Những ngày đầu ở Guam, tôi cũng đã có ý tưởng đó. Những buổi chiều ngồi trên chiếc ghế bố nhìn mặt trời xuống dần ở chân trời xa thẳm, chờ bữa cơm tối nhiều lần tôi đã ôm mặt khóc ngất. Bỗng dưng lòng thương xót mẹ già, bỗng dưng lòng thương xót Thụy, thương xót Nguyễn, thương xót Phan…không biết trôi dạt về đâu, khiến tôi không còn muốn sống. Nếu không có sự can ngăn quyết liệt của chị Quảng, chắc tôi đã ở lại Guam chờ trở về. Những ngày đó, tôi sống nhờ chị Quảng và nhờ Th. Nguyễn không hiểu thế. Nguyễn không chịu hiểu như vậy. Lúc gặp lại Nguyễn ở Pendleton, nàng đã vứt đi (có thể là nàng đã đập nát) chiếc vòng ngọc mà Th. lén nhờ người cậu trao lại cho tôi khi gia đình Th. được tập trung vào một khu riêng để đáp chuyến bay thẳng Pennsylvania. Tập nhật ký của tôi, dường cũng bị Nguyễn xé nát. Tôi không còn muốn nhớ bây giờ Th. bao nhiêu tuổi. Nhưng lúc đó Th, mới mười sáu, tôi gấp đôi tuổi nàng. Những ngày lênh đênh trên mặt biển, những ngày dưới hầm tầu, những ngày trên đảo, những đêm ở Guam, Th. hẹn tại một mô đất cao. Tự nơi ấy, hai đứa nhìn về thành phố, với những giải đèn nhấp nhô như những đợt sóng màu lóng lánh. Th. đã lãng mạn, ngây thơ nói về ngày mai. Tôi hổ thẹn không dám nói thật với Th. rằng, tôi không còn một ngày mai nào dành cho Th. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại hôn vùi lên mặt Th. Tôi ghì xiết Th. để nàng khỏi nói thêm gì nữa. Khi Th. cởi chiếc vòng ngọc trao người cậu đem về cho tôi, ông ta nói "Đây là chiếc vòng ngọc của mẹ Th. cho nó, chiếc vòng không ai có quyền giữ ngoài nó hoặc người chồng tương lai của nó. Nó bảo nó gửi cho anh, anh cố mà gìn giữ."
Đêm chia tay, tôi đứng ngoài vòng rào, Th. ở bên trong. Đôi mắt Th. thảng thốt như đôi mắt tử tù. Th. làm như chẳng bao giờ chúng tôi còn gặp lại nhau! Và Th. đã đúng. Tám năm rồi, tôi không nghe được một tin nào từ Th.
Lúc biết tin gia đình Th. rời khỏi Guam, anh chị Quảng như trút được một gánh nặng.
Chiếc xe ngừng lại ngang trại ba, một số người xuống và có đam ba người lên. Tôi đứng đậy chuẩn bị vì xe sắp đến bến. Trạm cuối cùng là sân ban điều hành trại Một.
Chợt có tiếng người từ phía sau lưng vói tới:
- Chú là chú Lãng?
Tôi gật đầu:
- Vâng tôi. Cô cần gì?
Cô bé ngập ngừng trước khi tiếp một cách bạo dạo hơn trong sự ngỡ ngàng của tôi:
- Cháu là Quỳ. Cháu muốn nói chuyện với chú được không?
- Được chứ. Có gì đâu. Tôi đáp với ngỡ ngàng còn nguyên vẹn.
Chiếc xe chạy chậm thêm trước khi dừng hẳn. Nhiều câu hỏi bật lên trong đầu, tôi nhường Quỳ xuống trước.
Quỳ có đôi mắt của Th. Đôi mắt thảng thốt nhìn tôi trong vòng rào và, nụ cười của Vân. Nụ cời kỳ quặc. Không định, chúng tôi cùng thả bộ ngang qua cửa sau khu nhà ăn. Lúc đó cái đuôi còn ngắn.
Quý nói:
- Cháu thích một bài thơ của chú.
Tôi đáp:
- Thỉnh thoảng tôi cũng có làm thơ, giống như mọi người. Trong một đời người, ai chẳng có đôi lần làm thơ.
Nư không chú ý câu nói của tôi, Quỳ tiếp:
- Cháu nhớ một bài, không hiểu sao cháu lại nhớ bài đó.
Lối nói chuyện và cung cách của Quỳ thực sự kích thích tôi.
Một vài bài thơ nhỏ thoáng về trong trí nhớ. Tôi không có thói quen nhớ thơ của mình. Nhưng tôi biết, tôi cũng có một vài bài thơ có thể thích hợp với Quỳ.Tôi nhắc tên một vài bài. Quỳ lắc đầu. Quỳ hỏi tôi có muốn Quỳ đọc một đoạn trong bài thơ Quỳ thích? Tôi gật đầu:
- Hẳn nhiên là tôi thích.
Quỳ đọc:
Tặng em sinh nhật mới này
Nến đau đớn thắp cho đầy cuộc vui.
Tôi choáng váng. Tôi bàng hoàng. Tôi lúng túng. Tại sao câu thơ đó lại có thể bám chết trong trí nhớ của một cô gái còn quá nhỏ?
Quỳ đọc dứt đoạn thơ vừa lúc chúng tôi băng ngang đường, dừng trước một triền dốc thoải. Cuối dốc là thung lũng với những cành xồi gẫy và, những bông hoa đỏ như đinh tử hương. Đến gần tôi thấy nó giống mẫu đơn hơn.
Tôi nói:
- Ta xuống kia nha.
Quỳ gật đầu. Dốc thoải nhưng không có lối đi sẵn. Có lẽ những người lính ở đây không có thì giờ để mơ mộng với cái thung lũng nhỏ đầy cành xồi gẫy và, những gốc trắc bách diệp già cỗi này.
Tôi bảo Quỳ:
- Đưa tay cho tôi.
Quỳ chìa bàn tay nhỏ xíu trắng muốt, lốm đốm những bông sữa ửng hồng dưới làn da xanh. Tôi rùng mình. Nhắm mắt. Quỳ rón rén bước theo từng bước. Mặt ửng đỏ. Nhịp máu Quỳ đập nhanh. Cô bé chỉ cứng cõi trong ý nghĩ và, lời nói mà thôi, tôi nghĩ.Trước khi chọn một gốc cây to để cùng ngồi xuống, Quỳ hỏi:
- Chú đi một mình?
Tôi gật đầu, nhìn đồng hồ. Một giờ, giờ tôi hẹn Nguyễn xếp hàng ăn trưa.
Quỳ hỏi tôi có hẹn với ai chăng? Tôi nói dối:
"Không. Tuy nhiên lát nữa chú phải gặp một người bạn," rồi thêm, "chú sẽ trở lại, nếu Quỳ có thì giờ."
Quỳ gật đầu:
- Cháu muốn được nói chuyện với chú. Cháu không ngờ gặp chú ở…đây
Tôi dựa lưng vào một gốc xồi lớn. Bầu trời trên cao mở ra như một cái nắp đậy hình tròn, có màu xanh của mây. Quỳ ngồi bên cạnh, luôn tay bứt cỏ. Giữa chúng tôi có một khoảng cách. Khoảng cách đó là sự ngỡ ngàng mà, cả hai cùng như cảm thấy…Loa phóng thanh phát đi những lời nhắn tin tìm thân nhân; cùng tiếng người ồn ào ở trên miệng thung lũng. Chúng trộn lẫn, thả từng đợt xuống thung lũng. Tôi không biết làm cách nào để phá tan sự ngỡ ngàng kia. Tôi lấy thuốc ra hút. Hơi thuốc đầu tiên cho tôi cảm giác muốn nôn.
Ta ốm mất! Tôi nhớ hai hôm trước, lúc ăn cơm xong bữa cơm chiều, tôi dẫn Nguyễn đi bách bộ, tình cờ khám phá được cánh rừng với một con suối nhỏ phía sau lưng trại Ba.
Chúng tôi không phải là người đầu tiên khám phá ra cái "thế giới" thiên nhiên đó. Tôi gặp rất nhiều người đi trở ra, cũng như nghe được tiếng nói từ các bụi cây đâu đó. Tôi bẻ một thân cây nhỏ là gậy, đi sâu thêm nữa, cho đến khi không còn một tiếng ồn nào vọng tới. Đường đi mỗi lúc một dốc lên và khó. Cuối cùng tôi tìm được một cái hang. Gọi là hang vì nó được những cành cây và dây leo bao kín mọi mặt, chỉ chừa một cửa tò vò để chui vào. Những lớp lá khô rụng xuống từ nhiều năm tháng trước tạo thành một lớp thảm dày, như nệm. Tôi sống lại với Nguyễn ở đó, sau gần hai năm cầm bằng vĩnh biệt. Nguyễn nồng nàn, cuồng nhiệt hơn xưa. Nàng khóc. Lập lại ước mơ cũ:
"Em muốn có một đứa con với bố".
Tôi gật đầu, thở ra. Chúng tôi nằm với nhau như thế cho đến lúc có tiếng bước chân nặng nề và, ánh đèn pin quét qua quét lại phía con đường mòn bên trái. Nguyễn hồi hộp ôm tôi. Nàng thu người nhỏ lại như một con sâu kèn, trong khi tôi cố gắng làm cái kén trùm phủ che Nguyễn. Tôi nói:
- Đừng sợ. Đừng sợ. Mấy người lính đi tuần. Họ đi tuần ấy mà.
Lúc toán lính tuần tiểu ban đêm đã đi xa, tôi sống lại với Nguyễn một lần nữa. Nguyễn mệt lả rũ ra như một tàu lá héo. Tôi mặc lại quần áo cho Nguyễn, đắp thêm cho nàng cái jacket nhà binh trại phát cho tôi hôm mới tới để chống lạnh. Tôi hút thuốc liên miên, canh cho Nguyễn ngủ tới lúc nàng giựt mình tỉnh dậy. Qua vòng lá, đêm trên cao đầy sao. Tôi luồn tay dưới cổ Nguyễn, nâng đầu nàng lên. Tôi hôn lên trán nàng:
"Chúng ta bắt đầu lại từ đầu. Em hãy giúp bố."
Nguyễn gật đầu. Trong bóng tối, tôi nhìn thấy những giọt lệ lăn nhanh trên khuôn mặt gầy, xanh mét. Tôi muốn tin đó là những giọt hạnh phúc, chẳng biết có phải?
Có thể tôi đã bị nhiễm lạnh từ đêm đó. Bất giác tôi buột miệng:
- Chỉ có cái chết mới thực sự là kết cuộc.
Quỳ giật mình quay ngang. Ánh mắt hắt chiếc bóng Quỳ phủ ngang qua mặt tôi, gần, sát. Lúc này tôi mới thấy hàng lông măng trên môi Quỳ, và những chấm mụn li ti ở hai cánh mũi. Đôi mắt Quỳ thảng thốt hơn nữa. Đôi mắt trong vòng rào. Đôi mắt người tử tù. Đôi mắt như không có trong trần gian. Trong giây phút mơ hồ giữa thực và ảo giác. Tôi kéo Quỳ ngả xuống. Quỳ đè nửa người lên ngực tôi. Tôi vòng tay qua giữ lấy giữ lấy nửa phần thân thể đó. Quỳ run rẩy, không rên, dù chỉ một tiếng nhỏ. Quỳ run rẩy nhưng mặt khác tôi lại có cảm tưởng như nàng đang vận dụng sức mạnh của tất cả các bắp thịt. Tôi xoay mặt Quỳ lại. Sau phút giây điên rồ tôi nghe như có một điều gì đã biến tan cùng chiếc hôn. Tôi nghe trống trải, mất mát. Tôi nghĩ, có thể tôi đã để lại cho Quỳ một vết thương. Loại vết thương khó phai mờ.
Tôi nói:
- Có những lúc người ta như một con thú. Và tôi đã là một con thú ở những ngày vừa qua; cũng như sẽ còn ở ngày kế tiếp.
Quỳ ngồi nhích sát thêm, ngã đầu vào vai tôi yên lặng. hành động của Quỳ cho tôi cảm tưởng Quỳ đã chuẩn bị trước, giây phút này. Chí ít, Quỳ cũng đang trên đường đi tìm giây phút đó.
Quỳ hỏi:
- Ở tuổi nào người ta mới được phép yêu hở chú Lãng?
Câu hỏi cũng ngột ngạt như sự việc vừa xảy ra. Tôi châm một điếu thuốc mới để có đủ thì giờ đem tâm trí mình trở lại như cũ. Qua làn khói, khi nhìn xuống mặt Quỳ, tôi thấy một vết đỏ có thể là kết quả cái hôn điên dại của tôi.
Tôi nói:
- Không thể dứt khoát là tuổi nào. Nhưng cũng không nên khi còn quá nhỏ.
- Thế nào là quá nhỏ?
- Như Quỳ hiện tại
- Quỳ sắp mười sáu.
Quỳ nói với tất cả hài lòng. Tôi muốn ra khỏi câu hỏi mà tôi không thể trả lời một cách thỏa đáng cho Quỳ; cũng như tôi không thể trơ trẽn đóng vai một nhà đạo đức khi mới vài phút trước đó là những gì có thể coi là thiếu…đạo đức. Tôi lảng qua chuyện khác:
- Quỳ đọc được bài thơ đó ở đâu?
- Trên báo.
- Quỳ thích vì thích, hay vì Quỳ đã sống trong cảnh ngộ ấy.
- Cả hai. Chú Lãng.
Lúc này dường như ký ức tôi đã làm việc tốt trở lại. Tôi nhớ bài thơ đó làm cho Nguyễn, khi Nguyễn quyết định xa tôi. Tôi nhớ những sinh nhật của Thụy rất buồn. Tôi không có một món quà nào cho nàng.Tôi nhớ cá nhân tôi chưa từng có sinh nhật. Một lần nào đó, đón Nguyễn ở trường, lúc đã ngồi yên sau chiếc xe honda của tôi, Nguyễn nói:
"Hôm nay, sinh nhật bố". Nguyễn là người đầu tiên và duy nhất, nhắc nhở tôi, cho tôi thấy, tôi cũng có ngày để gọi là sinh nhật. Gió tạt ngược lời nói của Nguyễn về phía sau. Nhưng tôi vẫn cảm được trong Nguyễn niềm hân hoan và, hạnh phúc có phần cay đắng. Tôi nhớ tôi nói:
"Bố sốt sang đến ngày thứ năm."
Nguyễn bấu những ngón tay móng nhọn xuống đùi tôi. Lát sau nàng bảo:
"Em muốn Bố cho em vào Chợ Lớn."
Nguyễn mở miệng nói về một điều bấy lâu tôi ngỡ chỉ một mình tôi muốn.
Chiều đó mưa. Chúng tôi nằm với nhau trên một cao ốc. Giữa một không khí xa lạ, chỉ phải nghe những ngôn ngữ xa lạ. Khi bài thơ được phổ biến, Nguyễn đã rời thành phố.
Tôi tin Quỳ nói thật. Tôi biết có những người con gái sống với một ảo tưởng bi thảm do chính họ vẽ nên. Lâu dần, họ tưởng họ đã thực sự, nhiệt tình ở trong thảm kịch ấy. Nhưng Quỳ có thực sự ở trường hợp này? Một đứa con gái mới mười lăm tuổi mà đã phải sống với cái cảnh tượng "Nến đau đớn thắp lên đầy cuộc vui," quả thật, tôi không thể hiểu nổi. Tôi muốn bửa óc Quỳ, tôi muốn moi tim Quỳ ra để được thấy tận mắt đó là nỗi đau đớn nào? Đó là niềm bi thảm nào? Và tại sao, những giọt nến kia đã chảy?
Tuy vậy, tôi bảo:
- Đừng quá bi thảm một sự kiện. Chẳng có điều gì đáng gọi là tận cùng, trừ cái chết. Chỉ có sự chết mới thật sự tận cùng thôi.
Quỳ ngồi thẳng người lại lúc có vài bóng người băng qua thung lũng trên con đường mòn phía xa.
- Vâng, Quỳ sẽ nghe lời chú. Nhưng có những thảm kịch tự nó đã đủ đến độ người ta không cần phải bi thảm hóa nữa. Căn bản nó đã như không thực rồi. Quỳ nói bằng một giọng lạnh lùng, thản nhiên như một người đàn bà năm mươi nói về một giai đoạn quá khứ đã hút xa của mình.
Tôi lay mạnh đôi vai Quỳ. Mắt Quỳ trừng trừng nhìn về phía trước. Lúc tôi chồm tới nhìn sâu vào mắt Quỳ, mới biết Quỳ đang khóc!
Tôi thấy rõ tôi bất lực và đớn hèn như đêm nào cúi đầu, quay lưng để Nguyễn ra đi.
Quỳ quay lại nhắc nhở tôi:
- Chú Lãng đừng quên cái hẹn.
Tôi gật đầu nhưng không thể cử động.
Quỳ tiếp:
- Quỳ chờ chú ở đây.
Tôi vớt vát một cách giả dối:
- Hay Quỳ đi ăn với chú?
Quỳ lắc đầu:
- Quỳ đã no từ lúc…gặp chú.
Tôi đứng lên. Buổi trưa nghiêng theo độ dốc của triền đồi. Những cành xồi khô gẫy vụn dưới chân tôi.
Tôi tìm ra Nguyễn không phải trong cái đuôi mà ở một gốc cây. Nàng đang tựa lưng, mệt mỏi nhìn về bến xe buýt. Tôi nói trong hổ thẹn:
- Bố đi bộ nên về trễ.
Nguyễn ôm ngang bụng tôi. Nàng không chút nghi ngờ:
- Có xe buýt sao bố không đi?
- Bố ngại đợi. Bố có đợi, mà lâu quá.
Nguyễn thọc cả hai tay vào túi áo khoác. Tôi quàng tay qua cổ nàng. Tôi nghe ấm ở phần cánh tay được phủ che bởi mái tóc dài. Chúng tôi là người sau chót của cái đuôi xếp hàng đi ăn trưa hôm đó.
Tôi bỏ gần hết phần ăn của mình. Ngay cả quả táo tôi cũng không nuốt nổi. Hình ảnh, những lời nói của Quỳ nhịp mãi trong đầu tôi, mỗi lúc một mạnh và nhanh hơn. Nguyễn nhận ra sự bất thường này. Nàng hỏi:
- Bố sao thế?
Tôi đáp:
- Chắc bố muốn đau.
Nguyễn lo lắng:
- Ăn xong bố về barrack ngủ một chút.
- Em có ngủ với bố không?
Tôi hỏi. Nguyễn cười. Nụ cười tinh quái. Nguyễn đoán sai ý nghĩa câu nói của tôi. Nàng đáp:
- Em mới ngủ cả sáng hôm qua. Thôi để bố ngủ. Em đi thăm chị Quảng và chơi với mấy đứa nhỏ.
Tôi đáp:
- Ừ. Cũng được.
Tôi chạy băng băng từ barrack xuống thung lũng. Với khoảng cách ấy, nếu tôi đi một cách thong thả cũng chỉ mười phút hơn mà thôi. Dọc đường tôi nghĩ "chắc Quỳ đã bỏ đi," " Quỳ không thể một mình dưới thung lũng lâu thế." Ý nghĩ thoáng qua này làm tôi chậm lại. Nhưng sau đấy tôi lại chạy nhanh hơn.
Quỳ vẫn còn đó. Quỳ ngồi vào chỗ ngồi cũ của tôi. Quỳ đang bưng mặt. Tiếng chân làm Quỳ mở ra đôi bàn tay. Tôi ngồi xuống, đưa cho Quỳ trái táo. Quỳ vuốt ve trái táo, không ăn.
Tôi nhích sát Quỳ hơn, bảo:
- Quỳ ăn một chút đi.
Tôi có cảm tưởng như giữa tôi và Quỳ đã có một thứ tình cảm sâu đậm từ nhiều năm trước. Quỳ lắc đầu:
- Quỳ nói rồi mà.
Có lẽ đấy là lần đầu tiên Quỳ ra khỏi cái vỏ mà Quỳ cố tạo cho mình. Giọng Quỳ trẻ thơ, có âm vang của những chiếc khánh treo trước cửa nhà vào dịp trung thu hay những ngày Tết. Tôi đùa:
- Bé con mà bướng gớm!
Quỳ nhăn mũi:
- Chưa đâu. Rồi chú sẽ biết. Chú sẽ phải sợ nhỏ cho mà coi.
Tôi gật đầu:
- Chú sợ Quỳ ngay từ câu nói đầu tiên.
Mặt Quỳ đang tươi bỗng trùng lại:
- Quỳ vẫn muốn chú trả lời câu hỏi lúc nãy.
Tôi cảm thấy tự nhiên và thoải mái hơn:
- Sự thực thì ở tuổi nào người ta cũng có được quyền yêu hoặc có tình yêu.
- Vậy thì vấn đề là ở chỗ nào?
Quỳ hỏi tới. Tôi ngập ngừng vì chưa bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi ấy. Thêm nữa trong mắt tôi, Quỳ vẫn còn quá nhỏ. Tôi nói lập lờ:
- Tùy từng qua niệm.
- Thế quan niệm nào là quan niệm của chú?
Cô bé thông minh hơn mình tưởng. Tôi nghĩ, thấy tốt hơn phải thận trọng. Tôi đáp:
- Đời sống không có tuyệt đối. Chân lý cũng chưa hẳn đã là một. Duy chỉ có tình yêu là tuyệt đối, là duy nhất.
- Chú nói như với một người bạn.
Tôi hỏi ngạc nhiên:
- Thì chú chẳng đang nói chuyện với một người bạn sao?
Quỳ hóm hỉnh:
- Một người bạn nhỏ. Rất nhỏ, chú đừng quên.
Tôi cầm lên bàn tay chưa có một vết nhăn, bàn tay đầy những bông hoa sữa ửng hồng dưới làn da trắng xanh:
- Chú muốn nói trong thế giới tình yêu chỉ có A hoặc B. Chỉ có sống hoặc chết. Tình yêu không có chỗ cho bất cứ một dung hòa, một thỏa hiệp nào tỷ như nửa sống, nửa chết.
Quỳ tỏ dấu nhận hiểu có thể nhiều hơn những điều tôi nói.
- Còn nhỏ mà sớm có những rung động có phải là một điều tội lỗi hay đáng xấu hổ không?
Quỳ hỏi. Tôi nhìn thẳng vào mắt Quỳ:
- Rung động đầu tiên nào cũng thánh thiện và quý báu như nhau.
Trời bỗng xầm tối. Những cây đinh tử hương, những cọng cỏ lau như đoán biết một cơn mưa sẽ đến.
Quỳ nói:
- Chú Lãng cho Quỳ hỏi thêm một câu nữa.
Tôi gật đầu, Quỳ tiếp:
- Chú có kết án những người như cháu, yêu người lớn tuổi không?
Gió lớn như muốn bẻ gãy những cành xồi nhỏ dòn trên cao, trong khi những thân cổ thụ răng rắc chuyển mình để chống lại sự đe dọa của tai họa. Tôi nói:
- Mưa sắp tới rồi, ta đi thôi.
Quỳ đứng lên. Tôi hỏi:
- Quỳ ở đâu?
- Quỳ sẽ tìm chú.
Giọng nói của Quỳ bị gió thổi, đứt quãng, Tôi đứng lại nhìn Quỳ băng qua thung lũng, theo đường mòn dẫn về trại Ba. Lúc tôi trở lại barrack thì Nguyễn đã nằm trên giường với tấm chăn dạ chùm kín.
Tôi mở tấm chăn ra. Nguyễn quay ngoắt mặt, không nói. Tôi tần ngần ngồi xuống mép giường sắt. Giữa lúc đó chiếc loa đặt trên nóc phòng ăn, lập đi lập lại tên tôi nhiều lần đi làm thủ tục xuất trại. Ý nghĩ trở về lại lởn vởn trong đầu. Hình ảnh mẹ già, hình ảnh Thụy, hình ảnh những đứa con, bằng hữu, những thói quen và những nơi chốn…Những câu hỏi cũ. Những câu hỏi không có câu trả lời: Tôi là ai? Như thế nào? Ra sao ở những ngày tháng trước mặt? Tại sao chỉ mình ta có mặt nơi đây? Ta có đáng sống hơn những người khác? Ta chẳng là gì cả. Ta chỉ là một điếm nhục. Ta chỉ là bọt bèo. Là rác rến đã bị giòng sông lịch sử dạt lùa về một xó góc lãng quên.
Tôi ngồi như thế trân trân, trối trối. Tôi ngồi như thế và, chợt thấy mình đã bị đồng hóa tự lúc nào với đống vải lùng bùng bẩn thỉu. Tôi và đống áo quần quấn quanh thân thể, chỉ còn là một. Nguyễn nhất định không còn muốn nhìn tôi nữa.
Đến chiều, trời vẫn không mưa. Lúc đưa Nguyễn đi xếp hàng ăn cơm tối, tôi thoáng thấy Quỳ đứng một mình ở đoạn giữa của cái đuôi dài. Khi tôi đi ngang, Quỳ quay đi với một bàn tay che mặt. Tôi thấy xấu hổ không chỉ với Quỳ mà, cả với Nguyễn. Trong phòng ăn tôi không dám nhìn ai.
Giữa bữa ăn. Nguyễn nói:
- Có thể em có thai, bố ạ.
Chúng tôi ra khỏi nhà ăn, trời đổ mưa tầm tã.
BIS
Dứt câu chuyện, người đàn ông với tay về phía sau tắt nốt ngọn đèn còn sót lại trong căn nhà. Người đàn ông đeo kính cận, ngồi ở chiếc ghế xéo góc, có mái tóc dài như người rừng cầm cây đàn guitar bật lên mấy tiếng khô bong, xong ngưng bặt. Căn phòng nhỏ trở nên buốt lạnh.
Trong đêm chỉ còn thấy hai đốm lửa. Họ yên lặng như thể trước mặt người này, người kia chỉ là chiếc bóng hoặc, hình nộm.
Họ ngồi như thế, thời gian chỉ được ý niệm qua những tiếng rít của bánh xe nghiến trên mặt lộ. Tiếng rú liên hồi của những chiếc xe cấp cứu, từ xa vọng lại.
Cuối cùng, người kể chuyện nói:
- Mai tôi đi.
Người ôm đàn guitar hỏi:
- Đi đâu?
- Tìm lại tôi. Tìm lại tháng Bảy.
- Pendleton đã đóng. Bảy năm rồi. Thung lũng đã không còn. Lối mòn đã cỏ dại. Anh quên sao?
Người ôm đàn nói với dáng hơi chồm về phía trước. Người kể chuyện khoa khoa đốm lửa trong bóng đêm mỗi lúc một thêm quánh đặc.
- Tôi nhớ chứ. Cổng Pendleton đã khép. Cơn mưa cũ đã xa. Nỗi niềm xưa cũng nhạt. Nhưng…
- Gì nữa?
- Tháng Bảy vẫn còn. Vẫn còn đó, tháng Bảy. Vẫn còn đó, thung lũng tôi. Buổi trưa tôi. Vạt nắng tôi. Ngọn nến tôi. Ngọn nến. Ngọn nến. Ngọn nến…Anh không thể hiểu được. Tôi cần một ngọn nến.
- Nếu lại là những "nến-đau-đớn-thắp"…?
- Thà thế. Bảy năm rồi. Anh biết, tôi chết như vậy chưa đủ sao?
- Không. Tôi chỉ muốn anh nên nghĩ. Nghĩ cho kỹ.
- Giả tỷ tôi không quen nghĩ?
- Tôi hiểu. Anh quen sống bằng trực giác và thụ cảm.
- Bao giờ anh đi?
- Ngày mai. Nhưng thực ra tôi đã đi. Đã đi rồi. Từ bảy năm trước.
- Mà anh không biết?
- Câu hỏi của tôi vẫn là đi đâu? Nơi chốn nào? Liệu có còn nơi chốn nào cho ta? - Cho riêng anh?
- Tôi không cần biết. Chỉ biết là tôi đi. Khắp nơi. Bất cứ nơi nào có tháng Bảy.
Như đoán biết được sự quyết liệt của bạn mình, người ôm đàn làm nỗ lực chót:
- Anh mong đợi những gì nơi tháng Bảy tìm thấy? Nàng không còn mười lăm. Nàng đã hăm ba…
Người kể chuyện kéo một hơi thuốc lá, thở ra đâu đấy, chậm rãi từng tiếng:
- Mong đợi gì ư? Khó nói quá. Một cơn mưa, thí dụ. Một bàn tay, một sợi tóc, một ánh mắt, một vạt nắng, một làn môi…Tại sao không? Tôi cũng được phép chứ?
- Hẳn nhiên rồi. Anh được phép. Tôi xác nhận anh được phép. Nhưng…người ôm đàn ngập ngừng, nếu cuối cùng vẫn chỉ là những cành xồi gãy?
Người kể chuyện lập lại gần như nguyên văn câu nói của người ôm đàn:
- Dù cho cuối cùng cũng vẫn chỉ là những cành xồi gẫy…
Người đàn ông thở hắt:
- Thế thì thôi.
Người kể chuyện ngậm ngùi:
- Cám ơn anh. Tôi hiểu lắm, lòng anh.
Người ôm đàn húng hắng ho. Lát sau, người này nói:
- Không phải tôi. Anh nên cảm ơn Quỳ.
- Anh không tin tôi tìm nàng để nói một điều gì khác hơn thế sao?
- Đã đành. Nhưng nếu không có nàng, anh có chuyến đi này không?
Người kể chuyện hơi đắn đo, rồi dứt khoát:
- Không có Quỳ, tôi vẫn đi, anh à.
- Thế thì tốt. Anh nên đi. Trước khi quá muộn. Mà…anh đã định chưa phương hướng?
- Tôi định rồi.
- Con đường nào vậy?
- Quá khứ.
Người ôm đàn im lặng. Người kể chuyện cũng không nói nữa. Một lúc lâu sau, có tiếng két két của những sợi dây đàn kéo căng trên phím. Rồi tiếng đàn nổi lên. Lúc đầu vắng xa. Sau về gần, rõ hơn. Rồi như có hơi mưa. Rồi như có mưa. Rồi mưa ầm ầm đổ xuống. Giữa lúc mưa như thác, tiếng đàn bỗng im bặt.
Trong đêm tối, người kể chuyện hỏi:
- Anh có chuyện gì thế?
Người ôm đàn nói:
- Không. Một sợi dây đàn của tôi, đã đứt.
1983.
Tan Theo Ngày Nắng Vội Tan Theo Ngày Nắng Vội - Du Tử Lê