Tác giả: Ngọc Giao
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Oanh2
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1064 / 23
Cập nhật: 2015-10-19 14:42:06 +0700
Download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xem thông tin ebook
hiều hôm nay lá rụng như mưa, vàng cả giời, vàng cả đất. Lá chết của ngày hè nắng đang độ nhạt rụng nhiều đi để cho những cánh lá trong xanh như ngọc thạch trồi ra làm tươi dịu những ngày đầu thu đang tới.
Lá rụng như mưa... Gió giời mênh mang thổi, làm tắt bao nhiêu nguồn sống, tàn nhẫn mà vô tình. Trong hơi gió rào rào, lắng nghe, ai có thấy những tiếng rên nho nhỏ của cành lá này, lá khác khi rời khỏi cành cây khô? Ai đâu thì không biết, ở vườn Bách thảo này có lão Năm-điên.
Lão Năm-điên nghếch mãi mặt lên nhìn lá rụng, và lão "nghe tiếng rên của lá".
Thực như vậy đó, lão già cô độc thương lá cả bốn mùa. Chiều nào lá rụng nhiều, chiều ấy lão không thiết nói năng gì cả, môi lão mím chặt lại, hai tay lão chắp sau lưng, lão bước củ rủ như con cò ốm.
Đừng vội cười lão già đâu phải nhà thi sĩ! Cũng đừng bảo ở cái thân già khô như củi ấy sao lại có thể chứa đựng một tâm hồn phiền phức ấy. Không, ở cái nhân loại này ai mà không khổ, tâm hồn nào mà chẳng quằn quại trong nguồn sống hàng ngày, nhiều hay ít mà thôi.
Lão Năm - điên chịu cái khổ âm thầm từ mấy chục năm giời. Trong những chiều lá rụng, lão thấy hiện ra một đứa trẻ thơ thẩn nhặt lá dưới những gốc cây: ấy là con lão, đứa con gái có trái đào phơ phất trên đầu ngày xưa vẫn ra sân đình lượm lá về đun. Hai cha con heo hút sống ở một căn lều tận góc làng, tưởng chừng được bỏ quên đi, thế mà người ta vẫn nhớ đến lão một năm một lần. Cái ngày được người ta nhớ đến, lão chỉ muốn đào lỗ mà chui xuống, ở luôn dưới đó không bao giờ lên nữa, nhưng người ta cứ lôi lão lên để bảo cho lão biết rằng nghèo thì nghèo cũng cần phải lĩnh cái sưu cho được tiếng là người dân lương thiện, chứ lẩn lút như vậy thì có khác gì con vật.
Lão Năm xấu hổ vì bị người ta nhiếc là con vật nên một sớm lão đã đeo khăn gói bỏ làng ra đi. Hai cha con trẩy bộ suốt đến bến đò Tân Đệ, xuống tầu lấy vé lên Hà Nội, thiếu mất chút ít, nhưng van lạy mãi người ta, người ta chửi dăm ba câu rồi người ta cũng cho ngồi một chỗ.
Lạc vào Hà Nội, lão hỏi thăm đến xưởng cai xe, xin lĩnh chiếc xe mà kéo. Nhưng lão không có thẻ, người cai văng tục vào mặt lão mấy câu, và lại nhiếc lão là con vật, là thằng mọi nhà quê biết Hà Nội là cái gì mà hòng kéo xe cho người Hà Nội, Hà Nội không có "36 phố phường" như lão tưởng, Hà Nội có đủ ba ngàn phố - "Lão già, lão mà không học thuộc bản đồ thành phố thì người ta ở trên lưng lão, người ta đạp sặc tiết lão ra" - gã cai xe bảo vậy.
Thế là đủ lắm rồi! Từng nấy lời đủ cho lão bắt đầu run cả người lên. Lão đói ba ngày. Ba ngày đói lão còn cố chịu, chứ đứa con gái nhỏ, thực là não ruột, nó rũ ra ở vỉa hè như cái giẻ rách. Cái giẻ rách cố nhiên là bẩn mắt, cho nên đã có một người hắt nó đi.
Hai cha con lão lại lang thang. Khát lắm, có thể ra máy nước, vì nước là của bể, của sông, của giời. Đói thì đành cố mà chịu vậy, cha con lão già! Đừng có liều mạng mó vào mẹt khoai, thúng ngô của người đàn bà lương thiện kia đang gánh nghênh ngang trong phố. Đừng có liều mạng ăn một vài bát phở của người đàn ông lương thiện kia đang đỗ gánh dưới cột đèn. Cha con lão già không chạy được đâu, vì Hà Nội đủ ba ngàn phố đấy, nhưng mà chỉ bé bằng cái mạng nhện ở góc nhà.
May mà gặp được Phúc tinh: có một bà Phán thấy cha con lão đi qua, ngứa miệng gọi đến, rồi bằng lòng nuôi con lão làm con ở.
Con ốm đói mới vào hầu hạ được ba ngày thì đã bị ba trận đòn. Nhưng đủ ba lần nó rình lẻn được ra đầu phố dúi cho lão già nắm cơm cháy và vạch áo cho lão già xem những vết roi. Hai cha con thương nhau đứt ruột mà không khóc, vì khóc như mưa như gió ở ngay giữa cái thành phố mà lão đã bắt đầu sợ hãi này thì lão quyết là không dám.
Lão già bỏ con vùng chạy đi, lão tìm một gốc cây rất tối ở một phố rất vắng để khóc, lão khóc cho hết cả nước mắt chứa ngập trong tâm hồn. Từ chiều đó, lão không trở lại nhìn con lão nữa. Lão mất hút trong Hà Nội. Lão xin được chân phu quét đường thành phố. Sau cùng, lão xin được chân gác trong vườn Bách thảo này. Đã một lần lão đến nhà bà Phán hỏi con gái lão. Bà Phán bảo nó trốn từ lâu. Thế là hai bố con bỏ lạc nhau. Lão đi trong phố, gục đầu xuống ngực mà khóc, mắt lão đỏ ngầu lên nhìn khắp cả mọi người. Lão không cần giấu rằng lão khóc.
Không ai làm gì lão, lão có quyền cứ khóc. Lão nghĩ như thế cho đến lúc về tới vườn Bách thảo, lão trèo ngay lên ngọn trái núi đất để tự do gục xuống, lả người đi.
Ngày ấy đến bây giờ đã được bốn năm. Bốn năm trong cái vườn mênh mông, bao nhiên lá đã trồi ra, bao nhiêu lá đã rụng đi, lá rụng tới tấp và rên lên thảm thiết như buổi chiều thu mới này khiến lão giợn mình hơn cả mọi buổi chiều.
Cái vườn sẵn mênh mông sao mà chiều nay càng mênh mông đến thế. Sương đã bắt đầu vương trên các chòm cây và trên các lá sen tàn ở dưới hồ. Gió heo may chưa đến mà lão đã thấy lạnh trong tâm hồn và như mọi mùa rét mướt, đã sớm thấy nao nao dậy cái tâm sự não nùng của ông già Tô Vũ.
Lão dừng chân lại ngoài tấm rào thép, mấy con hươu sao chạy đến rúc đầu vào bàn tay lão. Như những con vật lành hiền của vị lão thần xưa bị đầy ở đất Phiên, bày hươu này hễ thấy bóng lão tới là chạy cả ra, vẻ mừng rỡ như đàn trẻ nhỏ đợi quà.
Những con hươu lông vàng điểm trắng ngây thơ mà nhanh nhẹn, đáng yêu biết là bao. Chúng nằm ngả nghiêng trên cỏ xanh chơi với nắng, chúng đứng dưới bóng cây nghếch mắt lên nhìn đàn chim sẻ nhảy trên cành. Giời mưa, chúng tụ họp cả trong chuồng, cái chuồng xinh xinh như cái nhà hóng mát, trong đó chất đầy cỏ tươi. Bầy hươu ngoan ngoãn sống trên mảnh đất trên có giời, có cả gió giăng, chúng không hề lồng lộn lên làm xô lệch bờ rào, làm đứt một lỗ mắt thép căng mỏng mảnh. Chúng yên ổn lắm, cũng như những con ác thú mà người ta khiếp sợ ở rừng và xem thường chúng ở đây. Những con ác thú! Được mang danh thế, chứ chúng có hại ai đâu. Chúng làm mèo cho trẻ con đùa, làm chó cho người lớn suỵt, và làm bạn thân với lão Năm-điên. Lão Năm yêu chúng bằng tất cả tình yêu dành dụm tiềm tàng trong lòng lão. Hàng ngày, hai buổi, lão đợi xe thịt người ta kéo đến, lão cầm từng miếng thịt trìu mến đưa qua song sắt cho con hổ ở chuồng này con báo ở chuồng kìa. Xong rồi lão sang chuồng gấu. Những con gấu đi như người, đùa như trẻ, giơ hai chân trước lên đón những miếng dưa đỏ ngon lành ở tay lão chuyền qua song sắt.
Chúng ăn rồi chúng vục đầu vào bể nước mà uống và chạy loạn cả lên. Lão đứng nhìn đàn vật, mắt nheo lại trong một cái cười khô héo.
Lòng lão vui cười như lòng một người mẹ yêu con giữa một bữa cơm gia đình.
ấy là những người bạn thân của lão, ấy là những đứa con yêu của lão. Than ôi, lão già cô độc! Con lão lạc đâu rồi, lão biết thương ai; quê hương lìa bỏ đã lâu rồi, lão còn biết có ai ở cái mặt đất mênh mông này mà yêu nữa.
Thế mà những người bạn đó, những đứa con đó, từ mấy tháng nay đã bỏ lão mà đi. Lão không biết chúng đi đâu, nhưng lão tin rằng không phải chúng về rừng.
Người ta đã dồn chúng lên những cái xe bịt sắt chắc chắn ghê gớm lắm. Người ta bảo lão giúp một tay, lừa cho cái con hổ già nhất, đó là con hổ què, vào xe. Lão trèo lên nóc chuồng kéo cái cửa sắt lên, trong khi ấy thì người ta thò chiếc gây qua song dồn cho nó chạy. Con hổ không nhìn thấy lão ở trên nóc, nhưng ở trên nóc lão cúi nhìn thấy nó. Nó tập tễnh chạy quanh rồi sau cũng đến phải chui vào trong xe. Lòng lão Năm quặn lại, hai bàn tay gày yếu bỏ rơi cái cửa chuồng xuống kêu vang lên khiến lão giật bắn mình. Thế là xong việc. Chỉ còn một dẫy chuồng không. Những con vật gầm gừ trong mấy cái xe bịt kín, lão có thấy chúng nữa đâu để mà nhìn chúng thêm một lần. Người ta đẩy đoàn xe đi, đoàn xe đi lẳng lặng như một bọn lữ hành ở xứ Phi châu, trong một cánh rừng hoang rậm.
Lão nhìn theo đoàn xe, lòng chua xót, và mắt lim dim chớp...
Những cái chuồng không kia đã phá bỏ cả rồi. Bây giờ chỉ là miếng đất, cỏ đã mọc xanh và những cây mới trồng đã lên cao.
Bóng tối cùng với hơi sương xuống mịt mù, Lão Năm đứng ở đây từ lâu lắm. Mắt lão mờ đi và hoang mang như thấy trong khoảng tối kia, trên nền cỏ xanh kia, thấp thoáng những cái bóng vàng vàng của con hổ, con báo đi đi lại lại, những cái bóng đen đen của bầy gấu chạy hai chân, dựng thẳng cả mình lên như người.
Lão lại co ro bước. Con bồ nông ở dưới gò vẫn xù lông đứng yên một chỗ. Khốn nạn, nó lại ốm hay sao! Ban chiều lão bơi thuyền ra đổ cho cả mớ cá tươi mà nó cũng không ăn nhanh nhẹn như mọi ngày.
Gió vẫn lên mạnh thêm trong giời tối và lá vẫn rụng nhiều. Lá rụng bao nhiêu, lão càng nhớ con gái lão ngày xưa còn mang cái trái đào phơ phất lom khom nhặt lá trên sân đình làng. Lão nhớ con và nhớ bao nhiêu đứa trẻ nhà người những ngày chủ nhật vẫn vào đây đánh đu, nghịch cát. Chúng có những người mẹ lành hiền ngồi trên ghế cúi đầu đan những chiếc tất, những chiếc áo xinh xinh cho chúng. Chúng có những người vú vui tươi lúc nào cũng chạy kèm để nâng đỡ dỗ dành khi chúng ngã. Hỡi ôi, những đứa trẻ con nhà người! Nhưng mà lão yêu chúng lắm, có khi lão đùa với chúng, ngồi yên cho chúng ném cát vào đầu, cho chúng vuốt râu, cho chúng xúm vào bịt mắt lão rồi chúng trốn đi một chỗ đố lão tìm.
Tốt đẹp thay! Những đứa trẻ còn nguyên tính thiện, chưa biết làm hại ai, cũng chưa bị ai làm hại chúng. Chúng là những vị thần trong sạch, nhởn nhơ chơi ở cái vườn trần cát bụi này. Chúng gọi lão là điên, vì thấy mắt lão lúc nào cũng đỏ ngầu ngầu, và mỗi lần thấy lão cười thì chúng kéo nhau chạy hết.
Bây giờ, chủ nhật nào lão cũng mong chờ lũ trẻ vào vườn, nhưng mà không thấy nữa. Lão biết rằng chúng đã cùng những người mẹ lành hiền kia đi chạy loạn, đến các nơi nghỉ mát, hay về các vùng quê yên tĩnh.
Lão thở dài, chua xót thấy mình mất đi biết bao nhiêu những cái thân yêu thầm kín của một tấm lòng già đơn độc.
Một mình trong cái vườn tối mênh mông, tiếng guốc của lão quèn quẹt trên đường đá, và bóng lão, dưới ánh đèn lờ mờ đục mới bật lên, trộn lẫn với những bóng cây chập chờn. Mỏi mệt, lão bước vào trong nhà kèn, thổi bụi trên chiếc ghế gỗ dài, nằm xuống. Mưa rào đổ mau, mưa rào trong cái vườn tối này, não nuột biết bao nhiêu. Lão thao thức nghe tiếng cú rúc ngoài cây, tiếng vượn ở trong chuồng ai oán rú lên từng hồi như khóc. Lão Năm, bao nhiêu lần ngồi dậy, lấy điếu cầy rít một hơi dài.
Cô gái làng Sơn Hạ,
Nxb. Tân Dân, 1942
Người Gác Đêm Người Gác Đêm - Ngọc Giao