Tác giả: Ray Bradbury
Thể loại: Truyện Ngắn
Nguyên tác: He Day It Rained Forever (1959)
Dịch giả: Trần Đức Tài
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 599 / 4
Cập nhật: 2016-06-02 00:14:16 +0700
Download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xem thông tin ebook
hách sạn ấy trơ vơ như một ống xương khô rỗng cắm ngay dưới tâm điểm của vòm trời sa mạc nơi suốt ngày mặt trời đốt thiêu trên mái. Còn suốt đêm, ký ức của vầng dương vẫn máy động trong mọi gian phòng tựa hồn ma một đám cháy rừng xưa. Bởi vì ánh sáng có nghĩa là sức nóng, những ngọn đèn khách sạn vẫn không bật lên dẫu trời sụp tối đã lâu. Những người cư ngụ trong khách sạn này thích dò dẫm tìm đường như người mù qua các hành lang trong cuộc kiếm tìm vô tận một hơi gió mát.
Đặc biệt chiều nay, ông Terle chủ khách sạn và hai khách trọ duy nhất, ông Smith và ông Fremley – hai người này trông như hai nùi thuốc rê xơ xác, nặng mùi – nán lại rất lâu trên hàng hiên lê thê. Ngồi trên mấy chiếc ghế đu kèn kẹt ngân nga, họ thay nhau thở hào hển, cố khuấy động một chút gió.
- Ông Terle này…? Nếu hôm nào… ông mua được… máy lạnh… thì thật là hay…?
Ông Terle nhắm mặt lại, người buông thõng ra một lúc lâu.
- Lấy đâu ra tiền cho những thứ đấy, ông Smith.
Hai khách trọ già đỏ mặt; đã hai mươi mốt năm rồi họ chưa hề thanh toán tiền phòng.
Mãi một lúc sau ông Fremley mới hắt ra một tiếng thở dài não nuột.
- Chà, chà, sao bọn ta không bỏ đi, cuốn gói, xéo khỏi chốn này, dọn đến một thành phố đàng hoàng nào đó? Chấm dứt cái oi bức này, khỏi phải chịu thiêu đốt, khỏi phải toát mồ hôi.
- Ai mà thèm mua một cái khách sạn chết trong một thành phố ma chớ? – Ông Terle lặng lẽ nói. – Không, không đâu, ta cứ phải ngồi đây và chờ, chờ ngày trọng đại 29 tháng Giêng.
Từ từ, cả ba người thôi đòng đưa.
Ngày 29 tháng Giêng.
Ngày độc nhất trong năm khi trời buông thả cho mưa xuống.
- Không còn lâu nữa đâu, – ông Smith xoay nghiêng chiếc đồng hồ hoả xa óng vàng như vầng trăng ấm mùa hè trong lòng bàn tay. – Còn hai giờ chín phút nữa là đến ngày 29 tháng Giêng. Nhưng trong vòng mười nghìn dặm tôi không hề thấy một đám mây nào cả.
- Trời vẫn mưa vào mọi ngày 29 tháng Giêng từ khi tôi mới sinh ra kìa! – Ông Terle khựng lại, ngạc nhiên vì sự lớn tiếng của chính mình. – Nếu năm nay mưa trễ một ngày thì đó là ý trời. Đành chịu.
Ông Fremley nuốt ực một búng nước bọt và dõi mắt từ đông sang tây nhìn băng qua sa mạc về phía những ngọn núi.
- Tôi không hiểu… người ta có bao giờ đổ xô đi tìm vàng ở quanh đây nữa không nhỉ?
- Làm gì có vàng, – ông Smith lên tiếng, – Và hơn thế nữa kia, tôi dám cá với anh cũng chẳng có mưa luôn. Không có mưa ngày mai, ngày mốt hay ngày kia. Sẽ không có mưa suốt cả năm nay.
Ba ông già ngồi nhìn đăm đăm lên vầng trăng to vàng hực như mặt trời đang đốt thủng một lỗ trong vùng tĩnh mịch trên cao.
Sau một lúc lâu, họ bắt đầu đòng đưa trên ghế đu như trước.
° ° °
Những ngọn gió ban mai nóng bức đầu tiên uốn cong những tờ lịch như một mảnh da rắn khô bong trên mặt tiền khách sạn phồng rộp.
Ba người đàn ông vừa móc dây đeo quần trên những bờ vai gầy đét vừa đi chân không xuống nhà, mắt nhấp nháy nhìn ra bầu trời ngu độn.
- 29 tháng Giêng…
- Không có lấy một giọt ân huệ.
- Trời còn sớm mà.
- Nhưng đời tôi đã muộn, – ông Fremley quay lưng bỏ đi. Phải mất năm phút ông mới tìm ra lối đi ngược qua những hành lang điên rồ, trở về chiếc giường nóng như hoả lò mới nung của mình.
Đến trưa, ông Terle ghé mắt nhìn vào.
- Ông Fremley…?
- Chúng ta là một lũ xương rồng sa mạc bị đày đoạ! – Ông Fremley cứ nằm đó mà thở hổn hển, gương mặt ông trông cứ như sẽ rơi rụng thành bụi lửa trên sàn gỗ thô nhám này bất cứ lúc nào. – Nhưng ngay cả cái giống xương rồng khốn nạn nhất cũng cần phải nhấp chút nước trước khi chịu đựng cái lò nung khốn nạn này thêm một năm nữa chớ. Cho ông hay tôi sẽ không xê dịch nữa đâu, tôi cứ nằm đây và chết luôn nếu như tôi không nghe thấy tiếng chim nhảy chuyền trên mái!
- Cầu nguyện ngắn gọn thôi và lấy sẵn dù ô ra đi, – ông Terle nói và nhón chân bỏ đi.
Đến xế chiều, trên mái nhà trống trơ vang lên một tiếng rào rào mơ hồ. Từ giường ông Fremley vẳng ra tiếng ngân nga ai oán của ông ta:
- Ông Terle ơi, có phải mưa đâu! Chính là ông với cái vòi tưới cây đang phun nước giếng lên mái nhà chứ ai! Cám ơn lòng tốt của ông nhưng thôi, đừng phí công nữa.
Tiếng rào rào ngừng lại. Một tiếng thở dài từ khoảnh sân phía dưới.
Lát sau, đi vòng bên hông khách sạn, ông Terle nhìn thấy cuốn lịch từ trong nhà bay ra và rơi vèo xuống cát bụi.
- Ngày 29 tháng Giêng chết toi! – Tiếng ai rống lên, – Còn mười hai tháng nữa! Giờ thì phải đợi cả mười hai tháng nữa!
Ông Smith đang đứng đó, ngay ngưỡng cửa. Ông bước vào nhà và mang ra hai chiếc va-li tơi tả rồi quật mạnh hai va-li vào cổng. Ông Terle kêu to:
- Ông Smith! Sống ở đây đã ba mươi năm rồi giờ ông bỏ đi sao được!
- Người ta bảo ở Ireland trời mưa một tháng hai mươi ngày kìa, – ông Smith đáp. – Tôi sẽ kiếm việc làm ở đó và cứ để đầu trần, há mồm ra tắm mưa.
- Ông không được bỏ đi! – Ông Terle cuống quít cố nghĩ ra một điều gì đó; ông búng tay. – Ông còn nợ tôi chín nghìn đô-la tiền trọ mà!
Ông Smith giật thót người; một thoáng dịu dàng và một thoáng đau đớn bất chợt hiện lên trong mắt.
- Xin lỗi, – ông Terle ngoảnh mặt đi. – Tôi không có ý đòi nợ. Thôi, ông cứ đi thẳng đến Seattle. Ở đó mưa nhiều lắm. Khi nào có tiền thì trả tôi, hay khỏi trả cũng được. Tôi chỉ xin ông một điều: hãy chờ đến nửa đêm. Dẫu sao lúc đó cũng mát mẻ hơn, ông sẽ dễ dàng cuốc bộ về thành phố.
- Từ giờ đến nửa đêm chẳng có gì xảy ra đâu.
- Ông phải có niềm tin chứ. Khi đã mất hết mọi thứ thì ông phải tin là một điều gì đó sẽ đến. Cứ đứng đây với tôi, không cần phải ngồi làm chi, cứ đứng đây và nghĩ đến mưa. Tôi chỉ xin ông một điều cuối cùng ấy rồi thôi.
Trên sa mạc, một con lốc bụi nhỏ nhoi bất ngờ quằn quại dâng lên rồi lắng xuống. Ánh mắt ông Smith quét ngang chân trời xế bóng.
- Tôi phải nghĩ gì đây? Mưa, ê mưa, mày phải đến đây? Nghĩ như thế đấy hả?
- Gì cũng được. Bất cứ điều gì!
Ông Smith đứng giữa hai chiếc va-li rách nát rất lâu, không xê dịch. Năm, sáu phút trôi qua. Không một âm thanh nào ngoại trừ tiếng thở của hai ông già trong chiều tà. Và sau cùng, rất cương quyết, ông Smith khom người nắm lấy quai xách của mớ hành lý.
Đúng lúc đó, ông Terle chớp mắt. Ông chồm người ra, bàn tay khum khum đưa lên tai.
Ông Smith sững sờ, hai bàn tay vẫn còn giữ hai chiếc va-li.
Từ rất xa giữa những ngọn đồi, một tiếng rì rầm, một tiếng ầm ào khe khẽ và rung ngân.
- Sắp có bão! – Ông Terle nói như rít.
Cái âm thanh ấy lớn dần; một cái gì đó trăng trắng như mây từ những ngọn núi dâng lên.
Ông Smith kiễng chân lên ngóng.
Trên lầu, ông Fremley ngồi bật dậy như xác chết đội mồ.
Đôi mắt ông Terle mở càng lúc càng to cố nhìn rõ chuyện gì sắp đến. Ông bám lấy hàng rào trước cổng, căng thẳng như thuyền trưởng một con tàu kiệt gió đang nhận ra cái trăn trở đầu tiên của luồng gió nhiệt đới thoảng hương chanh và vị cơm dừa trắng tinh mát lạnh. Làn hơi mong manh đó vuốt ve hai lỗ mũi nhức nhối của ông như cơn gió luồn qua những lỗ thông hơi của một cái ống khói nóng rực.
- Kìa! – Ông Terle kêu lên, – Kìa!
Và băng qua ngọn đồi cuối cùng, rũ bỏ lớp cát bụi hừng hực, đám mây kia, tiếng sấm kia, cơn bão gầm gào kia hiện ra.
Vượt đỉnh đồi ấy, chiếc ô-tô đầu tiên đi ngang đây trong suốt hai mươi ngày qua đang lao mình xuống thung lũng này với một tràng rú rít, va đập và rên siết.
Ông Terle không dám nhìn ông Smith.
Ông Smith ngước mặt ngắm trời, lòng nghĩ tới ông Fremley đang ở trên phòng.
Ông Fremley ở cửa sổ nhìn xuống và trông thấy một chiếc ô-tô thở hắt ra rồi chết ngay trước khách sạn.
Bởi vì chiếc xe đã rú lên một tiếng động cuối cùng rất kỳ quặc. Nó đã đi một cuộc hành trình lê thê qua những nẻo đường vàng cháy, băng qua những ruộng muối đã bỏ hoang từ mười triệu năm qua vì kiệt khô nguồn nước. Bây giờ, với mớ dây điện rối nùi như mái tóc mọi ăn thịt người bung ra từ các mối nối, với chiếc mui bằng vải bạt chảy nhão xếp ngược ra băng sau như vành mi mắt khổng lồ, chiếc xe Kissel cổ lỗ đời 1924 rung bần bật lần chót tựa hồ muốn tống khứ hồn ma của nó vào thinh không.
Bà lão ngồi ở băng trước ô-tô vừa nhẫn nại chờ đợi vừa nhìn về phía ba người đàn ông và cái khách sạn như dường đang nói: Hãy tha thứ cho tôi, bạn tôi bệnh nặng; tôi và anh bạn này quen biết đã lâu nên bây giờ tôi phải kề cận anh ta trong giờ phút lâm chung cho trọn nghĩa. Thế là bà cứ ngồi trong xe chờ cho những cơn co giật mơ hồ ngưng lịm hẳn và chờ cho mớ cốt xương kim khí kia buông xuôi báo hiệu giờ cuối cùng đã điểm. Bà còn ngồi nán thêm cả nửa phút nghe ngóng chiếc xe của mình. Bà lão toát ra một vẻ gì đó hết sức an bình khiến cả ông Terle lẫn ông Smith đều chầm chậm chồm người về phía bà. Cuối cùng, bà nhìn họ với một nụ cười nghiêm nghị và giơ tay chào.
Ông Fremley ở trên lầu ngạc nhiên thấy mình cũng chìa tay ra ngoài cửa sổ vẫy chào đáp lại.
- Lạ thật, – đứng trước cổng, ông Smith thì thầm. – Không phải một cơn bão. Và mình lại không thấy thất vọng. Sao vậy chớ?
Nhưng ông Terle đã bước xuống đường và đi tới chiếc xe.
- Chúng tôi tưởng cô… tức là…, – ông ấp úng nói rồi đổi ý. – Tôi là Terle, Jee Terle.
Bà bắt tay ông; đôi mắt sáng ngời và trong vắt như nước từ núi tuyết ở nghìn dặm xa tan chảy và được gió cùng nắng tinh lọc trên đường đến đây. Bà nhẹ nhàng lên tiếng:
- Tôi là Blanche Hillgood. Tốt nghiệp Đại học Grinnell, giáo viên âm nhạc, độc thân, ba mươi năm điều hành ca đoàn trường trung học và chỉ huy dàn nhạc sinh viên ở Green City, Iowa, hai mươi năm dạy dương cầm, xướng âm, đàn harp ở tư gia, đã về hưu được một tháng và đang sống nhờ lương hưu. Còn bây giờ, tôi mang cả cội rễ theo, trên đường đến California.
- Cô Hillgood ơi, coi bộ đến đây rồi thì cô hết phương đi tiếp bất kỳ đâu.
- Tôi cũng có cảm tưởng như vậy, – bà quan sát hai ông già đang thận trọng đi vòng quanh chiếc xe hơi. Bà vẫn ngồi yên như một đứa trẻ đang ngồi trên đùi ông nội, vẻ do dự, – Ta không thể làm gì được nữa sao?
- Tháo hết bánh xe ra làm hàng rào, gỡ mấy đùm thắng ra làm kẻng gõ chơi, phần còn lại dùng làm hòn non bộ được đó.
Từ trên cao ông Fremley hét vọng xuống:
- Chiếc xe tiêu rồi phải không? Nhìn từ xa là tôi đánh hơi cũng biết mà! Chà… ờ, mà cũng quá giờ ăn tối rồi đó!
Ông Terle chìa bàn tay ra.
- Thưa cô Hillgood, xin giới thiệu Khách Sạn Sa Mạc của Joe Terle, mở cửa hai mươi sáu giờ một ngày! Các quái vật và thú hoang xin vui lòng đăng ký trước khi đi lên lầu! Cứ nghỉ ở đây một đêm, miễn phí, thưa cô, sáng mai chúng tôi sẽ lấy cái xe Ford cọc cạch của chúng tôi đưa cô tới thành phố.
Bà để cho ông Terle đỡ xuống xe. Cỗ máy ấy rên rỉ như thể không muốn bà đi. Với một tiếng cách khẽ khàng, bà cẩn thận đóng cửa xe.
- Một người bạn đã đi xa, nhưng vẫn còn người khác đi cùng tôi. Ông Terle, phiền ông đưa cô nàng vào chỗ mát mẻ đi.
- Cô nàng nào, thưa cô?
- Xin lỗi, tôi cứ quen nghĩ đến các đồ vật như nghĩ đến những con người. Tôi xem chiếc ô-tô như một người đàn ông, vì nó đưa tôi đi đây đó. Nhưng cây đàn harp là phụ nữ, ông thấy đúng không?
Bà gật đầu ra hiệu về phía băng sau ô-tô. Ở đó, nghiêng tựa vào bầu trời như một đuôi thuyền cổ đại bằng da uốn cong đang rẻ gió là một chiếc hộp cao ngất ngưỡng vượt khỏi đầu bất kỳ người điều khiển nào ngồi ở băng trước đang lái con thuyền băng qua sa mạc bình yên hay đô thành chen chúc.
- Ông Smith, – ông Terle gọi, – giúp tôi một tay nào.
Họ tháo dây buộc cái hộp to tướng, hai người hai đầu thận trong nhấc bổng lên.
- Cái gì trong đó vậy? – Tiếng ông Fremley hỏi to từ trên cao.
Ông Smith suýt vấp ngã. Bà Hillgood hoảng hồn. Chiếc hộp chao đảo trong bốn cánh tay của hai ông già.
Từ trong hộp vẳng ra một tiếng nhạc âm vang mơ hồ.
Ông Fremley ở trên cao đã nghe thấy. Đó chính là câu trả lời cho ông. Mồm há hốc, ông nhìn theo người phụ nữ và hai ông già cùng người bạn nằm trong hộp của họ lắc lư và khuất dạng trong cánh cổng to như cửa hang bên dưới.
- Coi chừng! – Ông Smith thốt lên. – Thằng ngu khốn khiếp nào để hành lý ở đây. – Ông sực nhớ ra. – Mình chứ thằng ngu nào!
Hai ông già nhìn nhau. Họ không toát mồ hôi nữa. Từ đâu đó một cơn gió đã thổi đến, một cơn gió dịu dàng quạt mát cổ áo họ và nhẹ nhàng phe phẩy qua cuốn lịch lúc nãy bị ném văng xuống cát.
- Hành lý của tôi…, – ông Smith ấp úng.
Rồi tất cả vào bên trong.
- Dùng thêm tí rượu nhé, cô Hillgood? – Nhiều năm rồi trên bàn ăn này không có rượu.
- Một chút thôi, xin ông.
Họ ngồi dưới ánh sáng của một ngọn nến duy nhất, ánh nến khiến căn phòng giống như bếp lò và những dao nĩa bạc còn tốt cùng những chiếc đĩa chưa nứt nẻ loé sáng như lửa. Họ vừa ăn vừa uống rượu vang vừa trò chuyện.
- Cô Hillgood, kể tiếp chuyện của cô đi.
- Cả đời tôi cứ bận bịu chạy từ Beethoven tới Bach rồi tới Brahms, – bà nói. – Tôi không hề để ý là mình đã hai mươi chín tuổi. Lần kế tiếp sực nhớ ra thì tôi đã bốn mươi. Và đến hôm qua thì đã bảy mươi mốt. Ồ, cũng có nhiều anh chàng; nhưng lên mười thì họ từ bỏ chuyện ca hát, và lên mười hai thì họ hết bay bổng. Tôi cứ luôn nghĩ rằng chúng ta sinh ra để bay bổng, bằng cách này hay cách khác, cho nên tôi không chịu nổi hết thảy những người đàn ông cứ đi lẹt đẹt với bầu máu chỉ toàn nặng trĩu những thứ kim khí trần tục. Tôi chưa bao giờ gặp người đàn ông nào mà nặng dưới trăm kí-lô. Các ông cứ thấy những bộ vét đen trịnh trọng của họ thì thấy họ đang lăn tròn trong đó như những cỗ xe đòn đám ma.
- Thế là cô bay đi?
- Chỉ trong tâm trí thôi, ông Terle. Phải mất sáu mươi năm mới dứt bỏ được hết ràng buộc. Suốt thời gian đó tôi cứ bám lấy hết sáo dài đến sáo ngắn rối đến violon vì chúng là những dòng chảy trên không, ông biết mà, giống như sông suối dưới đất ấy. Tôi cứ theo chúng băng qua mọi nhánh, thử mọi luồng gió mới từ Handel cho tới tận mọi thứ của nhà Strauss. Phải lòng vòng rất xa rồi tôi mới đến đây.
- Rốt cuộc thì cô quyết định ra đi như thế nào? – Ông Smith hỏi.
- Đến tuần trước thì tôi lại nhìn quanh và nhận ra: "Ô kìa, lâu nay mình toàn bay một mình! Không một ai ở Green City thật sự quan tâm mình có bay hay không, hay bay cao chừng nào. Lúc nào cũng là "Hay lắm, Blance," hay "Cám ơn cô H vì buổi trình tấu ở Hội Phụ Huynh." Nhưng thực tế chẳng có ai lắng nghe. Và khi tôi nói chuyện triền miên về Chicago hay New York, người ta cứ vỗ vai tôi cười ầm: "Sao cứ muốn làm con ếch nhỏ trong cái ao lớn trong khi cô có thể là con ếch lớn nhất ở khắp Green City này!" Thế là tôi cứ nấn ná, trong khi những người khuyên can tôi lần lượt chuyển đi hay chết, hay cả hai. Số còn lại thì toàn bọn tai trâu. Mới tuần rồi tôi mới giật mình tự hỏi: "Này này! Lũ ếch có cánh từ bao giờ?"
- Thế là cô đi về miền tây? – ông Terle hỏi.
- Chắc sẽ chơi nhạc cho phim trường hay cho dàn nhạc dưới trời sao. Nhưng ở đâu đó, rốt cuộc tôi nhất định phải chơi đàn cho ai đó thật sự biết lắng nghe.
Ba người ngồi đó trong bóng tối ấm áp. Bà đã nói xong, dù có ngốc nghếch hay không thì bà cũng đã kể hết chuyện. Bà lặng lẽ ngả lưng ra ghế
Trên lầu có tiếng ho.
Bà Hillgood nghe thấy bèn đứng dậy.
° ° °
Phải mất một lúc ông Fremley mới mở được đôi mi mắt dính chặt và nhận ra hình dáng người phụ nữ ấy đang khom người đặt chiếc khay thức ăn bên cạnh chiếc giường nhàu nát của ông.
- Nãy giờ mọi người nói chuyện gì dưới đó vậy?
- Rồi tôi sẽ quay lại kể ông nghe cặn kẽ, – bà Hillgood nói. – Giờ thì ăn đi. Món salad ngon lắm.
Ông hỏi gấp gáp:
- Thế cô sẽ ở lại đây chứ?
Chưa kịp ra khỏi cửa, nghe thế bà đứng lại và cố dò tìm những biểu hiện trên gương mặt đẫm mồ hôi của ông trong bóng tối. Về phần mình, ông cũng không thể nhìn thấy mắt hay miệng của bà. Bà đứng nán lại thêm lúc nữa, im lặng, rồi đi xuống thang lầu.
- Hẳn là cô ta không nghe mình hỏi rồi, – ông Fremley thốt lên.
Nhưng ông biết bà ấy đã nghe thấy.
Bà Hillgood băng qua sảnh dưới nhà, loay hoay với mấy ổ khoá trên chiếc hộp da dựng đứng.
- Tôi phải đền đáp cho bữa ăn tối.
- Bọn tôi đãi cô mà, – ông Terle nói.
- Tôi phải đáp lại chứ, – bà nói, và mở chiếc hộp ra.
Một ánh vàng vụt loé.
Hai ông già ngồi chồm dậy. Họ nheo mắt nhìn bà lão nhỏ bé đang đứng cạnh cái vật thể hình trái tim vĩ đại có một trụ đỡ bóng loáng vươn cao chót vót, trên cùng có chạm khắc một mặt người Hy Lạp với đôi mắt linh dương đang bình thản nhìn họ, giống hệt như cách bà Hillgood bây giờ đang nhìn.
Hai ông già gửi cho nhau những cái liếc mắt thảng thốt và chớp nhoáng, như thể người nào cũng đoán được chuyện gì sẽ xảy đến. Họ hấp tấp băng qua sảnh, thở hào hển, ngồi nhớm ngay trên rìa chiếc ghế bành bọc nhung nóng bức, lau mặt bằng những chiếc khăn tay ẩm ướt.
Bà Hillgood kéo ghế ngồi xuống, nhẹ nhàng tựa chiếc đàn harp vàng óng vào một bên vai, và đưa hai bàn tay chạm vào những dây đàn.
Ông Terle hít một hơi khí trời nóng rực và chờ đợi.
Một luồng gió sa mạc bất ngờ thổi dọc theo hàng hiên bên ngoài, lay động những chiếc ghế đu đòng đưa qua lại như những con thuyền trên mặt hồ đêm.
- Chuyện gì dưới đó vậy? – Tiếng ông Fremley cự nự từ trên lầu vẳng xuống.
Và rồi bà Hillgood vuốt hai bàn tay.
Bắt đầu từ cung đàn gần bờ vai, bà rải những ngón tay băng qua suối dây đàn long lanh về phía đầu tượng nữ thần Hy Lạp xinh đẹp mù loà đang nhìn trân trối trên trụ đàn rồi vuốt ngược trở về. Rồi bà dừng tay một lúc để cho tràng âm thanh lảng đảng bay lên trong không gian oi bức của tiền sảnh và lùa vào mọi căn phòng trống.
Ông Fremley ở trên lầu mà có la hét thì cũng chẳng ai bận tâm. Bởi ông Terle và ông Smith đều đã đừng bật dậy trong bóng tối, tiếng đàn xé toạc cõi lòng. Họ không còn nghe thấy gì nữa ngoại trừ tiếng mưa bão trong tim họ và tiếng tuôn chảy ào ạt của khí trời trong buồng phổi. Mắt mở to, miệng há hốc, như hai kẻ hoàn toàn mất trí họ nhìn chăm chăm vào hai người đàn bà kia – Thi thần mù ngạo nghễ trên trụ vàng và người phụ nữ đang ngồi, mắt khép hờ, hai bàn tay nhỏ nhắn vươn ra trong khoảng không.
Giống như một bé gái, hai ông đều có chung một ý nghĩ điên rồ, giống như một bé gái đang chìa bàn tay ra ngoài cửa sổ để….? Ồ, hẳn rồi, hẳn rồi!
Để đón những giọt mưa.
Âm ba của cơn mưa rào đầu tiên tan biến dần trên những bờ mương và máng xối xa xăm.
Trên lầu, ông Fremley rời khỏi giường như thể có ai đang nắm vành tai ông lôi dậy.
Bà Hillgood lại đàn.
Bà chơi một nhạc khúc mà họ không hề biết tên, nhưng đó là một nhạc khúc mà họ đã nghe đâu đó cả ngàn lần trong cuộc đời dằng dặc của mình, dù có lời ca hay không, dù có giai điệu hay không. Bà cứ đàn và mỗi lần những ngón tay bà chuyển động, mưa lại rơi tí tách khắp khách sạn âm u. Mưa mát rượi ở những khung cửa sổ mở và mưa gột rửa những tấm ván sàn nóng ran ngoài hiên. Mưa rơi trên mái và rơi trên mặt cát xì xào, mưa trên chiếc ô-tô rỉ sét, trên chuồng ngựa trống trơ, và trên bụi xương rồng chết ngoài sân. Mưa tắm các cửa sổ, rửa sạch bụi, rót tràn các thùng chứa, mưa phủ những tấm mành kết hạt cườm ngoài các ngưỡng cửa, và mành mưa sẽ vén mở lao xao khi ta đi qua. Nhưng hơn hết thảy, những vuốt ve mềm mại, mát tươi của cơn mưa ấy tưới lên ông Smith và ông Terle. Sức nặng và áp lực dịu dàng của cơn mưa ấy cừ đè họ xuống, từ từ, cho đến khi họ lại ngồi xuống ghế. Không ngừng mơn man trên gương mặt, cơn mưa khiến họ phải nhắm mắt, ngậm miệng và đưa hai bàn tay lên che chắn. Ngồi trên ghế, họ thấy mình đang chầm chậm ngả lưng ra, ngước đầu phó mặc cho mưa tràn trề tuôn chảy khắp nơi.
Cơn lũ quét ấy kéo dài một phút rồi lắng dịu dần khi những ngón tay vuốt dài trên cung tơ, buông thả mấy đợt giông gió cuối cùng rồi ngưng.
Hợp âm cuối cùng lơ lững trong không trung như một bức ảnh chụp đúng lúc chớp loè đã bắt đứng cả triệu giọt nước trên đường rơi. Rồi ánh chớp biến mất. Những giọt cuối cùng im lặng rơi vào bóng tối.
Bà Hillgood buông bàn tay khỏi dây đàn, đôi mắt vẫn nhắm.
Ông Terle và ông Smith mở mắt ra nhìn hai người đàn bà kỳ diệu ở phía bên kia tiền sảnh, không hiểu sao đã vượt qua cơn bão này mà vẫn khô ráo, nguyên lành.
Họ run rẩy. Họ chồm tới như thể khát khao muốn nói. Trông họ bất lực, không biết phải làm gì.
Và rồi từ trong các hành lang trên lầu khách sạn, một âm thanh duy nhất vọng xuống thu hút chú ý của họ và bảo cho họ biết phải làm gì.
Âm thanh yếu ớt ấy bềnh bồng trôi xuống, rung động như một con chim mệt mỏi đang đập đôi cánh già cỗi.
Hai ông già nhìn lên, nghe ngóng.
Đó là âm thanh từ hướng ông Fremley.
Ông Fremley đang ở trong phòng vỗ tay.
Phải mất mấy giây ông Terle mới hiểu ra. Rồi ông khẽ huých ông Smith và chính ông cũng bắt đầu nện hai lòng bàn tay vào nhau. Những tiếng nổ chấn động bùng ra từ bàn tay hai ông già. Âm vang dội vọng khắp mọi ngóc ngách trên dưới của khách sạn, va vào những bức tường, gương soi, cửa sổ, cố tìm đường vượt thoát khỏi những gian phòng.
Lúc này bà Hillgood mới mở mắt ra, như dường cơn bão mới này đã giáng xuống bà đột ngột giữa đồng trống.
Hai ông già tiếp tục bài trình tấu của họ. Họ vỗ những bàn tay vào nhau nồng nhiệt đến mức họ cứ như nắm đầy pháo trong tay và cho nổ tung liên tiếp. Ông Fremley hét to. Chẳng ai nghe. Những bàn tay chắp cánh, lao sầm vào nhau không ngừng cho đến khi những ngón tay đuối sức và hai ông già hụt hơi. Cuối cùng họ cho những bàn tay nghỉ ngơi trên đầu gối, trái tim đập dồn trong lồng ngực mỗi người.
Rồi ông Smith chậm rãi đứng lên, mắt vẫn nhìn cây đàn harp, ông ra ngoài mang mấy chiếc va-li vào. Ông đứng dưới chân cầu thang tiền sảnh nhìn một hồi lâu về phía bà Hillgood. Ông liếc xuống món hành lý duy nhất của bà đã nằm ở đấy cạnh bậc thang đầu tiên. Ông đưa mắt từ chiếc va-li sang phía bà già và nhướng mày dò hỏi.
Bà Hillgood nhìn cây đàn harp, nhìn chiếc va-li, nhìn ông Terle, rồi cuối cùng lại nhìn ông Smith.
Một cái gật đầu.
Ông Smith khom người xuống rồi một tay xách va-li của bà, tay kia ôm hành lý của mình dưới nách, ông bắt đầu hành trình chậm chạp lên cầu thang bước vào bóng tối êm đềm. Lúc ông đi, bà Hillgood lại tựa đàn vào vai và chơi nhạc theo nhịp bước ông già – hay là ông đi theo nhạc điệu của bà? Chẳng ai biết.
Lưng chừng cầu thang, ông Smith gặp ông Fremley trong chiếc áo ngủ bạc màu đang lần mò đi xuống.
Cả hai đứng đó, nhìn sâu xuống tiền sảnh về phía ông già ở bên kia vùng bóng tối, và hai người đàn bà ở phía khuất xa hơn, chỉ còn là một chuyển động và một tia sáng lờ mờ. Hai người đều có chung một ý nghĩ.
Âm thanh của tiếng đàn harp đang thánh thót, âm thanh của tiếng nước mát lành rơi rơi hàng đêm và hàng đêm trong cuộc đời họ, sau đêm nay. Giờ thì không còn phải lấy vòi tưới phun nước lên mái nhà nữa. Chỉ cần ngồi trên hàng hiên hay nằm trong giường ngủ và nghe mưa rơi… mưa rơi… mưa rơi…
Ông Smith đi tiếp lên cầu thang, còn ông Fremley đi xuống.
Tiếng đàn, tiếng đàn. Lắng nghe, lắng nghe!
Năm mươi năm khô hạn đã qua.
Thời của những cơn mưa dài đã tới.
Ngày Mãi Mãi Mưa Rơi Ngày Mãi Mãi Mưa Rơi - Ray Bradbury