Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Gió
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1729 / 47
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xem thông tin ebook
hằng điên lại đến!
Nó đến và đứng trước hai cánh cổng sắt của toà biệt thự hai tầng mới xây, mặt tiền ốp đá hoa rửa, kiến trúc tân kỳ, đông cứng trong không gian một khối hình đường bệ và lạ mắt. Đối diện với toà biệt thự, thằng điên ba mươi tuổi nọ, cũng đông cứng một hình khối choắt chéo, gai góc và tiêu điều. Lùng nhùng trong bộ quần áo kẻ sọc màu pin đèn, trang phục của nhà tù hoặc bệnh viện, đã cũ nát, bẩn thỉu, nó giống như một thứ đồ phế thải. Nó là cái nhân dạng đã bị loại bỏ, sau một cuộc giao đấu cật lực và kéo dài. Nó chỉ còn lại sự cay uất, liều lĩnh và chút năng lượng dự phòng thỉnh thoảng bất chợt phóng xuất, thăng hoa, thể hiện rõ rệt nhất ở đôi mắt nhỏ tinh quái trên gương mặt bọ ngựa đem nhèm và hai cánh tay gầy sắt nhằng nhằng đường gân. Hai cánh tay ấy đang là hai thanh truyền lực và ra sức rung giật hai cánh cổng sắt toà nhà.
- Thằng Lộc đâu! Mở cửa cho tao vào!
Vừa rung giật vừa gào cả chục lượt hai câu đó, tới lúc dáng chừng chán miệng, nó mới lại bắt sang câu thứ hai, nhưng vẫn tiết tấu dồn gấp và giai điệu hung hãn ấy.
- Con Liễu đâu! Mở cửa cho tao vào!
Lộc là anh trai nó. Liễu là chị dâu nó.Dường như đã lường trước được rằng sẽ có một ngày nào đó, thằng em bất trị của họ sẽ giở chứng, sẽ đến quấy phá, nên khi xây cất toà nhà, vợ chồng Lộc - Liễu đã đầu tư không ít công của cho việc phòng bị, ngăn ngừa. Họ quan tâm nhiều nhất đến cái cổng. Thoạt đầu, được sao chép ở đâu đó, nó chỉ là một đường cong parabon thanh mảnh với hai cánh cửa sắt uốn lượn, chạm trổ các hình nét kỷ hà, thơ mộng, tuy không kém phần chắc chắn. Tiếp đến, họ phá bỏ cái vòm cong cách điệu nọ, xây cổng hình vuông và cửa sắt di động trên một hệ thống bánh xe lăn. Vẫn thấy chưa ổn. Lần thứ ba, họ phá bỏ tất, làm lại từ móng nền. Và cái cổng cuối cùng được định hình như hiện thời. Hai trụ bê-tông cắm sâu xuống một mét đất, to bằng thân cột điện cao thế, gắn kết với một cái đốc mái, cũng bê-tông, cốt sắt, cắm đinh nhọn, tạo nên một bộ khung bền vững, để gắn hai cánh cửa bịt lá thép dày năm ly, quét hắn ín, nặng nề, kiên cố như cánh cổng nhà tù. Cánh cổng ấy hợp với vòng tường vi bao quanh, cao vót, đã cắm mảnh chai lại còn chằng dây thép gai sin sít và lùng nhùng, tạo thành một hệ thống bảo vệ vô cùng cẩn mật và an toàn.
Mỗi sáng đi làm, đã thành thói quen, bao giờ vợ chồng Lộc - Liễu cũng đẩy bà mẹ già vào nhà, khoá trái lại, rồi ra cổng, khoá tiếp bên trong, đoạn rung cổng thử, kiểm tra thật kỹ lưỡng, cảm thấy thật yên lòng, mới lên xe máy đèo nhau đi.
Tuy nhiên, sức điên dại là sức phi thường, ngoài thông lệ. Cửa sắt nặng trịch, khoá then chặt cứng như thế, mà dưới bàn tay thằng điên, cũng phải rung cành cành.
Nghe cánh cổng rung cùng với tiếng thằng điên rít rống liên hồi, bà mẹ bảy mươi ba tuổi ngồi trong nhà, không nỡ giấu mình và không thể cầm lòng được. Bà cụ đành mở hai cánh cửa sổ, nhìn ra cổng, mếu máo:
- Con ơi, con! Con đừng làm thế, mệt lắm, con ơi!
Nghe tiếng bà cụ, thấy cánh cửa sổ mở, như được thể, thằng điên lập tức bíu cổng, nhoài lên:
- Tiên sư con mẹ già! Ra mở cổng ngay, không tao nã pháo vào vỡ tan cái nhà này bây giờ!
Khổ! Đặt cái mặt héo úa vào giữa hai vệt chấn song, bà cụ lại sụt sịt:
- Con ơi, con vào bệnh viện đi! Con đừng làm thế, khổ thân con!
- Mở cửa ra! Mở ngay, không tao đặt bộc phá!
- Mẹ không có chìa khoá cổng. Mẹ chỉ có chìa khoá nhà trong này thôi. Con ơi, con về đi!
- Tao đếm đến ba, không mở tao sẽ phát hoả. Một!
- Ối con ơi!
- Hai! Chỉ còn mấy giây sống nữa thôi, mụ già. Hãy quỳ xuống cầu nguyện đi!
- Ối, con ơi! Ối các bác hàng xóm ơi! Các bác ra khuyên bảo cháu giúp tôi mới!
Nghe tiếng bà cụ kêu cứu, các toà biệt thự xung quanh đang im lìm như chết mới he hé cửa, động đậy. Ngõ nhỏ này toàn các biệt thự kiểu cách, sang trọng, khác hẳn các ngõ xóm toàn dân nghèo lầm lụi, sặc mùi xú uế. Ở đây nhà nào cũng kín cổng cao tường. Vừa riêng rẽ vừa tụ lại thành một quần thể riêng biệt, xa cách và khinh khỉnh. Đàn bà con gái ở đây mặc váy, đi ô, nõn nà, yểu điệu như diễn viên, tài tử. Đàn ông ở đây trẻ cũng như già, thảy đều phúng phính, phương phi, quan dạng từ cách đi đứng đến điệu bộ, nói năng. Kẻ giàu có là kẻ khôn ngoan. Hé cửa nhìn ra không có nghĩa là họ định sắn tay cứu giúp bà cụ. Ai dại gì mà dây vào thằng khùng, chẳng phải đầu lại phải tai. Họ chỉ ngại nó phát hoả thật, giật bộc phá thật. Thằng cố cùng, ai mà lường được! Nhưng may quá, thằng liều này nó chỉ đánh võ mồm. Nhận ra điều đó, mọi người liền thở phào và lấy làm thích lắm, vì vừa thoát nạn, lại được xem thằng điên nổi máu phá phách nhà người khác.
Bỏ cánh cổng, thằng điên bắt đầu chuyển sang giai đoạn ném gạch đá vào nhà Lộc - Liễu. Thật không khác gì nã pháo! Rồi đúng như trình tự chiến thuật chiến tranh cổ điển, sau khi phi pháo oanh tạc là bộ binh xông lên. Bộ binh chính là cái thân xác loẻo khoẻo xương xẩu của nó. Nó cầm gậy đập nát riềm thủy tinh sắc nhọn, rồi bẩy mớ dây thép gai leo lên. Rồi chẳng hiểu nó có phép thần thông quảng đại gì mà nhoáy cái, nó đã lọt vào sân với tiếng hô đắc thắng “Xung phong... sát!”
Bấy giờ đám đàn ông đàn bà láng giềng mới mở cửa, lò dò bước ra, mon men đến trước hai cánh cổng toà biệt thự nọ, ngó qua lỗ khoá vào nhà: họ xem.Trong nhà, cửa mở toang. Thằng điên cầm đoạn côn gỗ, tay chống nạnh, mắt quăng quắc. Dưới sân nhà, bà cụ mẹ nó, ngồi ôm đầu, rên rỉ:
- Ối con ơi, con đừng nên thế, con ơi.
Thằng điên giậm chân, gầm:
- Mụ già câm ngay! Tao không thích nghe điệu nhạc bi lụy ấy.
- Con ơi, con đừng phẫn thế. Đời người ngắn lắm. Con nên tỉnh lại đi. Con đừng để cái u sầu nó tích tụ trong người con.
- Thôi! Chán tai lắm rồi. Mọi sự thông thái đều nằm ở sự vật và hành động! Đưa tiền đây!
- Con ơi, anh mày chỉ đưa tiền chợ hàng ngày cho mẹ thôi.
- Lũ ngẫu tượng đười ươi mặc áo vì dân vì nước khốn nạn đang vây quanh bàn tiệc thịt người, hãy liệu hồn!
- Con ơi, con đừng uống rượu.
- Không uống rượu thì uống cái gì, hả mụ phù thủy?
- Sao con gọi mẹ thế, hả con?
- Mụ là tên vú già của bầy tỉ phú đỏ, chuyên ăn xương uống máu nhân dân. Mụ là con sen, con hầu của bọn vô lương, bầy khủng long thế kỷ.
Không hiểu hết ý tứ những lời thằng con điên dại rủa xả, bà cụ tủi phận, co ro:
- Con ơi, con đừng buồn. Nó phản con cũng là vì hoàn cảnh. Hơn nữa, bố mẹ nó chết bom. Nó phải nuôi một đàn em.
Thằng điên thõng tay đánh soạt, bật cười ha ha:
- Khi chân trời xa đã trở thành thực tại. Ta gặp lại bản ngã của ta. Thế giới này đã xẻ làm đôi. Vết nứt xuyên qua trái tim thi sĩ. Ta là thi sĩ của gió mây cao cả. Ha! Nôn tiền ra đây!
Bà cụ chỉ kịp ôm mặt kêu: ối giời và những kẻ thừa cơ được thoả trí tò mò xem vở bi hài kịch hiện đại đang ghé mắt, nghển cổ cò ở ngoài cổng, bỗng giật bắn mình, bạt vía, chạy dạt đi. Choang! Choang! Xoảng! Xoảng! Đoản côn gỗ trong tay thằng điên văng, đập vào cái giường, đập vào mặt tủ kính. Vào bộ ly, đám bình, lọ, tượng. Vào các đồ kỷ niệm bằng sứ, bằng bạc, bằng đồng, bằng gỗ. Bị cơn hoang tưởng cấp tính chế ngự, thằng điên nghĩ mình là hiệp sĩ vung gươm giữa trận tiền, vừa tả xung hữu đột, vừa cất tiếng ca khoái trá:
Khắp gầm trời không có ai tội nghiệp
Hơn các người, hỡi các thánh các thần
Các người nghèo nàn
Sống bởi đồ thừa cúng
Bởi khói hương thừa. (1)
Ngoài cổng, sạch sanh không còn một mống khán giả. Trong nhà, giữa tan tành đổ vỡ, bà cụ ôm đầu rên rỉ: "Ối con ơi, bây giờ mẹ biết nói thế nào với vợ chồng nó, con ơi".
o O o
Lộc năm mươi nhăm, trán trợt, cổ rụt, bụng xệ, lỗ mũi rộng, miệng dẩu, tướng khỉ. Liễu kém chồng hơn hai chục tuổi, mặt đầy đặn, cân đối cả tam đình, ngũ nhạc, vẻ hiền thê, nếu không có cặp môi dưới dày hơn trên và hai cái vú to căng, biểu hiện tình dục mãnh liệt hơn người.Tay bóp cằm, răng nghiến chặt, nhìn theo bà mẹ đang lê cái chân đau, đưa chổi quét vụn mảnh gương vỡ tung tóe trên sàn nhà, Lộc rít:
- Cụ lại mở cổng cho nó vào hả? Cụ giết tôi!
Bà cụ nghển lại, mặt bán diện, gầy rốc rác:
- Tôi nào có mở cổng cho nó. Mà tôi có chìa khoá cổng đâu!
- Thế thì tại sao? Tại sao nó vào được?
- Nó vào cách chi, làm sao tôi biết được!
- Thế nó lấy đi bao nhiêu?
- Có năm nghìn anh đưa tiền chợ hôm nay thôi.
Vò riềm tóc quanh đầu, Lộc nhăn nhó
- Cụ ơi, cụ đừng có thương xót nó vô nguyên tắc thế!
Dệch từng bước ngượng ngập trở về cái phản, bà cụ rên:
- Nó còn cầm côn khảo vào đầu gối tôi đây này. Khổ, nó thiếu, nó đói.
- Thiếu, đói gì! Nó là thằng phá hoại! Nó là thằng du côn, là thằng lưu manh, là kẻ cướp!
Phanh hai vạt áo blu-dông, Lộc gay gắt. Bà cụ chấm kẽ mắt:
- Khổ, nó là út ít. Nó chịu nhiều thiệt thòi, thua kém.
Lộc vằng người, bất thần như chạm nọc:
- Cụ còn đòi tôi thế nào nữa? Đón từ trại thương binh nặng về. Đưa vào bệnh viện sang nhất nước. Có chế độ bồi dưỡng đặc biệt. Thuốc Âu Mỹ đắt mấy cũng không tiếc. Rồi tiền bạc, quần áo, đồ dùng. Cung đốn hàng tháng còn có thiếu gì không? Mà tôi nợ nần gì nó?
- Khổ! Nó mấy năm phải đi bộ đội. Nó bị mảnh đạn vào đầu.
- Cả triệu người đi bộ đội. Cả chục vạn người bị thương, chứ riêng gì nó?
- Tám tuổi, bố nó đã chết. Nó không được bố dạy bảo, kèm cặp. Tôi là đàn bà quê mùa.
- Thế thì tôi hơn gì nó. Mười hai tuổi tôi đi thoát ly. Tôi được hương hoả mả dài gì ở cái gia đình này? Người ta đi bộ đội về thì thành anh hùng, dũng sĩ. Còn nó... Còn nó thành thằng điên! Mà điên gì nó! Báo cho cụ biết, từ hôm nay tôi coi nó như một phần tử lưu manh côn đồ, lớp cặn bã xã hội, tôi không có nể nang tình nghĩa gì nữa...
Thấy Lộc to tiếng, đám đàn ông đàn bà hiếu sự hàng xóm lập tức kéo sang. Được dịp, Lộc càng cao giọng phân trần, kể khổ. Đám người vây quanh nghe Lộc, gật đầu, chép miệng: Hoá ra bác Lộc quyền cao chức trọng, đi nước ngoài như đi chợ, vợ đẹp, nhà lầu mà có sướng đâu. Thật là tạo vật đố toàn. Ông trời chả cho ai sung sướng trọn vẹn cả là vậy. Chả ai sung sướng cả. Đời là vậy. Chao ôi, nếu cần tìm dẫn chứng thêm để chứng minh cho chân lý phổ biến trên thì có thế lấy ngay ở ngõ phố toàn biệt thự cao sang này. Ông tướng B. sau ba mươi năm chinh chiến, rất chịu khó thu nhặt chiến lợi phẩm và tận dụng nước sông công lính, có được sản nghiệp hơn năm trăm cây, một đêm bị thằng con lêu lổng cuỗm sạch rồi biến mất. Ông thứ trưởng T. mới được đề bạt, có cô vợ diễn viên trẻ măng, nào ngờ suýt chết vì đòn ghen của bà vợ cả răng đen. Ông K. giám đốc công ty B.N có cả tài khoản gần nửa tỷ Mỹ kim gửi ngân hàng quốc ngoại có hai thằng con trai thì nghiện ma túy cả hai. Kẻ bị lừa. Người bị trấn. Không thì lại bị chính người trong nhà bòn rút, chia sẻ, tàn hại. Lại có anh vừa vênh vang nhà cao cửa rộng chưa đầy tháng trời đã bị đồng nghiệp làm phản tố cáo, bị tóm gáy vào nghỉ mát ở nhà đá. Lắm ông về già tưởng có thể ung dung tận hưởng của cải một đời trộm cắp, thì trời buộc miệng không cho ăn, vì ốm đau suy nhược lắt lay đến tội. Ấy thế, thoát khỏi đòn trả thù của người đời thì lại bị trời hành, bị số kiếp bó buộc, không sao xoay chuyển lại được, trớ trêu quá!
giữa chúng sinh cùng cảnh ngộ, Lộc bị kích ứng, càng cao giọng gay gắt:
- Vẫn biết rằng nó là cái tai ách của gia đình tôi phải gánh, nhưng các bác xem, làm sao mà tôi chịu đựng nổi. Cứ vài ngày lại một vụ đập phá như thế này. Mà đã hết đâu. Nó phá phách, gây gổ, trộm cắp ở tận đẩu tận đâu, người ta cũng kéo đến đây nhè đầu tôi ăn vạ, đòi đền bồi. Đấy, tuần trước nó cầm mái chèo chém vỡ đầu một ông thuyền chài, vợ ông ấy dìu chồng ôm đầu bông băng đỏ loét đến đây, tôi lại phải chi cho người ta hơn một chỉ mới yên. Cụ thấy tôi có nói sai tẹo nào không? Cụ nói cho bà con hàng xóm nghe đi.
Bà cụ ứa nước mắt:
- Tội là do tôi, các bác ạ. Con dại cái mang. Nó điên khùng, rồ dại, hư hỏng là do tôi không dạy nó.
Lừ mắt lườm mẹ, Lộc ngoắt người, đánh tay:
- Sao hồi đi bộ đội, nó không chết mẹ nó đi cho xong.
Bà cụ khóc oà:
- Ối con ơi, sao mày không chết hồi đi bộ đội, con ơi!
Quay lại, mắt tím lịm, Lộc tàn nhẫn:
- Tôi nói thật đấy. Chết toàn đứa tốt. Sống toàn loại không điên khùng dại ngộ thì cũng vô tích sự!
Bà cụ ngửa mặt lên trời, hờ thảm thương:
- Ối con ơi, sao mày không chết hồi ấy, hả Tự ơi!
o O o
Tự ơi, sao con không chết ngoài mặt trận, hả con? Ở ngoài mặt trận nhiều người chết lắm cơ mà. Có người chưa kịp ghi tên vào đơn vị đã chết. Có người chưa kịp tham gia một trận đánh nào đã chết. Chết vì bom đạn, vì đói khát, vì thú dữ ăn thịt, vì sốt rét ác tính. Chết gì thì cũng được mang danh thơm liệt sĩ. Liệt sĩ thì danh giá cho mẹ già. Mẹ già được phát bằng Tổ quốc ghi công. Được tiền tuất hàng tháng. Riêng tháng Bảy thế nào cũng được đại biểu Ủy ban, Phòng thương binh xã hội đến úy lạo, tặng cái khăn mặt, gói chè hương. Vợ chồng Lộc - Liễu cũng được tiếng thơm lây. Em là liệt sĩ được ưu tiên nhiều thứ lắm!
Thế mà tại sao Tự lại không chết? Giặc tan lại lù lù dẫn thân xác về. Mà nào có ra thân xác. Gầy gòm, hôi hám, chỉ còn một nửa phần hồn phần xác là quen, còn thì lạ lẫm lắm! Lạ lẫm, vì xưa có bao giờ như thế. Đặt cái ba-lô rách xuống đất là ngồi phứa lên trên, lục cái điếu làm bằng ống pháo hút re re, nhe hàm răng xỉn như răng người chết, ngộ độc, thở khói phù phù. Con ơi, bố mày xưa phát ho phát hen vì thuốc lá thuốc lào đấy. Bỏ đi. Hút vào, ỉa ra khói, lại bệnh tật nữa. Bà cụ giật cái điếu. Nó giằng lại, cười khì khì: "Mẹ kiếm cho con ít rượu đổ vào điếu, hút mới khoái!".
Giữa sống chết thì sống bao giờ cũng khó khăn hơn và gây phiền cho mọi người xung quanh hơn. Đằng này Tự lại sống dở. Mười bảy tuổi tình nguyện đi bộ đội. Lấy máu viết đơn mới được đi. Anh hùng thật, nhưng đã thành người đâu. Học vấn dở dang lớp chín. Tính nết chưa ra người lớn. Như cái thứ bán thành phẩm, khi trở về, cũng vẫn là cái của dở dở ương ương như thế. Nhưng dở dở ương ương thì cũng vẫn phải ăn. Vẫn phải ăn, cũng có nghĩa là phải làm. Nhưng làm gì được? Nghề ngỗng không. Chữ nghĩa quên sạch. Sức đã bạc, động tay động chân là thở phì phò như ông già. Cũng chẳng còn thói quen cần cù nữa. Thôi đành tìm việc thổ mộc đơn giản để có đồng lương lần hồi vậy. Nhưng, xúc đất ở công trường đào hồ thủy lợi được một tuần thì Tự đùng đùng bỏ về. Bỏ về vì vỗ ngực ta đây là chiến sĩ Trường Sơn và đánh trật xương vai ông đội trưởng, chỉ vì ông này dám phê bình Tự là kỷ luật lao động kém. Từ đó, làm ở đâu cũng chỉ được vài ngày là người ta lại xin kiếu, vì đã lười, dốt, lại hay gây gổ. Lạ là gầy còm, yếu ốm vậy, mà rất hay gây sự đánh người. Ai lại dám cầm cả cái xẻng mà nện vào đầu người ta! Lẽ ra phải ra toà, nhưng vì xét là thương binh, bị chấn thương sọ não, nên chỉ sa thải và bắt bồi thường tiền.
"Mày quá đáng lắm rồi đấy! Liệu mà tu tỉnh đi". Sau lần nhận Tự từ trại thương binh, rồi đưa vào viện điều trị về, Lộc chỉ mặt thằng em, cảnh tỉnh và đón bà cụ lên ở với mình. Tự ở một mình. Ở một mình chứng nào tật ấy càng tha hồ ngựa quen đường cũ. Rượu uống tràn. Một mình làm vua, làm giặc trong nhà. Bán hết cái bàn, cái tủ đến cái nhà, rồi đi lang thang, ngủ bờ ngủ bụi, mái hiên, gầm cầu. Bà cụ xót xa cho con quá, đánh chắp tay vái tứ phương. Một ông cán bộ bảo: Đó là một thế hệ mất phương hướng sau chiến tranh. Một bác sĩ nói: Cậu ta bị mất một cái gì lớn lắm nên hụt hẫng, mất thăng bằng. Thêm nữa, tình dục bị dồn nén không được thoả mãn. Một thầy bói phán: Cậu này bị ma ám. Nhìn cái ấn đường biết còn gặp tai biến đấy, cụ ạ. Thế là, hết thuốc Tây lại lá lẩu đông y; cuối cùng bà cụ đi các đền miếu chùa chiền, lập đàn, dâng sớ, đốt hình nhân, đội bát nhang giải cứu cho linh hồn Tự.
Kết cục đâu vẫn hoàn đấy. Vẫn như mọi hôm, trẻ con nó lại réo gọi: "Bà ơi, chú Tự chú í đang diễn thuyết ở ngã ba Bà Triệu - Hàm Long kia kìa". Bà cụ vội tất tưởi chạy đến. Tự đang đứng giữa vòng trong vòng ngoài những người là người. Áo quần như giẻ lót nồi. Mặt vừa vêu vao, u uẩn vừa ma mãnh. Con ơi, con tỉnh hay mê? Bà cụ gọi. Tự chỉ tay:
- Bớ Cao Trân, mi đặt điều dối gạt, bất chấp thị phi. Dù mi chạy đến tận chân trời ta cũng bắt được mi.
Tự nói gì mà như đọc tích cổ nước Tầu vậy. Bà cụ ngơ ngác chưa kịp hiểu thì Tự đã xắn tay áo, mặt trắng bệch, sợ hãi và yếu đuối, rên rỉ:
- Bốn bề là lính thủy Mỹ, ta đành từ biệt pháo vậy, pháo ơi! Phải đặt bộc phá. Phá pháo thân yêu của ta, ta xót xa lắm chứ. Nhưng pháo ơi, người có hiểu rằng ta còn chịu sự xót xa, cay đắng hơn thế nhiều không? "Đồng chí Tự, tôi phân công đồng chí mở đường máu". Thằng Doãn nói thế. Nó lừa tôi, để tôi biến thành ma, để tôi thu hút hoả lực của bọn Mỹ, cho nó rút an toàn. Bớ Cao Trân! Thế giới này không câm nín với người cần mẫn. Cứ bước đi, ta sẽ tới thiên đường!
Toét! Toét! Hai bóng áo vàng huýt còi chạy vụt tới. Yêu cầu bà con giải tán. Không nghe luận điệu địch. Anh kia tên gì? Ở đâu đến? Bà cụ gào: Con tôi đấy, các anh ơi. Mọi người ồn ào. Đúng là thằng tâm thần, trí óc lộn tùng phèo, ký ức sai lệch, đầu Ngô mình Sở, như trẻ nhỏ trong cơn kích động...
Lê cái chân đau sang nhà hàng xóm, bà cụ âu sầu, rỉ rả:
- Bác ơi, ông bác sĩ hỏi tôi, tôi bảo: nhà tôi cả bên nội lẫn bên ngoại, ba bốn đời ghi trong gia phả, không có ai mắc chứng điên dại cả. Còn thằng này, hồi chưa đi bộ đội, nó ngoan lắm, nết na thùy mị như con gái chứ! Mười sáu, mười bảy tuổi không biết la cà hàng quán, không biết nói tục, đi đâu cũng núp sau lưng mẹ. Mà học giỏi lắm. Các thầy giáo, cô giáo đều quý mến! Nhất là ông giáo Đức dạy sử, thấy cháu học một biết mười, còn nhận cháu làm em nuôi cơ mà. Hôm trước khi đi bộ đội, nó còn gói ghém sách vở, bảo tôi giữ gìn cẩn thận để về sẽ học tiếp: "Con sẽ thành nhà sử học, nhà toán học, hay nhà vật lý. Con sẽ nuôi mẹ đàng hoàng, sẽ đem vinh dự, sung sướng về cho mẹ". Ý nói là chê trách thằng anh nó giàu có mà bủn xỉn với mẹ đấy, các bác ạ.
Hết mạch chuyện, bà cụ lại gõ cửa nhà khác. Lại phân trần vân vi và thêm lời xin lỗi vì làm ồn ĩ, phiền hà đến bà con xung quanh. Thôi, cũng là vì hoàn cảnh, chứ ai muốn con mình nó thế, hả bác? Bệnh trạng gì mà khổ cho người, khổ cho mình thế. Tôi đến thăm cháu ở quân y viện. Ông bác sĩ giỏi nhất khoa này nói: Cụ ơi, cụ thử hình dung thế này nhé. Nhà có năm người. Giả dụ thế. Cả năm người đều sưng phổi, sốt rét. Nhưng vẫn có thể là yên tĩnh. Vậy mà khu phố đông một vạn dân, chỉ cần một người mắc bệnh tâm thần là đủ hỗn loạn rồi. Đó, bệnh này nó phiền phức là vậy. Nhưng, ác cái bệnh này là do cái gì sinh ra, thì chưa ai hiểu cho hết ngọn ngành cả. Nó đâu như cái dạ dày, khúc ruột mà chiếu điện, mà mổ phanh ra để xem tận mắt được.
Hàng xóm ở đây toàn những kẻ hiểu biết cả, nên thông cảm lắm, nhưng cũng thóc mách tinh quái lắm.
- Cụ ạ! - Họ nói. - Tôi nghe chú ấy nói, thấy trong cái giả có cái thật đấy. Chú ấy khôn ra trò. Đọc cả thơ của ông Gớt thi sĩ vĩ đại người Đức đấy chứ. Vậy đâu có phải loại đần ngu không biết gì?
Bà cụ gật đầu:
- Cái đó thì cũng có.
- Bây giờ cách chữa chạy tốt nhất là để cho chú ấy nói ra hết, cụ ạ.
Bà cụ ngây mặt, rồi lắc đầu:
- Nhưng mà tôi biết làm thế nào bây giờ? Tôi chỉ biết thương nó thôi. Tôi nhớ nó lắm. Khổ, hồi chưa đi bộ đội, cháu ngoan lắm, nết na thùy mị như con gái ấy chứ. Mà học giỏi lắm. Thấy cháu học một biết mười, ông giáo Đức dạy sử quý lắm, còn nhận làm em nuôi kết nghĩa cơ mà. Ông giáo Đức người cũ kỹ, ăn mặc xuềnh xoàng, nhưng giỏi giang, trực tính lắm. Có bận thấy ông lãnh đạo tỉnh, thành phố nói sai, còn dám đứng lên cự lại cơ mà. Đấy, nhắc đến ông giáo Đức là lại nhớ đến con.Lấy khăn tay, bà cụ lau đôi mắt ướt nhoèn.
o O o
Tự đến là hạch tiền, là phá phách. Nhưng, nước mắt có bao giờ chảy ngược. Tự không đến thì bà cụ lại nhớ, lại buồn, lại thương, lại lo, đến mức suốt ngày bà cụ vơ vẩn vào ra, chốc chốc lại ngó ra cổng: Quái, cái thằng này mấy hôm nay nó đi đâu, ở đâu?Nửa tháng qua. Rồi ba tuần qua. Hôm nay, đang định bụng lân la ra phố để hỏi trẻ nhỏ xem có thấy Tự ở đâu không, thì nhác thấy bóng người ở ngoài cổng.Tim đập dồn, thập thễnh chạy ra, bà cụ vừa định reo, vội ngậm miệng, lùi lại ngỡ ngàng:
- Chào cụ ạ.
- Ơ ơ... bác. Chào bác. Bác hỏi ai ạ?
Bà cụ líu lưỡi.Đứng trước cánh cổng không phải là Tự. Mà là một ông lão đội mũ lá cọ, vành to bằng cái nia, mặc áo bà ba màu dâu tây rộng thùng thình, vai đeo tay nải nâu, thoạt trông như người nhà Phật đi hành hương. Nhìn kỹ thì thấy không phải. Vì còn có bộ râu mới nuôi rối rít, ngồ ngộ, và mặt còn nhiều trắc ẩn, lại bí hiểm cổ quái, lập dị khác thường. Nhìn kỹ nữa thì lại thấy có nét nhang nhác quen thân. Cái khuôn mặt hình thuẫn cổ sơ, cái sống mũi gẫy, cái khuôn miệng móm thụt vào và nhất là hai con mắt trẻ như đặt lầm chỗ, đúng là những hình nét đã được lưu giữ trong trí nhớ bà cụ, nhưng thời gian khiến chúng trở nên nhoà mờ đi ít nhiều rồi, nên bây giờ ngờ ngợ lắm.
- Cụ không nhận ra tôi rồi!- Người nọ vừa theo bà cụ đi vào nhà, vừa nói thầm trong chòm râu, rồi thoát một hơi thở dài khi ngồi xuống chiếc đôn, đoạn đặt cái tay nải lên đùi, lôi ra một chiếc cặp da đen, ngẩng lên, đột ngột và tự nhiên:
- Chú Tự có nhà không, cụ?
Chiếc cặp da đen đã sờn các đường riềm. Thêm một hình sắc quen thuộc nữa. Bà cụ lập cập rót nước. Và khi đặt chén nước trước mặt người khách, thì ký ức đã lần giở đến nếp nhăn cuối cùng, bà cụ liền như buột miệng:
- Thầy giáo Đức!
Chỉ chờ có thế, người khách liền ngửa cái mắt trũng lên trời, vuốt râu cười hơ hơ:
- Thưa cụ, cụ còn tinh tường lắm. Cháu chính là thầy giáo Đức dạy sử ở trường cấp ba Lao Cai năm nào đấy. Cháu là anh kết nghĩa với em Tự, con cụ. Còn nhớ hôm đến uống rượu ở nhà cụ, cụ thịt con ếch hai ki-lô.
Bà cụ nhăn trán cố nhớ xem đã có lần nào thịt con ếch hai ki-lô đãi ông giáo không, thì ông giáo đã đặt tay vào khoá cặp, vai so lại, mặt ngây ngây:
- Thế đây, ta đã đi qua bao bão tố để từ anh hùng trở nên triết nhân. Thưa cụ, chắc là cụ thấy đường đột vì sự có mặt của cháu trong căn nhà này. Nhưng, xin cụ cứ yên lòng. Cái gì cũng có nguyên ủy của nó. Giống như vũ trụ. Thoạt đầu là cái hỗn mang. Rồi cái tiên thiên. Cái Thái cực. Thái cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh tứ tượng... Cứ thế, nhất biến thiên. Thiên biến vạn. Vạn biến ức. Ức biến thành hằng hà sa số!
Se sẽ ngồi xuống, không kịp chen vào lời thăm hỏi, bà cụ liền bị chìm vào đám chữ nghĩa mỗi lúc một mù mịt, rối rắm của ông thầy. Đến mức lúc sau bà cụ phải sợ hãi, kêu thầm: hay đây là một thầy Đức giả? Thầy Đức xưa coi Tự như môn đệ, sáng láng lắm, chứ đâu tù mù, hỗn độn, lòng dạ không yên hoà thế này!Ngưng mạch nói chỉ là để nuốt hơi, thầy Đức vừa mở nắp cặp, vừa tiếp; giọng lại chuyển thành nghề ngà:
- Hà, sở dĩ biết địa chỉ của em Tự là bởi vì sau hơn mười năm xa nhau, hai thầy trò chúng tôi cùng đi bộ đội, rồi lại kỳ ngộ nhau ở nhà thương điên. Hà! Tôi phải phát đơn kiện cái sự lạm dụng, dùng sai danh từ này! Sao lại điên? Điên là gì? Là phải trái bất phân! Thế thì tại sao tôi và em Tự lại vào nhà thương điên để họ bắt tắm nước nóng, tập thư giãn và uống Aminadin được? Không, tử vi tôi và Tự giống nhau. Thái dương cư ở ngọ, tức là có sự chiếu sáng rực rỡ. Cự môn cư ở cung quan, mà quan đóng ở đầu, tức là bị mang tiếng thị phi thôi. Không có khoản điên loạn ở đây! Vấn đề là họ không hiểu lịch sử xã hội là do tự nhiên quyết định. Chiến tranh, con người lăn xả vào chém giết nhau, đâu có phải vì lòng tham. Mà là do thời gian đó vũ trụ gặp bốn chu kỳ: tháng cận điểm, năm xuân phân, tháng trường trọng lực và chu kỳ vết đen trên mặt trời
.- Mời thầy xơi nước ạ.
Bà cụ cố chen lời. Nhưng nhấc chén nước lên, người nọ lại đặt xuống khay, ngất ngưởng:
- Thế nên tôi có ba lời khuyên với em Tự. Một là, giả vờ ngậm Aminadin thôi, chứ không uống, vì ta còn giữ sức để làm việc cho đời. Hai là, trời không sắp bến sắp thuyền cho em, bắt em phải biết cay biết đắng.Ba là, ta được duyên trời cho, nhìn xa được một thế kỷ. Mong em hãy giữ sự quân bình. Còn đây...
Rút từ trong chiếc cặp da đen sờn rách ra một tập giấy lớn, ông thầy nhìn bà cụ chằng chằng:
- Bây giờ tôi xin hỏi cụ: Vũ trụ quan của cụ là gì? Nhân sinh quan của cụ là gì? Hơ hơ... Tôi hỏi thế để tôi giải đáp. Tôi có thể trình bày với cụ hai vấn đề trên: hai năm liền, hoặc hai tháng, hoặc hai giờ, thậm chí... hai giây. Thưa cụ, điều đó tôi có ghi chép hết ở trong tập giấy này. Đây là công trình tôi và Tự đã cùng nhau bàn bạc, nay tôi chấp bút đã xong, tôi đưa đến để Tự đọc góp ý. Công trình có tên là Hướng về Ân Đức Bà Chúa Thượng Ngàn. Trong này có Đạo, có Pháp, có Nhân sinh quan là: liệu cơm gắp mắm, có phương châm của thời đại bao gồm các phương lược giúp đời cứu nước. Dạ, xin cụ đừng giật mình trước giao thừa chó sủa!
Lại nhấc chén nước, hai mắt trắng dã, thầy bật tiếng cười lạnh tanh:
- Xin cụ đừng giật mình trước giao thừa chó sủa!
Bà cụ co người, rét run. Trời ơi! Chả lẽ thầy giáo Đức cũng có một mảnh đạn trong đầu? Mảnh đạn ở đâu mà lắm thế! Rồi cụ rên khe khẽ: “Thầy ơi, thầy có biết em Tự em ý giờ ở đâu không, thầy?”.
o O o
Giờ này con ở đâu, Tự ơi?
Lòng dạ con đã yên ổn hay con lại đang lang thang đây đó như thầy giáo Đức, nghêu ngao hết chuyện này sang chuyện khác, rõ ý thiện tâm thành mà cứ như ăn nói quàng xiên, vô nghĩa.
Chết thôi! Đến nhà thầy giáo Đức thông sáng hơn người mà cũng thế a? Nhất biến thiên. Thiên biến vạn. Nếu cứ như thế thật thì sợ quá. Thì hoá ra đời người sống ngắn ngủi mà lắm đớn đau, oan khiên. Khổ! Đời người được bao lăm, khôn ngoan còn chẳng ăn ai, một chín một mười tranh cạnh còn khó, huống là những quái trạng, cô hồn, tiên thiên hậu thiên bất túc. Lúc này đây, ai cũng chẳng mang nổi mình, còn ai lo được cho ai, nữa là thiên hạ xưa nay vốn quen phù thịnh chứ có ai phù suy. Vậy nên con ơi, nhiễu tâm thì thiệt mình, khổ mình thôi, con ạ. Đời gập ghềnh vốn chỉ ưa với kẻ cứng rắn, là thế, nhưng con ơi, chả lẽ chỉ vì vậy mà lại khuyên con gạt nước mắt, bỏ ước nguyện, nhịn nhục cho qua ngày!
Bị hình ảnh thầy giáo Đức ám ảnh, bà cụ ngày đêm sốt ruột sốt gan lo sợ cho số phận Tự. Nhất là mấy hôm sau, có tin người ta vớt được xác một ông già mặc áo bà ba, đeo tai nải, ở con mương nước thải gần ngõ phố này. Không hiểu là ông cụ tự vẫn, hay đi vơ vẩn ngã xuống nước lúc tâm thần mê loạn.
Giờ này con ở đâu, Tự ơi?
Ngày đêm bà cụ mong ngóng Tự trở về. Và rốt cục Tự đã trở về! Tự đã trở về trong nỗi nhớ mong của mẹ, sau gần tháng trời thầy giáo Đức đến thăm không gặp.
Đó là một trưa mùa xuân.Điều kỳ lạ là lần này khác hẳn mọi lần trước. Không có tiếng giật cửa. Không có tiếng réo gọi. Không có lời chửi càn ngông ngạo. Không có cảnh đập phá, và sự việc xẩy ra rồi mà mãi một lúc sau bà cụ mới được biết. Vì mãi sau mới nghe tiếng ai nhang nhác tiếng Tự đối đáp chát chúa ở trên gác hai. Chạy ra sân, bà cụ kinh hoàng. Phép lạ siêu thường gì mà Tự lọt qua được hàng dây kẽm gai đã được Lộc gia cố và leo lên được gác trên. Bà cụ run hết cả chân tay vì cùng lúc ấy nghe tiếng tru khiếp đảm của vợ Lộc:
- Ối bà con ơi, cứu tôi với!
Lúc ấy, như đã định liệu trước, hai cánh cổng liền bị đẩy mạnh, mở toang. Lộc dắt xe máy vào, theo sau là mấy người công an.Trong buồng ngủ trên gác hai chỉ có Liễu và Tự. Tự áo quần rách nát, mặt gầy lộ cốt có mấy vết cào rớm máu, miệng trễ, hai bên mép nhớt dãi nhểu nhệt lòng thòng, như đang lên cơn dại. Vợ Lộc, một bên dải váy ngủ đỏ lòe đứt thõng, da thịt nồng nỗng, tay ôm cái gối tròn thế thủ, mắt đỏ gắt, vừa thấy Lộc cầm chiếc gậy xồng xộc đi vào, liền tru tréo:
- Ối, anh Lộc! Nó định cưỡng hiếp em! Thằng khốn nạn!
Lộc dừng lại, trán nhẫy bóng, bụng phập phồng, trỏ gậy vào mặt em trai, thở hồng hộc:
- Thằng khốn! Điên gì mày!
Tự ôm mặt, ngửa lên trần nhà, người rúm lại tựa như bị một cơn đau thắt siết ngang ngực gầy.
- Đồ du thủ du thực! Thằng mất dạy! - Lộc nhe răng gầm ghè
- Tao không thể ngờ mày có thể đểu giả đến như thế! Lần này thì tao không thể tha thứ cho mày được. Điên gì mày!
Dứt lời, Lộc vung gậy nhằm đầu Tự phang đòn chí tử. Tự buông tay, tỉnh hẳn và nhanh dẻo như vượn, vươn tay đỡ được đầu chiếc gậy vừa giáng xuống. Trạng thái phi thường xuất hiện. Tự nín hơi phóng xuất nội lực dự trữ, giật mạnh chiếc gậy và co chân đạp mạnh vào bụng Lộc, rồi phắt ra cửa, nhảy từ tầng hai xuống mảnh sân trước nhà, dộng đầu gậy xuống sân, thét lớn:
- Tao không điên! Tao không điên! Bớ tên Cao Trân kia!
- Bắt lấy nó hộ tôi! Bắt lấy nó, các đồng chí ơi!
- Ừ, bắt lấy nó! Nó! Nó đấy!
Chỉ mặt anh trai, gào mấy hơi ngắn, Tự như phi thân tót lên bờ tường vi.
Lộc từ tầng hai lệch đệch chạy xuống, ôm mặt hổn hển và lắp bắp:
- Thằng… điên! Thằng… khốn nạn!
o O o
Tối hôm ấy bà cụ sang hàng xóm xin ngủ nhờ. Hôm sau bà cụ bắt đầu đi rong phố. Chỗ nào có dăm bảy người là đứng lại, mặt ngơ ngẩn, chả ai hỏi cũng cao rao:
- Ngày nó đi bộ đội, nó dắt người yêu của nó đến nhà thằng anh nó. Nó bảo: “Anh Lộc ơi, ở nhà, anh trông nom cô ấy hộ em nhé!”. Cô ấy tức thị là vợ thằng anh nó bây giờ đấy, các bác ạ.
Người nghe ngơ ngác hỏi: “Cụ kể chuyện ai đấy?”. Thì bà cụ bỏ đi, tay ôm mặt, hờ: “Ối con ơi, sao mày không chết ở ngoài mặt trận, để bây giờ dở dương thế này, con ơi...”./.
Chú thích
(1) Thơ của Gocth.
Mảnh Đạn Mảnh Đạn - Ma Văn Kháng