Thể loại: Tuổi Học Trò
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 688 / 7
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xem thông tin ebook
gày cô vào lớp, Cả lớp đứng nghiêm chào cô. Trò đứng thẳng đến nỗI ưỡn cả ngực nhưng sau đó lạI há hốc mồm nhìn cô. Tất nhiên là cô bốI rốI lắm nhưng rất dịu dàng cô cho cả lớp ngồI xuống. Trò cũng ngồI xuống nhưng chống tay lên cằm tròn mắt nhìn cô; sau đó cô sinh họat đôi điều ngắn gọn đầu năm. Vừa phổ biến nội qui cô vừa như tình cờ mở nắp của cái giỏ xách rất mi-nhon để trên bàn. Ở mặt trong có cái gương nhỏ xinh xắn, đính vào giỏ. Cô chỉ xem mặt mình có gì lạ không? có dính lọ nghẹ không mà sao có 1 cậu học trò cứ chỉ có việc nhìn cô từ đầu đến giờ, không ghi chép gì mà dường như cũng không nghe gì. Nhìn thấy mình trong gương, cô tự tin trở lại. Chả có gì. Nếu có thì là vì cô quá dễ thương trong 1 khuôn mặt gọn, mắt sáng đàng sau đôi kính trắng, mũi nhỏ mà cao, thanh tú.Và cái miệng lúm đồng tiền hay cười khoe ra 1 chiếc răng khểnh mà thôi.
Thế là cô đi 1 vòng hỏi tên để làm quen với lớp. Và cô dừng lại trước trò, lúc này đang đỏ bừng mặt, nhưng vẫn cứ nhìn cô:
- Em tên là gì?
Trò ấp a ấp úng:
- Tên em … xấu hoắc!
Cả lớp nhao nhao cười:
- Nó tên là Tèo đó cô!
Cô ngạc nhiên nhưng không cười:
- Tên Tèo dễ thương thôi, có gì là xấu nào?
Mắt trò sáng lên vui sướng và biết ơn:
- Thiệt hả cô!
- Thật mà!
À thì ra là tên Tèo. Cô vừa cảm thấy thú vị và tiếp tục đi hỏi tên các bạn khác. Và sau cái ngày sinh hoạt chủ nhiệm đầu năm đó, cô nhớ giỏi lắm chừng năm bảy tên là cùng. Nhưng tất nhiên là trong đó có cả tên Tèo.
Ngày lao động đầu năm. Cô chưa từng thấy ở đâu như ở đây. Học trò chịu khó dầm mình xuống sình lầy, hăng say chuyển từng tảng đất nhão nhoét – ít nhất là 3-4 kí lô, để đắp 1 con đường từ cổng vào 3 dãy lớp. Mà thực ra cô cũng chưa đi nhiều, chưa dạy nhiều để so sánh. Nếu có thì là lúc đi thực tập ở 1 trường trong thành phố. Lao động à? Học trò giỏi lắm là cầm 5-3 cây chổi quơ qua quơ lại bầy giáng nhện trên trần, sạt tới sạt lui 3 góc lớp. Còn thì cầm chổi rượt nhau chạy chí choé như 1 lũ khỉ ở vương quốc Tề Thiên. Bỗng dưng cô thấy thương học trò quá.
Trong cái hàng cong queo của lũ học trò lấm lem sình đất, cô nhìn thấy trò. Trò đi lao động từ rất sớm. Nhưng khi thấy con gái tíu tít quanh cô, thì trò lui ra ngồi trên băng đá. Vẫn đưa mắt về phía cô. Rất hiền. Và đến khi bắt đầu làm việc, trò làm rất say. Trò đứng ở đầu hàng chỗ dít đất. Mồ hôi đổ dán áo vào lưng – cái áo sơ mi dài bỏ bên ngoài mà bắt đầu khó phân biệt đâu là áo đâu là đất.
Cô ra căn-tin và chỉ trong chốc lát, cô gồng mình xách vào 1 thùng nước đá. Nhưng đi chưa được 5 bước vì thùng quá nặng, cô đã thấy trò bỏ len bỏ xẻng, chạy ào đến bên cô:
- Cô ơi sao cô không để mấy bạn làm?
Vừa nói trò vừa chộp tay vào đỡ lấy quai thùng. Cô và trò cùng nhìn thấy 1 cục đất nhỏ từ tay trò rơi tõm vào thùng. Trò lúng túng. Còn cô thì mĩm cười lúm đồng tiền:
- Bí mật nghen! Có cô và em biết thôi đấy! Không thì các bạn chả ai dám uống.
Trò cười theo cô và thấy nhẹ nhõm hẳn.
Ngày 20 tháng 11 (*). Cô đi theo học trò ra đồng. Nước đã bắt đầu rút, nhưng đồng vẫn còn mênh mang nước là nước. Cô cẩn thận gỡ đôi giầy xăng-đan để ở đầu xuồng. Rồi làm ra vẻ tỉnh táo, trong khi tay bấu chặt 2 mép xuồng, cô phó mặc mình cho bọn chúng chèo ra xa. Những bụi bông điên điển còn vài bông hoa vàng sót lại cúi rạp mình xuống khi xuồng cô đi qua. Nước trong vắt, có thể nhìn thấy rong rêu quấn lưng chừng ngọn cỏ. Lũ cá rô đã già hơn so với đầu mùa nước đang ve vẩy đuôi như không khề biết sợ là gì. Đồng nhẹ thênh và mát rượi. Trò cặp xuồng mình cạnh xuồng cô:
- Nón lá nè cô đội đi cô! Kẻo bữa nay cô về nắng ăn đen thui ba mẹ cô nhìn không ra!
Cô cười. Trò móc mồi tép vào cần câu cho cô, nói:
- Cô thả vào bụi và chờ. Đừng giở lên giở xuống xem chừng hoài dễ mắc gốc. Hễ cái phao chao nghiêng là cô giựt liền nghen!
Cô lại cười. Cầm cần câu hồi hộp gì đâu. Nhưng cô không phải chờ lâu. Một con cá rô không lớn lắm đã giãy rung cả cần câu. Mắt nó tròn như mắt trò nhìn cô. Cô thấy nó tội nghiệp nên gỡ nó ra thả nó lại đồng. Học trò cười bảo cô không “sát cá”. Con cá nào được cô câu dính thật là phước đức. Sau 1 phen hú vía, thế nào nó cũng bơi tung tăng đi kể cho bạn bè nghe. Thế là chả con nào ăn câu nữa.
Cả bọn hét lên đòi nghỉ câu và tắm. Ở lớp, cô tự tin bao nhiêu, còn ở đồng mênh mông nước này cô lúng túng bấy nhiêu. Thật khó mà ngăn được niềm hứng thú hồn nhiên của học trò cô. Cả con trai lẫn con gái. Chúng nó bơi, lặn, hụp, tát nước nhau chí choé. Xem chừng thấy cô có vẻ buồn khi đứng ngoài cuộc, chúng nó bày ra trò đua xuồng.
Mọi chuyện “bình yên” cho tới lúc này. Đến khi cô té tõm xuống nước, cô mới biết là chúng giở trò đua xuồng để cô được hoà mình trong dòng nước mát lạnh đến chân tơ kẽ tóc. Xuồng lật úp. Cả bọn vỗ tay la hét, té nước tung mù trời đến lũ cá rô chắc cũng sợ hãi mà bơi đi mất. Lên xuồng trở lại, cô mới phát hiện ra đôi giày của cô đã mất tích. Lũ con gái tỏ ra rất lo lắng trong khi tụi con trai thì lại hơi hối hận. Chúng chuộc lỗi bằng cách dàn hàng ngang trên đồng đi mò giày lại cho cô. Trời ngả về chiều, gió bấc đầu mùa se se lạnh, ánh nắng chiều lấp lánh rợp mắt đồng. Lũ học trò hụp lặn bắt đầu lẩy bẩy run, răng va vào nhau lập cập nhưng chỉ tìm ra 1 chiếc. Cô tuyên bố tặng chiếc còn lại cho đồng nước. Đám con gái pha trò, chắc là lũ cá giữ lại 1 chiếc làm kỉ niệm rồi. Cô trò lên xuồng quay trở về. Đến lúc đó, cô thấy trò 1 mình giữa đồng, không bỏ cuộc. Sục sạo 1 đỗi nữa ở chỗ xuồng chìm, cuối cùng giơ lên khỏi mặt nước chiếc giày của cô, môi trò tím tái đi vì lạnh:
- Em xin lại của con cá rô nè cô!
Sau ngày hôm đó, lẽ ra trò bị bệnh mới phải. Nhưng không, lại là cô. Học trò đến thăm chật cả nhà. Chúng lăng xăng chíu chít uống của cô hết 3-4 bình trà, leo lên vặt sạch cây mận-trái già lẫn trái non-rồi biến. Nhưng chỉ 1 lát sau trò quay trở lại 1 mình:
- Tụi nó về hết rồi cô. Toàn là quậy thôi. Em phải quay lại hỏi cô đỡ chưa?
Cô rưng rưng cảm động nhưng vẫn cười lúm đồng tiền bảo rằng cô sắp trở lại dạy rồi. Trò rút trong ba lô học trò ra 1 nải chuối, quả nào quả nấy tròn căng:
- Cô ăn bồi dưỡng cho mau hết bệnh nghe cô!
Rồi ngồi im như củ khoai. Không nói. Cứ lâu lâu lại ngước nhìn cô. Và cười.
- Thế ở nhà có mấy anh em? Cô bắt chuyện
- Dạ 3, em là anh hai. Trò thưa và giới thiệu thêm
- À, vậy là anh hai giỏi lắm đây. Chắc là giúp mẹ nhiều việc lắm nhỉ?
Mắt trò đột nhiên buồn thiu.
- Má em mất 3 năm nay rồi cô ơi!
Cô ấp úng xin lỗi. Và ngờ ngợ nhận ra tình cảm của trò, từ cái ngày đầu tiên. Tiếng trò thật nhẹ bên tai cô:
- Má em có cái lúm đồng tiền và nụ cười y hệt cô.
Cô nghe mắt mình cay cay. Và ước chi mình là 1 ông thầy giáo để được ôm trò vào lòng.
Tết. Cô quyết định đi 1 vòng nhà học trò lớp chủ nhiệm. Tất nhiên nhà của trò, cô đến đầu tiên. Căn nhà lợp lá trên nền đất. Tài sản chỉ là chiếc giường, 1 bàn thờ, 1 tủ đứng gắn hình sau cửa kiếng. Cô nhìn thấy má trò, tấm hình trắng đen. Má trò cười lúm đồng tiền, ẵm bên hông 1 em bé, 2 đứa đứng phía trước đều đi chân không. Một đứa ốm nhom cao nhòng. Trò chỉ:
- Em đó cô!
Cô cười:
- May mà lớn lên em không còn là “cây tăm” nữa!
Trò cũng cười:
- Ra đồng vác lúa vài ba vụ là mập lên liền hà cô!
Đến khi tía của trò bước ra thì cả trò lẫn 2 đứa em đều lủi mất. Trò giống tía ở nụ cười rất hiền. Chỉ khác là cuộc sống “gà trống nuôi con” vất vả, đã tạo nên ở tía trò 1 sự khắc khổ toát ra từ nước da ngăm đen và đôi mắt sâu rất sâu.
- Thằng Tèo tui, nó nhắc hoài, hôm nay mới biết cô giáo đây. Nó thì khờ khạo lắm, có gì cô rầy nó dùm. Tội nghiệp, từ khi má nó mất, thằng nhỏ cực quá!
Tía trò còn nói nhiều nữa. Chuyện nhà, chuyện của trò và các em trò. Rồi cuối cùng, 2 tía con trò tặng cô 2 chậu hoa vạn thọ và 1 nhánh mai ở nhà trồng. Cô chỉ biết vâng dạ rồi nhận quà. Và chợt nhận ra cô mắc nợ học trò mình nhiều quá.
Từ đó đến cuối năm cô làm việc không ngừng nghỉ.Cô dạy trên lớp hết cả sức mình. Trống đánh hết tiết, cô cũng “oải” cả người. Học trò có thể hỏi bài cô bất kỳ ở đâu, bất cứ lúc nào. Cô lại dạy phụ đạo thêm cho ai học yếu. Trò học thuộc loại khá cũng lò dò xách tập vào ngồi. Rồi ngoại khoá, rồi đi tham quan … Trường không đủ kinh phí, cô về năn nỉ ỷ ôi mẹ của cô làm “mạnh thường quân”. Mẹ cô chỉ còn biết mắng yêu: “Tôi nuôi cô chưa đủ hay sao còn phải nuôi luôn cả lũ học trò của cô đây hử?” May mà bố mẹ cô kinh doanh mua bán đã lâu, lại chỉ có mỗi mình cô nên “bảo trợ” cho cô tha hồ dạy học. Công việc bề bộn nhưng có nhiều niềm vui. Cô nghĩ đôi khi công việc và tình cảm học trò hoà lẫn vào nhau đến cô còn khó phân biệt được. Nhưng cũng nhiều khi, cô nghĩ, không biết vài năm sau, liệu cô có còn nhiệt tình như thế này không? Giả dụ như mai mốt cô lấy chồng thì sao? Hay khi bố mẹ cô già, cần có cô thay thế trong việc kinh doanh chẳng hạn?
Cô chia xẻ những điều đó với trò. Trò trầm tư hơn. Rồi sau đó nói 1 câu tưởng chừng không ăn nhập gì đến băn khoăn suy nghĩ của cô:
- Em chỉ mong thằng Tơ và thằng Tí em của em sau này được học với cô thôi!
Trò đâu biết rằng khi cô tiễn trò tốt nghiệp ra trường, chính cô cũng mong như vậy. Mong ước và cố gắng. Nhưng ngày mai như thế nào, làm sao cô biết được, trò ơi!
--------
(*)20/11 hằng năm là ngày Nhà Giáo Việt Nam
Cô Trò Cô Trò - Trần Tùng Chinh