Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1296 / 2
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xem thông tin ebook
ây giờ, mỗi lần nhớ tới cậu tôi thì tôi thường tự hỏi hồi bằng tuổi cậu, tôi có làm được điều gì đó cho ai như cậu đã làm cho tôi không và tự nhiên tôi thấy lòng mình rộng mở, thanh thản, muốn giúp đỡ, chia sẻ. Cho đến năm 12 tuổi, tôi mới được biết cậu, còn trong ký ức mơ hồ của tôi hồi bốn, năm tuổi gì đó, tôi chỉ còn nhớ ông bà Giáo và dì Nga, là cha mẹ là em của cậu. Ông bà Giáo rất hiền, dì Nga cũng hiền. Ông bà và dì Nga sống bằng nghề chằm đệm buồm. Tôi thường có dịp đến chơi, coi mọi người chằm lá. Khoảng chín, mười tuổi, tôi về sống ở Phong Điền, Hiệp Nghĩa, lại gặp ông bà Giáo ở gần nhà cậu Năm Ý tôi, trên miếng đất ông cố tôi để lại. Bà Giáo là cô ruột của mẹ tôi, còn ông thì tôi chỉ nghe gọi là ông giáo Hoàn. Khi lớn lên thì tôi biết dì Nga đã mất, cậu Ngư thì nghe nói rất ít, và trong nhà khi nhắc tới cậu, người ta hay gọi "Ngư khùng, Ngư điên". Mẹ tôi, cậu Năm lớn (Bánh), cậu Năm nhỏ (Ý), cậu Năm Chi đều gọi là "thằng Ngư khùng" bằng giọng trìu mến, thương yêu, không ghét bỏ mà có phần quý trọng, nể nang. Tôi lấy làm lạ. Những người nhỏ tuổi hơn như cậu Hội, thì gọi "anh Ngư khùng" bằng một giọng kính nể hơn. Không phải mọi người kính trọng vì ông bà Giáo hiền lành, ông vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc được mọi người trong xóm làng thương mến, mà nể trọng "Ngư khùng" vì cho rằng cậu Ngư học giỏi quá, học giỏi đến hoá khùng, hoá điên. Mà thật, vùng tôi hồi đó không ai học được lên cao như cậu. Tới "Primaire" đã hiếm chớ đừng nói đến “Brevet” trường Tây rồi vào học cao đẳng sư phạm như cậu. Nghe nói hình như vùng quê ngoại tôi có hai ngọn núi án ở phía bắc (Tà Cú) và phía Đông (Tà Đặng) nên ai học giỏi quá, học cao quá thế nào cũng xảy ra chuyện không hay. Từ đó, Ngư khùng, Ngư điên vì học giỏi như một huyền thoại bao quanh tôi. Tôi vừa thích vừa sợ, vừa lo lo. Thế rồi đến năm mười hai tuổi, tôi mới được gặp cậu bằng xương bằng thịt lần đầu tiên.
Ba tôi mất, mẹ tôi rời xóm tản cư trong rừng Bàu Lời, dẫn bốn anh em tôi về thị xã Phan Thiết tá túc ở nhà cô Hai tôi, ngụ trong chùa Hải Nam. Cô Hai và các chị tôi sống bằng nghề chằm lá buông, tôi phụ giúp phơi lá. Cô tôi rất tốt mà cũng rất nghiêm. Cô tôi cũng lại gọi "cậu Ngư Khùng" với cái giọng nể nang. Các anh chị cũng nhắc đến cậu bằng sự mến phục. Mọi người đếu khen cậu hiền lành, dễ thương, chỉ khi điên mới kỳ cục, nhưng điên chỉ vì học quá giỏi mà thôi. Thế rồi có lần cậu từ Sài Gòn về Phan Thiết, ở nhà dì ba Lem. Cậu đến thăm mẹ con tôi và bàn với mẹ tôi cho tôi đi học. Trời ơi, đi học, sướng quá, nhưng phải cẩn thận, học vừa thôi chớ học giỏi quá hoá điên như cậu thì nguy, tôi tự nhủ. Tôi thấy cậu ốm nhom, tóc hớt ngắn, quần rộng thùng thình, sơ-mi sạch sẽ nhưng nhàu nhè, chỉ có đôi mắt là sáng rực sau cặp kiếng cận tròn, gọng đồi mồi. Bộ ria mép che bớt cái miệng với hàm răng hơi hô, nhưng nhờ hay cười nên cũng có duyên, mũi hơi quặp, chịu đựng cặp mắt kiếng khá nặng, tay thì ôm một chồng sách báo, đi nghiêng nghiêng tất tả. Lần về đó có cả mợ tôi. Mợ tròn trịa, da trắng, tóc quăn, nhanh nhẹn, vui vẻ, hoạt bát. Hôm đó tôi diện bộ đồ “pyjama” do anh Hai con cô tôi may cho, đến nhà dì Ba Lem thăm cậu mợ. Sau này tôi có viết lại đoạn hồi ký ấy trong một cuốn vở học trò, với cái tựa là "Cậu tôi", kể lại "Buổi mai hôm ấy, một buổi mai… cậu nắm lấy tay tôi, dẫn đi trên con đường…” đến trường học. Tiếc là cậu đã làm thất lạc. Bây giờ tôi không viết lại được nữa. Tôi nhớ cậu dẫn tôi đi mua sách vở chuẩn bị vào trường ở nhà sách Vui Vui bên bờ sông Cà Ty gần cầu Phan Thiết. Tôi bẽn lẽn, hồi hộp, sung sướng không tả. Tôi vừa đi vừa ngó chừng cậu. Cái huyền thoại học giỏi hoá điên của cậu làm tôi ngờ ngợ, lo lo. Nhưng tôi nghĩ là tôi cũng phải ráng học giỏi. Thà học giỏi hoá điên còn hơn học dở. Trước đây, tôi học trong rừng, vùng kháng chiến quê mẹ tôi, không biết sức học thực của mình ra sao. Mười hai tuổi, biết đọc, biết viết, làm toán khá, còn chưa biết một chữ "le, la" trong tiếng Pháp, mà hồi đó, học trò tiểu học đã học tiếng Pháp rồi. Tôi hoảng lắm. Cậu thì tỉnh queo, nắm tay tôi kéo vào tiệm sách Vui Vui mua cho nào vở, nào tập, nào viết chì, viết mực, cục gôm, không thiếu một thứ gì. Cậu còn mua cho một cây viết chì màu hai đầu xanh đỏ mà tôi rất khoái. Mấy cuốn sách Pháp vỡ lòng, sách Việt, sách toán đủ cả. Cậu thiệt là rành nghề học, tôi nghĩ. Cậu vào tiệm sách mua một lèo không đắn đo suy nghĩ gì cả. Người ta nói đúng, cậu có nghề đi học nên cậu rành quá.
Cậu dẫn tôi đến nhà người bạn cậu, cô Tiểu Sính, vợ thầy Lâm Tô Bông. Thì ra cô là Hiệu trưởng trường tiểu học mà cậu định gởi tôi vào học. Cô cũng óm nhom, cũng mang kiếng cận trời ạ. Hoá ra người nào học giỏi cũng mang kiếng cận, phải ốm nhom và chắc cũng khùng khùng, điên điên cả sao? Nhưng cô không có vẻ gì khùng mà lại rất vui vẻ, tử tế. Tôi nghe hai người bàn bạc gì đó với nhau một lúc. Sau đó cô Tiểu Sính dặn dò tôi mấy điều và hẹn ngày cho tôi vào lớp. Lớp ba! Mà người ta đã học cả tháng trước rồi! Tôi lo sốt vó, không biết có học nổi không. Thế nhưng sau đó mấy ngày, tôi được thầy giáo báo với cô Hiệu trưởng cho lên lớp nhì và vài tháng sau đó cho lên lớp nhất luôn (lớp Năm bây giờ). Lần đó cậu Ngư cho tôi một số sách báo để đọc chơi, Có những cuốn sách hình thật đẹp, vừa có thơ, vừa có họa như cuốn Con ve và con kiến của Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi muốn mình cũng vẽ được hình, làm được thơ như vậy. Tôi được học bổng toàn phần, nghĩa là được miễn đóng học phí. Tôi chắc là nhờ cậu nói giúp với cô Hiệu trưởng hoàn cảnh gia đình tôi nên mới được như vậy. Nhưng điều kiện nhà trường cho tôi biết là hàng tháng phải học giỏi, phải đứng từ hạng năm trở lên mới tiếp tục lãnh học bổng. Tôi ráng học, thường đứng nhất hay nhì mà thôi. Cuối năm được lãnh thưởng hạng nhất toàn trường, phải kêu xe xích lô chở về chùa. Cô tôi, mẹ tôi và các chị mừng lắm, khuyến khích tôi học. Tôi không nhớ lúc nào cậu Ngư lại về Phan Thiết lần nữa. Lần này cậu đến trường tìm tôi. Trường Bạch Vân bây giờ đã dời về chùa Bà. Tôi không biết sao mà mình ở cũng chùa mà học cũng chùa. Nhưng chùa Bà Đức Sanh Hội là nơi im ả, sân rộng, cây cao bóng mát thật lý tưởng, lớp học cách điện thờ có một vách ngăn. Lần đó thấy tôi học giỏi, cậu khen ngợi và cởi chiếc đồng hồ đeo tay, cho tôi. Lần đầu tiên tôi có cái đồng hồ đeo tay. Tôi khoái lắm, thấy không thua kém bạn bè nữa. Bây giờ đi đâu, có dịp tôi thường cho mấy nhóc nhỏ trạc tuổi tôi hồi đó thứ này, thứ khác… là tôi nghĩ đến cậu tôi, nhớ đến cậu. Từ đó, tôi thường thư từ với cậu. Mỗi lần được thư tôi, cậu đều trả lời. Thư cậu viết trên giấy pelure màu xanh, hồng, có khi là giấy học trò thi, cậu tiết kiệm để dùng. Thỉnh thoảng cậu cho tôi sách, báo. Tôi mê lắm. Thế rồi gia đình tôi đột ngột theo cô Hai tôi dời về thị xã La Gì, Bình Tuy, quê cũ của họ hàng phía nội tôi. Lúc đó tôi đang học đệ thất trường Phan Bội Châu, Phan Thiết, sắp lên đệ lục, mà phải bỏ trường bỏ lớp thì thật là nản!
Hai năm sau Bình Tuy mới có lớp đệ thất đầu tiên của một trường đạo. Tôi xin mẹ cho tôi học lại. Mẹ tôi đồng ý. Cũng lạ, tôi hết học chùa bây giờ đến học nhà thờ. Tôi học không dở, liên tiếp nhất lớp, tôi viết thư cho cậu, cậu khuyến khích ráng học. Năm đệ lục, tôi tình cờ gặp cuốn "Kim chỉ nam cho học sinh" của ông Nguyễn Hiến Lê, tôi áp dụng ngay vì thấy cách chỉ dẫn của ông cũng giống cách tôi làm, chỉ khác là ông hệ thống hoá một cách khoa học, làm tôi tự tin hơn. Thấy sức học dư, tôi quyết định nhảy lớp. Tôi viết thư hỏi ý kiến ông Nguyễn Hiến Lê, ông khuyến khích. Tôi thi thí sinh tự do Trung học đệ nhứt cấp, đậu.
Thời đó, thi Trung học đệ nhất cấp mỗi năm hai lần, thi viết và cả vấn đáp tất cả các môn. Tỷ lệ đậu từ năm, mười phần trăm, nên ai đậu được cũng mừng lắm. Tôi viết thư báo tin vui cho cậu và nói muốn vào Sài Gòn học tiếp. Cậu trả lời ngay trên tờ giấy pelure hồng. Đồng ý. Mẹ tôi thấy cậu đồng ý và bà con cũng khuyến khích nên chịu cho tôi đi Sài Gòn "du học". Thế là tôi từ một nhóc nhà quê đã khăn gói vào Sài Gòn. Ở tạm nhà cậu mợ mấy hôm, rồi tôi tìm chổ ở trọ, ăn cơm tháng trong xóm Bàn Cờ. Cậu đưa tôi đến xin cho tôi vào học đệ tam (lớp mười) trường trung học Pétrus Ký, một trường nổi tiếng mà ngày xưa cậu đã học, nhưng không còn chỗ. Tôi có người bạn đang học trường tư, rủ tôi ghi danh. Thấy đủ sức, lại tiếp tục học nhảy, thi Tú Tài I, đậu. Lần này cậu dẫn tôi đến trường Võ Trường Toản xin cho tôi vào học lớp đệ Nhất để thi Tú Tài II, tôi được nhận. Cuối năm được phần thưởng danh dự toàn trường và thi đậu Tú Tài II hạng khá, rồi vào Y khoa.
Tôi nghĩ rằng như vậy là tôi đã cố gắng học giỏi để trả ơn mẹ tôi, cho cậu, cho cô Hai tôi. Tôi không sợ học nhiều sẽ điên như cậu nữa. Học bạ của tôi thời gian đầu, cậu ký, thay mặt cho phụ huynh, nhưng sau đó tôi tự ký lấy mà cậu cũng không cần hỏi, cậu tin ở tôi. Cậu đối với tôi từ tình cậu cháu sang gần như bạn bè. Cậu kể cho tôi nghe về đủ thứ chuyện về cuộc đời cậu, về những mối tình của cậu và những ước mơ của cậu. Tôi cũng đưa cậu vào bệnh viện tâm thần mấy lần, hết Chợ Quán đến Biên Hoà, và có lần tôi tính học ngành Tâm thần để chữa cho cậu, lúc tôi đang học y khoa năm thứ năm, thực tập tại Chợ Quán. Lần đó, thấy cậu chịu một đợt chạy điện, giật đùng đùng như cá quằn quại trên tấm thớt, tôi chịu đựng không nổi, thấy ngành này có vẻ "dã man" quá nên thôi.
Cậu có nhiều bài thơ hay. Bài thơ về bà rất cảm động:
"Má ơi con má điên rồi
Má còn trông đứng trông ngồi mà chi…"
Rồi trên bàn thờ ông, tôi lại thấy hai câu đối của cậu:
"Mắt mở đã thấy xiềng nô lệ
Hồn đi còn mơ gió tự do"
Ngày giỗ nào của ông bà, cậu cũng cúng bánh hỏi. Cậu nói, ông thích món bánh hỏi thịt quay. Còn nhớ năm 1960, cậu mợ về Hàm Tân làm mộ cho ông bà, tôi cùng cậu mợ và vài người bà con đi bộ từ La Gi lên Hàm Tân dọc theo biển, con đường ngày nhỏ tôi vẫn thường đi lại, dài trên mười lăm cây số. Biển mênh mông, rừng dương vi vút. Đến Nước Nhỉ, cậu dừng chân nghỉ và nằm lim dim trên đóng cát gạch vụn, dưới bóng mát của các bụi dứa gai um tùm nhìn lên trời mây… Một lúc cậu gọi tôi đến và đọc cho tôi nghe bài thơ cậu vừa làm. Tôi còn nhớ mấy câu:
Nằm đây mà ngó lên trời
Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa
Nằm đây mà nhớ mơ hồ
Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu…
Thì ra cậu nhớ mấy người bạn cũ, đã cùng nhau xây cái giếng Nguồn Chung này cho khách bộ hành qua đường nghỉ ngơi uống nước ngọt nhỉ từ động cát ra, giữa trưa nắng gắt trên đường dọc biển mênh mông đầy nắng và gió. Bài thơ còn dài, tôi không nhớ hết, trong đó có câu “Ớt, Trì, Dì, Thảo xe trâu…". Trì là ba tôi đã mất từ lâu, cậu Dì đã hy sinh, còn chú Thảo bị cọp vồ trong rừng thời kháng chiến chống Pháp. Bây giờ giếng đã không còn, chỉ còn mấy miếng gạch vụn. Từ đó lên đến Ngãnh Tam Tân không còn bao xa. Đến Ngãng, cậu chọn một đồi cao, nhìn về biển, Hòn Bà xa xa, dựa đầu lên động cát và núi Tà Cú, đặt ngôi mộ ông bà và dì Nga ở đó. Cậu dành sẵn một chỗ cho Cậu và một chỗ cho mợ. Rồi cậu đọc cho tôi nghe một bài thơ, tôi còn nhớ hai câu cuối:
Em có ngồi đây mà anh không động đậy
Biển trời này sẽ thỏ thẻ chuyện đời anh
Nay, ngôi mộ hoang vu um tùm cây cối và dứa dại, đã trở nên sầm uất, chắc là ngoài dự kiến của cậu. Cũng dịp đó, tôi chịu trách nhiệm vào Sài Gòn, đi bằng xe lửa để mang mộ bia của ông bà và dì Nga về cho cậu dựng mộ. Tôi đi, mang theo một bức “mật thư” của cậu gửi cho một người con gái ở Sài Gòn, người "em tinh thần" của cậu, người con gái đang có những bài thơ tình sầu đăng trên báo, về sau đã là một nữ sĩ thời danh. Bức thư của cậu dài mấy chục trang pelure trắng, chằng chịt những chữ, ngoằn ngoèo những ghi chú, viết thêm… hình như đã viết trong nhiều ngày tháng. Tất cả những tình cảm sục sôi, yêu thương, hờn giận, uất ức, ngậm ngùi… từ văn chương đến thời sự, từ chuyện chung đến chuyện riêng rải trên từng trang giấy pelure trắng, dầy đặc những chữ đọc không ra do cách viết quốc ngữ đặc biệt của cậu. Tôi đến nhà nhà người đó theo địa chỉ cậu dặn, bấm chuông, hỏi người giữ cổng. Một cô gái có vẻ đài các, kiêu sa bước xuống, nhận thư, cám ơn rồi lẳng lặng đi vào. Tôi nhà quê đứng trân, không dám nhìn, vì sợ bất kính với cậu.
Cậu có những mối "tình tuyệt vọng" lửng lơ mà say đắm, gần như điên, trào ra, túa ra trong cách chăm sóc, trong những bức thư, những bài thơ làm cho người đọc hoảng hồn bỏ chạy. Sau này, khi về Hàm Tân, đi Ngãng, tôi nhớ lần về đó với cậu nên viết bài thơ "Đêm trên biển Lagi", in trong tập "Giữa hoàng hôn xưa" của tôi:
Sóng cuốn từng luồng trăng lại trăng
Đêm Hòn Bà dỗ giấc ai nồng
Phẳng lì bãi cát buồn hiu ngóng
Cao vút hàng dương quạnh quẽ trông
Đá cũ mòn riêu hoài đá Ngãnh
Nguồn xưa cạn nước vẫn Nguồn Chung
Về đâu mái tóc xanh ngày ấy
Câu hỏi ngàn năm có chạnh lòng
(1990)
Cậu có những người "em tinh thần", ai cậu cũng hết lòng thương yêu, giúp đở. Tôi nhớ một trong những người em tinh thần mà cậu thương quý nhất là nữ sĩ Minh Đức HT, một người ở trời Tây thỉnh thoảng về thăm, lúc nào cũng nghe cậu nhắc đến với lòng tự hào. Có lẽ một phần do ảnh hưởng của nữ sĩ khả ái này, cậu đã đặt cho những người “em tinh thần” khác, dòng họ Minh nào là Minh Ph, Minh X, Minh Kh… ai cũng có một chữ Minh ở đằng trước cho dễ nhận ra nhau. Có khi cả các Minh gặp nhau trong một buổi họp mặt chung vui. Có lúc cậu đưa tôi đến thăm Minh này Minh khác, với ai cậu cũng có những bài thơ, bức thư viết trên đủ thứ loại giấy từ tờ pelure trang trọng đến một mảnh giấy gói đồ, tờ lịch, đụng đâu viết đó. Tình cảm cậu đối với mọi người như tràn ngập, như bão lũ, làm cho nhiều người choáng ngợp, sợ hãi.
Mợ tôi biết hết. Biết mà không hề ghen. Mợ biết các mối tình lơ mơ của cậu là tình nghệ sĩ, tình điên vì quá dạt dào, không tràn ra thì chắc bệnh sẽ nặng hơn. Mợ thì khoẻ khoắn, can đảm, chịu khó, chấp nhận yêu thương một người tài hoa mà khùng khùng điên điên như cậu, chịu hết trận này đến trận khác, đưa cậu đi hết nhà thương điên này đến nhà thương điên khác, thì mợ xứng đáng cho cậu khen “làm vợ Tú Xương dễ, làm vợ Sào Nam cũng dễ, làm vợ Ngu Í mới thật khó…" Cậu có bài thơ "Kén Vợ" rất tuyệt vời mà tôi không dám viết ra đây, chỉ có mợ tôi là người "thục nữ" dám chấp nhận bài thơ đó (*)
Tôi đến nhà chơi, thỉnh thoảng thấy cậu mợ "choảng" nhau bằng tiếng Tây cho con cháu không biết. Mợ đánh bóng bàn, bơi lội, thích hoạt động xã hội, nhờ đó mà cân bằng với những bốc đồng, văn nghệ, văn gừng của cậu. Cho nên kỷ niệm hai mươi năm, cậu làm bài thơ tặng mợ đã sống hai mươi năm “nước lửa” cùng cậu. Có lúc cậu than "không có người yêu để gọi em” vì cậu chỉ gọi mợ bằng tên thôi. Và mợ cũng chỉ xưng tên với cậu. Chắc là do giao kèo từ đầu giữa hai người. Tôi nể phục mợ tôi và tôi thương cậu. Trong những lúc lên cơn, cậu hay tìm đến tôi, nhiều khi nửa đêm về sáng. Tôi đưa cậu vào nhà, lấy cái gì đó cho cậu ăn và ngồi cho cậu trút hết bao bực dọc chừng vài ba tiếng đồng hồ thì cậu dễ chịu trở lại.
Làm văn, viết báo, cậu có nhiều biệt hiệu. Khi thì Trình Nguiên, để nhớ mối tình đầu với cô Trình ở quê nhà; Tân Fong Hiện do ghép Tam Tân, Phong Điền, Hiệp Nghĩa (là những xã ở huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam bây giờ), nơi quê ngoại của cậu. Rồi Ngê Bá Lí, Trần Hồng Hừng, Kì Gob Jó Cì… Viết sử thì Fạm Hoàn Mĩ. Dạy học thì Nguyễn Hữu Ngư. Nhưng nhà báo Nguiễn Ngu Í thì được nhiều người biết đến nhất. Trong danh thiếp, lúc đã nổi tiếng là một ký giả chuyên phỏng vấn các vấn đề văn học nghệ thuật cho tạp chí Bách Khoa thời đó, cậu ghi: Jáo sư, kí jả kông chuiên ngiệp.
Cuộc đời cậu nhiều truân chuyên, tài hoa nhưng mắc bệnh không thể chữa được. Tuổi lớn, cơn điên lên ngày càng nhặt. Có những đợt cậu nằm Dưỡng trí viện Biên Hoà dài ngày, tưởng đã không qua khỏi. Có lần cậu nằm giữa xa lộ cho xe Mỹ cán, nhưng xe chở thẳng vào Biên Hoà. Có lần trốn viện, bắt đom đóm làm đèn đi trong đêm vì thời điểm giới nghiêm. Câu làm thơ thật nhanh, thật dễ dàng ngay trong lúc lên cơn. Cậu chủ biên tập "Thơ Điên Thứ Thiệt" như để phản đối những người giả điên thời đó. Rồi xuất bản tập "Qê hương" để nói về quê mẹ và nơi chôn nhau cắt rún của mình ở Hàm Tân. Cậu nhờ tôi viết một bài giới thiệu chung, tôi đã viết bài dẫn nhập cho tập Qê Hương với bút hiệu Giang Hồng Vân. Cậu đã có một vài tác phẩm về sử, đặc biệt là về Quang Trung, về Hồ Quý Ly trong thời gian cậu dạy sử ở trung học. Cậu cũng có vài cuốn tiểu thuyết như "Suối Bùn Reo", "Khi người chết có mặt" v.v… Nhưng tác phẩm nổi tiếng của cậu là "Sống và Viết với …", tập hợp các bài phỏng vấn mà ai cũng công nhận là tài hoa với các nhà văn nổi tiếng đương thời. Cậu chuẩn bị ra cuốn “Sống và Vẽ với…" phỏng vấn các hoạ sĩ, và "Sống và Đàn với…" phỏng vấn các nhạc sĩ. Tiếc thay ý nguyện chưa tròn. Tập thơ tội nghiệp nhất của cậu là tập "Có những bài thơ", do Trí Đăng xuất bản, in xong ruột, chưa có bìa, không hiểu sao. Rồi tập thơ cũng được cậu tặng bạn bè quen biết mà chẳng cần có bìa như vậy.
Thời cuộc đổi thay, cậu thích nghi cuộc sống một cách khó khăn, khác với mợ dễ dàng thích ứng, cậu như ngày càng ngơ ngác hơn, càng điên hơn. Thế rồi một buổi trưa tháng giêng năm Kỷ Mùi (1979), người nhà mợ báo tin cho tôi biết là cậu đang hấp hối. Tôi vội chạy đến nhà cậu ở Bàu Sen, đường Nguyễn Trãi, chạy lên căn gát ọp ẹp, thấy cậu nằm im như chìm trong giấc ngủ sâu. Mợ đi vắng. Chỉ có con trai cậu, Nguiễn Hữu Nguiên. Tôi làm thủ thuật hồi sinh cấp cứu nhưng vô hiệu. Lần này cậu đi thiệt…
Những lần trước tôi đến thăm, tuy cậu có yếu nhưng vẫn nói được chút ít, ăn cam, uống chút sữa. Tôi đọc cho cậu nghe mấy câu thơ của cậu và hỏi cậu có biết thơ của ai không, cậu lắc đầu không nói. Trước đó, hình như cậu biết trước cái chết của mình, cậu đã viết một bức thư như là một di chúc cho mợ. Cậu ước ao được thả trôi trên một chiếc thuyền nhỏ, đục lủng đáy, nhét nút lại, rồi để thuyền trôi lênh đênh trên biển Thái Bình Dương, để cậu được nhìn trời mây nước cho thoả thích, rồi rút nút cho thuyền chìm dần và chết trong bụng cá, cho "Ngư về với Cá". Thế nhưng cậu chết với lửa. Cậu được hoả táng ở An dưỡng địa Phú Lâm và đưa về đặt kề ông bà và dì Nga ở Ngãnh Tam Tân. Tôi nhớ hai câu thơ từ lâu của cậu:
Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi
Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi
Và hình như cuộc đời cậu gói ghém vào hai câu đó. Nào chí trẻ, nào tình xa, nào tro bụi. Chí trẻ chắc không ai hơn cậu, muốn vun gươm, muốn dời núi lấp biển đến nỗi hoá điên; tình xa với bạn bè thân thuộc em cháu, với cả những người tình không quen biết, với quê hương núi Cú hòn Bà, với quê hương Việt Nam, rồi sau đó là tro bụi. Cậu đã làm câu đối cho mình.
Mấy lượt tung lòng, được gì chăng, hay trong ai ghi uất hận!
Đòi phen nâng bút, còn gì chăng, hay trên cát viết ngu ngơ…
Thế nhưng cậu làm được nhiều hơn cậu tưởng, và những người thân, những bạn bè, em cháu, người người quen biết… không ai không quý mến cậu, không ai không thấy được cái tình của cậu đằm thắm, mênh mông, thành thực, sâu lắng. Những ai gần gũi cậu sẽ cảm nhận được cái tình đó, cái tình vượt lên trên cái tình bình thường. Riêng tôi, tôi luôn nhớ cậu và nhớ những ngày còn thơ, cậu đã thay mẹ tôi, dẫn tôi đến trường học, một ngôi trường tiểu học nhỏ bên bờ sông Cà Ty, Phan Thiết. Mới đó mà đã hơn bốn chục năm!
(*) Cậu đọc cho tôi nghe. Tôi được mợ cho phép “công bố” sau khi cậu đã mất 20 năm:
"Ta là người lữ khách không xu
Từ trong bụng mẹ thành thằng ngu
Chí ngốc lỡ làng tan mộng trắng
Ai người thục nữ dám nâng...?
Cậu Tôi, Ông Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư Cậu Tôi, Ông Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư - Sưu Tầm