Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Cái Thời Lãng Mạn
Tác giả:
Sưu Tầm
Thể loại:
Truyện Ngắn
Số chương:
1
Phí download:
1 gạo
Nhóm đọc/download:
0 / 1
Số lần đọc/download: 685 / 2
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Download:
ePub
A4
A5
A6
Xem thông tin ebook
T
ôi về xã Đồng Tiến là do sự rủ rê của một người bạn. Tức là anh Biền. Ngày trước Biền là trưởng ban hành chính của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ra quân năm 1958, năm ấy anh mới hai mươi bốn tuổi. Anh trở về làng phải vật lộn với miếng ăn mất vài năm, năm 1961 được bầu vào đảng ủy xã, năm 1962 làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp toàn xã và là người có học vấn cao nhất trong số cán bộ xã thời bấy giờ.
Các mối quan hệ giữa tôi với anh, giữa tôi với ban thường vụ đảng ủy xã, với gia đình này gia đình kia trong ít ngày "thâm nhập thực tế?" đã được tôi canh cải chút ít để đưa vào một truyện vừa. Là do cái tài mình kém, cái khả năng tưởng tượng khô cằn, cứ phải bám dựa vào một hình mẫu nhất định nên mới sinh ra lắm chuyện rắc rối. Rắc rối ngay với mấy người lãnh đạo của xã nên tôi chỉ còn một cách là im lặng, vì anh em đang giận mình, có thanh minh gì cũng khó lọt vào tai đương sự. Năm tháng qua đi, nhiều việc lớn ập đến, cái giận của ngày nào, cũng đã nguôi ngoai dần, có thể gặp mặt nhau để bình tĩnh nói lại về mọi sự cho hiểu nhau hơn. Nhưng vẫn chưa có cơ hội trở lại. Mãi tới hăm bốn năm sau. Một khoảng thời gian đủ dài để gói trọn một cuộc chiến tranh, nhiều đời người, nhiều buồn vui và bao nhiêu là thay đổi trong các mối quan hệ. Như đã sang hẳn một kiếp khác. Giờ phút đầu tiên đặt chân lên quê hương của một tác phẩm tôi đã nghĩ đúng như thế. Ngày mới đến xã lần đầu tôi đi xe lửa tuyến đường Hà Nội - Yên Bái, tới ga Tiên Kiên bốc xe đạp xuống, rồi cứ thế đạp, xuống dốc, lên dốc lại xuống dốc, trời rất nắng, hai bên là đồi, đồi trọc nhiều hơn nên càng nắng. Lại phải tìm xã, đạp vượt lên cả ba bốn cây lại đạp vèo vèo lộn lại, mà không thấy mệt, đạp xe cả ngày cũng chưa thấy gì là mệt. Còn bây giờ, thôi, chẳng nên nói một chút gì về cái bây giờ của mình vì nó không được vui. Sức khỏe không vui, cuộc sống cũng chưa vui, đọc lại những gì mình đã viết trong bấy nhiêu năm lại càng không được vui cho lắm.
Lần này tôi về xã Đồng Tiến bằng xe hơi, tất nhiên là đi nhờ xe của tỉnh, nhưng một người viết mà đi xe hơi xuống xã vẫn cứ buồn cười thế nào. Xe chạy thẳng vào ủy ban xã, xuống xe còn hỏi: "Bao giờ thì đến Đồng Tiến?". Dọc đường đến xã tôi không nhận ra một chút gì quen thuộc. Mới lạ hết, kể cả khu nhà máy phân lân. Vì một nhà máy đang hoạt động rất khác với một công trường ngổn ngang xộc xệch những đất đá, những lớp rào, những cần cẩu. Mấy người tôi gặp đầu tiên là bí thư đảng ủy xã và chủ nhiệm hợp tác xã. Người ba mươi tuổi, người ba mươi lăm tuổi, một người vốn là cán bộ chăn nuôi trên huyện, một người là kỹ sư nông nghiệp, nhưng trước đó anh đã là bộ đội ở chiến trường. Cũng mới cả. Cũng không thể quen biết. Hăm bốn năm trước họ là những ai nhỉ? Là một lũ trẻ con làm sao mình có thể biết! Tôi không được biết anh em, nhưng anh em thì có biết tôi. Bí thư đảng ủy xã là con rể ông Tuy Kiền mà. Oan gia lại đối đầu, tôi cười với mình nghĩ thế.
- Ông già năm nay đã tám chục chưa? - Tôi hỏi.
- Kém một tuổi tròn tám mươi, nhưng ông bủ tôi còn khỏe. Năm nọ ốm cả tháng đã tưởng chết.
- Ông già còn giận tôi không?
Bí thư xã nhìn tôi bằng cặp mắt rất dài, gương mặt dài, miệng rộng và tươi.
- Hồi xưa thì có giận nhưng gần đây ông bủ lại hay nhắc đã lâu không thấy anh về chơi.
Tôi nói đùa đùa:
- Tôi với anh coi như đã có quen biết nhau từ trước, từ ngày anh về làm rể ông bủ Kiền. Còn ông chủ nhiệm bây giờ có dính líu gì đến ông chủ nhiệm ngày xưa không?
Chủ nhiệm hợp tác xã gầy, cao, da mặt tái sạm, mười hai năm sau chiến tranh vẫn chưa dứt hẳn cơn sốt rét.
- Có chứ, tôi là em rể cái ông chủ nhiệm anh viết trong sách ấy.
Làng xã của mình là thế. Họ hàng rồi mới đến làng nước. Chỉ trỏ vào mặt nhau nói là tôi là ông, là anh này là thằng nọ, rồi trời xui đất khiến thế nào lại là con rể, là cháu rể, là em rể nhà người ta, nghĩ lại mới ngượng. Các cuộc đấu tranh thì qua đi, còn họ hàng làng xã vẫn nguyên đấy, nên làm gì nói gì cũng phải nghĩ lui nghĩ tới chứ không thể vô tư, xổng xểnh như các nơi chạ người. Cơ quan, xí nghiệp là nơi chạ người. Nơi chạ người nói gì cũng được. Không làm ở đây thì làm ở kia, đâu có buộc được mình cả đời.
Lại một ông nào nữa ria mép râu cằm đen đúa một nửa mặt, lững thững từ sân bước lên hè, từ hè vào phòng tiếp khách, không chào hỏi một ai cả, đứng ngay trước mặt tôi, hỏi sõng sượt:
- Thử xem còn nhớ ra nhau không nào?
Là người quen à? Ai thế nhỉ? Vẫn lạ lắm.
Người kia vẫn tiếp tục thách thức:
- Quên hả? Ông quên tôi thật hả?
Nói rồi há mồm cười. Tôi đứng vụt lên, kêu to:
- Ninh em Khang phải không?
Nin bước vòng qua mép bàn, nắm chặt lấy hai cánh tay tôi lay nhè nhẹ, cái cười như chợt cứng lại vì xúc động.
- Đi lâu thế, đã tưởng không bao giờ trở lại nữa. Năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi?
Tôi cười gượng gạo, buồn rầu:
- Đừng hỏi tuổi tôi, còn em, để im mình tính, năm ấy là mười bảy, năm nay bốn mươi mốt phải không?
- Thằng con lớn của tôi năm nay đã mười bảy.
Ninh ngồi kề sát tôi. Tôi cũng tì khuỷu tay lên cánh tay hắn. Hắn cứ nhìn tôi mủm mỉm cười. Râu ria gì mà khiếp. Chốc chốc hắn lại nói nhỏ: "Chóng thế! Chóng thế!" Tôi cũng nói: "Chóng thế! Chóng thế!". Từ lúc này tất cả đối với tôi đã hóa ra quen thuộc, thân thiết. Vì có Ninh ngồi cạnh tôi. Bí thư xã hỏi tôi sẽ làm việc với xã vào buổi nào còn "bố trí thời gian". Làm việc à? Làm việc gì nhỉ? Tôi không có ý định làm việc mà chỉ nhằm trong vài ngày ngắn ngủi tới thăm lại bà con và bạn bè quen thuộc. Tôi trả lời thế nhưng xem chừng cả hai người lãnh đạo của xã đều không muốn tin. Làm sao mà tin ngay được sự vô tư đó, vì tôi đã từng gây rắc rối cho xã một lần rồi. Họ lại hỏi tôi sẽ ăn ở đâu, nghỉ ở đâu. Ninh trả lời liền là tôi sẽ ăn nghỉ tại nhà hắn. Chủ nhiệm nói chúng tôi có nhà tiếp khách, có bếp ăn tập thể, ăn nghỉ tại đó rất tiện. "Chúng tôi sẽ cử người đến làm việc với anh, theo yêu cầu của anh". - "Thì đã bảo tôi không có ý định làm việc. Tôi đi chơi mà". Hai người lãnh đạo lại nhìn nhau. Bí thư xã nói trước: "Hiện nay ở xã đang có mấy chuyện phức tạp...". Chủ nhiệm nói chữa: "Gọi là phức tạp nhưng thật ra cũng không có gì..." Tôi nói: "Trước khi về tỉnh, thể nào tôi cũng xin được gặp các anh một buổi". Hai người lãnh đạo lại nhìn nhau và đồng ý. Ninh ngồi cạnh tôi không nói gì thêm, chỉ mủm mỉm cười. Tại sao hắn lại cười?
Ninh đứng ở sân ủy ban, hỏi tôi: "Anh còn nhớ chỗ này là chỗ nào không?". Một dãy nhà rất dài khoảng mươi gian nhưng chỉ có hai gian mở cửa để làm việc và tiếp khách, còn các gian khác đều khóa ngoài, một dãy nhà ngang cũng khóa. Và cái sân đến là rộng, là sân phơi ngày trước thì phải, lát gạch hẳn hoi nhưng cỏ mọc giữa các vuông gạch đã cao gần đến bụng chân và rất nhiều thanh sắt để ngổn ngang trong đám cỏ. Là nơi nào nhỉ? Cái khu vực nhộn nhịp, vui vẻ của hai chục năm về trước, có phòng truyền thanh của Hiềm, có cái giếng rất trong mỗi tối tôi đến tắm, một lối đi thật đẹp bao ngoài với hàng dừa che rợp một vùng ao, là ở xóm nào nhỉ? Là xóm Đông Chấn, Bái Tỉnh hay Bình Chính?
- Là nó đấy, sân phơi đấy, chỗ anh vừa ngồi là phòng truyền thanh của ông Hiềm đấy.
Tôi bước lướt lên gần như chạy, rẽ đám cỏ đi ngang qua cái sân mênh mông, rồi từ bậc thềm của dãy nhà ngang hoang vắng nhìn ngơ ngác xung quanh, lại cúi đầu đi dọc cái hành lang hôi mốc, tới tận góc sân đầu kia bần thần nhìn ngược lại. Là nó thật sao? Đã xa xôi đến thế ư? Đã hoang phế đến thế này ư?
2.
Tôi vẫn cắm cúi đi trước, đi rất nhanh, như người đã thuộc đường, Ninh phải rảo chân mới theo kịp.
- Không vào nhà bủ Kiền hả? - Ninh hỏi sau lưng tôi.
- Không!
- Đến nhà ông cả tôi chơi một lát. Ông ấy vẫn nhắc anh.
- Thôi, để khi khác.
Một tiếng cười ở phía sau:
- Đến cổng nhà người ta rồi, còn thôi thôi cái gì.
Đúng là quên thật, quên hoàn toàn. Cứ nghĩ cái cổng nhà anh Phúc có hai cây duối hai bên, có những bậc đá đặt xô lệch dễ trượt ngã. Hóa không phải, cảnh trong truyện tôi viết thế, lâu dần lấy cảnh hư thay cho cảnh thật. Nhà không có cổng, không có bậc đá, mảnh sân rất hẹp, nhà ngang vẫn như cũ, nhưng nhà trên hình như có xây lại. Tôi nhận ra ngay vợ anh Phúc, những người đàn bà nhỏ nhắn thường ít thay đổi, nước da vẫn mịn, răng vẫn đen, tóc cũng còn đen.
- Chắc là chị quên tôi rồi? - Tôi hỏi.
Chị nhìn tôi chăm chú:
- Nom mặt thì quen lắm nhưng không nhớ tên.
- Thằng Đa nhà chị năm nay nó hăm mấy?
- Nó sinh năm ta thắng Điện Biên, phải băm mấy chứ. Ông biết nó à?
- Năm tôi đến đây bằng tuổi nó bây giờ. Ba mươi ba phải không?
Thế là chị kêu rộn lên:
- Ông Khải! Nhớ rồi! Dạo trước gầy mà xanh, sao bây giờ to béo thế. Ông Phúc ơi, ông Khải về chơi!
Có tiếng người từ trên nhà hỏi xuống, giọng anh Phúc:
- Ông Khải nào?
Tôi bước lên hè cười cợt:
- Sao bảo lâu lâu vẫn nhắc lại còn hỏi Khải nào.
- Thôi chết! Ông về chơi thật đấy à?
Anh Phúc ngồi bó gối trên giường, mà gầy quá, da mặt trắng bủng, cánh tay bàn tay vừa gầy vừa trắng. Còn mắt chỉ có hai hốc mắt sâu hoắm thôi.
- Tôi hỏng mắt mấy năm nay rồi. Giàu hai con mắt...
- Chắc là ông để muộn quá.
- Bác sĩ trong nhà, muộn thế nào. Thằng Đa đưa tôi lên bệnh viện mắt Hà Nội, chạy chữa một tháng chỉ cứu được một mắt, hai năm sau múc nốt con mắt còn lại. Con người ta tránh được việc chứ không tránh được nghiệp. Với lại, mọi sự đối với tôi tạm gọi cũng là xong.
Là xong chứ, xong đẹp đẽ, chu tất, không thể nói là tạm được. Lần đầu tiên đến cái nhà này, cách đây đã hai chục năm, tôi nghĩ về anh có khác. Năm ấy anh chỉ hơn tôi khoảng vài tuổi mà đã rất chững chạc, chững chạc và đắn đo và thăm dò. Như lấy làm khó hiểu và có phần nào hãi sợ tất cả những gì đang diễn ra xung quanh anh. Gia đình anh vào hợp tác xã nông nghiệp ngay từ đợt đầu, hai đứa em thứ ba và thứ tư lần lượt đi bộ đội (người em thứ hai đi bộ đội từ năm chống Pháp), anh ở trong tổ nuôi cá giống vốn là nghề cũ của làng. Ba đứa em nhỏ ngoài giờ học thì làm ruộng, làm gạch, chăn trâu lấy điểm. Làm ruộng có vụ, những tháng rảnh rỗi vợ anh lại chạy chợ, gặp gì buôn nấy, còn anh vẫn có nghề may, may lối cũ cũng được mà lối mới cũng được. Là một gia đình rất nền nếp, có gia phong, dầu bố mẹ chết sớm, từ năm anh Phúc mới mười bảy tuổi. Nhưng anh luôn luôn giữ một khoảng cách nhất định với mọi cuộc vận động của xã. Cũng tham gia như mọi người nhưng không gắn bó. Là nghĩa vụ chứ không là niềm vui. Tin có ít mà ngờ thì nhiều. Anh cùng một trà tuổi với tôi, là người lao động, người kháng chiến mà cách nhìn nhận thế sự giữa chúng tôi lại còn nhiều khác biệt. Ngày ấy ở xã có chuyện bí thư chi bộ gả chồng cho con gái theo kiểu bán, giá tiền là từng ấy, thuận mua thì đem nhau đi, bất kể cái đứa chồng tiền là thằng nào. Tất cả mọi người đều lấy làm lạ, riêng anh Phúc thì bình luận thản nhiên: "Cái họ nhà ấy tôi biết, xưa nay vẫn coi đồng tiền lớn hơn mả tổ, có lạ là người như thế lại được bầu làm bí thư chi bộ".
Tôi rất mê anh Biền là chủ nhiệm hợp tác xã lúc bấy giờ. Là người có quyền mà không tham là hiếm lắm. Anh Phúc cũng đồng ý như thế nhưng lại bảo: "Lúc này cậu ta đang tham cái lớn hơn nên biết bỏ qua những cái nhỏ". Tôi hỏi: "Cái lớn hơn là cái gì?" Vẫn cái giọng dửng dưng: "Trẻ hám danh, già hám lợi, cái lý là như thế!". "Thế còn ông Tuy Kiền?" Anh Phúc mủm mỉm cười: "Ông này thì hám lợi đứt đuôi rồi, nhưng có đáng là bao, ai chả thế. Có tức là tức cái đứa không làm gì mà lại ăn rất bẫm kia". Khi tôi hỏi anh vì sao nhiều gia đình không dốc hết sức mình vào sản xuất nông nghiệp, lại chạy ngang chạy dọc như một thứ tiểu thương ở nông thôn thì anh đáp: "Không làm thế có mà đói to, anh cứ nhìn mấy thằng em tôi ngồi ăn thì biết". Tôi nói: "Dốc hết sức vào cây lúa tự khắc sẽ đủ ăn. Người trồng lúa không đủ ăn còn ai đủ". Lại cười, cái cười lấp lửng đến là nhiều ý nghĩa: "Cái lý chung là như thế, nhưng trong thực tế chưa hẳn đã là thế" - "Vậy cái thực tế ấy là thế nào?". Anh đắn đo phải một lúc mới trả lời, là do đã tin tôi lắm, đã thân với tôi lắm nên mới trả lời, còn ngồi chỗ khác với người khác dễ gì dám nói. Mà nói làm gì, nói xuôi thì không thể, nói ngược chỉ hại đến thân thôi. Đại để, theo ý anh Phúc, nơi nào ruộng đất có ít, người phải nuôi lại nhiều thì nên để nông dân tự lo lấy miếng ăn của họ. Một nhà người, già trẻ lớn bé, xúm quanh một mảnh ruộng, bóp từng hòn đất, nhổ từ cọng cỏ, mài đến nhẵn bóng mọi góc bờ làm gì mà không đủ ăn. Có mấy thước vườn còn nuôi sống được người huống hồ những mấy sào ruộng! Đất đã ít lại tập thể, lại họp hành, lại đấu tranh, rồi biểu đồ này thống kê nọ, rồi tính rồi toán, cứ rối như canh hẹ, rút lại có cái cốt tử là miếng ruộng thì để nó đứng trơ một mình như con côi con ghẻ. Anh nói: "Cái của ngọc thực vốn bện hơi người, mà phải là hơi người quen chứ không nên là hơi người lạ, mới ra hoa ra quả được. Anh cứ ngẫm mà xem...".
Năm ấy, tôi biết mấy ông xã không thích tôi đi lại quá nhiều với gia đình ông Phúc. Có thể vì nhà ấy đông anh em quá, họ hàng thân sơ của một chi cũng đã chiếm đến góc làng. Lại cũng không phải là những người ngu hoặc quá hiền, việc gì cũng biết, chuyện gì cũng tường, không nói thì thôi, đã nói rất khó bắt bẻ. Lại cũng có thể anh em nhà họ là gia đình kháng chiến, thực hiện các chính sách rất nghiêm chỉnh, nhất là chính sách nghĩa vụ quân sự, đời cha đời ông không làm điều gì phi nhân thất đức, nên họ có quyền chỉ trích, có quyền phản đối, có quyền phát đơn kiện tụng nếu họ muốn mà không một ai dám ngăn trở hoặc đe nẹt. Nên mấy ông làm việc ở xã mới ngại, mới ghét, không muốn một anh nhà văn nhà báo lui tới chơi bời với anh em họ, sợ sinh biến.
Tôi thích lai vãng tới gia đình này chỉ vì một lý do rất đơn giản: Tôi đang mê say người em thứ tư của anh Phúc mới ở bộ đội về, tên là Khang, sẽ là một mẫu người lý tưởng của tôi trong một truyện nào đó, sắp tới. Đã tính thế. Thêm nữa, đến với anh em họ rất vui, những đàn ông là đàn ông, ra vào nguềnh ngoàng, ngồi đâu cũng có người, đứng đâu cũng gặp người, toàn là người thích nói vui nên mình cũng vui lây. Chỉ nói vui thôi chứ không nói xấu một ai, châm chọc một ai, hoặc bàn luận việc này việc nọ của xã mà họ không bằng lòng. Tôi biết là anh em họ không bằng lòng nhiều chuyện nhưng họ chỉ nói nhỏ với nhau thôi, chắc vậy, chứ không để lọt vào tai người ngoài. Chẳng phải vì sợ mà chỉ vì họ không thích thế.
3.
Mấy chục năm sau trở lại, nhà rộng hơn xưa nhiều, mấy đứa em đã có những cơ ngơi riêng, nhưng nhà vẫn chật, vẫn rất là lắm người vì một dãy con trai đã trưởng thành. Rồi hai đứa đi bộ đội mới về. Đứa làm nhà máy đã ở riêng nhưng vợ chồng nó vẫn bế con sang gửi ông bà và xin ăn một bữa cơm trưa. Vẫn là một gia đình rất vui, toàn nói những chuyện vui. Chả biết ông chủ có được vui không, xem chừng ông bằng lòng với số phận, mà đã bằng lòng là lại tìm ra những cái cớ để vui. Nhìn anh Phúc đi đôi guốc mộc cao, lần theo vách nhà bước xuống hiên, rồi từ hiên víu lấy cái má cột thả dò dẫm từng chân xuống mà sợ. Con cái thì ngồi cả đống, chả thấy có đứa nào chạy ra dắt đỡ. Tôi bảo thằng con thứ hai làm ở nhà máy phân lân: "Xem bố mày đi đâu kia!" Nó cười: "Đừng có mó máy vào người ông ấy mà nghe chửi. Ông không thích có người dắt". Tôi nói: "Lỡ ngã thì chết". Nó vẫn cười: "Có mình ngã chứ bố cháu làm sao mà ngã". Mù mà vẫn sạch, chỉ có rửa mặt với chân tay trước lúc ăn cũng phải kỳ cọ cả giờ. Gia đình và tôi ăn cơm ở bàn, còn ông chủ xin phép được ăn riêng, một bát cơm đã có sẵn thức ăn, một đôi đũa bày trên cái khay nhỏ do bà vợ bưng lên để bên cạnh. Ông chủ ngồi co chân một góc giường, bát cơm đặt hờ trên gối, cúi đầu và thong thả từng miếng nhỏ, cái đầu như rất nhẹ, cả thân người vừa bé vừa nhẹ, dầu đã cạn rồi, chỉ còn cháy bằng cái tàn than ở đầu ngọn bấc thôi. Quay lại với mấy đứa con anh Phúc ngồi hầu cơm ông nhà báo, bạn cố tri của gia đình, mà buồn cho mình quá. Vì cái cháy lên của tôi trong trò chuyện với chúng nó đã khó nhọc lắm, cháy lên để tỏ ra mình chưa lụi, chưa thể lụi, kỳ thực cũng đã bắt đầu cháy bằng cái tàn bấc rồi. Cả ba thằng đều cao lớn, đẹp đẽ, lại râu cằm, lại ria mép, cái nhìn từng trải, cách nói lịch thiệp, khôn ngoan hơn các chú nó ngày xưa nhiều, mới biết thời thế đã đổi thay, một đời người là ngắn ngủi. Đã ngắn lại còn những mơ mộng hão huyền, những tham vọng vớ vẩn, những việc làm vô ích và buồn cười nên lại càng ngắn. Lúc khôn ra, tỉnh ra, hiểu ra thì già mất rồi, làm lại không được, nên buồn, buồn và giận, giận mình là chính chứ không dám giận đời, đời vốn nó là thế, mãi mãi là thế, mình muốn cưỡng lại nên mới sinh ra nhiều sự hồ đồ, sinh ra ân hận, sinh ra buồn bực lúc tuổi già. Cái tuổi bắt đầu già...
Năm còn trẻ tôi nhìn các ông già như một đẳng cấp xa lạ, nể sợ và tò mò vì mình không thể biết, đã già bao giờ mà biết! Bây giờ tôi đã được đứng trong cái đẳng cấp cao quý đó rồi, nhìn lại bọn trẻ cũng vẫn nể sợ và tò mò dầu mình đã có nhiều năm là chính họ. Nhưng cái thời mình khác, cái thời họ khác, nghĩ ngợi và hành động không còn giống nhau, tưởng tượng về nhau cũng khó nên rất lạ. Với cái lạ, cái tò mò tôi đã làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với một trong ba đứa con của anh Phúc, cái thằng theo tôi nghĩ là sắc sảo nhất, tự tin nhất, dám nói những điều mà bạn bè nó chưa dám nói. Tên hắn là Định, đứa con trai thứ tư của anh Phúc, năm nay hăm bốn tuổi, mới xuất ngũ năm ngoái, vừa đúng cái khoảng cách một lần đi và một lần về của tôi ở xã Đồng Tiến. Mắt xếch, cái miệng thật lém, da trắng, lại tóc dài, lại một chút ria loáng thoáng; cái áo pun màu xanh đậm, cái quần nhung nâu đã cũ, đi đôi dép Nhật, là một chàng trai của hôm nay, có thể sống rất thoải mái, rất tự nhiên như ở chính nhà mình bất cứ một thành phố lớn nào trong cả nước.
Tôi hỏi:
- Nhà này được chia mỗi vụ bao nhiêu cân thóc?
Định:
- Hơn hai tạ, một ngày công ở đây có sáu lạng rưỡi. Vụ nào được là cân mốt. Nhà này có mười hai miệng ăn, một ngày thổi bốn cân rưỡi gạo. Ăn được khoảng một tháng, còn lại năm tháng phải sống bằng những nguồn thu khác.
- Là những nguồn thu nào?
- Nuôi cá bột như thời chú mới đến đây ấy.
- Cái thời tao mới đến đây mày còn ở các nước Nam Nứ nào, làm sao mà biết?
Định cười, cái cười gống chú Khang nó hết sức:
- Đọc truyện của chú thấy viết lia lịa về cá con, cứ y như người của cái làng này.
Tôi nói trêu:
- Cái anh quẩy đôi thúng sơn vừa đi vừa lắc chả hợp chút nào với bọn mày hôm nay, bẻo lẻo như thằng bán cá con, hai mươi hăm mốt, con này tốt bốn mốt bốn hai...
Định hơi đỏ mặt nhưng vẫn cười cợt:
- Bây giờ văn minh hơn xưa nhiều rồi. Ví như nhà cháu có hai cái máy cô-le, bơm nước vào hút nước ra ao lớn cũng chỉ trong đêm là xong, mờ sáng cho cá vào sọt lót nilon, đặt lên xe máy mỗi bên một sọt, rú ga chạy vù vù tới các mối mua quen đổ cá, chỉ nửa buổi đã phấp phới lượn xe về. Cũng không phải đếm nữa, mà là cân, cân khô, con nào chết bỏ, làm ăn như thế chứ.
- Một vụ cá nhà mày được bao nhiêu tiền?
- Khoảng vài trăm ngàn.
Tôi kêu khẽ: "a", rồi lại hỏi:
- Còn nguồn nào nữa?
- Bán rau giống, su hào, bắp cải, cà chua, hành, tỏi... Nhưng phải đi xa một chút, ngược tàu lên tận Yên Bái, Phố Lu.
- Một vụ rau có được khá không?
- Như vụ vừa rồi, anh em cháu thu hai trăm ngàn.
Tôi lại kêu nhỏ: "a".
- Còn gì nữa?
- Nuôi lợn.
- Nuôi lợn thì vất vả đấy.
- Chả có gì là vất vả. Nhà cháu toàn bắt lợn từ bảy chục cân về nuôi, có lúc bắt hẳn một con tạ rưỡi. Vỗ thế nhanh, mỗi ngày lên một cân thịt. Gọi là "nuôi phục", khi hợp tác xã cần lúa đổi lấy thịt là mình có ngay. Hiện nay trong chuồng cũng có một con gần hai tạ.
- Lỡ đang nuôi nó chết thì sao? Lỗ to!
- Lỗ thế nào. ở xóm này có một nhà được mổ lợn. Nửa đêm gà gáy nhìn con lợn kém vẻ tươi là gọi ông ta đến bắt liền. Lợn ốm nhưng ông ấy vẫn trả giá như lợn khỏe. Gọi là mối quan hệ hữu nghị, giữa người nuôi lợn với người mổ.
Anh Phúc nói thêm:
- Còn là ngân hàng cho vay vốn của bọn chúng nó nữa đấy.
Tôi giương mắt nhìn Định:
- Là thế nào?
Định lại cười:
- Là bất cứ lúc nào mình cần tiền mặt cứ đến ông ta mà lấy. Lãi suất rất nhẹ.
- Có thể vay được bao nhiêu?
- Trăm ngàn, hai trăm ngàn, tùy người.
Tôi lại "ồ" rồi quay sang hỏi anh Phúc:
- Mức sống bà con bây giờ so với năm nọ có khá hơn không?
- Hơn nhiều chứ, như nhà này cũng hơn, hơn gấp cả chục lần.
Tôi lại "a". Và lại hỏi:
- Đã có tủ lạnh chưa? Có ti vi chưa? Là hỏi khiêu khích chơi chứ cái vùng bán sơn địa này làm gì đã có điện để dùng những thứ sang trọng đó.
Định hỏi lại, rất thản nhiên:
- Chú đã đến thăm nhà ông Biền rồi chứ gì, cái ông chủ nhiệm gương mẫu trong "Tầm nhìn xa" ấy?
- Chưa, nhưng mà sao?
Anh Phúc gắt:
- Mình biết việc nhà mình thôi, nói nhà người khác làm gì.
- Nói tốt thôi, nói về sự hơn hẳn của hôm nay so với hôm qua. Cháu chắc nhà chú ở thành phố Hồ Chí Minh không thể bằng nhà ông Biền ở xã Đồng Tiến được. Cái vỏ ngoài là phải thua đứt rồi, cái ruột trong cũng thua. Nhà chú có tủ gương lớn gỗ lát không? Có tủ ly chén gỗ lát không? Có giường nằm và sa lông đóng kiểu mới cũng bằng gỗ lát không? Nhìn vào trong nhà cứ vàng chóe. Rồi rađiô cát sét, rồi ti vi màu của Nhật. Không có điện hả, cái bình ắc qui dùng để làm gì nhỉ? Một tuần xạc điện một lần, ở thị trấn có đến mấy cửa hàng xạc điện.
Tôi lại "a" nhưng đã tư lự. Rồi tôi lại hỏi:
- Nhà bí thư xã thì sao?
- Cháu không biết.
- Nhà chủ nhiệm hợp tác xã thế nào?
- Cũng chưa đến bao giờ.
- Mày là đảng viên chưa?
- Chưa, nhưng cháu xin làm dân thường thôi, người dân lương thiện và làm tròn mọi nghĩa vụ.
- Có định đi đâu nữa không?
- Không.
- Có đang phấn đấu cho một mục tiêu nào không?
- Có chứ, làm giàu, đã giàu muốn gì cũng được mà không ai dám khinh.
- Mày có thích đọc sách văn học không?
- Có, nhưng là sách tình báo thôi. Bữa nào ra chú nhớ mua giùm cháu một ít sách tình báo... sách dịch, chú nhá, cháu sẽ xin gửi lại tiền chú theo giá mua chứ không theo giá bìa.
- Mày cũng biết nhiều nhỉ. Cho mình hỏi một câu cuối cùng: Mày có nhận xét gì về công việc của xã không? Có thắc mắc gì không? Xưa kia chú Khang mày ở bộ đội về là tìm hiểu ngay tình hình của xã.
Lại cười:
- Chú ấy là nhà cách mạng, muốn cải tạo, muốn thay đổi nhiều thứ lắm, nhưng là hồi xưa thôi, cháu nghe nói lại thế. Còn bây giờ hai chú cháu rất thông cảm nhau, chú ấy cũng đang quyết tâm làm giàu mà.
Tôi hơi cau mặt:
- Người già có quyền đứng ngoài cuộc một chút, nhưng bọn trẻ chúng mày chả lẽ lại thích đứng ngoài?
Nó vẫn cười:
- Muốn nhảy vào cuộc là phải đấu đá nhau, để giành chỗ. Cái chung chả biết có tốt hơn không, chứ riêng mình chắc chắn sẽ nhơ nhớp hơn trước.
4.
Tôi nắm lấy tay Khang mà nước mắt muốn ứa ra. Thời gian chả ủng hộ chúng tôi một tí nào. Chỉ phá phách thôi. Vòng tóc mềm mại đen mướt năm nào đã rụng sạch, chỉ còn lại cái trán rất hói khô nhăn. Mắt vẫn còn lấp lánh cái màu nâu nhạt nhưng đã có túi rồi, đuôi mép cũng chảy rồi, hàm răng còn nguyên nhưng như dài ra vì chân lợi đã co lại. Một ông bủ năm chục tuổi, xấp xỉ với tuổi bủ Sen, bủ Kiền năm tôi mới tới đây. Cũng năm gian nhà ngói, sân gạch, bể nước, giường nằm gỗ lát, salon gỗ lát, đồng hồ treo tường, còn khang trang hơn cả nhà anh Phúc. Và một bầy con, đứng làm hai lớp bịt kín lối xuống nhà ngang để nhìn một ông khách rất lạ đến chơi với bố. Thằng lớn nhất khoảng mười bảy, mười tám tuổi đang cày vỡ mảnh vườn trước nhà cũng bỏ bò đấy chạy nhảo vào đứng cùng với các em, chốc chốc lại đưa mắt nhìn trộm tôi rồi lại nhìn nghiêng đi cười ngượng nghịu. Khang nói:
- Chúng nó biết bác đến từ tối qua. Phải nửa đêm mới về nhà chú Ninh, phải không?
- Tối được một lúc là về. Định sang anh ngay nhưng thấy nhà đã tắt đèn.
- Nhà tôi ngủ sớm, sớm dậy còn làm hàng.
- Làm hàng gì?
- Bánh rán. Dạo này mỡ đắt, đường đắt, đang định thôi.
- Nhà nhiều người, không làm thì ngồi chơi không à?
- Ờ, cũng nghĩ thế nên vẫn phải làm.
Tôi quay người ngắm nhìn bức tranh sống về một gia đình đông vui, những sáu đứa, nhỉnh hơn nhau một chỏm đầu, đám con trai cởi trần trùng trục, hai đứa con gái một lớn một nhỏ ăn mặc cũng lôi thôi. ở làng quê, làm nhà sắm đồ là quan trọng nhất, cho bằng anh bằng em, rồi mới đến ăn, sau ăn mới đến mặc.
- Chắc anh đã biết chuyện chúng tôi rồi chứ gì. Năm đứa là con của cô trước, thằng út là con của cô sau. Tôi đã nghĩ là phải chết trước vợ, mấy năm ấy tôi yếu lắm, toàn thổ huyết thôi, bảo là giãn phế quản. Nào ngờ lại góa vợ để rồi lại lấy thêm một đời vợ nữa.
Nhân vật Khang của tôi vừa kết thúc mọi sự phiêu lưu vặt vãnh trong địa hạt văn chương thì cuộc phiêu lưu thật sự trong đời sống mới bắt đầu. Mà những thử thách của cuộc sống mỗi ngày chả có văn chương nào tả nổi. Anh không ở lại xã mà cũng chẳng đi nông trường như tôi đã dự đoán một cách lãng mạn. Anh lấy vợ ngay năm sau đó rồi lên làm trên công an huyện. Làm cán bộ nhà nước vẫn nhẹ mình hơn làm anh cán bộ xã, có lương, có gạo, lại vẫn gần nhà. Tính như thế cũng được nhưng phải đẻ ít, hai con là vừa đủ. Vì cô vợ làm người của tập thể thì giỏi, làm người của gia đình lại vụng. Không biết xoay xở cho riêng mình là vụng. Đã vụng lại mắn đẻ, đẻ sòn sòn. Đẻ đứa con đầu, tức là cái thằng đang cày, thiếu sữa, phải nuôi con bằng sữa bò. Khổ rồi! Đến đứa thứ tư thì không còn gì để nuôi nhau nữa, khánh kiệt. Cứ mua mì thanh của anh em công nhân nhà máy về nấu với lá bánh tẻ rau khoai, chồng một bát loa, vợ một bát loa, ba đứa con ba bát nhỏ. Đẻ đến đứa thứ năm thì Khang mắc bệnh giãn phế quản, mỗi lần ho ra cả chén máu, đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Vợ ở nhà cứ lầm lũi nuôi một bầy con, mỗi năm một túng thiếu hơn và không có tí chút hy vọng nào vào tương lai. Tương lai là bà góa. Bà góa trẻ với năm đứa con thơ, lại túng thiếu, lại không thể ngửa tay xin anh xin em mãi. Lúc lấy nhau như long như phụng, đẹp đôi đến trời phải ghen, bạn phải tị. Mà hóa ra...
Tôi hỏi:
- Bệnh tình của chị ấy thế nào mà bệnh viện phải bó tay?
Một chuyện đã xảy ra từ năm sáu năm về trước, đã lấy vợ khác, đã có một đứa con thêm mà vẫn ngắc ngứ rất lâu mới nói được, cứ nhìn tránh đi mà nói, vì tôi biết cô ấy, biết lúc họ khủng khỉnh với nhau rồi lại làm lành với nhau, biết lúc họ không nói gì đến cái ăn cái mặc, đến vật chất mà chỉ khắc khoải về tình yêu, về lý tưởng, về chỗ đứng của mình trong xã hội.
- Chả có bệnh gì cả, Khang nói. Cái bữa đó là vào buổi chiều, cô ấy đi lấy phân trâu về đến nhà cứ kêu rát vai. Tôi nhìn vai thấy có một vòng đỏ, như cái mụn, nhỏ thôi. Tôi nói: "Chắc là cái nhọt, đừng để đòn gánh tì lên nó toét ra". Cô ấy ngồi ở thềm hè, lấy nón quạt, định rửa ráy qua loa rồi mới cho con bú. Rồi cứ thấy quài tay lên bóp nặn gì đó cái đầu mụn. Tôi ngồi trong nhà đã bảo tay đang có phân trâu đừng có sờ mó vào mà khốn. Lại còn cãi: "Vẽ, người làm ruộng lăn lộn với phân gio từ sáng đến tối, vệ sinh như dân tỉnh có mà đói dài". Rồi lại tiếp tục xoa xoa nắn nắn. Tôi cũng chả để ý nữa. Hai ba ngày sau vẫn đi làm. Tôi đang nghỉ ở nhà nhưng người yếu chả giúp được gì, chỉ thổi nồi cơm, nồi canh, tắm rửa cho lũ trẻ là đã thở dốc. Rồi cô ấy sốt, cho uống thuốc cảm, đánh gió nhưng không đỡ. Qua một đêm thì đã mê rồi, người nóng như than hồng, co giật từng cơn. Tôi nói có sai đâu, tay dính phân trâu, lại bóp nặn vết loét là khổ. Đến trưa đưa lên bệnh viện huyện, truyền huyết thanh. Tối hôm đó cô ấy tỉnh lại, trò chuyện được với nhau cả giờ. Đã mừng, nghĩ là thoát. Nào ngờ nửa đêm lên một cơn co giật nữa rồi đi hẳn. Cứ như trong chiêm bao. Chôn vợ rồi mà chiều chiều vẫn nhìn ra cổng, ngóng vợ về. Nhỡ cô ấy về thật thì sao? Nghĩ thế. Hoặc là tôi mê. Chính là tôi đang hôn mê, tôi đã chết rồi chứ không phải vợ. Vợ tôi khỏe thế chết sao được. Bữa cơm đơm một bát đặt lên bàn thờ, vẫn xới một bát để ở góc mâm. Không thể quen được chỉ xới cơm cho con mà không có vợ. Vợ không ăn ở nhà thì ăn ở đâu, vẫn ngồi ở góc đó và bao giờ tôi cũng dành cái chỗ quen thuộc ngồi xới cơm mỗi lần ăn cơm nhà. Rồi khóc, đêm khóc, ngày khóc, hễ ai tới thăm hỏi lại khóc. Như đàn bà anh ạ. Có lâm vào cảnh ngộ của tôi mới biết thế nào là cái khổ của thằng đàn ông nửa đời chôn vợ. Năm đứa con, đứa lớn mười hai, đứa nhỏ một tuổi, tôi lại đau ốm, lại không còn gì để ăn, không còn gì để bán, anh em kiến giả nhất phận, nhờ vả mãi thế nào được.
Vợ Khang mất cuối tháng tám ta, tháng chín tháng mười anh vừa nuôi con vừa khóc vợ, đầu óc u ám những ý nghĩ đen tối. Tháng một, anh vay thằng Ninh bốn chục cân thóc, cũng là vay liều rồi chèo thuyền ra bãi giữa tra lúa trên một rẻo đất pha cát, cứ mỗi hốc là năm hạt. Tại sao anh làm thế? Chính anh cũng không hiểu. Bởi đã cùng đường nên phải làm, làm cầu may, làm còn hơn không làm, là nghe có người nói chơi nói bời ở đâu đó rằng tra lúa ở bãi giữa nếu được ăn là ăn gấp mấy lần. Rẻo đất ngoài đó vốn vô chủ, của tập thể không, của cá nhân không, là đất của những người đã tuyệt vọng. Tháng một mực nước thấp nhất thì tra hạt. Đầu tháng ba là phải gặt rồi. Giữa tháng ba, sau Hội Tổ có mưa lớn rửa đền, các rẻo đất đó lại chìm sâu dưới nước. Vụ đó anh được, làm cầu may mà được, được lớn, chỉ mất có bốn chục cân thóc mà thu về một tấn lúa, nhẹ nhàng như chơi. Ngày giỗ đầu anh làm rất to, mời những mười mấy mâm. Bưng mâm cơm cúng lên bàn thờ vợ, thắp mấy nén nhang, chẳng kịp khấn khứa gì cứ đứng xuôi tay mà khóc, khóc cho vợ, khóc cho mình. Phải đến lúc đó anh mới thấy hết cái ranh giới phân chia giữa tuổi trẻ với tuổi già, giữa cái thời sống cho mình, cho xã hội với bao nhiêu là mơ mộng giả thật với cái thời chỉ còn biết sống cho con cái, một lũ con, ngoài ra không còn hy vọng nào khác, niềm vui nào khác.
Nhìn một góc sân thấy úp lổng chổng ba bốn cái nồi to, là nồi đun nước tráng bánh, một loạt giàn phên đã đưa ra xếp gần kín một nửa sân.
Tôi hỏi:
- Đã làm bánh rán lại làm cả bánh đa nữa à?
- Làm mỗi thứ một tí mới đủ ăn đủ tiêu ông ạ. Cái này là làm miến, làm miến lãi hơn.
Nhà đông người làm miến là tính toán sát nhất. Người tráng, người phơi, người cắt, đứa nào có việc của đứa ấy, như một đội quân. Ngay đứa con gái út của bà trước bế thằng con đầu của bà sau, cũng tay bế em tay giặt giặt những sợi miến vừa cắt cho nó rời ra, tơi ra, trên các giàn phơi. Và ông bố mới sáng đã cởi trần, đầu hói, bụng vú nhăn nhúm vừa ngồi nói chuyện với tôi chốc chốc lại nhìn ra sân hò hét con cái. Anh Khang của ngày hôm xưa đấy! Hôm xưa chúng tôi nói chuyện đạo, bữa nay gặp lại toàn nói chuyện đời, một đời người đến là trầm luân, khổ ải, nhưng không thể chết được, vì cái gan góc của con người ta cũng không cùng. Có điều, được cái gan góc thì mất cái mộng mơ, được cái trải đời lại hóa ra lì lợm. Khôn lên tức là ít tin đi. Vẫn là mất. Mất to.
5.
Tôi cũng phải kể lại một chút về ông Tuy Kiền hay bủ Kiền cho trọn vẹn một chuyến trở về cái nơi đã từng đến. Tôi đến thăm nhà ông lần thứ nhất chỉ gặp bà bủ và một đám con cháu, chả rõ con dâu hay con gái, con trai hay cháu nội. Người con trai lớn của ông bủ chỉ kém tôi có dăm sáu tuổi, con của anh đã đi bộ đội về, trạc tuổi thằng Định, ông bủ năm nay đã bảy chín rồi mà. Tôi bước vào cổng nhà ông vừa mừng vừa ngại, rất mong được gặp ông, lại vẫn khấn thầm ông đã đi đâu đó không có nhà. Viết về người ta như thế gặp lại cũng ngượng. ờ, thì anh là nhà văn nhà báo của Đảng của Chính phủ, khen ai chả được, chê ai chả được, quyền của anh mà, chúng tôi thấp cổ bé miệng, thân phận con ong cái kiến làm sao dám cãi. Nghĩ thế là ngượng. Ngượng với mình, ngượng với người, có những trang viết thời này là đúng, thời khác chưa hẳn đã đúng, khen nhau trên báo trên đài là hay, là tốt, đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi xa gần lại thấy chưa phải đã tốt đã hay. Viết sao thì viết, cho thuận lòng mình cho thuận lòng người, lúc gác bút nghĩ lại một đời viết không đến nỗi xấu hổ. Tôi đi với Ninh, không tự giới thiệu là ai, như là một cán bộ trên huyện trên tỉnh gì đó đi theo ông trưởng ban kiểm soát (Ninh là trưởng ban kiểm soát của hợp tác xã nông nghiệp) rồi nhân anh ta có việc phải hỏi bủ Kiền nên cũng theo vào. Bà bủ cũng đã già, kém ông lão chừng dăm sáu tuổi, nhưng đi lại còn nhanh nhẹn, tóc chưa bạc, răng chưa rụng, nhìn tôi một thoáng, không hỏi han gì, chỉ bảo Ninh:
- Ông lão đi đâu từ sớm, anh có việc gì hỏi?
Ninh nhìn tôi, miệng hắn như hơi cười trong hàm râu đen nhánh:
- À, vẫn cái chuyện gỗ lạt ấy mà. Nếu ông bủ định mua thì phải báo trước để cháu còn nhắn.
Bà lão rót nước mời, mắt vẫn nhìn tôi không ra quen không ra lạ.
- Ông ấy muốn đóng bộ bàn ghế theo kiểu bây giờ, nay nhắc mai nhắc sốt cả ruột, đi cả ngày có lúc nào ở nhà mà ngồi ghế.
Ninh lại nhìn tôi cười, cười về cái gì tôi không rõ.
- Nhà người ta có mà nhà ông bủ chưa có là ông chưa chịu. Người già nhưng tính trẻ là thế.
Một thanh niên khoảng ba mươi tuổi, người mập lùn, trán ngắn, mắt nhỏ, có ria mép bước lên hè lừ lừ nhìn tôi, rồi hỏi Ninh:
- Anh phải bàn với nhà máy thế nào, mấy bữa nay họ xả khói khiếp quá, sặc sụa mùi lưu huỳnh. Cá đến chết hết vì khói thải thôi.
- Ờ, thì vẫn nói, nói hàng ngày.
- Còn cái vụ mua bán phân lân kín hở ra sao cũng phải cho xã viên chúng tôi được biết chứ.
Ninh lại quay sang cười với tôi, nói tỉnh khô:
- Cái đó mày phải hỏi ông anh rể của mày, tao làm sao có ý kiến!
Chúng tôi ra về, tôi lúng túng chào bà bủ và anh con trai có cái nhìn lừ lừ nhưng không ai chào lại tôi cả. Tức là có biết, biết hết và còn giận lắm. Vì một bài báo mà cả gia đình người ta hóa thành trò lạ để thiên hạ dòm dỏ, đàm tiếu không giận sao được. Lần thứ hai tôi đến một mình, định bụng phải gặp mặt ông bủ một lần để hai ông con có dịp trò chuyện với nhau thật thẳng thắn. Vẫn không gặp, ông lão đi chăn bò. Hỏi chăn chỗ nào, cái anh có cặp mắt lừ lừ bảo không biết. Trả lời mà không thèm nhìn mặt người hỏi là đã tỏ thái độ rồi. Chừng như anh chàng này là cậu út năm nào, đã lên bảy lên tám vẫn còn nằm ườn trên giường mỗi sáng để bà mẹ đeo đôi khuyên vàng lủng lẳng bưng bát xôi đến dỗ ăn thì phải?
Lần thứ ba thì tôi gặp ông bủ thật, gặp rất tình cờ ngay ở lối vào trụ sở ủy ban. Ông lão vốn đã gầy nhỏ nay càng gầy nhỏ hơn, như đứa trẻ, mặc cái áo xanh cộc tay, cái quần nâu lửng đang đứng trông bò. Ông đội nón lại còn quay nghiêng mặt đi khi thoáng thấy tôi bước tới nhưng tôi vẫn nhận ra, tôi nhận ra ông từ xa kia, vì cái dáng vẻ của ông dầu chỉ nhìn cái lưng cũng vẫn khác người.
- Chào bủ ạ, bủ còn nhớ em không?
Ông già bỏ nón, quay lại nhìn tôi, miệng như cười, cặp mắt nhỏ tí nhấp nháy.
- Không dám, ông mới về công tác?
- Thế bủ còn nhớ tên em không?
- Không biết, mới đến lần đầu làm sao mà biết.
- Lần đầu thế nào! Lần đầu là cái năm bủ bằng tuổi em bây giờ.
- Thế hả, là ai thế!
Tôi bỏ mũ cầm tay, nhìn vào tận mặt ông lão, cười nhỏ:
- Bủ không muốn nhận em chứ gì? Vẫn còn giận em lắm phải không?
Ông già không cười nữa, cặp mắt tinh khôn nhìn tôi chăm chú, định nói gì đó nhưng lại thôi. Tôi lấy bao thuốc Du lịch mời ông. Ông cầm điếu thuốc, nói khẽ:
- Dạo này lại hút thuốc có đầu lọc kia à?
Tôi bắt ngay lấy câu nói thân thiết ấy hỏi lại liền:
- Tức là bủ biết em có một dạo chỉ hút thuốc cuốn tay thôi, đúng thế không?
Ông lão lại nín lặng, nhìn xuống điếu thuốc vẫn cầm ở tay.
- Tối nay em đến thăm bủ nhá?
- Tối nay tôi bận.
- Mai nhé?
- Mai tôi đi ăn giỗ, đi cả ngày.
- Cho em đi theo với.
- Người ta không mời mà mình cũng đến hử?
Rồi ông lại nhìn tôi, vẫn cái nhìn rất chăm chú nhưng nín lặng. Tôi chẳng còn gì để nói thêm, lúng búng vài lời nửa như chào nửa như xin lỗi rồi bước vội đi.
Bữa ra về, tôi có đến gặp bí thư đảng ủy xã và chủ nhiệm hợp tác xã, có cả Ninh là trưởng ban kiểm soát cùng ngồi đó. Tôi ngỏ lời cảm ơn xã đã cho phép tôi trở lại vùng đất cũ, để thăm hỏi bà con và bạn bè của một thời viết và một thời còn rất trẻ. Trở lại với những kỷ niệm tức là trở lại với những gì đã vĩnh viễn mất nên bao giờ cũng buồn dẫu sự đời chẳng có gì đáng để phải buồn. Nếu nay mai viết một cái gì đó buồn buồn mong các anh cũng hiểu cho cái tâm lý ấy mà thứ lỗi cho. Bí thư xã đưa mắt nhìn chủ nhiệm hợp tác xã, hơi mỉm cười, rồi nói với tôi:
- Ông bủ Kiền có nhắn tôi gửi lời tạ lỗi với anh. Ông không giận anh đâu, có gì mà phải giận, nhưng ông không dám mời anh lại chơi nhà là sợ trẻ con nó nghĩ cạn dễ nói hỗn.
Cái Thời Lãng Mạn
Sưu Tầm
Cái Thời Lãng Mạn - Sưu Tầm
https://isach.info/story.php?story=cai_thoi_lang_man__truyen_ngan