Tác giả: Trần Hoài
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: TRAN HOAI
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: /
Cập nhật: 2024-11-23 22:41:05 +0700
Download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xem thông tin ebook
ức tranh cuối cùng
Sàn nhà rất đẹp. Bằng những viên gạch bông 10x10 cm vuông vức như không hề có sai số, hoa văn gothic xưa cũ kiểu thời gian vàng úa phôi phai. Họa sỹ ngồi xuống và đăm đắm nhìn vào một viên gạch bông như thể đó là cánh cửa dẫn đến một căn phòng nào đấy. Phòng của người con gái khá nổi tiếng Sài Gòn bởi gia thế giàu sang và… xinh đẹp, trong ngôi nhà này. Họa sỹ, anh dường như bật khỏi mọi thứ. Mối liên hệ duy nhất với đời sống ngoài kia dường như chỉ còn giấc ngủ không hề mộng mị. Nhưng trước đó anh thức triền miên trong rất nhiều ngày bên màu, toan, giá vẽ và tranh nham nhở. Cứ thức chong chong giữa căn phòng bề bộn bên bờ con sông quanh năm lặng lờ. Sự lặng lờ của nó nhiều khi làm anh muốn phát điên lên và có một đêm trăng thu, không chịu nổi, hoạ sỹ phóng mình xuống mặt sông phẳng lỳ lặng lờ trôi như thế đã hàng ngàn năm nay.
“Ùm”. “Ùm”! Hình như có ai đó cũng nhảy vào sông, theo mình? Nhưng họa sỹ nhận ra nước sông rất lạnh, thấm đến tận cùng não anh. Anh nhắm mắt chìm đến tận đáy sông có nhiều bùn rồi ngoi lên, nằm ngửa trên mặt nước lặng lờ trôi về Cồn Hến. Ước chi cứ nằm ri ngủ được một giấc mà có mơ. Mơ thật dài một câu chuyện nào đó. Mơ buồn, mơ sợ hay mơ đau khổ chi cũng được, mình ok hết. Lâu lắm rồi mình không hề mơ chi cả. Là toàn những giấc ngủ dài, say và ngon nhưng không có mơ kể từ hôm đó. Giấc mơ cũng chính là những tự sự. Đúng hơn là phiên bản của tự sự? Phải không nhỉ? Hoạ sỹ lật sấp người trên mặt sông rồi anh lặn xuống. Dưới đáy sông, bên cạnh đám hàu, hến vẫn còn sống sót vờn trôi, anh nhìn thấy viên gạch bông gothic 10x10cm được ánh trăng chiếu xuyên qua soi rọi rõ ràng, rực rỡ. Nó đã rời ra từ đâu, những bàn chân nào đã dẫm lên nó? Lâu đài hay lăng tẩm nào đã từng chứa nó và câu chuyện nào đã xiêu dạt nó đến đáy sông này? Và mình có nên mang nó về nhà không? Hoạ sỹ vờn tay định nhấc viên gạch bông lên, nhưng không được. Nó dường như dính chặt vào đáy sông. Anh gạt bùn, luồn tay dưới viên gạch nhưng không thấy nó gắn vào bất kỳ chỗ nào cả. Nó rất nặng, anh không nhấc nổi. Mình phải ngoi lên thôi… Mình cần ghi nhớ nơi này để còn trở lại. Hoạ sỹ ngắm hướng lấy cột cờ Ngọ Môn làm một điểm chuẩn, cột phát sóng đài truyền hình làm một điểm chuẩn và trụ cầu Trường Tiền thứ tư làm một điểm chuẩn nữa để căn hệ toạ độ chính xác của viên gạch bông gothic, rất nặng, đang nằm dưới đáy sông này, và rất đẹp. Tự dưng mình nhớ những ngày ở chiến trường Campuchia. Đại đội mình vượt con sông gì đó không biết tên, chỉ biết nó đổ vào biển hồ Tonle Sap. Sông đầy xác người. Đêm rất tối. Từ trên bờ sông lính Pôn-pốt xả đại liên và đạn cối. Mình trúng mảnh đạn vào bả vai và từ từ chìm xuống… Rồi trong làn nước sông lấp loáng ánh hỏa châu mình nhìn thấy Kiên cũng đang từ từ chìm và đã chìm đến đáy sông. Từ vết thương trên lưng Kiên máu loang ra hòa nhanh vào nước sông thành một đám đỏ nâu. Mình sắp rơi vào mê man thì giật thốt tỉnh lại, mình định ngoi lên ngay nhưng nhớ ra còn Kiên. Theo bản năng mình gọi tên nó nên nước ộc vào miệng. Mình luồn tay định nhấc nó lên, nhưng quá nặng. Mình dồn hết sức tàn mà nhấc, nhấc, nhưng dường như Kiên đã dính chặt với đáy sông rồi…
Một đường viền trang trí viên gạch bông gothic cũng màu đỏ nâu như thế trong tòa nhà có đến một trăm cánh cửa bảo tàng mỹ thuật thành phố, khiến ký ức chiến trận ùa về trong tâm trí họa sỹ. Nhưng tại sao viên gạch nặng thế thì anh không hiểu được. Như một bất kiến tri. Mình nghe tiếng đẩy cửa rất nhẹ, một cô gái đi vào. Họa sỹ không ngẩng đầu lên: “Có phải cô là con gái của…?”. “Anh đừng hỏi, ai cũng nhắc đến cha tôi, còn tôi thì… Anh là người thứ bao nhiêu tôi không nhớ nổi, đã hỏi như thế”. “Cô biết tôi hỏi gì không đấy?”. “Biết chứ”. “Là sao?”… “Còn anh có biết Kiên bạn anh vẫn còn sống khi anh ngoi lên mặt sông Tonle Sap không?”.
Họa sỹ đau nhói trong tim. Đầu óc anh chợt tê cứng sau lời nói của cô gái. Đó không phải là một câu hỏi mà là một sự thật. Mình định lặn xuống lần nữa để nhấc Kiên nhưng máu trên bả vai ra nhiều quá. Mình chỉ còn một tay cử động được. Mình cần cố bơi vào bờ để băng bó cầm máu, nếu không mình sẽ chết. Nhưng còn Kiên? Hình như cậu ta chết rồi hay sao, chẳng thấy cử động, cậu ấy cũng máu ra nhiều và đang nằm ở dưới đáy sông. Họa sỹ hít một hơi thật sâu định ngụp xuống lần nữa, thì một khúc gỗ mục trôi đến bên cạnh… Không chần chừ gì nữa, anh ôm lấy nó và chuồi chân đạp thẳng vào bờ. “Đó không phải là sông Tonle Sap, chỉ đổ nước vào Tonle Sap thôi”, anh yếu ớt đính chính. Cô gái cười: “Tonle Sap đấy, thưa họa sỹ”. Nó là một nhánh sông trên đất nước Campuchia đau khổ và huyền diệu, chất đầy trong balo của anh là các bức ký họa than chì. Anh muốn vẽ về Kiên, về cái chết của cậu ấy, trong làn nước sông lạnh đêm nào đó rất xưa xa và dường như không thuộc về ký ức của anh. Hay đúng là anh muốn tạm thời chối bỏ một vài phần ký ức của chính mình, để vẽ. Họa sỹ đã vẽ rất nhiều rồi xóa bỏ rất nhiều. Trong những bức tranh đó mình không nhìn thấy mình, hay đúng là không hề có mình. Cứ như tay ai vẽ, óc ai nghĩ vậy. Sơn dầu đắp lên lớp này đến lớp khác, nhưng không hề hiện lên bất kỳ điều gì và cho ai. Và sao cô gái kỳ lạ trong tòa nhà có một trăm cánh cửa nơi xa xôi này có thể biết được điều sâu thẳm đó nhỉ? “Cô có biết điều gì về tôi và bạn tôi nữa không?”, mình hỏi và mong cô ấy trả lời là “không”. “Còn anh, anh biết gì về tôi?”. “Cô là một truyền thuyết, dân Sài Gòn ai chả biết. Tôi cũng vậy thôi”.
Cô gái gỡ viên gạch bông gothic ở dưới sàn nhà, sát cạnh chỗ cô đứng từ nãy tới giờ, cầm lên bằng hai tay rồi nghiêng nó hướng về phía họa sỹ. Và giống như thần thoại, trên viên gạch ấy những họa tiết gothic biến hóa thành dòng sông thơ mộng, lặng lờ - họa sỹ thấy mình trong đó! Anh đang chạy ra bờ sông, nhảy ùm xuống rồi mặc nước đẩy trôi về Cồn Hến. Mình vẫn còn nhớ vị trí của viên gạch bông nhờ mấy điểm chuẩn đã xác định hôm trước. Những điểm chuẩn đã được lấy và ước lượng khoảng cách theo kiểu lính trinh sát. Giống như đêm ấy anh nhìn qua bên bờ sông Tonle Sap, căng mắt tìm điểm chuẩn mà đại đội trưởng đã quy ước: Một mái tháp Ăng-co cong vút trên nền trời đêm tĩnh lặng. Kiên nói: “Đẹp quá! Nhất định phải vẽ về nó!”. Ừ, phải vẽ chứ, nhưng bây giờ hãy bơi qua đó cái đã! Mình bơi trước, Kiên sát sau. Sắp tới bờ thì bất ngờ từ chính điểm chuẩn ngôi đền Ăng-co đã xác định, lính Pôn-pốt khai hỏa, đạn rơi trên mặt sông như mưa. Toàn bộ đội hình vượt sông của đại đội rơi vào ổ phục kích… Rồi mình tỉnh lại và ngay lập tức nhớ ra Kiên đang còn nằm ở đáy sông. Vết thương trên bả vai mình đã được băng bó cẩn thận từ lúc nào. Họa sỹ nghiêng người và nhận thấy anh đang nằm trên sàn gạch bông, những viên gạch họa tiết gothic đều đặn và cân đối, 10x10cm. “Kiên đâu rồi?”. Không ai trả lời anh cả. Nước mắt anh chảy xuống sàn gạch, chính là sàn của ngôi đền có mái Ăng-co rất đẹp được lấy làm điểm chuẩn vượt sông, cũng chính là nơi không thể ngờ được là lính Pôn-pốt đặt ổ phục kích. “Ba lô của tôi đâu rồi?”. Không ai trả lời mình. Vậy là nó đã nằm dưới đáy sông, cùng với cuốn sổ tay có hàng trăm bức ký họa. Nỗi tiếc nuối hòa cùng cảm giác rất khó chịu, cộng với vết thương đau nhức khiến mình cứ muốn nhắm mắt mà quên đi tất cả. Nhưng không ngủ được, mình trân trân nhìn lên trần ngôi đền Ăng-co vòm cung cũng có những họa tiết diệu vợi mê hồn. Ở trên đó dường như cũng có một dòng sông uốn lượn đang chảy thẳng vào mình.
***
Họa sỹ cứ thức như vậy mãi, không thể ngủ được, cho đến một đêm nằm dài trên bãi cỏ quân y viện ngửa mặt nhìn sông Ngân Hà đang chảy vào mình, thì anh nghe tiếng nước chảy vào bể nước tập thể đằng kia. Tiếng nước nghe quen thuộc quá khiến anh nhỏm dậy, lần đến. Bể đã đầy tràn, nước chảy ra ngoài mát lạnh. Mình nhìn vào đáy bể sâu thẳm như đáy sông Tonle Sap mà Kiên đang nằm dưới đó. Kiên ơi, cậu lạnh không, có thấy balo của mình đâu không? Nếu không có thanh gỗ mục trôi đến… Cái thanh gỗ mục chết tiệt! Thì mình đã lặn xuống lần nữa, xem cậu thế nào. Mà cũng không hẳn thế, lúc đó mình đau quá và kiệt sức thật rồi…
Không dừng được, họa sỹ cởi hết áo quần, nhón chân trèo qua thành bể, đầm mình vào nước. Anh hít một hơi dài, thở hắt ra rồi chìm dần xuống. Khi lưng vừa chạm nền xi-măng đáy bể thì cơn ngủ bất ngờ ập đến khiến mình chìm vào ngay. Sáng hôm sau tỉnh dậy, mình vừa kịp trèo ra khỏi bể trước khi người đầu tiên trong quân y viện đến đánh răng rửa mặt, thắc mắc: “Ông này tắm sớm thế”. Họa sỹ không trả lời, để mặc cho nước chảy ròng ròng trên người mà chạy ra, miệng lẩm bẩm: “Ôi ôi ôi, mình ngủ được rồi!”.
Cô gái mỉm cười: “Đó không phải là giấc ngủ của anh, mà là của Kiên”. “Sao vậy được? Tôi ngủ mà, thức dậy rất sảng khoái”. “Anh có mơ gì không?”. “Không hề. Một giấc ngủ tinh sạch không mơ màng mộng mị gì hết”. “Vậy đó, họa sỹ các anh sao mà không mơ?”. “Nhiều người trong chúng tôi đều như vậy, những thế kỷ trước họ mơ rất nhiều, có lẽ vì cuộc sống lúc đó hoang dại quá. Còn bây giờ các tình thế hiện thực quá rõ ràng, đầy đủ”. “Anh biết không người yêu tôi cũng tên là Kiên, cũng là họa sỹ và anh ấy đã mơ nhiều lắm. Anh ấy nói rằng đêm nào cũng mơ thấy tôi”. “Anh ấy đã làm gì trong những giấc mơ của cô?”. “Vẽ tôi. Tôi yêu những thứ anh ấy vẽ trong mơ”. “Vậy ngoài đời thật, anh ấy không vẽ cô à?”. “Có chứ, nhưng tôi thấy xa lạ, không thấy tôi”. “Cô có yêu anh ấy không?”. “Có chứ, tôi yêu Kiên thật mà”. “Anh ấy có giải thích với cô những điều anh ấy vẽ không?”. “Không bao giờ, anh ấy nói em hãy tự cảm nhận, không hiểu, không biết cũng là một cách hiểu biết cảm nhận. Có lần anh ấy còn văng tục với tôi nữa đấy, cần đ. gì hiểu!”. Cô gái cười khúc khích, âm vang lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong tòa nhà rất rộng. Mình đỡ lấy viên gạch bông cô gái trao cho. Nó rất nhẹ, như một chiếc lá khô, trong khi viên gạch bông ở đáy sông Hương thì quá nặng. Nặng như Kiên. À, như thân xác Kiên. “Mà này, tại sao cô quan tâm đến tôi và Kiên bạn tôi như vậy?”. “Thì anh đang bày triển lãm cá nhân tại đây mà? Đây là nhà của tôi, anh quên rồi à?”. Mình không quên. Triển lãm cá nhân lần đầu tiên lại được bày ở nơi rất sang trọng là bảo tàng mỹ thuật thành phố, nơi có nhiều tác phẩm của các họa sỹ lão làng, và tranh của họ phần lớn về chiến tranh. Mình cũng thế, cuộc chiến mình tham dự trên đất nước Campuchia kết thúc đã lâu nhưng ngoài ước muốn vẽ về cái chết của Kiên chưa thực hiện được, toàn bộ 35 bức sơn dầu bày trong triển lãm không có bức nào liên quan đến chiến trận. Trong rất nhiều đêm nằm ngủ mê mệt ở dưới đáy sông Hương, mình mong được mơ về Kiên, mong gặp được điều gì đó khơi gợi, nhưng không thể. Kiên biến mất trong kho dữ liệu ký ức mình rồi sao? Có một đêm mùa thu nằm ngủ ở gần Cồn Hến, khi mình tỉnh dậy ngoi lên mặt nước thì lũ tràn về, dâng ngấp nghé mặt cầu Trường Tiền. Mình hốt hoảng bơi vào bờ. Từng đợt sóng tấp vào mặt tanh tưởi mùi bùn. Mình định lặn xuống đáy sông để ngủ tiếp và tránh cơn lũ nhưng thế thì hèn quá! Vậy là cố sức bơi vào Đập Đá, rồi lại một khúc củi mục trôi đến bên cạnh nhưng mình đã để nó trôi xuôi…
“Kiên của tôi đã trẫm mình trên sông Sài Gòn”. Họa sỹ ngỡ ngàng: “Sao vậy được, anh ấy không được hạnh phúc à?”. “Tôi không biết, tôi nhớ anh ấy có lần nói rằng anh không thể sống mãi như thế được”. “Hai người đã cưới nhau chưa?”. “Cha tôi ngăn cấm. Tôi bị cha nhốt trong chính căn phòng này. Còn anh ấy thì đốt hết tranh”. Cô gái òa lên nức nở, nước mắt rơi xuống trên sàn gạch. Họa sỹ cúi nhìn, giống nước mắt của anh hôm ấy ở đền Ăng-co. Anh không hiểu được tại sao ngôi đền Ăng-co ấy lại được lát gạch bông gothic, lạ thật? “Anh ấy trẫm mình ngày 6 tháng 1 năm 1879, tôi còn nhớ rõ”. Họa sỹ thót mình, đó là ngày đại đội của anh vượt sông và bị phục kích, nhưng sau đó đúng một trăm năm. Tại sao lại như vậy được? Kiên? Mình căng thẳng quá, trong óc chứa đầy các câu hỏi. “Cô à, trong nhà này có bể nước nào không?”. “Anh muốn ngủ chứ gì? Không có đâu, cũng chẳng có bồn tắm. Hay anh ra sông Sài Gòn đi”. Mình bất chợt muốn bỏ đi tất, kể cả cái triển lãm đầu tiên mà mình đã dồn hết bao nhiêu tâm huyết. Sáng mai khai mạc rồi nhưng mình biết nó vẫn còn thiếu, vẫn chưa hoàn hảo, vẫn còn một bức tranh nữa chưa vẽ được. Mình muốn trở lại sông Hương, hoặc là cái bể nước ở quân y viện năm nào đã mang cho mình một cách thoát khỏi thực tại, đẫm mình vào nó mà quên đi mọi thứ. “Người ta nói rằng cô bị bạo bệnh, phải vậy không?”. “Anh tin thế à?”. “Vâng”. Cô gái tự trút bỏ áo quần, đứng nghiêm trang trước mặt họa sỹ và nhìn chăm chăm vào mắt anh. “Anh còn tin là tôi có bệnh không?”. Họa sỹ tránh cái nhìn cô gái, ngập ngừng: “Nhưng cô… có phải là… cô không? Mà thôi, sắp sáng rồi tôi cần phải vẽ bức cuối cùng cho triển lãm này”. Mình cần phải vẽ bức thứ 36, chỗ treo nó vẫn còn để trống trên tường. Nhưng vẽ thế nào đây chứ, vẽ cái gì? “Anh có nhớ lần đầu anh nhảy xuống sông Hương không?”. “Hình như hôm đó cũng có người nào nữa hay sao, tôi có nghe tiếng động”. “Không phải người, mà là chính viên gạch bông trên tay tôi đây, anh hãy vẽ nó”. “Nó cũng chính là viên gạch bông ở Campuchia chứ cô?”. Cô gái lại mỉm cười: “Tùy anh nghĩ thôi, nhưng anh có biết không, trong balo của Kiên bạn anh cũng có một viên gạch như thế, lấy đi từ đây”.
***
Gần sáng rồi. Một ý tưởng lóa lên. Họa sỹ hối hả đục, gỡ từng viên gạch bông của sàn nhà ngay dưới chỗ tường trống cho bức tranh cuối cùng. Rồi anh bắt đầu vẽ lại một mảng sàn gạch bông gothic y chang như vậy lên toan trắng, ứng với mảng sàn đã bị đục bỏ, treo lên. Copy and paste. Thực tại và tưởng tượng. Hiện thực và hư ảo. Pop art. Mình vẽ Kiên. Vẽ mình. Vẽ cô gái đã đi vắng đâu mất rồi. Tất cả đều được ẩn chứa, được khơi gợi và được liên kết trong từng họa tiết gothic của từng viên gạch bông hiện dần ra dưới bàn tay họa sỹ. Bê bết màu và nước. Chỉ còn lại mình hì hụi trong căn phòng triển lãm trống vắng đến rợn người. Không sao cả. Nhưng những viên gạch bông gỡ ra thì cất đi đâu được nhỉ? Sắp sáng rồi. Họa sỹ sắp đặt chúng lại vào chỗ cũ, rồi anh trải toan lên, trộn màu với giấy vệ sinh đã vò nát, sau đó đổ, quệt, đắp, dán thành một thứ trông giống hệt lớp vôi vữa nham nhở vừa bị bóc tách lớp gạch bông bên trên. Như một lớp hình thức giả lập khi bóc đi thứ gì đó bất kiến tri. Nhưng nhìn kỹ, thì giống hơn là một mảng đáy sông… Không phải cần đến nước bao phủ xung quanh, họa sỹ đã gục đầu trên cái đáy sông giả lập ấy ngủ một giấc không biết lúc nào mới thức dậy.
Bức Tranh Cuối Cùng Bức Tranh Cuối Cùng - Trần Hoài