Vì Sao Biết Bọ Cạp Sẽ Cắn Mà Vị Hòa Thượng Vẫn Đưa Tay Cứu Nó?
ọc 6 câu chuyện nhỏ dưới đây, sẽ mang đến những bài học lớn trong cuộc đời của bạn:
Câu chuyện thứ nhất
Có một vị thiền sư gặp một con bọ cạp bị rớt xuống nước, ông bèn quyết tâm cứu nó lên. Ai ngờ, ông vừa đụng vào nó thì bị nó cắn một nhát vào tay. Vị thiền sư không sợ, lại đưa tay ra, không ngờ lại bị con bọ cạp cắn một lần nữa.
Một người đứng bên cạnh chứng kiến cảnh này, không nhịn được liền nói: “Bọ cạp từ trước tới giờ đều luôn cắn người, sao ông phải cứu nó làm gì?”
Vị thiền sư trả lời: “Cắn người là thiên tính của bọ cạp, còn thiện là thiên tính của ta. Ta sao có thể vì thiên tính của nó mà vứt bỏ thiên tính của mình được?”
Cảm ngộ: Sai lầm của chúng ta chính là ở chỗ để cho ngoại giới cải biến bản thân mình quá nhiều.
Câu chuyện thứ hai
Ông Nelson Mandela từng bị giam giữ suốt 27 năm. Ông đã phải chịu đựng biết bao sỉ nhục và sự coi thường. Đến khi ông trở thành Tổng thống Nam Phi, ông đã mời 3 người cai ngục từng canh giữ ông trong thời gian ông ở tù đến gặp mặt. Khi Mandela đứng dậy cung kính chào 3 người này thì tất cả những người có mặt ở đó, thậm chí cả thế giới đều phải tĩnh lặng.
Ông nói: “Khi tôi bước ra khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng, nếu không thể để nỗi đau và sự oán hận của mình ở lại đằng sau, thì chính là tôi vẫn còn đang ở trong tù”.
Cảm ngộ: Tha thứ cho người khác chính là giải thoát cho chính mình
Câu chuyện thứ ba
Có một người hỏi người nông dân:“Ông sẽ trồng lúa mỳ à?”.
Người nông dân đáp: “Nếu trồng lúa mỳ, mỗi ngày tôi đều phải chăm sóc cho nó! Không trồng! Tôi sợ rằng trời sẽ không mưa”.
Người kia lại hỏi: “Thế ông sẽ trồng bông sao?”,
Người nông dân trả lời: “Không, tôi e rằng sâu sẽ ăn hết bông mất”.
Người kia lại hỏi tiếp: “Vậy thì ông sẽ trồng loại cây gì?”.
Người nông dân lại trả lời: “Cây gì cũng không trồng, tôi muốn đảm bảo chắc chắn an toàn.”
Cảm ngộ: Một người không muốn cố gắng, không muốn mạo hiểm lại luôn sợ rủi ro thì đương nhiên chỉ là một người vô tích sự, không làm được việc gì.
Câu chuyện thứ tư
Có một con quạ đen đang trên đường bay đi thì va phải một con bồ câu đang bay về. Bồ câu hỏi: “Bạn muốn bay đến đâu?“
Quạ đen trả lời: “Kỳ thực tôi cũng không muốn đi, nhưng mọi người đều lo ngại tiếng kêu của ta không tốt. Cho nên, ta phải rời đi!“
Bồ câu nói với quạ đen: “Đừng uổng phí sức lực! Nếu như bạn không thay đổi tiếng kêu của mình thì dù bạn có bay tới đâu cũng không được chào đón!“
Cảm ngộ: Nếu như bạn muốn mọi thứ đều trở nên tốt đẹp thì bạn phải bắt đầu cải biến từ bản thân mình
Câu chuyện thứ năm
Một gia đình nọ có 3 người con trai, chúng từ nhỏ đã phải lớn lên trong tiếng cãi vã của cha và mẹ. Mẹ của chúng thường xuyên bị thương tích đầy người. Người anh cả nghĩ: “Mẹ của mình thật quá đáng thương! Mình sau này nhất định sẽ đối xử thật tốt với vợ”. Người anh thứ 2 nói: “Hôn nhân thật là vô nghĩa, mình sau này nhất định sẽ không kết hôn”. Người em út nói:“Hóa ra, làm chồng là có thể đánh đập vợ mình như vậy!”
Cảm ngộ: Cho dù hoàn cảnh giống nhau, nhưng nếu mỗi người có cách suy nghĩ khác nhau thì sẽ khiến cho cuộc đời của mỗi người là khác nhau. Vì vậy, cha mẹ khi giáo dục con cái thì ngoài hành động gương mẫu ra thì lời nói cũng rất quan trọng.
Câu chuyện thứ sáu
Có một vị lão hòa thượng thu nhận một tiểu hòa thượng nhỏ tuổi. Tiểu hòa thượng này rất thông minh và đặc biệt thích những lời khen ngợi từ người khác. Mỗi khi làm được bất kể một việc tốt nào, tiểu hòa thượng đều đi kể với hết tất cả mọi người để muốn được nghe lời khen ngợi từ họ. Và thực sự là tiểu hòa thượng đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ người khác.
Một hôm lão hòa thượng đưa cho tiểu hòa thượng một chậu hoa sen chớm nở và nói: “Tối nay, con hãy quan sát xem hoa sen trong chậu là nở như thế nào nhé!”
Tiểu hòa thượng rất mừng rỡ, thầm nghĩ: “Nhất định là lão hòa thượng biết mình thông minh nhất nên mới bảo mình quan sát hoa sen nở.”
Vì thế, tiểu hòa thượng mang chậu hoa sen về phòng và cả đêm chăm chú quan sát xem hoa sen nở như thế nào. Tiểu hòa thượng nhìn thấy quá trình nhiều đóa hoa sen tách nở ra. Vừa rạng sáng ngày hôm sau, tiểu hòa thượng gấp gáp đến gặp lão hòa thượng và “hoa chân múa tay” miêu tả chi tiết quá trình hoa sen nở mà mình đã nhìn thấy cho lão hòa thượng nghe.
Lão hòa thượng nghe xong liền hỏi tiểu hòa thượng một câu: “Lúc mà hoa sen nở, con thấy chúng có nhao nhao lên không?”
Tiểu hòa thượng nghe xong lặng im, dường như đã hiểu được điều gì đó…
Cảm ngộ: Có những điều xuất phát từ nội tâm, từ biểu hiện tự nhiên là người khác cảm nhận được chứ không cần phải sự phô trương hay khoe khoang. Đối với một sinh mệnh mà nói, điều quan trọng nhất là phẩm chất ở bên trong chứ không phải là đồ trang trí ở bên ngoài.
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch
Quà Tặng Tâm Hồn Quà Tặng Tâm Hồn - Đại Kỷ Nguyên Quà Tặng Tâm Hồn