Chương 10 -
ùng chi hờ hững:
- Vâng! Tôi sẽ liên lạc ngay với anh khi có thể.
Thức nói:
- Không cần nữa. Em đừng bận tâm.
Thức về rồi nhưng Tùng chi vẫn ngồi mãi bên thềm. Cô ân hận vì đã xẵng lời với Thức. Anh luôn dịu dàng, ân cần với cô, thế mà cô lại lạnh nhạt. Lẽ ra Tùng Chi không nên vì mình như vậy. Nhìn sang nhà Hòa, Chi thấy Trung. Anh ta ngồi ngoài balcon từ bao giờ. Thấy Tùng Chi nhìn sang, Trung toe toét cười.
Anh chàng nói vọng sang:
- Chào! Chúc mừng Chi đã có niềm vui mới.
Khác với trước kia, phải nghe những lời trêu chọc của Trung, lần này Tùng Chi không tỏ vẻ khó chịu. Cô dịu dàng:
- Cám ơn lời chúc của anh.
Ngập ngừng một chút, Chi nói tiếp:
- Và cả những lời khuyên trước đây nữa.
Trung tủm tỉm:
- Chi là người sáng suốt bật nhất đó. Tôi thích chơi với những người sáng suốt. Chúng ta sẽ là bạn chứ?
Tùng Chi thản nhiên:
- Nếu anh không ngại ông anh mình.
Trung cười to:
- Lòng tôi trong sáng tựa … sao khuê. Sao lại phải ngại người có trái tim đa hệ, nhưng toàn màu đen?
Tùng Chi nhăn mặt:
- Tôi chưa bao giờ nghe anh Hòa nói kiểu như vậy về em trai, nhưng anh thì ngược lại.
Trung lại nổ:
- Đương nhiên tôi khác anh ấy. Nói kiểu tôi thiên về sự thật, anh Hòa không có khiếu nói thật đâu.
- Hai anh em rất xưng khắc đúng không?
Trung nheo mắt:
- Chi đang tìm hiểu tôi hay tìm hiểu … cố nhân vậy?
Tùng Chi nhún vai:
- Tôi chỉ muốn kiểm tra điều mình từng nhận xét.
- Đúng không?
- Đúng. À, mà anh vẫn thường gặp bác gái chứ?
Trung ngập ngừng:
- Thường hơn anh Hòa.
Tùng Chi hỏi:
- Bác gái đã tìm lại đủ sách chưa?
Trung vung tay:
- Vẫn còn thiếu, không nhiều nhưng toàn quyển cực quý đối với bà.
Trung nhìn Tùng Chi:
- Tôi biết chúng ở đâu, nhưng không sao xin chúng lại được mới ức chứ.
Chi đắn đo trước khi nói:
- Tôi cũng biết. Thật ra chuyện này có một chút hiểu lầm nhỏ. Khi anh Phương chở những bao sách đầu tiên về nhà, anh Luyện đã hơi nhanh tay bán liền vài ba cuốn nên khi trả lại cho anh đã bị thiếu.
Trung xoa cằm:
- Có vậy chứ?
Tùng Chi nói tiếp:
- Tôi đã gặp người mua những quyển sách ấy, người ta sẽ trả lại cho bác gái với một điều kiện …
Trung hấp tấp:
- Mẹ tôi sẳn sàng chuộc lại sách với giá cao.
Tùng Chi lắc đầu:
- Trong vấn đề này, nên đặt tiền bạc qua một bên.
Trung hơi khựng lại:
- Vậy họ đòi điều kiện gì?
Tùng Chi từ chối:
- Người ta muốn trao tận tay cho bác gái những quyển sách ấy.
Trung gãi đầu:
- Chà! Cần long trọng dữ vậy hông?
Chi tán vào:
- Cần chứ, vì bác gái rất quý chúng mà. Han
- Biết phải nói với mẹ thế nào đây?
Tùng Chi bảo:
- Anh cần gì phải nói, sự bất ngờ sẽ là niềm vui được nhân lên.
Trung chống tay dưới cằm:
- Chi nói đúng, sự bất ngờ sẽ làm niềm vui được nhân lên. Dạo này mẹ tôi gặp nhiều chuyện buồn. Phải làm bà vui mới được.
Tùng Chi buột miệng:
- Anh đúng là có hiếu.
Trung cười, nụ cười dễ thương của trẻ thơ:
- Cám ơn, Chi đã khen. Thế chừng nào chúng ta tiến hành chuyện này?
- Càng sớm càng tốt.
Trung búng tay đánh tróc:
- Chúa nhật này được không?
Tùng Chi lơ lửng:
- Tôi sẽ trả lời anh sau, nhưng có lẽ được.
Giọng Trung chợt trầm xuống:
- Cám ơn Tùng Chi thêm lần nữa.
Tùng Chi nhếch môi cười, cô cố giấu nỗi buồn vừa thoáng qua khi nghĩ tới Hòa. Với Chi, anh chỉ còn trong hồi ức, một hồi ức cô không hề muốn nhớ.
Bà Khánh Hà sững sờ nhìn người thanh niên đang đứng trước ngưỡng cửa nhà mình. Như trong mơ, bà ấp úng gọi:
- Cương!
Rồi thảng thốt nhận ra đây không phải trong mơ để bà phải giật mình tỉnh giấc như bà đã từng mơ như thế trong suốt 30 năm dài.
Người thanh niên mỉm cười, nụ cười sáng bừng trên gương mặt cậu ta khiến bà Hà nghe như có dòng điện vừa chạy qua người.
Thức nhìn bà lễ phép:
- Thưa … cháu muốn gặp bà Khánh Hà. Han
Bà Hà bừng tỉnh:
- Tôi … tôi đây. Có chuyện gì à?
- Cháu là Thức, bạn của Hòa và Trung.
Bà Hà nhíu mày:
- Bạn? À! Tôi nhớ rồi. Trung đã bảo hôm nay bạn nó sẽ ghé thăm tôi. Mời cháu vào nhà.
Thức bước theo bà Khánh Hà, anh dễ dàng nhận ra bà đang hoang mang, xúc động khi gặp anh. Điều này dễ hiểu vì Thức rất giống ba, giống đến mức trong họ hàng đã gọi anh là "Cương con".
- Cháu ngồi đi.
- Vâng ạ!
Thức nhìn quanh trong khi bà Khánh Hà bước ra nhà sau. Phòng khách nhỏ hầu như không có gì ngoài những tủ sách kê dọc tường, những quyển sách gáy bọc nhung mạ Vàng. Thức từng nhìn thấy, chúng giống những quyển anh đang giữ trong tay.
Thức chú ý đến một tấm hình bán thân được phóng to treo ở một góc tường. Đó là một tấm hình trắng đen chụp một cô gái khoảng 19, 20 đang cười. Cô gái ấy chắc chắn là bà Khánh Hà thời thanh xuân. Quả thật bà rất đẹp, đẹp nhất là đôi mắt đen tròn vừa ngây thơ vừa quyến rũ. Hẳn ba anh đã chết chìm trong bể mắt ấy, và đến tận bây giờ ông vẫn chưa ngoi lên bờ được.
Bưng ra cái khay màu rêu có hai ly cam vàng tươi, mát lạnh, bà Hà mời:
- Cháu uống nước.
Thức mỉm cười:
- Cám ơn cô.
Rồi anh tắm tắc:
- Nhìn dãy tủ sách của cô, cháu mê quá!
Bà Hà có vẻ tự hào:
- Đó là gia tài của tôi mà. Những người trẻ bây giờ Ít mê sách nhất là loại sách tôi đang có.
Thức nói:
- trái lại cháu rất mê, bởi vậy nghe Hòa và Trung khoe tủ sách của cô, cháu liền xin được đến xem.
Bà Hà bỗng nghiêm mặt:
- Cháu là bạn của Trung hày Hòa?
Thức ngập ngừng:
- Dạ Trung đã cho cháu địa chỉ của cô và hẹn hôm nay …
Bà Hà nhếch môi:
- Hòa rất ghét cái tủ sách này, bởi vậy tôi ngạc nhiên khi cháu nhắc đến tên nó.
Thức làm thinh. Anh hơi bất ngờ khi ngay phút đầu tiên gặp một người lạ, bà Hà đã nói thế về con trai mình.
Giọng bà Hà rưng rưng:
- Cháu giống một người bạn cũ của tôi, giống đến mức độ vừa gặp tôi dã buột miệng gọi tên người đó.
Thức xốn xan trong lòng, anh trần giọng:
- Ai cũng bảo cháu rất giống ba.
Bà Khánh Hà thảng thốt:
- Ba … ba cháu... là … là...
Lặng lẽ, Thức lấy quyển "Uyên ương gãy cánh", "Ngàn cánh hạc" ra để trên bàn:
- Ba cháu là người đề tặng những quyển sách này.
Bà Hà cầm sách lên, lật trang đầu rồi áp chúng vào ngực. Mặt tái xanh và xúc động, bà hỏi:
- Sao cháu lại có chúng?
Thức mím môi nói dối:
- Trung đã cho cháu mượn và cháu thật bất ngờ khi thấy thủ bút cũng như chữ ký cùng tên của ba mình trang trọng trên sách.
Bà Khánh Hà lặng người, lâu lắm bà mới nghẹn ngào:
- Anh Cương có khỏe không?
- Ba cháu khỏe. Cũng như cô, ba cháu sống một mình ở Mỹ. Khi nghe cháu nói về những quyển sách, ông đã nhờ cháu bằng mọi cách phải gặp được cô … Ông rất muốn biết tin về cô.
Thức ngập ngừng, anh bối rối khi gương mặt bà Hà đã nhạt nhòa nước mắt. Thật không ngờ bà dễ động lòng đến thế.
Giọng bà Hà xa xôi:
- Ngày xưa, cô là người có lỗi với ba cháu. Cô yêu nhưng không thể sống cho tình yêu của mình. Cô không đủ can đảm thoát khỏi những ràng buộc của gia đình nên đành làm người bội bạc. Thật không ngờ anh Cương vẫn còn nhớ tới cô.
Thức đặt tờ giấy gấp tư lên bàn:
- Địa chỉ của ba con, có cả email, cô muốn liên lạc lúc nào cũng được.
Bà Hà như bừng tỉnh:
- Thế còn mẹ cháu? Bà ấy có biết cô không?
Thức gật đầu:
- Dạ có. Hôm trước cháu có hỏi. Mẹ cháu bảo từng học chung với cô ở đại học Đà Lạt và không nói gì thêm dù nữa lời.
Bà Khánh Hà bật cười đau đớn:
- Rốt cuộc cả ba người ai hạnh phúc hơn ai cơ chứ?
Thức liền nói:
- Mẹ cháu đã kết hôn lần thứ hai, hiện giờ bà và ba sau của cháu đang điều hành một công ty quảng cáo. Cuộc sống rất ổn định. Mẹ cháu là người thực tế, bà hạnh phúc với những gì đang có được.
Bà Hà gật gù:
- Một nhận xét khá lý thú. Người hạnh phúc là người biết chấp nhận sự thật. Tiếc rằng cô không như thế nên quá nửa đời người vẫn còn tìm kiếm viển vông những cái hư ảo, huyền hoặc rồi tự cho mình bất hạnh.
- Ý cháu không nói thế ạ.
- Nhưng cô lại rút ra cho mình điều đó. Hiện giờ ba cháu sống như thế nào?
Thức trả lời:
- Ông làm nhân viên cho một công ty xây dựng, về vật chất thì thoải mái, song tinh thần thì …
Bà Hà ngậm ngùi:
- Xưa kia ông ấy làm thơ rất hay.
- Tiếc là môi trường xứ người không giúp ông phát triển khả năng của mình. Ba cháu tâm sự với các chú bác trong hạ hàng rằng: Khả năng thi phú đã đuôi chột mất rồi, nhưng cuộc sống với ông không vì thế mà nhẹ nhàng hơn, trái lại bao nhiêu ưu uất cứ tích tụ trogn lòng khiến ông càng ngày càng trầm uất.
Hai người bỗng rơi vào yên lặng. Thức bưng ly nước cam lên, trong khi bà Hà như chìm vào cõi xa xôi nào đó.
Chuông ngoài cổng reo vang, bà giật mình nhìn ra và thấy Hòa.
Đứng dậy bà bảo:
- Cháu cứ tự nhiên nhé.
Thức nhíu mày. Thật khó chịu khi đụng mặt Hòa ở đây.
Anh đứng dậy theo bà Hà:
- Có lẽ cháu cũng xin phép về.
- Không ở chơi với Hòa sao cháu?
- Dạ để dịp khác ạ.
Mở cổng, Hòa bất ngờ khi thấy Thức, anh cười ngạo nghễ lẫn khó chịu:
- Gió nào đưa anh tới đây? Thật đáng ngạc nhiên khi thấy anh hâm mộ mẹ tôi đến thế. Mà sao lại về? Nếu vì sự xuất hiện của tôi thì thật xin lỗi.
Bà Khánh Hà giận lắm. Nhưng vẫn cố nén xuống bằng cách tươi cười:
- Cháu Thức đang rất bận nên mẹ không giữ lại được.
Thức cũng ra vẻ thản nhiên:
- Hẹn gặp anh hôm khác, có thể ở nhà Tùng Chi không chừng.
Hòa khinh khỉnh:
- Hy vọng sẽ gặp lại nhưng không mong ở nhà Tùng Chi. Tôi tin là như vậy, cửa vào nhà con bé khép chặt lắm rồi và chìa khóa đang trong tay tôi đây này.
Thức gằn từng tiếng:
- Với tôi cái cổng bị khóa chặt ở nhà Tùng Chi không nghĩa lý gì cả. Chào!
Hòa đá mạnh vào cánh cổng, giọng cáu kỉnh:
- Nó đến làm gì vậy mẹ?
Bà Khánh Hà lạnh lùng:
- Không liên quan tới con. Tìm mẹ có việc gì? Nói nhanh lên!
Hòa hậm hực:
- Với con của mình, bao giờ mẹ cũng hà tiện thời gian. Thật đáng buồn!
Vào phòng khách, bà Hà ngồi xuống salon:
- Vào đề đi!
Hòa cũng buông mình xuống ghế, mắt anh chợt nhíu lại khi thấy mấy quyển sách trên bàn:
- Thằng đó tới đây vì những thứ quỷ quái này à?
Bà Hà sa sầm mặt:
- Ăn nói cho đàng hoàng một chút. Nó tới đây vì cái gì đều không liên quan tới mày.
Hòa bực tức:
- Sao lại thế? Chẳng lẽ nó là con trai mẹ, còn con thì không? Thú thật, con ghét nó từ cái nhìn ban đầu.
Bà Khánh Hà hỏi:
- Con và Thức quen nhau lâu chưa?
- Cũng mới đây thôi, kiểu quen đâu chuyền ấy mà. Tại sao nó biết đường tới đây nhỉ? Nó muốn gì ở mẹ?
Bà Khánh Hà nói:
- Thức trả lại mẹ những quyển sách nó mua được ở một quầy sách cũ. Nhưng nó nói dối là của Trung cho nó mượn.
Mặt Hòa nghệch ra rất ư vô tội:
- Có chuyện đó nữa à? Tại sao sách của mẹ lại ở hiệu sách cũ nhỉ?
Bà Hà cười nhạt:
- Con từng sai con bé Na bán hết tủ sách của mẹ, giờ con vờ vĩnh gì nữa.
Hòa nhún vai, giọng đổi khác nhanh hơn chuyển hệ:
- Chớ con biết để chúng ở đâu khi phải dọn dẹp để xây nhà?
- Mẹ không thích nghe những lời bào chữa gượng ép đó. Đây chỉ là cớ để con tống khứ thứ con ghét. May sao thằng Trung vẫn còn biết nghĩ ….
Hòa hơi chồm về phía trước:
- Phải nói là con hận thù thì đúng hơn. Những quyển sách ấy cứ kéo mẹ về quá khứ. Một quá khứ không có ba và tụi con. Lẽ ra mẹ nên mang chúng theo khi mẹ rời khỏi nhà.
Bà Khánh Hà đau đớn:
- Mẹ không làm thế vì nghĩ đó vẫn còn là nhà mình. Ai ngờ con thì không, con muốn vứt đi hết những thứ thuộc về mẹ.
Hòa rít lên:
- Con căm thù người đàn ông trong quá khứ của mẹ. Chính ông ta khiến mẹ không an phận chớ không phải mẹ muốn tự do bay bổng cùng văn chương thơ phú gì cả. Mẹ có thể đánh lừa Trung nhưng không qua mắt con được đâu.
Bà Khánh Hà nói:
- Khi lấy ba con, mẹ đã chấp nhận cuộc sống không dành cho mình, giờ các con đã khôn lớn, mẹ muốn tận dụng thời gian còn lại cho riêng mẹ chớ không sống cho người đàn ông nào cả.
Hòa bỗng chuyển đề tài chớp nhoáng:
- Vậy tại sao mẹ đòi rút hết vốn ra? Nếu không phải để xây một tổ ấm cho mình?
Bà Hà sửng sốt nhìn Hòa:
- Con nghĩ như vậy à?
Hòa ra chiều khổ sở:
- Con có sung sướng gì khi nghĩ như thế. Nếu không phải vậy, con xin mẹ đừng rút vốn, công ty sẽ điêu đứng vì quyết định ích kỷ của mẹ.
Bà Hà cương quyết:
- Mẹ không thay đổi quyết định đâu. Chúng ta không bàn chuyện này nữa, con về đi.
Hòa nghiến răng:
- Mẹ đúng là nhẫn tâm.
- Tại sao mẹ nhẫn tâm, con biết mà.
Hòa hậm hực ra về. Còn lại một mình trong căn nhà vắng lặng, bà Hà cầm từng quyển sách lên rồi vuốt ve rồi lại áp chúng vào ngực và nức nỡ.
Thế đấy, người đàn ông định mệnh của bà đã chọn sự cô đơn làm bạn bao nhiêu năm rồi vậy mà lâu nay bà luôn tự vỗ về mình bằng cách nghĩ ông ta đã có một gia đình ấn êm hạnh phúc. Ông đã xem cuộc tình với bà cứ như một thoáng mây bay qua khoảng trời thăm thẳm trên cao. Bà quên rằng mây có thể ta biến thành mưa, nhưng ngàn năm trời kia vẫn một màu xanh ngắt.
Bên tai bà chợt vang vang tiếng ông đọc thơ da diết, đa tình:
“Mời em vào quán không mùa
Ta chia nhau ngọn gió lùa rét căm
Mời em vào quán không năm
Để nghe nhớ khóc
Ướt đầm ngón tay
Mời em vào quán không ngày
Để xem trời thả heo may
Để buồn …
Đắng lòng môi chạm yêu thương
Thời gian quên bỏ muỗng đường
Đấy em!"
Ngày xưa bà nghe và cười vì những câu thơ tình ngộ nghĩnh quá. Bây giờ nhớ lại bà thấm thía từng lời từng chữ.
Tình yêu không mùa, không năm, không tháng, không ngày. Chỉ thời gian khiến ta đắng lòng khi chạm môi tới mối tình xưa.
Thế đấy! Mới chớp mắt đã 30 năm. Ba mươi năm những tưởng tim đã khô cằn sỏi đá, nào ngờ đâu chỉ chạm nhẹ vào ký ức htôi tất cả kỷ niệm xưa như bật dậy thành âm thanh réo gọi, ngân nga trong hồn.
Bà Hà giật mình vì chuông điện thoại rao vang. Trấn tỉnh lại, bà nhất máy, giọng Trung vang lên thật vô tư:
- Mẹ! Thức đến thăm mẹ chưa?
- Rồi. Thức vừa đến một tí thì Hòa ghé. Mẹ không hiểu sao anh con ghét người ta ra mặt.
Trung cười vang trong máy:
- Cũng tại một chữ tình mà ra.
Bà Hà nhíu mày:
- Sao! Hoàng Lan quen cả Thức à?
- Dạ, không phải Hoàng Lan.
- Vậy thì ai?
Trung lơ lửng:
- Con nói mẹ cũng không biết …
Bà Khánh Hà gắt:
- Thì cứ nói xem.
- Con nhỏ tên Tùng Chi, nhà có hiệu bán sách cũ, ông Hòa quen qua vụ bán sách của mẹ. Thức thích sưu tầm loại này nên cũng quen Tùng Chi. Con bé ở sát chỗ bọn con đang thuê.
Bà Khánh Hà chép miệng:
- Chỉ vậy mà Hòa ghét người ta, thật ích kỷ và trẻ con.
Trung nhỏ nhẹ:
- Không chỉ như vậy đâu. Anh Hòa … đa hệ ra sao, mẹ biết rồi. Ảnh đã có Hoàng Lan nhưng vẫn ra sức cưa đổ bằng được Tùng Chi. Tội nghiệp con bé rất ngây thơ, cứ tưởng anh Hòa thật lòng.
Bà Hà rên rỉ:
-Làm vậy tội chết!
Trung cười khẩy:
- Ông Hòa đâu sợ tội, nhưng con biết sợ nên đã cảnh cáo Tùng Chi. Con bé sau một thời gian thất điên bát đảo vì tình giờ đã khôn hồn tỉnh vía. Dạo này con thấy Thức hay sang chơi nhà nó nên ông Hòa rất ghét anh ta.
Im lặng một chút, Trung hạ giọng:
- Con không biết vì lý do gì Thức nhất nhất đòi gắp mẹ để trao lại mấy quyển sách. Trong khi anh ta chỉ cần đưa cho con hay ông Hòa là được rồi. Chẳng lẽ vì ông ta … kỵ anh Hòa rồi nghi ngờ luôn cả con?
Bà Khánh Hà vội nói:
- Con thắc mắc làm gì, thường những người quý sách họ kỹ tính lắm. Này! Gọi mẹ chỉ để hỏi bao nhiêu đó thôi sao?
Trung cười hì hì:
- Đó mới là dạo đầu thôi mẹ.
Bà Hà hỏi:
- Lại hết tiền tiêu chớ gì?
- Mẹ tài thật! Dì Giang bảo con thiếu tiền cứ hỏi dì ấy, nhưng con không thích. Tiêu tiền của mẹ mình vẫn sướng hơn.
Bà Hà cười khẩy:
- Không cần phải khích tướng, mẹ là mẹ, dì Giang là dì Giang, hiểu chưa?
- Vâng, con hiểu lâu lắm rồi.
Bà Hà ngập ngừng:
- Mẹ muốn biết số điện thoại của Thức.
- Con không có, nhưng sẽ hỏi cho mẹ. Thế bao giờ con ghé nhà mà không gặp những … nhà thơ nghiệp dư vây quanh mẹ?
Bà Hà chợt nhíu mày:
- Ngay bây giờ. Mẹ đang rất một mình đây.
- Ôi! Sao mẹ nói như than vậy? Con có bắt mẹ một mình đâu.
Bà Khánh Hà nhắm mắt:
- Đừng dông dài nữa. Tới đi, mẹ chờ …
Hai Bờ Thương Nhớ Hai Bờ Thương Nhớ - Trần Thị Bảo Châu Hai Bờ Thương Nhớ