Chương 9 -
oàng Lan còn nói nhiều lắm, đại khái toàn những chuyện của cô ta và Hòa. Tùng Chi chỉ ngồi nghe và không tin đó là sự thật.
Nhưng bây giờ đấy đúng là sự thật rồi. Hòa đã bỏ về, anh biết vở kịch đã hạ màn. Cô gái anh yêu đã hạ gục đối phương bằng trò chơi trả thù của anh.
Tùng Chi đứng dậy không nổi nữa, cô nằm gục trên bàn. Người phục vụ tới hỏi thăm gì đấy nhưng cô không làm sao trả lời.
Cùng như lần nào đó, bữa nay Tùng Chi lại muốn được chết. Khổ nổi cô không chết mà còn kinh khủng hơn cả chết vì nếu chết người ta đã không biết thế nào là đau đớn.
Giọng Thức vang lên săn đón:
- Tôi đưa em về nhé?
Chi lắc đầu:
- Tôi không cần anh.
Thức gằn giọng:
- Nằm ngã dài ra bàn như một con nghiện thiếu thuốc thế kia mà còn kiêu căng. Người ta sắp mời em ra khỏi quán đó.
Tùng Chi mím môi đứng dậy. Trời đất vừa quay cuồng vừa tối tăm trong mắt cô.
Thông khéo lại tụt huyết áp vì suy nhược mất. Tùng Chi nghĩ được tới đó là đầu gối đã khụy xuống. Cô ngã vào người Thức và bỗng sợ nhỡ như mình … bị chết thật như mới vừa rồi mình mong được chết.
Kéo cái mền len mềm như nhung ra khỏi người Tùng Chi, Oanh Nhi quát:
- Dậy! Dậy cho … bác gái nhờ.Thất tình bao nhiêu đó là nhiều rồi... Con ạ!
Cố ghì chéo mền lại, Tùng Chi rên rỉ:
- Mày … biến ngay cho … tao nhờ. Tao không thất tình ai hết. Mày đừng hô hoán lên như vậy ác lắm!
Oanh Nhi chì chiết:
- Tao ác cỡ nào cũng còn thua một người. Hừ! Trách người khác mà không chịu nhìn lại bản thân. Tự hành hạ mình là có tội với bản thân lẫn cha mẹ đấy.
Tùng Chi dỗi:
- Tội hay không tao biết, mày cần gì lên án. Thì ra lão Thức khó ưa ấy là chú họ ba đời gì đó của mày. Giờ tao mới nhận ra một điều, chú cháu mày có điểm chung lớn nhất là bao đồng. Thích xen vào chuyện người khác.
- Hừ! Nếu không thế chú Thức đã không ra tay cứu giúp mày những hai lần. Hôm đó nếu là tao, tao đã cho mày chết trong quán Đồng Vọng luôn.
Tùng Chi bỗng sụt sùi:
- Ai bảo ông ấy đưa tao về làm gì rồi bây giờ mày kể công. Cứ để tao chết cho yên.
Nhi gắt:
- Nói như vậy mà cũng nói, Chuyện gì đâu phải chết khi mày đã biết rõ con người thật của Hòa. Anh ta tồi nên mới trả thù phụ nữ theo kiểu đó. Rồi cô nàng Hoàng Lan cũng sẽ dạt anh ta ra cho mà xem.
Lấy trong giỏ xách ra một đĩa CD mới, Oanh Nhi bảo:
- Nghe cho đỡ buồn.
Tùng Chi dò dẵm:
- Chắc không phải của mày?
Nhi nhún vai:
- Của ai chả được. Thắc mắc làm gì.
Tùng Chi lặng lẽ thở dài:
- Chú mày không cần tốt với tao như vậy.
Oanh Nhi khoát tay:
- Đi mà nói với ổng. Tao chỉ thừa hành.
Tùng Chi ôm gối, cô nhớ hôm ở quán Đồng Khánh, Thức đã xốc cô trong tay vỗ về cô khi Chi không dằn lòng oà khóc lên nức nở.
Sau cơn khóc ấy tâm hồn Chi như trầm lắng xuống, cô ngồi sau xe cho Thức chở về nhà và dĩ nhiên Chi ốm một trận khiến ba mẹ hồn vía lên mây.
Cô bỗng ngập ngừng:
- Thật ra ông Thức là người như thế nào hả Nhi? Sao lâu nay tao không nghe mày nói gì tới ổng hết vậy?
Oanh Nhi kể:
- Ba chú Thức với ông nội tao là anh em chú bác. Thỉnh thoảng chú ấy mới ghé nhà thăm ông nội tao. Trong một lần trò chuyện, tình cờ chú Thức biết tao học chung với mày thế là … ôgn cụ hỏi tới.
- Và … khen tao dễ thương nhưng hơi chua?
- Đó là một nhận xét hết sức chính xác.
Tùng Chi nhếch môi:
- Có lẽ sau này Thức sẽ bảo tao vừa chua vừa ngốc … không chừng.
Oanh Nhi nhịp chân:
- Nhận xét ấy cũng đâu hề sai.
Tùng Chi bỗng tò mò:
- Ba ông Thức là người như thế nào, mày biết không?
Oanh Nhi ngập ngừng:
- Tao chưa gặp mặt một lần nào, nhưng nghe nội tao kể thời trai tráng ông ấy là một bậc tài hoa song lận đận đủ điều.
Chi thắc mắc:
- Thế nào là lận đận đủ điều?
Oanh Nhi nhíu mày:
- Đại khái có tài nhưng không gặp thời, yêu một người nhưng lại lấy người khác, sau cùng không sống được đành bỏ quê hương ra nước ngoài lập nghiệp nhưng cũng chẳng thành công.
Tùng Chi kêu lên:
- Ủa! Như vậy là.. là …
- Chú Thức ở cùng mẹ và ông bố dượng nên cũng buồn nhiều hơn vui.
- Thế cha con không liên lạc với nhau sao?
Oanh Nhi nói:
-Cách đây hai năm ông chú Cường có về thăm quê. Ông chú có ý bảo lãnh chú Thức nhưng chú ấy hình như không thích. (KTT)
- Tại sao vậy?
- Nội tao cũng từng hỏi như mày. Chú Thức bảo là chú không muốn làm người lạ trong ngôi nhà của ba mình, hơn nữa chú không muốn sống ở nước ngoài. Nhiều người bảo chú Thức dại, song chú thì tỉnh queo.
- Theo mày thì sao? Anh Thức khôn hay dại?
Oanh Nhi nói:
- Tùy quan niệm sống của từng người thôi. Ba tao rất quý chú Thức, ông khen chú ấy sâu sắc có nghĩa có tình. So với cách sống chỉ biết có mình của một số người trẻ hiện nay, chú Thức hơi cù lần nhưng thật tốt phúc cho ai được chú yêu.
Tùng Chi khịt mũi:
- Mày … tiếp thị chú mày đó hả?
Nhi thản nhiên:
- Tao chỉ trả lời đúng câu mày hỏi. Nếu chưa thỏa đáng, cứ hỏi tiếp tao rất sẵn lòng … giới thiệu sản phẩm không tính công.
Tùng Chi bật cười vì cách nói ngang phè của Nhi. Con nhỏ kêu lên:
- Cám ơn chú Thức. Nhờ chú mà nhỏ Chi đã cười trở lại.
Chi chớp mắt nhìn qua ô cửa sổ. Ngôi nhà bên kia đóng im lìm, chẳng biết hiện giờ Hòa có trong ấy đấy không? Từ hôm đó tới nay cô không nghe điện thoại của anh. Chuông reo, nếu là anh cô sẽ gác máy. Đúng là một tuần Hòa không gọi sang nữa. Với cô tất cả đã chấm dứt mà sao lòng như đeo đá, nặng đến mức trong những cơn mơ, Tùng Chi luôn thấy mình chìm dưới đáy sông tối tăm, ngột ngạt.
Oanh Nhi bỗng thì thào:
- Mày … dứt đẹp thằng đểu ấy rồi phải không?
Tùng Chi ậm ự chớ không trả lời. Con nhỏ lại nói tiếp:
- Chú tao tuy cù lần nhưng tốt bụng cực kỳ, thế gian này đốt đuốc tìm cho ra một người giống chú khó lắm đó.
Tùng Chi cáu lên:
- Mày hành nghề mai mối từ bao giờ vậy? Cho mà biết, ta và chú mày rất ư là vô duyên, mày khỏi hao công tốn sức để gán ghép.
Oanh Nhi bĩu môi:
- Xin lỗi mày! Tao có hơi khen chú Thức thiệt, nhưng chưa hề mai mối cho ai, huống hồ chi mai mốt cho một … đứa như mày.
Chi tự ái:
- Như tao thì sao?
Oanh Nhi nhịp chân như con trai:
- Có mắt không tròng hay gọi là mù quáng cũng được.
Tùng Chi ức lắm. Cô đẩy cái đĩa CD về phía Nhi:
- Mang về đi. Tao không những mù mà còn điếc nữa, nghe không nổi nhạc này đâu.
Oanh Nhi chép miệng:
- Tiếc nhỉ! Vậy để ông Phương nghe. Nhạc này đúng gu của ổng.
- Chà! Mày biết cả gu của anh tao à?
- Tao thì không, nhưng chú Thức biết.
Chi ngạc nhiên:
- Ổng đâu có thân với anh Phương.
- Nhưng thân với anh Luyện. Con trai mà! Dễ kết với nhau lắm.
Tùng Chi làm thinh. Cô biết anh Luyện rất thích Thức. Hai ông nói chuyện rất ăn rơ, nhất là nói về thể dục, thể thao. Mỗi khi Thức ghé quầy, hai người trao đổi mấy tiếng đồng hồ vẫn chưa hết chuyện. Những lúc như vậy Tùng Chi cũng để ý lắng nghe, song Chi đã có Hòa, cô không thể để tâm hồn mình vướng bận thêm vì Thức.
Có phải chính vì Hòa nên cô luôn làm ra vẻ ghét bỏ Thức rồi dần dà cô chắc mẩm rằng mình rất ghét, rất ghét anh không?
Bỗng dưng Tùng Chi thấy ngại khi cứ liền miệng nói với Oanh Nhi rằng mình ghét chú Thức. Thật ra với Chi, Thức là "ân nhân" nếu xét theo khía cạnh nào đấy. Ghét "ân nhân" là điều rất không nên.
Oanh Nhi bỗng hỏi:
- Mày muốn biết tin về Hoàng Lan không? Tao bán tin cho.
Tùng Chi ra vẻ thản nhiên:
- Tao không quan tâm.
- Nhưng nên nghe cho hiểu sự đời.
Tùng Chi im lặng. Cô vốn rất tò mò. Oanh Nhi thừa biết như vậy mà còn vờ hỏi, chả nhẽ Chi hạ mình bảo: "Tao rất muốn" hay sao.
Oanh Nhi thì thào:
- Gia đình Hàong Lan có phần hùn khá lớn trong công ty của nhà Hòa, do đó chắc chắn hai bên sẽ kết thông gia với nhau.
Đến đây Tùng Chi không im được nữa:
- Sao mày biết?
Nhi hất mặt:
- Dĩ nhiên phải có người cung cấp. Tin này chính xác tới 99%.
Tùng Chi nhếch môi. Hoàng Lan chả từng … khoe với Chi là gia đình đôi bên đều vun đắp cho hai người là gì?
Oanh Nhi nhấn mạnh:
- Công ty của gia đình Hòa đang thiếu vốn cho nên giả dụ, tao giả dụ thôi nghe, Hòa có yêu mày chăng nữa thì người hắn cưới làm vợ vẫn là Hoàng Lan, một nghệ sĩ dương cầm, con nhà danh giá chớ không thể là mày. (Han)
Tùng Chi nói:
- Đã có bao giờ Hòa nói chuyện cưới xin với tao đâu. Đừng đề cập tới vấn đề khó chịu này nữa Nhi.
- OK, cho qua! Nhưng mày tươi lên tao xem Chi.
Tùng Chi gượng gạo cười:
- Có gì đâu! Hì hì hì …
Nói thế nhưng lòng Chi cứ nhoi nhói. Cô vụt đứng dậy đi xuống nhà, Oanh Nhi lẽo đẽo theo sau.
Chi mở tủ lạnh:
- Đói quá!
Lấy ra hai hộp sữa tươi, Chi đưa Nhi một hộp. Cả hai ra sân ngồi. Buổi chiều xuống chậm chạp khiến Chi cứ ngậm ngùi nhớ tới không gian của quán Đồng Vọng.
Cô bâng quơ:
- Tao không ngờ chú Thức của mày cũng biết quán Đồng Vọng.
Đang chu môi hút ống hút, Nhi nói:
- Thì trước đây nhờ chú thức chỉ, tao mới biết chỗ đưa mày tới ấy chớ. Giờ thì giã từ cà phê nhé em.
Ngay lúc ấy có tiếng xe ngừng ngay cổng, cả hai đều nhìn ra.
Oanh Nhi reo lên:
- A! Chú Thức! Hay quá!
Rồi mau mắn chạy ra mở cổng. Tự dưng Tùng Chi bối rối vì nhớ lại lúc cô khóc trong vòng tay của Thức, khóc ngon lành không biết xấu hổ là gì. Chắc chắn anh đánh giá Chi rất thấp? Chi nghĩ thế thôi Chi đã muốn độn thổ. Cô lúng túng chào trong khi Thức thật tự nhiên.
Anh đưa ra một bịch nilông:
- Há cảo! Món ruột của hai … đứa phải không?
Oanh Nhi tít mắt:
- Phải! Chú đúng là số một. Để cháu phục vụ cho.
Dứt lời, Nhi cầm bịch há cảo chạy biến vào bếp. Thức ngồi xuống bậc thềm đối diện với Chi. Nhìn cô thật dịu dàng anh hỏi:
- Đã khỏe thật rồi chứ?
Để lấy … phong độ cho mình, Chi không trả lời, cô vặn lại:
- Thế nào là khỏe thật?
Thức hóm hỉnh nói một hơi:
- Là không choáng váng tâm hồn, là không đau nhói con tim, là bình yên trong giấc ngủ, là ăn đủ các bữa trong ngày, là cười dài dài.
Tùng Chi nhún vai:
- Khỏe! Thế còn anh! … À quên … chú chứ?
Thức chép miệng:
- Tiếc là chú không được khỏe, cháu ạ.
Rồi anh chống cằm nhìn Chi làm cô nhột nhạt hết sức.
Thức nói tiếp:
- Tuy vậy, chú rất mừng khi biết Tùng Chi đã ăn được ngủ được.
Tùng Chi chớp mắt:
- Nhưng tại sao chú lại không khỏe?
- Không khỏe vì tại ….không khỏe. Thế thôi. Mà Chi bận tâm làm gì nhỉ? Dù là không khỏe, tôi vẫn đủ sức làm một chỗ dựa cho ai đó cơ mà.
Chi ậm ự:
- Chắc đã rất nhiều người dựa dẫm chú.
Thức gật đầu:
- Ừ, nhiều. Bởi vậy vai chú lúc nào cũng nặng trĩu nỗi buồn đau của thiên hạ.
Oanh Nhi bưng ra một mâm nhỏ, trên đó có ba đĩa há cảo còn nóng hổi.
Con bé hí hửng:
- Mời chú.
Thức tủm tỉm:
- Mời hai cháu.
Oanh Nhi nhiệt tình làm hoạt náo viên cho bữa tiệc há cảo đột xuất này, nó huyên thuyên đủ điều, khiến Chi cũng thấy vui.
Ăn xong, Oanh Nhi khăng khăng đòi về vì bận đưa mẹ đi công chuyện. Tùng Chi thừa biết nó kiếm cớ để không làm kỳ đã cản … địa ông chú nhưng không biết làm sao giữ nó lại trong khi Thức chả tỏ ý muốn gì mới ghét chứ.
Khi còn lại hai người, Thức ngập ngừng:
- Tôi có đôi điều muốn nhờ Tùng Chi giải thích hộ.
Tùng Chi dè dặt:
- Vâng, anh cứ nói.
Thức thẳng thừng:
- Chi biết bà Khánh Hà mẹ của Hòa chứ?
Chi tròn mắt nhìn, cô không hiểu sao Thức lại hỏi như vậy Lẽ nào Thức đã biết người phụ nữ cách đây 30 năm, ba anh từng đề tặng bao nhiêu quyển sách là ai? Nếu đúng vậy, ai đã cung cấp thông tin này cho anh?
Chi lắc đầu:
- Tôi có trông thấy mẹ Hòa một lần, nhưng không biết phải bác ấy tên Khánh Hà không?
Thức xác nhận:
- Đúng là bác ấy tên Khánh Hà. Người mà ba tôi từng đề tặng sách cách đây 30 năm.
- Sao anh dám khẳng định như vậy?
Thức nhỏ nhẹ:
- Chính Hòa nói với tôi những quyển sách của mẹ Hòa, bà rất qúy chúng vì là sách tặng.
Tùng Chi liếm môi:
- Vậy anh còn hỏi tôi về bác ấy làm gì?
Thức từ tốn:
- Tôi không phải người tò mò, nhưng thú thật, tôi rất muốn biết về cuộc sống của bà Hà hiện tại. Chi có thể giúp tôi vì tôi thấy ngại nếu phải hỏi Hòa …
Tùng Chi im lặng. Một lát sau cô nói:
- Hòa luôn tránh né nói về gia đình mình cho dù tôi có quan tâm hỏi. Tôi chỉ biết bác Hà không sống cùng chồng con.
- Lý do?
Chi nhíu mày:
- Nghe có vẻ mơ hồ, nhưng hình như tại bác ấy muốn được tự do cho nỗi đam mê của mình.
Thức tò mò:
- Nỗi đam mê gì mà dữ vậy?
Tùng Chi nói:
- Hình như là bác Hà rất đam mê văn chương, bà đang mộng thành nhà thơ nổi tiếng.
Thức kêu lên:
- Thì ra là thế.
Anh chợt nhớ tới Hòa hôm trước: "Mẹ tôi chỉ mới tập tành làm thơ chớ chưa thật nổi đình nổi đám gì lắm đâu". Qua cách nói có chút gì khinh khỉnh ấy, Thức đoán chắc Hòa trách mẹ ruột mình.
Thức tư lự:
- Có lẽ Hòa không ủng hộ sự nghiệp thi ca của bà mẹ.
Tùng Chi gật đầu:
- Tôi cũng nghĩ vậy.
Thức chợt thắc mắc:
- Bà Khánh Hà rất quý sách, thế tại sao sách của bà lại có mặt ở tiệm nhà em nhỉ?
Tùng Chi lơ lửng:
- Dĩ nhiên có người mang chúng tới bán. Cũng may tôi đã trả lại đúng chủ của nó.
Thức điềm đạm:
- Vẫn còn vài quyển ở nhà tôi. Tôi rất muốn gặp bà Khánh Hà để thay mặt ba tôi tặng lại bà ấy lần nữa.
Tùng Chi tròn mắt:
- Anh thích như vậy à?
Thức ngậm ngùi:
- Tôi nghĩ là ba tôi thích như vậy. Cách đây không lâu, tôi có cho ông biết về số phận những quyển sách cũ. Ba tôi tỏ ra rất bức xúc, ông băng khuăn,lo lắng không biết người ông tặng sách đó bây giờ ra sao. Ông muốn tôi tìm giúp cho ông bà Khánh Hà.
- Bác trai vẫn nặng tình quá.
Thức nói:
- Vâng, cũng vì nặng tình với người xưa mà ba mẹ tôi cắn đắng mãi. Sau cùng không chịu nổi, ông đã bỏ mẹ tôi ra đi.
Tùng Chi ngập ngừng:
- Anh không trách ba mình chứ?
Thức xa xôi:
- Lúc đó tôi 12 tuổi. Cái tuổi tò mò với tất cả mọi thứ xung quanh, cái tuổi rất cần có một người cha bên cạnh. Thế nhưng ông đã bỏ tôi, với ông tôi chả là gì cả và dĩ nhiên tôi đã rất hận và rất mặc cảm. Cái mặc cảm của một người con bị cha bỏ rơi, mẹ có chồng khác đã ăn sâu vào từng chân tơ kẽ tóc, nó khiến tôi trở nên tự ti với bản thân, với bạn bè.
Tùng Chi chợt xót xa, cô quan tâm tới anh thật tình:
- Bố dượng của anh có tốt không?
Thức gật đầu:
- Ông ấy tốt, nhưng cũng chỉ là bố dượng. Tôi có thêm một đứa em trai cùng mẹ, hiện giờ nó đang du học ở Singapore. Anh em tôi khá hòa thuận, nhưng điều đó không làm tôi bớt lẻ loi. Nhỏ Oanh Nhi bảo tôi nên tìm một người yêu. Tôi quen nhiều, đã gặp người mình ưng ý, vô duyên là người ta không thích tôi.
Tùng Chi chớp mắt, cô tránh cái nhìn của Thức vì nó khiến cô xốn xang.
Giọng Thức trầm xuống:
- Giờ tôi đã hiểu nhiều điều chớ không trẻ người non dạ như xưa, tôi không trách ba mẹ mình. Tôi tự an ủi khi nghĩ mỗi người có một số phận. So với bao nhiêu số phận khác, tôi vẫn sung sướng hơn nhiều.
Tùng Chi tấm tắt:
- Anh đơn giản quá nhỉ?
Thức nói:
- Đơn giản vẫn dễ sống hơn. Phức tạp không chỉ khổ mình mà còn khổ người khác nữa.
Chi đan hai tay vào nhau:
- Anh ngụ ý gì mà nói thế?
- Không ngụ ý gì cả. Tôi chỉ nói điều tôi rút ra từ kinh nghiệm sống. Nếu ba tôi đơn giản hơn, ông đâu đơn độc tới giờ.
Tùng Chi cong môi:
- Anh không bắt một nhịp cầu nối giữa ba anh và bà Khánh Hà đó chứ?
Thức dài giọng đọc:
"Em từ kiếp trước
Tôi từ kiếp sau
Mây khói trên đầu
Trùng phùng mấy thưở"
Anh nói tiếp:
- Tôi không cần phải bắt cầu. Nhưng em thấy đấy. Có những người cứ như mấy và khói. Rồi cũng sẽ trùng phùng.
Tùng Chi che miệng:
- Nói cứ như sấm truyền. Nhưng làm cách nào cho mây khói trùng phùng đây?
Thức đặt thẳng vấn đề:
- Tôi rất muốn gặp riêng bà Khánh Hà, em giúp tôi chứ?
Tùng Chi kêu lên:
- Sao lại là tôi khi tôi không quen, không biết bác ấy. Anh đặt thẳng vấn đề với Hòa vẫn hay hơn.
Thức nói:
- Thoạt đầu tôi cũng có ý định vậy nhưng chắc gì Hòa đồng ý khi biết mục đích của tôi.
Chi cắn môi:
- Sao anh lại nghĩ Hòa từ chối?
Thức nhún vai:
- Trực giác của tôi nói lên điều đó. Anh ta là người đặt bản thân mình cao hơn tất cả, nên từ chối là tất nhiên.
Tùng Chi nhoi nhói vì nhận xét của Thức. Dường như cảm nhận được sự khó chịu của Chi, Thức phân trần:
- Xin lỗi, tôi không cố ý nói sau lưng người khác.
Chi gượng gạo cười:
- Anh có quyền nhận xét chứ. Nhưng tôi sẽ giúp anh bằng cách nào đây?
Thức ngập ngừng:
- Em có thể hỏi hộ tôi số điện thoại của bà Hà.. Hoặc là địa chỉ cũng được.
Tùng Chi nhấn mạnh:
- Tôi sẽ hỏi dù với tôi ở thời điểm này thật không dễ dàng chút nào. Nhưng sau những gì anh đã làm cho tôi, tôi sẽ cố vì không muốn mắc nợ.
Thức bức rức:
- Xin lỗi, tôi thật thiếu tế nhị Khi không chịu nghĩ cho Tùng Chi. Thôi, không dám phiền em, tôi sẽ tự giải quyết chuyện của mình.
Tùng Chi so vai làm thinh. Hai người rơi vào im lặng. Chi chợt ấm ức buồn khi nghĩ bữa nay Thức đến đây không chỉ đơn thuần để thăm cô vì … nhớ mà có mục đích riêng. Ấy vậy mà Chi tưởng anh chàng si mình lắm lắm. Tùng Chi cũng tham lam, cô không thích Thức, cô đang "thất tình" Hòa, song lại muốn Thức phải lụy mình … thật là lụy kìa.
Trong lúc đó, Thức lại ân hận vì sự vụng về của mình. Anh muốn được gần gũi Tùng Chi, nhưng vô tình khiến cô bé hiểu lầm. Anh đã thất bại, giờ lại thất bại thêm lần nữa.
Thức ngậm ngùi đứng lên:
- Tôi về …
Hai Bờ Thương Nhớ Hai Bờ Thương Nhớ - Trần Thị Bảo Châu Hai Bờ Thương Nhớ