Hoa Mai - Giả Bình Ao
ùa đông năm ấy, trời giá rét khác thường, ông Nam ở tít tận Tần Lĩnh gửi thư đến mời Thạch Lỗ đến xem hoa mai. Mai ở Tần Lĩnh trồng kín cả một con ngòi cạn. Khi tuyết xuống, mai nở đỏ như từng giọt máu.
Ông Nam làm nghề đốt than, năm năm trước gửi một giỏ mây than thật to đến cho Thạch Lỗ, nhờ ông này vẽ cho bức tranh thần lửa. Thạch Lỗ vẽ xong, không nhận giỏ than mà cởi bầu rượu đeo ở thắt lưng ông Nam xuống mà uống. Rượu này ngâm với nụ mai chưa nở, vừa ngọt lại vừa thơm thoang thoảng. Khi uống cạn bầu ruợu thì họ trở thành bạn của nhau. Rượu hoa mai uống dịu mà say. Buổi chiều hôm ấy Thạch Lỗ uống say nhũn người ra, chẳng còn biết gì nữa, còn ông Nam chiều tối về đến Thạch Dương Hiệp rượu mới ngấm, lăn quay trên tuyết mất một đêm, từ đó mắc phải chứng suyễn. Mùa đông năm nay, mấy lần khó thở suýt chết, ông Nam biết mình khó qua được mùa xuân, cho nên mới gửi thư cho Thạch Lỗ, mong được gặp bạn quý lần cuối cùng. Nhưng thư không nói đến chuyện ấy, chỉ báo tin mai nở đầy cả một con ngòi cạn mà thôi.
Nhận đuợc lá thư viết trên mảnh giấy nhờn nhờn, Thạch Lỗ biết đây là tờ giấy lót mũ của ông Nam nên nhờn gàu. Ông buông câu chửi thật thoải mái:
— Đúng là đồ con rùa!
Chửi xong, ông rơm rớm nước mắt. Lâu lắm rồi ông không nhận được thư của bất kỳ ai, chỉ ông già đốt than mái tóc bạc phơ là gửi thư cho ông mà thôi. Trời xuống tuyết thế này mai nở đầy cả một con ngòi cạn, đẹp biết mấy! Ông nhanh tay xé một mảnh giấy vấn một điếu thuốc lá vụn, châm lửa rồi rít lấy rít để, rít đến mức cong lưng lại như con tôm, mắt đỏ cả lên, rồi mới chệnh choạng ra cửa phả khói.
Dường như vừa mới đêm qua thôi, ông cùng với ông Nam ngủ say sưa trong căn nhà đất ấy. Bỗng họ nghe một tiếng động rất lạ. "Chồn đấy!" Ông Nam lập tức vớ lấy súng và đánh thức ông dậy. Vừa mở mắt ra, Thạch Lỗ thấy ngay một cành mai thò qua khe cửa, đầu cánh là một đóa mai tươi rói. Hôm qua vào nhà, cành mai ấy đang đung đưa theo gió ở trước cửa, chỉ qua một đêm đã nở thành sắc màu tươi tắn đến vậy! Ông đưa tay kéo cành mai mới biết cửa đã bị tuyết phủ kín. Mở cửa ra, tuyết không sập đổ xuống mà đóng chắc thành bức tường trắng xóa. Cành mai như mọc từ bức tường trắng đó mà ra. Ông Nam cười hì hì, nhe mấy cái răng đen sì trên nền lợi đỏ. Ông không nói gì, chỉ cầm củi đốt cái nồi không, đốt đến mức nồi rực đỏ. Hai tay cầm hai quai nồi như cầm cái mộc, ông bước ra cửa, nồi đi trước, ông theo sau, bước ra khỏi cái hầm tuyết bắt đầu tan chảy. Xung quanh là thế giới trắng xóa như bạc, hoa mai điểm hồng khắp nơi. Một cái bóng lông màu vàng óng chạy vụt đi, súng nổ đùng một phát. Nhưng súng bắn chỉ thiên, khói còn vương trên đầu nòng. Người bắn bị súng giật ngồi phệt xuống đất, cười ha hả.
Bây giờ, xúc động vì những hồi tưởng mạnh mẽ, Thạch Lỗ cũng buông mình ngồi phệt xuống ghế mây, chiếc ghế cũ nát rên lên mấy tiếng cọt kẹt. Thạch Lỗ nhìn thấy khói thuốc từ miệng mình bay lên, tàn thuốc dài cuối cùng không guợng được cũng rơi lả tả xuống vạt áo bông bọc bằng vải đen. Nam ơi, ông bạn Nam ơi! Thạch Lỗ lẩm bẩm, trong phút chốc mặt mũi nhăn nhúm già hẳn đi, ngồi bệt trong ghế mây như một đứa trẻ bị bệnh bại liệt. Thạch Lỗ biết không thể ra đi được. Không phải vì một chân ông bị què mà vì ông bị kết án tử hình được hoãn một thời gian. Tuy cuối cùng án này không thi hành, thậm chí còn tuyên bố xóa án, nhưng khi chưa được phép, ông không thể đi khỏi thành phố này. Thành phố này sở dĩ nổi tiếng khắp Trung Quốc bởi có một vòng tường thành hoàn chỉnh. Mỗi ngày, khi hoàng hôn buông xuống, ánh nắng vương trên gạch đá loang lổ trong thành đọng lại thành những vạt màu đỏ, những hình răng cưa cao thấp kéo dài mãi trên đầu tường thành trông chẳng khác gì những cái cọc gỗ giăng lưới thép, treo chuông điện trên đầu tường các nhà ngục.
Ba ngày trước, thằng con út của ông thả hết số chim bồ cầu nuôi. Ông có thói quen ngắm nhìn chuồng bồ câu trên bệ của sổ, tưởng tượng ra cảnh đột nhiên chúng lại bay cả về đứng đó. Nhưng ông lại mong chúng đừng bao giờ bay trở về. Cửa sổ hôm nay trống vắng, kính chỉ che được gió chứ không ngán được cái lạnh, qua đó ông nhìn rõ con mèo ốm đang nằm chỗ tưởng lở, còn trong sân là cây xuân đứng co ro.
— Bác Nam này, uống rượu đi chứ!
Thạch Lỗ bỗng buột miệng thành tiếng mời hào hứng. Trong nhiều năm tháng qua, ông hiểu rằng nhà nghệ thuật thường cô đơn nhưng lòng ông không yên được với chuyện đó. Ông cũng không chịu cô đơn. Chính trị vẫy gọi, nhiều việc quấy rầy, rồi biết bao người hâm mộ tranh, chữ cứ vây lấy ông như một bầy sói. Cách mạng văn hóa vừa bắt đầu, ông đã bị phê phán. Ông nghiêm túc tự kiểm thảo, cố gắng thay đổi con người mình, mong mình vẫn là người được tín nhiệm, được coi trọng trong xã hội thời đại này. Nhưng ông đã thất bại. Phê phán vẫn không ngừng thăng cấp, thậm chí kết án tử hình có hoãn thi hành án một thời gian. Đến lúc này ông mới biết họ đâu cần nghệ thuật. Và cũng đến lúc này, lòng ông mới hoàn toàn lắng xuống. Không mời người đến xem tranh, ông có thể để hết tâm trí vào việc vẽ tranh cho mình, vẽ tranh cho người thành tâm yêu tranh ông, vẽ tranh cho người đời sau nữa. Đó chính là cảnh giới mà từ sâu thẳm trong lòng ông hướng tới từ bao nhiêu năm nay.
— Phần bác cốc này, cốc này phần tôi! Rượu rót đầy hai cốc.
Bên chiếc bàn vuông nho nhỏ, Thạch Lỗ nâng chén lên uống cạn. Rồi ông nâng tiếp chén rượu phía bên kia bàn lên, gọi tên ông Nam, còn rượu lại rót vào miệng mình. Món nhắm là một đĩa ớt chỉ thiên muối, ngoài ra còn một hộp chè. Hộp chè cố ý để cho chè mốc lên, bốc một nhúm bỏ vào miệng nhai. Bây giờ, ông thực sự hưởng thụ cô đơn. Trong ngôi nhà thấp bé mái lợp bằng nhau, ông cô đơn như một con hổ già.
Khi mí mắt Thạch Lỗ đã nặng trĩu xuống vì ngà ngà say, thì chuông trên lầu chuông của thành phố cổ này vang lên ba tiếng trầm trầm ngân nga rồi lại thêm một tiếng nữa. Thạch Lỗ mở bừng mắt ra, cảm thấy lạ. Lầu chuông cổ lỗ cách sân nhà ông không xa mà thực ra từ lâu đã không còn đánh chuông trên lầu ấy nữa. Thạch Lỗ biết chuông không đánh nữa bởi cái chuông bằng sắt khắc đầy văn tự cổ ấy mấy chục năm trước đã được gỡ từ trên xà treo xuống đặt dưới nền lầu.
Nhưng một tháng trước đây, ngày nào Thạch Lỗ cũng thấy chuông gióng lên, ông bảo với người nhà rằng cái chuông biết tự kêu. Người nhà nói đó chỉ là ảo giác, nhưng Thạch Lỗ khăng khăng rằng rõ ràng ông nghe chuông đánh, đánh ba tiếng mỗi ngày. Không hiểu làm sao hôm nay lại đánh bốn tiếng nhỉ? Thế rồi Thạch Lỗ nghĩ hẳn phải có nguyên nhân. Chuông báo tin có gì đó nguy hiểm chăng? Nghe nói dưới lầu chuông nguvên là xoáy nước biển, người ta phải xây lầu chuông để trấn yểm cho tòa thành này. Giữa lối đi dưới lầu chuông vẫn còn cái trụ đúc bằng thép, to bằng con lăn trục lúa, quanh trụ là dây xích sắt. Thạch Lỗ nghe xích sắt loảng xoảng vang lên mãi. Nửa đầu bên phải của ông cũng ù lên như có lũ tằm đang rào rào ăn lá dâu trong đó khiến ông rất khó chịu. Nước ở xoáy nước biển sắp phụt lên và lầu chuông sắp sập xuống chăng?
Nếu ở thành phố cổ này không còn lầu chuông nữa thì thành phố cổ này hoang vắng biết bao! Thạch Lỗ quyết định đi thăm Ngô Lão Giác. Ông gập chiếc khăn len màu cà phê cho thật phẳng rồi quấn quanh cổ nhưng không đội mũ. Ông để đỉnh đầu chầu lên trời nên từ chối không bao giờ mang mũ. Ông cũng thay giày bằng đôi giày vải lót lông đế mềm. Nữ cốt đầu tóc, nam cốt đôi giày, giày thì không bao giờ để bám bụi.
Ra khỏi vuông sân nhỏ bé là nhà tập thể của Hội Liên hiệp Mỹ thuật. Tuyết xuống mấy hôm trước vẫn chưa tan hết. Trời rét căm căm. Nhiều đám tuyết dưới chân người qua lại đã thành những lớp băng bẩn thỉu. Từng đợt gió lọt những tờ báo chữ to khiến giấy rơi bết xuống đó. Thạch Lỗ dùng đầu gậy chống gõ cồm cộp xuống đám băng, cánh cửa khép hờ cửa ngôi nhà ba gian trực cổng ra vào lập tức mở ra.
— Thạch tiên sinh, ông đi chơi đấy à? — Một bà già hỏi.
Tiên sinh? Thạch Lỗ cảm thấy cách xưng hô này hài hước thật nhưng ông không sửa lại cách gọi của bà già gác cổng đã hơn mười năm nay:
— Vâng, tôi đi chơi, nhưng không ra khỏi thành đâu!
— Bây giờ là mấy giờ rồi? Tôi không có đồng hồ! — Bà già nói.
— Một giờ trưa.
— Thạch tiên sinh, xin ông ghi vào sổ trực giúp, tôi không biết chữ! — Bà già mở nắp chiếc bút máy ra đưa cho ông.
Thạch Lỗ thấy một quyển sổ đăng ký. Trong sổ chia thành từng cột, phải ký tên vào từng cột là mấy giờ ra khỏi cổng, đi đâu, mấy giờ thì về.
— Đây là quy định mới, Thạch tiên sinh ạ. Tôi chỉ biết gác cổng thôi như con chó giữ cổng vậy... Trời chưa tạnh ráo hẳn, phố xá bùn lầy, tiên sinh đi đôi giày mới tinh kia ư?
— Nguời chết rồi thì được đi giày mới chứ? — Thạch Lỗ nhìn bà già mỉm cười — Tôi đã bị kết án tử hình cũng như người đã chết rồi, phải không bà?
Ông dùng đầu gậy chỉ vào biểu ngữ dán trên tường lối đi ra cổng, trên giấy viết: "Đả đảo họa sĩ phản động Thạch Lỗ!" Đầu gậy nhuốm bùn nên vạch thành hai dấu X trên hai chữ Thạch Lỗ khiến ông bật cười. Lần cười bật thành tiếng này ngờ đâu cười rơi cả răng cửa xuống đất.
— Ôi răng đâu rồi, răng đâu rồi!
Ông khom lưng cúi xuống tìm quanh trên đất. Bà già gác cổng lượm lên giùm ông. Cái răng rụng đen như hạt đỗ đen. Ông không đi ra nữa, mà quay trở lại khu nhà tập thể. Nhà ở đây thấp nên xây thêm một nhà lầu phỏng theo lối cổ ở mé bên phải sân. Đây từng là nơi ông đón tiếp khách mời nước ngoài, cùng nhau trao đổi về nghệ thuật. Nhà gác này cao nhất nơi đây. Theo phong tục, phải cất chiếc răng rụng ở trên cao, chỗ mái nhà.
Đi đến chỗ ngoặt góc tường có một bóng người nhô ra, khẽ gọi tên Thạch Lỗ. Đó là ông Lục gù. Ông Lục cúi người nói nhỏ cho ông biết tin họa sĩ Lý Duy đã tự tử. Thạch Lỗ sững người ra nhưng không hoảng hốt. Ông Lục hỏi đến nhà hỏi thăm không, Thạch Lỗ từ chối, chỉ ngâm câu đối viếng:
Sáng nghe đạo, tối chết được rồi,
Nay về sau, bác đà miễn khỏi.
Ngâm xong, Thạch Lỗ từng bước một đi ra cổng. Ông Lục thoáng nét nghi hoặc, khi nghe bước chân què của Thạch Lỗ ra khỏi cổng, thì cười hì hì nói:
— Mình chưa nghe đạo, già mà chẳng chết cho ắt sẽ thành giặc!
Trên đường phố, giá lạnh khác thường. Xe ô tô nghiền nát những tảng băng làm vang lên tiếng vỡ vụn như tiếng pháo. Thạch Lỗ lại đi qua lầu chuông, nhìn lên nóc lầu. Ông không nhìn rõ quả chuông sắt, cọc sắt và dây xích sắt, bởi một đám người đang bu quanh mà la hét. Trên thanh xà gỗ cao cao đang có một người đứng khom lưng chịu cho phê phán. Mùa hè năm ngoái, từng đứng ở vị trí này là nhà văn họ Đỗ. Quần ông Đỗ nhăm nhúm, có tiếng người chửi:
— Đồ chó đẻ, tiền nhuận bút ăn cho lắm vào, dùng cả bao tải mới hết kia đấy!
— Tôi nộp làm Đảng phí tất cả rồi mà! — Ông Đỗ phân bua.
Người kia giơ tay định tát, nhưng tát không tới mặt ông Đỗ, bèn nhảy lên nhổ một bãi nước bọt, rồi nhảy và nhổ nước bọt lần nữa:
— Đồ chó đẻ! Ai thấy mày nộp? Đồ chó má, phản cách mạng!
Thạch Lỗ bước lên, nhưng chỉ đến kéo quần ông Đỗ được ngay ngắn mà thôi. Cử chỉ này khiến đám người phê phán lặng đi một lát, sau đó cảm thấy đó là cử chỉ cốt làm nhục nên họ xúm vào đấm đá khiến ông ngã giúi xuống, từ đó gãy một bên chân. Bị nhốt trong chuồng bò, họ để cho chân ông tự lành, nhưng cái chân tự lành đó vẹo đi, nằm không duỗi thẳng được hai chân như nhau, đi thì chân cao chân thấp.
Thạch Lỗ ngoặt về bên tay trái vào cửa hàng mua một cái đèn lồng rồi vội vàng qua đường cái phía Tây, quặt về Nam, rẽ sang Đông, vào một ngõ hẹp và ẩm ướt, vừa đi vừa chửi ngõ khấp khểnh, chửi cho đến cửa cổng nhà ông Ngô Lão Giác mới thôi.
Ngõ này dài lắm, Thạch Lỗ ra sức đập cái vòng đồng trên cánh cổng gỗ đã bị sơn thành màu đen. Ông Ngô là ông thầy nắn xương bị mù cả hai mắt. Bây giờ ông không thể công khai treo biển hành nghề nắn xương, đoạn số được nhưng vẫn bó xương và xoa bóp cho ai cần. Ông tự sơn đen cả cổng, cửa, cột và kèo. Cửa kin kít mở ra, bà vợ bó chân của ông Ngô mồm ngậm tẩu thuốc, bỗng bật cười kêu lên:
— Ôi trời, ban ngày ban mặt mà xách đèn lồng, rõ đúng là gặp ma!
— Đúng là ma mà! Nếu mà án tử hình được thi hành, xơi một viên đạn đồng, ắt là hung quỷ chứ còn gì nữa! — Thạch Lỗ đáp.
— Là dùng quỷ chứ! — Bà già nói rồi treo đèn lồng lên trên đầu cửa — Sao ông để tóc dài thế? Phải chăng tóc dài thì mới là họa sĩ?
— Thế không cho để râu, lại cũng không cho để tóc nữa à? — Thạch Lỗ nói.
Trong nhà có người lạnh lùng hừ một tiếng. Thạch Lỗ cười khà khà, tiếng cười rất quái dị. Ngô Lão Giác đang ngồi trên bệ cửa sau nhà trong, chỉ trông thấy lưng trong ánh sáng mờ mờ. Ông vốn có bộ râu tốt lắm, xong phái tạo phản bảo Mao chủ tịch không để râu, tại sao ổng lại để râu? Ngô Lão Giác đáp ông Marx chẳng rậm râu là gì. Phái tạo phản phẫn nộ vì ông lại dám so với Marx nên vặt trụi từng sợi râu của ông đi. Không còn râu, Ngô Lão Giác cảm thấy như mồm cũng chẳng còn song cuối cùng ông vẫn không chết bởi vị lãnh đạo mới của thành phố này bị bệnh đau lưng, cần ông xoa bóp cho. Ngô Lão Giác ngồi ở đó, hai tay đang bận làm gì đó trong cái túi vải. Túi vải đựng đầy cam và cũng đựng cả những mảnh vỡ của chiếc bình sứ bị đập vỡ. Ông ghép đi ghép lại những mảnh vỡ thành lọ hoa rồi lại gỡ tung ra để ghép lại.
Thạch Lỗ bảo:
— Ông luyện tay nghề càng giỏi thì chỉ tổ càng khiến cho lãnh đạo trúng độc!
— Trúng độc? — Ngô Lão Giác ngoảnh cổ lại, mắt trợn lên trắng dã.
— Xoa bóp ắt đâm nghiện, nghiện rồi thì có khác gì nghiện thuốc phiện!
— Thế ông nghiện rượu, nghiện trà lại nghiện vẽ tranh, hẳn cũng là nghiện ma túy chắc?
Trong bóng tối có một người đứng lên toan bỏ đi, song không kịp, đành đứng thẳng lên chào hỏi:
— Chào Thạch chủ tịch!
— Ai đó? Ai là Thạch chủ tịch?
— Tôi gọi quen mất rồi...
— Thì ra Bạch lão tiên sinh cũng ở đây à?
Gầy đét như miếng củ cải khô, Bạch Hà mặc quần áo Hồng vệ binh, trên đầu không còn là mũ lông kiểu mũ Tagor nữa mà là chiếc mũ bộ đội mềm oặt, trông chẳng ra làm sao.
— Sao cụ thấy ông ấy vẫn còn sợ thế? — Ngô Lão Giác hỏi.
— Ông ấy cai quản tôi hơn mười năm mà!
— Tôi bây giờ là cái xác biết đi, tội phạm bị kết án tử hình mà! — Thạch Lỗ nói. Bạch Hà lớn tuổi hơn Thạch Lỗ. Hồi ở Diên An, Thạch Lỗ mới chỉ vẽ tranh minh họa cho báo bảng đen thì Bạch Hà đã thành họa sĩ có tên tuổi ở Bắc Kinh. Lúc ấy Ngô Bội Phu ở Bắc Kinh nhờ người đến xin tranh, ông vẽ một con chim ưng. Sau Tưởng Giới Thạch tới Bắc Kinh, nhờ người đến xin tranh, ông cũng vẽ con chim ưng. Rồi sau nữa, Mao Trạch Đông về ở hẳn Bắc Kinh, ông cũng vẫn vẽ chim ưng. Năm xưa, một quan chức quan trọng của Quốc dân đảng cho ông đi sang Đài Loan, ông hỏi người ấy Đảng Cộng sản trở về có cho bán tranh không? Đáp có, thế là ông không đi Đài Loan nữa. Nhưng chỉ bán tranh được có mấy năm thì không bán được nữa. Không ở được kinh thành, ông trở về quê sống vẫn khôg vẽ được về cuộc sống mới bèn lén lút bán tranh. Thạch Lỗ từ Diên An về đây chủ trì công tác của Hội Liên hiệp Mỹ thuật, không tránh khỏi điển hình, nêu tên phê bình.
Thạch Lỗ ngồi trên ghế đẩu quấn điếu thuốc, cái chân què đặt thế nào cũng không thoải mái, ông bèn nhấc lên gác vào chân bên kia, khi hút thuốc bộ dạng y hệt con khỉ gặm lê.
— Bạch lão tiên sinh này, nghe nói khi tôi bị kết án từ hình, cụ có đốt cho tôi tờ giấy lên đường phải không?
— Ai bảo ông thế?
— Nghe được tin ấy, tôi phấn khởi uống cả một can rượu nóng, say đến ba ngày, trên người da bong cả ra như tắm lột xác vậy, — Thạch Lỗ toan đứng lên nhưng chân không vững ngã bệt xuống đất, bỗng nói — Bạch lão tiên sinh, tôi không phải với cụ.
Ngô Lão Giác và bà vợ không hiểu đầu đuôi ra sao, còn Bạch Hạ thì hiểu rõ lắm, nói:
— Dào, ai không phải với ai nào? Thạch chủ tịch, tôi thật sự mong ông lại quản tôi, điểm danh phê bình tôi. Cứ để cho họ phê, họ còn khám tung nhà tôi lên nữa đấy.
Chua xót trong lòng, Thạch Lỗ thấy Bạch Hạ áp tay nửa mặt, hít hà xít xoa bèn hỏi:
— Cụ đau răng à?
— Họ giáng cho tôi cái bạt tai làm rụng mất một cái răng. Cả hàm răng đều lung lay, hơi một tí là đau.
— Tôi sẽ chữa cho cụ. — Thạch Lỗ nói — Ông Ngô biết nối xương nhưng chưa chắc đã chữa được răng đau.
Ông ấn đầu Bạch Hà vào cạnh cửa rồi bấm huyệt ở dưới vành tai trái khiến ông Bạch kêu ré lên như lợn bị chọc tiết. Tiếng kêu ấy chui vào trong óc, Thạch Lỗ lại cảm thấy như có tằm đang ăn dâu trong đó. Sau đó là chuông trên lầu chuông gióng lên. Thạch Lỗ hỏi:
— Chuông trên lầu xưa nay vẫn đánh ba tiếng, sao hôm nay lại đánh bốn tiếng nhỉ?
Dường như Ngô Lão Giác, bà vợ và Bạch Hà đều không để ý tới câu hỏi đó. Thạch Lỗ lại nói:
— Lão Giác này, ông lắng tai nghe xem có phải lầu chuông sắp đổ rồi không?
Lần này Ngô Lão Giác nghe rõ, bèn nghiêng tai đợi nghe tiếng động ở bên ngoài. Nhưng chuông trên lầu chuông không đánh, từ ngoài sân dội lại tiếng trống chiêng huyên náo ầm ĩ.
— Thạch chủ tịch có biết không, Mao chủ tịch đăng thơ và từ đấy! — Bạch Hà nói - Năm nay tuyết xuống nhiều, hoa mai trong thành Bắc Kinh nó đẹp lắm!
— Để chúc mừng sự kiện đó ư? — Thạch Lỗ hỏi — Thơ từ thế nào? Ông đọc cho nghe nào!
— ... Xinh cũng chẳng tranh xuân... Cười trong khóm cây xanh...
Ba người không nói gì nữa. Bà vợ ông Ngô Lão Giác luôn miệng hút sòng sọc một hơi đầy điếu bát, nói:
— Lãnh tụ vĩ đại còn là nhà thơ vĩ đại! Ông Thạch này, ông thấy bức tranh kia thế nào? Ông nhà tôi thì mù, còn tôi chẳng hiểu gì về tranh cả.
Thạch Lỗ bây giờ mới nhìn thấy một cuộn tranh dựah ở góc cửa, sau bức tranh có đề Trình lên Trung Nam Hải ở Bắc Kinh. Mở ra là một bức vịnh mai, khổ rộng sáu thước ta. Hoa mai dày như gấm, màu tươi vô cùng.
— Thạch thư ký — Bạch Hà có vẻ ngượng — Ông xem giùm cho, đây là bức tranh tả ý trong thơ và từ của Mao chủ tịch. Xưa nay vẽ mai phải thưa, sắc nhạt, tôi vẽ có phần ồn ã quá...
Từ nãy đến giờ Thạch Lỗ xaoy ngược bức tranh lại mà ngắm, nói:
— Cụ đưa tranh đến để Ngô Lão Giác bói xem trình tranh lên rồi số phận ra sao phải không? Bạch lão tiên sinh này, xem ra tôi vẫn phải phê bình cụ, cụ lại muốn bán tranh lấy tiền phải không?
— Tôi vẽ để trình lên Trung Nam Hải. Ông Giác sắp chữa gãy xương cho Chủ nhiệm Ủy ban cách mạng của tỉnh, ông ấy có thể gặp được ông Chủ nhiệm để nhờ trình lên. Tôi mà lại toan đòi tiền của Trung Nam Hải hay sao?
— Thế thì ông muốn gì? — Thạch Lỗ vẫn xem ngược bức tranh — Tôi có biết vẽ hoa mai đâu.
— Sao ông lại không biết vẽ mai? Thạch Lỗ lại không biết vẽ mai hay sao?
— Hoa mai của ông không phải đua tranh cùng xuân mà là chiếm lấy xuân. Tôi chỉ biết một điều: hoa mai không phải thứ hoa xu nịnh.
Thạch Lỗ đứng lên bước ra, chân cà nhắc, cà nhắc, cây gậy chống gỗ cồm cộp trên đất, gạt đổ cả túi vải đựng cám của Ngô Lão Giác. Thuận thế, ông Ngô nắm lấy gậy, kêu to:
— Thạch Lỗ, Thạch Lỗ...
Thạch Lỗ chưa kịp ngoảnh lại thì bên chân què đã bị giáng một gậy, Thạch Lỗ ngã xuống đất kêu trời, không đứng lên được. Ngô Lão Giác nói:
— Ông cứ thế mà đi hay sao? Lầu chuông đổ hay không quan hệ quái gì đến tôi, nhưng tôi phải chữa chân què cho đồ rùa Tứ Xuyên nhà ông. Thế nào? Gãy rồi chứ? Không phang gãy thì tôi nối lại xương cho ông sao được?
Tức thì lần đến nắn chỗ xương gãy, nắn đến mức xương vụn kêu xào xáo. Thạch Lỗ buột miệng chửi: "Đồ con rùa!" nhưng không kêu đau.
— Ông đau thì cứ kêu lên nhé!
Thạch Lỗ vẫn không kêu đau mà ngất đi.
Khi tỉnh lại, Thạch Lỗ thấy mình đã nằm trong căn phòng nhỏ ở nhà. Ngô Lão Giác dùng thứ thuốc cao tựa phân gà đắp vào chân cho ông, lại cắt mấy thang thuốc bắc để bà vợ Thạch Lỗ sắc cho chồng. Thấy trong bã thuốc có rết, bọ cạp và một thứ bọ nữa, Thạch Lỗ bảo vợ:
- Bà nhặt con bọ cạp ra, đặt lên miếng ngói đem nướng trên than cho xém vàng để tôi nhắm rượu.
Tuyết như bông vụn rơi cả đêm, sau đó nắng to ba ngày, những giọt tuyết tan từ trên mái nhà lợp bằng lau tí ta tí tách nhỏ xuống. Thạch Lỗ nằm trên giường bảy ngày, ông vẫn nghe trên lầu chuông có tiếng chuông gióng, sợi xích sắt vẫn kêu xủng xoẻng. Ong bắt con trai tới lầu chuông xem thế nào, con ông tới xem xong trở về nói ngày nào cũng có những đội tuần hành chúc mừng thơ từ đăng trên báo, hôm nay trên loa có tần số mạnh đã phát thanh bài hát phổ thơ và từ của Mao chủ tịch, một số họa sĩ cũng treo tranh vẽ mai của mình lên bốn xung quanh tường lầu chuông.
Sẩm tối, đám quạ ở lầu bắn tên trên tường thành bay về đậu trên cây xuân ở ngoài sân đất. Con mèo già ốm vẫn nằm trên chỗ tường lở bao quanh sân. Đám quạ bay xuống đậu không xa nhưng nó chẳng thèm để ý. Bà vợ ông trộn cơm gọi nó, nó cũng không xuống mà cũng chẳng kêu meo. Bà vợ nói:
— Con mèo này xem chừng muốn chết quá!
Thạch Lỗ quay người ngoảnh mặt vào tường. Bỗng ánh sáng trong nhà tối đi rồi ông Mã vừa bước một chân vào đâ nói oang oang:
— Thạch tiên sinh, Thạch tiên sinh! Sao chân lại gãy nữa à? Gãy chân mà cũng chẳng bảo con đến báo cho tôi một tiếng! Tôi đã bảo mà, họa sĩ dù sao cũng làm cao, tôi không đến mời là ông chẳng chịu thưởng thức món thịt dê, tôi đành phải mang đến tận nhà đây! Ngồi đây nào, ngồi đây nào!
Thạch Lỗ ngồi dậy. Một bát to tướng thịt dê có thả bánh bột viên nóng hôi hổi đặt trên bàn, ông Mã gò má nhô cao vẫn đang vừa nói vừa cười giục giã ông, tiếng to đến mức làm rung cả căn nhà lá, khiến mấy hạt đất rơi cả xuống. Từ ngày có cách mạng văn hóa đến nay, cách dăm ba ngày là Thạch Lỗ lại đến tiệm thịt dê thả bánh của ông già Mã ăn một bát lớn. Bao tử của người Tứ Xuyên ngoài bẩm tính trời cho thích ăn ớt chỉ thiên và ớt da hổ ra, ở thành cổ miền bắc này, họ chỉ duy nhất thích món thịt dê thả bánh. Ông Mã không ngại Thạch Lỗ. Ông là dân thường, thành phần lại tốt, cũng chẳng cần gì tiền đồ với lối ra nên thường cho Thạch Lỗ ăn thịt dê miễn phí, lại còn cho uống cả rượu nữa. Thạch Lỗ nghiện rượu nhưng tửu lượng ngày một kém, uống chưa bao nhiêu đã say, say thì cởi giày ra, ngồi xổm trên ghế đẩu nói:
— Ông Mã này, người khác dự buổi phê đấu thì ăn không ngon, ngủ không yên, tôi thì cứ ăn uống như thường. Chỉ có điều ăn lú lẫn thế nào đó mà không sao béo lên dược.
Ông Mã đáp:
— Có gọi cả con bò cho chui vào bụng ông thì ông cũng không thể hiện được tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Phản cách mạng có khác!
Thạch Lỗ nói:
— Hôm nay tôi ăn không của ông, có khi kiếp trước ông nợ tôi cũng nên. Khi nào tôi chết thì ông nhớ đặt một bát thịt dê vào trong quan tài, loại cực ngon ấy nhé!
Nói thế thôi chứ ăn uống xong, Thạch Lỗ gọi đem giấy bút đến vẽ một bức tranh tặng ông Mã.
Bây giờ Thạch Lỗ ngồi trên giường ăn hết bát thịt dê, nói:
— Tôi không vẽ được tranh cho ông nữa rồi.
— Tôi cũng không cần trahnh của ông! — Ông Mã đáp.
— Nhưng món nợ tranh này phải trả chứ! — Thạch Lỗ đáp — Thôi thế này, từ ngày mai trở đi, mỗi ngày ông đưa một bát thịt dê đến đây, mỗi bát một bức tranh. Ông thích hay không thích tranh tôi, tôi vẫn cứ vẽ cho ông. Ông có đem dán cửa sổ cũng là việc của ông.
Ông Mã ngoác miệng cười, miệng rộng đến bỏ lọt cả nắm tay. Ông ngoẹo đầu nói nhỏ:
— Tôi giữ tranh cho ông đấy! Sau này tôi in cho ông một tập tranh lớn.
Một tối cách một ngày sau, ông Mã lại tới, đề xuất việc vào sâu trong vùng Tần Lĩnh để thăm ông Nam. Ông bảo thành phố có quy định người chết không được chôn xuống đất nữa. Nhưng bây giờ thế đạo hỗn loạn, thường gia đình người chết nửa đêm khiêng quan tài ra ngoài thành chôn.
— Chúng tôi cho ông vào quan tài giả để khiêng ra khỏi thành phố nhé!
Ông Mã vỗ ngực, đảm bảo là thành công chuyện này. Anh họ ông ta có chân trong đội tuần tra trị an ở cổng thành Nam. Nhưng Thạch Lỗ giờ đây không còn hứng thú với hoa mai tít trong dãy Tần Lĩnh nữa rồi. Ông lại hỏi:
— Ông có nghe tiếng chuông trên lầu chuông gióng lên không?
— Không! — Ông Mã đáp.
Không à? Sao lại không được chứ? Ông yêu cầu khiêng cá ông lần giường ra ngoài sân.
Ngoài sân không có gió. Bốn bức tường đất, một cây xuân già, chỗ tường lở không còn thấy con mèo già ốm đau nữa. Thạch Lỗ kêu đòi rượu uống. Cái miệng bị mất chiếc răng cửa nhăn nhúm như một lỗ hổng đen sì. Những móng tay dài nghêu nắm chặt lấy cốc rượu, hết cốc này lại cốc khác nhắm với ớt chỉ thiên và trà mộc rồi lên tiếng:
— Ông Mã, ông là một đảng viên tốt!
— Tôi có phải đảng viên đâu!
— Không phải à? Sao lại không phải nhỉ? Tôi bây giờ mới cảm thấy, đời tôi là vì ông Nam mà sống, vì ông mà sống. Đem giấy mực đến đây, tôi vẽ cho ông. Ông muốn vẽ gì?
— Tôi không muốn nữa đâu.
— Tranh tôi dở lắm sao?
- Không đâu. Ông là một họa sĩ vĩ đại nhất của Trung Quốc đương đại.
— Thế thì sao ông lại không thích?
Ông Mã đưa mắt nhìn bà vợ Thạch Lỗ đang đứng ở cửa. Bà vội vàng chạy vào trong rồi gọi ông Mã chuyển giúp cái lò than. Ông Mã lập tức vào nhà. Bà hạ giọng dặn dò:
— Ông đừng có nói cho ông ấy biết nhé.
Thì ra số tranh mà ông Mã cất giấu đã bị láng giềng tố giác với phái tạo phản đóng ở phòng làm việc của khối phố, trưa ngày hôm trước phái tạo phản đã buộc ông Mã phải giao nộp rồi cho mồi lửa đốt ngay tại chỗ. Nhưng ông Mã còn có ảnh chụp.
Ở ngoài sân, Thạch Lỗ vẫn hỏi mãi:
— Ông không muốn tranh của tôi nữa à? Đồ con rùa, ông tưởng những tranh ấy là tôi vẽ qua quít cho ông hẳn? Tôi biết ông sẽ giữ gìn tranh của tôi nên lão già này mới nhờ ông cất giấu hộ, sau này sẽ xuất bản thành tập tranh. Thế hôm nay ông muốn vẽ gì? Tôi vẽ cho ông cái sân này nhé, ông bảo vẽ gì nào?
Miệng lầm bầm, Thạch Lỗ ngồi dậy rồi lại lớn tiếng gạn hỏi ông Mã. Ông Mã từ trong nhà đi ra, chợt nghe Thạch Lỗ đang nói:
— Ô này, bốn bức tường đất vuông vắn vây quanh, chính giữa là một gốc cây; bốn bức tường đất vuông vắn vây quanh, bên trong có một người là tôi. Thế là cái gì? Là chữ khốn hay chữ tù...
Tiếng nói trên giường dần dần nhỏ đi rồi không nghe thấy nữa.
Tới ngày thứ hai mươi hai, Thạch Lỗ đứng được lên. Chân ông thẳng ra rồi. Ông mắng Ngô Lão Giác là người thần rồi xách chai rượu đến tạ ơn Ngô Lão Giác. Qua cửa hàng thịt trước lầu chuông, thấy một hàng người đang xếp hàng mua thịt, ông cũng xếp hàng, chờ đến lượt, người bán thịt hỏi ông mua thịt gì, ông đáp:
- Mua cái mật, cái mật lợn đắng ấy.
Người bán hàng nghi hoặc nhìn ông, sau đó liền nổi nóng:
— Không bán!
Ông đang tính cãi sao lại không bán thì người bán hàng cùng tất cả khách mua đều gào lên:
— Muốn gây rối hả? Có phải đồ tâm thần không đấy? Cút!
Ông bị đẩy ra khỏi hàng.
Học trò ông, họa sĩ nghiệp dư Vương Trấn trẻ tuổi từng theo ông tới Thiểm Bắc vẽ tranh tại chỗ, vừa hay đi qua lầu chuông, thấy ông thầy mình vừa đi trên đường phố vừa kêu: "Có lẽ nào như thế!" thì vội vàng kéo ông tới chỗ khuất, bảo anh đang tính đến nhà tìm ông. Anh hỏi ông có biết ông Bạch Hà đã nhờ Ngô Lão Giác chuyển tranh của ông ta tới Chủ nhiệm Ủy ban cách mạng. Chủ nhiệm hết lời khen và đã phê chuẩn đặc xá, giải phóng cho Bạch Hà.
Thạch Lỗ kêu lên:
— Ông ấy chỉ ngụy trang đấy thôi!
Vương Trấn nói:
— Chủ nhiệm sắp đưa trình bức tranh ấy lên Bắc Kinh, không ngờ một nhân vật lớn từ Trung ương về thấy tranh liền nảy ý muốn triệu tập một trăm họa sĩ để vẽ mai. Nhân vật lớn ấy có nhắc đến thầy. Hiện tỉnh đã tổ chức ban trù bị, cử họa sĩ Âu Dương Thành phụ trách công việc cụ thể. Âu Dương Thành có nhờ em đến nói với thầy, đề nghị thầy cũng vẽ cho một bức. Thầy có hiểu ý của anh ấy không?
— Hiểu.
— Đây đúng là một cơ hội.
— Tôi không vẽ.
— Không vẽ sao?
— Không vẽ.
— Thầy ơi... Thầy phải học cách tự bảo vệ mình chứ... — Tôi không biết vẽ!
Thạch Lỗ giận dữ quay ngoắt người bỏ đi, không thèm chào học trò lấy một tiếng, cũng chẳng đến nhà Ngô Lão Giác nữa. Ông rướn cái cổ đầy những gân xanh đi thẳng về nhà.
Vương Trấn không hề giận thầy, tới quán bán thịt dê kéo ông Mã đang thêm gia vị cho nồi nước hầm để cùng tới nhà Thạch Lỗ khuyên can. Thạch Lỗ không về nhà uống ruợu một mình mà đem tất cả số mực đen đó vào chậu rửa mặt, pha keo vào, đổ cả vào chai rượu nữa rồi quét lên tất cả cửa ra vào, cửa sổ của gian nhà tranh vách đất, cột kèo cũng quét, cây cột dài trên đầu bức tường đất cũng quét cho đen sì, miệng nói:
— Xem kìa, có giống chùa chiền ở Thanh Hải không nào? Tường trắng cột đen, khung cửa sổ đen, giấy dán cửa trắng, xem chừng có đường nét màu sắc đơn giản rõ ràng của đồ đạc dùng trong nhà đời Minh Thanh đấy chứ nhỉ?
Tất nhiên Vương Trấn khuyên can thận trọng, còn ông Mã thì hầu như to tiếng chỉ trích. Thạch Lỗ cũng nổi nóng, gào lên như sói:
— Thằng già này không vẽ đấy!
Khi trèo lên thang để quét góc hiên, tay ông run rẩy bưng chậu mực, cả người lẫn chậu đổ lăn xuống đất. Ông Mã ôm Thạch Lỗ vào lòng, chợt nghe tiếng Thạch Lỗ nài nỉ:
— Ông đưa tôi đến Tần Lĩnh thăm ông Nam nhé?
Ông Mã đáp:
— Tôi không đưa ông đi đâu!
Đúng lúc ấy, Vương Trấn nhìn thấy trên khuôn mặt héo hon của thầy mình có hai dòng lệ ngoằn ngoèo chảy dài xuống. Nước mắt đục mà sánh, vừa lăn xuống thì vệt nước mắt đã khô ngay nổi màu trắng đục, như vết con sên bò qua tường. Còn mái tóc dài thô cứng đen sì dường như vừa dựng lên đã nằm rạp về tứ phía như bị gió quét qua vậy. Rồi chỗ tóc xoáy rạp ấy bắt đầu ngả muối tiêu, ngả màu trắng, như những vầng cỏ ngả trắng sau sương, ngả trắng thành sợi tơ bạc.
Một loạt họa sĩ trong thành đã vẽ xong bức tranh tả ý vịnh mai của họ, một loạt họa sĩ ở các nơi trong nước cũng được mời và cũng vẽ xong bức tranh tả ý vịnh mai của họ. Trăm bức tranh vẽ mai đều sum suê xán lạn, rực rỡ đỏ tươi. Vào ngày cuộc triển lãm tranh lớn long trọng khai mạc, Thạch Lỗ trong túp nhà tranh bắt đầu nhịn ăn, suốt ngày chỉ có rượu. Ông bị ngộ độc nặng vì chất độc trong rượu cồn, răng rụng mất một nửa, tay quắt lại như chân gà. Người nhà dọn cơm chờ ổng, cái miệng móm mém không còn răng phều phào nói:
— Cây xuân ngoài sân có ăn cơm đâu, chỉ uống nước thôi. Tôi cũng uống nước, rượu là nước mà.
Mỗi khi có rượu vào, dường như ông tỉnh táo hẳn lên, từ trên ghế mây bước xuống dưới giường, chui vào trong kho để đồ nhặt nhạnh một số thứ: rìu, cưa, giày đi mưa, dao, một đoạn dây thép và cái túi vải. Trong túi vải có bút lông, thỏi mực, giấy tuyên để chuẩn bị trốn tới Tần Lĩnh. Ông còn vẽ bản đồ đường đi tới Tần Lĩnh, trên có rất nhiều mũi tên đỏ dày đặc, chẳng khác gì bản đồ tác chiến của Hồng quân trên màn bạc.
Người nhà phải báo cáo với ngành hữu quan: Thạch Lỗ điên!
Thạch Lỗ điên thật rồi. Cuối cùng ông đã ra khỏi cổng vòm của cái thành này, tới được Tần Lĩnh mênh mông bát ngát. Ở vùng Tần Lĩnh sâu tựa biển, Thạch Lỗ không ngờ chẳng lạc đường tẹo nào tìm ngay được túp lều của ông Nam. Nhưng ông Nam đã chết, hoa mai trong ngòi hoa mai cũng hầu rụng hết thành bùn. Đứng trước giường ông Nam chết vì ốm đau, Thạch Lỗ nhìn thấy trên bức tường bằng đá chất lên mà xếp thành, dán đúng bức tranh thần lửa do ông vẽ. Nhặt một mẩu than củi còn sót lại trong góc nhà ông viết đôi câu đối dưới bức tranh:
Người đi nhà bỏ hoang,
Ta đến mai đang tàn.
Ngoảnh đầu lại từ cửa trông ra, phía xa trong núi kia là hướng về thành cổ. Ông lại nghe thấy chuông trên lầu chuông nơi thành cổ tự vang lên. Tiếng chuông này chẳng khác gì trăng trên trời, ông đi đâu trăng theo đấy, tiếng chuông cũng theo ông mãi như vậy chăng?
PHẠM TÚ CHÂU dịch
Tiểu thuyết tuyển chọn số 8, 1998
100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc 100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc - Nhiều Tác Giả 100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc