Z.28 epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Z.28 Vượt Tuyến - Chương 5: Lưỡi Dao Lá Liễu
iếng còi tầu thủy mà Nguyễn Đoàn nghe trước khi toàn thân dập nát, cũng vẳng đến tai Văn Bình.
Đã 12 rưỡi đêm. Lại một ngày nữa trôi qua. Văn Bình vẫn không tiếp xúc được với Phong Trào Yêu Nước. Từ nãy đến giờ, chàng nghiền ngẫm về câu nói bằng tiếng Đức của Đoàn trên đường Bờ Hồ mà chưa xuyên thủng được nghĩa. Nghĩa đen dĩ nhiên chàng đã hiểu, nhưng còn nghĩa bóng? Cũng có thể câu nói này không có nghĩa bóng vì Nguyễn Đoàn từng sống bên Đức, từng nói tiếng Đức quen và muốn dùng thứ tiếng ít ngưòi hiểu này để báo với chàng là địch đang bủa vây bốn mặt.
30 phút nữa chàng sẽ đánh điện cho ông Hoàng. Giờ này chắc ông Hoàng đang lênh đênh trên tàu ngầm ngoài khơi Hòn Nẹ, gần Sầm Sơn. Sở dĩ tiềm thủy đĩnh chở ông vào tận vùng địch, vì công tác giao cho Văn Bình thập phần quan trọng, ông cần có mặt tại chỗ để chỉ huy.
Khi chàng lên đường, ông Hoàng đã dặn đi dặn lại điều đó. Khác với bao điệp vụ đã qua, chuyến này ông yêu cầu chàng tuyệt đối thận trọng vì nếu hớ hênh trong hành động, hoặc hớ hênh trong việc chuyển tin, địch sẽ khám phá ra giềng mối của Tổ chức và nhất là tìm ra sự hiện diện của ông cách bờ biển Sầm Sơn ba bốn cây số.
Văn Bình mở nút chai bia Tiệp khắc, nốc một hơi hết sạch. Tuy chàng không thích uống bia nhưng ở đây dễ đâu tìm ra rượu huýt ky. Hai ngày ròng rã không được một giọt huýt ky vào dạ dầy đối với chàng dài như hai tuần lễ. Kỳ hạn ông Hoàng ấn định cho chàng là một tuần lễ.
Một tuần lễ là lâu nhất. Con tàu túc trực ngoài khơi sẽ nhô lên vào giờ và địa điểm đã định để đón Văn Bình, đưa về miền Nam vĩ tuyến 17. Nghĩ đến Nguyên Hương, cô thư ký riêng trẻ đẹp của ông Hoàng, Văn Bình cảm thấy thèm thèm, nước bọt tràn lên miệng. Gớm, công tác vùng địch sao chán thế? Rượu không có mà uống, thuốc Salem cũng phải cai, rồi đến cái khoản mông và ngực mỹ nhân cũng bị liệt vào danh sách quốc cấm.
Trong khi chờ đợi, Văn Bình hút tạm điếu thuốc Thăng Long vậy. Có lẽ lần sau nếu còn phải nhảy dù xuống cái đất "phải gió" này, chàng sẽ chánh thức yêu sách ông Hoàng cho chàng mang theo ít nhất mấy bịch Salem, hai chai huýt ky và một xếp hình người đẹp. Nghĩ đến đó thấy thú vị chàng bất giác cười to một mình.
Mặc dầu trời đã khuya, khách sạn còn thức. Chàng có cảm tưởng là ban ngày ở đây dài vô tận. 1 giờ sáng. Văn Bình mở tủ áo lôi cái cặp đựng điện đài ra ngoài, với dáng điệu thành thạo, dáng điệu của những người không bao giờ có cử chỉ thừa cũng như cử chỉ thiếu. Văn Bình kéo cái ăng ten bằng sợi thép tí hon ra khỏi hộp máy vô tuyến điện, đoạn đính vào chấn song sắt cửa sổ. Cửa lá sách bên ngoài đã đóng kín.
Cửa phòng cũng đã được khóa chặt. Tuy dây trời ngắn ngủi và hình thù cái máy có vẻ giản dị, nó là loại máy đánh tin, nhận tin nhạy cảm và tối tân bậc nhất. Sở đặt mua tận bên Đức. Trong chớp mắt, ngọn đèn xanh, nhỏ bằng cái nút bấm, lóe lên những đợt sóng xanh biếc. Văn Binh cầm cần mã tự rồi theo nhịp "moóc" đánh bản mật điện mà chàng vừa thảo cho ông Hoàng:
N.28 gởi H.H.
- 69 bị địch bắt stop. Chưa rõ sống chết ra sao nhưng chắc là chết stop. Đã đến tiếp xúc hai nơi như đã định nhưng kết quả thất bại stop. Địch đã biết stop. Xin thêm chỉ thị stop. Hãy trả lời hồi 3 giờ sáng stop. Hết.
Văn Bình tắt điện đài. Bốn bề vẫn không có tiếng động khả nghi. Trong vòng 2 giờ đồng hồ ông Hoàng sẽ phúc đáp. Giờ đây chàng cần ngủ giấc nữa cho lại sức. Để nguyên quần áo, Văn Bình trèo lên giường và giấc ngủ đã đến với chàng một cách dễ dàng như tài xế lái xe hơi bằng nút số tự động và vô-lăng dầu.
Tiếng ồn ào từ dưới nhà vẳng lên đánh thức chàng dậy. Như máy, chàng quơ khẩu súng Mannlicher giấu dưới gối, bắp thịt duỗi ra, đôi mắt sáng quắc như muốn chọc thủng màn tối, một tay chống lên nệm giường, trong thái độ chờ đợi. Một phút trôi qua. Tiếng ồn ào thêm rõ. Tiếng xe hơi đậu lại, máy rú thật lớn trước khi tắt. Và là tiếng người nói dõng dạc giọng nhà binh.
Chắc họ khá đông căn cứ vào nhiều giọng nói khác nhau. Tại sao Văn Bình không nghe tiếng giầy?
Chàng sực nhớ ra ở đây họ đều dùng giép cao su ô tô chứ không dận giầy da lộp cộp. Tuy vậy chàng cũng nghe tiếng giép quét lệt xệt trên bậc thang: họ lên lầu. Rồi tiếng đập cửa ầm ỹ, kèm theo khẩu lệnh:
- Dậy, dậy mau các đồng chí. Công an.
Công an? Công an? Công an khám phá ra chàng rồi chăng? Nhìn cái điện đài nằm lỏng chỏng dưới bàn viết, Văn Bình giật mình như bị ong đốt. Loáng một cái chàng cất máy vào chỗ cũ, phủ mấy chiếc sơ mi nâu lên trên rồi bước rảo ra cửa phòng, rút then mở cửa hé, đoạn trèo lên giường, chui vào mền giả vờ ngáy o o.
Tiếng đập cửa mỗi lúc một gần. Đã đến giãy phòng bên. Sau cùng đến phòng 217, phòng của Văn Bình. Chàng nghe rõ tiếng chân nhiều người đứng trước cửa rồi tiếp theo là tiếng gõ thật mạnh. Tiếng một người có lẽ là cấp chỉ huy:
- Ai trọ ở đây?
Tiếng người công an thường trực của khách sạn:
- Thưa đồng chí, đây là phòng đồng chí tỉnh ủy Hà Tĩnh, Đặng Thái Trinh.
- Đặng Thái Trinh? Chà tên nghe quen quá?
Chết rồi! Văn Bình chạm trán một người đồng hương với ông cán bộ Hà Tĩnh giả hiệu. Chàng vẫn chùm chăn kín mít. Một tiếng khác:
- Ơ kìa, cửa phòng không khóa, đồng chí Trinh đi vắng hả?
- Thưa, đồng chí ấy đang ở nhà.
Đèn bật sáng. Văn Bình giả vờ tung mền, dụi mắt. Tiếng người Công an thường trực:
- Xin lỗi đồng chí. Có đồng chí trưởng ban Khám Xét Khách sạn đến kiểm điểm giấy tờ. Xin đồng chí xuất trình chứng minh thư.
Văn Bình tạo một bộ mặt và nụ cười ngoại giao với gã chỉ huy. Tuy bề ngoài thản nhiên, lòng chàng hồi hộp vô cùng. Trong đời, chàng ít khi dùng khí giới hộ thân. Lần này, chẳng hiểu sao chàng lại mang súng và nhét nó dưới gối. Trong khi ấy, một công an viên tiến lại giường chàng sát cái gối dấu súng.
Văn Bình đâm ra oán trách ông Hoàng đã quá cẩn thận để thành thiếu sót. Cẩn thận từ cái may ô, cái xì líp, đến miếng giấy vụn trong túi áo Đặng Thái Trinh mà quên cấp cho chàng một giấy phép đeo súng và giữ súng. Thì ra trên đời, và nhất là trong nghề phức tạp này, không có ai dám tự hào là chu toàn. Văn Bình móc túi lấy chứng minh thư. Gã chỉ huy liếc qua rồi hỏi, giọng thân mật:
- A, đồng chí quê ở Hương Khê?
- Vâng ở Hương Khê.
- Quái sao giọng đồng chí lại hao hao như tiếng Nghệ?
Chết rồi! Chàng là người Bắc, tuy nói thạo giọng đàng trong nhưng chưa phân biệt được cái tế nhị giữa tiếng Hà tĩnh và tiếng Nghệ. Ấy thế mà chuyên viên của Sở cứ tấm tắc khen chàng là nói hệt cán bộ Hà tĩnh.
Văn Bình mỉm cười:
- Chà, bây giờ ai lại không pha tiếng. Đồng chí quên là trong 10 năm kháng chiến người tỉnh này chuyển qua tỉnh khác nên không còn đúng giọng địa phương. Như đồng chí Võ nguyên Giáp, đồng chí Đặng thái Mai ấy? Bây giờ các đồng chí ấy còn chút nào là giọng Nghệ Tĩnh đâu?
Viên chỉ huy gật đầu, tán thành:
- Đúng.
Hắn trả chứng minh thư cho chàng, rồi đổi giọng:
- Xin đồng chí vui lòng. Thường thường công tác hộ khẩu ở đây được giao cho mấy đồng chí thường trực phụ trách, một vài tháng tôi mới đến một lần. Nhưng tối qua thượng cấp ra lệnh cho tôi đích thân đến các nhà trọ và khách sạn, khám giấy tờ và kiểm soát căn cước hành khách.
- Chắc lại có chuyện gì?
- Phải, để tìm bắt một tổ chức gián điệp vừa nhảy dù xuống gần thủ đô. Địch nhảy dù xuống khá nhiều nên ta phải tăng cường quản lý hộ khẩu.
- Hừ, bọn chúng muốn vào nhà thương Vôi chắc! (1)
Gã chỉ huy cười the thé:
- Đồng chí nói phải. Sớm muộn ta sẽ phát hiện ra bọn gián điệp ngu xuẩn.
Đoạn hắn ra lệnh cho thuộc viên đi theo:
- Các đồng chí chia nhau vào lục soát đi.
Một tên vào phòng tắm, một tên khác mở cửa tủ lục lọi bên trong. Tim Văn Bình đập thình thịch trong lồng ngực. Chợt tên công an thương trực trong khách sạn khoa tay:
- Có gì mà khám? Chả lẽ gián điệp địch lại núp sau đống quần áo của đồng chí Trinh?
Văn Bình cười theo:
- Trừ phi gián điệp địch nhỏ bằng con chuột?
Sự pha trò của chàng có kết quả. Cánh cửa tủ vừa mở ra đã được đóng sầm lại.
Nhưng họa vô đơn chí!
Dường như mỏi chân, gã chỉ huy xô cái gối của chàng sang bên, định ngồi tạm xuống mép giường. Hắn thấy khẩu Mannlicher liền day lại hỏi Văn Bình:
- Đồng chí có súng à?
Văn Bình thản nhiên đáp:
- Vâng. Đảng ủy cấp cho tôi vì tình hình Liên khu IV chưa được ổn định.
- Khẩu Mannlicher của đồng chí đẹp ghê!
- Vâng, loại súng của Áo chế ra thường xinh gọn, bắn lại ít giật.
Một công an viên hỏi:
- Đồng chí có giấy phép dùng súng chứ?
Văn Bình cười khẩy:
- Dĩ nhiên. Cái đồng chí này mới lạ! Đại diện của tỉnh bộ đi công tác xa lại quên giấy phép súng? Hay là đồng chí nghi tôi là gián điệp địch?
Tên công an cãi:
- Em đâu dám thế. Em chỉ nhắc lại một điểm thủ tục.
- Đồng ý. Nhưng chúng ta nên biết phân biệt giữa bạn và thù. Đồng chí Lê quốc Thân (2) cũng căn dặn như vậy. Đây, nếu đồng chí hạch tôi, bắt tôi nộp cả giấy súng tôi cũng xin tuân lệnh.
Văn Bình nói bằng giọng sẵng và tức tối. Nói xong, chàng giả vờ quay về phía tủ. Chàng đoán không sai, tên công an thường trực mà khi mới đến chàng đã "bịt mõm" bằng chiếc đồng hồ Oméga mới tinh đã cứu chàng. Hắn can thiệp:
- Thôi, chẳn qua vì hiểu lầm cả. Xin đồng chí Trinh bớt giận.
Rồi ngoảnh sang viên chỉ huy:
- Mời đồng chí sang phòng 219.
Cả bọn lục tục kéo đi. Hú vía! Hai lần trong hai ngày Văn Bình suýt được làm thượng khách của Sở Công an Bắc bộ.
Đợi một lát sau, khi cuộc khám xét đã xong, chàng quay lại điện đài. Sắp đến giờ ông Hoàng trả lời. Dầu muốn dầu không, chàng chỉ còn trọ đêm cuối cùng ở khách sạn Hòa Bình mà thôi. Trước kia, chàng đội lốt Đặng thái Trinh vì vai trò của chàng chưa lộ. Địch kiểm điểm hộ khẩu, tất danh sách mọi khách sạn, quán trọ sẽ được soát kỹ. Chậm lắm là chiều mai, Công an Hà nội sẽ nhận được phúc điệp của ủy ban hành chánh Hà Tĩnh rằng Đặng thái Trinh là cán bộ ma.
Sau khi quan sát hành lang, và khóa chặt cửa phòng, Văn Bình vặn công tắc cho máy vô tuyến chạy. 30 giây đồng hồ sau chàng nhận được phúc điệp của ông Hoàng. Hai tai dán vào ống nghe tay phải hí hoáy cây bút chì, Văn Bình tập trung ý chí vào việc thu điện và dịch luôn trên giấy. Buổi phát thanh kéo dài đúng một phút, và 60 giây sau, chàng đã dịch xong bức mật điện.
H.H gửi Z.28.
Áp dụng kế hoạch AODS stop. Hôm nay sẽ có tiếp xúc tại khách sạn stop. Hãy y hẹn tại MHFQ stop.
Hết.
Đọc xong bức điện dịch, Văn Bình cảm thấy bồ hôi nhơn nhớt sau gáy. Kế hoạch AODS được ghi trong bức điện là kế hoạch nguy hiểm bậc nhất mà các tổ chức do thám trên thế giới chỉ áp dụng trong trường hợp tuyệt vọng: đó là nhân viên hoạt động trong vùng địch sẽ đến nơi chàng trọ để tiếp xúc, chứ không phải chàng đến tìm họ.
Tức là nội ngày nay Văn Bình không được đi đâu. Chàng phải nằm lì trong khách sạn Hòa Bình để chờ một nhân viên của Phong Trào Yêu Nước đến gặp chàng. Thế mới nguy! Khách sạn Hòa Bình không còn là nơi an toàn nữa. Chẳng sớm thì muộn, sớm là buổi trưa, muộn là buổi chiều hay tối, Công an sẽ phăng ra tông tích Đặng thái Trinh, và chàng sẽ sa lưới. Khách sạn Hòa Bình tọa lạc ở trong một khu vực nhà cửa thưa thớt, trong trường hợp bị bao vây chàng ít hy vọng thoát thân. Bỏ khách sạn đi, chàng sẽ làm hỏng kế hoạch của ông Hoàng, và mất liên lạc với Phong Trào Yêu Nước. Tuần sau, mặt mũi nào chàng dám tới địa điểm MHFQ, trèo xuống tàu ngầm trở về Sàigòn nữa.
Bên ngoài, trời dần dần sáng rõ. Quang cảnh sáng chủ nhật tấp nập hơn ngày thường. Qua cửa sổ, Văn Bình thấy một toán thiếu nữ đang hò dô ta đẩy chiếc xe bò đầy rác. Họ đều mặc đồ đen ngắn, quần rộng thùng thình, áo cán bộ cổ bẻ, tóc cắt cũn cỡn, mặt xạm nắng, thân hình gày gò. Một nỗi buồn man mác dâng lên trong lòng chàng. Chàng bỗng nhớ đến những tấm thân đều đặn, nõn nà, quyến rũ, nằm dài phơi nắng buổi sáng chủ nhật trên bãi biển, hai trái tuyết lê vĩ đại rún rẩy sau làn vải bikini mỏng tanh như giấy bóng.
o O o
8 giờ sáng. Văn Bình xuống đường lững thững lại Hàng Lọng ăn điểm tâm. Một tô cháo đậu xanh ăn với đường, xúc miệng bằng nước vối, một điếu thuốc lá Thăng Long... Thế là hết. Mặc dầu là cán bộ tỉnh ủy, Đặng thái Trinh xuất thân làm tá điền, không biết uống cà phê sữa, và ăn bánh mì dăm bông, trứng lập-là buổi sáng. Mùi nước vối làm Văn Bình lợm giọng. Chàng có thói quen điểm tâm bằng rượu huýt-ky. Đã hai ngày, chàng không có giọt huýt-ky nào vào miệng.
Lót dạ xong, chàng ngồi trong góc, đọc tờ Thủ đô Hà nội vừa mua. Ở trang hai, mục tin tức thủ đô đăng một tin ngắn như sau: Cháy xe hơi.
Tối qua, xế quán bán hoa Bờ Hồ, đã xảy ra một vụ cháy xe hơi vì bất cẩn. Tài xế say rượu đâm vào cây đa, điện bắt qua bình xăng và gây ra hỏa hoạn. Hai người trên xe đã được chở vào bệnh viện cấp cứu. Nhà chức trách đang tiến hành cuộc điều tra.
Cuối trang hai còn một tin khác.
Một điểm son cho Công an.
Tối qua, một can nhân, lợi dụng sự đối xử khoan hồng của Nhà nước, đã trốn khỏi nơi giam. Y bị nhân viên Công an phát lộ tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm và bắt giữ sau khi bắn nhiều phát súng cảnh cáo.
Văn Bình đút tờ báo gập nhỏ vào túi, uể oải bước ra ngoài. Đột nhiên thành phố Hà nội trở nên xa lạ đối với chàng, tuy chàng đã thuộc lòng từng ngõ hẻm, từng cây sấu, từng rạp xi-nê. Chàng tản bộ qua phố Hàng Đồng, theo lời dặn của người phụ tá hoa tiêu trước khi chàng nhảy dù, để chiêm ngưỡng dung nhan của cô nhân tình bé bỏng, song chàng không thấy gì hết ngoại trừ một thiếu phụ bụng chửa vượt mặt, tóc tai rối bù, áo quần nhàu nát và da dẻ mốc thếch đang ngồi bệch xuống đất nhón cơm cho một đứa bé lên hai gầy ốm. Qua phố Hàng Than, mùi bánh cốm thơm ngát ngày xưa không còn nữa, nhường chỗ cho những quán ăn ồn ào, xộc xệch và bẩn thỉu. Tiệm phở Cầu Gỗ ngon nhất Hà nội, với loại cà phê phin đặc biệt, uốn vào thì sắt đá cũng trở nên mơ màng, đã dọn đi đâu không biết.
Về đến khách sạn chàng gặp người công an thường trực đã bênh chàng hồi đêm. Hắn cười ngoại giao:
- Đồng chí đi đâu về thế? Chưa lên Bộ à?
- Mai mới lên, đồng chí ạ. Đồng chí không ngủ sao? Làm việc cả đêm, mệt quá nhỉ!
- Cũng chưa mệt bằng đồng chí ở ủy ban tỉnh.
Cả hai cùng cười, Văn Bình giơ tay chào ông thơ ký già ngồi sau quầy rồi lên gác. Sực nhớ ra, chàng quay xuống nói:
- Lát nữa tôi có khách quen tới thăm, phiền cụ chỉ đường cho họ lên gác.
Viên thư ký già gật đầu. Gã công an nheo một con mắt lại, rồi nói:
- Luật lệ cấm không được hủ hóa! Mang nữ đồng chí lên phòng mà lăng nhăng thì có là...
Không nói hết, hắn nhăn răng cười. Chàng đã đoán được ý hắn. Một cái bút máy nữa. Cái bút máy Trung cộng đắt tiền mà chàng giắt nghênh ngang ở mép túi...
Suốt ngày Văn Bình chỉ ăn rồi ngủ. Tàn thuốc chất đống, được chàng gói đầy một tờ báo cùng với mẩu thuốc hút dở. Nghĩa là chàng hút hơn 5 gói Thăng Long. Chàng cần hút nhiều để chờ đợi và suy nghĩ. Vì đây là lần đầu ông Hoàng yêu cầu chàng áp dụng kế hoạch AODS. Và cũng là lần đầu ông Hoàng đề ra một cuộc tiếp xúc không hẹn giờ.
Ngày hôm nay... Như vậy tức là mấy giờ mấy phút? Theo lệ thường, những cuộc tiếp xúc giữa nhân viên điệp báo được tính đúng từng phút. Thế mà lần này ông Hoàng không đếm xỉa đến cả giờ nữa. Tại sao? Có lẽ bên trong có sự trục trặc.
Chàng giật mình vì có tiếng gõ cửa. Đồng hồ tay chỉ đúng 6 giờ 2 phút. Trời mùa đông ở Hà nội đổ tối một cách gấp gáp. Không vặn đèn, chàng đút khẩu súng vào túi rồi bước nhẹ ra cửa. Kinh ngạc xiết bao, trước mặt chàng không phải là nhân viên công an mà là một thiếu phụ. Nàng không đẹp nhưng có má lúm đồng tiền. Nước da xanh, khuôn mặt hơi dài điểm cặp mắt đen láy, cái mũi xinh xinh. Nàng trạc 30 tuổi.
Nàng cúi đầu chào chàng trước. Chàng dạt sang bên mời nàng vào phòng. Khóa cửa lại, chàng vào sau. Khi ấy thiếu phụ đã ngồi ghé trên chiếc ghế gỗ gần giường. Chàng nhận thấy thiếu phụ có vẻ sợ hãi. Nàng chỉ ngồi một nửa mặt ghế, dường như để đứng lên cho dễ. Hai tay nàng mân mê cái xắc vải đặt trên lòng cử chỉ bối rối. Văn Bình hỏi nho nhỏ:
- Bà muốn hỏi tôi về việc gì?
Thiếu phụ cố trấn tĩnh, hỏi lại:
- Tên ông là Đặng thái Trinh từ Hà Tĩnh tới?
Văn Bình gật đầu, rút ví lấy giấy tờ cho thiếu phụ xem. Đọc xong, trả lại cho chàng, thiếu phụ đổi giọng:
- Tôi ở ADNS tới. Còn ông?
Văn Bình đáp:
- KLMH.
- Vâng. Đây là những điều tôi được lệnh chuyển đến cho ông.
Rồi bằng giọng đều đều, nho nhỏ, thiếu phụ nói một hơi như người đọc thuộc lòng: Yêu cầu ông đến số nhà 72 Huyền Trân Công Chúa. Người ta đợi ông ở đấy. Nên nhớ: đến nơi nhưng không vào trong nhà, đứng trên bậc tam cấp, lưng quay ra ngoài. Đúng 7 giờ tối nay. Hết.
- Bà không dẫn tôi đi?
- Không được. Địch vây kỹ lắm.
Thiếu phụ đứng dậy, không chào chàng, rảo nhanh ra ngoài. Chàng lặng nhìn nàng đi khuất sau cầu thang. Hành lang chưa lên đèn. Có lẽ chiều chủ nhật đồng chí công an muốn tiết kiệm tiền cho Đảng.
Đột nhiên, ruột chàng nóng như lửa đốt. Giác quan thứ sáu báo hiệu một sự nguy hiểm. Chàng đảo mắt chung quanh. Không có một ai. Chàng đứng nép một bên khung cửa sổ lớn nhìn xuống đường. Cửa sổ này không có cánh cửa và cũng không có chấn song.
Dưới đường, sát lề, một chiếc xe Pobieda đen xì vừa đậu xịch. Cửa sau mở rộng. Hai gã đàn ông vạm vỡ nhảy xuống, tay thọc túi quần một cách khả nghi. Văn Bình chợt hiểu. Họ đến để bắt thiếu phụ. Nghĩa là khách sạn đã bị bao vây như lời nàng nói. Nghĩa là vai trò Đặng thái Trinh đã bị lộ. Tuy nhiên chàng chưa rõ họ muốn bắt chàng hay bắt thiếu phụ. Chàng nán chờ một phút nữa xem sao.
Thiếu phụ vượt qua đường. Dường như nàng linh tính thấy chuyện chẳng lành nên mới được phần ba đường nàng đột ngột dừng lại, rồi lùi lại vào hè. Nhanh như cắt, hai gã đàn ông chạy sang bên lề khách sạn. Không lầm được nữa, họ thộp thiếu phụ để phăng đầu mối liên lạc. Thiếu phụ vùng vẫy trong cánh tay sắt của hai gã đàn ông. Một tia sáng lóe ra trong óc Văn Bình. Lát nữa, chiếc xe Pobieda sẽ chở thiếu phụ bất hạnh về Nha Công an Bắc bộ. Nàng sẽ bị lôi sang phòng tra tấn. Mọi cực hình trên thế gian này đang chờ đợi nàng.
Hồi nãy, sau một phút đồng hồ tiếp xúc, chàng biết nàng chưa có kinh nghiệm trong nghề. Vả lại dầu có kinh nghiệm, sức đàn bà cũng khó cưỡng lại sự tra khảo dã man của địch. Trước sau, nàng cũng phải khai. Khai hay không khai, nàng cũng phải chết. Không khai, thân thể nàng sẽ bị vằm nát, nàng sẽ hấp hối hàng giờ, hàng ngày. Khai ra, cơ sở hữu hiệu mà ông Hoàng lao tâm khổ trí dựng nên sẽ bị phá hủy.
Văn Bình không được quyền trù trừ nữa. Chàng nghĩ đến làn da trắng muốt của thiếu phụ sắp bị phơi trần dưới ánh đèn sáng quắc. Tấm thân nõn nà cân đối ấy trước hết sẽ làm mồi ngon cho thần nhục dục. Rồi mới hành hạ. Máu trong tim chàng sôi lên. Chàng phải cứu thiếu phụ.
Nhưng cứu ở đây không có nghĩa là chàng bắn chết hai gã đàn ông rồi mở lối cho nàng thoát. Trong xe Pobieda ít nhất còn hai tên khác, và ít nhất một khẩu tiểu liên hườm sẵn. Tiếng súng chát chúa của chàng sẽ báo hiệu cho bọn công an vây khách sạn chặt chẽ thêm, và lối thoát của chàng sẽ bị tắt nghẽn.
Chỉ còn một cách. Đó là cứu nàng khỏi cảnh tra tấn. Cứu nàng bằng cách hạ thủ nàng. Nhưng hạ thủ êm nhẹ, hạ thủ không làm nàng đau đớn và không gây tiếng động.
Hai gã đàn ông đã kéo thiếu phụ sềnh sệch đến nửa đường. Văn Bình luồn tay vào túi áo, rút ra lưỡi dao mỏng dính, và sắc bén dị thường. Ném dao là nghề mọn của chàng từ bao năm nay. Văn Bình nghiêng mình lấy trớn rồi vung bàn tay phải ra phía trước. Lưỡi dao xé màn không khí bay xuống đường, cắm phập vào gáy thiếu phụ. Trời hơi tối, đèn ngoài phố đã bật. Lưỡi dao xuống nhẹ quá, ngọt quá, không ai hay biết. Thiếu phụ tự nhiên mềm nhũn người, rồi gục xuống, hai gã đàn ông sốc nách không lên được nữa. Thiếu phụ đã chết. Chết không kêu được một tiếng.
Văn Bình chỉ quơ cái cặp đựng điện đài, không kịp mang thêm quần áo, chạy ù ra cầu thang cấp cứu ở sau nhà. Trụt xuống được mấy bậc, Văn Bình hãm lại, bám thanh cầu thang bê-tông, đu mình nhảy xuống sân khách sạn. Biết không thoát nổi bằng cửa sau và trèo tường, Văn Bình bèn liều mạng xông ra cửa trước. Hành động đầu tiên của chàng là mở cửa phòng của người công an thường trực. Hắn không kịp mở miệng kêu. Cái bạt tai của Văn Bình mạnh ngang sống dao rựa. Hắn ngã vật, nét mặt còn đầy vẻ kinh ngạc. Văn Bình mặc đồng phục Công an vào mình, chụp mũ lưới lên đầu, tay xách cặp điện đài, tay kia cắp khẩu tiểu liên Trung Cộng.
Trù trừ một giây, Văn Bình đặt cái cặp xuống bàn, thò tay vào trong bấm nút "cái phá". 60 giây nữa, cái cặp sẽ nổ tung. Đây là "cái phá" (3) đặc biệt do một công ty Tây Đức chế tạo, có sức nổ khá mạnh. Văn Bình ung dung ra cửa. Chàng gặp ba người mặc thường phục, cầm súng ngắn le te chạy vào. Họ không nhận ra chàng là cớm giả hiệu. Xác thiếu phụ nằm sóng sượt trên mặt đường, hai gã đàn ông khác cầm súng đi đi lại lại.
Cũng may là tối chủ nhật nếu không chàng đã gặp lão thư ký già. Chàng vượt khỏi bực tam cấp thì một tiếng nổ dữ dội phát ra: tiếng nổ của "cái phá". Nền đất rung chuyển, một căn phòng bị sạt, gạch đá tung bay mù mịt.
Văn Bình rút lựu đạn, tháo gúp pi ném về phía xe hơi Pobieda. Đoàng! Chiếc xe nổ tung. Tiếng súng bắt đầu lác đác nổ. Văn Bình nã thêm loạt đạn tiểu liên vào xe hơi và hai gã đàn ông đang chạy bán sống bán chết. Rồi chàng thản nhiên men theo mái hiên về hướng Khâm Thiên.
Thoáng thấy bóng người chạy theo, chàng tặng thêm một loạn đạn. Cách khách sạn Hòa Bình một quãng ngắn là một quán ăn cán bộ đông đúc. Xe đạp, xe gắn máy xếp chặt vỉa hè. Thực khách chen nhau, lố nhố chỉ trỏ về khách sạn.
Chàng liếc nhìn một cái xe đạp đàn bà, bánh lớn, nằm lỏng chỏng ở góc. Như thể là chủ nhân Văn Bình dựng chiếc xe lên, từ từ giắt ra đường cái rồi trèo đạp một mạch. Chàng thẳng đường ven hồ Bẩy Mẫu đạp đến Chợ Hôm. Dọc đường, tìm chỗ vắng, chàng ném khẩu súng xuống bãi cỏ. Từ Chợ Hôm chàng bách bộ lại đường Huyền Trân Công Chúa. Còn sớm chán. Mới 7 giờ kém 10.
Chàng gõ bước một như ngưòi nhàn du, xuống góc đường Huyền Trân Công Chúa. 7 giờ kém 2 phút, chàng dừng chân trước số nhà 72. Đó là một biệt thự lối xưa, hai tầng, bên trong không có đèn. Như lời thiếu phụ dặn hồi nãy, chàng đứng ngay cửa ra vào, quay mặt vào trong.
Một chiếc xe hơi kiểu Tatra sơn đen rừ rừ lái sát lề dường bên số chẵn. Văn Bình ngoảnh đầu lại quan sát. Nhưng một tiếng nói đã cất lên:
- Yêu cầu bạn quay mặt vào trong vì an ninh chung. Mật khẩu?
Văn Bình tuân lệnh. Chàng đáp:
- AODS.
Vẫn tiếng lúc nãy:
- KLMH. Thôi được. Mời bạn ra xe.
Văn Bình trèo lên xe. Hai người mặc áo mầu, cụt tay, bỏ ngoài quần, ngồi ép hai bên. Tài xế sang số chạy về phía Bạch Mai. Được một quãng, người vừa ra lệnh ôn tồn nói:
- Theo lệnh trên, yêu cầu anh để chúng tôi bịt mặt.
Văn Bình phản đối song hai miệng súng đen ngòm đã châm vào hông chàng. Chàng bàng hoàng như người vừa thoát cơn mộng này lại rơi vào cơn mộng khác. Chàng có cảm tưởng là bị sa bẫy.
Trong một tích tắc đồng hồ, chàng ước lượng tư thế của hai người ngồi bên. Nếu nhanh tay, chàng có thể gạt hai mũi súng ra ngoài, nhưng trong trường hợp đối phương phản ứng cũng nhanh không kém thì chàng sẽ ăn đạn.
Dầu sao, đến nước này chàng đành phải liều. Tuy nhiên họ không cho chàng liều nữa. Trước khi hiệu lệnh của óc được truyền xuống hai tay chàng thì một bá súng vào sau sọ đã làm chàng nổ đom đóm mắt. Tay chàng mềm nhũn, trước mặt chàng, con đường Bạch Mai dựng thẳng lên như cây cột đèn cao vô tận. Rồi cây cột đèn ấy lật ngược vào người chàng. Không la được một tiếng, Văn Bình gục đầu mê man.
Chiếc Tatra nhỏ bé vẫn nuốt đường trong đêm tối.
Cách nơi Văn Bình bất tỉnh 15 cây số là văn phòng tối mật của Bilatốp chuyên viên sô viết về chương trình thiết lập các giàn hỏa tiễn nguyên tử. Gọi là văn phòng không đúng vì đây là một giãy hầm dài, đục ngầm dưới đất.
Ở dưới cũng đầy đủ tiện nghi như ở trên: trần cao 3 thước, phòng hàng chục căn, như phòng khách sạn, căn nào cũng có buồng tắm tí hon. Đặc điểm của giãy hầm này là một loại đèn ống riêng và hệ thống điều hòa khí hậu. Chung quanh hầm và ở gần sát mặt đất có một lớp thép dầy, để bảo vệ căn cứ khỏi các vụ nổ ở ngoài. Giãy hầm bí mật này là trụ sở hoạt động thường trực của đoàn chuyên viên phi đạn Liên Sô.
Không biết phái đoàn phi đạn đến Bắc Việt từ bao giờ, chỉ biết là trưởng đoàn Bilatốp có mặt từ hai tháng nay. Bilatốp là một nhà bác học trẻ, khoảng 40 tuổi, dong dỏng cao, mặt xương xương, mắt sâu và đen, mắt của kẻ đa tình, môi dầy ươn ướt, môi của kẻ thích nhục dục.
Nhiệm vụ của phái đoàn phi đạn ra sao, không ai rõ, kể cả Phạm Linh, trưởng ban Phản gián. Trừ một số ít nhân vật cao cấp, tất cả chỉ lờ mờ là phái đoàn qua Hà nội để xúc tiến kế hoạch xây một giàn hỏa tiễn quan trọng. Hỏa tiễn nào? Xây ở đâu? Đó là những câu hỏi chưa ai dám công khai nêu ra và trả lời. Ngoài giãy hầm ăn sâu dưới đất, còn có bên trên nhiều ngôi nhà lợp tôn uốn, quét vôi trắng, được dùng làm trụ sở cho nhân viên canh gác và nhân viên hành chánh bản xứ. Hệ thống an ninh gồm có ba hàng rào kẽm gai truyền điện 1000 vôn suốt ngày đêm, đụng nhẹ là thân thể cháy xém và chết tức khắc. Sau ba hàng rào điện, đến cái hào rộng 10 thước, sâu 7 thước, dưới cắm chông tẩm thuốc độc nhọn hoắt, rồi mới đến một lớp rào nứa, cao hơn 4 thước. Phía trong, bao vây giãy hầm cũng là ba lớp rào khác, chưa kể hàng chục con chó bẹt giê lớn bằng con bò, túc trực canh gác với một toán binh sĩ Nga, võ trang bằng trung liên.
Dưới hầm, trong một căn phòng sơn xanh mát mắt, Bilatốp đang cặm cụi làm việc. Lệ thường, mỗi chiều Bilatốp về Hà nội ăn cơm. Hôm nay, hắn về trễ vì đang còn một số công tác quan hệ chưa kịp giải quyết.
Chợt chuông điện thoại trên bàn reo vang. Cầm nghe, đột nhiên gương mặt mệt nhọc của Bilatốp tươi hẳn. Đó là điện thoại của một nữ thông dịch viên từ sứ quán Liên sô gọi tới. Đầu giây vẳng lại chuỗi cười ròn rã:
- Chào anh Dô Dếp.
Bilatốp cười lại:
- Chào cô Tú Trâm.
- Giờ này anh còn bù đầu ở văn phòng ư? Anh không nhớ thủ đô sao?
- Sao lại không? Tuy nhiên nhớ thủ đô chưa bằng nhớ đôi mắt dịu dàng của cô Trâm.
- Dô Dếp cứ hay đùa thôi. Tối nay Trâm mời anh ăn cơm, anh bằng lòng không?
Bilatốp định trả lời "bằng lòng" thì đột nhiên một ntiếng nói thứ ba chen vào:
- Yêu cầu trong giờ làm việc các đồng chí đừng nói chuyện riêng và nhất là đừng nói chuyện riêng bằng điện thoại công.
Bilatôố gầm lên như hổ dữ bị đạn:
- Ông là ai mà dám chen vào công chuyện của người ta?
Vẫn tiếng nói thứ ba:
- Tôi là nhân viên công an phụ trách ở tổng đài. Xin đồng chí vui lòng. Đó là lệnh trên.
Bilatốp gắt um:
- Lệnh trên của các anh, không phải của tôi. Lần sau, nếu anh còn nghe trộm chuyện riêng của cố vấn Liên sô, tôi sẽ bảo Phạm Linh tống anh đi trại tập trung Chợ Ngọc.
- Thưa, đây là lệnh của ông Phạm Linh.
- Thế à? Phiền anh nói với Phạm Linh rằng ngay cả hắn cũng không được phép chạm lỗ chân lông cố vấn Bilatốp.
Tiếng nói thứ ba câm bặt. Bilatốp nói tiếp với cô bạn gái Việt Nam:
- Alô, alô, Trâm vẫn nghe đấy chứ? Dô Dếp đây. Còn à? Bọn chó săn công an bao giờ cũng vậy. Sao? Trâm sợ chúng làm phiền ư? Đứa nào bén mảng đến em, anh sẽ cho rũ tù. Anh vào Phủ, đồng chí Thủ Tướng còn phải đứng dậy, kéo ghế mời anh ngồi. Em sợ gì cái bọn tay sai hạ cấp ấy.
Giọng của người đàn bà pha vẻ sợ hãi:
- Em van anh. Anh đừng kiếm chuyện nữa.
- Thì thôi. Tối nay, chúng mình ăn ở đâu?
- Cơm Việt Nam, anh chịu không? Mời anh đến quán Đại La.
- Ồ, quán này bẩn lắm, không xứng với sắc đẹp của em.
- Vậy ăn ở đâu? Gớm anh khó tính quá.
Bilatốp cười:
- Khó tính nên bị Trâm ghét đấy. Trâm sắp về chưa? Trong nửa giờ, anh tới đón. Rồi bọn mình kéo nhau đi ăn. Anh không muốn nói thêm trong điện thoại sợ bọn quỷ sứ nghe tiếng, rồi lẽo đẽo theo sau mất thú.
- Vâng, em xin chiều anh.
Máy ở đầu dây được đặt xuống. Bilatốp nghe tiếng "rộp" mà lòng nao nao. Hắn hình dung lại hai bàn tay trắng như ngó sen mà hắn mới được thấy lần đầu trong đời. Bàn tay nàng là một kho tàng độc nhất vô nhị. Mỗi khi cầm nắm, Bilatốp có cảm giác như nàng truyền điện vào người hắn, làm mạch máu đập mạnh hai bên thái dương, sự thèm muốn dâng trào như sóng. Còn mắt nàng, một đôi mắt không to, không sâu, mỗi khi ngước lên, thu gọn vũ trụ vào trong, thu cả hồn Bilatốp.
Tú Trâm được tạo hóa phú cho cái miệng dị kỳ. Thỉnh thoảng nàng mới cười lớn, song khi cười hàm răng trắng ngà lại hé ra nho nhỏ, đều đặn, trên màu thịt hồng của nướu. Miệng nàng không thoa son mà luôn luôn đỏ mọng, cặp môi nàng lại nửa dầy, nửa mỏng, nửa nghiêm trang, nửa lẳng lơ, nửa dịu dàng, nửa tàn bạo. Khi nàng ngửa mặt cho hắn hôn, miệng nàng tỏa ra một mùi thơm lạ lùng, như pha thuốc mê, khiến Bilatốp rung người.
Toàn thân Bilatốp nóng ran như vừa rời phòng lạnh ra ngoài trời nóng bức. Hắn liếc đống giấy trên bàn. Công việc còn khá bề bộn. Ít nhất phải làm đến nửa đêm mới xong. Hắn nhún vai, mặc kệ, chuyên viên hỏa tiễn Bilatốp cũng phải hẹn hò, phải ân ái với người đẹp chứ! Lẽ nào thiên hạ được quyền say sưa mà cố vấn phi đạn Bilatốp lại bị giam suốt ngày, suốt đêm trong nhà tù Tây Bá Lợi Á bằng thép?
Bilatốp gạt đống giấy tối mật sang bên, đánh diêm châm điếu Phi-líp thơm phức. Hắn nghiện thuốc Phi-líp, nên từ ngày hắn sang Hà nội chánh phủ "dân chủ cộng hòa" phải mua thuốc lá tư bản cho hắn hút.
Cởi áo choàng trắng, ném vào thành ghế, Bilatốp nắn lại nút cà vạt, sửa soạn bước ra ngoài. Trù trừ một giây, hắn trở lại bàn giấy thu đống hồ sơ, bỏ vào cái cặp da to tướng để bên, rồi xách theo. Hắn dự tính sau khi vui thú với người đẹp hắn sẽ làm việc luôn đến sáng.
Ra ngoài hành lang, Bilatốp thấy mọi cửa phòng đều đóng kín, ngoài treo tấm bảng: yêu cầu đừng vào, đang làm việc. Thì ra các nhân viên khác chưa về! Nhưng rồi lát nữa họ cũng về! Không lẽ trưởng đoàn lại về cùng lúc với nhân viên tầm thường? Phương chi trưởng đoàn là đồng chí đại cố vấn phi đạn nguyên tử Dô Dếp Bilatốp, con cưng của nền khoa học hỏa tiễn Liên sô, một trong những bộ óc đã đẻ ra vệ tinh Sì-pút-ních!
Bilatốp bước qua bốn cánh cửa sắt dầy, có lính và chó gác, rồi mới đến phòng trực, ngay trên miệng hầm. Một chiếc ZIS đồ sộ, sơn đen láng bóng, từ ga ra kế bên chạy lại trước mặt Bilatốp, trên xe có người tài xế và một công an đeo tiểu liên. Bilatốp nhăn mặt:
- Cho các đồng chí nghỉ. Tôi lái xe về Hà nội một mình.
Gã cận vệ công an lắc đầu một cách lễ phép:
- Bẩm đồng chí cố vấn, lệnh trên bắt chúng tôi phải theo sát.
Ngẫm nghĩ một phút, Bilatốp nạt nộ:
- Lệnh của ai?
- Bẩm, lệnh của ông giám đốc Phản gián.
Bilatốp dằn từng tiếng một:
- Phản gián? Phản gián? Cái bọn chó săn các anh bất cứ lúc nào cũng đánh hơi thấy gián điệp.
Gã công an phản đối bằng giọng nhẹ nhàng:
- Bẩm đồng chí, tại sao đồng chí mắng chúng tôi là chó săn?
Bilatốp cau có:
- Không thèm nói với anh. Nhờ anh nói với Phạm Linh như vậy. Nói rằng cố vấn Bilatốp gọi hắn là chó săn.
Gã công an im thin thít, tuy vậy hắn vẫn không chịu xuống. Một gã công an khác cung kính mở cửa xe song Bilatốp từ chối:
- Hôm nay, tôi không muốn dùng công xa. Các anh muốn theo sau, tùy ý, nhưng phải cách một quãng thật xa.
Bilatốp bước lại xe riêng. Đó là một chiếc Chaika sơn trắng, động cơ rất khỏe. Khi rảnh rỗi hắn đã gắn thêm bình xăng phụ, khiến tốc độ có thể tăng lên tới 200 cây số một giờ. Ra đường trường, chiếc Chaika nhỏ bé của hắn dư sức ganh đua với những chiếc ZIS, ZIL III đồ sộ.
Máy Chai ka kêu ròn, hắn sang số, lái từ từ qua hàng rào kẽm gai truyền điện. Binh sĩ nghiêm chào, Bilatốp không thèm chào lại? Rướn ga ra đường cái. Quốc lộ số 1 thẳng tắp, xe cộ thưa vắng. Qua khỏi khu quân sự, Bilatốp kéo còi the thé -thứ còi đinh tai rức óc mà môtô cảnh sát thường dùng trong công vụ khẩn cấp- phóng như bay trên đường nhựa.
Toán công an lái xe ZIS phía sau vội vã tống ga xăng. Hai hồi kèn chát chúa vang ngân trong bầu không khí hoàng hôn.
Trời đã tối hẳn. Đột nhiên Bilatốp tắt đèn, rồi quẹo vào một con đường đất. Toán công an theo sau bị lừa một cách thảm hại. Họ vẫn xả kèn, phóng thẳng.
Đợi chiếc ZIS vượt qua, Bilatốp trở ra đường nhựa, chậm rãi lái về Hà nội. Hắn vòng đường bờ Sông lộng gió, lên đại lộ Quan Thánh, dừng xe trước một tòa nhà nhiều tầng mới cất, dành riêng cho cán bộ Sô viết trung cấp. Với chức vụ thông dịch viên, Tú Trâm không được phép ngụ trong cao ốc sang trọng này, song sắc đẹp đổ quán, siêu đình của nàng đã biến thành thế lực khiến sứ quán Nga sô phải nhận nàng. Ngoài ra, nàng còn có thế lực mạnh mẽ Bilatốp. Cách đây không lâu, hắn nhấc điện thoại nói chuyện với đại sứ sô viết. 24 giờ sau, Tú Trâm được mời dọn đến một trong những căn phòng lộng lẫy nhất.
Tú Trâm đang dựa bao lơn nhìn xuống đường. Thấy nhà bác học sô viết đậu xe, nàng vội vàng chạy vào trong phòng, cởi bỏ quần áo. Hoàn toàn lõa lồ, nàng mở cửa phòng tắm. Nàng cố tình không khóa cửa phòng, và cố tình mở hé cửa buồng tắm.
Bilatốp hối hả trèo cầu thang. Dưới ánh đèn nê-ông sáng quắc, hắn gặp một trung sĩ Hồng quân, cầm tiểu liên đứng gác. Thấy Bilatốp gõ cửa phòng Tú Trâm, gã trung sĩ vội lẩn sang chỗ khác.
Cánh cửa mở nhè nhẹ. Nhưng trống ngực Bilatốp lại đập thình thịch. Người đẹp không ở trong xa lông. Một mùi thơm quyến rũ bay thoảng. Bilatốp nhận ra áo quần của nàng ném bừa bãi trên ghế. Nàng ưa mặc đồ lót mầu hồng bằng ni lông mỏng tanh như giấy bóng, từ Ba Lê gửi sang, đúng với thời trang tây phương. Hắn bần thần ngắm cái xú chiêng Lu cỡ 95 phân tròn trịa nằm thưỡn trên bàn do hắn mua tặng nàng. Và hắn mường tượng đến bộ ngực tròn trịa và thơm tho của nàng.
Nghe tiếng nước ồ ồ trong buồng tắm, Bilatốp gọi:
- Tú Trâm?
Một tiếng cười trong trẻo đáp lại:
- Em đang ở trong này.
- Trong buồng tắm hả?
- Phải. Đợi em một chút.
Hắn khám phá ra cánh cửa hơi mở. Chưa bao giờ hắn được cơ hội thật sự ôm ấp người đẹp hắn hằng khao khát. Bilatốp đánh bạo, rón rén lại gần. Bên trong, tiếng nước dội, tiếng sà phòng cọ da... Bilatốp ghé mắt nhòm qua khe cửa. Một cảnh tượng hắn chưa hề mục kích hiện ra lồ lộ làm nhà bác học sô viết suýt đứng tim.
Đứng dưới hoa sen, nước phun tua tủa, là một Tú Trâm bằng xương bằng thịt, trên mình không có mảnh vải nào ngay đến những mảnh cần thiết để che những vị trí cần thiết. Tú Trâm quay lưng lại, mớ tóc ngắn khoe khoang cái gáy trắng phau gợi cảm, cái lưng như nặn, và xuống thêm chút nữa là cái mông thuôn thuôn nõn nà đang nẩy lên như thốt ra những lời hẹn hò, ngóng đợi, bên trên cặp giò khít khao và dài ...vô tận.
Tú Trâm từ từ quay lại... Những điều Bilatốp ao ước từ lâu nay đang diễn ra như cuốn phim mầu chiếu trên màn ảnh đại vĩ tuyến. Chao ôi, bộ ngực ngây thơ nhường ấy, khiêu gợi nhường ấy và những đường cong ẩn hiện nhường ấy! Bộ ngực mà các chuyên viên thẩm mỹ đừng hòng ăn được một xu! Bộ ngực mà những ông lái buôn sắc đẹp phải cất bùa chú vào tủ kính để giành bán cho người khác cần giả tạo, cần tô sửa! Thân thể giai nhân ngàn vàng đang phơi bày trước mắt, chỉ cách Bilatốp hai thước.
Bilatốp định tung cửa xấn vào nhưng nghĩ đến hậu quả không lợi, hắn cố dằn lòng. Tú Trâm lấy khăn lông lau người, hắn lùi nhẹ về ghế xa lông ngồi xây lưng lại nhà tắm.
5 phút sau Tú Trâm núng nẩy bước ra, súng sính trong cái áo tắm rộng thùng thình bằng vải mỏng mầu hồng. Mặc áo choàng, Tú Trâm còn khêu gợi hơn khỏa thân vì áo càng mỏng, những báu vật đáng lẽ cần che giấu lại được phô trương. Bất giác Bilatốp nhớ đến những đêm sống ở phương Tây trong các hộp đêm với môn thoát y vũ giật gân và nẩy lửa. Hôm nay hắn được dự một pha thoát y tuyệt diệu hơn nhiều và người đẹp lại vô tình thoát y riêng trước sự thưởng thức sành điệu của hắn.
Có vẻ xấu hổ Tú Trâm vội lánh sang phòng bên.
- Xin lỗi anh nhé, Trâm cẩu thả quá, tắm mà quên mang quần áo thay.
- Trâm không mặc quần áo còn đẹp gấp trăm lần mặc quần áo đàng hoàng.
Cửa phòng ngủ đóng sầm.
10 phút sau nàng mới trở ra với cái áo dài xanh nhạt, tay cầm áo choàng bằng da Tiệp Khắc mà Bilatốp biếu nàng tuần trước.
Tú Trâm chỉ tủ buýp phê nói:
- Mời anh uống vốt-ka.
Bilatốp lắc đầu:
- Nhìn em cũng đủ say mềm, cần gì phải uống rượu.
- Chỉ nói bậy. Lời nói của anh chắc đã bị ghi âm. Anh cứ mê man theo đuổi em, họ sẽ làm khó dễ em chứ chẳng chơi đâu.
- Họ không dám đâu. Họ đang cần anh... Trừ phi...
- Trừ phi nào anh không còn cần thiết nữa.
- Có thể. Nhưng hiện nay thiếu anh công việc không chạy nổi. Anh là chuyên viên số một của Liên sô về công tác xây dựng giàn hỏa tiễn. Anh từng chỉ huy công trình xây dựng ở các nước dân chủ nhân dân Đông Âu. Anh đến đây theo lệnh điện Cẩm Linh để tiến hành kế hoạch thiết lập. Vả lại, anh sẽ lấy em làm vợ. Ai dám cấm anh?
Tú Trâm cười:
- Em cấm.
Bilatốp hôn nhẹ lên má nàng. Thấy nàng dễ yêu, hắn vít mặt hôn lên môi. Nhưng nàng đẩy nhẹ ra:
- Lát nữa mới được phép.
Như ngây, như dại, Bilatốp nhìn Tú Trâm mở cửa phòng. Cả hai xuống gác, Bilatốp lái xe đến phố Hàng Khay, vào một tiệm ăn sang trọng giành riêng cho cố vấn sô viết và Trung quốc.
Gần 10 giờ đêm, Bilatốp đưa Tú Trâm về bin-đinh. Dọc đường Bilatốp suýt gây ra tai nạn hai lần vì tâm trí hắn để đâu đâu. Ngửi mùi da thịt và mùi nước hoa của nàng, Bilatốp chỉ nghĩ đến diễm phúc được ở lại đêm với nàng. Nếu nàng ưng thuận, thì ngày mai bị lưu đầy Bilatốp cũng không tiếc. Nhưng hồ dễ gì nàng chịu. Nàng nói nàng giữ tấm thân ngà ngọc để đến đêm tân hôn cho hắn. Bilatốp nghĩ nát óc mà chưa tìm ra mưu kế.
Lên đến cầu thang bin-đinh, Bilatốp chạm trán giám đốc phản gián Phạm Linh đang đứng cùng hai nhân viên tay chân. Phạm Linh nhấc mũ chào:
- Chào đồng chí cố vấn. Hồi tối cố vấn phóng xe nhanh quá, làm thuộc viên của tôi không làm tròn được phận sự.
- Bây giờ anh muốn gì?
- Hai đồng chí BêRếp và XiLốp của ty biệt phái R.U. yêu cầu tôi đích thân bảo vệ an ninh cho đồng chí. Tính mạng đồng chí rất quan trọng, sự sống còn của hàng triệu người tùy thuộc vào đó. Tôi trân trọng yêu cầu đồng chí thông cảm và đừng phiền lòng.
- Không, anh cứ tự tiện, tôi chỉ yêu cầu một điều, tôi là trưởng đoàn phi đạn của Liên sô sang đây để điều khiển không phải để làm tù giam lỏng. Nếu anh tiếp tục quấy rầy, sáng mai tôi sẽ đáp máy bay về Mạc tư Khoa và trong báo cáo tôi sẽ ghi tên anh là người gây ra mọi sự.
Phạm Linh tái mặt. Hắn không ngờ Bilatốp lại hiểu câu chuyện dưới một khía cạnh khác hẳn. Nếu Bilatốp biết Z.28 đang tung hoành ở Hà nội và Phong Trào Yêu nước đang ráo riết hoạt động chắc hắn sẽ công nhận những biện pháp an ninh là đúng. Phạm Linh bèn giải thích:
- Xin đồng chí nghĩ lại. Địch đang âm mưu gây hại cho đồng chí. Nếu đồng chí xê dịch một mình không có cận vệ, địch có thể thi hành ý định.
Bilatốp cười ngạo mạn:
- Có cái lạ là tôi đi đến đâu, công an cũng hăm he bằn câu đó. Ở đâu các anh cũng nói lấy địch ra làm ngáo ộp để cản trở tự do cá nhân của tôi. Rốt cuộc chẳng thấy địch đâu chỉ thấy bóng dáng phá đám của các anh thôi.
Tú Trâm đổ thêm dầu vào lửa:
- Thôi ta về đi, đồng chí Phạm Linh nói đúng.
Bilatốp trợn mắt:
- Em nói thật hay bỡn?
Tú Trâm đáp:
- Đồng chí ấy vừa nói nếu anh đi một mình địch sẽ hạ thủ. Anh nên cùng đi với Phạm Linh an toàn hơn là cùng đi với em.
Nghe vỡ nghĩa Bilatốp giận sôi sùng sục. Chẳng nói chẳng rằng hắn tra chìa khóa vào ổ, mở cửa nhường Tú Trâm vào trước, và dập mạnh cửa, bỏ mặc Phạm Linh đứng lạnh bên ngoài.
Tú Trâm cởi áo dạ choàng, vặn máy sưởi để hơ chân. Bilatốp mon men đến bên. Thoạt tiên hắn ngồi cách Tú Trâm nửa thước, sau cứ gần thêm, gần thêm nữa. Sau cùng, hắn nắm lấy tay nàng:
- Trâm yêu anh không?
- Sao lại không?
- Đêm nay anh ở lại với em nhé?
Tú Trâm lắc đầu:
- Lần khác em không dám từ chối, nhưng lần này có mấy đứa chầu chực bên ngoài. Anh nên về đi. Lần sau em sẽ chiều anh.
Bàn tay Bilatốp mò mẫm đến khuy áo của Tú Trâm. Nàng vẫn để yên. Bàn tay nóng hổi luồn sâu thêm vào đồ lót. Bilatốp nhích lại sát người nàng, hai bàn tay run run tiếp tục nhiệm vụ dò đường. Tuy nhiên việc gì cũng có giới hạn của nó. Tú Trâm không được phép tiếp tục làm thinh cho Bilatốp tiến xa hơn nữa.
Kể ra, nhà bác học sô viết đa tình này không đến nỗi xấu trai. Trái lại, Bilatốp có tấm thân khá cân đối, và những cử chỉ lịch thiệp, thích hợp với phái yếu. Chưa nói đến dung mạo, chỉ riêng tài năng và chức vụ của Bilatốp cũng đủ làm hàng ngàn mỹ nhân say mê, ao ước được nâng khăn, sửa túi. Về phần Tú Trâm nàng không yêu Bilatốp, song ít ra nàng cũng đã có cảm tình đặc biệt với hắn. Nếu không bị bổn phận ràng buộc có thể nàng đã ngã vào lòng Bilatốp.
Nàng không còn là cô gái ngây thơ như Bilatốp tưởng lầm. Nàng đã yêu cuồng dại từ hồi cặp tóc học trường Trưng Vương. Chàng là sinh viên trường Thuốc. Tin lời thề non hẹn biển của người tình, nàng đã hiến thân toàn vẹn. Rồi gã sinh viên bỏ nàng theo một thiếu nữ khác có nhiều của hồi môn và hoàn cảnh tưong xứng hơn nàng.
Khói lửa xảy ra, nàng rút ra hậu phương theo kháng chiến, cha mẹ và gia đình nàng ở lại đều thiệt mạng. Từ đó, lòng nàng khô hẳn, không còn chỗ cho tình yêu chân thành nữa. Đối với nàng tình yêu đã trở thành sự trao đổi khoái cảm, đàn ông và đàn bà yêu nhau cũng như vào quán uống ly rượu khai vị. Uống xong, rồi ra đi, không mảy may luyến tiếc.
Sắc đẹp xuất chúng của nàng là chìa khóa giúp nàng mở toang những cánh cửa kiên cố nhất. Nàng được xuất ngoại qua Mạc tư khoa học Nga ngữ. Tư chất thông minh, nàng tốt nghiệp ưu hạng. Sau 3 năm, Tú Trâm về nước, và một lần nữa nhan sắc giết chóc của nàng đã làm một viên tham vụ sứ quán sô viết ở Hà nội say mê. Nàng được tuyển dụng vào ban thông dịch văn thư bán mật của tòa đại sứ. Viên tham vụ bị thuyên chuyển, Tú Trâm gặp nhà bác học hỏa tiễn Bilatốp.
Thú thật, nàng không thiếu gì người yêu, nàng cũng không yêu ai đằm thắm và lâu dài. Song le, một sự đổi mới phi thường đã xảy ra trong đời nàng. Sự đổi mới này là Phong Trào Yêu nưóc.
Một đêm cuối đông, trời rét như cắt ruột. Tú Trâm co ro bên lò sưởi, lòng buồn rười rượi. Nàng đang nhớ đến những người thân nằm sâu trong lòng đất. Nàng cảm thấy lạnh lẽo, cô đơn, và hơn bao giờ hết, nàng nảy sinh chán chường cuộc sống không lý tưởng của nàng. Đột nhiên, một người đàn ông xô cửa phòng.
Người ấy mặc quân phục đại tá thẳng nếp, đôi mắt sáng quắc như tóe điện. Nàng nhận ra Hồ Liêm, bạn thân nhất của anh ruột nàng ngày trước. Liêm gia nhập một đoàn thể chống Cộng, lưu lạc sang Trung Hoa, từ lâu nàng không nghe tin chàng. Bỗng chàng hiện ra như bóng ma. Nàng nhìn sững Hồ Liêm:
- Trời, anh đã đeo lon đại tá rồi ư?
Hồ Liêm lắc đầu, vẻ mặt nghiêm nghị:
- Không, đây là quần áo mượn. Tôi vừa ở an toàn khu về, có nhiệm vụ tiếp xúc với cô. Mời cô bình tĩnh nghe tôi nói. Nếu cô từ chối tôi sẽ ra đi, và yêu cầu cô đừng thuật lại với ai. Song tôi tin là cô không từ chối.
Hồ Liêm ngồi xuống ghế, hút thuốc và nói luôn một mạch. Không cần suy nghĩ, nàng nhận lời. Nàng nhận lời làm nhân viên của Phong Trào Yêu nước.
Một năm qua. Hễ có tin quan trọng, nàng liền chuyển cho Phong Trào. Hồ Liêm đến thăm nàng, với những chỉ thị mới. Chỉ thị quyến rũ Bilatốp.
Bàn tay tò mò của Bilatốp tiến sâu thêm nữa, thêm nữa. Tú Trâm co rúm thân thể, kẹp chặt tay nhà bác học, giọng nàng thỏ thẻ, nửa trách móc, nửa cầu xin:
- Đừng anh.
Bilatốp thở dài não ruột:
- Em không yêu anh nữa ư?
Tú Trâm cũng thở dài:
- Anh nói bậy. Không yêu anh thì yêu ai... Nhưng anh ơi...
Nàng nín bặt, một giọt lệ long lanh trên mắt. Bilatốp ngồi một lát rồi ra về, mặt buồn như đưa đám. Hắn cố níu lấy một tia hy vọng:
- Bọn công an làm Trâm buồn phải không? Được, để mai anh cho một mẻ.
Cửa đóng. Tú Trâm gieo mình xuống ghế, sau khi nốc một hơi ba ly rượu vốt-ka cháy họng. Tiếng chuông điện thoại reo vang. Đầu giây là một giọng nói bí mật, nhưng quen thuộc. Tim Tú Trâm đập mạnh như muốn bắn khỏi lồng ngực. Lệnh mà nàng đợi từ nhiều ngày nay đã đến.
- Alô, ông muốn hỏi ai? Tú Trâm hỏi.
- Có phải số 194 không?
- Thưa ông hỏi số mấy?
- Tôi hỏi số 194. Hỏi nhà riêng của luật sư Vinh.
- Ông lầm rồi. Đây là số 184.
- Xin lỗi bà.
Buông máy nói xuống, Tú Trâm càng cảm xúc thêm. Theo chỉ thị, khi nào nghe điện thoại hỏi số 194 (dĩ nhiên không phải là số của nàng) nàng phải đến điểm hẹn. Thật ra số 194 là số của luật sư Vinh, cán bộ lãnh đạo của Mặt Trận Tổ Quốc Thành bộ Hà nội.
Tuy nhiên, từ khi nghe điện thoại đến giờ hẹn, nàng còn những 30 phút. Nơi hẹn là con đường hẻm, cách bin đinh nàng trú ngụ khoảng trăm mét, gần công viên Quan Thánh.
Nàng lại bàn trang điểm, sửa lại đôi môi hơi tái, và mái tóc bị Bilatốp làm rối, đoạn khoác áo dạ đen lặng lẽ ra cửa. Hành lang bin đinh giờ này vắng tanh. Nàng xuống cầu thang, vòng ra cửa sau, lẩn vào bóng tối.
o O o
Trong khi ấy, trưởng ty Phản gián Phạm Linh vuốt mặt không kịp trước những lời mắng nhiếc của Bêrếp tại trụ sở ty biệt phái R.U.
Phạm Linh báo cáo thái độ của Bilatốp tại Hà nội, và trước cửa phòng Tú Trâm:
- Thưa đồng chí, tôi nhận thấy Bilatốp mê Tú Trâm như điếu đổ. Chỉ còn cách thuyên chuyển nàng đi nơi khác.
Bêrếp trợn tròn mắt:
- Thuyên chuyển con bé ấy hả? Thuyên chuyển đi đâu? Cô ả làm việc cho chính phủ Liên sô, tống khỏi sứ quán không phải dễ. Đồng chí đừng quên một nửa nhân viên trong sứ quán đã yêu thầm nhớ trộm, hoặc được hưởng ân huệ của nàng. Bây giờ, nàng lại đèo thêm gánh nặng ngàn cân Bilatốp nữa. Tôi chỉ sợ cô ả nhờ Bilatốp thuyên chuyển đồng chí đi thôi.
- Vậy, ta phải làm sao?
- Hừ, đồng chí là kẻ võ biền, chẳng có mưu lược gì hết. Bilatốp dính với Tú Trâm như bóng với hình, sớm muộn đối phương sẽ biết. Biết, tất tìm cách lợi dụng. Lợi dụng, tất xuất đầu lộ diện. Lộ diện, tất sa lưới ta. Thuyên chuyển Tú Trâm làm gì? Tốt hơn là dùng nàng làm mồi để câu cá. Và phen này ta không thèm câu cá chép nhỏ xíu nữa, mà là câu kình ngư.
- Tôi sợ địch thừa cơ hạ sát Bilatốp.
Bêrếp cười rộ:
- Nếu chỉ nhằm ám sát Bilatốp, địch chẳng cần phái Văn Bình ra đây. Trong tổ chức của lão Hoàng tại Hà nội, cũng có nhiều tên dám có hành động cảm tử này. Nói như vậy, không phải là tôi tin địch thành công. Địch sẽ thất bại, vì màng lưới an ninh của ta luôn luôn bảo vệ Bilatốp hữu hiệu.
- Thưa, Bilatốp không chấp nhận toán cận vệ của tôi.
- Tôi giao trách nhiệm cho đồng chí. Bilatốp ghét cận vệ lẽo đẽo theo sau, thì bố trí người bám ngầm. Bọn bác học bao giờ cũng lắm chuyện như thế. Chúng ta chẳng thương gì họ, và họ cũng chẳng thương gì ta. Ta sẽ tống họ đi Tây bá lợi á nếu họ không còn hữu ích nữa. Và họ sẽ bỏ trốn sang Tây phương, hú hí với gái đẹp, nếu gặp hoàn cảnh thuận tiện. Riêng đối với Bilatốp, đồng chí phải đề cao cảnh giác.
- Thưa...
- Đồng chí hãy cho gắn máy ghi âm bí mật trong phòng Tú Trâm. Chừng nào gắn xong?
- Sáng mai nàng đi làm, tôi sẽ cử Thanh Lâm đến. Độ trưa mai mới xong.
Phạm Linh xoa tay hỉ hả, trèo lên xe Pobieda. Hắn đã thảo xong kế hoạch tăng cường hệ thống kiểm soát. Một đơn vị đặc biệt được lệnh theo sát Bilatốp suốt ngày đêm. Căn phòng của Tú Trâm cũng được bí mật canh phòng. Kẻ nào bén mảng đến gần Bilatốp sẽ bị hắn tóm cổ dễ như thò tay lấy đồ trong túi.
Không lẽ K.4 nói sai? Những lần trước K.4 đã cho tin đúng. Nhờ K.4, Phạm Linh đã phăng ra cơ sở của Phong Trào Yêu nước tại Hàng Gạo, và biết Z.28 nhảy dù xuống Hà nội.
Phạm Linh rú ga, phóng như bay.
Chú thích
1. nhà thương điên ở Hà Nội.
2. bộ trưởng Bộ Công An.
3. lệ thường, điện đài gián điệp được gắn một ngòi nổ đặc biệt, gọi là "cái phá". Nhờ "cái phá", điện đài không thể rơi vào tay đối phương.
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28