Z.28 epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Z.28 Một Vụ Đánh Cắp Tài Liệu Nguyên Tử - Chương 10: Văn Bình Từ Chức
ê Diệp ra đến cửa, Văn Bình gọi giật lại:
- Anh đưa nàng về phòng tôi đường Võ Tánh ấy. Rồi anh ngồi đợi tôi. Tôi tin nàng sẽ lăng mạ anh và tôi thậm tệ.
- Sao anh biết? Bọn mình ngăn cản không cho nàng trao tài liệu chứ gì?
- Không trao lần này thì trao lần khác. Nguy nhất là thằng Lập bị bắt cóc.
Lê Diệp cau mày, kinh ngạc:
- Bắt cóc? Bắt cóc à? Địch bắt cóc con tin phải không?
Văn Bình chép miệng, chua chát:
- Vẫn cái điệp khúc cổ điển ấy. Bọn họ tưởng Như Luyến chơi nước đôi nên làm già.
- Nguy lắm. Vẫn biết tính mệnh đứa trẻ không đáng kể bằng tài liệu tối mật. Tôi lo lắm anh ạ. Anh đã nghĩ ra kế nào chưa?
Văn Bình cười xòa:
- Ồ, làm cái nghề chúng mình, đến đâu hay đến đó, lo gì cho ốm xác?
Lê Diệp tần ngần:
- Đến lúc này anh còn mỉa mai cay cú được nữa, thú thật tôi chưa hiểu anh chút nào cả. Tại sao anh lại biết thằng Lập bị bắt cóc?
Văn Bình đáp thản nhiên qua hơi khói Salem:
- À, cũng nhờ Magwave.
Lê Diệp trợn mắt:
- Anh đã giấu Magwave trong người thằng Lập?
Văn Bình vẫn thản nhiên:
- Không, tôi cho nó một cái bật lửa rõ đẹp. Bật lửa này là một cái Magwave tối tân.
- Thế nghĩa là anh đoán trước thằng Lập sẽ bị bắt cóc?
- Cũng gần thế.
- Tôi không hẳn đồng ý với anh. Nhỡ địch hy sinh thằng bé, anh biết ăn nói làm sao?
- Khỏi lo. Họ chỉ giết thằng Lập một khi đã nắm tài liệu hẳn hoi trong tay. Giờ đây họ chưa đoạt được. Thế tất họ cần thằng Lập sống làm mồi nhử mẹ nó. Bởi vậy tôi mới nhờ anh mang Như Luyến về đây, giải thích ngọn ngành cho nàng hiểu.
- Ôi chao, nàng sẽ giết tôi chứ chẳng không?
- Vì thế, mới nhờ đến anh. Vì thế tôi mới đoán trước nàng sẽ lăng mạ, sỉ vã anh thật nhiều. Nhưng thôi, còn hơn ăn một băng tiểu liên vào bụng. Anh đi đi. Bây giờ tôi lên biệt thự của Như Luyến ở Chi Lăng. Chốc nữa, anh gọi điện thoại cho tôi trên đó. À quên, còn cái này nữa. Trước khi tới đường Tự Do, anh gọi giây nói cho Công An đến nhà thàng bé bán kẹo trước rạp Kinh Đô, mang nó đi ngay.
- Anh sợ…
- Chính thế. Ván bài đã đến hồi chiếu tướng, địch sẽ hy sinh thằng bé vô tội này. Nhanh thì kịp, nếu không đành chịu vậy, biết sao?
Lê Diệp chạy như bay ra xe hơi có gắn máy vô tuyến, liên lạc với Công An trung ương. Còn Văn Bình chậm rãi, ấn mũ phớt lên dầu, xốc lại áo vét-tông bằng hàng mô-he màu xám nhạt, để pô-sét màu đỏ ngay ngắn trên mép túi, liếc nhìn đôi giầy bốc-can vừa đánh, đoạn lững thững ra sân. Z.28 không khi nào vội vàng. Ngay cả những khi vật lộn với cái Chết. Dọc đường lên Gia Định, Văn Bình xếp lại thứ tự tư tưởng. Theo sự tính toán của chuyên viên, cái Magwave chàng đưa cho thằng Lập không vạch con đường từ ký túc xá về biệt thự của Như Luyến mà đi sâu vào phía Chợ Lớn. Như vậy tức là giả thuyết bắt cóc không còn sai nữa. À, mà chàng quên! Con đường do Magwave báo lại bắt đầu từ biệt thự trên đường Chi Lăng, chứ không phải từ ký túc xá. Giờ đó thằng Lập đã về rồi. Thằng Lập được u già tới đón về từ sáu giờ rưỡi. Năm phút sau xảy ra cuộc bắn giết gần Bờ Sông, bảy giờ thì luồng sóng điện do Magwave phát ra từ biệt thự đường Chi Lăng dẫn vào Chợ Lớn. Văn Bình vượt qua biệt thự độ một trăm thước và đậu lại. Chàng đút tay vào túi quần, thong thả bước lại cổng biệt thự. Ngạc nhiên xiết bao, chàng không nghe tiếng chó sủa. Như Luyến có ba con chó rất dữ, nhất là con Ziếc-cô. Trong vườn vắng tanh… Mấy cây me, cành lá um tùm đứng yên trong bóng tối. Chỉ có ngọn đèn nhỏ ở nhà bếp là bật sáng, còn toàn biệt thự đều chìm trong màn đen. Vật chàng gặp trước tiên là xác con chó to lớn nằm vật ngoài cửa phòng khách. Bật đèn ngoài hành lang lên, Văn Bình quỳ một chân xuống cạnh thi thể con chó. Con chó bị giết bằng súng. Văn Bình cầm cái lập lắc bằng nhôm đeo trên cổ con chó lên xem. Tấm lắc có chữ Ziếc-cô khắc chìm, nhòe nhẹt máu đỏ. À, ra đây là con chó khôn nhất, con chó đã được huấn luyện phương pháp giữ nhà khoa học của Công An Anh-cát-lợi.
Chàng vặn hết đèn trong biệt thự lên. Phòng khách còn nguyên đồ đạc bầy biện ngay ngắn tỏ ra không có một cuộc xung đột nào. Chàng lặng lẽ xuống bếp. Hai con chó khác nằm chết trong cũi sắt. Tiếng chuông điện thoại reo vang. Văn Bình nhắc ống lên nghe. Đó là Lê Diệp. Giọng Lê Diệp không giấu được xúc cảm:
- Văn Bình đấy ư? Thằng bé tong rồi.
Văn Bình đáp lại như máy:
- Trong rồi, tong rồi à?
Đã quen với khí hậu chết chóc, chàng vẫn thấy ngùi ngùi. Địch giết không cần suy nghĩ, không đếm xĩa tới nhân đạo. Bất cứ ai dính dấp tới nội vụ, dầu gần hay xa, đều bị trừ khử lần lượt. Chàng biết trước mà vẫn không tránh khỏi. Văn Bình lẩm bẩm:
- Hừ, chúng nó lẹ thật!
Ở đầu giây bên kia, Lê Diệp nói thêm:
- Nó đương bán kẹo như thường lệ trước rạp xi-nê thì một người đàn ông đến gọi nó đi. Nó theo người đó ra đường vui vẻ chứ không có gì là cưỡng bách. Mười lăm phút sau, người ta gặp xác nó gần Bờ Sông.
- Gần Bờ Sông?
- Vâng, gần chỗ xảy ra án mạng khi nãy.
À ra thế! Quả là Địch muốn gây sự! Địch có thể mang thằng bé ra ngoại ô hạ sát rồi đeo đá quăng xuống sông cho biệt tích. Đằng này giết xong, mang lại gần chỗ giết Nguyễn Phổ để thách thức những người trong cuộc.
Văn Bình hỏi:
- Anh đã ra chỉ thị cho họ mang thằng bé đi chưa? Nhớ nhá! Đừng lộ cho nhà báo biết! Chỉ ra thông cáo nói là thanh toán ái tình nghe! Nguyễn Phổ bị côn đồ hạ sát về chuyện nhăng nhít.
Văn Bình gác ống nói. Chàng ra đường đi vào khu bin-đinh đồ sộ đối diện. Chàng không vào thang máy, nhảy ba bước một lên cầu thang đánh ga-ni-tô màu vàng đậm. Đến lầu hai, chàng dừng trước cánh cửa số 19. Đó là căn phòng mà hai nhân viên nhiếp ảnh cửa Sở túc trực để theo dõi biệt thự. Chàng không gõ cửa vì biết bên trong ra sao rồi. Quả chàng đoán đúng: tay chàng khẽ ẩy một cái, hai cánh cửa mở tung. Bên trong, hai xác chết lực lưỡng nằm sóng soài trên tấm thảm cói, nhuộm phẩm xanh. Máu đỏ nhuộm hồng một góc thảm, cả hai đều bị giết bằng súng lục. Chàng mở máy ảnh ra xem. Những cuộn phim chụp được đã mất biến. Địch đã lấy những cái cần lấy. Chàng lắc đầu thở dài. Lần này Văn Bình hết bào chữa với ông Hoàng. Thật là cay chua cho chàng. Văn Bình bị thua ngay trên đất nhà. Văn Bình bị đánh tan không còn manh giáp. Toàn bộ kế hoạch chàng đặt ra đã bị Kinh Kong phá tan ra bụi. Gần một tá án mạng xảy ra mà Văn Bình không tìm ra đầu mối. Phen này… Bỗng chàng giật mình. Chàng để ý đến một cái kim cà-vạt bằng kền nhỏ xíu nằm lỏng chỏng dưới chân ghế mây, bên thi thể nạn nhân. Chàng cầm lên xem. Đó là một thứ kim cà-vạt đắt tiền, chế tạo bên Mỹ. Cây kim trang sức này sẽ giúp chàng tìm ra hung thủ dễ dàng. Nhưng biết đâu chỉ là ảo tưởng? Văn Bình lặng lẽ xuống thang gác. Chàng ra xe, vặn máy chạy một mạch về đường Võ Tánh. Đến căn buồng dành riêng cho chàng. Văn Bình rút túi lấy chìa khỏa mở. Bên trong, Lê Diệp ngồi như pho tượng bên chai rượu buốc-bông còn có một nửa. Chàng ngạc nhiên, Lê Diệp mới tập nghiện rượu à?
Không, chàng lầm rồi. Người uớng rượu là Như Luyến. Nàng không còn vẻ đẹp mê hồn nữa. Tóc nàng rối beng, cặp môi không đánh sáp đã tái nhợt, nước mắt chảy ràn rụa làm hoen ố lớp kem phấn trên má. Như Luyến ngồi trên ghế sa-lông kê sát cửa có che rèm kín mít.
Văn Bình chưa kịp cất tiếng chài, Như Luyến dã đứng bật dậy, với câu nói xé ruột:
- Các ông giết tôi rồi….
Văn Bình giả vờ ngạc nhiên:
- Bà bảo sao? Có phải chúng tôi phá cuộc trao tài liệu tối nay đâu?
Nàng quắc mắt, dằn từng tiếng:
- Phải, ông không phá! Không phá tại sao Kinh Kong không đến nhận tài liệu nữa và bắt cóc con tôi?
Văn Bình vẫn không đổi sắc mặt:
- Tôi vừa ở biệt thự của bà về đây. Tôi hiểu lòng một người mẹ đối với con lắm. Tôi khuyên bà cũng thừa vì tôi không tin bà còn đủ sáng suốt để nghe tôi nữa. Tuy nhiên, tôi có thể lấy danh dự xác nhận với bà một điều: tôi không chủ trương phá cuộc trao tài liệu tối nay.
Như Luyến đáp một cách chua chát:
- Thú thật với các ông, tôi cũng có học thức, tôi từng đọc nhiều nên không lạ gì lời hứa của người làm cái nghề như các ông. Tôi không tin các ông nữa. Tôi chỉ cần nói với ông một điều, từ nay, lời cam kết của tôi trước mặt ông trở thành vô giá trị. Tôi phải làm theo lệnh của họ để cứu con tôi.
- Bà sẽ mang tội phản quốc. Tòa án có thể bắt bà bất cứ lúc nào.
Lời đe dọa của Văn Bình không làm Như Luyến nao núng. Nàng đáp cương quyết:
- Cám ơn ông đã nhắc nhủ tôi, song tòa án hay bất cứ cái gì nữa cũng không lay chuyển được quyết định của tôi. Các ông cứ việc lôi tôi ra tòa. Tôi sẽ nói trước rằng tôi không mướn trạng sư. Tôi sẽ không thèm khiếu oan. Tôi sẽ không bao giờ chống án. Đó, ông mãn nguyện rồi chứ? Tòa án sẽ kêu tôi tội tử hình. Tôi sẽ lên máy chém không chút sợ hãi vì tôi đã cứu được con tôi.
Văn Bình giật mình. Chàng không ngờ nàng lại lý luận mạnh mẽ đến thế, không như phần đông phụ nữ, nàng đau khổ, nàng khóc nức nở, nhưng đầu óc còn tỉnh, không lăn lộn, tru tréo như mọi bà mẹ thương con khác. Lối thương con trầm tĩnh này làm chàng lo ngại. Chàngbiết Như Luyến sẽ làm như lời nàng nói, dẫu phải gánh chịu kết quả nào đi nữa. Văn Bình liền chuyển qua chiến thuật khác. Chàng đổi sang giọng trầm trầm, quyến rũ:
Tôi hiểu tâm trạng bà lắm. Đứa con bà thương yêu nhất đời bị bắt cóc, bà không tức giận chúng tôi sao được vì bà có hợp tác với chúng tôi mới xảy ra chuyện này. Tuy nhiên, bà nên nhớ chúng tọi không dại gì phá cuộc trao đổi tài liệu. Nếu chúng tôi phá tại sao một nhân viên trọng yếu của chúng tôi bị giết và một nhân viên khác (Văn Bình chỉ Lê Diệp) suýt thiệt mạng?
Thấy lý bị đuối, nàng ngồi im. Văn Bình nói tiếp:
- Tôi không cãi rằng trong nghề chúng tôi, lời hứa ít khi được giữ, nhưng thưa bà, có những trường hợp mà lời hứa phải giữ cho đến chết, dẫu phải hy sinh. Đó là trường hợp đối với bà. Bản tâm chúng tôi là lừa cho họ nhận tài liệu rồi theo dõi họ, phăng ra đầu mối. Họa là điên chúng tôi mới làm địch sợ hãi, không dám ra mặt nữa?
Nàng cảm thấy lập luận của Văn Bình mỗi lúc một vững nên nét mặt dịu lại, tuy hai mắt vẫn đỏ hoe. Văn Bình rót cho nàng một ly rượu mạnh, mời uống. Nàng nốc một hơi hết sạch. Văn Bình nói:
- Bà đừng ngại. Tính mệnh cháu Lập không hề gì đâu! Hiện địch chỉ cần tài liệu. Họ bắt cháu Lập để bà phải trao tài liệu cho họ vì vậy sớm muộn họ sẽ tiếp xúc với bà.
Văn Bình đã nói dối. Kinh nghiệm hoạt động quốc tế cho biết đối với những vụ quan trọng không lẽ Kinh Kong lại tha một con tin bảy tuổi - cái tuổi hiểu biết - trong khi những phần tử ngoại cuộc như thằng Vĩnh bán nem, thằng bé bán kẹo cao-su lại bị thủ tiêu tàn nhẫn. Hiện nay Kinh Kong chưa giết thằng Lập vì còn cần thằng bé thu hút Như Luyến. Đến khi nắm được tài liệu trong tay thì thằng bé nhất định phải chết, và không khéo Như Luyến cũng bị địch hạ thủ nữa. Thế mà Như Luyến không biết! Nàng đinh ninh địch cũng giàu tình cảm, biết giữ lời hứa như nàng! Như Luyến gạt mái tóc sang bên má, miệng nói:
- Không, tôi không được quyền tin ông nữa. Họ tiếp xúc với tôi hay không, điều đó xin ông đừng can dự tới. Lúc nãy, sỡ dĩ tôi chịu về đây không phải vì tôi sợ bị bỏ tù, sợ bắn về tội gián điệp phản quốc mà vì tôi muốn đòi hỏi ông một điều. Vì tính mạng con tôi, xin ông đừng cho người theo dõi tôi nữa.
Nàng mở "xắc" rút ra một khẩu súng cỡ 7,65 cán bằng ngà sáng bóng. Hườm khẩu súng, nàng dằng từng tiếng:
- Từ nay, hễ thấy người của ông bén mảng gần tôi, tôi sẽ bắn bỏ. Các ông đừng tránh. Yêu cầu ông cắt đứt giao thiệp với tôi. Riêng tôi, tôi không còn đủ can đảm gặp lại những người vô tài như ông.
Bị Như Luyến mắng như tát nước vào mặt, Văn Bình nín thinh. Biết sao được? Chàng đâu dám nói sự thật với Như Luyến. Chốc nữa hay sáng mai, địch sẽ tiếp xúc với nàng, nếu họ biết chàng giấu máy Magwave trong túi thằng Lập, biết đâu họ chả thủ tiêu thằng bé và cả Như Luyến? Cốt yếu là làm cách nào cho Như Luyến giận chàng và trốn đi, trao tài liệu cho địch. Như Luyến không chào hai người, dậm gót giầy cồm cộp ra cửa. Trước khi vặn nắm, sực nhớ ra, nàng quay lại dặn với:
- À, tôi cần nói thêm nữa. Nếu các ông cho người theo tôi, bắt đầu từ giờ phút này, tôi sẽ lên gặp ngay ông bộ trưởng. Tôi sẽ nói thẳng với ông Hoàng, người chỉ huy cao cấp của ông. Tôi sẽ hỏi xem cái nghề của các ông là nghề cứu dân hay là nghề vô nhân đạo. Và ông sẽ mất cái chức trung tá của ông. Ông nhớ chua?
Văn Bình cười tủm tỉm:
- Nhớ rồi, xin cám ơn bà…
Thái độ thản nhiên của Văn Bình càng làm nàng căm giận thêm. Nàng chỉ tay vào mặt Văn Bình, nói:
- Ông còn chế riễu nữa ư? Ông tưởng ông Hoàng và ông bộ trưỏng sẽ giữ ông lại nữa sao? Rồi ông sẽ biết. Tôi sẽ nói cho các nhà báo. Tôi sẽ tuyên bố cho ngoại quốc biết. Ông coi chừng.
Dọa xong, nàng đập cửa đánh xầm một tiếng. Cuốn sách dầy cộm để trên cái xích đóng gần cửa bị ngọn gió do cánh cửa sập mạnh phát ra, rơi xuống đất. Đĩa đựng tàn thuốc lá đổ vung vãi trên nền gạch hoa màu vàng nhạt. Lê Diệp nhìn Văn Bình. Văn Bình nhún vai:
- Đấy, anh đã sợ chưa? Đừng tưởng cô ta chỉ nói chơi mà thôi!
Lê Diệp hỏi:
- Bây giờ, anh định thế nào?
Văn Bình đáp:
- Chả lo. Đến đâu hay đến đó. Bây giờ ta hỏi tin tức về cái Magwave đã. À, còn cái Magwave tôi cất trong cái "xắc" Như Luyến, anh đã lấy lại được chưa?
Lê Diệp đưa cho chàng xem một cái bật lửa màu vàng, miệng cười vui vẻ:
- Lúc cô ta nói huyên thuyên với anh, tôi dở ngón bỉ vỏ này ra. Cũng may người đẹp không biết, nếu bắt được quả tang ăn cắp thì chết!
Văn Bình vỗ vai Lê Diệp:
- Giỏi lắm, giỏi lắm. Có ra làm trùm móc túi chợ Sàigòn được đấy!
Quên cả tình trạng khó khăn và bi đát, hai điệp viên cười vang. Văn Bình quay số điện thoại nói chuyện với Ban Đo-Góc. Nhân viên phụ trách báo cáo với chàng hiện cái Magwave đã dừng ở một địa điểm gần Phú Lâm, trên đường di Mỹ Tho. Sau khi dặn Ban Đo-Góc thông báo rõ địa điểm đích xác. Chàng bảo Lê Diệp lấy một xe díp Lăng-Rô-vơ có máy thu phát thanh, và đo-góc đi với chàng.
Hai người phóng như bay về miệt Phú Lâm. Trận mưa mùa hạ đổ rào rào trên máng kẽm đường Trần Hưng Đạo đã thưa hột. Đến khi hai người tới ngã tư đèn xanh đèn đỏ đường Tổng Đốc Phương trời bỗng tạnh ráo. Tài xế lái sang phải rồi đi vào đường Phú Lâm. Chạy một quảng xa, đến gần cầu, Văn Bình ra hiệu cho xe dừng lại, gọi vô tuyến về cho Ban Đo-Góc trung ương. Chàng nói chuyện một hồi với người chuyên viên trắc giác ngồi trên xe. Luồng điện Mmagwave phát mỗi lúc một mạnh. Cái "bin" trong Magwave chỉ đủ sức phát điện trong ba tiếng đồng hồ. Thời gian này đủ cho Ban Đo-Góc tìm ra địa điểm. Chuyên viên tính toán giây lâu. Một lát sau, người đó dặn tài xế chạy thêm một quãng trên trăm thước nữa rồi dừng trước một biệt thự kiểu xưa, rộng mênh mông. Văn Bình phái Lê Diệp canh chừng phía Mỹ Tho, sợ địch tháo thân ra nẻo ấy, còn chàng túc trực gần cầu Phú Lâm, cách tòa biệt thự độ 20 thước. Tứ phía tối mù. Ngọn đèn gần cầu không đủ xua đẩy những khối đen kịt bao phủ lấy thân cầu và những căn nhà kế cận. Tòa biệt thự khả nghi có một hàng rào cao hút đầu người và một cổng gỗ nhỏ hẹp. Bên trong toàn là cây cối um tùm. Những cửa sổ trên lầu đều đóng chặt. Không một ánh sáng. Ai đi qua đều cho đó là biệt thự bỏ hoang vì cỏ mọc rêu phong hoặc ít ra chủ nhân là nhà ẩn sĩ.
Mười lăm phút sau, cổng tòa nhà cổ mở hé, một người đàn ông cao lớn, đội mũ xùm xụp đi ra. Người này ra giữa đường, nhìn trước, nhìn sau không có ai bèn trở vào lại, mở hai cánh cổng rộng hoét rồi lái một chiếc xe lớn chạy ra. Đó là một chiếc xe Ford kiểu mới, mảu xanh trắng, mui vải kéo lên. Văn Bình hạ lệnh cho Lê Diệp lái xe đi theo. Chiếc xe phóng qua chỗ chàng núp, nhanh như tên. Bánh xe dẫm vào vũng nước trên đường, bắn tung tóe cả vào mặt, vào quần áo chàng.
Văn Bình phải quay về Sàigòn. Chàng vừa nhận đuợc báo cáo quan trọng: u già Ngọc bị trói còng queo, bất tỉnh nhân sự ở Cầu Kho. Công An đã mang u già tới bót lấy cung nhưng vì trong người có thương tích nên phải chở tới bệnh viện dưỡng sức. Chàng ra lệnh cho toán Hành Động bao vây tòa biệt thự một cách kín đáo. Văn Bình phóng một nước về nhà thương Đồn Đất. U già được đưa tới dẫy buồng sang trọng, dành cho bệnh nhân khá giả ở phía tay trái, trên lầu. Văn Bình đậu xe ngoài cửa, trình giấy với người gác bệnh viện, đoạn rảo bước vào trong. Quang cảnh nhà thương Đồn Đất ban đêm buồn teo. Mấy cây ngô đồng trồng hai bên đường thỉnh thoảng lại rùng mình, đổ những giọt nước còn sót lại của trận mưa hồi tối vào người chàng. Ánh điện đỏ quạch chiếu xuống nệm cỏ ướt, và những vũng nước đục ngầu, càng làm quang cảnh buồn thêm.
Ở đầu đường rẽ vào khu giải phẩu, Văn Bình đụng phải một người mặc bờ-lu trắng, đeo kính cận thị, trên cổ lòng thòng ống mạch. Đó là bác sĩ thường trực ban đêm. Đi sau là một nữ khán hộ bưng khay sắt to tướng đựng đồ mổ xẻ. Gặp Văn Bình, người bác sĩ dừng lại. Văn Bình nẩy ra ý muốn gợi chuyện với bác sĩ, nhưng không hiểu sao lại thôi. Màu áo trắng toát ban đêm trong một bệnh viện đìu hiu gợi trong lòng chàng những cảm giác không hay. Chàng đi đến dẫy phòng u già Ngọc nằm. Chàng trèo lên cầu thang sắt gầy guộc, cao lêu nghêu, sau cùng lên đến trên lầu.
Trước cửa phòng u già, một người lính, đeo súng lục đứng gác. Đầu hành lang, một người gác khác cầm súng tiểu liên.
Gian phòng bệnh nhân rộng rãi nhưng đơn sơ, gồm hai giường sắt, một cái để trống, ở góc có một cái bàn sơn trắng trên để một túi vải và một tủ nhỏ đựng quần áo, dụng cụ cần thiết.
U già nằm yên trên giường, mền trùm kín chỉ còn chừa mặt, tuy trời bên ngoài nóng bức. Có lẽ u già mất nhiều máu nên cảm thấy lạnh.
Người nữ điều dưỡng đang ngồi trên ghế thấy chàng vào đứng lên mở cửa phòng ra ngoài. Trong phòng bệnh còn u già với chàng. Chàng kéo ghế sát giường, đặt bàn tay lên trán u già. U không bị thương tích, ngoài một trái đấm móc vào cầm khiến bị mê man. U già kêu đau như rần khắp mình và óc nhức nhối như búa bổ nhưng bệnh viện đã khám cẩn thận, không có khớp xương, bộ phận nào bị thương tật. Tay Văn Bình đặt lên trán, u già vùng mở mắt, thức dậy. U già trạc năm mươi, diện mạo tầm thường, răn reo nhưng cặp mắt còn sáng và có tinh thần. Nét mặt của u còn vương lại chút hốt hoảng. Văn Bình nói nhỏ:
- Tôi là nhà chức trách tới đây gặp bà, bà có thể giúp tôi tìm ra hung thủ không?
U già đáp thều thào:
- Được.
- U còn mệt lắm phải không?
- Vâng, mệt thì còn mệt, nhưng nếu ông hỏi ít thì tôi có thể trả lời được. Đầu và xương sống tôi nhức lắm ông ạ. Không khéo tôi bị vỡ sọ mất. Có lẽ thầy thuốc giấu tôi, phải không, thưa ông?
- Không, họ không dối bà đâu. Thật đấy, bà chỉ bị sây sát thường thôi. Bà nằm dưỡng bệnh một vài hôm rồi có thể về nhà được. Tôi muốn hỏi bà một vài điểm mà bà biết. Bà có thể cho biết hung thủ đến bắt bà như thế nào không?
- Vâng. Tôi xin kể. Lệ thường cô Luyến vẫn đi đón chú Lập ở ký túc xá về, nhưng hôm nay cô bận nên sai tôi đi. Hàng tuần, tôi phải đi đón chú Lập hai, ba lần như vậy…. Tôi đi xích lô đạp đến ký túc xá, chú Lập về nhà thì trời đã tối.
- Bà nhớ lúc đó mấy giờ không?
- Tôi không nhớ rõ.
- Lúc hung thủ vào, bà ở đâu?
- Tôi đang làm cơm dưới bếp.
- Còn cậu Lập?
- Chú Lập chơi trên phóng khách.
- Họ có mấy người cả thảy?
- Tôi không biết rõ. Tôi đang xắc thịt làm món la-gu, nghe tiếng động sau lưng, tôi quay lại thì người đó đấm tôi một cái vào cằm, tôi ngã xuống và không biết gì nữa.
- Đến khi về bệnh viện bà mới biết em Lập bị bắt cóc, phải không?
- Phải.
- Cậu Lập có bị đánh không?
- Tôi có biết họ bắt chú Lập đâu? Khi đó tôi đã bất tỉnh nhân sự.
- À, tôi quên, xin lỗi bà.
Ngừng một phút, chàng hỏi tiếp:
- Người đó ra sao?
- Tôi không nhớ rõ mặt.
- À, bà vừa vào lửa xong phải không? Mới vào lửa, mắt còn quáng khó nhìn được người ở ngoài vào! Khi đó đèn ngoài hành lang lại bật nữa.
- Vâng, ông nói đúng. Tôi chỉ biết người đó cao và to ngang trông từa tựa như ông. À, thưa ông quí danh là gì? Ông giữ chức vụ gì? Từ nãy đến giờ, tôi bị hỏi nhiều quá nên không muốn trả lời nữa. Tôi chỉ trả lời cho người có thẩm quyền mà thôi. Xin ông hiểu cho.
- Bà thận trọng như vậy là đúng. Tôi tên là Đặng, giám đốc Ty Điều Tra của Nha Công An Trung Ương.
- Hân hạnh cho tôi lắm. Tôi cầu nguyện cho ông chóng tìm ra chỗ họ giấu chú Lập.
Văn Bình đứng dậy:
- Cám ơn bà.
Chàng mở cửa ra ngoài hành lang. Bên ngoài trời lại đổ mưa. Ban đêm ở Sàigòn thường có những trận mưa bất tử. Có lẽ ông trời muốn chơi khăm những anh chàng mê đi nhảy và đi uống rượu lu bù với em út.
Chàng trèo lên xe hơi lái về Sở. Chàng cảm thấy đến lúc cần giải thích với ông Hoàng. Vừa đặt chân lên ngưỡng cửa phòng cô nữ thư ký trẻ đẹp Nguyên Hương, chàng gặp ngay một vệ sĩ quen tên của ông Hoàng. Người này mừng quýnh:
- Trời ơi, ông chủ tìm anh mãi. Gọi vô tuyến hơn một tiếng đồng hồ rồi chẳng thấy hồn vía anh đâu.Thậm chí, ông Hoàng phải gọi giây nói tới đường Võ Tánh, gọi ra Cấp cho cô Ngọc Lan cũng không gặp. Chả biết anh mò đi đâu nữa.
Văn Bình cau mặt, tỏ vẻ không bằng lòng:
- Việc ngập đến mặt thế này, ba đầu sáu tay còn làm chưa xuể, nghĩ đâu đến chơi.
Người kia cười xòa, dấu dịu:
- Tại anh thường xen lẫn chơi với làm nên ông chủ mới cáu, vả lại có phải tôi tâu với ông ấy đâu mà anh trách? Nguyên Hương đấy! Cô ả cay anh nên tố cáo địa chỉ và số điện thoại căn phòng ở đường Võ Tánh cho cụ via.
Văn Bình hết hồn:
- Sao Nguyên Hương biết?
- Đàn bà có cái gì không biết?
- Thôi, đừng già mồm nữa. Này, ông cụ có trong văn phòng đấy chứ?
- Có, để tôi báo trước.
Người kia mở một tấm cửa sắt bí mật, vào trước. Ba phút sau, y ra bằng cánh cửa khác rồi đưa chàng vào văn phòng của ông tổng giám đốc mật vụ.
Ông Hoàng ngồi yên sau chồng hồ sơ và một dãy điện thoại. Ông hất hàm, ra dấu cho người vệ sĩ đi ra. Nhung Văn Bình đã giơ tay ra nói:
- Chào anh. Cám ơn anh nhá.
Người kia vô tình đưa tay ra bắt. Nét mặt y bỗng cau lại, tỏ vẻ đau đớn vô cùng. Sức nội công hê gớm bao nhiêu nam rèn luyện của đê tam đẳng đai huyền đen, của chức quán quân quyền Anh của Văn Bình đã biến nắm tay thành cây kềm thép. Người kia cho tay vào, không rút ra được nữa, trong khi Văn Bình xiết mạnh thêm. Người kia kêu "ái, ái". Văn Bình xiết thêm nữa. Người kia la ầm lên:
- Đau quá, đau quá, thôi thì biết rồi, tôi xin anh.
Văn Bình cười trừ:
- Biết rồi hả? Lần sau còn mau miệng sẽ gẫy vụn xương tay hết nghề rút súng làm vệ sĩ nữa đấy!
Người vệ sĩ cao lớn suýt soa:
- Vâng, tôi biết rồi.
Văn Bình cười ha hả, thả tay ra nhưng không quên ẩy gã khổng lồ bắn vào tường. Trông một cây thịt to lớn bị Văn Bình đẩy dạt ra, ai chả lắc đầu le lưỡi. Biết tài Văn Bình, gã vệ sĩ đành lóp ngóp mở cửa, biến ra phòng ngoài, tuy cặp mắt long lên sòng sọc, hầu như muốn ăn tươi nuốt sống.
Văn Bình chép miệng:
- Ngữ ấy làm vệ sĩ chỉ tốn cơm!
Từ nãy giờ chứng kiến cảnh trừng trị trào lộng trong phòng mình, ông Hoàng không nhích mép. Văn Bình là con cưng của Sở Mật Vụ. Con cưng có nhiều khi mất dậy. Văn Bình thường có tính ngang tàng như vậy. Chàng chưa hề thất bại nên ông Hoàng vẫn chín bỏ làm mười, không bao giờ răn la chàng. Đêm nay, ông không chịu được nữa. Văn Bình dám múa may võ nghệ trong văn phòng ông, nơi bàn chân tầm thường không bao giờ được đặt tới. Hơn nữa, Văn Bình vừa làm cho Sở mất mặt. Văn Bình cần được sữa trị. Văn Bình sửa lại nếp áo vét-tông mới toanh, vén ống quần, ngồi nghênh ngang trong chiếc ghế bành to tướng, đặt trước bàn giấy ông tổng giám đốc. Cử chỉ đầu tiên của chàng là đốt một điếu Salem chắc nịch. Chàng ngửa cổ thở phào hơi khói thơm tho lên trần nhà sơn màu đọt chuối. Ông Hoàng lau kính cận thị xong, chậm chạp nói:
- Tôi tìm anh hơn một giờ rồi mà không gặp.
- Tôi phải chạy theo một đầu mối khác.
- Anh bao giờ cũng vậy cả. Anh dư biết chỉ khi nào tối cần tôi mới triệu anh tới. Tôi báo anh biết tôi rút cái lệnh trao cho anh toàn quyền hành động về vụ Như Luyến, để chuyển cho người khác có tài, có đức tính hơn.
- Cái đó tùy ông. Nhưng tôi xin phép hỏi ông: tại sao ông không tin tôi nữa?
Ông Hoàng không đáp, đẩy ra phía Văn Bình một tờ giấy đánh máy. Đó là bản ghi cuộc đàm thoại giữa ông với ông bộ trưởng. Ông bộ trưởng khiển trách Sở Mật Vụ không biết hành động để nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra. Ông bộ trưởng muốn Sở trao hồ sơ Như Luyến cho nhân viên khác.
Đợi Văn Bình đọc xong, ông Hoàng hỏi:
- Anh có nhìn nhận vì anh mà cuộc bố trí thất bại không?
Văn Bình cười thản nhiên:
- Nếu chỉ có thế tôi không cần biện hộ nữa. Ông bộ trưởng tìm được ai tài giỏi hơn, tôi xin nhường.
- Vẫn biết ông bộ trưởng muốn nhưng quyền là ở tôi. Tôi chỉ có thể bênh vực anh nếu anh bào chữa hợp lý. Anh đừng quên tôi là người thương anh nhất, hiểu anh nhất. Ngựa hay tất đá bậy. Tôi cố gắng chịu đựng cái tính bê tha của anh, và tôi còn cho đó là tính tốt của anh nữa kia. Nhưng uy danh của Sở, của tôi, vừa bị va chạm. Tôi muốn anh bào chữa trước khi Bộ có quyết định trừng phạt…
- Tôi xin hỏi, căn cứ vào đâu mà Bộ cho tôi thất bại?
- Lần trao tài liệu thứ nhất, anh kềnh càng nên Hoàng Lương bị giết, tên giữ tài liệu mất tung tích. Anh bắt chúng ngay thì đâu đến nỗi như ngày nay.
- Cần bắt thì lúc nào chả được. Sở không có sẵn những danh sách những kẻ làm do thám cho cộng sản hay sao? Ông đã biết tên họ sao chưa bắt? Vì ông còn đợi, đợi họ tiếp xúc mở rộng với nhau, tới khi đủ bộ mới bố ráp một loạt. Bắt một vài người có nghĩa gì đối với một bộ máy, một truyền thống do thám?
- Được. Lần đó anh còn có thể bào chữa được. Nhưng còn lần này? Anh bố trí ra sao đến nỗi địch biết Nguyễn Phổ đi theo và cả Lê Diệp nữa?
- Vì thế tôi mới kiên nhẫn. Tôi biết kẻ cầm đầu rất quyền biến nên cố hy sinh để bắt y. Ta không phá cuộc trao tài liệu. Địch không lẽ lại phá? Vậy còn bàn tay thứ ba nữa. Vụ này không giản đơn như mọi người tưởng đâu. Nhưng tôi, tôi tin đã gần tới đích.
- Gần tới đích? Phải, gần tới đích? Tôi chỉ mong có thế. Mong mà không được vì họ đã bắt thằng Lập. Lúc nãy, bà Như Luyến đã gọi giây nói cho ông bộ trưởng và cho tôi, yêu cầu chấm dứt cuộc theo dõi. Bà ta quen nhiều lắm, thế mạnh lắm, chúng ta không làm liều được đâu. Căn cứ vào lời anh nói thì khó thể tìm lại thằng Lập. Thế nào họ cũng hạ thủ thằng bé.
- Họ chỉ hạ thủ sau khi nắm được tài liệu….
- Dĩ nhiên. Nhưng tài liệu, ta đã trao cho bà Như Luyến rồi. Chết một nỗi là nghe theo lời anh, tôi không làm tài liệu giả, mà chụp lại trên phim thật. Ngăn Như Luyến lại thì thằng Lập chết, câu chuyện đổ bể, uy tín của Sở sau bao năm xây dựng sẽ bị sứt mẻ, lung lay, còn để Như Luyến trao tài liệu thì chúng ta dâng cho địch một món quà vô giá. Đó, tôi để anh tự xử lấy. Trước hết, tôi muốn anh tìm ra chỗ giam thằng Lập trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ, nếu không ông bộ trưởng phải đưa anh ra tòa án.
- Tôi xin hỏi: việc này trước kia ông trao toàn quyền cho tôi hay ông bắt tôi báo cáo hàng ngày như một nhân viên thường?
- Cho anh toàn quyền. Từ trước đến nay, việc nào tôi cũng cho anh toàn quyền cả. Nhưng lần này, Bộ can thiệp vào, tôi phải đích thân điều khiển, 48 tiếng đồng hồ đấy, anh hiểu chưa?
- Nếu ông cho tôi toàn quyền thì xin đừng ra hạn vì tôi đã bảo đảm thành công. Tôi xin mang đầu tôi ra để bảo đảm.
- Tôi đã bảo đảm như vậy nhưng họ không chịu. Trong 48 tiếng nữa, anh hẵng trở lại. Nhược bằng thất bại anh nên đi đâu mất tích, đừng bắt tôi phải trông thấy mặt anh nữa.
Chưa bao giờ ông Hoàng gắt gỏng như hôm nay. Ông đứng lên, lau lại đôi mắt kính rồi châm điếu xì-gà Ha-van khác. Nét mặt ông đã sâu lại sâu thêm. Ông Hoàng già quá rồi. Ngần ấy năm tháng trên vai mà chỉ huy một cơ quan cảm tử, luôn luôn cọ sát với Thần Chết! Văn Bình không nhẫn tâm được mãi. Chàng liền nói:
- 48 tiếng quá nhiều. Tôi chỉ xin ông một giây thôi.
Ông Hoàng rút điếu xì-gà ra khỏi miệng:
- Đã tìm ra chỗ giam thằng Lập rồi ư?
- Tìm ra thì không đúng, vì từ sáng nay, tôi đã đoán trước nó sẽ bị bắt làm con tin. Tôi đã gặp nó và lừa cho nó một cái Magwave. Bây giờ tôi đã cho vây chung quanh chỗ giam nó.
Ông Hoàng trút ra một tiếng thở dài:
- Ồ, còn gì bằng. Trên Bộ, họ cũng chỉ mong có thế. Câu chuyện lúc nãy tôi nói với anh, xin anh coi như không có.
Văn Bình nhún vai đáp:
- Tôi xin được ông cho từ chức.
Ông Hoàng ngạc nhiên:
- Anh từ chức ư? Công việc thắng lợi sao anh lại từ chức? Anh từ chức, Sở còn ai làm nữa?
- Để ông tìm người đặc tài, có đức tính hơn.
Ông Hoàng mỉm cười:
- Anh này nhớ dai thật! Thôi, đừng để bụng nữa. Khi nào muốn thôi cứ nhớ cái đêm ở Thượng Hải ấy.
Kỷ niệm mà ông gợi lại có ma lực khiến Văn Bình thương mến ông Hoàng vô tận. Đêm đó, Văn Bình có nhiệm vụ lên lục địa, tiếp xúc với bộ phận du kích kháng chiến. Ông Hoàng đợi chàng trong chiếc tàu ngầm xì-gà ngoài khơi. Đúng hẹn, Văn Bình bị sa bẫy của địch. Ông Hoàng sốt ruột. Lệ thường, một điệp viên sa bẫy, vô phương cứu thoát thì sẽ bỏ đấy, mong sao cứu được cơ sở là đủ. Nhưng ông không nỡ bỏ chàng. Tuy đã yếu, ông vẫn rời tàu ngầm, bơi vào bờ giữa sự canh phòng nghiêm mật của Trung cộng, và lần đến nơi Văn Bình bị giam. Ông Hoàng cứu chàng ra khỏi ngục, nhưng bị trúng đạn. Máu chảy thành vệt dài trên đường dễ làm đích cho quân địch đuổi theo. Vì thế, ông yêu cầu Văn Bình trốn đi trước, để ông ở lại trong bụi rậm, đợi hôm sau, nếu quân Trung cộng không tìm ra sẽ tới cứu. Bản tâm ông Hoàng đợi Văn Bình đi rồi là tự sát. Văn Bình đoán được tư tưởng của ông Hoàng nên nhất định không chịu đi. Hai người trốn trong đầm sen, chỉ dám thò lỗ mũi lên dưới lá, suốt một ngày, một đêm. Ông Hoàng gần như chết cóng.
Ban đêm, Văn Bình liều mạng, phá vòng vây và nhờ giỏi võ, nhờ quyền biến, chàng thoát được xuống Hàng Châu, do đường biển trốn về căn cứ. Sau chuyến đi đẫm máu ấy, ông Hoàng và chàng thương nhau như ruột thịt. Ông Hoàng nói:
- Anh còn muốn bỏ tôi nữa không? Không lẽ ở Thượng Hải có địch tứ bề, cái chết gần sát mà anh ở lại, bây giờ trong hoàn cảnh dễ dãi, thành công, anh lại bỏ sao?
- Vâng, ông đã nhắc đến câu chuyện Thượng Hải ngày trước, tôi xin rút ý kiến lúc nãy lại. Ở biển Thượng Hải, ông không bỏ tôi, lý nào tôi bỏ ông được hôm nay?
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28