Z.28 epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Z.28 Một Vụ Đánh Cắp Tài Liệu Nguyên Tử - Chương 8: Lưỡi Dao Dấy Máu
hạm Đồng trả tiền tắc xi, đoạn bước vội xuống lề đường. Trận mưa hồi trưa còn để lại những vũng lớn nên bước chân của y làm bắn nước tung toé lên bộ áo đắt tiền. Y chặc lưỡi ra vẻ không cần. Số tiền R.U. vừa trả cho y tha hồ mà may những bộ y phục sang trọng hơn nữa. Phạm Đồng huýt sáo miệng nghênh ngang đi vào đường Đinh Công Tráng. Đến một biệt thự to lớn, y dừng lại. Đây là một biệt thự chia ra từng phòng nhỏ, cho công tư chức thuê. Hoàng Lương, một đảng viên hành động của cộng sản thành bộ Sàigòn, ngụ trong đó. Ra vào biệt thự nhiều lần nên Phạm Đồng tìm phòng của Hoàng Lương rất dễ. Hoàng Lương đã nhận được lệnh của Thành bộ, ở nhà đợi Phạm Đồng.
Cửa phòng hé mở sau bốn tiếng gõ nhè nhẹ, cái trước dài, ba cái sau cộc lốc. Một thanh niên trên ba mươi, nét mặt hung tợn, hai lông mày nhíu vào nhau, một mắt to, một mắt nhỏ, miệng nhỏ xíu, hàm răng thưa, nướu như chuyển sang màu tím, đợi Phạm Đồng sau cánh cửa mỏng sơn xanh với mật hiệu:
- Xin lỗi ông, ông đến sang lại căn phòng này phải không?
Phạm Đồng nhoẻn miệng cười:
- Không. Tôi chỉ muốn thuê thôi. Thuê một căn vừa vặn cho một gia đình ở lục tỉnh lên.
Hoàng Lương bắt bàn tay gân guốc, cứng cáp của Phạm Đồng, miệng nói:
- Rất hân hạnh đưọc gặp đồng chí.
Phạm Đồng gật đầu. Y rút thuốc lá thơm ra mời Hoàng Lương. Từ ngày hoạt động cho mật vụ Nga, y không thích được gọi là đồng chí vì thật ra y có biết đảng cộng sản là cái quái gì. Y chỉ là kẻ chuyên nghề giết thuê. Thế thôi. Tại sao lần này Trường Thanh lại dặn y tới tiếp xúc cho bằng đưọc Hoàng Lương? Thấy chai cỏ-nhát vừa mở nút để trên bàn. Phạm Đồng vớ lấy, cho lên miệng tu ừng ực. Tu xong y lấy trong túi ra một mảnh giấy nhỏ, đánh máy, trao cho Hoàng Lương, với lời dặn:
- Anh đọc kỹ cho thuộc rồi hủy đi.
Hoàng Lương mang mảnh giấy lại bàn viết, bật đèn lên đọc một cách chăm chú, trong khi Phạm Đồng ngồi xuống ghế, rút trong túi ra chiếc rũa móng tay, rũa từ tốn, trịnh trọng như một thiếu nữ làm đỏm. Đọc xong bản mật lệnh, Hoàng Lương xé vụn ra, bỏ vào miệng nhai nuốt. Phạm Đồng đưa chai rượu cho bạn:
- Chiêu một ngụm cho tiêu đi.
Hoàng Lương cười hềnh hệch, cho cổ chai vào miệng nốc một hơi hết góc chai rượu mạnh. Là đảng viên hành động của Thành bộ, Hoàng Lương được triệu tới mỗi khi cần bắt cóc, tống tiền hay ám sát. Lệ thường, y được thưởng khá nhiều tiền. Dạo này, công việc làm ăn quẫn bách, Đảng gọi y đi là một cái hay. Phạm Đồng đứng dậy, chào:
- Thôi, tôi đi trước. Chốc nữa nhá?
Hoàng Lương gật đầu. Cánh cửa đóng đánh sầm. Phạm Đồng vẫy tắc xi xuống Sàigòn uống rượu. Còn sớm chán. Mười phút sau, Hoàng Lương khóa trái cửa, ra đường. Y bận sơ-mi bỏ ra ngoài quần màu xám trông như một tiểu chức, không có gì đặc biệt. Y trèo lên xích lô máy, dặn chạy về đường Yên Đổ.
Trời bắt đầu tối, Như Luyến đi đi lại lại trong phòng, vẻ mặt lo nghĩ. Nàng đã lấy được đoạn đầu của bộ tài liệu. Dĩ nhiên nàng không vấp phải trở ngại nào vì có sự đồng ý của Sở Mật Vụ. Tuy nhiên nàng vẫn sờ sợ.
Còn năm phút nữa tới bảy giờ tối. Như Luyến xuống ga-ra, mở cửa xe định bước lên. Đột nhiên linh tính báo nàng biết một chuyện ghê gớm. Nàng quay ngoắt lại. Phía sau, trong bóng tối của góc ga-ra là một mũi súng đen ngòm, một cái mũ phớt vành to, một người lạ mặt, không phải Kinh Kong. Nàng run sợ, tay bấu lấy cửa xe, miệng la lên một tiếng nhỏ:
- Ông là ai?
Người lạ mặt mỉm cười một cách bí mật:
- Tôi là bạn của Kinh Kong.
Nàng buột miệng:
- À ra ông là người của Kinh Kong?
Người lạ mặt nói:
- Tài liệu đâu, bà đưa cho tôi?
Như Luyến lắc đầu:
- Không thể đưa cho ông được. Kinh Kong hẹn tôi ở một chỗ khác.
- Bây giờ Kinh Kong lại chọn chỗ này. Chúng tôi có phải là con nít đâu… mà hẹn mấy ngày trước? Hẹn như vậy để bà báo với chúng nó ấy à?
Nàng chợt hiểu. Kinh Kong khôn ngoan thật. Thì ra y vẫn nghi ngờ nàng, y sợ nàng trình cho công an biết. Người lạ mặt lại giục:
- Đâu, bà đưa cho tôi?
Như Luyến đáp:
- Ông bảo Kinh Kong đến đây, tôi đưa cho. Tài liệu tôi không mang theo trong mình.
Mắt người lạ mặt quắc lên một cách dữ tợn. Như Luyến chưa kịp nói tiếp thì một quả đấm bay vèo vào cầm nàng. Nàng ngã vật ra phía sau, bất tỉnh nhân sự, cái xắc cầm tay văng xuống sàn xi-măng. Người lạ mặt tất tưởi mở xắc ra tìm kiếm. Một phút sau, y đóng ví lại, miệng trút ra một tiếng rủa tục tằn. Không có tài liệu. Y quỳ bên Như Luyến, lần từng gấu áo, gấu quần của nàng. Cũng không có gì sất. Y liền rút trong túi ra một lọ thuốc nhỏ, mở nút, đưa tận mũi cho nàng ngửi. Chỉ trong khoảnh khắc, nàng tỉnh dậy. Nhìn tận mắt người vừa đánh nàng, Như Luyến mắng:
- Đồ vũ phu!
Nhưng y nhe răng cười. Có lẽ vũ phu không xong, y phải giở ngón ngoại giao! Đứng dậy, Như Luyến khen thầm sự tiên đoán tài tình của viên trung tá Mật Vụ. Văn Bình dặn nàng không nên mang tài liệu trong mình, đề phòng mọi bất trắc. Hồi trưa, nàng đã lấy keo dán vào dưới táp-lô xe hơi. Theo lời Kinh Kong, nàng chụp thành một cuộn phim nhỏ xíu.
Nàng xoa cái cầm, miệng nói một cách giận dổi:
- Tôi đã bảo mà! Tôi có để tài liệu ở đây đâu?
Người lạ mặt rút trong mình ra một cái walkie-talkie, loại máy vô tuyến tí hon có thể nói và nghe trong đường kính ba cây số, và ấn vào một cái nút màu đỏ. Có tiếng dè dè. Người lạ mặt nói:
- X02 gọi X9, X02 gọi X9…
Trong máy có tiếng trả lời liền:
- X9 nghe đây. Nói đi?
- Thưa, bà ta muốn gặp đồng chí mới chịu đưa. Bà ta không mang trong người.
Qua máy vô tuyến, nà nghe tiếng nghiến răng ken két. Kô-băng tức giận đến cực độ. Hắn buông thỏng:
- Được. Thi hành kế hoạch AMK.
Máy vô tuyến tắt. Người lạ mặt nói với nàng:
- Bây giờ, bà cho biết tài liệu ở đâu để đi lấy?
Nàng đáp thản nhiên:
- Tôi có mang sẵn đây. Nhưng mới có phần đầu mà thôi. Phần sau, xin hẹn tới hai ngày nữa. Tôi chỉ trao tài liệu với điều kiện: ông trả cho tôi tấm hình có bức thư của chồng tôi.
Người lạ mặt đưa cho nàng một cái phong bì nhỏ. Đỡ lấy, nàng mở ra xem thấy bên trong đã để sẵn một tấm ảnh. Người lạ mặt nói:
- Còn cái phim, lần sau sẽ trả nốt. Bà đồng ý chứ?
Nàng đáp:
- Đồng ý.
Người lạ mặt nói:
- Bây giờ bà lái xe theo lộ trình bữa trước Kinh Kong dặn bà. Dọc đường sẽ có người tiếp xúc với bà và trao lệnh mới. Người đó mặc sơ-mi bỏ ngoài quần màu xám, trên túi áo có chiếc mù-xoa màu đỏ để lòi ra ngoài.
Nàng hỏi:
- Còn tài liệu?
- Tài liệu, bà trao cho tôi ở đây.
- Như vậy thì cần gì gặp người kia nữa?
- Bà hỏi lôi thôi lắm. Nếu không gặp người đó, bà biết lần sau trao tài liệu ở đâu?
Bỏ cuốn phim vào túi áo, người lạ mặt cười nửa miệng với Như Luyến:
- Bà cũng thông minh đấy chứ! Nhưng thông minh vừa vừa thôi nghe, thông minh quá rồi mất mạng đấy!
Nàng không thèm đáp. Người lạ mặt lùi vào góc ga-ra. Như Luyến vặn khóa công tác, cho máy rú lên một lúc, đoạn gài số cho xe lùi ra sân. Con Ziếc-cô ngủ vùi gần cây phượng vĩ. Hai con bẹt-giê khác chưa đến giờ thả còn bị nhốt trong cái chuồng ở sau nhà, cách ga-ra một quãng khá xa. Như Luyến tặc lưỡi lái xe ra ngoài đường. Chờ nàng đi được ba phút, người lạ mặt mới lặng lẽ từ góc ga-ra đi ra, khẽ mở cửa biến vào bóng tối trong vườn. Chỉ một thoáng sau, hắn đã nhảy qua bức tường thấp bên cạnh, băng qua con đường hẻm. Một chiếc xe hơi cũ kỹ đã đợi người lạ mặt ở đó. Người lạ mặt vừa nhảy qua tường thì ở trong ga-ra một người đàn ông khác hiện ra.
Người này núp sau một chiếc xe hơi nhỏ, kiểu đua mà Như Luyến chỉ dùng trong những cuộc đi xa. Người này là Văn Bình, tức Z.28. Văn Bình tấm tắc khen thầm tổ chức của địch. Nếu không là chàng thì có lẽ bọn chúng tha hồ tung hoành. Chàng rút trong túi ra một cái máy vô tuyến, cũng nhỏ như cái lúc nãy mà người lạ mặt dùng để thông tin với Kô-băng. Văn Bình ra lệnh:
- Z.28 đây. Z.40 có nghe không? Cẩn thận, một tên khả nghi vừa từ trong ga-ra lẻn ra vườn, và có lẽ chạy ra bên hông hoặc phía sau biệt thự. Cẩn thận. Hắn cũng có máy walkie-talkie. Thông báo với ban chỉ huy, tìm ra luồng điện walkie-talkie của địch. Z.40 chỉ huy cuộc theo dõi tên khả nghi này. Chỉ theo dõi thôi, không được can thiệp trong bất cứ trường hợp nào. Hết.
Đến lượt Văn Bình băng ra vườn. Chàng nhảy lên một chiếc xe díp cực mạnh, máy nổ sẳn, sang số chạy như bay theo vết Như Luyến. Chàng đã dặn nàng phải để xe hỏng dọc đường từ năm đến mười phút. Nếu nàng không quên lời dặn thì chàng còn hy vọng gặp lại. Nhược bằng…. Đến gần ngã tư Yên Đổ, Văn Bình gặp xe Như Luyến. Tin rằng đối phương lợi dụng lúc đèn xanh đèn đỏ, hoặc chỗ dừng xe bắt buộc để tiếp xúc nên Văn Bình cứ chạy thẳng, rồi đến ngã tư Yên Đổ, Công Lý, rẽ sang bên trái, độ 15 thước, cho xe chạy vào bên lề. Quả Văn Bình đoán không sai! Đến nghã tư Yên Đổ, Công Lý, Như Luyến gặp đèn đỏ. Nàng dừng lại, cho cần tốc độ vào tử điểm. Ngay khi đó, một cái xe hòm sơn đen đi sau, đậu sát bên xe Mo-rít của Như Luyến. Một người mặc áo xám bỏ ngoài quần, trên mép túi lòi ra một mảnh mù-xoa đỏ, thản nhiên mở cửa xe Như Luyến, ngồi lên cạnh nàng.
Hú vía! Nếu Văn Bình không vượt qua trước, thế nào cũng chạm trán với xe của địch! Đèn ngã tư chuyển sang màu xanh. Từ nãy đến giờ, Như Luyến không hé răng một tiếng. Nàng vặn cái đèn hiệu sang bên trái, tỏ ý muốn quẹo trái, nhưng người mặc áo xám đã ra lệnh
- Không, rẽ sang tay phải.
Như Luyến cho xe chạy qua cầu, thẳng đường lên sân bay Tân Sơn Nhất. Qua khỏi trạm xăng, người áo xám mới nhếch mép:
- Hân hạnh được chào bà. Kinh Kong ra lệnh cho bà đúng bảy giờ tối ngày thứ sáu, bà phải trao nốt phần còn lại. Nếu không ….
Như Luyến cướp lời, giọng căm tức:
- Các ông chả phải dọa nữa. Đừng tưởng dọa nhiều mà tôi sợ đâu!
Người mặc áo xám cười:
- Xin lỗi bà.
Đến gần sân bay, người áo xám dặn nàng dừng xe lại rồi trở lui. Sân bay thiết quân luật từ bảy giờ tối nên Hoàng Lương không muốn nàng đi xa thêm nữa. Hoàng Lương ngạc nhiên không hiểu vì sao chỉ cần nói với Như Luyến một vài câu mà Thành bộ lại triệu y gấp rút như vậy. Y không biết nội dung vụ này. Và y không biết Kô-băng là ai nữa. Y chỉ biết tuân lệnh. Chiếc Mo-rít từ từ quay về Sàigòn. Văn Bình đợi bốn, năm cái xe đi sau Như Luyến qua mặt mới ấn ga xăng.
Đến ngã tư Công Lý-Phan Thanh Giản, Như Luyến đậu xe bên lề cho Hoàng Lương xuống. Trông trước trông sau không có ai, Hoàng Lương tiến lại chiếc vét-pa dựng lúc nãy cạnh bụi dâm bụt. Y rồ máy, chạy một mạch về đường Đinh Công Tráng. Phía sau, Văn Bình theo sát như bóng với hình. Đến khi nhận ra nhà ở của Hoàng Lương, Văn Bình gọi vô tuyến về cho Sở Mật Vụ:
- Alô, Z.28 đây. Z.28 đã theo người khả nghi đến tận nhà. Alô, hãy phái nhân viên tới số nhà 188 đường Đinh Công Tráng. Một cái biệt thự rộng. Đương sự ở phòng nhìn ra đường, có một cửa sổ che riềm màu cá vàng. Đương sự cao độ 1th65….
Tiếp theo, Văn Bình kể tướng mạo của Hoàng Lương. Xong xuôi, chàng lái xe xuống Sàigòn, đến chỗ hẹn với Lê Diệp. Nơi hẹn là một quán rượu xinh xắn, đông khách, có gắn máy lạnh, ở cuối đường Lê Lợi. Những ngày về Sàigòn nghỉ ngơi, Văn Bình thường tới quán rượu này, chọn một cái bàn trông thẳng ra đường. Tất cả Sàigòn hoa lệ đều phải dạo ngang qua. Vừa nhắp huýt-ky, Văn Bình vừa tinh nghịch đếm các màu áo trăm vẻ. Dạo này, phụ nữ Sàigòn sính bận màu tím Huế, mỏng, để lộ áo cánh đen bên trong, và màu vàng như pẹc-nô. Cái thời áo hàng bôm-bay đã qua cùng với mốt viền tà áo bằng hàng màu đậm. Trong cuộc đời sóng gió, những sắc đẹp đã qua với chàng như thời áo bôm-bay và mốt viền tà áo. Văn Bình bất giác thở dài.
Chàng ngồi hơn nửa giờ mà không thấy tăm hơi Lê Diệp. Cô bồi xinh xắn, mặc chiếc bờ-lu trắng, cổ trái tim, đã mang cốc huýt-ky thứ năm cho chàng. Đôi trai gái, chàng mặc quần ống chẽn, sơ mi hở cổ, nàng tóc đuôi gà, mặt cặm lông nheo, lông mày nhổ tuột, vẻ bằng bút chì xanh, phải le lưỡi khi chàng cạn ly thứ năm, khoanh tay trên bàn đợi ly thứ sáu. Lệ thường tửu lượng của chàng rất cao. Cái nghề gián điệp cần uống rượu thật nhiều, không phải uống nhiều cho đỡ sợ, nhưng đôi khi để đánh lừa đối thủ. Chàng còn nhớ một đêm kia, theo dõi một cuộc tiếp xúc của R.U. ở thủ đô Ba-Tư, chàng phải đóng vai một gã say rượu bí tỉ. Hết ly này đến chén khác, chàng nốc như vòi hút nước. Uống đến khuya chàng giả vờ say kềnh, chân nam đá chân xiêu trong quán rượu, kẻ địch vẫn chưa tin, còn ép chàng thêm nửa chai rượu mạnh nữa. Chàng cứ uống. Nhưng chàng vẫn tỉnh khô, tuy ngã lăn trên nền gạch và ngáy o o. Nhờ tài Lưu Linh, đêm đó, Văn Bình bắt được cọp giữa hang hùm và làm tròn một công tác thập phần nguy hiểm, chưa nhân viên hành động nào thành công trong bao nhiêu tháng.
Một cô gái tóc ngắn, bận áo chẽn, bằng hàng mỏng như giấy bóng, ưỡn ẹo bước qua quán rượu. Thoạt trông, Văn Bình đã bực mình. Giả tạo quá, trơ trẽn quá! Đừng tưởng khoa học và kỹ nghệ có thể biến con cá mắm thành đường cong nguyên tử! Đừng tưởng đàn ông không có mắt tinh đời! Văn Bình đương mãi luận về triết lý sắc đẹp cân đối thì Lê Diệp lùi lũi đi vào. Trông vẻ mặt bơ phờ của Lê Diệp, chàng đoán ngay có chuyện không hay. Lê Diệp kéo ghế ngồi, Văn Bình hỏi:
- Thế nào, hỏng rồi phải không?
Lê Diệp giật mình:
- Vâng, hỏng rồi, sao anh biết?
Văn Bình mỉm cười:
- Trông bộ dạng thiểu não của anh, ai chả biết? Thế nào, chúng nó lừa anh rồi chuồn mất phải không?
Lê Diệp đáp, giọng còn đượm căm tức:
- Tôi không ngờ lại ngu dại như vậy. Nếu tôi biết trước….
Văn Bình gạt đi:
- Cần gì anh. Thua keo này ta bày keo khác.
Tuy nói để an ủi bạn, Văn Bình cảm thấy băn khoăng trong dạ. Lê Diệp là tinh hoa của Sở Mật Vụ. Biết đối thủ là tay cừ khôi, Văn Bình đã cử Lê Diệp theo hút người lạ mặt vừa lấy tài liệu trong ga-ra của Như Luyến và trèo tường trốn ra. Thế mà đối phương đã cho Lê Diệp ăn bụi.
Lê Diệp đánh diêm châm điếu xì-gà kếch xù, hít một hơi dài, đoạn thuật lại công cuộc theo dõi. Lúc nảy, sau khi nhận được lệnh của Văn Bình, chàng đã theo sát nút tên lạ mặt. Đó là một người đàn ông cao lớn, lực lưỡng, dáng đi nhanh nhẹn, có vẻ giỏi võ và quen nghề đi khuya về tắt. Người này đội mũ phớt Mốt săng màu xám, bận một bộ âu phục kiểu mới, xẻ sau lưng và quần ống chật. Vừa nhảy tường ra, người lạ mặt mở cửa một chiếc xe hiệu Gô-li-át cũ kỹ trèo lên. Phía sau, cách hơn trăm thước, Lê Diệp đã nổ máy đợi sẵn. Qua cửa kính sau, Lê Diệp thoáng thấy xe Gô-li-át có tài xế lái. Chiếc Gô-li-át sơn đen, tuy có bốn mã lực, mà chạy nhanh lạ thường, nhanh đến nỗi chàng tưởng chừng mê ngủ. Tài xế không lái trên đường đông đúc mà chỉ phóng trên đường vắng tanh, phần vì muốn giữ tốc lực nhanh, phần khác vì muốn kiểm soát phía sau xem có bị theo hay không. Đoán được ý của họ, Lê Diệp đi sau thật xa. Chạy vòng quanh một hồi, chiếc Gô-li-át lái về Sàigòn trước rạp chiếu bóng Kinh Đô, đường Lê Văn Duyệt. Người lạ mặt xuống xe, vào phòng bán vé, còn tài xế rồ ga phóng đi một mạch. Lê Diệp ghi số xe vào sổ tay, đoạn theo tên lạ mặt vào rạp xi nê. Người lạ mặt mua vé từ trước, thản nhiên bước vào rạp.
Văn Bình ngắt lời Lê Diệp:
- Tôi chắc anh không mua vé.
Lê Diệp sửng sốt:
- Vâng, tôi không mua vé. À, tại sao cái gì anh cũng biết?
- Giản dị lắm. Anh có trong mình tấm "các" tự do xuất nhập trà thất và nơi du lịch, không lẽ trong trường hợp cấp bách lại mất thời giờ mua vé.
Sực nghĩ ra, Lê Diệp gật đầu:
- Ừ nhỉ, thế mà tôi quên mất.
Văn Bình hỏi tiếp:
- Tại sao anh không mua vé, không đến chậm, mà lại mất hút người đó được?
Lê Diệp thở dài:
- Thế mới bực mình! Tôi gặp chuyện bất ngờ anh ạ. Tôi vừa rút ví, lấy tấm thẻ thường trực thì bị một thằng bé bán kẹo đến ám. Nó cứ dúi vào tay tôi một gói kẹo cao-su cho kỳ được. Tôi không mua, nó cứ bám lấy gấu áo lạy lục, xin xỏ hết lời. Nghĩ thương thằng bé rách rưới, tôi móc ví lần nữa, lấy tiền trả cho nó. Nó chậm rải trả tiền lẻ cho tôi. Như thế mất ba phút đồng hồ, ba phút đủ cho người lạ mặt tìm được chỗ lẩn trốn trong rạp xi-nê. Tôi tin rằng trong rạp còn có một đồng lõa khác, đợi sẵn để lấy tài liệu. Nếu tên lạ mặt bị tóm cũng chả khai thác đưọc gì. Kẻ nhận tài liệu thường không biết môn khoai gì hết. Y được lệnh trên, đi tới một nơi nào đó, nhận một tài liệu nào đó, về trao lại cho một người khác, thế thôi. Thành ra có bắt được cũng vô ích, lại còn làm đối phương đề phòng nữa là khác.
Văn Bình không đáp. Chàng chống tay lên cằm nghĩ ngợi. Đột nhiên, mắt chàng sáng quắc lên một cách dị thường. Chàng nhớ tới bản phúc trình của cơ quan an ninh về sự đi đứng của Như Luyến trong mấy ngày qua. Cách đây mấy hôm, nàng chỉ lái xe đến cầu Bình Lợi rồi quay về Sàigòn. Tại sao vậy? Cũng hôm đó, một đứa trẻ bán nem trên cầu bị chết một cách bí mật. Có thể là hai chuyện dính líu với nhau, hoặc hoàn toàn không có tương quan với nhau. Chiếc xe hộ vệ đi sau nhìn thấy một đứa bé bưng thúng nem lại cạnh xe Như Luyến và thò cổ vào trong xe mời nàng mua. Nhân viên hộ vệ dùng ống nhòm theo dõi không thấy khả nghi nên bỏ qua. So với tấm ảnh thằng Vĩnh bị thiệt mạng, nhân viên hộ vệ cả quyết đứa bé bán nem cho Như Luyến với thằng Vĩnh chỉ là một. Như vậy nghĩa là địch chỉ lẩn quẩn đâu đây, mượn tay người khác hành sự chờ công việc xong xuôi thì hạ thủ. Văn Bình bàng hoàng liên tưởng tới đứa bé bán kẹo cao-su trước rạp chiếu bóng. Chàng vội hỏi Lê Diệp:
- Rạp chiếu từng xuất hay chiếu thường trực?
Lê Diệp đáp:
- Hôm nay là phim đặc biệt nên chiếu từng xuất. À, điều đó quan trọng không mà anh hỏi?
Văn Bình gật đầu:
- Quan trọng lắm. Nếu tôi đoán không sai, anh đến rạp sau khi vào phim đã lâu.
Lê Diệp đáp:
- Đúng lắm. Lúc tôi bước chân vào, người chà bán vé nói còn bốn mươi phút nữa thì vãn.
Văn Bình lẩm bẩm:
- Hay là? Hay là?
Lê Diệp hỏi dồn:
- Hay là… thế nào hử anh?
Văn Bình nói như máy:
- Anh còn nhớ vụ thằng Vĩnh trên cầu Bình Lợi mà chúng mình đọc hôm qua trong bản báo cáo của công an không?
Lê Diệp đứng phắt dậy:
- Thôi tôi hiểu rồi. Không khéo…?
Văn Bình kéo Lê Diệp ngồi xuống, nói nhanh:
- Tôi hiểu anh định nói gì rồi. Mấy phút trước, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng theo tôi, chưa nên anh ạ.
Lê Diệp tỏ dấu kinh ngạc:
- Nếu anh gọi dây nói vô tuyến ngay cho công an cảnh sát may ra còn cứu kịp một mạng người. Tại sao anh lại ngăn tôi?
Văn Bình nói, giọng ôn tồn:
- Không phải ngăn anh, nhưng tôi cảm thấy việc đó vô ích. Từ lúc anh rời rạp chiếu bóng đến giờ ít nhất là một giờ. Giờ này nếu quả số phận thằng bé bán kẹo kia cũng như thằng Vĩnh thì nó đã ra người thiên cổ rồi. Vả lại, dầu nó chưa mệnh hệ gì, bổn phận chung vẫn không cho phép ta can thiệp.
- Tại sao?
- Nếu ta can thiệp, địch sẽ biết Như Luyến đã tiếp xúc với cơ quan an ninh, hoặc chúng ta đã nhúng tay vào nội vụ. Tấm lưới mà ông Hoàng giăng ra đợi bọn R.U. trở nên vô ích. Mặt khác, Như Luyến sẽ bị trả thù ghê gớm. Địch khôn ngoan lắm anh ạ. Việc xảy ra trước rạp xi-nê tối nay chỉ là bài toán giúp chúng thử lại đáp số. Chúng đợi ta can thiệp để thử lại mối hoài nghi của chúng. Đúng không anh Diệp?
Lê Diệp giật bắn mình. Văn Bình tiên đoán như thần. Văn Bình đọc được tâm can đối phương như trong mảnh giấy. Lê Diệp nói:
- Nghĩa là chúng ta nên tảng lờ như không biết?
Văn Bình gật đầu. Lê Diệp lại hỏi:
- Nhưng, theo tôi, họ đã biết chúng ta theo dõi rồi còn gì. Có biết ta theo dõi nên họ mới bố trí trước rạp chiếu bóng.
Văn Bình cười nụ:
- Có thể có mà cũng có thể không. Họ chưa tin chắc nên cần thử lại bài toán, trước khi có thái độ rõ rệt. Lệ thường, gián điệp nào cũng thận trọng. Có bao giờ anh đi nhận tài liệu bí mật mà không đề phòng theo dõi tuy anh chưa biết có bị theo dõi hay không? Mua vé trước cũng là một trong những chi tiết của chương trình. Nếu tôi chỉ huy việc lấy tài liệu này thì cũng phải làm như họ mà thôi.
Sực nhớ ra, Văn Bình hỏi:
- Trước cửa rạp lúc nãy có đông người không?
- Không. Tôi đã nói đi nói lại mà anh quên sao? Còn bốn mươi phút nữa mới hết phim nên trước cửa rạp chỉ có vài ba người mà thôi.
Nhìn vào tận mắt Lê Diệp, Văn Bình hỏi gặng:
- Anh nhớ hết ba người đó không?
Lê Diệp uống một ngụm xá xị, tròng mắt không động đậy ra vẻ nghĩ ngợi. Một phút sau chàng đáp:
- Trong ba người có một thiếu phụ dáng điệu quê mùa. Còn hai người đàn ông….
Đột nhiên Lê Diệp ngừng lại. Chàng sực nhớ đến bộ mặt quen thuộc của người khách cao cao, thân hình nở nang mà chàng gặp trong tiệm cắt tóc Bell, trong khi chàng gây sự với gã thủy thủ ngoại quốc. Người khách này ít nói nhưng chàng không thể nào quên được. Tiếng nói lơ lớ như người phương Tây học tiếngViệt. Hơn nữa, khuôn mặt và mầu con ngươi lại không có chút nào Việt-Nam. Người nảy, Lê Diệp đã gặp lại trước rạp chiếu bóng Kinh Đô. Chàng bèn thuật lại cho Văn Bình nghe.
Văn Bình nói:
- Tóm lại, lúc nãy trước rạp xi-nê có hai người đàn ông cả thảy. Không cần nhìn mặt, tôi đã biết người nói tiếng lơ lớ ấy là gián điệp R.U. tối nguy hiểm vừa tới Sàigòn.
Lê Diệp hỏi lại:
- Sao anh biết?
Văn Bình vừa móc túi lấy tiền ra trả, vừa đáp giọng bình thản:
- Như Luyến cho biết người tiếp xúc với nàng hôm đầu tại Tân Định là một thanh niên giọng nói lơ lớ và có khuôn mặt, tròng mắt không có chút nào Việt-Nam.
Hai người chậm rãi bước ra cửa. Trước khi lái xe về phòng riêng, Văn Bình còn dặn Lê Diệp:
- Bây giờ anh về ngay văn phòng thường trực của sở, gặp họa sĩ chuyên môn, kể cho họ vẽ lại bộ mặt của người nói tiếng lơ lớ ấy. Chừng nào vẽ xong, anh cho tôi biết, tôi sẽ đưa Như Luyến xem và chữa lại.
Văn Bình vừa rẽ sang đường Nguyễn Huệ thì ngọn đèn của máy vô tuyến trên xe bật cháy. Chàng ấn nút, tiếng dè dè nổi lên:
- Alô, alô, báo cáo với Z.28, báo cáo với Z.28…
Văn Bình ra lệnh:
- Đây Z.28, nói đi.
Tiếng trong điện đài vẳng ra, nghe rõ mồn một:
- Đây là toán Hành Động A. Cảnh sát Quận III vừa khám phá ra một vụ sát nhân ở đường Đinh Công Tráng. Nạn nhân là Hoàng Lương ở biệt thự số 188, kẻ mà chúng tôi được lệnh theo dõi. Hoàng Lương vừa bị giết xong. Bên mình còn lại một lưỡi dao vấy máu…
Văn Bình bàng hoàng. Chàng hỏi gấp:
- Bây giờ anh ở đâu? Lại ngay chỗ ngã tư đèn đỏ Hai Bà Trưng - Hiền Vương. Năm phút nữa tôi tới.
Lưỡi dao vấy máu, Hoàng Lương, cái khâu gắn liền Văn Bình với tổ chức của địch đã bị giết. Ai giết Hoàng Lương? Tại sao Hoàng Lương bị giết?
Văn Bình phóng xe như bay về miệt Tân Định.
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28