Phần 4 - Chương 13B
ài xã luận này đã được trích lại ở tờ Những mặt trận mới và nhiều tờ báo khác. Nó được in, đóng khung dưới dòng chữ tiêu đề: “Hãy nhìn xem ai đang nói kìa!”
Gail phá lên cười. Sự phản đối có tác dụng như nguồn nhiên liệu với ông. Nó làm ông mạnh mẽ hơn. Đây là một cuộc chiến, và đã lâu rồi ông chưa từng tham gia một cuộc chiến thực sự nào cả. Lần cuối cùng là khi ông đặt nền móng cho đế chế của mình giữa sự phản đối kịch liệt của toàn bộ những người làm báo. Ông đang có trong tay cái không-thể-có, cái mà mỗi người đều mơ ước đó là cơ hội và sức lực của tuổi trẻ, kết hợp với kinh nghiệm. Một khởi đầu mới và sự sung sức – cùng tụ lại một chỗ. Ta đã đợi và đã sống, ông nghĩ, chỉ để cho điều này.
Tất cả hai mươi tờ báo, tạp chí và kênh thời sự của ông đều nhận được lệnh: bảo vệ Roark, lăng-xê Roark trước công chúng. Cản trở việc xử giáo của đám đông.
“Bất kể sự thật là gì”, Wynand giải thích với các nhân viên của ông, “đây sẽ không phải là một phiên tòa dựa trên sự thật. Nó là một phiên tòa dựa trên công luận. Chúng ta luôn là những người đẻ ra công luận. Hãy đẻ ra nó đi, lăng-xê Roark. Tôi không quan tâm các anh làm như thế nào. Tôi đã đào tạo các anh. Các anh là những chuyên gia về chuyện đó. Bây giờ hãy cho tôi xem các anh giỏi đến đâu.”
Đáp lời ông là sự im lặng, các nhân viên của ông đưa mắt nhìn nhau. Alvah Scarret xoa xoa trán. Nhưng họ đều tuân lệnh ông.
Tờ Ngọn cờ in một bức tranh tòa nhà Enright, với dòng chú thích: “Đây có phải là người mà các vị muốn hủy hoại?” Một bức ảnh chụp ngôi nhà của Wynand: “Cố mà xây một ngôi nhà như thế này, nếu quý vị có thể.” Một bức về Thung lũng Monadnock “Đây có phải là người không đóng góp gì cho xã hội?”
Tờ Ngọn cờ đăng tiểu sử của Roark, do một người chưa ai từng biết tên viết, chính Gail Wynand đã viết bài đó. Tờ Ngọn cờ còn đăng hàng loạt những vụ án nổi tiếng, trong đó những người vô tội đã bị kết án bởi sự định kiến của số đông vào thời điểm đó. Tờ Ngọn cờ có những bài viết về những người đã hy sinh cho xã hội như: Socrates, Galileo, Pasteur, những nhà tư tưởng, nhà khoa học, một hàng dài những anh hùng – mỗi người trong đó đều là người đã đứng một mình, đã dám bất chấp dư luận.
“Nhưng Gail, vì chúa, Gail, đó chỉ là một dự án xây nhà!” Alvah Scarret than vãn.
Wynand nhìn ông một cách tuyệt vọng: “Tôi nghĩ không có cách nào làm cho lũ ngốc các anh hiểu được rằng chuyện này chẳng có dính dáng gì đến vụ xây nhà cả. Được thôi. Chúng ta sẽ nói chuyện về các dự án xây nhà vậy.”
Tờ Ngọn cờ đưa ra một loạt tiết lộ về các dự án nhà cửa: những vụ hối lộ, những sự bất tài, những khu nhà được xây lên với giá gấp năm lần chi phí xây dựng của một nhà thầu tư nhân, những khu chung cư được xây rồi bị bỏ hoang, những công trình có chất lượng tồi nhưng được phê duyệt, được chiêm ngưỡng, được tha thứ và bảo vệ nhờ núp bóng con bò thần có tên “vì người nghèo”. “Người ta nói chính địa ngục cũng được xây lên từ những dự định tốt đẹp”, tờ Ngọn cờ viết. “Có phải đó là do chúng ta chưa bao giờ học được cách phân biệt xem dự định nào tạo nên cái tốt? Bây giờ không phải là lúc để học sao? Thế giới của chúng ta chưa bao giờ có nhiều dự định tốt được tuyên bố ầm ĩ như bây giờ. Và hãy nhìn thế giới này mà xem.”
Những bài xã luận của tờ Ngọn cờ đều do Gail Wynand viết. Ông đứng tại một cái bàn trong phòng sáng tác và viết trên một tấm bìa lớn, bằng một chiếc bút chì xanh và những nét chữ cao đúng 1 inch. Ông phóng tay ký hai chữ “G.W.” ở cuối mãi bài viết và những chữ cái nổi tiếng ấy chưa bao giờ lại mang một vẻ kiêu hãnh bất cần như thế.
Dominique đã bình phục và trở về căn nhà ngoại ô của họ. Wynand trở về nhà muộn vào buổi tối. Ông thường xuyên kéo Roark về cùng mỗi khi có thể. Họ ngồi cùng nhau trong phòng khách, cửa sổ mở toang trong đêm mùa xuân. Những dải đất tối trên quả đồi bắt đầu từ chân tường nhà chạy thoai thoải xuống hồ và mặt nước hồ lấp lánh xuyên qua những rặng cây ở xa xa phía dưới. Họ không nói chuyện về vụ án cũng như không nói về phiên tòa sắp tới. Nhưng Wynand nói về chiến dịch của mình, một cách lạnh băng, cứ như thể nó không dính dáng gì đến Roark cả. Wynand đứng ở giữa phòng, và nói:
“Được thôi, cả sự nghiệp của tờ Ngọn cờ này chỉ là rác rưởi. Nhưng vụ này sẽ thanh tẩy tất cả. Dominique, anh biết là em chưa bao giờ hiểu được tại sao anh không thấy xấu hổ với quá khứ. Tại sao anh yêu quý tờ Ngọn cờ. Bây giờ em sẽ thấy câu trả lời. Đó là quyền lực. Anh có một quyền lực mà anh chưa từng bao giờ kiểm tra. Bây giờ em sẽ thấy anh kiểm tra nó. Họ sẽ nghĩ những gì mà anh muốn họ nghĩ. Họ sẽ làm theo những gì mà anh nói. Bởi vì đây là thành phố của anh và anh thực sự là ông chủ ở đây. Howard, cho đến lúc anh phải ra tòa, tôi sẽ khiến cho tất cả bọn họ quay ngoắt lại, đến mức không có bồi thẩm đoàn nào dám kết tội anh.”
Ông không ngủ được vào ban đêm. Ông không muốn ngủ. “Đi ngủ đi” ông sẽ nói với Roark và Dominique như vậy, “vài phút nữa tôi cũng sẽ đi ngủ.” Sau đó, Dominique từ trong phòng ngủ, và Roark từ trong phòng dành cho khách ở bên kia hành lang sẽ nghe thấy bước chân của Wynand đi đi lại lại hàng giờ ngoài hiên – tiếng bước chân ấy như chứa một niềm vui không thể ngừng nghỉ, mỗi bước như một câu nói, một lời tuyên bố được ghim chặt xuống sàn nhà.
Một lần, khi Wynand đuổi hai người đi ngủ khi đêm đã khuya, Roark và Dominique cùng đi lên cầu thang và dừng lại ở bậc chờ đầu tiên, họ nghe thấy tiếng một que diêm được quẹt rất mạnh trong phòng khách ở dưới, một âm thanh gợi lên một hình ảnh một bàn tay đã giật mạnh một cách bất cần để châm lửa điếu thuốc đầu tiên trong chuỗi dài những điếu thuốc sẽ được đốt cho tới sáng sớm, một đốm sáng nhỏ lướt qua lướt lại ngoài hiên cùng với tiếng chân chắc nịch.
Họ cùng nhìn xuống cầu thang và sau đó nhìn nhau.
“Thật kinh khủng,” Dominique nói.
“Thật tuyệt vời,” Roark nói.
“Wynand không thể giúp anh được, cho dù ông ấy có làm gì đi chăng nữa.”
“Anh biết là ông ấy không thể. Nhưng đó không phải là vấn đề chính.”
“Ông ấy đang mạo hiểm mọi thứ ông ấy có để cứu anh. Ông ấy không biết là ông ấy sẽ mất em nếu như anh được cứu thoát.”
“Dominique, điều gì tồi tệ hơn đối với ông ấy – mất em hay là thua cuộc thánh chiến của chính ông ấy?” cô gật đầu, và hiểu ra. Anh nói thêm: “Em cũng biết không phải là ông ấy muốn cứu anh. Anh chỉ là cái cớ thôi.”
Cô đưa tay lên. Cô chạm vào má anh, một cái chạm nhẹ bằng đầu ngón tay. Cô không cho phép mình làm thêm điều gì khác. Cô quay người và đi về phòng ngủ, cô nghe tiếng anh đóng cửa phòng ngủ dành cho khách.
Lancelot Clokey viết trong một bài báo: “Có gì là vô lý khi các tờ báo của Wynand đứng ra bảo vệ Howard Roark đâu nhỉ? Nếu có ai nghi ngờ về những vấn đề đạo đức có liên quan trọng vụ này, thì đây là bằng chứng về việc đạo đức là cái gì và ai là người có đạo đức. Những tờ báo của Wynand vốn là thành trì của báo chí lá cải, của sự thô tục, tham nhũng và xì-căng-đan, chúng là sự lăng mạ đối với thị hiếu và sự đứng đắn của công chúng, là thế giới tri thức côn đồ và được cai trị bởi một người có ít ý niệm về nguyên tắc sống hơn cả những kẻ ăn thịt người – những tờ báo ấy xứng đáng là bảo kê cho Howard Roark, và Howard Roark xứng đáng là người hùng của họ. Sau cả một đời cống hiến cho sự nghiệp phá hủy tính chính trực của báo chí, lẽ đương nhiên là Gail Wynand phải ủng hộ một kẻ phá hủy còn thô thiển hơn cả ông ta.”
Gus Webb nói trong một bài phát biểu trước công chúng: “Tất cả những thứ phát biểu lòe loẹt trên báo chí lúc này đều chỉ là những thứ tầm phào. Đây mới là sự thật trần trụi của vấn đề. Trong nhiều năm qua, cái lão Wynand này đã kiếm rất nhiều, ý tôi là rất nhiều bằng cách lột da róc xương những kẻ hút máu trong giới bất động sản. Liệu ông ta có vui không khi chính phủ nhúng tay vào và hất ông ta ra, nhờ đó mà những người nghèo được sống dưới những mái nhà sạch sẽ và có một cái toilet hiện đại cho con cái họ? Tôi lấy đầu đảm bảo là ông ta không thích điều đó, không thích một chút nào cả. Đây là một vụ dàn xếp của hai kẻ đó, Wynand và gã bạn tóc đỏ của ông ta, và nếu quý vị hỏi tôi, tôi cho rằng gã đó kiếm được cả núi tiền từ ông Wynand vì đã hoàn thành nhiệm vụ.”
“Theo nguồn tin đáng tin cậy mà chúng tôi không thể tiết lộ,” một tờ báo cấp tiến viết, “vụ Cortlandt chỉ là bước đầu tiên trong một kế hoạch khổng lồ nhằm phá hủy tất cả những dự án xây nhà của chính phủ, tất cả những nhà máy điện công cộng, tất cả những bưu điện và trường học trên toàn nước Mỹ. Kẻ cầm đầu là Gail Wynand – như chúng ta có thể thấy – và cả những nhà tư bản khát máu giống ông ta, bao gồm cả một vài nhân vật giàu có nhất nước.”
Sally Brent viết trên tờ Những mặt trận mới: “Mọi người đã chú ý quá ít đến vai trò của phụ nữ trong vụ này. Ít nhất người ta cũng có thể nói rằng bà Gail Wynand đã đóng một vai trò rất không minh bạch. Việc bà ấy sai người gác đêm rời khỏi vị trí thật đúng lúc có phải chỉ là một sự tình cờ nho nhỏ không? Và có phải điều đó đã làm cho ông chồng phải bằng mọi cách bảo vệ ông Roark? Nếu như chúng ta không bị bịt mắt bởi một lòng hào hiệp ngu ngốc, vô nghĩa và lỗi thời bất cứ khi nào chúng ta thấy một người phụ nữ được coi là xinh đẹp, thì chúng ta đã không thể cho phép chi tiết đó bị bưng bít. Nếu chúng ta không quá kính nể vị trí xã hội của bà Wynand và cái gọi là uy danh của ông chồng bà ấy – người đang tự biến mình thành một kẻ đại ngốc – thì chúng ta đã phải đưa ra những nghi vấn về việc bà ấy đã gần chết trong thảm họa đó. Làm sao mà chúng ta có thể biết rằng bầ ấy đã gần chết? Người ta có thể mua chuộc bác sĩ, cũng như muc chuộc bất cứ ai khác, và ông Gail Wynand thì lại là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Nếu chúng ta xem xét mọi mặt của vấn đề này, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra được những nét bên ngoài của một cái gì đó có vẻ giống như một ‘phong cách sống’ hết sức trụy lạc.”
Một tờ báo kín tiếng và bảo thủ viết: “Vị thế mà những tờ báo của Wynand đang chọn là đáng hổ thẹn và không thể lý giải nổi.”
Lượng phát hành của tờ Ngọn cờ sụt giảm hàng tuần, tốc độ giảm càng ngày càng nghiêm trọng, như một chiếc thang máy rơi tự do. Những khuy đeo áo và những chiếc sticker mang dòng chữ “Chúng tôi không đọc Wynand” mọc lên ở những bức tường, những bảng thông báo ở ga tàu điện ngầm, ở trên thanh gạt nước trên ô-tô và những ve áo[154]. Khán giả la ó trước những mẩu tin thời sự ngắn của Wynand ở các rạp chiếu phim. Tờ Ngọn cờ biến mất khỏi các quầy báo, những người bán hàng bắt buộc phải nhận báo nhưng họ giấu báo ở dưới quầy và chỉ miễn cưỡng đưa ra khi có người hỏi mua. Mặt đất đã được dọn sạch, những trụ đỡ đã bị ăn mòn từ lâu, vụ Cortlandt chỉ là cú hích cuối cùng.
Trong làn sóng căm phẫn nhằm vào Gail Wynand, người ta hầu như đã quên hẳn Roark. Những vụ biểu tình giận dữ nhất bắt nguồn từ chính độc giả của Wynand: từ các câu lạc bộ phụ nữ, từ những vị mục sư, những bà mẹ, những nhân viên bán lẻ. Người ta đã phải đưa Alvah Scarret ra khỏi căn phòng hàng ngày bị ngập lụt trong thư độc giả, bởi vì ông bắt đầu công việc hàng ngày của mình bằng việc đọc thư – và những người thân tín trong đám nhân viên của ông phải đưa ông ra khỏi phòng để ông không tiếp tục đọc nữa, họ sợ rằng ông có thể bị đột quỵ.
Nhân viên của tờ Ngọn cờ làm việc trong im lặng. Không còn những cái liếc trộm, những câu rủa thầm, không cả những câu chuyện phiếm trong phòng vệ sinh nữa. Vài người xin nghỉ việc. Những người còn lại vẫn tiếp tục làm, chậm chạp và nặng nề, với thái độ của những người đang phải thắt dây an toàn và chờ đợi điều không thể tránh khỏi sẽ xảy ra.
Gail để ý thấy có một chút gì như là sự kéo dài trong mọi hành động xảy ra ở xung quanh ông. Khi ông đi vào tòa soạn, nhân viên của ông không ngừng làm việc khi nhìn thấy ông, khi ông gật đầu chào họ, thì lời chào đáp lại của họ đến chậm một giây so với thường lệ, khi ông bước tiếp và quay lại nhìn, ông thấy họ đang nhìn theo ông. Cái câu “Vâng thưa ngài Wynand” mà ông vẫn thường nghe thấy ngay sau khi ra lệnh – vốn không bao giờ có một khoảng khắc đứt đoạn giữa âm thanh cuối cùng trong mệnh lệnh của ông và câu nói ấy – bây giờ thường đến trễ, và khoảng ngập ngừng ở giữa trở nên rõ nét đến mức nó khiến cho câu trả lời nghe như việc đáp lại một câu hỏi chứ không phải một mệnh lệnh.
Mục Một tiếng nói nhỏ vẫn giữ im lặng về vụ Cortlandt. Wynand đã gọi Toohey đến văn phòng của ông, một ngày sau khi vụ nổ xảy ra, và đã nói: “Ông nghe đây. Không một từ nào trong mục của ông. Hiểu không? Ông làm gì hoặc gào thét cái gì ở ngoài kia tôi không thèm quan tâm – vào lúc này. Nhưng nếu ông gào to quá, thì sau khi vụ này kết thúc, tôi sẽ xử ông.”
“Vâng, thưa ông Wynand.”
“Đối với mục báo của ông, ông phải điếc, câm và mù. Ông chưa từng nghe về vụ nổ nào cả. Ông chưa từng biết một ai tên Roark. Ông không biết từ Cortlandt có nghĩa gì. Chừng nào ông còn ở trong tòa nhà này.”
“Vâng, thưa ông Wynand.”
“Và đừng để cho tôi thấy cái mặt của ông quá nhiều ở đây.”
“Vâng, thưa ông Wynand.”
Luật sư của Wynand, một người bạn cũ đã làm việc với ông trong nhiều năm cố gắng ngăn ông.
“Gail, chuyện gì vậy? Ông đang cư xử như một đứa trẻ. Như một thằng ranh chập chững học nghề. Tỉnh dậy đi.”
“Câm miệng lại.” Wynand nói.
“Gail, ông là... Ông đã là chủ bút vĩ đại nhất trái đất này. Tôi có phải nói với ông một điều rất hiển nhiên không? Trong kinh doanh, chống lại công chúng là một việc rất nguy hiểm. Đối với một tờ báo bình dân thì đó là tự sát.”
“Nếu ông không câm miệng lại thì tôi sẽ đuổi việc ông và tìm ình một gã luật sư khát máu khác.”
Wynand bắt đầu tranh luận về vụ này với những nhân vật lớn mà ông gặp trong các bữa trưa, bữa tối vì công việc. Trước đó ông chưa hề tranh cãi về bất cứ chủ đề nào, ông cũng chưa từng biện hộ cho ai. Ông đã luôn chỉ ném các kết luận cuối cùng vào mặt những người nghe đáng kính của ông. Bây giờ ông không tìm thấy người nghe nữa. Không có cả sự im lặng dửng dưng, nửa chán chường nửa bực bội. Những kẻ trước đó đã lắng nghe như hớp từng lời mà ông nhả ra về thị trường chứng khoán, về bất động sản, về quảng cáo, về chính trị giờ đây không thèm để ý đến quan điểm của ông về nghệ thuật, về sự vĩ đại và về công lý.
Ông nghe được vài câu trả lời như sau:
“Đồng ý, Gail, phải, chắc chắn rồi. Nhưng mặt khác, tôi nghĩ anh ta đã quá ích kỷ. Và đó là vấn đề của thế giới ngày nay – sự ích kỷ. Có quá nhiều ích kỷ ở khắp mọi nơi. Đó cũng là những gì mà Lancelot Clokey đã đề cập tới trong quyển sách của ông ta – một quyển rấy hay, về thời thơ ấu của ông ấy, ông hãy đọc nó đi, có nhìn thấy ảnh của ông chụp với Clokey. Clokey đã đi khắp thế giới, ông ta biết rõ về những gì ông ta nói.”
“Được rồi, Gail, nhưng có phải là ông hơi lỗi thời trong chuyện này không? Ba cái chuyện về con người vĩ đại là gì vậy? Một anh thợ xây nổi tiếng thì có gì là vĩ đại? Mà làm gì có ai vĩ đại? Tất cả chúng ta chỉ toàn là những tế bào, những hóa chất và những gì chúng ta ăn sáng. Tôi nghĩ là Luis Cook đã giải thích nó rất kỹ trong cái cuốn sách dễ thương – tên nó là gì nhỉ? – à, đúng rồi – Viên sỏi mật can đảm. Chính thế đấy, thưa ngài. Tờ Ngọn cờ của ngài đã lăng-xê quyển sách đấy lên tận mây xanh.”
“Nhưng nghe này, Gail, anh ta nên nghĩ về người khác trước khi nghĩ về bản thân anh ta chứ. Tôi nghĩ rằng nếu một người không có tình yêu trong tim thì anh ta chả thể nào có ích được. Tôi nghe được điều đó trong một vở kịch tối qua - một vở kịch hoành tráng - vở mới của Ike – họ của anh ta là cái quái gì nhỉ? – anh nên xem nó – chính lão Jules Fougler của anh đã nói rằng đó là một bài thơ cũng cảm và dịu dàng trên sân khấu.”
“Anh có lý, Gail, và tôi không biết nói thế nào để phản bác lại, tôi không biết là anh sai ở đâu, nhưng tôi cảm thấy điều đó không đúng, bởi vì Ellsworth Toohey – nào, đừng có hiểu nhầm tôi, tôi không đồng ý với những quan điểm chính trị của Toohey một chút nào, tôi biết ông ta là một kẻ cực đoan, nhưng mặt khác ông cũng phải thừa nhận là ông ta là một con người có lý tưởng vĩ đại, với một trái tim lớn như một ngôi nhà – à phải rồi, Ellsworth Toohey đã nói...”
Họ là những nhà triệu phú, chủ nhà băng, nhà tư bản công nghiệp và những thương gia – chính những người vẫn luôn không thể hiểu tại sao thế giới này đang rơi xuống địa ngục và luôn miệng than vãn về điều này trong các bữa tiệc trưa của mình.
Một buổi sáng, khi Wynand bước ra khỏi xe ở trước tòa nhà Ngọn cờ, một người phụ nữ chạy tới phía ông khi ông đang bước qua vỉa hè. Bà ta đã đợi ông ở cửa ra vào. Một người béo và đứng tuổi. Bà ta mặc một bộ đồ bằng vải thô bẩn thỉu và đội một cái mũ nhàu nát. Một cái mặt xanh xao và chảy xệ, một cái miệng méo mó và cặp mắt đen, tròn, rực sáng. Bà đứng trước Gail Wynand và ném một bó lá cải thối vào mặt ông. Không có củ cải, chỉ có những lá cây, mềm và nhẽo, buộc lại với nhau bằng một sợi dây. Chúng đập vào má ông và trượt xuống vỉa hè.
Wynand đứng im. Ông nhìn người phụ nữ đó. Ông nhìn thấy một khối thịt trắng, với cái miệng đang há to đắc thắng, gương mặt của một con quỷ tự coi mình là đạo đức, là lẽ phải. Những người qua đường đã túm lấy người phụ nữ và bà ta thì đang gào lên những lời tục tĩu nhất. Wynand giơ tay lên và lắc đầu, ra hiệu cho họ thả sinh vật đó đi, và ông đi vào tòa nhà Ngọn cờ, một vết bẩn màu vàng xanh bám chéo qua má ông.
“Ellsworth, chúng ta sẽ phải làm gì đây?” Alvah Scarret than vãn. “Chúng ta sẽ phải làm gì đây?”
Ellsworth Toohey ngồi ở trên mép bàn, và mỉm cười như thể là ông sắp hôn Alvah Scarret đến nơi.
“Tại sao họ lại không thôi cái vụ chết tiệt đó đi, Ellsworth? Tại sao không có sự kiện nào khác xảy ra để chèn vào trang đầu tờ báo? Chúng ta không thể đẻ nhanh một tin tức hay một thứ gì đó mang tính quốc tế được hay sao? Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi chưa từng chứng kiến người ta trở nên điên rồ vì một chuyện nhỏ nhặt như lần này. Một vụ nổ! Chúa ơi, Ellsworth, nó chỉ đáng được đăng ở mặt sau của báo. Chúng ta có những vụ như thế hàng tháng, gần như vụ đình công nào mà chả có, hẳn ông còn nhớ? – đình công của giới thuộc da, đình công của những người giặt khô là hơi... Ôi, quỷ tha ma bắt! Tại sao tất cả lại trở nên thịnh nộ như thế này chứ? Ai thèm quan tâm? Tại sao họ lại phải quan tâm đến nó?”
“Có nhiều khi, Alvah, những vấn đề được quan tâm lại không hề là những sự kiện trên bề mặt. Và công luận giường như quá đà, nhưng thực sự thì không. Anh không nên rầu rĩ vì nó như thế. Tôi thật ngạc nhiên về anh đấy. Lẽ ra anh phải cảm ơn những ngôi sao của anh. Anh thấy đấy, đây chính là ý của tôi khi tôi nói về cái gọi là chờ đúng thời điểm. Thời điểm đúng luôn luôn đến. Mặc dù quỷ tha ma bắt tôi đi nếu như tôi đã hy vọng thời cơ đến với mình theo cách này. Vui lên đi, Alvah. Đây chính là lúc chúng ta phải tiếp quản nó.”
“Tiếp quản cái gì?”
“Những tờ báo của Wynand.”
“Ông điên rồi, Ellsworth. Như tất cả bọn họ. Ông điên rồi. Ý ông là gì cơ? Gail giữ 51 phần trăm của...”
“Alvah, tôi yêu anh. Anh thật tuyệt vời, Alvah ạ. Tôi yêu anh, nhưng tôi ước gì anh không phải là một thằng ngốc chết tiệt như thế này, thì tôi mới có thể nói chuyện với anh được. Giá mà tôi có thể nói chuyện với một ai đó!”
Ellsworth Toohey cố thử nói chuyện với Gus Webb vào một buổi tối, nhưng buổi nói chuyện đó thật đáng thất vọng. Gus Webb lè nhè:
“Vấn đề của ông, Ellsworth à, là ông quá lãng mạn. Quá là lý thuyết suông. Ông lảm nhảm những cái đó để làm gì vậy? Không có một giá trị thực tế nào cả. Chuyện này chả có gì ăn được, và chỉ kéo dài một hai tuần. Tôi ước gì anh ta cho nổ tòa nhà khi có đầy người trong đó – vài đứa trẻ con bị nổ tan xác – như thế thì còn có chuyện mà nói. Như thế thì tôi còn thích nó. Phong trào cũng có thể lợi dụng điều đó. Nhưng còn cái này? Họ sẽ tống đồ ngốc kia vào nhà tù và chỉ có thế. Ông ư – một kẻ thực tế? Ông là một ví dụ không thể cứu chữa được của giới trí thức, Ellsworth, ông là thế đấy. Ông cho rằng ông là con người của tương lai ư? Đừng tự lừa dối mình như thế, cưng ạ. Tôi mới là người của tương lai.”
Toohey thở dài rồi đáp. “Anh nói đúng, Gus.”
Suối Nguồn (The Fountainhead) Suối Nguồn (The Fountainhead) - Ayn Rand Suối Nguồn (The Fountainhead)