Hồi 100(hết) - Châu Võ Vương Luận Công Chia Nước
ữa sau, Châu Thiên Tử lâm triều, bá quan vào chầu đủ mặt.
Tử Nha tâu việc chém hai tên nịnh thần, và nói:
- Tôi theo ý sắc Ngọc Hư, phong các thần cao thấp theo thứ bậc, từ nay bệ hạ khỏi lo. Song còn một điều là bệ hạ phải chia đất ít nhiều, phong cho các tôi có công trận.
Võ Vương phán:
- Trẫm có ý ấy đã lâu, song đợi Thượng phụ phong Thần nên trễ việc, nay phong thần đã xong tự ý Thượng phụ định liệu.
Bốn cha con Lý Tịnh, Vi Hộ, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử bảy người đồng quỳ tâu:
- Chúng tôi là người núi non, vâng lệnh thầy xuống giúp bệ hạ mà thôi, nay đã thái bình thạnh trị, chúng tôi xin về núi tu hành, còn việc phú quý chúng tôi không muốn.
Võ Vương phán:
- Trẫm nhờ các khanh tài cao phép lạ, công khó trí dày mới cứu nước cứu dân, nay thái bình thì các khanh lại không chịu hưởng giàu sang, trẫm nỡ nào để các khanh về núi.
Bảy người đồng tâu:
- Chúng tôi tuy đội ơn bệ hạ, nhưng không dám cãi thầy. Vả lại lòng tu hành còn nặng, không có ý hưởng tước quyền, xin bệ hạ cho chúng tôi toại nguyện.
Võ Vương biết không thể lưu lại được, buồn bã nói:
- Trước khi khởi binh, những trung thần nghĩa sĩ như mây rợp đất, thế mà sau cuộc chiến chinh, nửa đường bỏ mạng rất nhiều, trẫm lấy làm thảm thiết. Nay các khanh đòi rời trẫm, trẫm không thể ngăn được, vậy đợi trẫm tổ chức một tiệc tiễn hành các khanh lợi dụng lúc trẫm uống thật say mà ra đi để trẫm khỏi đau lòng.
Hôm sau, tiệc dọn tại trường đinh, bảy người tụ đủ mặt, Võ Vương bá quan đưa đón.
Bảy người ra tiếp giá, Võ Vương nắm tay phán:
- Các vị nay về núi tức là bậc tiên thần, không còn ràng buộc đạo vua tôi nữa. Vậy chớ khiêm nhường, hãy cùng trẫm đồng bàn uống cho thật say một bữa.
Bảy người đồng tạ ơn, ngồi vào dự tiệc.
Thiên hạ nghe đồn Thiên Tử đưa thần tiên về núi, đến xem rất đông.
Mãn tiệc, bảy vị từ giã, Võ Vương rưng rưng nước mắt.
Bảy người đồng an ủi:
- Xin bệ hạ an lòng cho chúng tôi về núi, ngày sau có dịp đến chầu.
Võ Vương y lời từ biệt.
Còn Tử Nha theo đưa một đỗi, hai bên gạt lệ chia tay.
Bảy vị sau này đều thành chánh quả.
Có bài thơ rằng:
Từ giã về non lánh tục trần
Thanh nhàn cảnh tỉnh rất an thân
Quyết thành chánh quả thành tiên thánh
Khỏi đọa luân hồi trả oán hận
Hai chữ thị phi đà chẳng bợn
Một câu vinh nhục cũng không cần
Vui chơi nào biết mùi dương thế
Dâu bể màng chi đổi mấy lần
Rạng ngày, Châu Võ Vương lâm triều, bá quan tung hô đủ mặt, Tử Nha và Châu Công Ðáng quỳ tâu.
- Nhờ bệ hạ cho bảy người về núi tu hành, vậy xin xuống chỉ phân phong cho đẹp lòng các tôi có công trận.
Võ Vương phán:
- Hôm qua bảy vị về non, trẫm buồn quá sức nay đến việc phân phong trẫm giao cho Thượng phụ và Ngự đệ thay mặt trẫm làm cho công bằng.
Hai vị vâng chỉ trở về dinh bàn với nhau làm sớ tâu trình.
Hôm sau, Võ Vương lâm triều, Châu Công Ðáng dâng sớ Võ Vương xem qua rất hài lòng, truyền Châu Công Ðáng tuyên đọc bản phân phong.
Châu Công Ðáng tuân lệnh lần lượt đọc rằng:
" Trước truy phong cho Vương tổ là Thái Vương, Vương Quý, Văn Vương, ba vị đồng làm Thiên tử.
Còn các vị cháu, chắc các trào vương khác được chia ra làm ngũ đẳng là: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.
Nếu nước nào nhỏ hơn năm bực ấy thì gọi là phụ dung.
Các chư hầu, mới chia nước kể ra như sau:
1- Nước Lỗ: Phong Hầu, Cơ Ðáng (Châu Công Ðáng) là con thứ tư vua Văn Vương. Bởi Châu Công phò Văn Vương, Võ Vương, sau con vua Võ Vương là Thành Vương còn nhỏ cũng nhờ Châu Công phò tá, có công giám quốc nên Thành Vương phong cho vuông vức 700 dặm làm chỗ thờ phụng Châu Công.
2- Nước Tề: Phong Hầu, Khương Thượng, Nguyên thuở trước cháu vua Thần nông là Bách, gọi là Tứ Nhạc, vốn họ Lữ. Vì phong làm Lữ hầu nên lấy nước làm họ. Lại có công trị thủy nên cho theo họ Khương. Bởi vậy nên có hai họ, Khương Thượng tên tộc là Vọng, nên gọi là ông Lữ Vọng. Nay được phong Tề Hầu, lại được chức Thái công nên đời sau gọi là Thái Công Vọng, nước Tề thuộc tỉnh Sơn Ðông, Huyễn huyện, lớn hơn các nước chư hầu khác.
3- Nước Yên: Phong Bá, do Cơ Quân Thích. Cơ Quân Thích là tôi có công trận, đồng tánh với vua, phò Văn Vương, Võ Vương đến lúc thâu thiên hạ làm chức Thái bảo. Bởi có đất riêng nơi ấp Thiệu nên gọi là Thiệu Công Ích. Nước Yên thuộc U Châu huyện Kế. Sau con là Bắc Yên Bá.
4- Nước Ngụy: Phong Bá, do Cơ Cao, Cơ Cao gọi là Tất Công Cao, cũng là tôi đồng tánh với vua. Nước Ngụy thuộc tỉnh Hà Nam huyện, huyện Cao Mật.
5- Nước Quản: Phong Hầu, do Cơ Thúc Tiên, nay thuộc tỉnh Hà Nam huyện Tín Dương. Phong ở gần Triều Ca mà giám quốc.
6- Nước Thái: Phong Hầu, Cơ Thúc Ðộ, nay thuộc về tỉnh Hà Nam, phủ Nhữ Ninh, huyện Thái. Cũng phong gần Triều Ca mà giám quốc. Sau lấy nước làm họ, nên kêu Thái Thúc Ðộ, Quản Thúc Tiên.
7- Nước Tào: Tào Bá, Cơ Thúc Ðạt, em Võ Vương. Nước Tào nay gọi là phủ Tế Dương, huyện Ðịnh Ðào.
8- Nước Thành: Thành Bá, Cơ Thúc Võ, em Võ Vương. Nước Thành nay thuộc về tỉnh Sơn Ðông, phủ Diễn Châu, huyện Văn Thượng.
9- Nước Hoắc: Hoắc Bá, Cơ Thúc Xử, em Võ Vương. Nay thuộc về tỉnh Sơn Tây, phủ Bình Dương.
10- Nước Vệ: Vệ Hầu, Cơ Khương Thúc, em một mẹ với Võ Vương. Nước Vệ thuộc về Ký Châu.
11- Nước Ðằng: Ðằng Hầu, Cơ Thúc Tú, em Võ Vương. Nay thuộc về tỉnh Sơn Ðông, huyện Khưu.
12- Nước Tấn: Tấn hầu, con vua Võ Vương, phong tại đất Ðường, gọi là Ðường Thúc Ngu, sau mới cải lại nước Tấn. Nay thuộc về tỉnh Sơn Tây, phủ Bình Dương, huyện Ðáng, thành Ðộng Dực.
13- Nước Ngô: Ngô Tử là con cháu Thái Bá, ông Thái Bá là con lớn vua Thái Vương. Nay thuộc về Ngô Quận.
14- Nước Ngu: Ngu Công con cháu Trọng Ung, ông Trọng Ung là con cháu giữa vua Thái Vương. Bởi vua Võ Vương phạt Trụ rồi, tìm con cháu của ông mà phong.
15- Nước Quách: Quách Công là Trọng Quách em ruột vua Văn Vương. Nước Quách tại đất Hoàng Nông, huyện Hiệp.
16- Nước Sở: Sở Tử họ Mỹ, dòng giống vua Chuyên Húc. Mỹ Tử là Dực Hùng, làm thầy vua Văn Vương. Bởi có công lao, nay Võ Vương phong nước Sở, làm đầu coi các nước di dịch tại Kính Man. Bây giờ thuộc quận Ðơn Dương, huyện Chi Giang.
17- Nước Hứa: Hứa Nam, họ Khương cũng dòng giống ông Lữ Nhạc. Nay thuộc về Hứa Châu.
18- Nước Tần: Tần Bá họ Dinh, dòng giống vua Chuyên Húc. Bởi đời trước có công, nên Võ Vương phong Khương Bá Y¨ làm Bá nước Tần. Nay thuộc về tỉnh Hiệp Tây, phủ Tây An.
19- Nước Cử: Cử Tử họ Dinh dòng giống vua Thiếu Hạo. Bởi đời trước có công, nên Võ Vương phong Tử Dữ Kỳ làm Bá nước Cử.
20- Nước Kỷ: Kỷ Hầu họ Khương, là con thứ ông Tử Nha. Bởi Võ Vương nhớ công lao Tử Nha nên phong con thứ Tử Nha riêng một nước Kỷ, còn con trưởng nam Tử Nha nối chức cha ở nước Tề. Ấy là việc sau này, ở đây có sẳn dịp nói luôn. Nước Kỷ thuộc huyện Kịch.
21- Nước Trâu: Phong chức Tử cho họ Tào, con thứ năm ông Lục Chung. Nay thuộc về tỉnh Sơn Ðông, huyện Trâu.
22- Nước Tiết: Phong Tiết Hầu, họ Nhậm, dòng giống vua Huỳnh Ðế, gọi là Nhậm Trọng Huề, nay thuộc về tỉnh Sơn Ðông, Châu Nghi.
23- Nước Tống: Tấn Công, họ Vi Tử, con trai lớn dòng thứ của vua Ðế Ất. Bởi Trụ Vương vô đạo, Vi Tử ôm thần chủ và đồ tế qua đầu Châu. Bây giờ được phong bậc Công, trị nước Tống. Nay thuộc huyện Hoài Dương.
24- Nước Khởi: Khởi Bá họ Tỉ, dòng giống vua Hạ Võ, vua Võ Vương tìm ra Tỷ Ðông Lâu, phong làm Bá trị nước Khởi để hương khói cho vua họ Võ. Nay thuộc về phủ Khai Phong, huyện Uông Khưu.
25- Nước Trần: Trần Hầu, họ Huy, dòng giống vua Thuấn, làng Ác Phủ, có nghề làm đồ gốm cho Võ Vương. Võ Vương truy ra nên gả con lớn là Thái Cơ, phong làm hầu trị tước nước Trần để thờ phượng vua Thuấn. Nay gọi là huyện Trần.
26- Nước Kế: Kế Hầu, họ Cơ, dòng giống vua Nghiêu. Nay thuộc về tỉnh Bắc Kinh, phủ Thuận Thiên.
27- Nước Cao Ly: Cao Ly Tử là con cháu ông Cơ Tử. Bởi Cơ Tử không chịu đầu Châu, Võ Vương mời ra mắt, Cơ Tử nói đến sách Hồng Phạm một hồi rồi từ giã qua đất Liêu Ðông ẩn dật. Võ Vương phong nước này làm nước Cao Ly, Cơ Tử nối dòng làm tước tử tại đó.
Ấy là nói sơ lược hai mươi bảy nước lớn, con bà con với Võ Vương, với dòng họ các vua đời trước, cùng kẻ có công trận, cộng là bảy mươi hai nước, kể sao cho cùng. Ví dụ nước Việt nơi quận Cốc Kê, phong đất Hướng nơi Tiều Quốc, đất Phàng phong làm nước Cáp, nước Túc phong làm Ðông Bình, phong nước Cáo thành nước Tế Âm, phong nước Ðặng nơi đất Vĩnh Xuyên, phong nước Nhung nơi đất Trần Lưu, phong nước Duế nơi đất Phúng Dực, phong nước Cực làm phụ dung, phong nước Cốc nơi đất Nam Dương, phong nước Mâu nơi đất núi Thái Sơn, phong nước Cát nơi Lượng quốc, phong nước Nghiêu làm phụ dung, phong nước Ðàm nơi đất Bình Lăng, phong tước Hượt nơi tỉnh Hà Nam, phong nước Hinh nơi Tương quốc, phong nước Giang nơi đất Như Nam, phong nước Ký nơi Bì huyện, phong nước Tử nơi huyện Hàm Hỉ, phong nước Thơ nơi đất Lư Giang, phong nước Huyền nơi đất Dực Dương, phong nước Tằng nơi đất Lang Nha, phong nước Lộ nơi đất Nghĩa Dương, phong nước Hạnh nơi đất Nhữ Nam, phong nước Anh nơi đất Sở, phong nước Thân nơi đất Nam Dương, phong nước Cung nơi quận Cấp, phong nước Di nơi Thành Dương.
Các nước ấy nói sơ lược mà thôi, nếu đem vào truyện thì sẽ gây khó chịu cho người đọc.
Còn Nam Cung Hoát, Táng Nghi Sanh, Hoằng Yên đều được phong cấp nhỏ hết.
Ngày hôm ấy Võ Vương dọn tiệc đãi Công, Hầu, Bá, Tử, Nam, chúa tôi vui mừng ăn uống.
Võ Vương lại còn xuất của kho thưởng cho các người đó.
Ðến khi mãn tiệc, các chư hầu đều lui về nước lo cai trị dân mình.
Có bài thơ rằng:
Võ Vương gầy dựng sự nghiệp Châu,
Luận công chia đất đặt chư hầu
Ba vua chớ gọi nơi nền nếp,
Nhờ có rào thưa mới trị lâu
Bấy giờ chỉ có Châu Công Ðáng, Triệu Công Thích ở lại triều ca phò Võ Vương trị nước.
Võ Vương nói với Châu Công Ðáng:
- Hạo kinh chính giữa thiên hạ quả là khí tượng đế vương. Vậy ngự đệ với Triệu Công Thích dời đế đô về đó, trẫm đẹp lòng nơi đó.
Châu Công Ðáng vâng lệnh, truyền chỉ lại, Triệu Công Thích tuân theo dời đô về nơi đó. Nay gọi là tỉnh Hiệp Tây, phủ Tây An, huyện Hàm Dương.
Võ Vương lại phán:
- Tướng phụ nay đã già, ở triều chầu chực mệt lắm, hôm nay trẫm cho cung nữ, ngọc ngà châu báu, búa Việt cờ Mao, được quyền chinh phạt về nước Tề cai trị, hưởng phúc thái bình.
Khương Thái Công tạ ơn lãnh thưởng của Võ Vương rồi lên đường về Tề quốc.
Võ Vương lại truyền quân dọn tiệc thết đãi để tiễn Khương Thái Công về nước.
Khương Thái Công tạ ơn và thưa:
- Tôi được phong cai trị một cõi, ngặt vì nay già nua không chầu bệ hạ được, không biết ngày nào vua tôi gặp nhau.
Võ Vương an ủi:
- Bởi tướng phủ già nua lại mệt nhọc theo việc trào, nên trẫm cho về nước đặng dưỡng lão.
Khương Thái Công không biết nói sao đành lủi thủi lên xe về nước.
Ngày kia, Khương Thái Công về đến nước Tề, sực nhớ đến Tống Dị Nhơn, người ơn của mình, bởi lâu nay lo việc nước nên không lui tới hỏi thăm được, nay thiên hạ thái bình, Khương Thái Công muốn đền đáp ơn xưa, liền sai quân về Triều Ca thỉnh rước. Nhưng vợ chồng Tống Dị Nhơn đã qua đời, chỉ còn con cái nhưng nay đã giàu sang, liền viết thơ cho sứ.
Sứ thần đem thơ về dâng, Khương Thái Công xem xong buồn bực, sai người đem lễ vật sang biếu con Dị Nhân.
Bấy giờ Khương Thái Công cai trị nước Tề được năm tháng thì thiên hạ nghiêm trang, sau Khương Thái Công sanh được người con trưởng tên Cáp và con thứ.
Về sau Khương Thái Công qua đời, công tử Cáp lên nối ngôi cha.
Võ Vương lại phong con thứ của Thái Công làm Hầu trị nước Kỷ.
Võ Vương cai trị thiên hạ thái bình.
Sau Võ Vương băng hà, con là Thành Vương lên nối ngôi, cũng được Châu Công phò tá thiên hạ thái binh, lạc nghiệp.
Phong Thần Diễn Nghĩa Phong Thần Diễn Nghĩa - Hứa Trọng Lâm Phong Thần Diễn Nghĩa